Trang chủ

NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG “LÊN ĐỒNG” CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ “KUT” CỦA NGƯỜI HÀN

Đăng ngày: 19-09-2014, 11:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 6

1. Mở đầu

Trong văn hóa dân gian Việt Nam và Hàn Quốc, các loại hình tín ngưỡng mang yếu tố shaman giáo đóng một vai trò khá quan trọng, trong đó lên đồng của người Việt và kut (굿) của người Hàn là những ví dụ tiêu biểu.

Trước hết, cả kut và lên đồng đều không phải là một tín ngưỡng độc lập mà chỉ là một nghi lễ quan trọng và điển hình của một loại hình tín ngưỡng khác.

Các thuật ngữ lên đồng, hầu đồng hay hầu bóng đều dùng để chỉ một nghi lễ quan trọng và tiêu biểu trong tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt - một loại hình tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ sự tôn thờ các Nữ thần và dần được hệ thống hóa thành thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua các ông đồng bà đồng (những người có khả năng “liên lạc” với thần thánh), con người tìm thấy sự che chở, ban phúc, lộc, sức khỏe… những thứ mà họ cần  trong cuộc sống thực tại.

Cũng như Việt Nam, Hàn Quốc là một đất nước ngay từ rất sớm đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của shaman giáo. Người ta tin rằng, đạo shaman đã du nhập vào bán đảo này cùng với những cư dân Altai từ phương Bắc đến lập nghiệp vào thời tiền sử([1]). Trong Lịch sử Hàn Quốc tân biên, tác giả Ki baik Lee (dịch giả Lê Anh Minh) đã cho rằng vào thời Tam Hàn([2]) ở Triều Tiên, các pháp sư được giao nhiệm vụ chăm lo về nghi lễ - gọi là Cheongun (Thiên quân - 천군). Tương truyền họ có quyền hành với những cơ sở biệt lập gọi là sodo (Tô đồ - 소도) - nơi đó có dựng một cái trụ cao, trên có treo một cái trống và một cái chuông để phục vụ cho lễ nghi tôn giáo([3]). Theo tác giả, hình ảnh chiếc trụ cao ấy tương tự như cái giàn giáo trong nghi lễ kut của shaman hiện tại ở Hàn tộc. Cho dù đến nay vẫn có rất nhiều thuyết khác nhau về sodo, nhưng chúng tôi tán đồng với ý kiến của Cheo Jun Sik, tác giả cuốn Phong tục Hàn Quốc - Tín ngưỡng dân gian, sodo ở đây chính là thánh địa tôn giáo - nơi mà Vu giáo sinh sống và cử hành những nghi lễ thiêng liêng.

Như vậy, ngay từ rất sớm, tín ngưỡng shaman giáo đã được du nhập và phát triển trên bán đảo Hàn. Song, cho dù shaman giáo ở Hàn Quốc có nguồn gốc như thế nào thì các nghi lễ của nó cũng đã được hình thành ở quốc gia này trong nhiều thế kỷ và được chấp nhận trong sự khoan dung của Phật giáo. Một trong những nghi lễ quan trọng của shaman giáo ở Hàn Quốc là lễ kut hay shaman kut (사만굿). Những người thực hiện nghi lễ này là các Mudang([4]) (무당).

Hiện đã có nhiều bài viết về các bước tiến hành kut hay lên đồng. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào phân tích và so sánh những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai nghi lễ này mà thôi.

2. Tương đồng và khác biệt trong lên đồng của người Việt và kut của người Hàn

2.1 Đối tượng  thực hiện

Hầu hết những người có thể thực hiện lên đồng (ông đồng, bà đồng) hay kut (Mudang) đều là phụ nữ (cũng có một số ít trường hợp là nam giới). Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng có thể thực hiện nghi lễ này mà thường phải là những người đã được “thần thánh tuyển chọn”.

Ở người Việt, trước khi trở thành ông đồng hay bà đồng, bản thân một người nào đó thường phải trải qua một thời gian (thậm chí nhiều năm) ốm đau bệnh tật “thập tử nhất sinh” điên dại, mất trí… đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Cuối cùng, “bệnh nhân” ấy phải đến “cửa Mẫu” để cúng khấn và cuối cùng được các đồng đền (chủ đền) phán rằng đó là “bệnh nghề nghiệp” - hay người “có căn mạng”([5]). Họ sẽ được “những người đi trước” hướng dẫn “tập sự”. Trước khi trở thành ông đồng, bà đồng thực sự, những người này phải qua “lễ mở cửa phủ”([6]).

Để trở thành Mudang thực sự, các đệ tử shaman giáo ở Hàn Quốc cũng phải trải qua những hiện tượng tương tự. Theo tác giả Nguyễn Long Châu trong Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, muốn trở thành một Mudang thực sự phải đạt 3 tiêu chuẩn, trong đó quan trọng nhất là người lên đồng phải trải qua một thời gian bệnh tật rất nặng. Vào tuổi dậy thì hoặc khoảng thời gian sau đó, người phụ nữ ấy phải trải qua một cơn đau vật vã, kiệt quệ cả tinh thần, sau đó hay nằm mơ thấy ma quỷ hoặc thần thánh và ban ngày thường mắc chứng ảo giác. Sau khi không thể chạy chữa được nữa, cô gái đó đến một bà đồng và phát hiện ra chứng “bệnh nghề nghiệp” của mình. Bà đồng đó sẽ hướng dẫn cô thực tập. Cô đồng mới này sẽ thọ giáo một vị thần mà cô đã gặp trong giấc mơ. Thời gian học nghề thường là 5 năm. Trước khi được công nhận là Mudang chuyên nghiệp, tự cô đồng mới này phải mở một buổi lễ long trọng với sự chứng kiến của nhiều đồng nghiệp.

Như vậy, về cơ bản “lộ trình” để trở thành một người “làm việc thánh” ở kut hay lên đồng là khá giống nhau.

- Các ông đồng, bà đồng hay Mudang hầu hết đều do “thánh chọn” chứ không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Người được chọn khó có thể chống lại được số phận mà thần linh đã sắp đặt sẵn. Bên cạnh đó cũng có những người theo “nghiệp” gia đình mà làm nghề này. Theo các cuộc điền dã của chúng tôi tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2003 - 2007, hầu hết nhóm người theo nghiệp gia đình thường có thời gian học việc lâu hơn những người “căn cao số nặng” đã từng bị điên dại.

Ở khía cạnh này chúng ta cũng có thể tìm thấy sự tương đồng với các Mudang người Hàn. Ngoài sự lựa chọn của thần thánh hay những linh cảm thiêng liêng (con đường này gọi là kangsinmu - 강신무), các Mudang còn có thể hành nghề thông qua việc mẹ truyền cho con gái, hoặc con dâu (con đường này gọi là saeseupmu - 세습무 hay Thế tập vu).

- Về giới tính, tuy có những trường hợp cá biệt, song hầu hết các Mudang người Hàn và thầy đồng người Việt đều là nữ (dù độ tuổi để trở thành người hành nghề chuyên nghiệp có thể không hoàn toàn giống nhau).

- Những người có “căn mạng” thường phải trải qua những kỳ ốm đau thập tử nhất sinh, cuối cùng mới phát hiện ra là người có khả năng là mối liên lạc “trung gian giữa thần thánh và con người”, họ sẽ được “huấn luyện” sau một thời gian nhất định trước khi hành nghề.

- Để có thể làm việc chuyên nghiệp, các ông đồng bà đồng phải qua một thời gian học việc khá dài, có thể vài năm tùy theo khả năng của mỗi người. Tiếp đến, họ phải qua nghi lễ “trình đồng”([7]) và nghi lễ thụ giáo hay “mở cửa phủ” mới được phép mở đền riêng tại gia đình.

2.2. Mục đích thực hiện

Về cơ bản, mục đích của hai nghi lễ này đều xuất phát từ mong muốn của con người về một cuộc sống bình yên. Thông qua các lễ ấy, con người muốn cầu mong thần thánh ban cho sức khỏe, tài lộc trong làm ăn buôn bán hay trồng trọt chăn nuôi, chữa bệnh, xua đuổi điều không may mắn…

Thực tế, không chỉ kut hay lên đồng mà nhiều nghi lễ mang yếu tố của shaman giáo như then([8]) của người Tày, Nùng; pjâo([9]) của một số dân tộc như Girai, Bana, Chu ru, Êđê… ở Tây Nguyên Việt Nam, v.v… cũng có những mục đích tương tự nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực của con người.

2.3. Những kiêng cữ trước khi hành lễ

Là môi trường thiêng nên trước khi hành lễ, các thầy đồng đều có những kiêng cữ nhất định để làm trong sạch bản thân như không được gần gũi với người khác giới (nhất là quan hệ vợ chồng), phải kiêng các đồ ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá…  phải ăn chay, ăn ít, thậm chí có thể nhịn ăn… Đối với các ông đồng bà đồng người Việt thì ngoài các kiêng cữ trên đây, những người đang có tang (trong một năm), đang có thai, nuôi con bú hoặc đang kỳ kinh nguyệt… cũng không được vào đền hầu thánh.

Căn nguyên của những kiêng cữ trên đây xuất phát từ việc các thầy đồng muốn tạo nên một trạng thái cơ thể có sự khác biệt đôi chút so với ngày bình thường. Cũng theo quan niệm của họ, việc “chay tịnh” cơ thể chính là sự tôn trọng thần thánh. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, đối với kỹ thuật lên đồng, trạng thái bất thường trong cơ thể (sau khi chay tịnh) sẽ góp phần tạo cho ông đồng bà đồng dễ rơi vào trạng thái ngây ngất để thoát hồn hay nhập hồn([10]).

2.4. Nghi thức và đối tượng của buổi lễ

Để bắt đầu buổi lễ, các thầy đồng sẽ thắp hương cầu xin thần linh cho phép hầu thánh. Một nghi thức rất quan trọng không thể thiếu là trùm khăn phủ diện và tự thôi miên mình. Tuy nhiên, nếu cầu xin mãi mà không có thánh nào nhập thì các thầy đồng người Việt sẽ tung khăn và buồn bã ra khỏi chiếu hầu.

Trong trường hợp tương tự, Mudang chủ trì nghi lễ kut của người Hàn thậm chí có thể mắng mỏ hoặc lấy ảnh vị thánh đó quăng ra ngoài sân có ý trêu tức. Sự phản kháng mạnh mẽ ấy có lẽ xuất phát từ “tính nước đôi” của tộc người này. Trong cuộc sống thường nhật, do khí chất của nền văn hóa nông nghiệp nên người Hàn cũng tỏ ra khá điềm tĩnh. Tuy nhiên, trong con người họ luôn tiềm ẩn khí chất mạnh mẽ vốn bắt nguồn từ chất du mục Siberi và địa hình núi đá. Do đó, mỗi khi gặp những tình huống cần thiết phải tỏ thái độ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình nóng nảy của người Hàn bộc phát; trường hợp đối với thần thánh như vừa nêu trên theo chúng tôi cũng không ngoại lệ. Song hiện tượng này khó có thể tìm thấy ở người Việt.

Cả kut và lên đồng đều diễn ra trong sự chuẩn bị rất cẩn trọng của các đồng đền cũng như sự tham gia của tôi con đệ tử cùng niềm tin. Về cơ bản, kut có 12 bước trong khi đó lên đồng của người Việt có số lượng nhiều hơn gấp bội với 36 “giá”([11]). Song, thông thường trong một buổi lên đồng, người ta chỉ hầu khoảng 15 - hơn 20 giá mà thôi. Tùy theo căn mạng mỗi người mà số lượng các vị thánh giáng đồng ([12]) hay nhập đồng ([13]) nhiều hoặc ít.

Về thời lượng, các buổi hầu đồng mà chúng tôi đã tham dự trong những năm từ 2003 - 2007 tại Lâm Đồng thường kéo dài khoảng 4 - đến 12 giờ, cá biệt có một số buổi dài hơn. Trong khi đó ở Hàn Quốc, một lễ kut có thể kéo dài 2 ngày. Chính vì thời gian các buổi lên đồng ở hai trường hợp không giống nhau đã dẫn đến số lượng ông đồng bà đồng cũng khác nhau.

Thông thường ở người Việt (miền Bắc), một ông đồng bà đồng sẽ tiến hành nhảy múa cho đến khi kết thúc buổi lễ; trường hợp có từ hai người hầu trở lên, họ sẽ tuần tự hầu từng đợt (người này hầu xong người kia sẽ vào chứ không hầu xen kẽ các giá).

Ở kut, do thời gian quá dài (2 ngày) nên sức lực của một người không thể đảm nhiệm nổi. Vì vậy, từ 4 - 5 Mudang sẽ cùng thực hiện một lễ kut, họ sẽ thay phiên nhau cùng thực hiện diễn trình của một lễ (điều này khác với lên đồng của người Việt)([14]).

Về đối tượng cúng lễ, những bậc thần linh trong các bước (của kut) hay giá (của hầu đồng) đều có liên quan đến các quan lại trong triều đình - người đã có công đánh giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, những người theo quan niệm của người Việt và các dân tộc Á đông là “sinh vi tướng tử vi thần”. Chẳng hạn trường hợp trường hợp tướng Choe Young - Thôi Huỳnh([15]) - người có cái chết bi thảm được tôn như một anh hùng và được coi như vị thần cao nhất của shaman giáo ở vùng Kyonggy.

Trong hệ thống điện thần Tứ Phủ, số lượng các vị thánh vốn là các võ tướng trong triều đình hoặc những người có công đối với đất nước chiếm số lượng rất đông đảo, trường hợp Quan Lớn Đệ Ngũ (còn gọi là Quan Lớn Tuần Tranh) là một ví dụ. Có truyền thuyết nói rằng: Ngài là con thứ 5 của Long Vương, đã hiển linh thành chàng trai quyến rũ người đàn bà đẹp là vợ của một viên quan địa phương Ninh Giang (Hải Dương). Sau đó, Hoàng Tử bị trừng phạt hóa kiếp thành con rắn ở khúc sông Đò Tranh. Trường hợp các Ông Hoàng trong điện thần Tứ Phủ cũng vậy. Tương truyền Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi, Ông Hoàng Bơ (Ba) thờ ở Đền Lảnh (Hà Nam) có công phò vua đánh giặc, Ông Hoàng Lục (tức Trần Lựu) người đã có công đánh giặc Minh, Ông Hoàng Bẩy (hay Ông Hoàng Bẩy Bảo Hà) là viên quan triều đình đã có công trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái([16]).

Sở dĩ có sự tương đồng về đối tượng thờ cúng nêu trên là bởi tâm lý của các cư dân nông nghiệp nói chung; người Việt, người Hàn nói riêng đều mong muốn có được sự che chở của các vị thần thánh. Mặt khác, sự tương đồng đó cũng không khiến chúng ta ngạc nhiên bởi Việt Nam và Hàn Quốc vốn là những quốc gia có lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước rất lâu dài. Trong quá trình ấy, cư dân hai nước phải đối mặt với rất nhiều thế lực ngoại xâm. Song, xét một cách kỹ lưỡng, số lượng các vị thánh có nguồn gốc là những danh tướng có công đối với đất nước trong các giá đồng ở người Việt chiếm số lượng đông đảo. Những vị thánh mà chúng tôi vừa nêu đã chứng minh điều đó. Ngoài ra, trong điện thần Tứ Phủ của người Việt còn có sự hiện diện của Phủ Trần Triều (là phủ Nhân thần) - nơi thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo và các thuộc hạ của ông (là 2 người con gái của ông là Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô)…

Không chỉ vượt trội về số lượng các vị thánh là nhân thần hay nhiên thần, là nhân vật có thực hay hư cấu, mà về nguồn gốc dân tộc của những vị thánh này cũng rất đa dạng. Tương truyền Chầu Đệ Nhất là con gái của một gia đình người Mán ở Động Cuông (Yên Bái); Chầu Lục là người Nùng, Chầu Mười gốc là người Thổ; Ông Hoàng Bát là người Nùng; Cô Chín (là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn) là người Mán… Căn nguyên của vấn đề này theo chúng tôi xuất phát từ nguồn gốc dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc trong khi người Hàn vẫn thường tự hào họ là một trong số những dân tộc thuần nhất nhất trên thế giới. Mặt khác, con người “tạo ra” thần thánh, do đó “xã hội thần thánh” chính là sự “khúc xạ” của xã hội mà họ đã tạo ra. Xét theo chiều hướng này, sự phong phú và đa dạng trong nguồn gốc xuất thân của các vị thánh thuộc điện thần Tứ Phủ của người Việt nói riêng và Việt Nam nói chung hoàn toàn không khó hiểu. Dù đông đảo([17]), song tất cả các vị thánh trong lễ hầu đồng đều quy tụ dưới một “mái nhà chung” là điện thần Tứ phủ do Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên cai quản([18]).

Vẫn là đối tượng giáng đồng; trong lễ kut, thường là những vị thần rất gần gũi với cuộc sống thường nhật của con người (có thể là thần bảo vệ nhưng cũng có khi là những thần gây tai họa cho họ). Dù có 12 bước, song cốt lõi của nghi lễ kut chỉ từ bước thứ 5 đến bước thứ 8, trong đó:

Bước 5 (gọi là 송주 마지- Songju maji): để cúng thần giữ nhà, đây là vị thần bảo vệ và mang những điều may mắn đến với mỗi gia đình. Vị thần này giữ vai trò quan trọng nhất trong mỗi gia đình người Hàn.

Bước 6 (gọi là 별송 - Pyolsong) để cúng thần đậu mùa.

Bước 7 (gọi là 데감 - Taegam) để cầu khấn thần hộ mệnh.

Bước 8 (gọi là 채속- Chesok) để cúng vị thần có liên quan đến sinh đẻ, duy trì tuổi thọ cũng như sự thịnh vượng, bội thu của việc cấy trồng.

Trong lên đồng của người Việt, các đối tượng giáng hay nhập đồng chủ yếu là các thánh. Như chúng tôi vừa trình bày ở trên, họ có thể là những nhân vật được hư cấu trong tâm thức của người dân, cũng có khi là các nhân vật có liên quan đến các sự kiện lịch sử dân tộc. Sự xuất hiện của Phủ Trần Triều trong hệ thống điện thần Tứ Phủ là minh chứng rõ ràng nhất. Nói như vậy không có nghĩa rằng người Việt xa rời đối với việc cầu xin ở thần thánh những nhu cầu của họ ngay trong cuộc sống thực tại. Ngược lại, cũng như đi chùa lễ Phật; trước điện Mẫu, người Việt thường cầu xin sự che chở, sức khỏe, lộc làm ăn (trồng trọt, buôn bán, chăn nuôi), có người xin con cái (cầu tự), v.v… Thậm chí đối với từng giá đồng, “chức năng” của từng vị thần thánh cũng được quy định rõ. Chẳng hạn, muốn có lộc về công danh, địa vị, người ta thường xin ở giá các Quan Lớn (đặc biệt là giá Quan Lớn Đệ Tam và Quan Lớn Đệ Ngũ); lộc làm ăn buốn bán xin ở giá Chúa (tập trung hơn cả là giá Chúa/Chầu Thượng Ngàn), Cô; lộc tình duyên xin ở các giá Chầu; “hiện đại” hơn có cả trường hợp xin lộc về xổ số, số đề, cờ bạc người ta xin ở giá các Ông Hoàng (nhất là Ông Hoàng Bẩy và Ông Hoàng Mười)…

Như vậy về cơ bản, “chức năng” của các vị thần trong lên đồng được “phân công” tỉ mỉ hơn so với kut, thậm chí tính thực tế hay “mì ăn liền” cũng thể hiện đậm nét hơn.

2.5 . Đồ cúng lễ

Nhìn chung, các lễ vật được sử dụng trong kut và lên đồng đều khá sặc sỡ, chúng được mua sắm bởi các đồng đền; các ông đồng bà đồng dâng khi lên đồng tại các đền hoặc do người tổ chức mua, đồng thời là sự đóng góp tùy tâm của những người tham dự. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi quan tâm ở đây là cách sử dụng đồ lễ sau khi cúng.

Tại các buổi hầu đồng của người Việt mà chúng tôi từng tham dự, trong mỗi giá đồng, các ông đồng bà đồng (khi thánh đang nhập đồng) vừa nghe hát, vừa nhảy múa kèm theo đó là việc phát lộc cho các con nhang đệ tử([19]). Điều khiến chúng tôi thấy thú vị khi tham dự buổi hầu đồng tại Đền Đệ Nhị Thượng Ngàn lâm thuộc huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng đó là “công tác chuẩn bị” của những người có trách nhiệm. Để mọi người có sẵn vật dụng đựng lộc, trước buổi lễ, những người hầu dâng([20]) đã phát cho mỗi người tham dự một chiếc túi nilông. Trong khi tôi chưa kịp hiểu ra điều gì (vì chưa gặp trường hợp tương tự bao giờ), chợt có tiếng người ngồi sau vọng lại: “Cất đi lát mà đựng lộc”. Tôi bắt đầu cảm thấy sự một vài sự khác biệt (chuyên nghiệp) và thú vị. Trong suốt buổi lễ, tôi cùng những người tham dự liên tiếp được nhận các loại lộc tùy theo các giá nhất định. Chẳng hạn, lộc ở giá các Chầu thường là đoạn mồi([21]) cháy dở, bánh kẹo, hoa quả, tiền, những gói cà phê thậm chí là cả mì tôm… Lộc trong giá các Ông Hoàng là thuốc lá, rượu, tiền... Đến hàng các Cô, vì xuất thân từ miền rừng núi nên lộc thuộc các giá này thường là gừng, ớt, măng, cam, quýt, mận, trái cóc, khoai lang… Buổi lễ kết thúc cũng là lúc các loại lễ vật trên các gian thờ đã được đưa xuống và ban phát gần hết. Dù cho cách thức có khác nhau, song tại các lễ hầu đồng của người Việt mà chúng tôi từng tham dự, hầu hết các loại lễ vật đều được phân phát cho các con nhang đệ tử thậm chí cả những người đến vì hiếu kỳ.

Ngược lại với hiện tượng trên, cuối các lễ kut ở Hàn Quốc, Mudang chủ lễ sẽ chia đồ cúng và tiền mặt, đặc biệt là những khoản tiền lớn (được dâng cho thần linh thông qua Mudang) cho những thành viên của nhóm và giữ lại phần nhiều nhất cho mình. Tất nhiên, những người tham dự cũng được thụ hưởng một chút lộc thánh, song không phải hầu hết các loại lễ vật như ở người Việt.

Như vậy, nếu xét trên phương diện này thì sự hành nghề của các các Mudang ở Hàn Quốc thực sự “chuyên nghiệp” hơn các ông đồng bà đồng người Việt, bởi công việc này có thể đem lại cho họ nhiều lợi lộc. Chẳng thế mà vào năm 1990, ở Hàn Quốc đã có khoảng 200.000 đạo sĩ shaman đăng ký việc hành nghề đối với Bộ Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc([22]).

2.6. Trang phục

Để một buổi lên đồng thành công, trang phục là thứ không thể thiếu. Ở Việt Nam, các ông đồng bà đồng khi đã “ra nghề” đều phải may riêng cho mình trang phục hầu bởi những người trong “nghề” này rất kỵ mặc đồ chung với người khác. Theo chúng tôi, có lẽ họ sợ mất đi sự tôn kính, linh thiêng đối với thần thánh. Do đó, trường hợp mặc chung hoặc đi thuê đồ để hầu thánh là rất hiếm gặp. Tùy theo điều kiện kinh tế, chất lượng, giá cả các bộ trang phục của mỗi người có thể khác nhau, song tất cả phải tuân thủ tuyệt đối về màu sắc: Thiên phủ màu đỏ, Nhạc phủ màu xanh, Thoải phủ màu trắng…

Tại Hàn Quốc, mỗi bộ trang phục của các Mudang là một vật cúng lễ hoặc từ khách hàng, người có quan hệ đặc biệt với loại linh hồn đặc biệt nào đó, hoặc từ bản thân bà đồng, theo lời khuyên bà ta nghe được trong giấc mơ hoặc các linh hồn mà bà ta nhìn thấy. Khi một khách hàng cúng một bộ trang phục nào đó thì tên bà ta hoặc tên chồng bà ta sẽ được thêu lên áo. Thậm chí khách hành còn được “trông đợi” phải dâng cúng đồ tế lễ định kỳ tại phủ của bà đồng. Mỗi lần Mudang mặc trang phục này thì thần linh của chính khác hàng cũng hài lòng và sẵn sàng phục vụ khách hàng theo chiều hướng thuận lợi([23]). Nếu xét trên phương diện này thì hoạt động của các Mudang tại Hàn Quốc thực sự không chỉ mang tính chuyên nghiệp mà còn mang tính thương mại hóa rất cao (có chi - có trả ).

Việc sử dụng trang phục trong khi lên đồng hay kut cũng có sự khác biệt rất lớn. Bắt đầu buổi lễ, ông đồng bà đồng sẽ ra mắt mọi người với một trang phục hoàn toàn trắng thể hiện sự trong sạch trước khi hầu thánh. Với từng giá đồng sau đó, hầu dâng sẽ có nhiệm vụ giúp ông đồng bà đồng thay trang phục tương ứng với từng vị thần. Theo quan sát của chúng tôi, việc thay đổi trang phục trong lên đồng quả là một nghệ thuật. Ngoài khả năng phán đoán chính xác vị thánh nào đó nhập khi ông đồng bà đồng ra hiệu, người hầu dâng còn phải nhớ chính xác trang phục, màu sắc, các phụ kiện đi kèm của từng vị thần linh, đó là chưa kể đến sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác vấn khăn, kẹp tóc... Tất cả những công việc này phải được diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn.

Ngược lại, trong khi hành lễ, các Mudang Hàn Quốc lại cùng một lúc mặc nhiều bộ trang phục và cởi dần ra tùy theo sự xuất hiện của mỗi vị thần. Đó là chưa kể đến việc đôi khi trang phục còn được cuốn chéo lên để họ có thể nhảy múa và cả những chiếc mũ được chụp và cột chặt lên đầu có vẻ bất cẩn, nếu không muốn nói là không tôn trọng thần thánh (!)

2.7. Âm nhạc

Ngoài những vấn đề nêu trên, lên đồng của người Việt và kut của Hàn còn tìm thấy một điểm chung rất rõ nét đó là sự “đồng diễn” của âm nhạc. Ngoài việc phục vụ cho hát múa, âm nhạc trong các nghi lễ này còn có tác dụng giúp người lên đồng dễ thăng hoa, ngây ngất và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thần thánh.

Tuy nhiên, việc sử dụng âm nhạc của hai nghi lễ này vẫn có những điểm khác nhau. Trong khi các ông đồng bà đồng người Việt phải sử dụng đến những đội cung văn chuyên nghiệp còn bản thân họ chỉ nhảy múa trong khi lên đồng thì các Mudang người Hàn lại có khả năng vừa nhảy múa vừa sử dụng nhạc cụ. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mudang là học để có thể đánh trống và chũm chọe.

Vừa nhảy múa, vừa chơi nhạc cụ nên về cơ bản âm nhạc trong kut không chuyên nghiệp bằng lên đồng. Tuy nhiên, các Mudang người Hàn lại tỏ ra “đa năng” hơn các ông đồng bà đồng người Việt (chí ít là khả năng đồng diễn ca - múa - nhạc trong khi hành lễ).

3. Kết luận

Dù đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm linh của cư dân Việt, Hàn; song về cơ bản, lên đồng và kut hay nói đúng hơn là tín ngưỡng thờ Mẫu và shaman giáo chỉ là những loại hình tín ngưỡng do một bộ phận cư dân hai nước “theo đuổi”.

Vai trò nâng đỡ đời sống tinh thần của các loại hình tín ngưỡng nói trên trong những thời điểm nhất định là điều không thể phủ nhận (thậm chí nó còn an ủi linh hồn người quá cố và dẫn dắt họ tới những nơi tốt đẹp - như lễ ssikkum kut (씨끔굿 hay오구굿 của người Hàn). Song, cũng cần phải nói đến vấn nạn của không ít trường hợp các thầy đồng “đã mượn đạo tạo đời”, lợi dụng lòng tin và sự “mộ đạo” của các tôi con đệ tử để chuộc lợi cho mình; càng nghiêm trọng hơn khi một số đệ tử do quá tin vào những lời “tiên đoán”, “phán truyền” của các thánh (thông qua các thầy đồng khi hành lễ) mà dẫn đến bi quan, mù quáng, thiếu ý chí phấn đấu để rồi dấn thân vào con đường “cầu xin thái quá” hết cửa thánh này đến cửa đền kia.

Không thể nói lên đồng hay kut là hoàn toàn tốt đẹp; song cũng không thể phủ nhận  những giá trị và ý nghĩa tâm linh mà các tín ngưỡng này mang lại cho cư dân Việt, Hàn. Vấn đề ở đây là cần phải bảo tồn những giá trị về mặt văn hóa do các nghi lễ này mang lại, đồng thời cũng phải tích cực loại bỏ hiện tượng “buôn thần bán thánh” của không ít kẻ “đội lốt thầy đồng mà làm điều bất chính”. Bởi xét đến cùng, bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng có những mặt tích cực riêng của nó; những hạn chế tiêu cực thường là do con người mượn tôn giáo, tín ngưỡng để thực hiện những mưu đồ riêng cho mình.

 

BÙI THỊ THOA

(Khoa Đông phương học - Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Joo Kang Huyn (2006), 우리 문화의 수수 캐키 (Văn hóa Hàn  Quốc  - Những điều bí ẩn). Nxb Hankire (Bản dịch sơ thảo của Th.s Thân Thị Thúy Hiền - Khoa Đông phương học - Trường Đại học Đà Lạt).

3. Vũ Ngọc Khánh (2006), Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

4. Hwang Gwi Yeon - Trịnh Cẩm Lan (2003), Tra cứu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Ki-bai Lee (2002, Korea xưa và nay - Lịch sử Hàn Quốc tân biên (Người dịch Lê Anh Minh), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Choe Jun Sik (2005), Phong tục Hàn Quốc - Tín ngưỡng dân gian (한국의 풍속 – 민강신 앙), Nxb Nữ sinh Y Hoa, Seoul (tiếng  Hàn).

7. Suh Cheong Soo (2003), 한국 언어 문화 사전 - New Millennium Dictionary Korean Languge and Culture, Nxb Hansebon, Seoul.

8. Kim Seong Pe (2001), Dân tục học Hàn Quốc (한국의 민속), Nxb Chip MunDang (집문당), tái bản in lần thứ 5, Seoul (tiếng Hàn).

9. Trần Ngọc Thêm, Văn hóa Hàn Quốc (tập bài giảng tại Đại học Đà Lạt (2008).

10. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

11. Ngô Đức Thịnh (2007), Đạo Mẫu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

12. Ngô Đức Thịnh (2007), Lên đồng - Hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

 

 

 



(1) Xem Hàn Quốc lịch sử và văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.13

(2) Thời Tam Hàn trên Bán đảo Triều Tiên là khoảng thời gian thuộc thế kỷ II trước CN. Các nước Tam Hàn gồm Mã Hàn, Thần Hàn và Biện Hàn.

(3) Xem Ki baik Lee (Lê Anh Minh dịch) (2002),  Korea xöa vaø nay - Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr 46.

(4) Mudang là người thực hiện các nghi lễ shaman giáo của người Hàn - tương tự như các ông đồng bà đồng của người Việt.

(5) Nghĩa là người đã được một vị thánh nào đó trong Tam phủ hay Tứ phủ độ mạng (hay hợp căn của họ).

(6) Là nghi lễ đầu tiên của người “có căn mạng” thường được tổ chức tại ngôi đền mà họ “theo” (học việc) để xin mở phủ/đền riêng do mình tự làm chủ. Thường tại các lễ này, bản thân người đó sẽ hầu đồng (gọi là Hầu mở phủ). Ngôi đền mà họ lập sau đó sẽ thờ vị thánh độ mạng cho họ làm đối tượng thờ phụng chính (Ví dụ: Đền Mẫu Thượng Ngàn; Đền Cô Đôi, Đền Ông Hoàng Bẩy…).

([7]) Là nghi lễ hầu đồng đầu tiên của người có căn mạng.

(8) Then là một loại hình tín nhưỡng đặc biệt của người Tày, Nùng mà nghi lễ thường gắn với các hành động ma thuật bí ẩn. Có nhiều loại then như: Then cầu yên; Then chữa bệnh; Then bói toán; Then tống tiễn; Then cầu mùa, cầu đảo; Then chúc tụng; Then cấp sắc; Then giải hạn

(9) Pjâo là một hình thức tín ngưỡng đặc biệt mà nghi thức hành lễ gắn với các hành động ma thuật, mang tính chất thần bí như: Pjâo tìm ra bệnh bằng cách soi đèn lên người bệnh, căn cứ vào ngọn lửa sáng hay tối đi, cháy bình thường hoặc có những tiếng nổ tí tách) mà phán bảo căn bệnh của ai đó; hoặc chữa bệnh bằng cách đo gang tay. Pjâo có thể tìm ra kẻ trộm bằng cách bóp quả trứng gà, tay kẹp quả trứng vừa bóp vừa đọc thần chú nếu quả trứng vỡ ra khi đọc đến tên người nào, đó chính là kẻ ăn trộm.

([10]) Xem Ngô Đức Thịnh (2004), Lên đồng - Cuộc hành trình của các thần linh, trong cuốn Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 281.

([11]) Giá là khoảng thời gia từ khi thánh nhập đến lúc thánh ra khỏi (thăng) thân xác ông đồng, bà đồng. Do đó, trong một buổi hầu đồng, có bao nhiêu vị thánh “về” thì có bấy nhiêu giá.

([12]) Giáng đồng là một vị thánh nào đó “về” hay “đậu xuống” thân xác của ông đồng, bà đồng để chứng kiến các tôi con đệ tử hành lễ và nghe hát văn ca ngợi công đức của các thánh. Thông thường, trong một buổi hầu đồng, ba giá Mẫu (từ Mẫu Đệ Nhất đến Mẫu Đệ Tam) chỉ giáng đồng thôi chứ không nhập. Vì vậy, trong các giá này, người ta chỉ hầu trùm khăn (hay hầu tráng mạn) - ngồi tại chỗ và lắc lư theo tiếng nhạc, ngụ ý là Mẫu đã giáng xuống chứng giám sự thành tâm của các đệ tử.

([13]) Nhập đồng là chỉ việc một vị thánh giáng và nhập vào thân xác của ông đồng và họ “tái sinh” thông qua  các hình làm lễ dâng Thánh Mẫu múa, nhe hát, phát lộc, phán truyền…

([14]) Trường hợp cư dân phía Nam Việt Nam (nhất là người Huế) cũng tổ chức hầu đồng nhiều người, song về bản chất nó cũng khác biệt với kut. Lần lượt từ các Thánh Mẫu đến hàng Cô, Cậu, Ông Lốt; đến một giá đồng nhất định, những người “hợp căn” sẽ cùng ra hầu (hầu hội), hết giá lại thôi; còn hạt nhân trung tâm vẫn do một người hầu chính đảm nhận tất cả các giá.

([15]) Thôi Huỳnh) cùng với Lý Thành Quế là hai viên tướng có công rất lớn trong việc đẩy lùi lực lượng Hồng cân tặc của Trung Quốc và hải tặc (Nụy Khấu) của Nhật Bản thường xuyên tấn công Cao Ly dưới thời vua (Cung Mẫn Vương, 1351 - 1374). Để thành nghiệp lớn, và thâu tóm toàn bộ quyền lực, Lý Thành Quế đã loại bỏ Thôi Huỳnh khiến ông có cái chết bi thảm.

([16]) Xem Ngô Đức Thịnh (2007), Đạo Mẫu, Sđd tr. 41

([17]) Có khoảng hơn 60 vị thánh trong điện thần Tứ Phủ được sắp xếp theo thứ tự từ Phật Bà Quan Âm đến Ngọc Hoàng, hàng Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Nhạc), hàng Quan (có từ 5 - 10 vị quan), hàng Chầu (có từ 4 - 12 Chầu Bà), hàng Ông Hoàng (từ 5 - 10 Ông Hoàng), hàng Cô (12 Cô), hàng Cậu (10 cậu), Ngũ Hổ, Ông Lốt (rắn thần).

([18]) Sự xuất hiện của Phật Bà Quan Âm và Ngọc Hoàng với vị trí thứ nhất và thứ 2 trong điện thần Tứ phủ thực chất là sự ảnh hưởng kế đến là dung hòa giữa đạo Mẫu đối với Phật giáo và Đạo giáo. Sự kết hợp này không thực sự bền chặt mà chỉ gá lắp, bởi chúng tôi từng khảo sát không ít điện thờ mẫu và thấy rằng khá nhiều điện không có sự hiện diện của Phật Bà Quan Âm và Ngọc Hoàng.

([19]) Con nhang đệ tử là từ dùng để chỉ những người theo đạo Mẫu ở Việt Nam.

([20]) Hầu dâng là những người giúp việc cho ông đồng, bà đồng trong lễ lên đồng. Trong mỗi buổi như vậy, số lượng hầu dâng có thể là 2 - 4 người tùy theo khả năng tài chính cũng như mức độ quan trọng của lễ hầu đó đối với các ông đồng bà đồng  (nếu là lễ hầu chính - hay vía chính của đền - thường số lượng hầu dâng phải đủ 4 người).

([21]) Mồi được làm bằng đoạn giấy bản khá dai và bện chặt, phía dưới có cuốn thêm giấy bạc rồi tẩm sáp nến cho dễ cháy. Mồi có độ dài khoảng 20cm. Khi múa, các ông đồng ,bà đồng thường kẹp vào ngón tay.

([22]) Hwang Gwi Yeon - Trịnh Cẩm Lan (2003), Tra cứu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 116.

([23]) Xem Laurel Kendall (2004), Khi nào Kut giống lên đồng vài điểm so sánh giữa Hàn Quốc và Việt Nam, trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman giáo trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb Khoa học - Xã hội, Hà Nội.

0thảo luận