Trang chủ

NHẬT BẢN CẬN ĐẠI

Đăng ngày: 19-06-2015, 05:10 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Vĩnh Sính

Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội,  2014, 321 trang

Ký hiệu: Vv2616

Nhật Bản là một giấc mơ!. Đất nước Nhật Bản từng chìm trong vũng lầy chiến tranh nhưng lại vươn mình đứng dậy mạnh mẽ khiến cả thế giới phải ngước nhìn. Tấm gương của đất nước mặt trời mọc đã từng làm thức tỉnh những nhà yêu nước Việt Nam thế kỷ 20 mà nổi tiếng là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo.

Nước Nhật, nền văn minh của Nhật Bản cho đến ngày nay vẫn còn khiến cả thế giới phải khâm phục. Để tìm hiểu những nét căn bản trong lịch sử Nhật Bản, những di sản văn hóa, chính trị, kinh tế của Nhật Bản trước Minh Trị Duy Tân (1868), và những cải cách nào đã tạo nền móng đưa nước Nhật tiến lên hàng cường quốc trong khoảng mươi năm sau đó, bạn đọc có thể tìm đọc cuốn “Nhật Bản cận đại” của tác giả Vĩnh Sính. Qua cuốn sách, độc giả còn có thể lý giải nguyên nhân nào đã đưa Nhật Bản đến con đường xâm lược Đại Đông Á tuyệt vọng để rồi bị phá sản hoàn toàn năm 1945; giải thích sự phục hồi và phát triển kinh dị của kinh tế Nhật sau Thế chiến thứ hai; và những vấn đề nào cấp bách nhất đối với “cường quốc kinh tế” Nhật Bản ngày nay.

Cuốn sách “Nhật Bản cận đại” được chia làm 9 chương:

Chương I:Nhật Bản: Đất nước và con người

Chương II: Nhật Bản trước thế kỷ 17. Trong chương này, tác giả giới thiệu về nguồn gốc người Nhật, trình bày về xã hội quý tộc – thời Nara (710-794) và xã hội thời Heian (794-1185).

Chương III: Nhật Bản dưới thời Tokugawa (1603-1868). Chương này, tác giả trình bày chi tiết những điểm nổi bật về chế độ chính trị và xã hội, thương mại, chính sách bế quan tỏa cảng, đời sống kinh tế, và văn hóa thời Tokugawa.

Chương IV: Sự sụp đổ của chính quyền Tokugawa. Nội dung chương này gồm 3 điểm chính: “Nhật Bản mở cửa”, “những hậu quả tức thời” và “chính quyền Bakufu băng hoại”.

Chương V: Minh Trị Duy Tân – giai đoạn I (1868-1885). Chương này, tác giả đề cập đến các nội dung:  những cải cách chính yếu đầu thời Minh Trị, Bunmei và sự biến đổi của xã hội Nhật Bản, tôn giáo, Shizoku nổi loạn.

Chương VI: Minh Trị Duy – Tân giai đoạn II (1886-1912). Chương này, tác giả đề cập đến sự thay đổi và phát triển vượt bậc về chính trị, phát triển công nghiệp, liên hệ với nước ngoài và phát triển văn hóa và nghệ thuật thời Minh Trị Duy – Tân.

Chương VII: Các khuynh hướng tự do, bành trướng và quân phiệt (1912-1931). Chương này, tác giả đặc biệt đề cập đến những nét chính về chính trị và văn hóa Nhật Bản. Đây là giai đoạn Thế chiến thứ Nhất xảy ra, Nhật Bản lợi dụng tình trạng hỗn loạn để bành trướng thế lực sang Trung Hoa, Thái Bình Dương và gửi quân sang Siberia. Thời kỳ này cũng là thời kỳ các trào lưu tự do dân chủ bộc phát  mạnh mẽ.

Chương VIII: Từ Mãn Châu quốc đến chiến tranh “Đại Đông Á”. Chương này, tác giả đặc biệt đề cập đến “sự kiện Mãn Châu”.

Chương IX: Nhật Bản sau chiến tranh: Một sự chuyển mình kinh dị. Chương này, tác giả trình bày chi tiết về tình hình chính trị, xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ Hai, tình trạng bị chiếm đóng. Đặc biệt, tác giả trình bày về thời kỳ phát triển kinh tế cao độ 1950-1970 của Nhật Bản.

Như vậy, qua hơn 300 trang sách, toàn bộ diễn biến chính trị và xã hội Nhật Bản đã lần lượt được tái hiện một cách sinh động. Bức tranh lịch sử Nhật Bản cận đại hiện lên với tất cả những mảng màu sáng và tối. Người Nhật từng có những giai đoạn sống trong “đen tối” khi thất bại trong thế chiến thứ Hai nhưng lại vực dậy và chuyển mình trở thành một con rồng châu Á. Quả thực, đây là một kỳ tích. Thay cho lời kết, như tác giả cuốn sách đã viết: “chúng ta có thể ví sự thành công của Nhật ngày nay như một tác phẩm nghệ thuật ngày càng khởi sắc, mà tác giả chính là mỗi một người dân Nhật bình thường đã tạo nên qua phong cách làm việc của họ”.

Thực hiện: Nguyễn Thị Ngọc Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận