Trang chủ

QUAN HỆ NHẬT BẢN - ĐÀI LOAN TỪ 1972 ĐẾN NAY

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội chính phủ của Tưởng Giới Thạch với một bên là lực lượng cách mạng do Mao Trạch Đông chỉ huy. Đến cuối năm 1849, Tưởng Giới Thạch thua trận kéo theo chính quyền rút chạy ra đảo Đài Loan và tuyên bố tiếp tục là chính phủ đại diện cho Trung Quốc. Trong khi đó ở Trung Quốc lục địa, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông làm chủ tịch được thành lập. Do đó, trên thực tế có hai chính quyền tuyên bố đại diện cho nước Trung Quốc. Tình hình chính trị quốc tế khi đó vẫn khiến cho chưa bên nào giành được quyền đại diện chính thức cho nước Trung Quốc. Do vậy, chiếc ghế đại diện cho vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị bỏ ngỏ. Và, cũng giống như Mỹ, cho đến năm 1951, Nhật Bản vẫn chưa quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt Trung Quốc) hay với Trung Hoa Dân quốc (dưới đây gọi tắt là Đài Loan). Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ quay sang công nhận chính quyền Đài Loan và đưa Đài Loan vào Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, theo chính sách của Mỹ, ngày 28/4/1952 Nhật Bản và Đài Loan đã kí Hiệp ước hòa bình hữu nghị Nhật-Hoa, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Như vậy, khi đó Nhật Bản đã coi chính quyền Đài Loan của Tưởng Giới Thạch là chính quyền đại diện cho nước Trung Quốc cho dù Tưởng Giới Thạch đã không còn kiểm soát toàn bộ đất nước Trung Quốc nữa.

Song, đến đầu thập kỉ 1970, để tạo thành liên minh chống Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc đã quay sang bắt tay nhau hòa giải. Chuyến thăm Trung Quốc với bản thông cáo chung Thượng Hải của Tổng thống Mỹ Ni-xơn năm 1972 đã gây ra cú sốc mạnh cho Nhật Bản. Và, như là để không phải “lỡ tàu”, Nhật Bản cũng vội vàng tiến hành đàm phán với Trung Quốc để đi tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ngày 29/4/1972, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã kí “Tuyên bố chung Nhật-Trung”, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ngay trong ngày hôm đó, tại cuộc họp báo ngoại trưởng Nhật Bản Ohira đã tuyên bố về quan hệ Nhật Bản-Đài Loan như sau: “Quan điểm của Chính phủ Nhật Bản là, với kết quả của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật-Trung, Hiệp ước hòa bình Nhật-Hoa đã hết ý nghĩa tiếp tục tồn tại”(1). Cùng ngày hôm đó, đại sứ Nhật Bản tại Đài Loan đã thông báo cho phía Đài Loan việc hai bên chấm dứt quan hệ ngoại giao và bản Hiệp ước hòa bình Nhật-Hoa không còn hiệu lực.

Trước tình thế không thể đảo ngược, cũng ngay trong ngày 29 tháng 4, phía Đài Loan đã ra tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Tuyên bố có đoạn “căn cứ vào hành vi vong ân bội nghĩa, coi thường nghĩa vụ hiệp ước của Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với tình trạng này”. Sau đó, theo cam kết với phía Trung Quốc, Nhật Bản đã rút đại sứ và các cơ quan ngoại giao về nước cũng như đóng cửa các cơ quan ngoại giao của Đài Loan tại Nhật. Tuy nhiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập ngoại giao với Trung Quốc, đặc biệt việc Nhật Bản đơn phương tuyên bố chấm dứt hiệu lực của bản Hiệp ước hòa bình Nhật-Hoa trong cuộc họp báo đã không chỉ bị phía Đài Loan chỉ trích kịch liệt mà còn gây ra cuộc tranh cãi gay gắt trong giới chính trị Nhật Bản, thậm chí ngay cả trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Chẳng hạn, 31 nghị sĩ trong hai viện quốc hội đã thành lập ra tổ chức được gọi là “Seirankai” để ủng hộ Đài Loan và phản đối nội các Tanaka bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nghị sĩ Watanabe Michio (người về sau đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng ngoại giao trong nội các Miyazawa) đã phê phán mạnh mẽ tuyên bố của ngoại trưởng Ohira về Hiệp ước hòa bình Nhật-Hoa: “Hiệp ước được quốc hội phê chuẩn nên việc xóa bỏ cũng phải được quốc hội phê chuẩn. Nếu có thể xóa bỏ hiệp ước bằng tuyên bố của ngoại trưởng thì có nghĩa là Hiệp ước an ninh Nhật-Mĩ cũng có thể xóa bỏ bất cứ khi nào. Quốc hội phê chuẩn hiệp ước còn sau đó không cần nữa hay sao?(2). Đối với những phê phán đó, phía Chính phủ Nhật giải thích rằng đây chỉ là sự thay đổi việc công nhận chính quyền đại diện cho đất nước Trung Quốc chứ không phải là cắt quan hệ với một nước để bình thường hóa quan hệ với nước khác. Và, cũng giống như tất cả các quốc gia khác, Nhật Bản đã công nhận chính quyền Bắc Kinh thì không thể duy trì quan hệ với chính quyền Đài Loan. Chính vì vậy, trong suốt thập kỉ 1970, quan hệ chính trị Nhật Bản-Đài Loan hầu như đóng băng hoàn toàn, thậm chí trong cuốn “Sách xanh ngoại giao” của Bộ ngoại giao Nhật không hề nhắc đến vấn đề Đài Loan.

Mặc dù vậy, do có mối quan hệ kinh tế, văn hóa v.v…lâu đời nên cả hai bên vẫn muốn duy trì mối quan hệ dưới hình thức nào đó. Với phía Nhật Bản, ngoài việc có nhiều nghị sĩ ở thượng và hạ viện ủng hộ Đài Loan, ngay chính phủ Nhật Bản cũng có ý định duy trì quan hệ với Đài Loan. Chẳng hạn, trước khi sang Trung Quốc để kí kết tuyên bố chung, Thủ tướng Tanaka đã cử phó chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cùng với 16 nghị sĩ của đảng này trong hai viện sang Đài Loan để giải thích nhằm giành được sự thông cảm của phía Đài Loan. Ngoài ra, tại cuộc họp toàn thể nghị sĩ của hai viện thuộc Đảng Dân chủ Tự do, ngoại trưởng Ohira vẫn tuyên bố rằng: “Tôi vẫn muốn dốc hết sức để duy trì mối quan hệ thương vụ với Đài Loan chừng nào không đụng chạm đến những vấn đề then chốt của mối quan hệ Nhật-Trung vừa mới được thực hiện”(3). Chính vì vậy nên chỉ mấy tháng sau đó Nhật Bản đã thiết lập được mối quan hệ “tư nhân” với Đài Loan theo quan điểm “tách vấn đề chính trị ra khỏi kinh tế” giống như Nhật Bản đã áp dụng với Trung Quốc trước đó. Có thể nói, đây là một trong những đặc trưng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tức là Nhật Bản luôn thực hiện các chính sách mang tính hai mặt trong các vấn đề có liên quan đến vai trò và lợi ích của Nhật Bản. Chính sách này được giáo sư Soeya Yoshihide, khoa luật trường Đại học Keio Gijyuku gọi là “đặc tính kép - double identity” của chính sách đối ngoại của Nhật Bản(4).

Về phía Đài Loan cũng vậy. Khi Mĩ và Trung Quốc bắt tay nhau họ đã nhận thấy hệ quả đô-mi-nô trong quan hệ ngoại giao của mình. Vì vậy, cho dù phê phán mạnh mẽ chính sách của Nhật Bản song họ cũng không thể không cần đến sự giúp đỡ của Nhật Bản trong các mặt. Do đó, đến tháng 12-1972 Nhật Bản và Đài Loan đã đồng ý thiết lập hai cơ quan đại diện ở mỗi nước để duy trì liên lạc. Nhật Bản thành lập “Hội giao lưu” có văn phòng tại Tokyo, phía Đài Loan thành lập “Hội Quan hệ Đông Á” ở Đài Bắc, sau đó hai hội này đã kí hiệp định thỏa thuận đặt văn phòng đại diện ở hai bên. Hội giao lưu của Nhật đặt văn phòng tại Đài Bắc và Cao Hùng còn Hội quan hệ Đông Á đặt văn phòng ở Tokyo và Osaka. Do không còn là mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia nên tên gọi của nó cũng hết sức bình thường. Và, chỉ là hội giao lưu nhưng việc mỗi hội đặt hai văn phòng đại diện ở những thành phố quan trọng nhất của mỗi bên đã cho thấy chức năng của nó không đơn giản như vậy. Như thấy ở thời gian sau, những văn phòng này đã xử lí công việc liên quan đến hai bên như là một cơ quan ngoại giao.

Nhưng điều đáng chú ý nhất ở đây chính là việc Trung Quốc đã gợi ý để Nhật Bản thành lập văn phòng kiểu này. Trong cuộc đàm phán với phía Nhật Bản về bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Ân Lai đã nói với phía Nhật Bản rằng “chẳng phải Nhật Bản chủ động đưa ra trước với phía Đài Loan về việc thành lập văn phòng đại diện là tốt nhất hay sao”(5). Chính nhờ sáng kiến này của Trung Quốc mà Nhật Bản đã duy trì mối quan hệ theo kiểu “nửa chính phủ nửa tư nhân” với Đài Loan. Đặc biệt đối với Đài Loan, đây là sáng kiến tuyệt vời bởi nhờ có nó mà hiện nay Đài Loan có gần 100 văn phòng đại diện ở những nước không có quan hệ ngoại giao.

Có thể thấy rằng, do chịu ảnh hưởng bởi sự quá “e ngại” của Nhật Bản trước Trung Quốc, hay nói đúng hơn là vì chạy theo lợi ích kinh tế nên cho dù quan hệ hai bên đã chuyển từ cấp chính phủ xuống cấp tư nhân nhưng Nhật Bản hầu như chấp nhận mọi yêu cầu của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan. Chẳng hạn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đài Loan, phía Nhật Bản vẫn trao toàn bộ tài sản đại sứ quán ở Tokyo và lãnh sự quán của Đài Loan ở Osaka, Yokohama và Fukuoka cho phía Trung Quốc. Sau đó, để kí được hiệp định hàng không, phía Nhật Bản đã phải thực hiện những yêu cầu của Trung Quốc như: Không coi Hãng hàng không Trung Hoa là hãng hàng không đại diện cho nhà nước, không chấp nhận cờ sơn trên thân máy bay là quốc kì, không để máy bay của Đài Loan được hạ cánh ở sân bay quốc tế Narita mà phải hạ cánh ở sân bay Haneda, máy bay của hãng hàng không Nhật Bản (JAL) không bay trên tuyến Nhật-Đài Loan. Trước ứng xử của phía Nhật Bản như vậy, phía Đài Loan đã ra tuyên bố hủy tuyến đường bay Đài Loan-Nhật Bản. Nhưng như trên đã đề cập, do nhu cầu lợi ích chính trị, kinh tế nên đến năm 1975 hai bên đã khôi phục lại đường bay với sự nhượng bộ lẫn nhau. Phía Nhật Bản thành lập một hãng hàng không tư nhân để bay sang Đài Loan còn phía Đài Loan chấp nhận máy bay cất, hạ cách tại sân bay Haneda. Ngoài ra, trong thập kỉ 1980 còn một sự kiện cho thấy Nhật Bản nghiêng về phía Đài Loan, đó là việc chính phủ Nhật Bản phớt lờ phản đối của Trung Quốc đối với việc tòa án tối cao Nhật Bản ở Osaka xử cho phía Đài Loan được quyền sở hữu tòa nhà kí túc xá mà hai bên tranh chấp suốt từ năm 1967. Như vậy, từ khi cắt quan hệ ngoại giao cho đến hết thập niên 1980, quan hệ chính trị giữa Nhật Bản-Đài Loan hầu như bị tê liệt. Hoạt động của văn phòng đại diện của hai bên cũng không có mấy kết quả ngoài một số cuộc hội thảo.

Tuy nhiên bước sang thập kỉ 1990, quan hệ Nhật-Đài Loan đã bước sang một thời kì mới bởi sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Điều này có thể nhận thấy qua hàng loạt những hoạt động trao đổi nhân sự, nâng cấp tư cách của văn phòng đại diện v.v…. Đầu tiên là chuyến thăm Nhật Bản của đoàn đại biểu Viện Lập pháp (quốc hội) Đài Loan vào tháng 7-1990. Đến tháng 5-1991, Nhật Bản quyết định nới lỏng hạn chế tiếp xúc giữa quan chức chính phủ với chính quyền Đài Loan và  công bố miễn trừ áp dụng luật “Đăng kí người nước ngoài” đối với các nhân viên trong “Hội Quan hệ Đông Á”. Đây là hành động được xem như là Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận những người trong hội trên của phía Đài Loan có tư cách như những nhà ngoại giao. Như là một bước hợp thức hóa quyết định trên, năm 1992 chính phía Nhật Bản đã tiến hành đổi tên “Hội Quan hệ Đông Á” của Đài Loan đóng tại Nhật Bản thành “Văn phòng đại diện kinh tế-văn hóa Đài Bắc tại Nhật Bản”. Như vậy có thể hiểu rằng, văn phòng đại diện của tổ chức tư nhân đã được “nâng cấp” lên như một cơ quan ngoại giao.

Tiếp theo, đã diễn ra các chuyến thăm của các quan chức hai bên. Tháng 2-1993, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đài Loan sang thăm Nhật Bản, tháng 5-1993 Cục trưởng Cục chính sách  Bộ công thương Nhật Bản sang thăm Đài Loan. Tháng 4-1994, Nhật Bản định cấp visa cho Tổng thống Lí Đăng Huy vào tham dự Đại hội thể thao Châu Á được tổ chức tại Hiroshima nhưng do Trung Quốc phản đối mạnh nên đã ngừng lại. Nhưng sau đó, Nhật Bản vẫn cấp visa cho Dư Lập Đức, Phó viện trưởng Viện Hành chính (tương đương phó Thủ tướng) đến Nhật tham dự đại hội. Trong những năm sau đó, thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan càng cứng rắn hơn mà trước tiên phải kể đến là phản ứng của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc bắn tên lửa ở eo biển Đài Loan. Mặc dù Chính phủ Nhật vẫn tuyên bố thực hiện chính sách “một nước Trung Quốc” song, trước việc Trung Quốc có ý định giải phóng Đài Loan bằng biện pháp quân sự, Nhật Bản đã thông qua bộ luật “Tình hình xung quanh Nhật Bản” mà, như sau này quan chức cấp cao của Nhật khẳng định, Đài Loan thuộc đối tượng bảo vệ. Thậm chí, trong khi Tổng thống Mĩ tuyên bố chính sách “ba không” (phản đối Đài Loan độc lập; phản đối hai nước Trung Quốc; không ủng hộ Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc) thì Thủ tướng Nhật Bản Obuchi đã khước từ việc tuyên bố “3 không” trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Sự thay đổi thái độ của Nhật Bản đối với vấn đề Đài Loan như vậy đã được học giả Trung Quốc chỉ ra mấy nguyên nhân sau(6):

Thứ nhất là sự thay đổi chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Mĩ trong đó có việc kí kết với Nhật Bản “Đường hướng phòng thủ Nhật-Mĩ mới”, gắn quan hệ Nhật-Đài Loan với quan hệ đồng minh Nhật-Mĩ. Điều này có nghĩa là, trong quan hệ Nhật Bản-Đài Loan không chỉ cần giao lưu ở cấp chính thức mà còn có khả năng giao lưu về mặt quân sự.

Thứ hai là sự gia tăng quan tâm của Nhật Bản đối với Đài Loan trong lĩnh vực kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế cao của Đài Loan đã giúp Nhật thu được nhiều lợi ích kinh tế. Trong thập kỉ 1990 xuất khẩu của Nhật Bản sang Đài Loan chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, vượt cả kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thứ ba là sự xuất hiện trở lại của phe thân Đài Loan ở Nhật Bản. Vào thập kỉ 1990, chính trị Nhật Bản nói chung nghiêng về chủ nghĩa bảo thủ, nhiều nghị sĩ thân Đài Loan của thế hệ mới nắm giữ vai trò quan trọng. Ngoài ra họ lại được Đài Loan chi nhiều tiền cho các cuộc vận động hành lang cũng như mời các nghị sĩ sang thăm Đài Loan.

Nhưng, có lẽ cần bổ sung thêm những lí do đối với sự thay đổi thái độ của Nhật Bản đối với vấn đề Đài Loan. Thứ nhất, sau Chiến tranh Lạnh, với tư cách cường quốc kinh tế, Nhật Bản cũng tìm cách nâng cao vai trò của mình trên vũ đài chính trị quốc tế. Vì vậy Nhật Bản cần phải thoát ra khỏi “cái bóng” của các nước khác, tức là cần có vai trò độc lập hơn, tiếng nói có trọng lượng hơn trong các vấn đề quốc tế. Việc Nhật Bản tích cự tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến tranh vùng vịnh v.v… là những bước đi cụ thể đó. Thứ hai chính là “tác động ngược” của chính sách đối với Nhật Bản của Trung Quốc. Công bằng mà nói, kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc như là khoản bồi thường cho sai lầm trong quá khứ. Song việc Trung Quốc một mặt lợi dụng sức hấp dẫn của thị trường đầy tiềm năng của mình đối với các doanh nghiệp, một mặt lại luôn sử dụng vấn đề lịch sử để gây áp lực với Nhật Bản đã tạo ra phản ứng tiêu cực ở Nhật Bản. Sự xuất hiện trở lại của tầng lớp bảo thủ thân Đài Loan trong giới chính trị Nhật Bản chính là hệ quả đó. Thứ ba là Nhật Bản muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và đi kèm với nó là chính sách hiện đại hóa quốc phòng đã đưa Trung Quốc mau chóng trở thành một đối thủ đáng gờm của Mỹ và Nhật Bản. Đặc biệt, việc Trung Quốc tiến hành thử hạt nhân, tăng cường hoạt động quân sự trên biển, uy hiếp Đài Loan đã khiến Mỹ và Nhật Bản phải thay đổi chiến lược quân sự. Việc hai nước tiến hành sửa đổi lại “Đường hướng phòng thủ Nhật-Mỹ” trong đó đưa Đài Loan vào phạm vi can thiệp không nằm ngoài mục tiêu dùng “lá bài” Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc.

Chính sách “thân” Đài Loan còn được thể hiện rõ hơn trong những năm đầu của thế kỉ 21. Tháng 4-2001, cho dù Trung Quốc tuyên bố việc cấp visa cho cựu Tổng thống Đài Loan Lí Đăng Huy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ Nhật-Trung song, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn cấp visa với lí do nhân đạo để Lí Đăng Huy vào chữa bệnh. Sau đó Nhật Bản còn cấp visa cho Lí Đăng Huy sang Nhật ba lần nữa. Tháng 10-2001, trong thời giam tham dự Hội nghị APEC tại Thượng Hải, Bộ trưởng Bộ Công thương Nhật Bản đã tiến hành hội đàm với Bộ trưởng kinh tế Đài Loan và hai bên thống nhất bắt đầu đàm phán về Hiệp định tự do thương mại song phương. Cuối năm 2002, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi qui chế nội bộ, trong đó cho phép nâng cấp tư cách tiếp xúc quan chức chính phủ hai bên từ trợ lí trưởng phòng lên cấp trưởng phòng. Tháng 12-2002, Văn phòng đại diện của Hội giao lưu Nhật Bản tại Đài Bắc còn tổ chức sinh nhật Thiên Hoàng (quốc khánh của Nhật Bản) và cũng trong thời gian này, cựu thủ tướng Nhật Bản Mori Yashiro sang thăm Đài Loan và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển. Cho dù không còn đương chức nhưng đây là lần đầu tiên một  một quan chức cấp chính phủ sang thăm Đài Loan sau hơn 30 năm cắt quan hệ ngoại giao.

Bước sang năm 2005, Nhật Bản  đã bỏ chế độ visa đối với công dân Đài Loan và  đến tháng 3-2008, Hãng hàng không Châu Á của Nhật Bản (JAA) và Hãng ANK đã sáp nhập vào các hãng của nhà nước nên các máy bay của Nhật Bản đã nghiễm nhiên bay trên tuyến bay Nhật Bản-Đài Loan. Năm 2008, hai bên đã thực hiện một cách toàn diện việc công nhận lẫn nhau bằng lái xe. Tháng 8-2009, Nhật Bản đã tiến hành hợp tác vốn không hoàn lại khẩn cấp 10 triệu yên và viện trợ khẩn cấp với mức giới hạn tối đa là 100 triệu yên giúp Đài Loan khắc phục hậu quả của cơn bão số 8 gây ra. Tháng 6-2009, Nhật Bản đã đồng ý để 100 học sinh trung học và 18 phóng viên trẻ Đài Loan sang Nhật và sau đó để 100 học sinh Nhật sang Đài Loan để giao lưu. Ngoài ra, cho dù không ủng hộ Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc nhưng Nhật Bản lại kiên trì lập trường ủng hộ Đài Loan tham gia vào các cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới với tư cách quan sát viên. Nhờ đó mà phía Đài Loan đã được tham dự hội nghị của tổ chức này liên tục trong hai năm 2009 và 2010.

Sự thay đổi thái độ của Mĩ cũng như của Nhật Bản như trên tất nhiên khiến Đài Loan hài lòng và đó có vẻ như là động lực để phía Đài Loan có những động thái “chọc tức” Trung Quốc như làm đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, tích cực tham gia vào các hội nghị quốc tế, dự định tiến hành trưng cầu dân ý về Đài Loan độc lập v.v… Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại  hóa quốc phòng, bố trí nhiều loại vũ khí hiện đại ở phía eo biển Đài Loan, Đài Loan càng muốn thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển hơn nữa. Điều này có thể nhận thấy qua việc hai bên trao đổi nhân sự ở cấp cao hơn. Đặc biệt, sau khi đắc cử tổng thống tháng 3-2008, Mã Anh Cửu đã thực hiện các hành động cho thấy coi trọng quan hệ với Nhật Bản hơn. Ví dụ, trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên, Mã Anh Cửu chỉ tiếp các phóng viên thuộc giới truyền thông Nhật Bản. Sau đó, trong buổi gặp gỡ các phóng viên Nhật thường trú tại Đài Bắc ông ta đã tuyên bố muốn “nâng quan hệ Nhật-Đài thành đối tác đặc biệt”(7). Năm 2009, Bộ ngoại giao Đài Loan tuyên bố lấy năm 2009 là “Năm xúc tiến đối tác đặc biệt Nhật-Đài Loan”. Tháng 4-2010, Hội giao lưu Nhật Bản và Hội quan hệ Á Đông của Đài Loan đã kí kết “Bảng ghi nhớ về tăng cường giao lưu, hợp tác song phương Nhật-Đài trong năm 2010”. Điều này cho thấy quan hệ Nhật Bản-Đài Loan sẽ còn được nâng cao hơn nữa.

Ngoài ra, sự tăng cường quan hệ giữa hai bên còn được chứng minh qua con số người dân hai nước sang du lịch hàng năm. Theo thống kê của Nhật Bản, từ đầu những năm 2000 đến nay số người sang du lịch mỗi bên đều tăng lên, nhất là trong mấy năm gần đây mỗi năm có trên một triệu người Đài Loan sang du lịch Nhật Bản và cũng có hơn 1 triệu người Nhật sang du lịch Đài Loan.

Như vậy có thể thấy, sau hơn 30 năm kể từ khi ngừng quan hệ ngoại giao,  quan hệ Nhật-Đài Loan đã có những thay đổi mạnh về chất. Từ chỗ hầu như gạt hẳn Đài Loan sang một bên để duy trì mối quan hệ “thân thiện” với Trung Quốc, Nhật Bản đã dần tự chủ hơn trong chính sách đối với Đài Loan. Nhưng cũng có thể nhận định rằng, cho dù quan hệ Nhật-Đài có nâng cao đến mức độ nào đi nữa thì Nhật Bản cũng không thể đánh đổi quan hệ Nhật-Trung để lấy quan hệ Nhật-Đài. Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp ở Đông Bắc Á như hiện nay, vai trò của Đài Loan sẽ tiếp tục được “nâng cao” với tư cách như là một “lá bài” để mặc cả những toan tính riêng hoặc là để kiềm chế Trung Quốc.

 

NGUYỄN THANH BÌNH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Masuda Hiroshi, “Nhật Bản và Trung Quốc giữa Châu Á”, Nxb Yamakawa, Tokyo 1995.

2. Sách xanh ngoại giao, Bộ ngoại giao Nhật phát hành hàng năm.

3. Tạp chí “Diễn đàn ngoại giao” của Bộ ngoại giao Nhật Bản.

4.  Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu Tham khảo Đặc biệt.



(1) Masuda Hiroshi “Nhật Bản và Trung Quốc giữa Châu Á”; Nxb Yamakawa; Tokyo 1995 Tr 168

(2) Yin Ya Jun “Bình thường hóa quan hệ Nhật-Trung và chính quyền Đài Loan”, trong tập 222 “Ngành kinh tế” của Học viện đại học Kanto, tháng 1-2005.

(3) Như  trích dẫn (1)

(4) Soeya Yoshihide “Cơ cấu quan hệ Nhật-Mỹ-Trung và chiến lược ngoại giao của Nhật Bản”, Tạp chí “Diễn đàn ngoại giao” số đặc biệt năm 1997.

(5) Nguyệt báo Nghiên cứu Trung Quốc , số tháng 5/2003 bản tiếng Nhật.

(6) Hoàng Khải “Quan hệ Nhật-Trung thập kỉ 1990 và sự xuất hiện trở lại của vấn đề Đài Loan” ; Luận văn báo cáo của trường đại học Phúc Đán; www.asia.sfc.keio.ac.jp

(7) Những con số và sự kiện này được trích dẫn từ trang Web của văn phòng Hội giao lưu Nhật Bản đóng tại Đài Bắc www.koryu.or.jp

 

0thảo luận