Trang chủ

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NHO GIÁO TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

Đăng ngày: 27-05-2016, 06:57 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Phạm Văn Đức, GS. Hwang Eui Dong,

GS. Kim Sea Jeong đồng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, 394 trang

Kí hiệu: Vv2735

Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm trong vùng tiếp xúc với văn hóa Hán, đều chịu ảnh hưởng lâu dài của Nho giáo trong lịch sử. Nho giáo tuy xuất phát từ Trung Quốc sau đó truyền bá tới Việt Nam và Hàn Quốc, song Nho giáo của Việt Nam và Nho giáo của Hàn Quốc ngoài những điểm tương đồng, cũng có những điểm khác biệt. Làm rõ được những điểm tương đồng và khác biệt này, chúng ta càng có thêm cơ sở để chia sẻ những nét văn hóa chung của nhau. Hơn nữa đây còn là cơ hội để khám phá những nét đặc thù dân tộc, bản sắc văn hóa của mỗi nước.

Nho giáo không chỉ có vai trò trong quá khứ của Việt Nam và Hàn Quốc, mà hiện nay, nó còn có nhiều ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực đạo đức, đời sống tinh thần, phong tục tập quán, lối sống, nếp suy nghĩ của người dân hai nước. Nắm được những mặt tích cực của Nho giáo để phát huy cũng như tìm ra những hạn chế của nó để khắc phục là một yêu cầu đối với các nhà khoa học trong việc tìm ra lời giải đáp cho các vấn đề bức thiết của xã hội hiện nay. Trên tinh thần đó, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Nho giáo thuộc trường Đại học Chungnam, Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo quốc tế theo Dự án nghiên cứu Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Hàn Quốc. Cuốn sách Trách nhiệm xã hội của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc là một phần kết quả của Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc” tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 2013. Nội dung của cuốn sách đã tập hợp bài viết của các học giả Việt Nam và Hàn Quốc tại Hội thảo và được chia thành ba phần:

Phần 1, Nho giáo Việt Nam và vấn đề trách nhiệm xã hội: một số vấn đề lý luận chung. Trong phần này, các học giả đi sâu về vấn đề trách nhiệm trong Nho giáo Việt Nam; đạo đức Nho giáo: nghĩa vụ làm người và trách nhiệm xã hội; Nho sĩ Việt Nam với Nho học; một vài suy nghĩ về ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Phần 2, vấn đề trách nhiệm xã hội trong tư tưởng các nhà Nho Việt Nam. Với các bài viết cụ thể là vai trò của Nho giáo và Phật giáo trong thời Trần ở Việt Nam; trách nhiệm xã hội trong quan niệm của Nho giáo và sự biểu hiện của nó trong tư tưởng Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông; quan niệm về trách nhiệm của Ngô Thì Nhậm - một Nho gia của Đại Việt thế kỷ XVIII; vấn đề trách nhiệm trong quan hệ gia đình qua tư tưởng của một số nhà Nho Việt Nam; trách nhiệm nhà nước trong tư tưởng của Minh Mạng; quan niệm về trách nhiệm và trách nhiệm xã hội của nhà Nho Phan Bội Châu.

Phần 3, vấn đề trách nhiệm xã hội trong tư tưởng các nhà Nho Hàn Quốc. Ở phần này, các học giả đi sâu phân tích về vai trò của Nho giáo trong lịch sử Hàn Quốc; vấn đề “ánh sáng” trong tư tưởng văn hóa phương Đông; việc truyền thừa truyền kỳ Phật giáo và mối quan hệ của nó với Nho giáo trong giai đoạn cuối Goryeo đầu Joseon; ý thức sinh thái của học giả tính lý học Yul-gok Yi I; nhận thức về hiện thực và lý luận về quốc gia lý tưởng của Ban-gye Yu Hyeong Won; sự phản tỉnh về trách nhiệm nho sĩ của phái thực học thời Joseon qua văn chương Pak Ch’i Weon; tư tưởng thương dân và vai trò dẫn đầu của Da-san - tác phẩm Mục dân tâm thư; hướng phát triển tư tưởng trong dân chúng Việt Nam và Hàn Quốc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; ý nghĩa hiện đại của việc tế tự tổ tiên trong Nho giáo.

Nho giáo nói riêng và truyền thống văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc nói chung không chỉ là những bài học lịch sử, mà còn là sự gợi mở mang tính trí tuệ cho chúng ta soi sáng con đường phía trước. Thông qua các hội thảo giữa hai viện, những cuộc giao lưu học thuật, các học giả của Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng hiểu biết nhau hơn và tìm được nhiều tiếng nói chung. Từ đó giúp người dân hai nước hiểu rõ nhau hơn, đồng thời tạo cơ hội cho hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn.

Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận