Trang chủ

Hội thảo khoa học: Đề tài cấp Bộ năm 2016

Đăng ngày: 14-12-2016, 14:39 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Từ ngày 12 đến ngày 13/12/2016, tại phòng họp tầng 12, trụ sở số 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học trình bày kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ năm 2016 do các nhà khoa học công tác tại Viện làm chủ nhiệm đề tài. Hội thảo có sự tham gia của toàn thể các cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Năm 2016, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có 4 đề tài khoa học cấp Bộ được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành nghiệm thu trong tháng 12/2016. Các đề tài này được thực hiện trong hai năm từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2016.

Tại Hội thảo, ngày 12/12/2016, PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã trình bày kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Cải cách Abenomics: Kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam”. Abenomics có nghĩa là “Kinh tế học của Thủ tướng Abe” được ghép từ “Abe và “economics”. Đây là một kế hoạch cải cách đầy tham vọng được ông Shinro Abe, Thủ tướng Nhật Bản đưa ra từ sau khi tái đắc cử Thủ tướng (12/2012). Chính sách kinh tế Abenomics bao gồm 3 trụ cột chính là: chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách thúc đẩy chi tiêu công và chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Trong phần trình bày của mình, PGS.TS. Phạm Quý Long đã tập trung làm rõ mục tiêu nghiên cứu và một số nội dung nghiên cứu chính của đề tài: 1. Bối cảnh ra đời của cải cách Abenomics; 2. Nội dung và tác động của việc triển khai cải cách Abenomics tới nền kinh tế Nhật Bản; 3. Triển vọng của Abenomics và hàm ý cho Việt Nam.

Hội thảo khoa học: Đề tài cấp Bộ năm 2016

PGS.TS. Phạm Quý Long trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

Các nội dung PGS.TS. Phạm Quý Long trình bày đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Nhiều câu hỏi, vấn đề được đặt ra liên quan đến các mục tiêu của cải cách Abenomics, tác động của cải cách Abenomics hay phương pháp thu thập số liệu của đề tài đã được PGS.TS. Phạm Quý Long nhiệt tình giải đáp, chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 13/12/2016, TS. Võ Hải Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc đã trình bày kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Chính sách quản lý đầu tư công ở Hàn Quốc: Bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam”. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quản lý đầu tư công ở Hàn Quốc, tập trung vào các chính sách, cách thức, biện pháp nhằm quản lý đầu tư công hiệu quả của chính phủ Hàn Quốc hiện nay. Trong phần trình bày của mình, TS. Võ Hải Thanh đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của đề tài và một số nội dung nghiên cứu chính của đề tài, đó là: 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư công và quản lý đầu tư công; 2. Thực trạng chính sách quản lý đầu tư công ở Hàn Quốc; 3. Bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam.

Hội thảo khoa học: Đề tài cấp Bộ năm 2016

TS. Võ Hải Thanh trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

Các nội dung nghiên cứu của đề tài đã nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi từ các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, trong đó các câu hỏi, vấn đề liên quan đến hệ thống quản lý đầu tư công của Hàn Quốc; hiệu quả kinh tế, xã hội của đầu tư công hay sự khác biệt về quản lý đầu tư công giữa các quốc gia đã được TS. Võ Hải Thanh chia sẻ, giải đáp một cách thẳng thắn, cởi mở.

Hội thảo không chỉ giúp các chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi để tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức mà còn giúp các cán bộ nghiên cứu đặc biệt là cán bộ nghiên cứu trẻ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, phương pháp bổ ích trong nghiên cứu khoa học. Dự kiến hội thảo về hai đề tài cấp Bộ của TS. Trần Quang Minh và TS. Hoàng Minh Lợi sẽ được tổ chức trong tháng 01/2017.

Phương Hoa

0thảo luận