Trang chủ

NGHIÊN CỨU HÀN QUỐC TẠI VIỆT NAM –THÀNH QUẢ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG

Đăng ngày: 9-05-2016, 15:06 | Danh mục: Ấn Phẩm

Chủ biên: Nguyễn Thị Thắm

NXB Khoa học Xã hội, 287tr., 2015

Ký hiệu: Vt497

Hàn Quốc học là một chuyên ngành nghiên cứu về đất nước Hàn Quốc. Nghiên cứu Hàn Quốc học đang được đẩy mạnh trên quy mô toàn cầu. Các nghiên cứu này dựa trên nhu cầu nội tại của từng khu vực, dựa trên đặc thù về chính trị, xã hội, các đặc điểm địa chính trị khác nhau mà đưa ra những chủ đề, nội dung và phương hướng nghiên cứu khác nhau. Ở Việt Nam, chuyên ngành nghiên cứu Hàn Quốc học tuy còn non trẻ, song đã có những cống hiến nhất định, phục vụ cho lợi ích hiện đại hóa của quốc gia. Trong cuốn sách “Nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam- Thành quả và phương hướng” này, tập trung những bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên đến từ nhiều nơi như: Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung Ương ( Hàn Quốc), Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…về lĩnh vực Hàn Quốc học. Những bài viết tham luận này đều dựa trên cơ sở mục đích tổng quan và đánh giá đầy đủ hệ thống, khoa học và các công trình nghiên cứu về Hàn Quốc học ở Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, văn học...; Đồng thời đề xuất các định hướng thích hợp với tình hình hiện tại và hướng tới tương lai trong nghiên cứu Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam.

Trong cuốn sách này gồm có những bài viết liên quan đến lịch sử nghiên cứu Hàn Quốc học như: “Lịch sử và thực trạng nghiên cứu Hàn Quốc học trong thời đại toàn cầu hóa”, “Vai trò của Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương trong việc thúc đẩu nghiên cứu Hàn Quốc học ở nước ngoài”; những bài viết nghiên cứu chính trị Hàn Quốc như: “Sử liệu học Việt Nam về nền chính trị Hàn Quốc”, “Tổng quan đánh giá nghiên cứu chính trị ngoại giao Hàn Quốc tại Việt Nam”; về nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc: “Về nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Việt Nam”, “Một số điều thảo luận về lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và quan hệ quốc tế của Hàn Quốc tại Viện nghiên cứu Đông Bắc Á”; về văn hóa, xã hội, lịch sử như: “Tình hình nghiên cứu xã hội Hàn Quốc tại Việt Nam”, “Tình hình nghiên cứu tư tưởng triết học Hàn Quốc ở Việt Nam”, “Nghiên cứu Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam: Nhìn lại chặng đường 22 năm”, “Nghiên cứu thư tịch cổ Hàn Quốc tại Việt Nam”, “Nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc tại Việt Nam”, “ Nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc tại các cơ sở ở phía Nam dưới góc nhìn sử liệu học”…

Cuốn sách cũng đưa ra tổng quan đánh giá về các công trình nghiên cứu Hàn Quốc tại khu vực phía Nam và đưa ra kết luận rằng:các công trình nghiên cứu về Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, những công trình nghiên cứu chuyên sâu vẫn còn thiếu nhiều, có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực nghiên cứu với nhau.

Như vậy qua các tham luận từ nhiều nhà nghiên cứu khác nhau từ trong và ngoài nước được đề cập trong cuốn sách này, có thể thấy, việc nghiên cứu Hàn Quốc học ở Việt Nam là rất thú vị và cần thiết. Tuy nhiên, các nghiên cứu về Hàn Quốc do khác biệt về văn hóa và địa lý nên cũng có những ý kiến trái chiều. Do đó, đối với ngành Hàn Quốc học, rất cần thiết phải đẩy mạnh giao lưu giữa các nhà nghiên cứu, kết nối, so sánh các nghiên cứu với nhau để ngày càng hoàn thiện hơn. Cuốn sách thực sự là tài liệu tổng kết quý báu của ngành Hàn Quốc học.

Ngọc Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận