Trang chủ

THIÊN CƠ TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 8-05-2015, 04:04 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Vương Mông

Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2014, 603 trang

Kí hiệu: Vv2628

Nếu coi toàn bộ lịch sử Trung Quốc là một bức tranh lớn, thì mỗi một phần – một giai đoạn lịch sử của nó lại là một bức tranh nhỏ với nhiều màu sắc sống động và ẩn chứa nhiều bí mật riêng. Chính trị Trung Quốc giai đoạn cận hiện đại là một bức tranh nhỏ của tổng thể đó. Tác giả Vương Mông trong cuốn sách “Thiên cơ Trung Quốc” đã viết:

“Những kẻ vắt mũi chưa sạch thì nói lịch sử cận hiện đại của Trung Quốc là trò chơi giả làm người lớn của đám trẻ con. Bọn lưu manh thì nhận định chính trị là canh bạc lão luyện của lũ vô lại. Những người mang dã tâm thì cho rằng chính trị là cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng lợi ích đem lại nếu thành công sẽ khiến người ta chẳng dám tin đó là sự thật, là những cuộc cướp đoạt tàn bạo được tiến hành dựa trên cơ sở một rừng luật lệ của quyền lực. Người ta là thế, luôn dựa vào muôn kiểu thông tin dồn dập và liên tục mà bản than thu thập được từ nhiều kênh khác nhau để đón nhận và lý giải về chính trị. Nên khi họ viết về Trung Quốc, thì sự xuyên tạc một cách đầy cố chấp cũng nhiều hơn những lời trung thực rất nhiều lần.

Ít nhất, tôi cũng hy vọng sự hiểu biết và cách nhìn rộng hơn một chút, sâu hơn một chút, thật hơn một chút của tôi có thể chia sẻ cùng bạn đọc một chút manh mối về những bí ẩn sau bức rèm chính trị của Trung Quốc.”

Để tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc thời kỳ cận hiện đại, bạn đọc có thể tìm đến cuốn sách “ Thiên cơ Trung Quốc” này.  Cuốn sách là tâm huyết của tác giả, cho thấy những hiểu biết và những sáng kiến, kiến giải chính trị của ông về chính trị Trung Quốc cận hiện đại. Tác phẩm gồm 4 phần chính

Phần thứ nhất: “Cách mạng và thắng lợi, nước Trung Quốc mới ra đời”, gồm 6 nội dung: Cảm nhận của một thiếu niên: Vận mệnh của nước Trung Quốc mới ra đời; Mao Trạch Đông: Không cách mạng được không?; Đắm chìm trong niềm vui cách mạng thắng lợi; “ Mua bán hợp nhất”, phải chăng là hàm ý về sự siết chặt của chính sách; Ngọn cờ của Đảng cộng sản tung bay lồng lộng trên đất Thần Châu rộng lớn; Sự kiện phê phán Võ huấn truyện đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh tư tưởng văn hóa không ngừng nghỉ.

Phần thứ hai: “Đấu tranh, phong trào, nhảy vọt… liên tục không ngừng” gồm 5 nội dung: Hiện tượng “toàn dân đánh chim sẻ”; Làm phong trào; Năm 1957: Cầm bút nhìn quanh, long mênh mang; Năm 1958 đến 1960, bừng bừng khí thế; Thời kỳ khó khăn, lấy thoái để tiaasn hay lấy tiến để thoái.

Phần thứ ba: “Kết quả của sự tăng nhiệt hình thái ý thức là đại nạn “Cách mạng Văn hóa””, gồm 4 nội dung: Thập niên 1960, Mao Trạch Đông, Che Guevara, Hồ Chí Minh; Tản khúc phê phán chủ nghĩa xét lại của Triệu Phác Sơ, tài hoa sắc bén tựa đoản kiếm; “ Đại cách mạng văn hóa”, không làm không được; Siết chặt và thả lỏng, vội vã và thong dong.

Phần thứ tư: “Thời kỳ mới của cải cách mở cửa đã bắt đầu”, gồm 13 nội dung: Nhớ mãi năm 1976; Thời đại hậu Cách mạng văn hóa đã bắt đầu; Đò đá qua song; Cuộc biện luận văn nghệ không ngớt cuối thế kỷ XX; Sự bối rối và cách tân của hình thái ý thức; Trào lưu ngôn ngữ mới – nét chính của thập niên 1980; Đời sống vật chất, tiền, sa đọa; Điệu nhảy của lý tưởng, quyền lực và thành tích thực; Nhân tố quyết định: Đảng và tiến trình dân chủ; Sự thay đổi và sự gọt giũa trong hung biện chính trị; nói thấu đáo và nói rõ rang; Làm cho lãnh đạo hiểu sự thật quan trọng hơn việc làm cho lãnh đạo vui vẻ; Niềm vui, nỗi lo và tương lai.

Dưới con mắt sắc sảo và những luận giải xác đáng, Vương Mông đã kể lại một thiên sử sinh động về một giai đoạn lịch sử của Trung Quốc. Với tư cách là người trong cuộc, ông đã đưa ra những nhận xét, đánh giá riêng về các sự kiện, các nhân vật lịch sử với những đóng góp và hạn chế của họ. Như tác giả viết: “Tôi là người theo đuổi, người tham gia, người trải nghiệm, người được lợi ích, người chịu khổ, người viết sử, người đi tìm chúng cứ và là nhân chứng đối với quá trình xây dựng và phát triển của cách mạng Trung Quốc, lịch sử Trung Quốc, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tôi thích hồi tưởng, nghiền ngẫm cũng như nghiên cứu thảo luận về chính trị Trung Quốc, tôi có trách nhiệm nói ra chân tướng, tôi cần phải tiết lộ một số “thiên cơ”, mà không thể nghe theo những phát ngôn tùy tiện.”

Tuy nhiên, sự thành công của tác phẩm không chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử mà tác phẩm còn nói lên “ tâm trạng của nhân dân Trung Quốc trước sự chuyển biến lịch sử đầy phức tạp lúc bấy giờ”.

Vương Mông vừa là một nhà văn lại vừa là một nhà chính trị, có lẽ vì thế mà tác phẩm này của ông thực sự đem lại một cái nhìn thấu đáo hơn hết. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn là công trình quan trọng đối với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến đời sống chính trị của Trung Quốc trong lịch sử hiện đại cũng như bây giờ.

Thực hiện: Nguyễn Thị Ngọc Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận