Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á NĂM 2014 TẬP 1: CHÍNH TRỊ - AN NINH – KINH TẾ

Đăng ngày: 13-06-2016, 02:57 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Trần Quang Minh – Võ Hải Thanh đồng chủ biên

Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, 454 trang

Kí hiệu: Vv2740

Tăng cường chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong nhiều năm qua. Trong năm 2014, nhằm kịp thời xã hội hóa những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã lựa chọn một số báo cáo tổng hợp có chất lượng tốt nhất trong số hơn 20 đề tài cấp cơ sở của Viện năm 2013, bổ sung, chỉnh sửa và biên tập thành cuốn sách có tiêu đề “Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2013”. Sau khi xuất bản, cuốn sách nhận được rất nhiều lời động viên, khuyến khích từ bạn đọc. Phát huy những thành quả đạt được, năm 2015, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tiếp tục ra mắt bạn đọc công trình “Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2014”. Cuốn sách gồm 2 tập với 2 nhóm chủ đề là Chính trị - An ninh – Kinh tế và Văn hóa – Xã hội – Môi trường. Đây là kết quả lựa chọn những đề tài cấp cơ sở của Viện năm 2014 đã được nghiệm thu đạt loại Xuất sắc và loại khá.

Tập 1 (454 trang), gồm 2 phần về các chủ đề chính trị – an ninh và kinh tế nhằm đưa ra cách tiếp cận trên cơ sở nghiên cứu về mối quan hệ hợp tác trong cộng đồng các nước khu vực Đông Bắc Á về phương diện Chính trị - An ninh – Kinh tế, đặc biệt là trong hoàn cảnh quốc tế hiện nay.

Phần 1: Chính trị - An ninh. Phần này giới thiệu bốn công trình nghiên cứu của cán bộ Viện Đông Bắc Á liên quan đến hai nước Nhật Bản và Trung Quốc.

Bài viết “Tác động của hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ đối với Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á từ năm 2000 đến nay” trình bày sự ra đời, phát triển và một số điều chỉnh  bổ sung từ năm 2000 đến nay của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ, phân tích tác động của Hiệp ước an ninh Nhật Mỹ đối với Nhật Bản về lĩnh vực chính trị và an ninh, xã hội, môi trường phát triển và tác động của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á.

Bài viết “Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản” trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tập trung phân tích và làm rõ những điều chỉnh chính của ngoại giao Trung Quốc về mục tiêu đối ngoại, giải pháp đối ngoại và phương thức thực hiện đối ngoại từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản cho đến nay.

Bài viết “Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tới khi ký kết Hiệp ước Hòa bình hữu nghị (1972 – 1978)” trình bày bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình hai nước Nhật Bản, Trung Quốc trong giai đoạn 1972 – 1978, nêu lên quá trình đàm phán và ký kết các Hiệp định quan trọng: Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao, Hiệp định hàng không, Hiệp ước hòa bình hữu nghị trong quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước trong giai đoạn này; phân tích quan hệ kinh tế, quan hệ văn hóa Nhật – Trung.

Bài viết “Cải cách bộ máy hành chính ở Nhật Bản giai đoạn phục hồi và tái thiết kinh tế (1945 – 1954)” tập trung vào ba vấn đề chính: những đòi hỏi tất yếu của cải cách, nội dung chủ yếu của cải cách và tác động của cải cách.

Phần 2: Kinh tế. Phần này giới thiệu bốn công trình nghiên cứu của cán bộ Viện Đông Bắc Á về lĩnh vực kinh tế liên quan đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.

Bài viết “Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao 1955 – 1973” đi vào tìm hiểu mô hình Nhà nước phát triển và so sánh với thực tiễn kinh tế của Nhật Bản, đồng thời làm rõ Nhà nước phát triển ở Nhật Bản đã tác động như thế nào đến quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Nhật Bản giai đoạn 1955 – 1973.

Bài viết “Thực trạng quản lý nguồn nhân lực đa dạng trong các công ty Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay” trình bày cở lý luận về quản lý đa dạng, khái quát quản lý đa dạng tại các doanh nghiệp Mỹ, phân tích về quản lý đa dạng tại các doanh nghiệp Hàn Quốc, từ đó đánh giá những thành công, hạn chế của quản lý đa dạng tại các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bài viết “Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA) Đài Loan – Trung Quốc: Tác động và triển vọng” đi sâu phân tích và làm rõ nội dung thực thi của Hiệp định ECFA từ khi hai bên ký kết đến nay; đánh giá những tác động của Hiệp định này đối với mối quan hệ hai bên bờ eo biển Đài Loan; từ đó rút ra một số dự báo về triển vọng quan hệ kinh tế giữa hai bên trong những năm tới.

Bài viết “Quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai bờ eo biển Đài Loan từ đầu thập kỷ 1990 đến nay” phân tích quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai bờ eo biển nhằm hiểu rõ phương diện trao đổi thương mại trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, vị trí của nó trong mạng sản xuất khu vực, đồng thời đưa ra một số đánh giá triển vọng quan hệ thương mại hai bờ trong thời gian tới.

Thông qua 454 trang, cuốn sách đã giới thiệu khá đầy đủ các công trình nghiên cứu khoa học thuộc diện đề tài cấp Cơ sở năm 2014 của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Với logic trình bày khá hợp lý, chia các công trình nghiên cứu thành các mảng cụ thể, cuốn sách giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt vấn đề. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận