Trang chủ

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP CỦA NHẬT BẢN TỪ SAU NĂM 1960

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:02 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 8

Hiện nay nông nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 4% lực lượng lao động. Với dân số 127 triệu người và diện tích đất nông nghiệp là 4,69 triệu héc ta vào năm 2005 thì diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người của Nhật Bản vào loại thấp nhất thế giới. Nông nghiệp Nhật Bản có những đặc điểm như trình độ kỹ thuật cao, qui mô canh tác nhỏ, tỉ lệ nông dân làm nông nghiệp bán thời gian cao, mức độ bảo hộ cao, tỉ lệ tự cấp lương thực tính theo ca lo thấp, chi phí sản xuất cao. Cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn từ sau khi Luật nông nghiệp cơ bản ra đời năm 1961 (từ nay trở đi gọi tắt là Luật cơ bản). Mục tiêu của Luật cơ bản là nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về lương thực thực phẩm trong nước. Để thực hiện các mục tiêu của Luật cơ bản, hàng loạt chính sách, biện pháp về cơ cấu đã được thông qua. Bài viết này sẽ phân tích sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản từ sau năm 1960, những chính sách chủ yếu tác động đến sự thay đổi này, bài học rút ra và những gợi ý cho nông nghiệp Việt Nam.

I. Một số khái niệm về cơ cấu và thay đổi cơ cấu nông nghiệp

1. Thế nào là cơ cấu nông nghiệp

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về cơ cấu nông nghiệp, nhưng một trong những định nghĩa được nhiều người sử dụng là định nghĩa của Knutson, Penn and Boehm (1990). Theo họ cơ cấu nông nghiệp bao gồm những vấn đề như: số lượng và qui mô trang trại, chế độ sở hữu và việc kiểm soát tài nguyên, những yêu cầu về quản lý, về công nghệ, về vốn của canh tác nông nghiệp.

Stanton (1993) thì lại nhấn mạnh rằng nông trại và kinh doanh nông trại, nông hộ và tài nguyên nông nghiệp là những vấn đề cần được chú trọng trong cơ cấu nông nghiệp. Chẳng hạn như để hiểu được bản chất của sự thay đổi trong cơ cấu nông nghiệp thì cần có nhận thức về vai trò của các thành viên trong nông hộ đặc biệt khi ngày càng nhiều thành viên trong nông hộ có công việc ngoài nghề nông. Vì thế những tranh luận về cơ cấu thường nhấn mạnh tới qui mô trang trại, kiểu tổ chức trang trại, quyền sở hữu và việc cho thuê đất, cơ cấu tuổi trong nông nghiệp, chuyên môn hóa trong nông nghiệp, thu nhập trong nông nghiệp và ngoài nông nghiệp (Hallberg and Henderson. 1994,  Lee. 1994).

Hayami (1975) nhà kinh tế nông nghiệp nổi tiếng của Nhật Bản thì lại cho rằng đơn vị nông trại, thị trường và nhà nước là ba yếu tố cơ bản đóng vai trò quyết định trong việc hình thành cơ cấu nông nghiệp.

2. Khái niệm về thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp

Theo Bruce Koppel (1989) thì thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp là để chỉ sự thay đổi trong việc tổ chức cũng như chức năng của nông nghiệp. Đó là một quá trình phản ánh sự dịch chuyển mối quan hệ và vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế. Thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp là kết quả của các lực lượng kinh tế, xã hội, dân số, môi trường, công nghệ cả ở bên trong và bên ngoài nông nghiệp. Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của một quốc gia, vì vậy chính phủ phải có trách nhiệm nhận thức, xác định và thực hiện các vấn đề của sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp. Sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp của một nước phụ thuộc vào điểm xuất, chiến lược và chính sách thực hiện trong nông nghiệp.

Có hai quan điểm chính đối với thay đổi cơ cấu. Một là quan điểm nhấn mạnh vào những vấn đề trong cơ cấu nông nghiệp và cho rằng cần phải thay đổi trực tiếp cơ cấu đó. Cách làm thường thấy là những chương trình cải cách nông nghiệp toàn diện. Quan điểm thứ hai cũng nhấn mạnh những vấn đề trong cơ cấu nông nghiệp nhưng lại tìm cách để cải thiện cơ cấu hiện có và thay đổi sản xuất cũng như quan hệ của nông nghiệp với các ngành khác. Cách làm thường thấy là những chương trình cải cách nông nghiệp từng bước và những cố gắng tập trung vào tăng cường tính hiệu quả và sự hoạt động của thị trường sản phẩm và yếu tố sản xuất ảnh hưởng đến nông nghiệp. Trong cả hai trường hợp chính phủ đều đóng vai trò chủ động, trực tiếp (Koppel 1989:108). Những khái niệm như điều chỉnh cơ cấu, thay đổi cơ cấu hoặc cải cách cơ cấu không chỉ được dùng trong nông nghiệp mà cho cả các ngành kinh tế khác. Theo như định nghĩa trên thì thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản thuộc vào cách nhìn thứ hai khi chính phủ nhấn mạnh vào các vấn đề qui mô trang trại và hiệu quả. Ogura thì cho rằng hệ thống canh tác qui mô nhỏ sẽ là tiêu điểm của các vấn đề cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản và cách nghĩ cũ làm nông là một cách để kiếm sống và mọi thành viên trong nông hộ tập trung vào làm nông nghiệp để sống đã không còn phù hợp với nông nghiệp Nhật Bản hiện nay (Ogura 1990:12). Làm nông nghiệp hiện nay không chỉ là để kiếm sống mà còn vì những mục tiêu khác như giải trí hoặc là để có một môi trường sống tốt hơn. Lợi ích của  các thành viên trong nông hộ sẽ quyết định phương thức canh tác.

Dựa vào định nghĩa về cơ cấu và thay đổi cơ cấu ở trên chúng ta sẽ xem xét thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản theo ba khía cạnh là thay đổi trong cơ cấu sản phẩm, thay đổi trong lực lượng lao động và thay đổi trong qui mô trang trại từ sau năm 1960.

II. Thay đổi trong cơ cấu nông nghiệp của Nhật Bản từ sau năm 1960

1. Khái quát về sự thay đổi trong nông nghiệp Nhật Bản

Quá trình phát triển kinh tế là quá trình tái xác định liên tục vai trò của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Có hai qui luật thực chứng xác định đặc điểm của việc chuyển đổi cơ cấu này. Thứ nhất, ở những nước phát triển thấp, đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vào việc làm là rất lớn song tỉ lệ đó sẽ giảm xuống khi đất nước phát triển. Thứ hai, luôn tồn tại một khoảng cách lớn giữa tỉ trọng nông nghiệp trong GDP và tỉ lệ ngành này trong lực lượng lao động. Khi GDP trên đầu người tăng, đóng góp của nông nghiệp giảm thì đồng thời đóng góp của nó vào tăng trưởng kinh tế cũng giảm. Điều này xảy ra khi sản lượng tăng theo giá trị tuyệt đối nhưng các khu vực phi nông nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Thay đổi trong nông nghiệp Nhật Bản cũng không nằm ngoài hai qui luật này. Lịch sử đã cho thấy năng suất nông nghiệp cao hơn tạo ra thặng dư nông nghiệp, phần thặng dư đó dùng để hỗ trợ công nghiệp và cho phép giá lương thực giảm đi. Đây là nền tảng cho sự phát triển thời kỳ đầu của các nước phát triển trong đó có Nhật Bản nhưng về sau sự đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế giảm dần và nông nghiệp chuyển sang được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế khác.

Mức tăng GDP của ngành nông nghiệp Nhật Bản trong những năm 1950 kém xa mức tăng trong ngành công nghiệp. Tăng trưởng GDP của một công nhân công nghiệp thời kỳ 1960-75 là 8,5% trong khi mức tăng trong nông nghiệp chỉ là 4,8%. Sự khác biệt trong năng suất lao động đã làm tăng áp lực đối với nông nghiệp. Khác biệt về thu nhập giữa nông thôn và thành thị có xu hướng tăng, những người trẻ tuổi và những người kinh doanh nông nghiệp bắt đầu chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp do kỳ vọng một thu nhập tốt hơn. Lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ đã tăng 2,6% trong giai đoạn 1960-75, trong khi lao động trong nông nghiệp giảm 4,6%(Van Der Meer & Yamada 1990: 132). Thực tế là từ sau năm 1960 lợi thế so sánh của nông nghiệp Nhật Bản đã giảm mạnh. Sự suy giảm này thể hiện qua tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP và trong lực lượng lao động.

Đóng góp của nông nghiệp vào GDP của Nhật Bản đã giảm nhanh chóng, từ 9% năm 1960 xuống còn 1% năm 2000 và giữ ở mức đó cho đến năm 2005. Lao động nông nghiệp còn giảm nhanh hơn nữa, từ 27% xuống còn gần 4% trong cùng thời kỳ (OECD 2009). Tỷ trọng của lao động nông nghiệp cao gần gấp 4 lần tỷ trọng GDP của nông nghiệp trong nền kinh tế đã phản ánh mức tăng năng suất trong ngành nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các ngành khác. Đất nông nghiệp đã giảm gần 30% trong giai đoạn 1960-2005, số nông hộ giảm 53%, dân số nông nghiệp giảm 76%, số người hoạt động chính trong nông nghiệp cũng giảm gần 77% trong cùng giai đoạn. Riêng diện tích đất canh tác trung bình cho một nông hộ thì đã tăng từ 1 ha năm 1960 lên 1,64 ha năm 2005 và tiếp tục tăng lên 1,83 ha năm 2007 (MAFF 2008). Những phần sau sẽ nói chi tiết hơn về những thay đổi này.

2. Thay đổi trong cơ cấu sản phẩm

Lúa gạo là sản phẩm chính của nông nghiệp Nhật Bản, vì với diện tích canh tác hạn chế, lúa là cây trồng thích hợp nhất để có thể nuôi sống cho một đất nước đông dân như Nhật Bản. Nông nghiệp Nhật Bản phụ thuộc nặng nề vào việc sản xuất lúa và hầu hết nông dân đều là người trồng lúa. Cho đến những năm 1980 diện tích trồng lúa vẫn chiếm hơn một nửa diện tích đất canh tác của Nhật Bản (ABARE. 1988:72). Luật nông nghiệp cơ bản được thực hiện vào năm 1961 đã chú trọng tới việc mở rộng có lựa chọn trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu chính sách của chính phủ là nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đồng thời khuyến khích quản lý nông trại có hiệu quả. Bảng 1 dưới đây cho thấy những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp thể hiện qua giá trị sản lượng của cả ngành nông nghiệp cũng như các tiểu ngành trong ngành nông nghiệp. Giá trị sản lượng nông nghiệp năm 2007 là gần 8.193 tỷ yên, tăng hơn 4 lần so với năm 1960. Tuy nhiên một nghiên cứu của OECD lại cho rằng, giá trị tăng chủ yếu là do giá tăng bởi vì khối lượng sản phẩm sản xuất ra từ sau năm 1970 tăng rất ít (OECD 2009:13).

Sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản nhìn chung đã tăng liên tục từ đầu những năm 1960 cho đến năm 1990 (bảng 1), trong đó một vài loại sản phẩm như rau xanh, sản phẩm chăn nuôi đã tăng rất nhanh.


Bảng 1: Thay đổi về giá trị sản lượng của các tiểu ngành trong nông nghiệp

(Đơn vị :%)

 

1960

1970

1980

1990

2000

2007

Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp (tỷ yên)

 

1.914,8

 

4.664,3

 

10.262,5

 

11.492,7

 

9.129,5

 

8.192,7

Ngành trồng trọt

80,5

73,4

67,9

72,2

72,3

69,0

Lúa gạo

47,4

37,9

30,1

27,8

25,4

21,9

Lúa mỳ và lúa khác

5,5

1,0

1,6

1,5

1,4

1,1

Các loại đậu

2,5

1,2

0,8

0,8

1,1

0,8

Khoai tây

3,0

1,7

2,0

2,1

2,5

2,2

Rau

9,1

15,8

18,5

22,5

23,1

25,0

Quả

6,0

8,5

6,7

9,1

8,9

9,2

Hoa

0,5

0,9

1,7

3,3

4,9

4,8

Ngành chăn nuôi

15,2

23,2

29,9

26,8

26,9

30,2

Sữa

2,5

5,0

6,6

6,6

7,5

7,7

Thịt

7,1

11,6

17,7

16,0

14,7

17,5

Trứng

5,6

6,6

5,6

4,2

4,7

5,0

 

Nguồn: MAFF. Statistic Yearbook năm 2008 và các năm khác

 

 

Tỷ trọng của chăn nuôi đã tăng từ 15% năm 1960 lên 23,2% năm 1970, và 29,9% năm 1980. Năm 1990 tỷ trọng của ngành chăn nuôi giảm xuống 26,8% do thời kỳ này việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đã được tự do hóa nhiều hơn. Đến năm 2007 tỷ trọng của ngành chăn nuôi lại chiếm 30,2% tổng giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp. Khác với ngành chăn nuôi, giá trị sản lượng của rau xanh tăng liên tục nhanh từ năm 1960 đến nay, tăng từ 9,1%  năm 1960 lên 18,5% năm 1980, lên 23,1% năm 2000 và đến năm 2007 là 25%. Trong lúc đó sản xuất gạo lại giảm liên tục, tỷ trọng của gạo trong tổng giá trị sản lượng nông nghiệp đã giảm từ 47% năm 1960 xuống còn 22% năm 2007. Tiêu dùng gạo trên đầu người đã giảm từ 120 ki lô gam (kg) năm 1962 xuống còn 60 kg năm 2006, nghĩa là giảm tới 50%. Nhu cầu về gạo giảm trong khi nhu cầu về thịt, sữa, rau xanh và hoa quả tăng. Vì thế có thể suy ra tổng giá trị sản lượng nông nghiệp tăng trong giai đoạn 1960-2005 chủ yếu do sự tăng giá trị của sản phẩm chăn nuôi, rau hoa quả. Xu hướng đa dạng hóa sản phẩm đã kéo dài cho đến giữa những năm 1980, nhưng sau đó sản lượng của hầu hết các loại cây trồng và sản phẩm chăn nuôi chỉ giữ nguyên hoặc giảm.

3. Thay đổi trong lực lượng lao động

Đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp Nhật Bản là nông hộ. Theo định nghĩa của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp (MAFF) Nhật Bản thì nông hộ là một hộ gia đình có đất canh tác từ 0,1 ha (1.000 m2) trở lên hoặc có hóa đơn chứng minh giá trị bán nông phẩm ở một mức nào đó cho dù họ không đáp ứng về tiêu chí đất canh tác. Qui định về mức bán nông phẩm thay đổi theo các giai đoạn khác nhau, năm 1965 mức đó là 30.000 yên, năm 1985 tăng lên 100.000 yên, và năm 1990 là 150.000 yên. Nông hộ được phân chia thành hộ làm nông nghiệp toàn thời gian và hộ làm nông nghiệp bán thời gian. Hộ làm nông nghiệp toàn thời gian là nông hộ trong đó không có thành viên nào tham gia việc làm phi nông nghiệp quá 30 ngày trong một năm, còn hộ làm nông nghiệp bán thời gian là nông hộ có ít nhất một thành viên tham gia vào việc làm phi nông nghiệp. Hộ làm nông nghiệp bán thời gian lại chia làm 2 loại. Loại 1 là những nông hộ có thu nhập từ nông nghiệp lớn hơn thu nhập từ việc làm phi nông nghiệp. Loại 2 là những nông hộ có thu nhập từ việc làm phi nông nghiệp lớn hơn thu nhập từ nông nghiệp. Hộ làm nông nghiệp toàn thời gian có một lao động nam trong độ tuổi 16-59 làm nông nghiệp trên 150 ngày trong một năm thì được gọi là nông trại chủ chốt.

Từ sau cuộc điều tra năm 1990 thì nông hộ lại được phân loại thành nông hộ tự cấp và nông hộ sản xuất để bán (gọi là nông hộ thương phẩm). Nông hộ thương phẩm lại được chia thành 3 loại. Loại thứ nhất là nông hộ chuyên kinh doanh nông nghiệp (business farm household), có thu nhập từ nông nghiệp chiếm trên 50% tổng thu nhập của hộ gia đình; Thứ hai là nông hộ bán kinh doanh nông nghiệp (semi-business farm household) khi thu nhập từ nông nghiệp chiếm dưới 50% tổng thu nhập của hộ gia đình. Cả hai loại nông hộ này đều có thành viên trong gia đình dưới 65 tuổi tham gia làm nông nghiệp trên 60 ngày trong một năm; Thứ ba là nông hộ coi kinh doanh nông nghiệp là nghề phụ (side-business farm household) khi không có thành viên nào trong gia đình tham gia vào việc kinh doanh nông nghiệp, không có ai dưới 65 tuổi tham gia làm nông nghiệp tới 60 ngày trong một năm. Theo thống kê, năm 2005 có 15% là hộ kinh doanh nông nghiệp. Ở các hộ này thu nhập từ nông nghiệp chiếm 74% tổng thu nhập trong khi tỉ lệ này chỉ là 10,1% và 6,4% đối với nông hộ bán kinh doanh và kinh doanh thêm nông nghiệp (MAFF. 2008).

Theo số liệu thống kê thì dân số nông nghiệp đã giảm nhanh trong giai đoạn 1965-75 và 1990-95, còn nông hộ lại giảm nhanh từ sau năm 1985 với mức giảm là 9,3% giai đoạn 1985-90 và 10,2% giai đoạn 1990-95. Nhưng mức giảm lớn nhất có lẽ thuộc về số nông dân chủ chốt hay nói cách khác là những người sống bằng nghề nông. Số lượng những nông dân này giảm 23,9% giai đoạn 1960-65, 21,2% giai đoạn 1965-70, và đạt mức giảm cao nhất 31,2% giai đoạn 1970-75, sau đó vẫn tiếp tục giảm ở mức 10-15% trong mỗi 5 năm.

Năm 2005 tỉ lệ hộ làm nông nghiệp toàn thời gian là 23%, nông dân làm bán thời gian loại 1 là 16% và loại 2 là 62%. Tuy nhiên số nông dân làm vệc toàn thời gian hiện nay đa số là người già những người vốn thuộc vào nông dân làm việc bán thời gian loại 2 trước đây nhưng bây giờ không có thu nhập từ công việc khác do về hưu. Như hình 2 dưới đây cho thấy tỉ lệ lao động nông nghiệp trên 60 tuổi chiếm tới 69%, trong khi số lao động trẻ dưới 30 tuổi chỉ chiếm có 6%.

Thống kê của MAFF cho biết tỉ lệ người trên 65 tuổi trong dân số cả nước tăng từ 9,1% năm 1980 lên 20,1% năm 2005 trong khi lao động nông nghiệp trên 65 tuổi tăng từ 17 lên 47% trong cùng thời kỳ (MAFF 2008). Một trong những lý do chính khiến các thành viên trẻ tuổi trong các nông hộ rời bỏ  nông nghiệp là do thu nhập trong nông nghiệp thấp, thấp hơn nhiều so với lương trung bình của các ngành khác (Bảng 4)


Bảng 2: So sánh lương trong nông nghiệp và các ngành khác của Nhật Bản

Năm

Lương trung bình ở các ngành (yên/ngày)

Lương trong nông nghiệp (yên/ngày)

Nam                                      Nữ

1985

9 790

5 981                                   4 586

1990

12 263

6 711                                   5 126

1995

14 398

7 963                                   6 028

2000

14 614

8 652                                   6 495

2004

14 941

8 649                                   6 520

 

Nguồn: MAFF 2005 Census.

 

Bảng 2 cho thấy lương theo ngày của một lao động nam làm nông nghiệp năm 1985 là 5.981 yên, bằng 61% mức lương trung bình 9.790 yên của các ngành khác, giảm xuống 59,2% năm 2000 và 57,9% năm 2004. Mức lương cho phụ nữ làm nông nghiệp chỉ luôn gần bằng một nửa mức lương trung bình của các ngành khác. Vì vậy việc làm nông nghiệp ngày càng phụ thuộc vào những thành viên có tuổi trong nông hộ.


Bảng 3: So sánh thu nhập  giữa nông hộ và hộ phi nông nghiệp

(JPY 1 000)

 

1960

1970

1980

1990

2000

2003

Hộ  phi nông nghiệp

 

 

 

 

 

 

Tổng thu nhập

491

1 355

4 196

6 261

6 731

6 295

Thu nhập trên đầu người

112

348

1 096

1 692

1 946

1 804

Nông hộ

 

 

 

 

 

 

Tổng thu nhập

443

1 592

5 594

8 399

8 280

7 712

So với hộ phi NN (%)

 

117

133

134

123

123

Thu nhập từ NN (%)

49

32

17

14

13

14

Thu nhập trên đầu người

77

326

1271

1 967

2 080

2 051

So với hộ phi NN (%)

69

94

116

116

107

114

 

Nguồn: OECD 2009. Evaluation of Agricultural Policy Reform in Japan, Paris, p.24.

 

 

Khi so sánh tổng thu nhập và thu nhập trên đầu người của hộ nông nghiệp và hộ phi nông nghiệp (bảng 3) thì tổng thu nhập của nông hộ luôn cao hơn thu nhập của hộ phi nông nghiệp. Lý do là họ vừa có thu nhập từ nông nghiệp lại vừa có thu nhập từ các việc làm phi nông nghiệp. Nhiều nông hộ có hơn 90% tổng thu nhập đến từ các việc làm phi nông nghiệp.

Khi nam giới tìm kiếm việc làm ngoài nông nghiệp thì phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nông nghiệp của Nhật Bản. Phụ nữ chiếm 54% dân số chủ yếu tham gia vào nông nghiệp, và chiếm 44% số nông dân chủ chốt (MAFF 2008). Tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ở hợp tác xã hoặc các đoàn thể khác còn thấp.

4. Thay đổi về qui mô nông trại

Mặc dù cải cách ruộng đất sau chiến tranh Thế giới II thúc đẩy sự phân chia tài sản và thu nhập bình đẳng hơn trong nông dân nhưng qui mô trang trại lại không thay đổi, trang trại qui mô nhỏ vẫn là đơn vị sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp (Hayami. Y. 1975:68).

Khi thực thi Luật nông nghiệp cơ bản năm 1961 thì những nông trại có qui mô dưới 0,5 ha chiếm 39%, nông trại có từ 0,5 đến 1 ha chiếm 33%, trên 1 ha là 28%. Sau một thập kỷ thực thi Luật này, tỉ lệ của các nông trại có qui mô dưới 1 ha lại tăng lên. Nhóm nông trại có qui mô 0,5 đến 1 ha tăng lên 47,6% năm 1970, sau đó giảm xuống còn 43,1% năm 1980, 41,7% năm 1990 (Isoji. 1998: 26). Qui mô trung bình của nông trại đã tăng lên đáng kể ở Hokkaido cũng như các tỉnh khác từ sau năm 1990 (xem bảng 4).


Bảng 4: Thay đổi về qui mô nông trại giai đoạn 1965 – 2005

1965

1975

1985

1995

2005

Năm 2005 so với năm 1965

Hokkaido (ha)

4,09

6,76

9,28

12,64

16,45

gấp 4 lần

Các tỉnh khác (ha)

0,79

0,8

0,83

0,92

0,95

1,2 lần

Nông trại trồng lúa (ha)

0,58

0,60

0,61

0,85

0,96

1,7 lần

Nguồn: MAFF 2005 Census

 

Năm 2005 qui mô nông trại dưới 1 ha ở các tỉnh của Nhật Bản (trừ Hokkaido) chỉ còn chiếm 25,5%, số nông trại có qui mô 1-2 ha chiếm 27,7% và đặc biệt nông trại có qui mô 5-10 ha đã lên tới 10,5%. Sự mở rộng nông trại có thể là kết quả của việc cho thuê ruộng của những nông hộ có diện tích canh tác nhỏ, hoặc là của những hộ có người quá già hoặc người làm nông bán thời gian.

Để khuyến khích việc sử dụng đất trồng, năm 2003 chính phủ đã cho phép các công ty cổ phần tham gia vào kinh doanh nông nghiệp với những điều kiện nhất định. Đồng thời chính phủ cũng xiết chặt hơn nữa qui định chuyển đổi đất trồng như tăng mức phạt đối với chuyển đổi bất hợp pháp, tăng cường các biện pháp đối phó việc bỏ hoang đất trồng, khuyến khích tập trung đất trồng một cách toàn diện. Tính đến tháng 9 năm 2008 đã có 320 công ty tham gia canh tác 950 ha đất nông nghiệp (MAFF 2008: 27). Chính sách mới về quyền sở hữu, quyền sử dụng, trao đổi đất đai đã linh hoạt hơn tạo điều kiện cần thiết cho việc mở rộng qui mô trang trại, hiện nay nhiều trang trại có qui mô trung bình lên đến 100 ha.

II. Những chính sách chủ yếu tác động đến cơ cấu nông nghiệp

Mặc dù thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp là kết quả của sự thay đổi tổng thể về những điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường, ở đây chỉ bàn đến tác động của một số chính sách chủ yếu đối với cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản từ sau năm 1960.

1. Cải cách ruộng đất và Luật đất đai

Qui mô canh tác nhỏ vốn đã có từ thời trước chiến tranh, nhưng cải cách cách ruộng đất sau chiến tranh Thế giới II và Luật đất đai năm 1952 đã củng cố thêm chế độ canh tác qui mô nhỏ đó và đã ảnh hưởng đến cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều năm sau này.

Cải cách ruộng đất dưới sự chỉ đạo của các lực lượng chiếm đóng được tiến hành từ năm 1946 đến năm 1950. Thời gian này chính phủ đã mua đất của địa chủ để bán lại cho tá điền. Những tá điền trở thành những người chủ đất qui mô nhỏ. Cải cách ruộng đất là sự phân phối lại một cách bình đẳng hơn tài sản và thu nhập giữa những người nông dân. Để củng cố thành quả của cuộc cải cách ruộng đất Luật đất đai năm 1952 đã qui định rõ diện tích tối đa cho một nông trại là 3 ha (12 ha ở Hokkaido) và kiểm soát chặt chẽ việc cho thuê đất. Đất có thể bán theo giá thị trường và khi số đất của người mua sở hữu không vượt mức qui định. Như vậy là Luật đất đai đã đặt nền tảng cho cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh là canh tác qui mô nhỏ.

2. Luật nông nghiệp cơ bản 1961

Giữa những năm 1950 Nhật Bản bước vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh, tăng năng suất trong các ngành công nghiệp đã vượt xa nông nghiệp. Nông nghiệp đã mất đi ưu thế, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông nghiệp và khu vực phi nông nghiệp ngành càng rộng. Thu nhập trên đầu người tăng cũng làm cho cơ cấu tiêu dùng thực phẩm thay đổi, nhu cầu đa dạng hóa thực phẩm tăng. Luật nông nghiệp cơ bản ra đời năm 1961 là nền tảng pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề trong nông nghiệp.

Mục tiêu của Luật là làm tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc cải thiện năng suất, cải thiện cơ cấu nông nghiệp bằng những biện pháp như mở rộng qui mô canh tác, cơ khí hóa. Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi là cần thiết khi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm đã thay đổi.

Một loạt các chính sách, biện pháp, chương trình đã được thực hiện để đạt các mục tiêu mà Luật đã đề ra. Một dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã được bắt đầu vào năm 1961, chương trình tín dụng để hỗ trợ nông dân hiện đại hóa nông nghiệp, Luật đất đai sửa đổi năm 1962 đã bỏ giới hạn trần của việc sở hữu đất. Tuy nhiên tình trạng làm nông bán thời gian và sự bùng nổ xây dựng cũng làm cho người nông dân kỳ vọng vào vận may khi đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nông trại không thể mở rộng thông qua việc mua thêm đất vì giá đất tăng rất nhanh, mức tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Điều này càng khuyến khích các nông hộ giữ lại đất lại mà không cho thuê (Hayami. 1988:16).

Luật đất đai đã được sửa đổi vào năm 1970 với sự nới lỏng việc cho thuê đất và đưa ra một cách thức mới để mở rộng qui mô nông trại. Việc thực hiện Luật phát triển nông nghiệp năm 1975 và Luật khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp năm 1980 cho phép các cấp chính quyền thôn xã làm trung gian cho việc thuê đất giữa những nông dân. Theo đó, đất cho thuê sẽ tự động được trả về cho chủ đất sau khi hết hạn hợp đồng. Cho dù rất nhiều qui định về thị trường thuê đất đã được nới lỏng thì triển vọng mở rộng qui mô nông trại thông qua việc thuê thêm đất vẫn còn hạn chế. Theo Điều tra nông nghiệp năm 1985, đất cho thuê chỉ chiếm 7,5% tổng diện tích đất canh tác. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 20 và 50% của Tây Âu và Bắc Mỹ ( Kawagoe. 1993).

3. Chính sách lúa gạo

Cùng với chính sách đất đai, chính sách lúa gạo cũng có ảnh hưởng mạnh đến cơ cấu nông nghiệp. Lúa gạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong nông nghiệp Nhật Bản khi chiếm tới 47%  tổng sản lượng nông nghiệp năm 1960 và 23% năm 2005. Lúa gạo là nông sản duy nhất mà nhà nước còn bảo hộ cho tới hiện nay. Trợ giá lúa gạo đã tăng từ sau năm 1960, đặc biệt giá lúa cho người sản xuất đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1970-75 (Mulgan 2006:56). Do lúa gạo được trợ cấp cao nên nông dân thích trồng lúa hơn các cây trồng khác. Việc làm này không chỉ đóng góp cho việc sản xuất thừa lúa gạo mà còn cản trở việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cũng như mở rộng qui mô nông.

Theo Kawagoe thì có hai nhân tố khiến cho nông dân thích sản xuất lúa gạo. Thứ nhất là do qui trình sản xuất lúa gạo đã được cơ giới hóa hoàn toàn vào cuối những năm 1970 nên yêu cầu về lao động giảm đáng kể, người ta có thể tranh thủ làm vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ trong năm. Thứ hai là dưới Chế độ kiểm soát lương thực lúa gạo có mức trợ giá cao và chính phủ cam kết sản xuất bao nhiêu sẽ mua hết bấy nhiêu. Điều kiện kỹ thuật và kinh tế này đã khiến cho những nông dân có qui mô canh tác nhỏ vừa sản xuất lúa gạo vừa có thể tham gia việc làm phi nông nghiệp, phụ nữ và những người già cũng có thể đảm nhiệm được công việc đồng áng

4. Luật cơ bản mới và phương hướng chính sách cơ cấu trong nông nghiệp

Qui mô nông trại đã có sự cải thiện rõ rệt từ cuối những năm 1990, đặc biệt sau sự ra đời của Luật cơ bản mới về Lương thực, nông nghiệp và vùng nông thôn (gọi tắt là Luật cơ bản mới) vào tháng 7 năm 1999. Luật này ra đời đã thay thế cho Luật cơ bản năm 1961. Luật cơ bản mới lại mở rộng hơn nữa phạm vi mục tiêu của chính sách nông nghiệp. Mục tiêu chính sách mới gồm có an ninh lương thực, vai trò đa chức năng của nông nghiệp và phát triển vùng nông thôn. Luật mới chú trọng tới phát triển nông nghiệp bền vững bằng việc duy trì nền tảng sản xuất của nông nghiệp như đất trồng, thủy lợi, lực lượng lao động với những người làm nông hiệu quả, ổn đinh đóng vai trò chính.

Sau khi Luật mới ra đời chính phủ đã đưa ra Kế hoạch cơ bản cho lương thực, nông nghiệp và vùng nông thôn (gọi tắt là kế hoạch cơ bản) vào năm 2000. Kế hoạch cơ bản được xem xét lại sau mỗi 5 năm và chú trọng thực hiện đồng bộ và có hệ thống những chính sách của chính phủ về lương thực, nông nghiệp và nông thôn. Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch cơ bản năm 2000 là việc giới thiệu chương trình chi trả trực tiếp cho nông dân ở vùng trung du và miền núi. Chương trình này nhằm ngăn chặn việc bỏ hoang đất và duy trì các dịch vụ môi trường của nông nghiệp.  Với tư cách là một chính sách nhằm cải thiện cơ cấu nông nghiệp, Kế hoạch cơ bản năm 2000 đã thúc đẩy nhu cầu sáp nhập các doanh nghiệp nông nghiệp dẫn đến việc cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn có thể mua đất nông nghiệp với những điều kiện nhất định. Kế hoạch cơ bản năm 2005 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định những nông dân chủ chốt, những người sẽ là nền tảng cho hệ thống nông trại hiệu quả, ổn định. Những hợp tác xã canh tác trên cơ sở làng xã cũng được xác định như là những nông dân chủ chốt tiềm năng và các tổ chức này cũng được khuyến khích phát triển. Kế hoạch mới chú trọng tới việc tập trung đất nông nghiệp vào những nông trại sản xuất ổn định, hiệu quả, và thúc đẩy những người mới bước vào kinh doanh nông nghiệp với việc sửa đổi hơn nữa luật sở hữu đất nông nghiệp.

Mặc dù những năm gần đây việc tập trung đất đã có tiến triển tốt nhưng năng suất nông nghiệp vẫn chưa có thay đổi đáng kể do các mảnh ruộng nằm rải rác nhiều nơi. Giáo sư Honma của thường Đại học Tokyo cho biết chi phí sản xuất trên một đơn vị diện tích có xu hướng tăng trong việc canh tác lúa với diện tích từ 10 ha trở lên. Vì vậy để có được lợi thế về qui mô kinh tế trong những nông trại đã được mở rộng cần thiết phải có sự sắp xếp lại thông qua việc dồn điền, đổi thửa. Theo ông “ để giải quyết vấn đề này chính phủ cần thúc đẩy mạnh việc vốn hóa đất đai, tạo ra những vùng kinh tế đặc biệt nơi mà đất nông nghiệp không bị bất cứ sự ràng buộc nào trong sản xuất. Và cũng cần xem xét chính sách trợ cấp để thúc đẩy những qui mô quản lý có hiệu quả” (Honma. 2009). Như vậy trong tương lai gần, chính sách của chính phủ không chỉ chú trọng việc tập trung đất đai mà còn phải chú trọng tới việc sắp xếp lại để có qui mô hợp lý.

Kết luận và những gợi ý cho Việt Nam.

Cơ cấu nông nghiệp thay đổi cùng với sự thay đổi điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Cơ cấu sản phẩm và lực lượng lao động nông nghiệp Nhật Bản có sự thay đổi rõ rệt, nhất là từ sau khi có Luật nông nghiệp Cơ bản ra đời (1961). Sản xuất của ngành chăn nuôi và rau hoa quả tăng nhanh nhưng lúa gạo lại có xu hướng giảm. Lao động nông nghiệp giảm mạnh (gần 80%), số nông hộ cũng giảm mạnh trong giai đoạn 1960-2005, nhưng tốc độ giảm của nông hộ thấp hơn tốc độ giảm của lao động nông nghiệp. Đa số nông hộ có trên 50% thu nhập là từ các ngành phi nông nghiệp, số nông hộ chuyên sống bằng nghề nông chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (15%). Qui mô canh tác trung bình của một nông hộ được mở rộng, từ 1 ha năm 1960 lên 1,83 ha năm 2007.

Những chính sách có tác động mạnh mẽ nhất đến sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp từ sau năm 1960 phải kể đến là Luật nông nghiệp cơ bản năm 1961, chính sách đất đai, chính sách lúa gạo, và Luật nông nghiệp cơ bản mới 1999. Hiện nay Nhật Bản đang áp dụng những chính sách mới để nông nghiệp phát triển bền vững và có hiệu quả hơn. Các kế hoạch cơ bản được ra đời mỗi 5 năm đã tập trung giải quyết các vấn đề mới nảy sinh. Hiện tại Nhật Bản đang khuyến khích việc tập trung đất nông nghiệp vào tay những nông dân có khả năng, áp dụng biện pháp chi trả trực tiếp đối với nông hộ có qui mô canh tác rộng ở một mức nào đó. Từ năm 2003 Nhật Bản đã cho phép các công ty tư nhân được thuê đất để kinh doanh nông nghiệp với những ràng buộc nhất định.

Nông nghiệp Việt nam tuy có nhiều khác biệt so với nông nghiệp Nhật Bản nhưng về cơ cấu nông nghiệp đều có chung một điểm, đó là cơ cấu canh tác qui mô nhỏ. Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam chiếm 21% tổng diện tích lãnh thổ lớn gấp rưỡi so với 14% của Nhật Bản (7,8 triệu ha so với 4,7 triệu ha của Nhật Bản). Tuy nhiên do dân số nông nghiệp của Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn nên qui mô trung bình của một nông hộ ở Việt Nam lại thấp hơn của Nhật Bản (0,8 ha so với 1,64 ha năm 2005). Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhanh giống như Nhật Bản những năm 1950, 1960. Từ thực tế của Nhật Bản chúng ta có thể rút ra những bài học sau.

Thứ nhất là với những điều kiện kinh tế xã hội nhất định thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào chính sách của chính phủ. Đó là các chính sách về đất đai, chính sách giá cả, chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp. Nếu mục tiêu của các chính sách mâu thuẫn nhau thì khó có thể có được một cơ cấu hợp lý. Hiện nay ở Nhật  Bản có nông hộ đã tập trung được hàng trăm héc ta đất nhưng vẫn chưa có được lợi thế về qui mô do các mảnh ruộng thuê được nằm rải rác ở những vị trí khác nhau. Như vậy cần phải có biện pháp dồn điền, đổi thửa thì mới phát huy hiệu quả của qui mô kinh tế.

Thứ hai là theo qui luật chung thì khi mức sống được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ thay đổi theo hướng giảm tiêu dùng gạo, tăng tiêu dùng hoa quả, rau xanh và các sản phẩm chăn nuôi. Tình hình tiêu dùng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay gần giống cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của Nhật Bản những năm 1960. Vì vậy chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp của Việt Nam cần chú trọng khuyến khích việc sản xuất những sản phẩm mới phù hợp với điều kiện và thị hiếu của người Việt Nam. Tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, tăng tính bền vững của canh tác nông hộ là con đường thoát nghèo chính trong công cuộc sử dụng nông nghiệp cho phát triển.

Thứ ba là cần vốn hóa thị trường đất đai để tạo điều kiện cho việc mở rộng qui mô nông trại nhưng cũng cần có ràng buộc để tránh tình trạng đầu cơ và để hoang hóa đất đai. Để tạo dựng lòng tin giữa người thuê và người cho thuê đất thì các chính quyền địa phương cần phải tham gia với tư cách như trọng tài kinh tế.

Ngoài ra để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cho tốt Việt Nam cần chú ý tới việc tăng động lực về giá, tăng chất lượng và số lượng đầu tư công, tạo điều kiện để thị trường sản phẩm hoạt động tốt hơn. Chính phủ cần có những chính sách để nông dân được tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính, giảm thiểu rủi ro, đồng thời cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức sản xuất và đổi mới sản phẩm thông qua khoa học công nghệ.

 

PHẠM THỊ XUÂN MAI

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ABARE-Australian Bureau of Agricultural and Resource Economics (1988), Japanese Agricultural Policies: A time of Change, Australian Government Publishing Service.

2. Aurelia George Mulgan (2006), Japan’s Agricultural Policy Regime, London: Routledge

3. B.F. Stanton (1993), Farm Structure: Concept and Definition, Westview Press, Boulder, Sanfrancisco, Oxford.

4. Bruce Koppel (1989),Agrarian Reform and Structural Change in Agriculture, Resource Paper No.5, in Asian Productivity Organization, Tokyo 1990.

5. Cornelis L.J. Van Der Meer and Saburo Yamada (1990), Japanese Agriculture: A Comparative Economic Analysis. Routledge, London and New York.

7. Graham Hallett (1968), The Economic of Agricultural Polic”, Basil Blackwell, Oxford.

8. Honma Masayoshi (2009), Japan’s Grand Strategy for Agriculture in Globalized World, Japan Spotlight, Bimonthly July/August 2009, p 30-33. Japan Economic Foundation (JEF)

10. Hayami Yujiro (1988), Japanese Agriculture Under Siege: The Political Economy of Agricultural Policies, Macmillan, London.

11. Isoshi Kajii (1998), Development of Structural Policy: Centering Around the Agricultural Land Legislation in Changes in Japan’s Agrarian Structure, FAPRC, Tokyo.

12. Ivan Roberts, Suthida Warr and Gil Rodriguez (2006), Japanese  Agriculture: Forces Driving Change, ABARE Research Report, Canberra, Australia.

13. Izumida  Yoichi (2002), Agricultural Structure Problems in Vietnam, the University of Tokyo, Japan.

14. Kada, R. (1980), Part-time Family Farming: Off-farm Employment and Farm Adjustments in the United States and Japan, Centre for Academic Publications, Tokyo.

15. Knutson, Penn and Boehm (1990), Agriculture and Food Policy, 2nd edition, Prentice Hall.

16. Lã Văn Lý (2008), Tích tụ ruộng đất cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, Báo cáo trong Hội nghị thường niên của các nhà tài trợ quốc tế tại Hà Nội tháng 11 năm 2008.

17. Mitsugi Kamiya (2002), 1990s: A Decade for Agricultural Policy Reform in Japan, Food and Agriculture Policy Research Centre (FAPRC), Tokyo.

18. OECD (2009), Evaluation of Agricultural Policy Reform in Japan, Paris.

19. OECD (1995), Agriculture Policy Reform and Adjustment in Japan, Paris.

20. Toshihiko Kawagoe (1993), Deregulation and Protectionism in Japanese Agriculture in Steven Tolliday (ed). The Economic Development of Modern Japan, 1945-1995. Chapter 18,  Volume II, Cheltenham, UK. Northampton, MA, USA, 489-542.

21. Takekazu B. Ogura (1990), Japanese Agricultural Structure, Food and Agriculture Policy Research Centre (FAPRC), Tokyo.

22. Tamotsu Tabata (1990), Trend of Agricultural Structure in Japan, Asian Productivity Organization, Seminar Paper No.3, Tokyo. 1990.

0thảo luận