Trang chủ

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở NHẬT BẢN VÀ HÀN QUỐC

Đăng ngày: 31-08-2015, 02:50 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: PGS. TS. Phạm Hồng Thái chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, 230 trang

Kí hiệu: Vv2700

 

Tại khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác chiến lược rất gần gũi với Việt Nam về văn hóa, đã có quá trình phát triển công nghiệp văn hóa từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng mà thế giới đều ngưỡng mộ. Sản phẩm công nghiệp văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc ở hải ngoại đã và đang tạo ra những hiệu ứng chính trị, kinh tế, văn hóa rất mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Hàng năm, điện ảnh Hàn Quốc không chỉ mang lại cho các công ty sản xuất của quốc gia này những khoản thu nhập khổng lồ mà còn tạo nên cả “làn sóng Hàn Quốc” lan tỏa khắp thế giới, nhất là tại các quốc gia Châu Á. Cũng như vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa, nhất là phim hoạt hình ở thị trường trong và ngoài nước không chỉ đem lại cho Nhật Bản khoản lợi nhuận lớn mỗi năm mà còn tạo nên một phương tiện ngoại giao văn hóa sắc bén để cải thiện hình ảnh của một đất nước Nhật Bản thân thiện và hòa bình. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng quá trình phát triển của công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tìm hiểu những chính sách phát triển công nghiệp văn hóa với tư cách là sự định hướng của Nhà nước của hai quốc gia này trong thời gian gần đây để rút ra những bài học kinh nghiệm và gợi ý cho chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam là một vấn đề thực sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cấp bách hiện nay.

Cuốn sách “Sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc” là kết quả của công trình nghiên cứu thuộc đề tài cấp Bộ do PGS.TS. Phạm Hồng Thái làm chủ nhiệm đã được xuất bản nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi nói trên. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Thực trạng phát triển và vai trò của công nghiệp văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó các tác giả trình bày khái niệm công nghiệp văn hóa; thực trạng phát triển và vai trò của công nghiệp văn hóa ở hai quốc gia cũng như những vấn đề đặt ra.

Chương 2: Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích quá trình phát triển chính sách công nghiệp văn hóa, những nội dung chính trong chính sách công nghiệp văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chương 3: Tác động quốc tế của công nghiệp văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Trong phần này, các tác giả trình bày về sản phẩm công nghiệp văn hóa của Nhật Bản và nước ngoài và phân tích những tác động quốc tế của công nghiệp văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đi sâu làm rõ sự lan truyền làn sóng Hàn Quốc trên toàn cầu và những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị nổi bật của nó. Trên cơ sở đó, các tác giả rút ra những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa trong nước.

Từ những nội dung nêu trên có thể thấy, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khái quát về quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như những chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của họ qua từng giai đoạn. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các nhà hoạch định chính sách khi nghiên cứu về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận