Trang chủ

SỰ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA HÀN QUỐC NHỮNG GỢI Ý VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM

Đăng ngày: 30-09-2014, 03:22 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 7

1. Sự chuyển đổi mô hình phát triển

Mô hình phát triển của Hàn Quốc từ thập kỷ 1960 đã ra đời trong những điều kiện rất cụ thể của Hàn Quốc lúc đó. Những điều kiện này là:

- Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đối đầu với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) trong điều kiện Hàn Quốc thua kém Bắc Triều Tiên về cả tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển, mô hình Chủ nghĩa Xã hội ở Bắc Triều Tiên với tốc độ tăng trưởng phi mã lúc đó đã gây những ấn tượng và tình cảm mạnh mẽ đối với người dân Hàn Quốc. Do vậy, để đuổi kịp và cạnh tranh được với Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc buộc phải tìm kiếm một mô hình phát triển tăng trưởng cao, có sự khác biệt nhất định với chủ nghĩa tư bản phương Tây.

- Hàn Quốc không có tài nguyên thiên nhiên, điều này đã qui định Hàn Quốc phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến ngay từ đầu, phải nhập khẩu hầu như toàn bộ nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, sản xuất ra hàng hoá và phải xuất khẩu để bù vào các chi phí nhập khẩu.

- Chính quyền của Tướng Park Chung Hee, thực sự là một chính quyền quân sự ra đời từ một cuộc đảo chính, gồm các tướng lĩnh về hưu, nên phong cách điều hành nền kinh tế đất nước thiên về độc đoán, mệnh lệnh, hành chính, chỉ huy, ...

- Hàn Quốc được sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Nhật về thị trường, nguồn vốn và công nghệ.

Mô hình phát triển của Hàn Quốc ra đời trong những điều kiện trên đã có những đặc trưng chủ yếu sau:

- Có sự can thiệp, định hướng, điều tiết, chỉ huy mạnh mẽ từ phía chính phủ trên các mặt như: phân bổ nguồn vốn thông qua các ngân hàng do nhà nước chi phối, định hướng mạnh mẽ phát triển một số ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu, hỗ trợ về thị trường, bảo hộ thị trường trong nước, ....

- Định hướng phát triển công nghiệp chế biến ngay từ đầu và tập trung vào một số ngành cụ thể như: may mặc, điện tử, ô tô, gang thép, đóng tàu,...

- Định hướng xuất khẩu là bắt buộc, dường như là một kế hoạch có tính pháp lệnh của Nhà nước, đến mức các doanh nghiệp nào không hoàn thành định mức xuất khẩu sẽ bị phạt cắt các khoản cho vay ưu đãi.

- Phát triển mạnh mẽ các tập đoàn lớn (chaebols), vì định hướng xuất khẩu đã đặt các công ty Hàn Quốc trước sức cạnh tranh quốc tế quyết liệt, do vậy phải có các tập đoàn lớn đủ mạnh đương đầu với cạnh tranh quốc tế, và chính phủ đã hỗ trợ mọi mặt cho sự ra đời và phát triển các tập đoàn lớn này.

- Sự phát triển mất cân đối là một đặc trưng nổi bật: lạm phát cao hơn tăng trưởng; tích luỹ nội địa thấp; vay nợ nước ngoài cao; thâm hụt thương mại kéo dài; ....

Mô hình phát triển này đã mang lại những kết quả ngoạn mục, tính từ 1963 đến 1995, nghĩa là chỉ trong vòng khoảng 3 thập niên.

- GDP bình quân đầu người đã tăng 100 lần từ khoảng gần 100 đô la Mỹ lên gần 10.000 đô la Mỹ; có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đặc biệt là thời kỳ tăng trưởng cao liên tục kéo dài tới hơn 20 năm (Nhật Bản chỉ có 15 năm).

- Xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc đã tăng từ khoảng 100 triệu đô la Mỹ lên khoảng 100 tỷ đô la Mỹ; Hàn Quốc đã là cường quốc thứ hai thế giới về đóng tàu, thứ năm về sản xuất ô tô, và đứng thứ 11 thế giới về qui mô nền kinh tế.

- Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển thực sự, là thành viên của OECD vào năm 1996.

Tuy nhiên, kể từ cuối thập kỷ 1990 đến nay, những điều kiện quốc tế và trong nước đã có sự thay đổi mạnh mẽ:

- Quá trình toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, trong điều kiện đó những ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng phải đối diện với những thách thức to lớn về thị trường, về sức cạnh tranh, về chi phí, về nguồn lao động thiếu hụt, về sự tăng giá nguyên vật liệu, tiền công tăng, ...

- Những điều kiện bên trong Hàn Quốc cũng đã có những thay đổi rất lớn: Kinh tế thị trường của Hàn Quốc đã phát triển cao ngày càng không chấp nhận cơ chế điều hành mệnh lệnh, hành chính, độc đoán của chính phủ, xu thế này phù hợp với các phong trào đòi dân chủ phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc từ thập kỷ 1990; Do tiền lương của Hàn Quốc đã tăng cao, chi phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp gia tăng, thiếu lao động nghiêm trọng,...đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng rơi vào mất lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, thậm chí bị thua lỗ, phá sản; các tập đoàn lớn của Hàn Quốc ngày càng bộc lộ những mặt trái như tham nhũng, độc quyền, ... do hậu quả của việc được chính phủ bảo trợ trong một thời gian dài; Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không nhận được sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ và vì vậy đã rơi vào thế khó cạnh tranh và phát triển...; quá trình lạm phát cao, lãi suất thấp kéo dài đã dẫn đến những hệ quả như: thị trường vốn phi chính thức với lãi suất cao hình thành phát triển lấn át thị trường vốn chính thức, giảm niềm tin của dân chúng vào chính phủ, phân bổ vốn dễ dãi kém hiệu quả vv...

Cho đến đầu thập kỷ 1990, chính phủ Hàn Quốc đã say sưa với những kết quả thần kỳ thu được, chậm nhận thức những điều kiện đã thay đổi để chuyển đổi mô hình phát triển cho phù hợp, sự chậm trễ này thể hiện ở những điểm sau đây:

- Tiếp tục chính sách phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chế biến trong khi các lợi thế của chúng ở Hàn Quốc đã giảm dần;

- Tiếp tục trợ giúp các Chaebol ngay cả khi chúng sắp phá sản, chẳng hạn năm 1997, chính phủ đã buộc các ngân hàng cho Daewoo hoãn trả nợ 16 tỷ đô la, cho phép các Chaebol thành lập các quĩ như “Quĩ đầu tư Hàn Quốc” để khuyến khích người dân mua cổ phiếu của họ, đẩy giá cổ phiếu tăng vọt lên tới 79% từ tháng 3 đến tháng 8/1999, cứu các Chaebol thoát khỏi những cuộc cải cách cần thiết;

- Tiếp tục định hướng xuất khẩu hàng hoá công nghiệp mà không tính đầy đủ đến các định hướng hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa sâu rộng hơn nền kinh tế quốc gia.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã nổ ra ở Hàn Quốc như là hệ quả của một mô hình phát triển không còn phù hợp với những điều kiện đã thay đổi ở Hàn Quốc. Vấn đề mà chính phủ Hàn Quốc phải giải quyết không phải là cứu chữa, điều chỉnh mô hình phát triển của mình, mà phải tiến hành một cuộc cải cách cơ cấu căn bản, chuyển đổi nó cho phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới. Những xu hướng chủ yếu của cuộc cải cách cơ cấu có tính chất chuyển đổi mô hình phát triển của Hàn Quốc từ sau năm 1997 đến nay là:

- Giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước, mở rộng phạm vi điều tiết của thị trường;

- Giảm bớt sự trợ giúp của nhà nước đối với các Chaebol, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; cải cách các Chaebol theo luật điều chỉnh độc quyền và luật thương mại bình đẳng;

- Cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ theo các nguyên tắc thị trường, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hơn, gia tăng sự phân bổ các nguồn vốn thông qua thị trường chứng khoán, giảm bớt tình trạng phân bổ vốn chủ yếu thông qua các ngân hàng với sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ;

- Hội nhập, mở cửa và tham gia vào quá trình toàn cầu hoá mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng; nới rộng các qui định xuất nhập cảnh và cư trú, sở hữu nhà đất cho các nhà đầu tư nước ngoài; thành lập các khu kinh tế tự do với thể chế tự trị cao ở đẳng cấp quốc tế, cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến sinh sống và làm việc nhiều hơn;

- Nhà nước đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình công nghệ cao theo chiến lược phát triển xanh, gia tăng đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao các công nghệ truyền thống tiêu hao nhiều vật tư, nguyên liệu và lao động ra nước ngoài;

- Gia tăng đầu tư nhà nước cho các vấn đề an sinh xã hội, phát triển con người, chú trọng phát triển tầng lớp trung lưu trong xã hội ngày càng nhiều hơn, vv...

Cương lĩnh tranh cử của tổng thống Lee Myung Park đã thể hiện rõ những tham vọng này, ông muốn kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 7% hàng năm trong vòng 5 năm tới; Nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40.000 đô la/năm, đưa Hàn Quốc vào nhóm 7 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới (kế hoạch 747). Kế hoạch 747 đầy tham vọng của Tổng thống Lee chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện mô hình phát triển của Hàn Quốc phải được chuyển đổi theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng toàn cầu trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và hiện đại.

2. Sự chuyển đổi mô hình phát triển của Hàn Quốc đã gợi ý cho Việt Nam nhiều điều đáng suy nghĩ

Việt Nam có những điều kiện tương đồng với Hàn Quốc trong thời kỳ tăng trưởng cao như: trình độ phát triển thấp, thị trường nội địa nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không nhiều, kinh tế thị trường phát triển sơ khai, do vậy vai trò can thiệp của nhà nước lớn, vv...

Tuy nhiên, Việt Nam có không ít điều kiện khác xa với Hàn Quốc như:

- Kinh tế thị trường tuy phát triển còn sơ khai nhưng đã có những nền tảng cơ bản như: chế độ đa sở hữu, các nguyên tắc cơ bản của thị trường đã được tác động, các thị trường cơ bản đã hình thành ... tuy nếu so với Hàn Quốc thì chế độ tư nhân của Hàn Quốc phát triển mạnh hơn Việt Nam và các loại thị trường cũng phát triển khá hơn Việt Nam;

- Đã hội nhập khu vực và quốc tế, cụ thể như đã là thành viên AFTA, ASEAN, APEC, WTO, vv... Còn Hàn Quốc ở giai đoạn đó (1960-1970) thậm chí còn chưa hội nhập khu vực và quốc tế như Việt Nam.

- Đã mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, còn Hàn Quốc thì lại không tiếp nhận FDI chỉ đi vay;

- Thị trường nội địa của Việt Nam tăng trưởng nhanh và không quá nhỏ như Hàn Quốc vào thập kỷ 1960-1970.

Vậy từ sự chuyển đổi mô hình phát triển của Hàn Quốc, từ những tương đồng và khác biệt giữa Hàn Quốc và Việt Nam, ta có thể suy nghĩ gì về sự lựa chọn chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Mô hình phát triển của Việt Nam có tiếp tục theo định hướng xuất khẩu không, có định hướng hoàn toàn vào phát triển các ngành công nghiệp, có tiếp tục phát triển các tập đoàn lớn theo mô hình Chaebol, nhà nước có can thiệp, định hướng phát triển? vv...

3. Xem xét hiện trạng phát triển của Việt Nam có thể thấy khá nhiều nét tương đồng với mô hình phát triển Hàn Quốc thời kỳ tăng trưởng cao

Mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay cũng định hướng phát triển công nghiệp và đặc biệt nhấn mạnh tới những ngành công nghiệp nền tảng. Chính phủ Việt Nam cũng đã trợ giúp rất lớn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát triển nhằm phát triển những ngành này thành những ngành mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên ở đây có sự khác biệt quan trọng so với Hàn Quốc là: về mặt sở hữu, những Chaebol của Hàn Quốc thuộc sở hữu tư nhân chứ không phải thuộc sở hữu nhà nước, thứ hai là về mặt định hướng phát triển, các Chaebol Hàn Quốc được chính phủ hỗ trợ rất lớn nhưng có kèm theo điều kiện rất khắc nghiệt là phải thúc đẩy xuất khẩu, đạt được các mục tiêu xuất khẩu đề ra của quốc gia và có sức cạnh tranh quốc tế cao, trong khi các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam lại chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước hay nhà nước nắm cổ phần chi phối, và phát triển chủ yếu hướng nội (sống nhờ thị trường nội địa là chính), định hướng phát triển thay thế nhập khẩu là chính, sức cạnh tranh trong nước và quốc tế thấp, dựa quá nhiều vào sự bảo hộ của nhà nước,...

Sự khác biệt này rất đáng được phân tích làm rõ. Ở Hàn Quốc sự trợ giúp của nhà nước cho khu vực tư nhân làm ăn có hiệu quả vươn ra cạnh tranh trên thị trường thế giới, tạo nên những kỳ tích về năng suất, chất lượng, thương hiệu, thì ở Việt Nam nhà nước lại trợ giúp cho các tập đoàn quốc doanh làm ăn kém hiệu quả, hướng vào thị trường nội địa thao túng, độc quyền kinh doanh, lấn át khu vực tư nhân làm ăn có hiệu quả hơn, tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Sự khác biệt này sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau: tại Hàn Quốc là tăng trưởng cao, vươn tới những vị trí cao trong nền công nghiệp thế giới, còn ở Việt Nam các tập đoàn quốc doanh cũng có thể đã đạt được tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả thấp, và các tập đoàn nhà nước chiếm lĩnh hầu hết các vị trí cao trong nền kinh tế nhưng lại tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đến đây có thể dự báo được những triển vọng khó lường của mô hình phát triển Việt Nam.

Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là những ngành công nghiệp Việt Nam đang xây dựng và phát triển (trừ những ngành công nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng) đều là những ngành công nghiệp truyền thống như luyện kim, hoá dầu, dệt may, giày dép, vv... nghĩa là những ngành công nghiệp tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, giá trị thặng dư thấp, cần huy động nhiều vốn, ... đang được các nước phát triển và cả Trung Quốc muốn chuyển giao sang các nước lạc hậu, chủ yếu để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, kỹ năng thấp. Ngay tại Trung Quốc trong vài năm gần đây không ít xí nghiệp loại này đã phải đóng cửa, sa thải công nhân. Nếu Việt Nam tiếp nhận tất cả những ngành này, thì chỉ sau một thời gian, kinh tế Việt Nam sẽ vấp phải những thách thức do giá nguyên nhiên vật liệu cao, môi trường ô nhiễm, bệnh tật, tai nạn lao động, ... Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đó Việt Nam cần có sự tính toán, cân nhắc thận trọng, tiếp nhận những ngành công nghiệp truyền thống nào, không tiếp nhận những loại công nghệ nào và mức độ phát triển những ngành này đến đâu là phù hợp. Thực tế của Hàn Quốc cho ta thấy khi tiếp nhận, xây dựng, phát triển một ngành công nghiệp phải tính cho một thời hạn dài, cân nhắc cả những mặt tích cực và tiêu cực, và khi hết hạn sử dụng thì sẽ phải chuyển đổi thế nào. Nếu không có sự tính toán, tiên liệu đầy đủ, thì có thể nền kinh tế sẽ gánh chịu những hậu quả khó lường.

Kiến nghị với chính phủ Việt Nam từ thực tế của Hàn Quốc là, Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa cải cách các tập đoàn và tổng công ty nhà nước theo hướng cổ phần hoá, chỉ duy trì những tập đoàn lớn hoạt động trên thị trường thế giới, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng qui mô lớn, rút khỏi thị trường nội địa về hàng hoá, thương mại và dịch vụ thông thường, kiểm soát độc quyền; xây dựng các ngành công nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, đồng thời phát triển mạnh các ngành dịch vụ phù hợp, các ngành công nghiệp hiện đại, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài chính, ngân hàng, ...

4. Mô hình phát triển Việt Nam hiện nay cũng định hướng xuất khẩu giống với Hàn Quốc, tuy nhiên có những khác biệt quan trọng sau

Hàn Quốc định hướng xuất khẩu hầu như chỉ tập trung vào một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến như ô tô, điện tử, may mặc, luyện kim,... trong khi Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên bao gồm dầu thô, than đá, nông lâm hải sản,... Tỷ trọng hàng công nghiệp trong xuất khẩu của Việt Nam hiện còn rất thấp chỉ khoảng 30-40%.

Hàn Quốc đã thực thi một chính sách đồng bộ hỗ trợ xuất khẩu như: hạ giá đồng won từ 651won/1USD năm 1960 xuống trên dưới 1000won/1USD cho đến nay; buộc các ngân hàng cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu; buộc tất cả các doanh nghiệp phải có những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao cho xuất khẩu, trừng phạt các doanh nghiệp không hoàn thành định mức xuất khẩu, vv... Tuy đến nay các chính sách này đã thay đổi theo hướng giảm bớt sự trợ giúp và ép buộc từ phía chính phủ do các công ty này đã đủ lớn mạnh và khẳng định vị trí cao ở thị trường trong nước cũng như trên thị trường thế giới. Việt Nam cho đến nay tuy xuất khẩu đã chiếm một tỷ lệ khá cao trong GDP, nhưng vẫn duy trì giá chính thức của Việt Nam đồng (VND) cao hơn thực tế bất lợi cho xuất khẩu, thiếu những chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu một cách phù hợp (về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực,...)

Từ những năm 1990, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng 1997, Hàn Quốc đã mở cửa hội nhập quốc tế mạnh mẽ, do vậy định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc được chuyển hướng sang hội nhập quốc tế: tự do hoá tài chính, tiền tệ, mở cửa các lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài, nếu trước đây Hàn Quốc chỉ đi vay để phát triển thì nay Hàn Quốc đã sẵn sàng và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt thông qua chính sách xây dựng các khu kinh tế tự do hiện đại, vv... Việt Nam trên thực tế đã không chỉ định hướng xuất khẩu mà đã thực hiện chính sách mở cửa hội nhập quốc tế: đã có luật đầu tư nước ngoài từ năm 1987, đã xây dựng các khu chế xuất từ đầu thập kỷ 1990, gia nhập AFTA, APEC, WTO ... tuy nhiên các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chưa đủ phù hợp như: Việt Nam đã xây dựng một số khu kinh tế mở nhưng thể chế cho các khu này lại không đủ mở, kém xa các đặc khu kinh tế của các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, ...; Việt Nam đã mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, ... nhưng mức độ còn thấp và cơ chế tổ chức giám sát còn bất cập, vv...

Những khác biệt trên đã làm cho mô hình định hướng xuất khẩu của Việt Nam kém hiệu quả hơn Hàn Quốc, Việt Nam phải nhập siêu kéo dài; mức độ hội nhập tuy cao xét về kim ngạch xuất nhập khẩu, về tỷ trọng FDI trong tổng đầu tư xã hội, vv... nhưng các thể chế hội nhập kinh tế của Việt Nam về tỷ giá, thuế, các khu kinh tế tự do,... hiện vẫn còn nhiều bất cập.

5. Từ thực tế của Hàn Quốc, có thể có những kiến nghị sau đây cho sự cải cách đổi mới của Việt Nam

Cần có chính sách khuyến khích xuất khẩu mạnh mẽ hơn theo hướng duy trì một VND yếu, có giá chính thức thấp hơn thực tế;

Hỗ trợ hơn nữa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về cơ sở hạ tầng, về đào tạo nhân lực. Các ưu đãi cần thiết không được vi phạm các nguyên tắc của WTO.

Chuyển đổi các khu kinh tế mở hiện có thành các khu kinh tế tự do hiện đại, đáp ứng đầy đủ các yếu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự chuyển đổi mô hình phát triển của Hàn Quốc theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, toàn cầu hoá, hiện đại hoá về công nghệ là một sự chuyển hướng đúng đắn, tuy có phần chậm trễ. Sự chuyển đổi mô hình phát triển này cho ta thấy là không có một mô hình phát triển nào có thể tồn tại vĩnh hằng, mà nó phải thay đổi thích hợp với những điều kiện lịch sử đã thay đổi. Tuy nhiên sự thay đổi này thường không diễn ra dễ dàng do những hạn chế trong nhận thức của tầng lớp có quyền lực, do lợi ích của các phe nhóm, do cơ chế, chính sách cứng nhắc vv... Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là Việt Nam hiện chỉ ở trình độ tương đương với Hàn Quốc ở giai đoạn phát triển thấp theo đuổi mô hình phát triển công nghiệp hướng về xuất khẩu, nhưng hiện nay xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập ngày càng sâu rộng, các điều kiện quốc tế đã thay đổi, các nền kinh tế đang chuyển sang phát triển kinh tế tri thức, kinh tế công nghiệp đang lùi dần, Việt Nam không thể đi theo mô hình phát triển công nghiệp hướng về xuất khẩu mà Hàn Quốc đã đi. Vậy Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình nào. Theo chúng tôi, dù phát triển theo mô hình nào Việt Nam cũng phải lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp theo lợi thế của Việt Nam, một số ngành dịch vụ và công nghệ hiện đại, không chỉ theo định hướng xuất khẩu, mà rộng hơn phải theo hướng hội nhập quốc tế. Và mô hình này phải được điều chỉnh thích ứng với những điều kiện cụ thể.

 

VÕ HẢI THANH

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Iain Pirie, 2007, The Korean Developmental State: From Dirigisme to Neo-Liberalism, Routledge.

2. Jwa, Sung-hee, Palgrave MacMillan, 2001, A New Paradigm for Korea's Economic Development: From Government Control to Market Economy.

3. Chwa, Sung-hui, 2001, A New Paradigm for Korea’s Economic Development: From Government Control to Market Economy, Studies in the Korean Economy, Houndmills, Basingstoke, Hampshire; New York: Palgrave.

4. Korea Development Institute, 2001, The Role of the Government in Korea's Industrial Development.

5. Emery, Robert F., 2001, Korean Economic Reform: Before and Since the 1997 Crisis, Aldershot; Burlington, VT: Ashgate.

6. O. Yul Kwon, Sung-Hee Jwa, and Kyung-Tae Lee, 2003, Korea's New Economic Strategy in The Globalization Era, Edward Elgar.

 

0thảo luận