Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á NĂM 2014 TẬP 2: VĂN HÓA – XÃ HỘI – MÔI TRƯỜNG

Đăng ngày: 13-06-2016, 03:03 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Trần Quang Minh – Phan Cao Nhật Anh đồng chủ biên

Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, 437 trang

Kí hiệu: Vv2744

Tăng cường chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong nhiều năm qua. Trong năm 2014, nhằm kịp thời xã hội hóa những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã lựa chọn một số báo cáo tổng hợp có chất lượng tốt nhất trong số hơn 20 đề tài cấp cơ sở của Viện năm 2013, bổ sung, chỉnh sửa và biên tập thành cuốn sách có tiêu đề “Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2013”. Sau khi xuất bản, cuốn sách nhận được rất nhiều lời động viên, khuyến khích từ bạn đọc. Phát huy những thành quả đạt được, năm 2015, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tiếp tục ra mắt bạn đọc công trình “Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2014”. Cuốn sách gồm 2 tập với 2 nhóm chủ đề là Chính trị - An ninh – Kinh tế và Văn hóa – Xã hội – Môi trường. Đây là kết quả lựa chọn những đề tài cấp cơ sở của Viện năm 2014 đã được nghiệm thu đạt loại Xuất sắc và loại khá.

Tập 2 (437 trang) gồm 2 phần đề cập đến các vấn đề văn hóa và xã hội – môi trường của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phần 1: Văn hóa. Phần này gồm 4 công trình của các cán bộ Viện nghiên cứu Đông Bắc Á về vấn đề văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bài viết “Ảnh hưởng của những giá trị Nho giáo đối với đời sống văn hóa – xã hội Hàn Quốc hiện đại” tìm hiểu và nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo theo hai hướng tích cực và tiêu cực đối với văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục, văn hóa công ty và văn hóa cộng đồng ở Hàn Quốc trong thời kỳ hiện đại.

Bài viết “Đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa của hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Nhật” trình bày khái niệm về từ chối, khái niệm và đặc điểm của hành vi từ chối, khái niệm về cầu khiến, khái niệm và đặc điểm của hành vi cầu khiến, từ đó đưa ra khái niệm về hành vi từ chối lời cầu khiến, làm rõ đặc điểm ngôn ngữ của hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Nhật thể hiện ở các phương thức và biểu thức ngôn ngữ biểu hiện từ chối, phân tích đặc điểm văn hóa của hành vi từ chối lời cầu khiến thông qua các tư liệu khảo sát lời từ chối của sinh viên Nhật Bản trên thực tế.

Bài viết “Ảnh hưởng của Manga Nhật Bản đến học sinh phổ thông Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội” khái quát về Manga Nhật Bản và sự du nhập của Manga vào Việt Nam, trình bày thực trạng đọc Manga của học sinh phổ thông Hà Nội, phân tích ảnh hưởng của Manga đối với sự trưởng thành của học sinh phổ thông Hà Nội.

Bài viết “Sự phát triển của trào lưu tôn giáo mới ở Nhật Bản từ kết thúc chiến tranh thế giới II đến nay” trình bày khái niệm, nguyên nhân và đặc điểm của tôn giáo mới ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II đến nay, phân tích sự phát triển của trào lưu tôn giáo mới ở Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1970, từ những năm 1970 đến năm 1995 và từ năm 1995 đến nay.

Phần 2: Xã hội và Môi trường. Phần này gồm 3 công trình của các cán bộ Viện nghiên cứu Đông Bắc Á về vấn đề xã hội và môi trường của Nhật Bản.

Bài viết “Chính sách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản” trình bày chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài viết “Lưu học sinh và thực tập sinh: Nguồn lao động giá rẻ của Nhật Bản” đi sâu tìm hiểu về hai nhóm người lao động nước ngoài làm công việc giản đơn ở Nhật Bản là lưu học sinh và thực tập sinh.

Bài viết “Phát triển nguồn năng lượng xanh của Nhật Bản: Thực trạng và triển vọng” trình bày thực trạng khai thác và sử dụng năng lượng xanh của Nhật Bản, phân tích triển vọng phát triển năng lượng xanh của Nhật Bản.

Thông qua 437 trang, cuốn sách đã giới thiệu khá đầy đủ các công trình nghiên cứu khoa học thuộc diện đề tài cấp Cơ sở năm 2014 của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường của một số nước trong khu vực Đông Bắc Á. Với logic trình bày khá hợp lý, chia các công trình nghiên cứu thành các mảng cụ thể, cuốn sách giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt vấn đề. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho độc giả là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những ai muốn tìm hiểu về  khu vực Đông Bắc Á nói chung. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận