Trang chủ

“NHÓM LÃNH ĐẠO” - MỘT ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA - CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN THỜI KỲ MINH TRỊ (1868-1912)

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:49 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Nhật Bản là một quốc đảo có vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với Châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Những thành công to lớn của Nhật Bản qua những lần cải cách và hiện đại hóa xã hội trong lịch sử đã giúp đất nước này có được những bước tiến nổi bật và vững chắc hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong lịch sử Nhật Bản có ba cuộc cải cách được xem là ba cột mốc quan trọng làm thay đổi toàn diện bộ mặt của đất nước. Thứ nhất là vào thế kỷ thứ VII khi Nhật Bản chuyển đổi những chính sách của mình theo mô hình của nhà Tùy và nhà Đường (Trung Quốc), thứ hai là cuộc cải cách Minh Trị vào cuối thế kỷ XIX trước nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây và thứ ba là cuộc cải cách vào nửa sau thế kỷ XX giúp Nhật Bản trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Sự thành công vang dội của ba cuộc cải cách này luôn gắn liền với công lao của những nhà lãnh đạo tài ba, đặc biệt là trong cuộc cải cách Minh Trị vào cuối thế kỷ XIX.

Khi xét đến bản chất của giới lãnh đạo Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị, ta thấy có một đặc điểm nổi bật là nền chính trị Nhật Bản giai đoạn này hay nghiêng về khuynh hướng nhóm lãnh đạo hơn là cá nhân lãnh đạo. Điều này hoàn toàn trùng khớp với hình thái xã hội truyền thống của dân tộc xứ anh đào là hướng về “nhóm”: thích sống và làm việc theo tập thể, khi quyết định những chuyện lớn thì mang tính liên ứng hơn là đơn ứng. Sự đề cao vai trò của “nhóm” trong xã hội Nhật Bản là sự kế thừa các truyền thống lịch sử lâu đời. Người Nhật chấp nhận nó như một nhân tố không thể tách rời khỏi xã hội. Trong một nhóm, các thành viên phải tích cực hỗ trợ nhau trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày trên cơ sở duy trì lợi ích của nhau và gắn bó mật thiết như anh em một nhà. Có thể nói sự hình thành cơ chế lãnh đạo theo “nhóm” trong thời kỳ Minh Trị là sự tiến triển tự nhiên trong một hệ thống chính trị được vận hành theo những luật lệ chung truyền thống. Sự không quá nổi bật của những cá nhân lãnh đạo vào thế kỷ XIX ở Nhật bắt nguồn từ tư tưởng tôn vương (Sonno) đề cao vai trò và lòng trung thành tuyệt đối đối với Thiên hoàng. Không có một cá nhân nào có thể vượt qua hình ảnh Thiên hoàng. Và chính điều này cũng đã góp phần ngăn ngừa sự nổi lên của những nhân vật dù được xem là tài ba và có uy tín nhất đất nước. Trong bất cứ trường hợp nào có sự tranh giành quyền lực diễn ra thì những lực lượng thiểu số (do một cá nhân lãnh đạo) thường bị thất bại trước nhà cầm quyền  được vận hành theo cơ chế nhóm. Biểu hiện rõ nhất cho điều này là cuộc nội chiến năm 1877(1) khi Saigo Takamori và những người thuộc phe phái của ông đã thất bại trước sự liên kết của nhóm các nhà chính trị cầm quyền trong Chính phủ Minh Trị.

Có hai minh chứng rõ ràng nhất cho đặc điểm “nhóm lãnh đạo” trong hệ thống chính trị Nhật Bản thời kỳ Minh Trị là  “Tam đầu chế” và Genro.

1.  “Tam đầu chế

“Tam đầu chế” là danh từ được sử dụng phổ biến dùng để chỉ nhóm lãnh đạo bao gồm ba nhân vật chủ chốt là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi. Ba ông là những người có công lao lớn nhất trong cuộc lật đổ chính quyền Tokuagawa, thiết lập chính quyền Minh Trị và được mệnh danh là “Duy Tân tam kiệt”. Là những đại công thần của sự nghiệp “Vương chính phục cổ” (trả lại quyền lực cho Thiên hoàng) nên họ được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ mới. Ba nhân vật này được xem là nhóm lãnh đạo đầu tiên đã chi phối nền chính trị Nhật Bản trong những năm đầu của kỷ nguyên Minh Trị. Vai trò chủ chốt của Saigo, Okubo và Kido trong Chính phủ Minh Trị là sự biểu hiện rõ ràng nhất cho sự ảnh hưởng của thế lực Tây Nam trong chính phủ này bởi vì cả ba ông đều xuất thân từ các han(2) nằm ở phía tây nam Nhật Bản đã giữ vai trò lãnh đạo công cuộc lật đổ chính quyền Tokugawa như Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Saigo, Okubo và Kido vốn là những người bạn thân có cùng chí hướng đã nhiều lần hợp tác với nhau  thực hiện nhiều sự kiện quan trọng dẫn đến sự cáo chung của chính quyền phong kiến cuối cùng của Nhật Bản. Sau khi chính quyền Minh Trị được thành lập vào năm 1868, ba ông lại một lần nữa hợp tác với nhau để thực hiện rất nhiều chính sách quan trọng nhằm xây dựng những nền tảng ban đầu cho việc phát triển một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh. Chính sự hợp tác của họ đã tạo nên đặc điểm làm việc theo nhóm mà biểu hiện rõ ràng nhất là trong việc thực hiện chủ trương “Bản tịch phụng hoàn” và chính sách “Phế han lập ken” vào năm 1871.

“Bản tịch phụng hoàn” là một chủ trương kêu gọi các lãnh chúa địa phương (daimyo) ở tất cả các han trao trả lại đất đai và dân cư của han mình cho Thiên hoàng.  Đây cũng là một chủ trương nhằm để đề cao vai trò của Thiên hoàng, từ đó xây dựng một chính quyền trung ương vững mạnh. Chính sách “Phế han lập ken” tức là xóa bỏ các han  tồn tại trong thời Mạc phủ Tokugawa để thiết lập ken (tương đương với tỉnh của Việt Nam) được thực thi vào ngày 14/7/1871, theo đó hơn 260 han tồn tại từ trước đến nay đã bị phá bỏ và thay vào đó là một hệ thống chính quyền địa phương thống nhất với 1 thủ đô, 3 phủ và 72 ken. Khi bắt đầu thực hiện các chính sách này, chính quyền Minh Trị gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía các lãnh chúa địa phương do họ không muốn chính phủ mới tước đoạt những quyền lợi vốn có của mình ở những han cũ. Chính lúc này bộ ba “Duy tân tam kiệt” đã cùng hợp sức để xúc tiến những cải cách quan trọng này. Nếu như Okubo và Kido có công trong việc đến từng han để thuyết phục các lãnh chúa chấp nhận những chính sách này thì Saigo lại đóng góp về mặt quân sự để đảm bảo cho chúng được thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả. Sự thành công của “Bản tịch phụng hoàn” và  “Phế han lập ken” đã  xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự nghiệp cải cách, đưa Nhật Bản tiến lên con đường hiện đại hóa. Tuy công lao của ba ông thể hiện ở mỗi khía cạnh khác nhau như Saigo – thủ lĩnh quân sự dũng mãnh, Okubo – chính trị gia có khả năng kiến tạo, Kido – chính trị gia có khả năng điều đình, nhưng chính nhờ sự hiệp lực, bổ sung cho nhau mà họ đã hoàn thành tốt vai trò đặt nền tảng cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo trong sự nghiệp duy tân vĩ đại.

2. Tổ chức Genro

Biểu hiện thứ hai của đặc điểm “nhóm lãnh đạo” trong hệ thống chính trị Nhật Bản thời kỳ Minh Trị là Genro

2.1. Khái quát về tổ chức Genro

Từ “Genro” có nguồn gốc từ tên gọi của những quan chức lão thành có thế lực vào thời kỳ Edo (1600-1868). Từ năm 1885 thì Genro trở thành tên gọi của một cơ quan mà thành viên của nó là những quan chức chủ chốt trong triều đình, những vị cựu thủ tướng thường hay được gọi tới để tư vấn cho Thiên hoàng trong việc giải quyết những vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia, trong việc lựa chọn thủ tướng mới hay trong những vấn đề quan trọng khác. Có bảy nhân vật được xem là những Genro đầu tiên: Matsukata Masayoshi (1853-1924), Inoue Kaoru (1853-1915), Yamagata Aritomo (1838-1922), Kuroda Kiyotaka (1840-1900), Ito Hirobumi (1841-1909), Oyama Iwao (1842-1916), và Saigo Tsugumichi (1843-1902).

Có ba đặc điểm nổi bật khi xem xét về các thành viên Genro. Thứ nhất, họ đều là những thành viên có công lao to lớn trong sự nghiệp đánh đổ Tokugawa, khôi phục lại quyền lực cho Thiên hoàng. Thứ hai, phần lớn họ đều xuất thân từ hai han là Satsuma, Choshu và đây là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đặc điểm về nhóm lãnh đạo trong mọi hoạt động của tổ chức Genro. Thứ ba, phần lớn các thành viên Genro đều nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy dân sự cũng như quân sự của chính quyền Minh Trị. Bên cạnh đó, sự gắn bó giữa các thành viên trong Genro còn được phát triển thông qua một hình thức vô cùng đặc biệt. Đó là thông qua các “cuộc hôn nhân mang tính liên minh” giữa các thành viên để củng cố thêm thâm tình. Những mối quan hệ này đã góp phần làm vững chắc thêm mối quan hệ các thành viên Genro, giúp họ dễ dàng có sự liên kết với nhau trong các hoạt động chính trị và qua đó dẫn tới việc hình thành đặc điểm về nhóm lãnh đạo trong tổ chức này.

2.2. Những đặc điểm về “nhóm lãnh đạo” trong tổ chức Genro

Có ba nhân tố quan trọng thể hiện đặc điểm về “nhóm lãnh đạo” trong tổ chức Genro:

a. Nhân tố đầu tiên là nguyên tắc hoạt động của Genro. Tuy mỗi thành viên của Genro đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Minh Trị nhưng khi đã gia nhập tổ chức này thì mỗi người phải tuận thủ những nguyên tắc sau:

1. Tất cả các thành viên đều phải hợp sức để hoàn thành những mục tiêu chung mà tổ chức Genro đã đề ra.

2. Tất cả các thành viên đều có quyền tham gia vào việc đưa ra một quyết định.

3. Mỗi thành viên đều được hưởng những quyền lợi như nhau và đều được cung cấp những thông tin giống nhau để phục vụ cho công việc của tổ chức.

4. Mỗi thành viên đều có ảnh hưởng ngang bằng nhau trong việc đưa ra quyết định cuối cùng.

5. Quyết định cuối cùng được ban hành theo ý kiến số đông.

Những nguyên tắc trên đây đã cho thấy một sự bình đẳng rõ ràng trong mối quan hệ cũng như trong quyền hạn của mỗi thành viên Genro. Tất cả những quyết định của tổ chức này đều dựa trên sự nhất trí chung của tập thể. Điều này  đã góp phần ngăn chặn sự nổi trội hay sự độc quyền của một cá nhân riêng rẽ trong tổ chức này.

b. Mọi quyết định của Genro đều được ra đời thông qua các cuộc họp. Và đây cũng là đặc điểm thứ hai thể hiện cách làm việc “theo nhóm” của Genro. Phần lớn các cuộc họp này không diễn ra theo định kỳ và gồm có 4 loại:

Thứ nhất là Genro Kaigi. Đây là cuộc họp với sự tham gia của tất cả các Genro được triệu tập do một thành viên trong tổ chức này nhằm giải quyết một vấn đề quan trọng đang phát sinh vào thời điểm đó. Cuộc họp này thường được diễn ra tại nhà của một thành viên Genro và hoàn toàn bí mật.

Thứ hai là Genro Daijin Kaigi với sự tham gia của các thành viên Genro và các bộ trưởng trong nội các. Cuộc họp này thường được diễn ra một cách công khai và thường được tiến hành do yêu cầu của thủ tướng chính phủ.

Thứ ba là Gozen Kaigi. Đây là một cuộc họp rất quan trọng và thường được triệu tập khi đất nước có một vấn đề cấp bách cần giải quyết. Ngoài sự tham gia của các thành viên Genro, thủ tướng và các bộ trưởng đứng đầu các bộ còn có sự tham gia của Thiên hoàng.

Thứ tư là Genro Sangi. Đây là loại cuộc họp chiếm số lượng nhiều nhất. Tuy được gọi là “cuộc họp” nhưng chúng lại mang hình thức của “những buổi nói chuyện” hay “những buổi thảo luận”. Trong những dịp như thế này thì các thành viên Genro được tự do trao đổi ý kiến của mình đối với các vấn đề về chính trị, kinh tế, đối ngoại của quốc gia. Thông thường thì kết quả của các cuộc họp như thế này là quyết định cuối cùng với sự nhất trí của các thành viên. Quyết định này sau đó sẽ được trình lên Thiên hoàng và hơn 90% sẽ trở thành văn bản chính thức của chính quyền trung ương.

c. Nhân tố thứ ba thể hiện đặc điểm về nhóm lãnh đạo trong tổ chức Genro là sự luân phiên cầm quyền của các thành viên trong tổ chức này. Các thành viên trong Genro, nói đúng hơn là những nhân vật thuộc thế lực Satsuma – Choshu luôn tạo mọi điều kiển để khuyến khích cũng như bảo trợ cho những người thuộc thế lực của mình nắm giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ… Do cùng xuất thân từ những địa phương giống nhau, từng có thời gian dài hợp tác với nhau trong sự nghiệp đảo Mạc và đặc biệt là cùng nắm giữ những chức vụ cao cấp trong Chính quyền Minh Trị nên  giữa các thành viên có một sự gắn bó sâu sắc. Tuy tổ chức Genro có đến 7 người với những tính cách và quan điểm sống hoàn toàn khác nhau nhưng cái hay của họ là ở chỗ họ có ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước. Họ đã phát huy ưu điểm về nhóm của mình và đã đoàn kết với nhau để giúp Thiên hoàng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia.

3. Những đóng góp và hạn chế của các “nhóm lãnh đạo” thời kỳ Minh Trị

3.1 Những đóng góp

Sau khi đánh bại Mạc phủ Tokugawa vào năm 1868, Thiên hoàng Minh Trị khôi phục lại quyền lực thực sự của mình. Tuy nhiên lúc này do bộ máy chính quyền còn khá non trẻ và Thiên hoàng Minh Trị cũng chưa có kinh nghiệm để quản lý đất nước nên dẫn đến tình trạng khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo có kinh nghiệm và năng lực. Chính vì thế sự ra đời của các nhóm lãnh đạo đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách đó. “Duy tân tam kiệt” và Genro tượng trưng cho hai thế hệ lãnh đạo nổi bật của thời kỳ Minh Trị. Có một đặc điểm đáng chú ý trong cả hai nhóm lãnh đạo này là tất cả các thành viên phần lớn đều xuất thân từ các han tây nam như Satsuma, Choshu Tosa và Hizen. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự tương đồng về chí hướng, mục tiêu hoạt động chính trị và từ đó hình thành nên sự liên kết vững chắc giữa các thành viên. Sự hình thành các nhóm lãnh đạo có nguồn gốc từ các han tây nam là một biện pháp nhằm ngăn chặn sự rạn nứt trong bộ máy chính phủ, qua đó góp phần mang đến sự ổn định và thống nhất về mặt chính trị của Nhật Bản, tạo nên sự tập trung quyền lực vào tay chính quyền trung ương.

3.2 Những hạn chế

Những thành viên trong nhóm lãnh đạo “Duy tân tam kiệt” và Genro đều đảm nhận rất nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ. Trong thời kỳ đầu Minh Trị, nhóm lãnh đạo “Duy tân tam kiệt” kiểm soát được cả bộ máy dân sự và quân sự của chính quyền mới khi Okubo là Nội vụ khanh(1) đứng đầu Bộ Nội vụ, Kido là người chỉ đạo việc cải cách hành chính nhằm củng cố nhà nước trung ương tập quyền, Saigo Takamori trở thành thủ lĩnh quân sự khi thiết lập nên lực lượng quân đội đầu tiên của chính phủ mới góp phần xây dựng nền tảng ban đầu cho các cuộc cải cách quân sự với quy mô lớn sau này. Đối với Genro, các thành viên của nhóm lãnh đạo này chi phối tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quân sự đến pháp luật, ngoại giao của chính quyền Minh Trị. Ví dụ như từ năm 1885- 1888 thì Ito là Thủ tướng, Yamagata là Bộ trưởng Nội vụ, Kuroda là Bộ trưởng Nông nghiệp và Thương mại, Matsukata là Bộ trưởng Tài chính, Inuoe là Bộ trưởng Ngoại giao, Oyama là Bộ trưởng Lục quân và Saigo Tsugimichi là Bộ trưởng Hải quân(2). Chính vì đặc điểm này mà trong quá trình hoạt động chính trị của mình, các nhóm lãnh đạo này đã bộc lộ một  hạn chế lớn mang tính tất yếu: sự  độc tài.

“Duy tân tam kiệt” hay Genro vốn là những cơ chế chính trị được điều hành bởi những bậc lão thành trong liên minh Satsuma - Choshu cũ. Do đó các hoạt động chính trị của họ đều nhằm vào mục đích là tăng cường sức mạnh và sự ảnh hưởng của thế lực Satsuma - Choshu trong chính quyền Minh Trị. Tiêu biểu nhất là  trong tổ chức Genro, các thành viên luôn tìm mọi  cách để  luân phiên nắm giữ các chức vụ cao cấp trong chính quyền chứ không để cho những người ngoài thế lực “Satsuma - Choshu”  có cơ hội nắm giữ. Một Genro sắp sửa từ chức  sẽ gợi ý về người kế nhiệm mình và người được chỉ định bao giờ cũng là một thành viên Genro khác, tức cũng là người của Satsuma hay Choshu. Vì các thành viên trong Genro thay thế nhau theo chu kỳ nên đã tạo một quỹ đạo quen thuộc trong nền chính trị Nhật Bản từ năm 1885 đến năm 1900. Đó chính là việc các thành viên Genro xuất thân từ Satsuma và Choshu  thay phiên nhau làm thủ tướng Nhật. Điều này đã góp phần làm cho bộ máy chính quyền Nhật Bản thời kỳ Minh Trị mang tính bảo thủ và độc tài.


Những thành viên Genro nắm giữ chức vụ Thủ tướng Nhật Bản

Tên họ

Nhiệm kỳ

Nơi sinh

Ito Hirobumi

1885 -1888

Choshu

Kuroda Kiyotaka

1888 -1889

Satsuma

Yamagata Aritomo

1889 -1891

Choshu

Matsukata Masayoshi

1891 -1892

Satsuma

Ito Hirobumi

1892 -1896

Choshu

Matsukata Masayoshi

1896 -1897

Satsuma

Ito Hirobumi

1897 -1898

Choshu

Okuma Shigenobu

1898

Hizen

Yamagata Aritomo

1898 -1900

Choshu

Ito Hirobumi

1900 -1901

Choshu

Katsura Taro

1901 -1905

Choshu

Saionji Kinmochi

1906 -1908

Kyoto

Katsura Taro

1908 -1911

Choshu

Saionji Kinmochi

1911 -1912

Kyoto

 

 


Tóm lại, đặc điểm về “nhóm lãnh đạo” được biểu hiện thông qua sự cầm quyền của bộ ba “Saigo – Okubo – Kido” và Genro là một khuynh hướng nổi bật trong nền chính trị Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị. Chính đặc điểm này đã tạo nên tính liên ứng hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia mà một cá nhân riêng lẻ khó có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, đặc điểm về nhóm lãnh đạo trong thời kỳ Minh Trị còn là một biểu hiện rõ rệt nhất cho sự thống trị của thế lực các han tây nam đối với nền chính trị Nhật Bản trong giai đoạn này. Tuy sự lãnh đạo theo cơ chế nhóm của “Duy tân tam kiệt” và Genro cũng mang một số hạn chế nhất định nhưng nó đã góp phần tạo ra sự thống nhất và ổn định về mặt chính trị và là nền tảng quan trọng cho những cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quân sự…, đưa Nhật Bản mau chóng trở thành một cường quốc hùng mạnh ngang hàng với các nước phương Tây.

 

HUỲNH PHƯƠNG ANH

(Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bernard S.Silberman,“Bureaucratic Development and the Structure of Decision – making in Japan: 1868 -1925”, The Journal of Asian studies, Volume XXIX, No 2, February 1970 p. 347-362.

2. Bernard S. Silberman, “Bureaucratization of the Meiji State: The problem of succession in the Meiji Restoration 1868 -1900”, The Journal of Asian studies, Volume XXXV, No 3, 1976, p. 421-430.

3. E–Herbert Norman (2000), Japan’s Emergence as a Modern State , Nxb Vancouver, Toronto

4. Hani Goro 羽仁五郎(1956), Meiji Ishin Kenkyu明治維新研究  (Nghiên cứu về cuộc Duy Tân Meiji), Iwanamu

5. Hattori Shiso 服部之総(1972), Meiji Ishinshi 明治維史 (Meiji Duy tân sử), Aoki Bunko.

6. Peter Kornicki(2000), Meiji Japan – Political, economic and social history 1868 – 1912, Harvard University Press, Volume II

7. Peter Kornicki(2000), Meiji Japan – Political, economic and social history 1868 – 1912, Harvard University Press, Volume III

8. Tanaka Akira 田中彰(1995) , Meiji Ishin 明治維新 (Meiji Duy Tân),  Yoshikawa Kobunkan



(1) Còn gọi là “cuộc chiến tranh Tây Nam”  diễn ra giữa quân đội do Saigo Takamori lãnh đạo và quân đội của chính phủ. Nguyên nhân chính là do chính quyền Minh Trị ra lệnh dời kho vũ khí ra khỏi Kagoshima (tức Satsuma han cũ) làm cho mâu thuẫn giữa quân đội Saigo và chính phủ thêm gay gắt. Kết quả của cuộc chiến này là quân chính phủ giành thắng lợi. Do bị truy kích quyết liệt nên Saigo đã dùng kiếm tự vẫn vào ngày 24/09/1877.

(2) “Han” là từ dùng để chỉ cơ sở của chế độ hành chính – xã hội trong thời Mạc phủ Tokugawa.

(1) Chức vụ này ra đời sau khi Bộ Nội vụ của chính quyền Minh Trị được thiết lập vào năm 1873. Vào thời điểm đó, chức vụ này tương đương với Thủ tướng ngày nay.

(2) Peter Kornicki (2000), Meiji Japan – Political, economic and social history 1868 – 1912, Harvard University Press, Volume III , tr.14

0thảo luận