Trang chủ

NGHỀ TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI HÀN

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Một trong những điểm chung nổi bật dễ nhận thấy trong lĩnh vực văn hóa đảm bảo đời sống giữa hai dân tộc Hàn và Việt chính là điểm xuất phát từ nền kinh tế “dĩ nông vi bản”. Trong quá trình tìm hiểu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những điểm tương đồng, có cả những điểm dị biệt liên quan tới lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Cho nên, để giới thiệu về ngành nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc Hàn và Việt, chúng tôi bước đầu đã đặt nó trong sự đối sánh giữa hai dân tộc để tìm ra những điểm giống và khác nhau trong lĩnh vực nói trên, với hy vọng qua đó sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

So với các lĩnh vực khác, cho tới nay, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống ở người Hàn vẫn chưa thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của giới nghiên cứu Việt Nam. Điểm qua một số công trình bài viết đã công bố như Nguyễn Bá Thành (1996), “Tương đồng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc”; Nguyễn Long Châu (2000), “Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc”; Mai Ngọc Chừ (2002), “Vài nét về sự tương đồng các yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam – Hàn Quốc” trong Những vấn đề Văn hóa, Xã hội và Ngôn ngữ Hàn Quốc,… cho tới nay, vẫn chưa có một nhà nghiên cứu nào đi sâu phân tích một cách chi tiết về nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của dân tộc Hàn và đối sánh nền kinh tế này với dân tộc Việt. Song, các công trình nghiên cứu trên chính là nguồn tài liệu tham khảo quý báu để chúng tôi thực hiện vấn đề nêu trên.

1. Trong lĩnh vực trồng trọt

Ở Hàn Quốc, vào thời kỳ nước Triều Tiên cổ, với việc sử dụng đồ sắt đã tạo ra vô số thay đổi trong đời sống sinh hoạt của người Hàn. Trước tiên, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển một cách rõ rệt.

Điều này được khẳng định từ sự xuất hiện về các nông cụ như lưỡi cày và lưỡi hái. Hầu hết, các cánh đồng đã được chuẩn bị trồng cấy bằng các nông cụ như cái cày gỗ cầm tay và cái bừa sắt. Theo phương thức này, sản lượng lương thực gia tăng đáng kể so với đồ đồng. Cho đến thời kỳ thành lập của những vương quốc liên minh Puyõ, Koguryo và Chin, nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực chính yếu của người Hàn. Điều này được thể hiện qua sự việc các đời vua Puyõ phải chịu trách nhiệm về mùa màng thất bát, hậu quả xảy ra là họ có thể phải thoái vị, hoặc bị giết. Cũng trong thời kỳ này, việc trồng lúa nước ở các thung lũng đã trở nên phổ biến ở các nhà nước Shamhan (Tam Hàn) và người ta tin rằng, các hồ chứa nước dẫn thủy nhập điền cũng được xây dựng trong thời gian này. Ngoài việc trồng lúa, người Hàn còn trồng các loại ngũ cốc ở đồng khô.

Tương ứng với giai đoạn này của Hàn Quốc, ở Việt Nam vào thời đại Hùng Vương nghề trồng lúa nước cũng đã từng bước trở thành một nghề chính và đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, tạo ra nền “văn minh lúa nước”, hay “nền văn minh sông Hồng”. Với những nông cụ bằng sắt, ngành nông nghiệp trồng lúa nước đã phát triển thêm một bước. Khi đã thuần dưỡng được cây lúa và đưa nghề trồng lúa lên vị trí trội hơn trồng rau củ cũng là lúc cư dân Việt chuyển sang một hệ sinh thái chuyên biệt mang tính nhân văn trên cái nền của hệ sinh thái phổ quát và nghề trồng vườn. Do đó, khắp nơi trên đất Việt hình thành một phức thể canh tác: ruộng/rẫy, ruộng/nương, ruộng/vườn,… trong nghề trồng lúa. Từ cuộc cách mạng đá mới đến những phát minh ra hợp kim đồng thau chính là bước nhảy vọt về kỹ thuật nhằm đáp ứng những nhu cầu nông nghiệp. Việc dùng trâu, bò để kéo cày, bừa đất đã nâng cao được hiệu quả làm đất, do vậy cũng đã loại trừ dần phương pháp “hỏa canh”.

Người Việt đã biết dùng phân để tăng thêm độ phì nhiêu của đất, nên nông nghiệp lúa nước cũng có điều kiện để chuyển hướng sang thâm canh tăng vụ. Người Việt đã biết trồng lúa hai mùa. Lúa hai mùa được gọi là “lúa Giao Chỉ”. Việc trồng lúa hai mùa trong thời kỳ này đã khẳng định người Việt là một trong những dân tộc trồng lúa hai mùa sớm nhất. Theo kết quả nghiên cứu về nguồn gốc cây lúa dựa trên các vỏ trấu được bảo lưu trong đồ gốm, Giáo sư Nhật Bản Watabe Tadayo kết luận rằng, ở Đông Nam Á tiền sử có hai trung tâm lúa là Vân Nam (Trung Quốc) và Assam (Ấn Độ), sau đó nó được di chuyển theo hai hướng và dần dần thích nghi với môi trường xuống đồng bằng vùng ngập nước ta mới có cây lúa nước với phương thức gieo mạ rồi cấy; lên vùng khô có cây lúa cạn với phương thức gieo thẳng. Lúa là một loại cây trồng ưa nước, do đó hình thức trồng lúa nước có thể có trước, còn việc đưa cây lúa cạn lên vùng cao là có sau. Bởi vì, để thuần dưỡng cây lúa nước trở thành cây lúa cạn phải mất một thời gian thuần hóa lâu dài. Người ta cho rằng, có ba loại lúa: Indica, JoponicaJavanica và được phân bố như sau: Indica có mặt ở hầu khắp các vùng trồng lúa, có tuổi xưa nhất, Japonica chủ yếu ở Bắc và Đông Á, còn Javanica và các biến thể của nó có quan hệ chặt chẽ về mặt sinh học với các giống lúa nương, là chủng trẻ nhất có vai trò quan trọng ở vùng hải đảo, kể cả Madagasca. Quá trình hội tụ văn hóa được đẩy mạnh mở đầu rất sớm cho sự hình thành các dân tộc, các quốc gia trên cơ tầng một xã hội truyền thống kiểu tổ chức mường của người Thái, mà cơ sở là các gia đình hạt nhân được tập hợp lại thành những tế bào làng, bản do một đẳng cấp quân sự cầm đầu nhà nước, tạo thành bộ máy chính trị, vận hành trong một phương thức sản xuất mà C.Mác đã gọi là “phương thức sản xuất Châu Á[[1]].

Từ những điều đã dẫn ở trên, chúng tôi đưa ra những điểm tương đồng và khác biệt dưới đây trong ngành trồng trọt ở hai dân tộc Hàn và Việt.

Điểm chung dễ nhận thấy trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống Hàn, Việt chính là nông nghiệp trồng lúa. Trồng lúa đóng vai trò chủ đạo trong kết cấu kinh tế của người Hàn và người Việt. Nông nghiệp trồng lúa nước phát triển đòi hỏi thực hiện công tác thủy lợi, đắp đê phòng lụt, chống hạn. Nếu như người Hàn có hệ thống các hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ở người Việt cũng có hệ thống thủy lợi như kênh, mương,… phục vụ cho việc tưới và tiêu nước. Bởi vì, việc trồng lúa nước đối với người Việt và người Hàn có tầm quan trọng số một, song họ lại phải thường xuyên đối phó với hai tình trạng thiếu và thừa nước. Vì vậy, những biện pháp thủy lợi như be bờ, đắp đập, khơi mương, tát nước, tạo hồ chứa nước,… đã ra đời. Dù các hình thức thủy lợi của hai dân tộc Việt và Hàn có đa dạng đến đâu, “mẫu số chung” vẫn là dựa trên nguyên tắc dùng nước mưa trên mặt sông, suối, ao hồ. Việc dùng nước tưới từ sông, suối, ao hồ, kênh của người Hàn và người Việt hoàn toàn khác với hình thức tưới nước ngầm lấy từ dưới giếng lên của người Hán để phục vụ cho nông nghiệp khô vùng Trung Nguyên.

Điểm tương đồng có thể nhận thấy trong nông nghiệp truyền thống Hàn và Việt là đều gắn với nền kinh tế tiểu nông, mà gia đình là chủ thể. Các gia đình riêng lẻ đảm đương việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở lao động gia đình hơn là chế độ nông nghiệp, nông trang như chế độ nông nô, hay đồn điền quy mô lớn ở phương Tây. Họ sinh hoạt ở làng xóm với quy mô tương tự nhau và tự túc toàn bộ nhu yếu phẩm sinh hoạt thường ngày.

Bên cạnh đó, người Việt và người Hàn luôn sống trong sự lệ thuộc vào tự nhiên, nên trước thiên nhiên bao la và sức mạnh huyền bí, con người nhỏ bé run sợ, thần thánh hóa các lực lượng siêu nhiên, chỉ biết cầu khẩn nhờ trời, nói theo kiểu người Việt: “Ơn trời mưa nắng phải thì”, “Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”. Ở người Hàn, với bằng chứng về tầm quan trọng của nông nghiệp là các lễ hội nhằm cầu xin mùa màng phong nhiêu sau khi gieo mạ vào tháng Năm và lễ mừng được mùa diễn ra vào tháng Mười. Ngoài ra, trong khâu trồng lúa nước của người Hàn và người Việt đều giống nhau ở những công đoạn như gieo mạ, nhổ mạ, cấy và làm cỏ lúa,…

Còn một điều trùng hợp nữa trong nông nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam là ngoài trồng lúa và hệ thống cây trồng phụ, cư dân Việt và Hàn còn phát hiện một hệ thống cây dược liệu rất phong phú và quý giá để phòng bệnh và chữa bệnh. Hàng ngàn năm trôi qua, con người ở hai nước thuộc “nền văn minh thảo mộc” đã tìm ra một kho tàng cây thuốc, những bài thuốc gia truyền, cách chế biến, phương pháp điều trị phù hợp với con người và tự nhiên ở hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc cây sâm được trồng tại khu vực Kaesõng nhằm mục đích xuất khẩu. Ở người Việt cũng có rất nhiều cây thuốc quý có giá trị như tam thất. Ngoài ra người Việt và người Hàn đều trồng cây thuốc lá và trồng bông để dệt vải. Tại Hàn Quốc, cây thuốc lá được trồng vào khoảng thế kỷ XVII, sau đó cũng được gieo trồng rộng khắp và được xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo người Hàn, lợi nhuận từ cây thuốc lá nhiều hơn từ lúa gạo, vì thế người Hàn đã giành một phần đất đai màu mỡ nhất dành để trồng cây thuốc lá. Đối với người Hàn và người Việt, việc trồng bông không chỉ để dùng trong gia đình, mà còn dùng để xuất khẩu.

Bên cạnh những điểm giống nhau trong lĩnh vực trồng trọt của người Việt và người Hàn vẫn có những điểm khác nhau - ngay từ thời Bắc thuộc, ở những vùng thấp, do chưa có máy móc để cày ruộng, người Việt đã biết dùng sức kéo của trâu bò thay cho sức kéo của con người, với phương thức: “con trâu đi trước cái cày đi sau”. Nhờ việc sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong nông nghiệp đã kéo theo diện tích trồng trọt được mở rộng dần. Ở Việt Nam, các vua nhà Lý rất quan tâm đến việc bảo vệ trâu, bò. Dưới thời Lý, tội trộm cắp trâu, bò bị trừng trị rất nặng. Tháng Hai năm 1117, vua định rõ lệnh cấm giết trộm trâu. Hoàng Thái hậu nói: “gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước. Bấy giờ vua xuống chiếu, kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu, láng giềng mà không tố cáo, phạt 80 trượng”[[2]]. Lúc này, các công trình thủy lợi cũng có điều kiện mở mang. Dọc các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã đã có đê phòng lụt. Nhiều kênh ngòi mương máng được đào thêm, hay nạo vét hàng năm.  Giao Châu kí có ghi chép việc huyện Phong Khê (trung tâm Cổ Loa) có đê phòng lụt. Hậu Hán thư có ghi lại sự việc “sửa sang kênh ngòi”[[3]]. Những biện pháp kỹ thuật nói trên được đưa vào sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất trong nông nghiệp. Ở Giao Chỉ, mỗi năm lúa được trồng hai vụ chiêm và vụ mùa. Theo một số tài liệu cũ thì “lúa mỗi năm được trồng hai lần về mùa hè và mùa đông sản xuất từ Giao Chỉ”. Năm 1248, vua Trần Thái Tông đặt cơ quan Hà đêphó/chánh sứ phụ trách việc sửa, đắp đê ở các lộ, phủ. Vua còn xuống chiếu đắp đê Quai Vạc. Nhà nước còn chi phí một khoản tiền lớn vào việc đắp đê, nếu vào ruộng của nông dân thì sẽ được bù tiền. Việc đắp đê là một công việc quan trọng trong việc thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp. Thời Trần, cùng với việc đắp đê ở bãi biển đã hình thành hàng loạt điền trang. Khi có lũ lụt, cần hộ đê thì cả học sinh Quốc Tử Giám và con đại thần, quý tộc cũng phải đi hộ đê. Có năm nước sông lên to, vua Trần Minh Tông đích thân đi hộ đê. Việc xây dựng các công trình thủy nông cũng được nhà Trần đặc biệt chú ý. Ở những vùng Thanh Hóa, Nghệ An là nơi có nhiều công trình thủy nông. Năm 1231, vua Thái Tông sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc đào kênh từ Thanh Hóa đến Diễn Châu (Nghệ An), sau được phong làm phụ quốc Thái úy. Năm 1248, vua Nhân Tông lại cho đào sông Mã[[4]]. Tương ứng với giai đoạn này ở Việt Nam, tại Hàn Quốc dưới thời Silla (Tân La), thời Cao Ly, với việc tạo ra chiếc lưỡi cày từ thời các vương quốc liên minh là một bước đột phá trong lao động, nhưng đến giai đoạn này người Hàn vẫn chỉ sử dụng sức kéo của con người, mà không không sử dụng sức kéo của trâu bò. Ngoài ra, do đặc thù là một nước có nhiều hòn đảo, nên người Hàn không đắp đê ngăn lũ như người Việt, mà họ chỉ xây dựng các hồ chứa nước để dẫn thủy nhập điền.

Một khác biệt lớn trong nông nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc – cho đến thời kỳ xã hội lưỡng ban, người nông dân Hàn mới biết đến kỹ thuật gieo mạ và cấy lúa. Cho đến thế kỷ XVII, kỹ thuật nông nghiệp Hàn Quốc mới có những tiến bộ đáng kể. Lúc này, người Hàn mới biết gieo lúa giống trên những luống mạ trước khi được cấy ra một thửa ruộng nhỏ. Kế đó, khi lúa đạt tới một mức độ thích hợp nào đó, người ta nhổ lên rồi cấy lại trong ruộng lúa. Như vậy, cũng một thửa đất có thể được sử dụng cùng lúc cho vụ lúa mạch mùa đông. Về kỹ thuật này cho phép gieo mạ trên một lô đất nhất định trong khi các lô khác đang chờ mùa lúa mạch mùa đông chín tới. Hệ thống mùa gối vụ như vậy cần nguồn cung cấp nước đầy đủ, do đó những hồ nước phục vụ tưới tiêu được xây dựng nhiều hơn. Cuối thế kỷ XVII, người ta đã thống kê được khoảng 6.000 hồ chứa nước, đánh dấu sự gia tăng sản lượng nông nghiệp đáng kể. Trong khi đó, người nông dân Việt đã biết đến kỹ thuật trồng lúa ngay từ thời Hùng Vương. Kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học đã cho thấy một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước ở Việt Nam khá phát triển dưới thời văn hóa Đông Sơn. Ở di tích làng Vạc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những hạt thóc nằm trong nồi gốm, vỏ trấu. Ở làng Cả cũng có vết tích vỏ trấu. Nhiều công cụ gặt hái lúa tìm thấy trong các di tích văn hóa Đông Sơn như liềm, dao gặt, nhíp bằng đồng. Nhiều nhà khảo cổ học còn căn cứ vào cảnh người giã gạo bằng chày tay được khắc họa trên mặt trống đồng để chứng minh cho nghề trồng lúa nước lúc bấy giờ.

Ngoài ra còn phải kể đến một sự khác biệt lớn trong việc tìm ra giống lúa nước của người Hàn và người Việt, đó là cây lúa nước của người Hàn không phải do chủ nhân người Hàn tìm thấy, mà do quá trình tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc trong vùng Đông Á. Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu con đường truyền lúa nước vào Hàn Quốc lại bao gồm hai nhánh: một nhánh từ biển Nhật Bản truyền lên, một nhánh từ Thái Bình Dương truyền sang vào khoảng thế kỷ IV trước công nguyên[[5]]. Với Việt Nam, tuy không nằm trong khu vực xuất phát đầu tiên của giống lúa Oryza satival, mà theo quan niệm hiện nay là các vùng rộng lớn từ Bắc Ấn Độ đến Tây Nam Trung Quốc, nhưng ít nhất Việt Nam cũng thuộc vào khu vực thuần dưỡng và phổ biến cây lúa trồng thuộc loại Oryza japoni, hay Oryza sinica. Ở Việt Nam, nền nông nghiệp trồng lúa có mặt từ xa xưa, mà những dữ kiện khảo cổ học biết được cho tới nay cho thấy là từ thời hậu kỳ đá mới. Đó là chưa kể những dự đoán của các nhà nghiên cứu thời kỳ xuất hiện lúa trồng còn lùi xa hơn tới các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, cách ngày nay gần mười nghìn năm[[6]]. Như vậy, ở Hàn Quốc cây lúa nước xuất hiện muộn hơn so với ở Việt Nam. Điều này có thể khẳng định, chủ nhân của người Hàn đã tiếp nhận giống lúa của cư dân Đông Á, trong đó có cư dân Việt cổ.

Điểm khác biệt trong trồng trọt của người Việt và người Hàn – người Việt ngoài trồng lúa tẻ còn trồng lúa nếp. Dựa vào các kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học, nền nông nghiệp trồng lúa đã sớm xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến từ cư dân tiền Đông Sơn. Cư dân lúc bấy giờ trồng nhiều loại lúa tẻ và lúa nếp. Người Đông Sơn rất thích ăn gạo nếp, sử dụng nhiều trong các ngày lễ hội, trong nghi lễ thờ cúng. Một số truyện cổ tích như chuyện “bánh chưng, bánh dày”, các dấu tích văn hóa như nhiều chiếc chõ gốm để đồ xôi ở văn hóa Đông Sơn đã cho thấy điều đó. Ở Hàn Quốc, trong các tài liệu nói về ngành trồng trọt của Hàn Quốc chúng tôi không thấy đề cập đến việc người Hàn trồng cây lúa nếp.

Một điểm khác biệt nữa trong kỹ thuật trồng trọt của người Việt và Hàn đó là cho đến thế kỷ XVII, kỹ thuật trồng lúa khô của người Hàn mới được chú trọng phát triển. Còn đối với người Việt, nhất là cư dân sống ở các vùng trung du miền núi, kỹ thuật trồng lúa khô đã được đưa vào nông nghiệp ngay từ thời Bắc thuộc. Bên cạnh đó, nhờ sự hiểu biết về thời tiết hai mùa khô, mưa và với nhu cầu tăng vụ, người Việt đã đưa cây lúa lên cao, vào bãi, lên nương và nhờ mưa để cung cấp đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng.

Điểm khác biệt lớn nữa trong khâu trồng trọt của người Việt và người Hàn là cư dân Việt được coi là những cư dân bầu bí và rau củ. Việc trồng rau, củ của người Việt nhằm đáp ứng yêu cầu có thức ăn bột và rau quả bổ trợ cho cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Bởi vì, người phương Đông, trong đó có người Việt luôn coi mình là “nhân sinh tiểu vũ trụ”. Vì vậy, ở những vùng duyên hải Việt Nam, cư dân Việt nơi đây vẫn coi khoai lang với cá là bữa ăn truyền thống của họ. Cây khoai lang trở thành lương thực chính, có năng suất cao, vì khoai lang rất phù hợp với đất pha cát:

Trăng rằm đã tỏ lại tròn

Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi

(Ca dao Việt Nam)

Ngoài khoai lang, người Việt còn trồng các loại khoai môn, khoai sọ, môn riềng, môn nước, bầu bí… Trong khi đó, người Hàn không phải là cư dân nông nghiệp trồng bầu bí, mà là cư dân trồng các loại rau như cải củ, hành tây,…

Bên cạnh những đặc điểm khác nêu trên, ở người Hàn và người Việt còn có một điểm khác biệt nữa trong nông nghiệp:  vào những tháng mùa màng cày cấy, gặt hái, Nhà nước đình hoãn mọi công dịch để tập trung sức lao động vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, vào năm 1435, triều đình ra lệnh cho các quan địa phương “hễ công việc gì có hại đến nghề nông thì không được kinh động sức dân”.

Khi nói đến ngành trồng trọt của người Việt và người Hàn, không thể không nhắc đến chế độ ruộng đất. Ruộng đất ở Việt Nam và Hàn Quốc đều gồm hai bộ phận chủ yếu: ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân, song chế độ ruộng đất ở mỗi nước lại có những biểu hiện riêng.

Ở Việt Nam ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước gồm bộ phận do Nhà nước trực tiếp quản lý có sơn lăng, quốc khố, tịch điền và đồn điền.

Ruộng sơn lăng có từ thời Lý. Các vua Lý sau khi qua đời đều chôn ở Châu Cổ Pháp (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nên ruộng sơn lăng cũng ở đây. Thời Trần, loại ruộng này vẫn được duy trì. Về nguyên tắc, ruộng sơn lăng được giao làm ruộng công vĩnh viễn cho dân xã sở tại chia nhau cày cấy, nộp một ít hoa lợi để chi phí vào việc sửa sang, bảo vệ lăng tẩm của vua. Dân thủ lệ được miễn mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ruộng tịch điền: loại ruộng này đã có từ các triều đại Tiền Lê và Lý. Sang thời Trần, loại ruộng này vẫn còn. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại: “Mùa Đông tháng Mười Một năm Bính Thìn (1316) sai tế thần, tôn thất cùng các quan lại gặt ruộng tịch điền”[[7]]. Nguồn hoa lợi trên ruộng tịch điền hoàn toàn thuộc về nhà vua. Bộ phận ruộng đất công làng xã đến thời Trần, ruộng đất công làng xã tuy đã thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn do làng xã quản lý. Vì vậy, nó mang tên “quan điền”, hay “quan điền bản xã”. Năm 1254, triều đình bán ruộng đất công, mỗi diện là năm quan đã xác nhận quyền sở hữu ruộng đất công làng xã cho dân đinh trong làng, do các làng đảm nhận. Những nhân đinh được chia ruộng công phải chịu mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước, từ nộp thuế đến sưu dịch. Đây cũng chính là cơ sở chủ yếu để nhà Trần thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Nhà Trần đã đặt chế độ tô thuế cho ruộng đất công làng xã(8).

Khác với Việt Nam, ở Hàn Quốc chế độ đất đai của Cao Ly đã phản ánh tiền đề cơ bản là tất cả đất đai trong nước là đất của vua. Tuy nhiên, công điền là do nhà nước trực tiếp quản lý. Tô từ đất này được chuyển về Kaesõng bằng thuyền và được sử dụng cho việc chi tiêu công cộng, trước tiên là lương bổng của các viên chức. Mặc dù thu nhập của điền sài khoa là riêng của các viên chức, nhưng do nhà nước thu tô cho họ, nên khi viên chức qua đời, loại đất này cũng có thể được xếp vào loại công điền. Nói cách khác, đất công ở đây là một phương thức kiếm lợi của quý tộc. Khác với đất công là đất tư phục vụ cho quyền lợi của từng nhà quý tộc. Điều này đã được chứng minh một cách sinh động nhất bởi loại công ấm điền. Trên danh nghĩa, loại đất này được nhà nước cấp theo cũng một cách như các loại đất thù lao khác, nhưng trong thực tế đất này có thể được truyền lại cho con cháu, hay được định đoạt theo ý muốn của người được cấp và người được cấp đất cũng có thể trực tiếp thu tô.

2. Trong lĩnh vực chăn nuôi

Ở Việt Nam và Hàn Quốc ngoài trồng trọt, cư dân của hai nước còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Tại Hàn Quốc, vào thời kỳ các vương quốc liên minh, ngoài trồng trọt, cư dân Triều Tiên cổ còn có nhiều hoạt động kinh tế khác nhau. Ở Puyõ người ta chăn nuôi đại gia súc như ngưu (trâu), mã (ngựa), khuyển (chó) có thể thấy đi kèm với các tên của các chức quan. Ở miền Nam bán đảo cũng vậy. Các xương ngựa, trâu, bò đã khai quật được nơi gò vỏ sò Kim Hải bối trủng. Nhiều loại gia cầm đuôi dài cũng được tìm thấy tại vùng Tam Hàn. Ở Việt Nam, nghề chăn nuôi cũng được phát triển ngay từ những thập niên đầu công nguyên. Ngoài chăn nuôi các gia súc truyền thống như trâu, bò, lợn, gà, chó, vịt, người Việt còn nuôi voi, ngựa để thồ hàng, lấy thịt,… Ở di tích làng Vạc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 13 chiếc răng trâu, bò, trong đó có 6 chiếc răng của trâu nhà[[8]]. Ở trên trống đồng Đông Sơn, người Việt cổ còn khắc lên đó hình người đang dắt chó. Điều này cũng cho thấy người Việt đã biết thuần dưỡng các con vật hoang dã thành con vật nuôi trong gia đình.

Điểm khác biệt lớn nhất trong chăn nuôi của người Việt và người Hàn là người Việt đã biết thuần dưỡng voi để phục vụ trong chiến đấu chống quân xâm lược (từ cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đến khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đều thấy sự có mặt của các thớt voi chiến).

Bên cạnh đó, ở các vùng nông thôn, nhờ có những bước đột phá trong trồng trọt, nên sản phẩm làm ra ngày một nhiều, người Việt đã dùng một phần sản phẩm cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặc dù, chăn nuôi chưa phải là hoạt động sinh kế chính trong sinh hoạt kinh tế của người Việt, nhưng vị trí của chăn nuôi lại rất quan trọng trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người Việt. Chăn nuôi góp phần cung cấp thịt, trứng, bổ sung nguồn thực phẩm hàng ngày nhằm cải thiện bữa ăn cho gia đình. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi còn được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo, ma chay, cưới hỏi. Phương thức chăn nuôi ở người Việt vẫn còn khá đơn giản, người ta chưa tổ chức chăn nuôi theo kiểu trang trại lớn như người Hàn, mà chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi theo phương thức thả rông để tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên cũng như sản phẩm dư thừa của trồng trọt, nên hiệu quả của chăn nuôi còn thấp.

*     *

*

Trên đây chúng tôi vừa giới thiệu một vài phương diện trong các ngành trồng trọt và chăn nuôi của người Hàn trong sự đối sánh với người Việt. Dẫu chưa đầy đủ mọi chi tiết, nhưng qua đó cũng phác họa được những đặc điểm chính trong lĩnh vực văn hóa bảo đảm đời sống của người Hàn cùng những điểm tương đồng và dị biệt trong lĩnh vực này giữa người Hàn và người Việt.

Cũng như sự tương đồng trong nhiều lĩnh vực khác, những “mẫu số chung” trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc Hàn và Việt chính là một nền sản xuất nhỏ, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Chính những điều đó đã hạn chế rất nhiều kết quả sản xuất cũng như sự đổi mới của hai nước cho đến đầu thế kỷ XIX. Mặt khác, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc là một nền kinh tế nhỏ mang tính tự cung, tự cấp, tự sản và tự tiêu. Điều này cũng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của hai dân tộc trong suốt dặm dài lịch sử. Còn những điểm khác biệt lại liên quan đến môi trường tự nhiên của mỗi dân tộc.

Sự tương đồng và khác biệt nêu trên của hai dân tộc đã khiến cho mối quan hệ hai nước có ý nghĩa đặc biệt, tạo cơ sở cho những cuộc giao lưu trong tương lai. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình khu vực có nhiều biến đổi, các mối quan hệ ngày càng rộng mở, xu hướng toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành trào lưu chung của thế giới. Việt Nam, Hàn Quốc đều phải hòa mình vào dòng chảy chung của thời đại, mang lại cho đất nước sự phát triển, phồn thịnh hơn.

 

LÊ THỊ NHUẤN

(Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andrew C.Nahm (2005), Lịch sử và văn hóa bán đảo Triều Tiên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.

3. Phạm Văn Chiến (2003), Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Mai Ngọc Chừ (Chủ biên) (2008), Giới thiệu văn hóa phương Đông, Nxb Hà Nội.

5. Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc (2003), Hàn Quốc đất nước - con người, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

6. Phạm Đức Dương (2000), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8. Mai Đặng Mỹ Hiền (dịch) (2001), Korea xưa và nay, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.

8. Ki-baik Lee (2002), Korea - xưa và nay, Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Bản dịch của Lê Anh Minh, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.

9. Nguyễn Bá Thành (1996), Tương đồng văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

10. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.



[[1]] Phạm Đức Dương (2000), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.53.

[[2]] Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.442.

[[3]] Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.232.

[[4]] Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.233.

[[5]] Theo PGS. TS Nguyễn Văn Lịch, nguyên giảng viên khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn thì cây lúa được trồng ở Hàn Quốc là giống lúa hạt dài, dẻo, mà giống lúa này xuất phát từ Nhật Bản và Ấn Độ.

[[6]] Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.89.

[[7]], [8] Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.155.

[[8]] Viện Khảo cổ học (1994), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.298.

 

0thảo luận