Trang chủ

CẢI CÁCH KINH TẾ Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Dư luận thế giới đang quan tâm theo dõi tình hình căng thẳng mới trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc ngày 26-3-2010. Tuy nhiên, trong thời gian này, bất chấp hai miền Nam - Bắc đã ngừng gần như mọi quan hệ, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) vẫn tiếp tục cho phép mỗi ngày hàng trăm nhà quản lý Hàn Quốc và kỹ sư đi qua vùng biên giới tới khu công nghiệp Kaesong nằm trên đất Triều Tiên để làm việc. Điều này cho thấy Chính phủ Triều Tiên quan tâm như thế nào tới quan hệ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Nhìn rộng hơn, chúng ta cũng có thể thấy được những cải cách về kinh tế của đất nước này.

1. Quá trình cải cách chính sách kinh tế

Từ năm 1990 đến năm 1997, kinh tế Triều Tiên đã từng liên tục tăng trưởng âm (từ - 1,7% đến - 7,6%), nhưng đến năm 1998 chỉ còn -1,1% và đặc biệt năm 1999 đã xuất hiện tăng trưởng 6,2% và duy trì tăng trưởng dương liên tục trong 8 năm liền. Theo số liệu công bố của nhà nước tháng 4-2009 thì năm 2008, Triều Tiên đã vượt mức kế hoạch kinh tế 101,6%, tăng trưởng 5,7% so với năm 2008, thu ngân sách các địa phương vượt kế hoạch 17,1%. Mấy năm gần đây, Triều Tiên gặp khó khăn do thiên tai và bị bên ngoài cấm vận, trừng phạt, nhưng nền kinh tế của đất nước vẫn có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều đó liên quan đến công cuộc cải cách kinh tế của chính quyền nhà nước dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Kim Châng In.

Tháng 7-1994, Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, ông Kim Châng In trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đất nước bước vào thời đại Kim Châng In. Sau 3 năm củng cố chính quyền và làm công việc chuẩn bị cho cải cách, Triều Tiên đã bắt đầu thay đổi từng bước chính sách kinh tế. Cho đến nay, công cuộc cải cách kinh tế của Triều Tiên đã mang lại nhiều khởi sắc.

Năm 1998, Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp. Điểm quan trọng trong sửa đổi Hiến của Triều Tiên năm 1998 là bỏ chức vụ Chủ tịch nước, thay đổi lớn bộ máy nhà nước; về kinh tế nhấn mạnh sự quản lý của trung ương theo cơ chế nội các. Từ đó, Triều Tiên bắt đầu tiến trình cải cách kinh tế: Đổi mới cơ cấu quản lý kinh tế, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện "Chủ nghĩa xã hội lợi ích thiết thực", vận dụng có mức độ cơ chế thị trường trao đổi hàng hóa. Tháng 9-1998, Hội nghị lần thứ nhất Quốc hội Triều Tiên khóa X đã đưa ra chiến lược phát triển mang tên "Nước lớn hùng mạnh Xã hội chủ nghĩa chủ thể", trong đó nhân dân là chủ thể của lịch sử, lãnh tụ là hạt nhân, thực hiện tự chủ, tự lập và tự vệ, thoát khỏi mọi sự chi phối và ràng buộc, xây dựng Triều Tiên thành quốc gia hùng mạnh "Xã hội chủ nghĩa chủ thể", mạnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

Xã luận ngày đầu năm mới 2001 trên báo Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, thế kỷ XXI là thế kỷ Triều Tiên thực hiện mục tiêu nước lớn hùng mạnh; trong đó sức mạnh kinh tế là nền tảng. Như vậy, Triều Tiên đã đặt nhiệm vụ xây dựng kinh tế lên vị trí nổi bật nhất với mục tiêu tự chủ, hiện đại, khoa học để xây dựng đất nước hùng mạnh. Thời kỳ đó, quan hệ Nam - Bắc đã có bước tiến triển quan trọng, giúp Triều Tiên tập trung sức lực nhiều hơn cho xây dựng kinh tế.

Triều Tiên coi thực hiện tự chủ hóa nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu để xây dựng đất nước hùng mạnh. Điều này có liên quan đến đặc điểm tình hình trong nước cũng như môi trường quốc tế. Từ sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên bị mất đi nguồn nhập khẩu chủ yếu vật tư chiến lược làm chỗ dựa cho nền kinh tế trong nước đồng thời mất đi thị trường xuất khẩu chủ yếu, gần như cả nền kinh tế quốc dân rơi vào tình trạng tê liệt, trong khi đó Mỹ lại chưa xóa bỏ cấm vận. Vì vậy, Triều Tiên không thể không dựa vào nguồn tài nguyên trong nước để vực dậy nền kinh tế. Từ năm 1997, Triều Tiên coi khôi phục kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt giải quyết vấn đề lương thực là trọng tâm số 1.

Từ giữa năm 2002, chương trình cải cách từng phần của Triều Tiên đã làm tăng vai trò của thị trường trong nền kinh tế, một số đạo luật đã được ban hành để đưa đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Nhiều khu chợ trao đổi tự do hàng hóa đã xuất hiện. Tính đến tháng 9-2008, chỉ riêng đại lộ Thống Nhất ở thủ đô Bình Nhưỡng đã có hàng nghìn cửa hàng buôn bán tự do. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2005, để khắc phục mặt trái nảy sinh từ kinh tế thị trường, Triều Tiên đã tăng cường cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường tự do.

Về đổi mới cơ cấu kinh tế, đến cuối thập niên 90 thế kỷ XX, 37,6% dân số sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên cho giá trị tổng sản phẩm chiếm 27,6% GDP, ngành dịch vụ chiếm 30,3%, trong đó 2/3 (20,7%) là dịch vụ của doanh nghiệp nhà nước, còn lại là đóng góp của ngành công nghiệp. Điều này cho thấy ngành dịch vụ mới trong thời kỳ phát triển ban đầu.

Năm 2008, Triều Tiên đưa ra mục tiêu đến năm 2012, nhân dịp 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sẽ mở đầu chặng đường đi đến mục tiêu nước lớn hùng mạnh. Năm 2010, Triều Tiên nhấn mạnh toàn Đảng phải coi trọng mặt trận kinh tế, phát triển nhanh hơn nữa công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay, Triều Tiên tiếp tục thực hiện cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ gắn với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tập trung thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng điểm là điện lực, khai thác than, luyện kim và vận tải đường sắt, tích cực thúc đẩy ngoại thương, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại.

Trong các giải pháp cụ thể để xây dựng kinh tế, giải pháp cơ bản nhất được Triều Tiên lựa chọn là kết hợp giữa phát động phong trào quần chúng với áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ. Khi cần đến hiệu quả về quy mô nhân lực, Triều Tiên đã huy động đông đảo lực lượng quần chúng tham gia phong trào lao động sản xuất, tập trung sức hoàn thành công việc trong một thời gian ngắn, lực lượng quân đội phát huy vai trò "chủ lực" và đi đầu trong nhiệm vụ này. Điển hình là phong trào “150 ngày chiến đấu" và "100 ngày chiến đấu" khắc phục khó khăn kinh tế trong năm 2009. Đối với những công việc khó phát huy được sức mạnh của lực lượng quần chúng, Triều Tiên coi trọng giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, coi khoa học kỹ thuật hiện đại là khâu trung tâm để phát huy hiệu quả thiết thực.

2. Cải cách trong ngành công nghiệp

Cải cách kinh tế của Triều Tiên khởi đầu từ công việc tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước. Sau khi sửa đổi Hiến pháp, sự thay đổi phương pháp xây dựng kế hoạch kinh tế đã đi đến sự thay đổi phương thức quản lý doanh nghiệp và điều chỉnh giá cả, tiền lương. Về biện pháp cụ thể, từ năm 2001, Triều Tiên đã bước đầu mở rộng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, xây dựng quy chế hạch toán độc lập, thực hiện "thị trường giao lưu vật chất xã hội chủ nghĩa" giữa các doanh nghiệp nhà nước, cho phép doanh nghiệp làm ăn có lãi được sử dụng một phần "lợi nhuận".

Những doanh nghiệp có năng lực sản xuất kinh doanh được phát triển thành những doanh nghiệp trọng điểm, được tổ chức lại theo hướng chuyên môn hóa ngành sản xuất, ra đời những doanh nghiệp sản xuất chuyên ngành. Từ năm 1999, Triều Tiên đã xác định những ngành kinh tế mũi nhọn cần phải tập trung thúc đẩy xây dựng là điện lực, khai thác than, công nghiệp luyện kim, vận tải đường sắt và chế tạo cơ khí, cố gắng giải quyết ba vấn đề lớn là tăng cường sản xuất điện, "bình thường hóa" sản xuất công nghiệp ở trình độ cao và nâng cao mức sống của nhân dân.

Trong bối cảnh bị Mỹ bao vây, cấm vận, trừng phạt, Triều Tiên chủ trương tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, dựa vào tài nguyên sẵn có của nước mình để phát triển nền kinh tế tự chủ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng lại nền kinh tế. Những năm gần đây, Triều Tiên đã ra sức cải tạo nâng cấp hàng loạt cơ sở công nghiệp lớn, tận dụng ưu thế nguồn tài nguyên phong phú của đất nước để sản xuất nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp chủ yếu. Nhà máy gang thép Cheng Xin, Tập đoàn gang thép Qian li Ma đã sử dụng than không khói trong nước thay thế than cốc nhập khẩu để sản xuất loại gang được gọi là "gang Chủ thể". Tập đoàn gang thép Jin Rong lớn nhất nước cũng đang mở rộng công nghệ sản xuất này. Tập đoàn Dệt 8-2 sau khi nâng cấp hệ thống điều khiển "số hoá" và sử dụng nguyên liệu trong nước đã cho ra đời sản phẩm mới được gọi là "sợi Chủ thể". Tập đoàn Hóa chất Nan Xing được cải tạo nâng cấp, sử dụng nguyên liệu trong nước cũng làm ra "phân hóa học Chủ thể".

Để tăng cường sản xuất điện, từ trung ương đến địa phương của Triều Tiên đã đầu tư xây dựng mới một số nhà máy điện cỡ lớn và hàng nghìn nhà máy điện vừa và nhỏ ở các địa phương. Hiện nay việc xây dựng nhà máy thủy điện lớn Yan Chuan đang tiến triển thuận lợi, dự kiến năm 2012 sẽ khánh thành.

3. Quan tâm lĩnh vực khoa học công nghệ

Căn cứ cơ cấu ngành và đặc điểm từng ngành nghề, Nhà nước Triều Tiên đã tích cực thúc đẩy cải tạo kỹ thuật công nghệ theo kế hoạch, chú trọng khoa học công nghệ mũi nhọn, mạnh dạn loại bỏ dây chuyền sản xuất lạc hậu tốn năng lượng, hiệu quả thấp, đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để cải tạo hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, xây dựng những cơ sở sản xuất mới công nghệ cao. Lãnh tụ Kim Châng In khẳng định: "Thời đại ngày nay là thời đại khoa học và kỹ thuật, phải giải quyết vấn đề này trên quan điểm mới và ở tầm cao mới". Triều Tiên đã quyết định, để nhanh chóng nâng cao trình độ hiện đại hóa khoa học công nghệ, phải đổi mới công tác quản lý trong lĩnh vực này, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, tăng cường giao lưu quốc tế, tạo điều kiện sống và làm việc tốt cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, có chiến lược đào tạo phát triển lực lượng này; kịp thời áp dụng rộng rãi những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, trước mắt là phát triển ngành sản xuất điện tử, sinh học, xây dựng các nhà máy tự động hóa và công nghiệp chế tạo máy vi tính. Lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi các ngành tích cực áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ "tiên tiến nhất", đặc biệt công nghệ thông tin hiện đại trong các dây chuyền sản xuất khắp cả nước, được gọi là “Công nghệ cao hóa”.

Chính phủ Triều Tiên đã xây dựng tại Bình Nhưỡng một trung tâm máy vi tính, phụ trách toàn diện công việc phát triển ứng dụng và phổ cập máy vi tính trên phạm vi toàn quốc, bên dưới có 7 nhánh Trung tâm trực thuộc, hàng năm có hàng vạn người được học tập đào tạo tin học ở các trung tâm này. Đồng thời, tất cả các trường trung học của Triều Tiên có điều kiện đều được giảng dạy chương trình tin học; các trường đại học mở các khoa Tin học. Trường Đại học chuyên ngành máy vi tính cũng đã được thành lập. Ngoài ra, nước này còn xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu tin học từ to đến nhỏ như Trung tâm công nghệ thông tin Triều Tiên, Đại học Khoa học vi tính trực thuộc Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành, Viện Nghiên cứu máy vi tính thuộc Đại học Tổng hợp công nghiệp Jin Se... Hiện nay, tại Triều Tiên đã hình thành một hệ thống nghiên cứu phát triển ngành công nghệ tin học. Mạng Internet trong nước đã phát triển ở mức độ nhất định, các cơ quan ban ngành, từ trung ương đến địa phương đều đã liên kết mạng vi tính.

4. Coi trọng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Ngay từ những năm 1995 - 1997, Triều Tiên đã xây dựng chiến lược kinh tế coi nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và thương mại là cuộc cách mạng hàng đầu. Năm 1999, nước này lại đưa ra "phương châm nông nghiệp hàng đầu". Nhà nước Triều Tiên chủ trương phải phát triển nông nghiệp theo ý nguyện của nông dân và phù hợp tình hình thực tế. Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt giải pháp, khắp cả nước ra quân thực hiện cuộc "cách mạng khoai tây", tự khai thác nguồn lương thực thay thế, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp và cả cá nhân phát triển nghề phụ, trong đó có chăn nuôi gia súc như nuôi dê, thỏ, nuôi tằm, nuôi cá nước ngọt, nuôi hải sản... Để nâng cao mức sống của nhân dân, họ tận dụng mọi nguồn lực đất đai để trồng hoa màu, lựa chọn và phát triển cây con giống có hiệu quả kinh tế cao, trồng hai vụ hoa màu, cải tạo đồng ruộng và hệ thống tưới tiêu với quy mô lớn. Các địa phương đã mở rộng diện tích và nâng cao trình độ cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp nhằm tăng sản lượng lương thực. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được tăng cường đầu tư.

Đồng thời với phát triển các cơ sở sản xuất kinh tế, Triều Tiên cũng xúc tiến xây dựng một số công trình văn hóa như đại lộ Wan Shou Tai, Trung tâm vui chơi giải trí Khải Hoàn ở Bình Nhưỡng. Nước này cũng đang huy động công sức của cả nước xây dựng mới 10 vạn căn hộ tại Bình Nhưỡng để cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân thủ đô.

5. Chú trọng hợp tác kinh tế với bên ngoài

Trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận, Triều Tiên vẫn cố gắng kết hợp đồng thời giữa phát triển kinh tế trong nước với mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với bên ngoài. Nhà nước xác định rõ: Để thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế, nếu chỉ dựa vào nguồn lực trong nước sẽ không thể thành công được. Vì vậy, họ phải vừa tự lực cánh sinh, ra sức khai thác mọi nguồn lực trong nước, đồng thời điều chỉnh lớn chiến lược đối ngoại, khai thác nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế trong nước. Phương châm đối ngoại kinh tế của Triều Tiên bắt đầu từ cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, từng bước cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, tích cực thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với cá nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Từ năm 2000 đến nay, quan hệ đối ngoại kinh tế của Triều Tiên chủ yếu là hướng tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, các nước phương Tây, các nước ASEAN. Tuy nhiên, do tình hình chính trị căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và đặc điểm địa lý, những năm qua, dòng vốn FDI vào Triều Tiên dường như chỉ đến từ hai kênh Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu và cũng là nước đầu tư lớn nhất vào Triều Tiên, đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cung cấp khoảng 80% nhiên liệu ở Triều Tiên, Iran và Indonesia cung cấp phần còn lại.  Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên. Kim ngạch thương mại liên Triều năm 2007 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 33,2% so với năm 2006, trong đó xuất khẩu của Hàn Quốc sang Triều Tiên đạt 1,03 tỷ USD, tăng 24,3%. Năm 2008, kim ngạch thương mại liên Triều đạt 1,82 tỷ US, tăng 1,2% so với năm 2007. Hàng may mặc, hóa chất và máy móc là những mặt hàng chủ lực cung cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp liên doanh Kaesong.

Khu công nghiệp Kaesong nằm trên đất của Triều Tiên, sát biên giới với Hàn Quốc, được hai bên xây dựng từ năm 2002. Khu công nghiệp này là kết quả của một giai đoạn quan hệ tốt đẹp giữa hai miền Triều Tiên thời kỳ Tổng thống Kim Dae-jung. Nhiều nhà phân tích cho rằng Kaesong là một trong số những mô hình kinh tế thành công của Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, Kaesong trở thành nguồn thu ngân sách và cung cấp việc làm quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên vẫn còn chưa thực sự mở cửa với bên ngoài. Mỗi tháng ước tính Kaesong mang lại cho Triều Tiên 50 triệu USD. Đến năm 2010, Hàn Quốc đã có 121 công ty hoạt động tại khu công nghiệp này với 42.000 công nhân của Triều Tiên, doanh thu 750 triệu USD, trong đó xuất khẩu 120 triệu USD. Mặc dù quan hệ Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc rất căng thẳng từ cuối tháng 3-2010 đến nay do vụ chìm tàu Cheonan gây ra, Triều Tiên vẫn tiếp tục cho phép những người ở Hàn Quốc vào khu công nghiệp này làm việc. Ông Cho Bong-hyun, học giả chuyên về kinh tế  Triều Tiên nhận định: "Kaesong là hy vọng tốt nhất để Bình Nhưỡng thu hút đầu tư nước ngoài". Kaesong vẫn được xem là biểu tượng của quan hệ hợp tác liên Triều.

Về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên với Việt Nam: Tháng 9-2000, hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Hai nước đã ký kết một số Hiệp định hợp tác như Hiệp định vận tải biển (tháng 5-2002), Hiệp định thương mại (tháng 5-2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 5-2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5-2002). Trong chuyến thăm Triều Tiên năm 2007 của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu, hai bên đã đưa ra các biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, nhất là các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng. Kỳ họp lần thứ 7 giữa đại diện ngành Kinh tế - Thương mại hai nước tổ chức vào tháng 4-2009 tại Hà Nội đã trao đổi nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

*

*    *

Nhìn chung, chính sách kinh tế của Triều Tiên đã có những bước đi đổi mới và thu được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng của tình hình đất nước, Triều Tiên về cơ bản vẫn thực hiện cơ chế kinh tế kế hoạch hóa. Với quyết tâm và nỗ lực đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên, nền kinh tế của Triều Tiên sẽ có thêm sức mạnh để đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tới.

 

NGUYỄN HỮU THĂNG

(Nguyên phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO)

 

1- "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" - Bách khoa toàn thư - Mạng Wikipedia.

2- "Lịch sử phát triển kinh tế Triều Tiên - được và mất của chính sách kinh tế" - Mạng Phượng Hoàng (Hồng Công, TQ) - Ngày 26-7-2009.

3- "Cải cách kinh tế Triều Tiên và đặc điểm của nó với tính thần bí và sự đặc thù" - Cung Ngọc Đào - Mạng www.csscipaper.com - Ngày 26-6-20010.

4- "Điều chỉnh kinh tế và chính sách thống nhất của Triều Tiên: Lịch sử, hiện trạng và tương lai" - Phác Kiện - mạng http://csscipaper.com.

5- "Khái quát kinh tế Triều Tiên" - Mạng Xinhuanet - Tháng 7-2010.

6- "Thực trạng cải cách kinh tế của Triều Tiên và những vấn đề đặt ra" - Tam Thôn Quang Hoằng - Trung tâm lưu trữ luận văn Trung Quốc - Tháng 7-2010.

7- "KCN Kaesong vẫn tồn tại: Niềm hy vọng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên" - Mạng Vietnamnet.com.vn  ngày 20-7-2010.

8- "Hợp tác kinh tế Việt Nam - CHDCND Trièu Tiên " - TTXVN - 20-7-2007.

0thảo luận