Trang chủ

GÃ KHỔNG LỒ MẤT NGỦ: MỘT GÓC NHÌN VỀ CHÍNH TRỊ TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI

Đăng ngày: 23-02-2016, 14:58 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Susan L. Shirk, Vũ Tú Mạnh – Trần Hà Trang dịch

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2015, 478 trang

Kí hiệu: Vv2726

Cuốn sách “Gã khổng lồ mất ngủ” của tác giả Susan L. Shirk được xuất bản sau ba sự kiện lớn ở Trung Quốc. Đó là các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, trận động đất kinh hoàng và khủng khiếp ở Tứ Xuyên cùng với những dư chấn và hậu quả của nó, và Olympic Bắc Kinh 2008. Tất cả những sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với giới cầm quyền cũng như người dân Trung Quốc. Cuốn sách của Susan L. Shirk đã mở ra chiếc “hộp đen” của chính trị Trung Quốc với vòng tròn tương sinh mạnh - yếu, cung cấp cách nhìn làm sáng tỏ nhiều tình huống.

Nước CHND Trung Hoa dường như sinh ra để dành cho vị trí siêu cường quốc. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc khiến cả thế giới giật mình sửng sốt bởi mực độ tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua. Thương mại và đầu tư của Trung Quốc đã phủ sóng toàn cầu, trở thành quốc gia sản xuất nhiều nhất trên thế giới và có khả năng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng bên cạnh Mỹ. Phép lạ kinh tế Bắc Kinh đã trở thành nguy cơ tiềm tàng đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ vẻ bề ngoài, Susan L. Shirk lại chỉ ra rằng thử thách của Trung Quốc chính là “Mạnh mẽ bên ngoài, mong manh bên trong”. “Mạnh mẽ bên ngoài, mong manh bên trong, ấy là Trung Quốc hôm nay” - nhận xét này không phải là một lời phê phán thông thường. Sức mạnh không thể chối cãi của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng không hề chắc chắn từ bên trong, đó là tình thế nguy hiểm cho đất nước này, và chính vì thế Trung Quốc trở nên nguy hiểm đối với thế giới.

Gã khổng lồ Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, thách thức tất cả các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhưng giới lãnh đạo nước này lại đang bất an hơn bao giờ hết: có thể duy trì quyền lực được bao lâu khi phải gắng gượng tuyệt vọng để lãnh đạo một đất nước rối bung do những thay đổi kinh tế gây ra.

Canh cánh mối bất an này, đặc biệt sau khi thoát khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc Thiên An Môn năm 1989, giới lãnh đạo Trung Quốc hết sức chú ý đến cái mà họ gọi là “ổn định xã hội”. Và trên cơ sở này mà Trung Quốc đã xử lý theo cách của họ các vấn đề trong nước như biểu tình của quần chúng, bất ổn nông thôn, xung đột sắc tộc, sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo, truyền thông thời đại internet..., và các vấn đề đối ngoại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan.

Gã khổng lồ mất ngủ của Susan L. Shirk đặc biệt có giá trị trên phương diện thông tin, thông qua những cuộc phỏng vấn off-the-record quan chức, các nhà phân tích..., tác giả đã đem đến cho độc giả một cái nhìn khác về Trung Quốc, không giống như những gì mà quốc gia này thế hiện ra bên ngoài. Dù tiềm năng của Trung Quốc là rất lớn nhưng đi kèm theo đó là những cạm bẫy mà nếu sảy chân thì sẽ dẫn đến khủng hoảng về kinh tế hoặc xã hội. Trong đó chính trị và ngoại giao là hai cạm bẫy lớn nhất mà Trung Quốc phải vượt qua để hướng tới phát triển bền vững. “Làm thế nào để phép lạ về kinh tế Trung Quốc có thể kéo dài”, đây chính là điều lo sợ của giới quan chức Trung Quốc, khi sự phát triển kinh tế quá nhanh nhưng tiến bộ xã hội lại không theo kịp.

Các mối đe dọa đang tốn tại rất nhiều, không chỉ là tình trạng chênh lệch quá nhiều giữa thành thị và nông thôn, sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vẫn chua được đáp ứng. Mà mối quan hệ căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ngồi yên. Như Susan L. Shirk viết, nhiều vấn đề của Trung Quốc với chính sách đối ngoại là do quyết định của Đảng nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc trong giáo dục và các phương tiện truyền thông trong thời kỳ hậu Thiên An Môn, trong một nỗ lực để củng cố tính hợp pháp của họ. Xét về phương diện này, Shirk vượt xa những phân tích về tình hình Đài Loan Bush và O’ Hanlon bằng cách kết hợp các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia tại Trung Quốc đã thừa nhận rằng Đảng đã mất kiểm soát có hiệu quả của các bộ phận của chính sách đối ngoại của mình. Thái độ thù địch với Nhật Bản, cứng rắn với Đài Loan và lăng mạ nước Mỹ vẫn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông mà không hề có sự kiểm soát chặt chẽ.

Một trong những phân tích thú vị nhất của Susan L. Shirk chính là chính phủ Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một cái nạng chính trị, Khi Trung Quốc phát triển, nó có thể trở thành một đối thủ đáng kể của Mỹ vì cảm nhận sự khác biệt quốc gia, không ý thức hệ. Và những khác biệt này sẽ tồn tại ngay cả khi Trung Quốc phát triển đầy đủ vào một nền dân chủ.

Cuốn sách Gã khổng lồ mất ngủ của Susan Shirk là cuốn sách hấp dẫn được viết rất dễ đọc, với nhiều câu chuyện và phân tích kết nối với nhau, cùng nhiều tư liệu quý từ một người trong cuộc. Cuốn sách đã cung cấp một hiểu biết chân thực và sâu sắc về chính trị Trung Quốc. Đây có thể là một tham khảo đặc biệt quan trọng cho các nhà chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhằm đưa ra chính sách phù hợp để Trung Quốc đóng tròn vai một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới như nước này tuyên bố. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận