Trang chủ

NHẬT BẢN TRONG THỜI ĐẠI CHÂU Á

Đăng ngày: 10-02-2015, 05:25 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2014, 311 trang

Kí hiệu: Vv2606

 

Trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mặc dù bị tàn phá nặng nề, nhưng Nhật Bản đã nhanh chóng vươn mình đứng dậy, trở thành mô hình phát triển kinh tế dẫn dắt đối với cả châu lục. Bước sang thế kỷ XXI, mặc dù bị tụt xuống vị trí thứ ba, nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn cho thấy khả năng tiềm tàng và mong muốn trở lại vị thế dẫn đầu của mình. Tuy nhiên, tham vọng đó đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài. Từ góc độ quốc tế, Châu Á là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, nơi hội tụ lợi ích của nhiều cường quốc vốn có nhiều hiềm khích, xung đột khó dung hòa, nơi mà các cơ chế hợp tác đa phương còn đang trong quá trình định hình, chồng lấn, hay thay đổi. Từ góc độ đối nội, kinh tế Nhật Bản cũng bắt đầu có biểu hiện suy thoái, nền chính trị bế tắc, đòi hỏi có sự thay đổi, mà điểm mấu chốt chính là việc Nhật Bản bị ràng buộc bởi Hiến pháp năm 1946 không cho phép đất nước mặt trời mọc có một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp như vậy, sự quay trở lại năm 2012 của Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đánh dấu sự ra đời của một chiến lược phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, an ninh nhằm kiến tạo một Châu Á mới trong đó Nhật Bản có một vị thế tương xứng.

Cuốn sách “Nhật Bản trong thời đại Châu Á” tập hợp các bài viết từ Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản trong thời đại Châu Á do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2013 với sự tài trợ của Quỹ Quốc tế Toshiba nhân kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Cuốn sách gồm nhiều bài viết của các học giả Việt Nam cũng như phía Nhật Bản như Nhật Bản trong thế giới Đông Á: mấy suy nghĩ về đặc tính và con đường phát triển; Văn hóa và ngoại giao: yếu tố gắn kết Việt Nam và Nhật Bản; Về sứ mệnh của Nhật Bản trong kỷ nguyên Châu Á; Ngoại giao Châu Á của Nhật Bản: giữa chủ nghĩa thực tế và tự do; Nhật Bản với ý tưởng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; Vai trò của Nhật Bản trong việc quản lý xung đột tranh chấp Biển Đông…

Các bài viết trong cuốn sách này đã phần nào giúp bạn đọc hiểu được cơ sở, nguyên nhân, những thay đổi trong chính sách của Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI. Từ cách tiếp cận liên ngành như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và quan hệ quốc tế, các bài viết tập trung vào các nội dung chủ yếu đó là: thứ nhất, Nhật Bản là một quốc gia Châu Á, gắn kết với khu vực qua nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa từ xa xưa trong lịch sử, chia sẻ nhiều điểm tương đồng như “chủ nghĩa thực dụng”, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng; thứ hai, Nhật Bản là quốc gia có vị trí và vai trò quan trọng trong nền chính trị và kinh tế Châu Á thể hiện qua các tư tưởng canh tân, tiến bộ “thoát Á nhập Âu”, từ thời Minh Trị Duy Tân và những tư tưởng đó đã biến thành thực tế, giúp Nhật Bản trở thành cường quốc, đi đầu trong phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các nước trong châu lục; thứ ba, những kinh nghiệm phát triển của xã hội Nhật Bản có thể là các bài học quý báu đối với các quốc gia khác, nhất là Việt Nam; thứ tư, nhận thức được những thay đổi toàn diện và sâu sắc của Châu Á những năm đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản đã chủ động điều chỉnh chính sách, mong muốn đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào tiến trình hòa bình, ổn định và hợp tác của cả châu lục.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo quý báu cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận