Trang chủ

CÁC VẤN ĐỀ LỊCH SỬ - VĂN HÓA - XÃ HỘI TRONG GIAO LƯU VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Đăng ngày: 14-09-2015, 02:55 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Trần Quang Minh, ThS. Ngô Hương Lan đồng chủ biên

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, 413 trang

Kí hiệu: Vv2704

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1973-2013), Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Trung tâm Giao lưu nghiên cứu và hợp tác KHXH Việt Nam - Nhật Bản thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản quốc tế tại Kyoto - Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội trong 2 ngày 13 và 14/11/2013 với chủ đề “Những vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản”. Hội thảo với sự tham gia của các học giả đến từ hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã phân tích, đánh giá quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình lịch sử, tập trung vào các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội và đề xuất hướng phát triển, nâng cao hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Nhằm phổ biến rộng rãi các báo cáo nghiên cứu khoa học của Hội thảo và cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Trung tâm Việt - Nhật đã cho ra mắt cuốn sách “Các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội trong giao lưu Việt Nam - Nhật Bản”. Cuốn sách tập hợp những bài tham luận đã được trình bày và thảo luận tại Hội thảo quốc tế nói trên và được chia thành 4 phần như sau:

Phần 1: Lịch sử cổ, trung đại, cận đại và giao lưu Việt Nam - Nhật Bản trong lịch sử. Trong phần này tập trung 5 bài viết cụ thể là: Vài tư liệu về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình lịch sử; Cao Ly - Nhật Bản - Đại Việt và tình hình Đông Á thế kỷ XIII; Quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản qua thư tịch cổ; Dấu vết truyền thuyết Abeno Nakamaro quy Triều; Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XVIII qua những tư liệu lịch sử và hiện vật đang lưu giữ tại Nhật Bản.

Phần 2: So sánh - đối chiếu sự biến đổi xã hội của các quốc gia Đông Á thời cận đại. Với các bài viết như Việt Nam và “Khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á”; Khai hóa văn minh trong lịch sử cận đại của Việt Nam và Nhật Bản; Từ kiến trúc dân tộc Đông Nam Á suy ngẫm về lịch sử kiến trúc quần đảo Nhật Bản; Gốm Nhật Bản trong Hoàng cung Thăng Long; Từ phong trào Đông du đến Đông Kinh nghĩa thục.

Phần 3: Văn hóa giải trí của giới trẻ Nhật Bản, Anime, vườn cảnh, trà đạo Nhật Bản, so sánh, đối chiếu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Phần này gồm các bài viết là: Nghiên cứu Nhật Bản quan Manga và Anime; Thử khảo sát vùng văn hóa răng đen: trường hợp Việt Nam và Nhật Bản; Những thay đổi về “diễn xuất” trong các bộ phim lịch sử trước và sau tác phẩm của Kurosawa; Thiên nhiên trong tình cảm của người Nhật với vẻ đẹp vườn cảnh; Văn hóa ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam; Nghiên cứu so sánh lễ thôi nôi ở Việt Nam và Nhật Bản.

Phần 4: Nghiên cứu Nhật Bản - những vấn đề khác. Trong phần này gồm các bài viết cụ thể như 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: một số đặc trưng nổi bật; “Chữ duyên” từ quan điểm tâm lý học xã hội; Nhận thức của trí thức Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX về cận đại hóa Nhật Bản; Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản và Việt Nam: những tương đồng và khác biệt; Chiến lược từ chối lời cầu khiến của sinh viên Việt Nam và sinh viên Nhật Bản và đặc trưng văn hóa - xã hội; Vấn đề hỗn dung tôn giáo ngoại lai trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Nhật Bản; Khái quát về việc giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, nhiều báo cáo tham luận tại Hội thảo đã đề cập và phân tích khá sâu về mặt học thuật các sự kiện cũng như những chứng cứ lịch sử về sự biến đổi xã hội và mối quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong suốt quá trình lịch sử hơn một nghìn năm kể từ thế kỷ thứ 8 đến nay. Đặc biệt có nhiều tham luận đã trình bày những kết quả nghiên cứu thực địa, các phân tích khảo cổ học, các văn bản thư tịch cổ chứng minh sự giao lưu từ rất sớm giữa hai nước. Có thể nói đây là những nghiên cứu hết sức có ý nghĩa góp phần khẳng định một trong những nhân tố góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản là có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử. Với những nội dung đó, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận