Trang chủ

LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM 1940-2010

Đăng ngày: 30-07-2015, 03:20 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. Vũ Dương Ninh

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, 363 trang

Kí hiệu: Vv2633

 

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại Việt Nam luôn gắn kết với quá trình đấu tranh cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do và xây dựng, phát triển đất nước.

Việc nghiên cứu lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam, trong đó đi sâu tìm hiểu đường lối, chính sách, phương pháp, nghệ thuật đấu tranh là nhằm góp phần tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn, đồng thời làm rõ những đóng góp to lớn về mặt đối ngoại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Cuốn sách “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010 là công trình nghiên cứu công phu về đề tài này. Nội dung cuốn sách gồm 9 chương được trình bày theo từng giai đoạn lịch sử từ năm 1940 đến năm 2010.

Chương mở đầu giới thiệu khái quát các công trình nghiên cứu đã công bố ở trong nước và nước ngoài có liên quan đến lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam.

Chương 1: Quan hệ đối ngoại của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa 1940-1945. Trong phần này, tác giả trình bày khái quát về bối cảnh quốc tế trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ Hai; quan hệ Nhật - Pháp ở Đông Dương trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ Hai với những thương lượng ngoại giao và sức ép quân sự của Nhật ở Đông Dương, sự bóc lột kinh tế và áp lực chính trị của Nhật cũng như cuộc đảo chính ngày 9/3/1945; Quan điểm của các cường quốc đối với vấn đề Việt Nam; Và đối sách của Đảng Cộng sản Đông Dương trong đó có nhắc đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trước khi về nước.

Chương 2: Quan hệ đối ngoại trong năm đầu của nền Cộng hòa Dân chủ (tháng 9/1945 - tháng 12/1946). Ở đây, tác giả trình bày bối cảnh quốc tế trong năm đầu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai; Cách mạng Tháng Tám và chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quân pháp và các phái bộ đồng minh vào Việt Nam; quan hệ Việt - Pháp từ hòa hoãn đến chiến tranh.

Chương 3: Quan hệ đối ngoại trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Trong đó, tác giả phân tích  bối cảnh quốc tế trong khúc dạo đầu của Chiến tranh Lạnh; chiến tranh bùng nổ trên toàn quốc và những cố gắng vãn hồi hòa bình; quan hệ đối ngoại trong những năm 1947-1949; quan hệ đối ngoại trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954.

Chương 4: Quan hệ đối ngoại trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (19541968). Tác giả khái quát bối cảnh quốc tế từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1960; hoạt động đối ngoại trong giai đoạn 1954-1964 và giai đoạn 1964-1968.

Chương 5: Quan hệ đối ngoại trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1968-1975). Trong chương này, tác giả trình bày bối cảnh quốc tế trong khoảng thời gian 1965-1975 trong đó nhấn mạnh đến “cách mạng văn hóa vô sản” ở Trung Quốc 1966-1976 và sự dịch chuyển trong quan hệ tam giác Trung Quốc - Hoa Kỳ - Liên Xô; quan hệ đối ngoại trong giai đoạn 1968-1973; Hiệp định Paris về Việt Nam (tháng 1/1973) và ý nghĩa lịch sử; quan hệ đối ngoại trong giai đoạn 1973-1975.

Chương 6: Quan hệ đối ngoại trong chiến tranh bảo vệ biên giới và giải tỏa tình trạng bị bao vây, cấm vận (1975-1995). Ở đây, tác giả trình bày bối cảnh quốc tế trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh (1975-1991), đặc biệt là công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc; quan hệ đối ngoại trong giai đoạn 1975-1986 và giai đoạn 1986-1995 trong đó có nói đến quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc, Khơme Đỏ với Việt Nam.

Chương 7: Quan hệ đối ngoại trong giai đoạn hòa bình, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế (1995-2010). Tác giả phân tích bối cảnh quốc tế trong những năm đầu sau Chiến tranh Lạnh (1991-2010); đường lối đối ngoại trong giai đoạn mới; quan hệ đối ngoại trong giai đoạn 1995-2010.

Chương kết đánh giá những thành tựu trong quan hệ đối ngoại là sự thể hiện việc quán triệt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, từ đó suy nghĩ về những kinh nghiệm vận dụng vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Từ những nội dung nêu trên có thể thấy rằng, cuốn sách đã trình bày những nét cơ bản về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta qua từng giai đoạn, bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn đến các sự kiện, diễn biến trong quan hệ đối ngoại để từ đó rút ra những nhận định chung và những bài học kinh nghiệm. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho cán bộ nghiên cứu, cán bộ làm công tác đối ngoại và những bạn đọc khi nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận