Trang chủ

CAN DỰ CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á VÀO TIỂU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG

Đăng ngày: 26-10-2015, 02:57 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thắm chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, 295 trang

Kí hiệu: Vv 2708

 

Mê Kông là một con sông quốc tế nối liền Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và một phần lãnh thổ Trung Quốc. Khu vực Tiểu vùng  sông Mê Kông là một khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh sông Mê Kông có vị trí nối liền khu vực Đông Nam Á với Đông Bắc Á và Nam Á. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng lớn về thủy điện, thủy sản, khai khoáng và cũng là một vựa lúa lớn của khu vực Đông Nam Á. Vì thế trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan có xu hướng tăng cường can dự vào khu vực này.

Để tăng cường can dự vào Tiểu vùng sông Mê Kông, từ năm 2000 đến nay, các nước Đông Bắc Á đã tăng số lượng và quy mô của các dự án hợp tác tại đây. Các dự án này đã tạo ra các hành lang kinh tế, các khu kinh tế cửa khẩu… góp phần thúc đẩy thông thương, giảm bớt cách biệt về phát triển kinh tế giữa các nước trong Tiểu vùng. Tuy nhiên, có một số dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ sự đa dạng sinh học, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu, đe dọa an ninh lương thực và đời sống của cư dân, tiềm tàng những mâu thuẫn về lợi ích ở Tiểu vùng sông Mê Kông. Thêm vào đó, sự can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông đang ngày càng mang tính cạnh tranh quyết liệt. Nhận thức được vấn đề này, từ kết quả nghiên cứu của mình, nhóm tác giả do TS. Nguyễn Thị Thắm chủ biên đã cho ra đời cuốn sách “Sự can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Những nhân tố thúc đẩy việc can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông từ năm 2000 đến nay. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích nhu cầu về kinh tế và tham vọng của các nước Đông Bắc Á; tiềm năng và vị trí địa chiến lược của Tiểu vùng sông Mê Kông; tình hình khu vực và quốc tế từ năm 2000 đến nay.

Chương 2: Tình hình can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông từ năm 2000 đến nay. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích tình hình can dự của Nhật Bản vào Tiểu vùng sông Mê Kông; tình hình can dự của Trung Quốc vào Tiểu vùng sông Mê Kông; tình hình can dự của Hàn Quốc vào Tiểu vùng sông Mê Kông; và tình hình can dự của Đài Loan vào Tiểu vùng sông Mê Kông.

Chương 3: Tác động từ sự can dự vào Tiểu vùng sông Mê Kông của các nước Đông Bắc Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam. Các tác giả đã phân tích những tác động tích cực và tiêu cực từ sự can dự vào Tiểu vùng sông Mê Kông của các nước Đông Bắc Á và đưa ra những dự báo xu thế can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Thông qua 295 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về sự can dự của các nước Đông Bắc Á vào Tiểu vùng sông Mê Kông. Cuốn sách là nguồn tham khảo thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận