Trang chủ

MADE IN JAPAN

Đăng ngày: 20-05-2015, 07:36 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Akio Morita

Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Hà Nội, 2014, 595 trang

Kí hiệu: Vv2620

Akio Morita – người đồng sáng lập tập đoàn Sony nổi tiếng thế giới, tác giả cuốn sách “Made in Japan”  này đã viết: “Thắng lợi tùy ở sức mạnh ý chí của chúng ta”. Quả thực vậy, nếu không có ước mơ, không có ý chí và nghị lực, con người sẽ không bao giờ đặt chân được đến những đỉnh cao. Bằng bài học được rút ra từ cuộc đời mình, tác giả đã chia sẻ cho những ai có tham vọng, có hoài bão những bí quyết để đạt tới thành công.

Với 595 trang, được tác giả chia thành 9 phần:

Chiến tranh”. Trong phần này, tác giả thuật lại bối cảnh nước Nhật sau thất bại ở Thế chiến thứ Hai và hoàn cảnh bản thân lúc bấy giờ. Tương lai nước Nhật cũng như tương lai của những người dân Nhật chưa bao giờ lại mờ mịt đến vậy, nhưng như tác giả nói: “Tôi vẫn tin tưởng vào bản than và tương lai của chính mình”.

Hòa bình”. Đây là giai đoạn Nhật Hoàng làm thay đổi diện mạo nước Nhật. Phần này, tác giả thuật lại quá trình bắt đầu khởi nghiệp cùng với Masaru Ibuka.

Bán hàng cho cả thế giới”. Phần này cho thấy cái nhìn chiến lược của tác giả trong việc kinh doanh và nhận định thị trường.

Nghệ thuật quản lý”. Tác giả chia sẻ: “ Không có bất kỳ yếu tố hay công thức bí mật nào ẩn sau sự thành công của các công ty hàng đầu Nhật Bản. Sẽ không có học thuyết hoặc kế hoạch hay chính sách nào của chính phủ có thể giúp công việc kinh doanh thành công.Chỉ có con người mới có thể tạo nên sự thành công mà thôi. Nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà quản lý Nhật Bản là phải phát triển mối quan hệ thân thiết với nhân viên, phải tạo dựng trong tập đoàn cảm giác gần gũi như trong gia đình, cả nhân viên và người quản lý đều có cảm giác như đang chia sẻ vận mệnh chung”. Đây chính là triết lý đầu tiên mà chủ tịch tập đoàn Sony Morita đúc rút được.

Phong cách Nhật Bản và Mỹ”. Trong phần này, tác giả muốn nói rõ hơn về sự khác biệt giữa phong cách quản lý của Nhật Bản và Mỹ. Sự khác nhau về luật pháp đã khiến môi trường kinh doanh cũng như tác phong quản lý của người Nhật và người Mỹ khác hẳn nhau. Những vấn đề pháp luật có tác động lớn đến cách thức tiến hành kinh doanh và cách nhìn của các nhà kinh doanh.

Cạnh tranh”. Phần này tác giả phân tích một trong những động lực lớn nhất cho các doanh nghiệp, đó là sự cạnh tranh. “ Vinh quang và thất bại của nền kinh doanh Nhật Bản, nguồn sinh lực của bộ máy công nghiệp chính là truyền thống cạnh tranh lành mạnh”. Tuy nhiên, vẫn “luôn tồn tại một ranh giới rõ ràng giữa cạnh tranh và phá hoại”

“Kỹ thuật công nghệ”. Với tư cách là một người Nhật, người con của đất nước luôn sống trong mối đe dọa thường trực của thiên tai, động đất và nghèo tài nguyên, phải đấu tranh mạnh mẽ để sinh tồn, thế nên bất kỳ người Nhật nào cũng phải biết cách quý trọng và bảo vệ thiên nhiên. Và việc tìm kiếm những kỹ thuật công nghệ để giúp con người có thể tồn tại trên mảnh đất này là điều tất yếu.

Nhật Bản với cả thế giới”. Phần này, tác giả viết rõ hơn về sự chia sẻ thị phần trên thế giới giữa Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Nền thương mại toàn cầu”. Phần này, tác giả phân tích những mối đe dọa tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu và những suy nghĩ, kiến giải của tác giả.

Cuốn sách “Made in Japan” là giấc mơ của những người trẻ tuổi khao khát thành công. Cuốn sách đưa ra nhiều triết lý quản lý kinh tế theo phong cách Nhật Bản và vai trò của đạo đức kinh doanh. Trong cuốn sách, những bí quyết thành công của tác giả đã được trình bày bằng những bài học thực tế. Những nguyên tắc trong quản lý kinh doanh và ngay cả những suy nghĩ đời thường của tác giả cho thấy tầm nhìn, sự hiểu biết của một nhà kinh tế lớn.

Bằng cách diễn đạt dễ hiểu, lối kể chuyện trình tự rõ ràng, cuốn sách đã đem lại vốn tư liệu kinh doanh không nhỏ. Qua cuốn sách, ta cũng có thể có câu trả lời cho việc vì sao sản phẩm mang thương hiệu “made in Japan” lại chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của người tiêu dùng toàn thế giới đến vậy. Vì lẽ đó, người Nhật Bản lại một lần nữa khiến cả thế giới phải khâm phục.

Thực hiện: Ngọc Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận