Trang chủ

CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC NGOẠI NGỮ CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày: 12-08-2014, 22:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 5

Người Hàn Quốc luôn coi trọng giáo dục và coi đó là cách để tự hoàn thiện mình cũng như để thăng tiến. Kể từ sau khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, Đại Hàn Dân Quốc đã tiến hành 7 lần cải cách giáo dục. Khoảng cách giữa các lần cải cách là không đồng nhất, từ 5 năm tới 10 năm, nhưng càng ngày khoảng cách đó càng được rút ngắn lại. Điều này cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm tới sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước. Đây cũng chính là một trong những nguồn cội của sức mạnh tạo nên “kì tích sông Hàn”. Các chính sách giáo dục, trong đó bao gồm cả chính sách giáo dục ngoại ngữ luôn được đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của xu thế toàn cầu hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì vai trò của ngoại ngữ và giáo dục ngoại ngữ càng được nhấn mạnh và sự phát triển của nó được phản ảnh rõ nét trong các chính sách giáo dục. Bài viết tập trung vào giới thiệu và phân tích các chính sách giáo dục ngoại ngữ thể hiện rõ qua 7 lần cải cách giáo dục của Hàn Quốc.

1. Cải cách giáo dục lần thứ nhất  (1954~1963)

Giáo dục tập trung vào các chủ đề trong sinh hoạt, cuộc sống nhằm đề cao kinh nghiệm sống của người học. Đây cũng là chương trình đào tạo hướng tới hệ thống mang tính trí tuệ.

Giáo dục ngoại ngữ trong trường phổ thông trung học nhằm mục tiêu cung cấp những hiểu biết về cấu trúc ngữ pháp cơ bản, bồi dưỡng năng lực hội thoại và những hiểu biết về văn hóa của nước bản địa. Ngoại ngữ được coi là môn học lựa chọn, không bắt buộc và học sinh có thể chọn học từ 1~ 2 ngoại ngữ trong 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Trung, với số giờ khoảng 5 tiết một tuần.

2. Cải cách giáo dục lần thứ hai (1963~1973)

Theo sự biến đổi của xã hội, chương trình đào tạo ngoại ngữ cũng được cải cách để đáp ứng yêu cầu thực tế. Chương trình đào tạo phải tăng tính hiệu quả và đào tạo ra nguồn nhân lực mang tính độc lập, tự chủ, tính hợp lý, tính sản sinh và thực dụng.

Thời gian đầu, chương trình giáo dục ngoại ngữ được xây dựng như một nhóm các môn học đồng nhất như: tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Trung. Sau này, cùng với Hiến chương Giáo dục quốc dân được ban hành, với sự phát triển trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản thì giáo dục ngoại ngữ được mở rộng thành 5 thứ tiếng với việc đưa thêm tiếng Esperantor vào năm 1969 và tiếng Nhật vào năm 1973.

Điểm quan trọng là từ cải cách lần thứ 2, chương trình giáo dục ngoại ngữ đã được văn bản hóa và đã xác định được mục tiêu giáo dục chung, đã chỉ rõ đường hướng giáo dục của tất cả các ngoại ngữ. Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng được xây dựng các môn ngoại ngữ với hình thức và nội dung khá đồng nhất.

Mục tiêu chung của bộ môn ngoại ngữ trong nhà trường là bồi dưỡng 4 kĩ năng thực hành tiếng, trên cơ sở đó giới thiệu văn hóa Hàn và tăng cường sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước sử dụng ngoại ngữ đó. Thông qua quá trình dạy học này, chú trọng vào việc bồi dưỡng kiến thức và năng lực phán đoán về sự vật, tinh thần hợp tác, tương trợ quốc tế.

Bộ môn ngoại ngữ trong trường trung học phổ thông được biên chế như sau: tiếng Anh I với số đơn vị tín chỉ là 18 đơn vị học trình (đvht) là môn học bắt buộc. Tiếng Anh II và tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Esperantor (quốc tế ngữ) là môn học tự chọn, có thể chọn từ 1~2 môn (tổng cộng là 30 đvht).

3. Cải cách giáo dục lần thứ ba (1973~1981)

Chương trình giáo dục ngoại ngữ coi việc  ý niệm của Hiến chương giáo dục quốc dân là phương hướng cơ bản, lấy phương châm tập trung vào giáo dục tri thức và kĩ năng, chú trọng bồi dưỡng tinh thần dân tộc, các giá trị đạo đức mang tính nhân văn. Chương trình được nghiên cứu từ năm 1973 tới 1974 chính thức ban hành.

Bắt đầu từ giai đoạn này, tiếng Anh và ngoại ngữ 2 được phân biệt rõ ràng. Tức là, tiếng Anh được coi là ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 2 là môn học học sinh được chọn 1 trong những ngoại ngữ còn lại với số đơn vị tín chỉ là 10~12.

‘Mục tiêu phổ biến’ được áp dụng cho tất cả các môn học ngoại ngữ là tập trung bồi dưỡng 4 kĩ năng thực hành tiếng, trên cơ sở đó giới thiệu một cách khái quát về dân tộc và văn hóa Hàn. Đồng thời chương trình được xây dựng nhằm hướng tới sự phát triển và tăng cường sự hiểu biết của người học về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước sử dụng ngoại ngữ đó.

4. Cải cách giáo dục lần thứ tư (1981~1987)

Chương trình đào tạo của cải cách lần thứ 4 tập trung vào giáo dục khoa học hướng tới tương  lai và lấy con người làm trung tâm trên cơ sở chương trình đào tạo coi trọng giáo khóa, kinh nghiệm và học vấn trước đây.

Chương trình đào tạo ngoại ngữ giai đoạn này đã xây dựng các môn học thành một hệ thống hoàn toàn thống nhất về nội dung và hình thức. Cũng giống như chương trình cải cách giáo dục lần 3, tất cả nội dung giảng dạy của các chương trình giáo dục ngoại ngữ bao gồm cả tiếng Anh được đưa ra với mục tiêu, chú trọng phát triển văn hóa Hàn thông qua bồi dưỡng năng lực sử dụng ngôn ngữ, nâng cao tầm nhìn quốc tế. Các chương trình cho mỗi bộ môn ngoại ngữ đều được cấu thành bởi một hệ thống chung theo thứ tự từ mục tiêu, nội dung cho tới các điểm lưu ý khi giảng dạy và kiểm tra – đánh giá. Nội dung được chia nhỏ và được giảng dạy ở “ba kĩ năng ngôn ngữ” là nghe – nói, đọc, viết và 4 hạng mục “tư liệu ngôn ngữ” là chủ để, phát âm, từ vựng và ngữ pháp – ngữ hình. Những điểm lưu ý khi giảng dạy và kiểm tra – đánh giá được chia nhỏ thành hướng dẫn và kiểm tra – đánh giá.

Lần đầu tiên nội dung liên quan tới kiểm tra - đánh giá được đề cập và được văn bản hóa một cách chính thức và mang tính pháp qui. Có thể nói, đối với cả nhà trường và học sinh, điều này đã tạo nên một cơ sở mang tính lý luận có thể tạo nên giá trị nội tại của giáo dục. Cùng với bước tiến mới này, tài liệu “Từ vựng cơ bản” được đưa ra ở mỗi bộ môn ngoại ngữ tuy ít nhiều có sự chênh lệch nhưng rất cụ thể và có khả năng chi phối giáo dục ngoại ngữ theo cấp độ. Có khoảng 750 đơn vị từ vựng được tuyển chọn và trên cơ sở đó cải cách lần này đã đưa ra chuẩn khi giáo dục và xây dựng giáo trình.

Ngoài ra, trong cải cách lần thứ 4, ngoại ngữ 2 được giảng dạy một cách phân biệt đối với các ban xã hội, ban tự nhiên thuộc các trường trung học phổ thông và các trường dạy nghề. Cụ thể là các trường trung học phổ thông dạy ngoại ngữ 2 với 10 ~12 tín chỉ trong khi các trường nghề chỉ có từ 6~10 tín chỉ.

5. Cải cách giáo dục lần thứ năm (1987 ~ 1992)

Để đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp hóa và xã hội thời công nghệ thông tin, cải cách giáo dục lần thứ 5 được tiến hành nhằm bắt kịp sự biến đổi mang tính toàn cầu. Con người là sản phẩm của chương trình đào tạo phải là người có sức khỏe, có tính sáng tạo và độc lập, tự chủ, có phẩm chất đạo đức tốt.

Chương trình giảng dạy ngoại ngữ cũng phản ánh sự thay đổi trong phương pháp dạy học ngoại ngữ và bối cảnh xã hội mang tính thời đại. Cụ thể hóa nội dung giảng dạy để hướng tới mục tiêu giáo dục của một chương trình đào tạo mang tính trừu tượng, chú trọng vào giảng dạy ngữ pháp và nâng cao năng lực giao tiếp thực tế.

Chương trình cải cách giáo dục ngoại ngữ cũng đề ra mục tiêu đầu tiên là bồi dưỡng năng lực sử dụng ngôn ngữ, nâng cao tầm nhìn quốc tế, thông qua đó phát triển văn hóa Hàn. Mục tiêu này được quán triệt thống nhất ở tất cả các phân môn ngoại ngữ. Điểm khác biệt đối với chương trình giáo dục ngoại ngữ trước đây là đi sâu vào phân tích cụ thể và chi tiết phần mục tiêu và phần những điểm cần lưu ý khi giảng dạy, hướng dẫn và kiểm tra – đánh giá.

Số tín chỉ của ngoại ngữ 2 có giảm đi ít nhiều so với trước đó, tức là trường trung học phổ thông có 10 tín chỉ, trường nghề chỉ còn 6 tín chỉ. Tiếng Anh I được qui định bắt buộc là 8 tín chỉ, tiếng Anh II ở trung học phổ thông là 12 và trường nghề là 8, so với trước đây cũng có phần bị chiết giảm.

6. Cải cách giáo dục lần thứ sáu (1992~1997)

Từ sau thế vận hội Olimpic năm 1988, giáo dục đứng trước nhu cầu đổi mới để đáp ứng nhu cầu mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Các môn ngoại ngữ 2 được giảng dạy ở các trường phổ thông trung học với 12 đơn vị tín chỉ, ở các trường trung học chuyên nghiệp tuy không qui định rõ số tín chỉ nhưng ghi rõ là “lựa chọn và đưa vào giảng dạy như môn học bắt buộc tùy theo đặc trưng của chương trình đào tạo”. Tiếng Nga lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy.

Đặc trưng của giáo dục ngoại ngữ thuộc chương trình cải cách lần 6 là phân chia và đưa ra chương trình giáo dục hai ngoại ngữ một cách đồng nhất, đó là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2. Sau đó thêm vào mỗi chương trình tính chất đặc trưng vốn có, hạng mục đánh giá cũng được đưa ra một cách độc lập.

 

 

Chương trình giáo dục ngoại ngữ của cái cách lần thứ 6

Tên môn học và số tín chỉ

Bắt buộc/ lựa chọn

Tiếng Anh chung (8)

Bắt buộc chung

Tiếng Anh I (8), tiếng Anh II(8), đọc hiểu tiếng Anh (6), Nói tiếng Anh (6), tiếng Anh thương mại (6)

Tiếng Đức I (6), tiếng Đức II (6),

tiếng Pháp I (6), tiếng Pháp II (6)

Tiếng Trung I (6), tiếng Trung II (6),

tiếng Esperantor I (6), tiếng Esperantor II (6),

tiếng Nhật I (6), tiếng Nhật II (6),

tiếng Nga I (6), tiếng Nga II (6).

Bắt buộc tùy theo đặc trưng của  chương trình  đào tạo

 

* Mỗi đơn vị tín chỉ có số lượng giờ học trong 1 học kì  với số tuần là 17, mỗi tuần 1 tiết học 50 phút.

 

 

7. Cải cách giáo dục lần thứ bảy

Từ thập niên 80 theo xu thế quốc tế hóa, giáo dục ngoại ngữ được nhà nước chú ý và chủ trương phải thúc đẩy mạnh. Chính vì vậy, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy thí điểm ở trường tiểu học vào giờ hoạt động đặc biệt và tới năm 1995 thì chính thức đưa vào chương trình dạy chính khóa. Năm 2001 ngoại ngữ sinh hoạt được đưa vào giảng dạy ở phổ thông cơ sở.

Như thực tế cho thấy, giáo dục ngoại ngữ được tiến hành với nhiều ngôn ngữ đa dạng sẽ giúp cho người học có cơ hội được tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau, sẽ có nhiều khả năng và cơ hội trở thành những con người có tư duy và tầm nhìn rộng mở, có phong cách sống chan hòa và tự tin.

Qua phân tích, có thể thấy giáo dục ngoại ngữ ở Hàn Quốc đang coi trọng và tập trung vào tiếng Anh. Trong thực tế thì tiếng Anh hiện đang được giảng dạy ở tất cả các cấp học và chiếm số tín chỉ cao tuyệt đối khi so sánh với các ngoại ngữ khác. Thậm chí, ngay ở bậc tiểu học và mẫu giáo, tiếng Anh không những được đưa vào giảng dạy sớm mà một số nơi còn đưa 100% giáo viên người bản ngữ vào giảng dạy. Việc quá đề cao tiếng Anh mà coi nhẹ giáo dục các ngoại ngữ khác có thể dẫn tới những vấn đề giáo dục và xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế cũng như quan hệ ngoại giao.

*

*   *

Tình hình giáo dục ngoại ngữ ở Hàn Quốc và những biến đổi của nó thể hiện rõ trong chính sách giáo dục qua các thời kì cái cách. Từ năm 1954 cho tới nay, Hàn Quốc đã tiến hành 7 lần cái cách giáo dục. Số các ngoại ngữ được đưa vào chương trình tăng từ 4 thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Trung (cải cách lần 1 năm 1954) đã tăng thành 8 thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Trung, Nhật, Nga, Tây Ban nha, Arap ( cải cách lần 7…).

Cái cách lần thứ 7 được đánh giá là có sự thay đổi lớn trong sự phân bố lượng kiến thức, chú trọng vào bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp, coi trọng giáo dục vốn hiểu biết về văn hóa, lấy người học làm trung tâm, hệ thống nội dung giảng dạy linh hoạt, không cứng nhắc…

Tuy nhiên, giáo dục ngoại ngữ 2 chỉ được giảng dạy bắt đầu từ năm thứ 2 của phổ thông trung học và với tư cách một môn học lựa chọn - điều này cho thấy môi trường giáo dục còn mang khá nhiều hạn chế. Thêm vào đó, do là môn học không được đưa vào nội dung khi thi vào đại học nên không được coi trọng trong thực tế giáo dục nhà trường. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì tình trạng này trái ngược với phương châm đa dạng hóa các môn ngoại ngữ và đưa ngoại ngữ vào giảng dạy sớm trong nhà trường ở một số nước, có thể dẫn tới sức kém cạnh tranh quốc tế.

Nếu như quốc ngữ thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa và tinh thần tự chủ của một dân tộc thì ngoại ngữ lại là phương tiện không thể thiếu để một dân tộc hướng ra và hòa nhập với thế giới bên ngoài. Cùng với công cuộc giáo dục và phổ biến ngoại ngữ, ngôn ngữ của dân tộc đó cũng phát triển nhờ hấp thụ những yếu tố mới, tiến bộ của nền văn minh mới, năng động. Chính sách giáo dục ngoại ngữ với những định hướng, những qui định cụ thể sẽ có vai trò chủ đạo trong sự nghiệp trọng yếu này. Nghiên cứu chính sách ngoại ngữ của Hàn Quốc, chúng ta hiểu biết thêm về những thành tựu to lớn mà dân tộc Hàn đã đạt được, cũng học thêm được những bài học về việc hoạch định chính sách, kinh nghiệm về giáo dục và phát triển ngoại ngữ.

 

HOÀNG THỊ YẾN

(Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Choi Yong Gi (2001), A Study on the History of the Language Policy in South and North Korea, Viện Sau đại học trường ĐH Dankook, Hàn Quốc, luận văn tiến sĩ (tiếng Hàn).

2. Bộ Giáo Dục (2000), Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục Phổ thông trung học (12) Ngoại ngữ (tiếng Hàn).

3. Yang ji Seung (2005), Chính sách giáo dục ngoại ngữ của nước ta và phương hướng giáo dục tiếng Nhật, Viện cao học giáo dục, trường ĐH Mokpo, Hàn Quốc, luận văn thạc sĩ (tiếng Hàn).

4. Hàn Quốc – đất nước, con người, Trung tâm quảng bá văn hóa hải ngoại Hàn Quốc, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc, Nxb Thế giới, 2009.

 

 

 

 

 

0thảo luận