Trang chủ

SỰ HÌNH THÀNH HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á

Đăng ngày: 27-05-2016, 06:56 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: T.S Dương Minh Tuấn

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, 290 trang

Kí hiệu: Vv2736

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính Châu Á đến nay, toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng trở thành xu hướng nổi trội, diễn ra một cách hết sức mạnh mẽ và sôi động. Trong phạm vi nội tại của hội nhập khu vực, xu hướng đa phương hóa cũng được thể hiện thông qua sự gia tăng về quy mô và cấp độ của các Hiệp định Thương mại tự do giữa các nước ASEAN, giữa các nước Đông Bắc Á và giữa hai nhóm nước này thông qua ASEAN+3 và ASEAN+6. Xu hướng này càng được khẳng định thông qua sự hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phạm vi các nước tham gia không chỉ trong khu vực Đông Á mà đã mở rộng trên toàn bộ Châu Á - Thái Bình Dương. TPP đặt ra những yêu cầu cam kết cao hơn và có những tác động sâu rộng hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước tham gia và đáp ứng được những chuyển biến mới trong hợp tác khu vực hiện nay. Vì vậy, TPP cũng như các tác động của nó đối với các nước trong khu vực là một chủ đề đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu của các học giả cũng như các nhà soạn thảo chính sách trong và ngoài nước và có ý nghĩa hết sức cấp thiết, quan trọng trong việc lựa chọn, xác định con đường thích hợp tham gia một cách có hiệu quả vào hội nhập và liên kết khu vực của nước ta hiện nay.

Cùng với xu thế đa phương hóa ngày càng được thể hiện một cách rõ rệt và những tiến triển của các hiệp định thương mại tự do Đông Á của khu vực đang được diễn ra hết sức sôi động và mạnh mẽ thì chủ đề TPP cũng được các nhà nghiên cứu, học giả nước ngoài chú trọng nghiên cứu, khảo sát tương đối đầy đủ, có tính khoa học và thực tiễn về vấn đề này. Tuy nhiên các công trình này còn chưa đề cập đến một cách có hệ thống các vấn đề lý thuyết, các quan điểm đối với sự hình thành TPP, việc vận dụng các lý thuyết, quan điểm đó vào việc đề ra các chính sách, giải pháp, phương án tối ưu cho sự tham gia tiến trình này. Các công trình nghiên cứu và tài liệu chuyên khảo chủ yếu đề cập đến mục đích, nguyên tắc, yêu cầu, các vấn đề đặt ra, thực trạng, triển vọng và một số liên hệ với Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu, khảo sát về sự hình thành TPP và tác động đối với các nước Đông Bắc Á là yêu cầu cấp thiết nhằm khảo cứu một cách có hệ thống từ những lý thuyết, quan điểm, các chính sách đến những tác động của TPP với các nước Đông Bắc Á và một vài gợi ý cho Việt Nam.

Với ý nghĩa về mặt thực tiễn và lý thuyết trên, cuốn sách “Sự hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đối với các nước Đông Bắc Á” được xuất bản với ba nội dung chủ yếu là:

Thứ nhất, cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Các tác giả đưa ra một số lý thuyết chủ yếu về hội nhập và đa phương hóa khu vực; những cách tiếp cận về đa phương hóa khu vực và sự hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; quan điểm của các nước Đông Bắc Á đối với sự hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như quan điểm và ý đồ chiến lược của Mỹ với tư cách là nước lãnh đạo TPP. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích về sự chuyển dịch địa - chính trị, địa - kinh tế và quyển lực từ Châu Âu - Đại Tây Dương sang Châu Á - Thái Bình Dương; gia tăng xu hướng đa phương hóa ở Đông Á và Châu Á - Thái Bình Dương; sự trỗi dậy về kinh tế và sự khuếch trương quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực; sự mẫu thuẫn, đối kháng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong các hình thức đa phương hóa khác thấp hơn của khu vực; sự quay trở lại và sự tham gia của Mỹ đối với TPP trong những năm gần đây; TPP được xem là phương thức hữu hiệu để đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu và cải cách kinh tế ở các nước tham gia trong khu vực.

Thứ hai, nội dung và tiến trình hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Các tác giả đã phân tích khái quát tiến trình hình thành, vai trò và quan hệ tương hỗ giữa APEC và TPP. Đồng thời giới thiệu một số nội dung chủ yếu của TPP như mục tiêu, nội dung và những đặc điểm chủ yếu của TPP; động thái thương mại - đầu tư trong và ngoài khu vực của các nước tham gia TPP, giữa các nước thành viên TPP với các nước và khu vực khác trên thế giới; sự tham gia của các nước Đông Bắc Á đối với TPP; quan hệ tương quan giữa chủ nghĩa khu vực Đông Á và chủ nghĩa đa phương Châu Á - Thái Bình Dương đối với hình thành FTAA.

Thứ ba, tác động của sự hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đối với các nước Đông Bắc Á và một vài liên hệ với Việt Nam. Ngoài việc phân tích triển vọng của TPP và sự hình thành FTAAP, những trở ngại và khó khăn trong TPP, các tác giả đã dự báo tác động của sự hình thành TPP đôi với GDP thực tế, phúc lợi kinh tế và thương mại của các nước Đông Bắc Á. Đồng thời đánh giá lợi ích của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đối với sự hình thành TPP. Các tác giả cũng đưa ra lý do để Việt Nam tham gia TPP; những quan điểm và ý kiến của các nhà quản lý, soạn thảo chính sách và các doanh nghiệp về việc tham gia TPP của Việt Nam; những điều kiện tiên quyết và những ưu tiên cần thực hiện đối với Việt Nam; tác động của việc tham gia TPP đối với Việt Nam; những vấn đề đặt ra và định hướng chính sách cũng như khả năng tham gia của Việt Nam.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận