Trang chủ

Hội thảo quốc tế “Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững”

Đăng ngày: 7-10-2016, 04:04 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện, Hội nghị - Hội thảo

Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và sự tài trợ của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), ngày 28/9/2016, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững”.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Nhật Bản có Ngài Nagai Katsuro, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Bà Mariko Mugitani, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á, Ban nghiên cứu Nhật Bản và Trao đổi tri thức, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Tokyo; Ông Kawai Jun, Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; Bà Noriko Nishimura, đại diện Ban Chính trị và Ông Nakano Akihiko đại diện Ban Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng các học giả đến từ Nhật Bản. Về phía Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và các Phó Viện trưởng là PGS.TS. Phạm Quý Long và PGS.TS. Phạm Hồng Thái cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; hơn 20 học giả Việt Nam, gần 100 cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đến từ nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm và một số trường đại học tại Hà Nội (Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch…) và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Hiện nay, thế giới đang bước vào một giai đoạn mới với những biến chuyển to lớn, đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề mang tính toàn cầu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong lĩnh vực kinh tế, càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được ngày càng tăng thêm. Về xã hội, sự phân hóa giàu nghèo dẫn tới sự bất ổn trong xã hội đang trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Môi trường đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng (hiện tượng trái đất nóng lên, nguy cơ đe dọa nguồn đa dạng sinh học, hiện tượng sa mạc hóa…). Do vậy, quá trình phát triển có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới.

Ngài Nagai Katsuro phát biểu tại Hội thảo

Ở Việt Nam, chủ đề phát triển bền vững (PTBV) đóng vai trò quan trọng và thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. PTBV được coi là mục tiêu cơ bản trong việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường mà Việt Nam đang hướng tới. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện các chính sách này, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc đảm bảo PTBV, song vẫn gặp phải những bất cập, hạn chế cũng như thách thức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu, nhà khoa học và khẳng định, trước tình hình thế giới và Việt Nam đang biến đổi, việc tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác là vấn đề cấp thiết nhằm thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng PTBV. Theo đó, những kinh nghiệm của Nhật Bản về việc đảm bảo PTBV trong phát triển kinh tế sẽ là những bài học tham khảo hữu ích cho Việt Nam; đồng thời, đánh giá cao những hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của Nhật Bản về kinh tế, văn hóa, xã hội với tư cách là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Qua đó, Hội thảo là dịp để các học giả hai nước, Việt Nam và Nhật Bản cùng nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện về quá trình xây dựng xã hội theo hướng PTBV ở hai nước, đặc biệt là những vấn đề cần được quan tâm thúc đẩy trong quá trình hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam, nhằm đảm bảo sự PTBV của Việt Nam từ những kinh nghiệm của Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Nagai Katsuro khẳng định, PTBV là một nội dung rất quan trọng mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra trong Chiến lược PTBV của toàn cầu. Đồng thời cho biết, Nhật Bản đã tham gia rất tích cực, nỗ lực đưa ra các chính sách để thực hiện quá trình, chủ trương, quan điểm về PTBV; ghi nhận thành quả trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước trong các hợp tác liên quan đến sự phát triển kinh tế- xã hội, chính sách trong đối sách về biến đổi khí hậu và giải quyết môi trường…

Qua đó mong muốn những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản ở các lĩnh vực khác nhau tại Hội thảo sẽ là những đề xuất quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các chính sách PTBV, nâng cao năng lực đàn hồi của xã hội, góp sức vào sự phát triển của Việt Nam nói riêng cũng như trong quan hệ hợp tác hai nước nói chung.

Ngài Kwai Jun phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh trình bày tham luận tại Hội thảo

Đại diện Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, phát biểu tại Hội thảo, Ngài Kwai Jun đã giới thiệu khái quát các hoạt động chính của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản và nhấn mạnh, việc nghiên cứu và xem xét các nội dung về PTBV hay khả năng phục hồi để đạt tới sự phát triển mới trong tương lại đóng vai trò quan trọng và cấp thiết ở xã hội hiện đại với nhiều biến động không chỉ đối với Nhật Bản và Việt Nam mà còn là vấn đề chung của toàn thế giới…; hy vọng Hội thảo sẽ gợi mở thêm nhiều dự án hợp tác nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu hai nước thực hiện trong thời gian tới.

TS. Trần Quang Minh và GS.TS. Mizobata Satoshi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, Đại học Kyoto chủ trì phiên 1

PGS.TS. Phạm Quý Long và GS.TS. Dimiter Ialazov chủ trì phiên 2

Hội thảo nhận được 31 tham luận, trong đó 16 tham luận trình bày tại Hội thảo, chia làm 04 phiên thảo luận, tập trung vào 04 vấn đề chính như sau:

Phiên 1: PTBV– Con đường phát triển tất yếu, các diễn giả (PGS.TS. Đặng Nguyên Anh; GS. Oyane, Đại học Senshu; TS. Hoàng Văn Cương, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS.TS. Dimiter Ialanzov, Đại học Kyoto, Nhật Bản) trình bày về bền vững xã hội- Định hướng quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới; những tiêu chuẩn mới cho việc kiến tạo một xã hội phòng chống thảm họa bền vững (xem xét những hoạt động phục hồi trong các cộng đồng); bảo đảm an sinh xã hội – Giải pháp để PTBV kinh tế - xã hội của Việt Nam; PTBV tại Việt Nam nhìn từ khía cạnh phát triển năng lượng tái tạo.

Phiên 2: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo PTBV về kinh tế, các đại biểu nghe 4 tham luận của GS.TS. Mizobata Satoshi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế (KIER), Đại học Kyoto; PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm; GS. Ito Tetsuji, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu (ICAS), Đại học Ibaraki; Ông Hà Huy Ngọc, Viện Địa lý nhân văn trình bày các nội dung về kinh tế học đối với việc cấu trúc một xã hội bền vững – Hợp tác kinh tế Nhật Bản và Việt Nam; tăng trưởng kinh tế hướng tới PTBV ở Việt Nam và khả năng hợp tác với Nhật Bản; cộng đồng địa phương PTBV từ góc độ “phòng chống thiên tai” và kinh nghiệm về thảm họa; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia: Con đường tất yếu để PTBV ở Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Hồng Thái và GS. Oyane Jun chủ trì phiên 3
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng và GS.TS. Ito Tetsuji chủ trì phiên 4

Phiên 3: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo PTBV về xã hội, các diễn giả (TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS. Murakami Shunsuke, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và GS. Shimane Katsumi Đại học Senshu; TS. Trần Thị Nhung, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) phân tích chính sách phát triển và sự biến đổi văn hóa- sinh kế cộng đồng dân cư (nghiên cứu trường hợp tác động của “Đề án di dời dân cư nhà bè trên vịnh Hạ Long” đối với cư dân làng chài); sự thay đổi quan điểm nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản; Hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (thành tựu và triển vọng); Tang lễ cận đại hóa: So sánh trường hợp của Việt Nam và Nhật Bản.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phiên 4: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo PTBV về môi trường, các đại biểu được nghe 4 tham luận của các diễn giả (ThS. Nguyễn Đình Hòa, Viện Kinh tế Việt Nam- Viện Hàn lâm; GS.TS. Tamura Makoto, Đại học Ibaraki; TS. Dương Thị Toan, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Yasuhara Kazuya, Đại học Ibaraki) trình bày về hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về PTBV trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; nghiên cứu về đối sách thích ứng mang tính PTBV với biến đổi khí hậu ở khu vực duyên hải Việt Nam; thuyết trình một số kết quả hợp tác trong hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản về ổn định đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong bối cảnh biến đổi khí hậu; bài học từ lũ lụt ở thành phố Jousho do sự cố vỡ đê sông Kinugawa năm 2015.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Qua 4 phiên của Hội thảo với những ý kiến đóng góp, trao đổi sôi nổi của học giả hai nước, phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Trần Quang Minh đã tóm lược những nội dung thảo luận chủ yếu như sau: 1. Về mô hình phát triển, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng để PTBV; 2. Về chính sách tăng trưởng theo hướng PTBV (khoảng cách xa từ chính sách đến thực tiễn của các chính sách của Chính phủ Việt Nam); 3. Về những kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam trong việc đảm bảo PTBV (chỉ rõ những kết quả nghiên cứu trên cơ sở phân tích các thông tin từ điều tra điền dã, nghiên cứu thực địa), trong đó, nhấn mạnh đến quan điểm mới của Nhật Bản là “tính đàn hồi” hay khả năng “phục hồi” của một cộng đồng dân cư, một xã hội, một quốc gia…;4. Về việc đẩy mạnh hợp tác Việt Nam – Nhật Bản nhằm đảm bảo PTBV, sự hợp tác đó cần tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng PTBV từ tăng trưởng nâu sang tăng trưởng xanh (chú trọng phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo), đảm bảo các chế độ an sinh xã hội về y tế, giáo dục, việc làm, tiền lương, bảo hiểm, nhà ở…, đào tạo năng lực tự thích ứng của các cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm xã hội trong việc thích ứng với những “cú sốc” do thiên nhiên và con người gây ra.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đồng thời là diễn đàn trao đổi hữu ích của các nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau về xây dựng xã hội PTBV; qua đó góp phần củng cố sự gắn kết lâu dài, hữu nghị với các trường đại học và các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng như tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu, kết nối mạng lưới và giao lưu học thuật với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác trong việc đảm bảo sự PTBV giữa Việt Nam – Nhật Bản thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

0thảo luận