Trang chủ

THÚC ĐẨY QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM - HÀN QUỐC

Đăng ngày: 12-08-2014, 22:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 5

Xét về tổng thể, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc đã có bước phát triển nhanh chóng và khá ngoạn mục. Cho đến nay, ở phương diện vĩ mô chưa thấy có ý kiến phàn nàn về những trở ngại trong quan hệ kinh tế song phương, có chăng đó là việc quan hệ này cho dù đã đạt được nhiều kết quả song so với tiềm năng của cả Việt Nam và Hàn Quốc thì vẫn chưa xứng tầm. Bài viết này sẽ đưa ra một số nhận định đánh giá, đề cập tới tiềm năng hợp tác và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới.

1. Một số nhận định đánh giá

Về đầu tư trực tiếp, những chuyển biến theo hướng đa dạng hoá và chuyển dịch từ chế tác song phương sang các ngành dịch vụ và công nghệ cao đã được ghi nhận. Đó cũng là lợi thế của các nhà đầu tư Hàn Quốc và cũng là yêu cầu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế. Công bằng mà đánh giá thì ngay từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG… đã tính tới kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam. Việc họ quyết định xây dựng khách sạn Daewoo tại một địa điểm đắc địa của Hà Nội là một minh chứng cho sự nhạy bén trong các quyết định Marketing tại thị trường Việt Nam. Tất nhiên vào thời kỳ đó, chưa nhiều công ty Hàn Quốc có các quyết định mạnh bạo như LG. Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao đã trở nên rõ ràng. Và đây được coi là xu hướng lâu dài và hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Như chúng ta đã biết, thời kỳ những năm 1990, phần lớn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung vào công nghiệp chế tác (manufacturing), chiếm tới 85,7% (năm 1995), nhưng chỉ hơn một thập kỷ sau, khu vực này chỉ còn 48,6% (năm 2008), tức là giảm gần 50%. Bất động sản, khai khoáng và tài chính được coi là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với Hàn Quốc. Bất động sản là ngành được coi là rất có tiềm năng tại Việt Nam và các nhà đầu tư Hàn Quốc rất năng động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư Hàn Quốc chỉ giỏi làm dự án và họ không chuyển nhiều tiền sang Việt Nam. Họ tìm cách huy động vốn ngay tại thị trường Việt Nam bằng cách vừa khởi công dự án vừa rao bán căn hộ. Cách làm này về thực chất là khai thác vốn nội địa. Còn khai khoáng cũng được họ chú trọng. Đây là lĩnh vực Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm, thế mạnh và công nghiệp Hàn Quốc cũng rất cần những sản phẩm này. Sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta biết Hàn Quốc là nước không có quặng sắt song chỉ sau năm thập niên kể từ ngày lập quốc họ đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Nếu có dịp đến Pusan, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên vì đây là một thành phố “sản xuất thép”. Chắc chắn các sản phẩm của công nghiệp khai khoáng từ Việt Nam sẽ làm cho Hàn Quốc giàu về quặng trong tương lai. Vấn đề ở đây là Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để hướng các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc phải hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Những chuyển dịch trong kinh doanh dịch vụ cũng là một xu thế nổi trội đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Đầu tư trong ngành dịch vụ, tài chính và các ngành khác lên tới xấp xỉ 20% trong năm 2008 là một minh chứng rất rõ ràng. Theo ý kiến của một số chuyên gia Hàn Quốc, trong tương lai gần, tỷ trọng đầu tư của Hàn Quốc trong lĩnh vực dịch vụ (hàng không, bảo hiểm, du lịch…) và tài chính sẽ tiếp tục gia tăng.

Vấn đề là xử lý các quan hệ lao động và giới chủ như thế nào để tránh các cuộc biểu tình bãi công. Cũng có ý kiến cho rằng, mâu thuẫn của chủ thợ trong nền kinh tế thị trường là tất yếu và thậm chí biểu tình, đình công là cần thiết để người lao động bảo vệ lợi ích của mình và giới chủ phải xem lại chính sách của họ. Có một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam quan hệ chủ thợ căng thẳng song cuối cùng ngừơi ta vẫn tìm ra cách giải quyết hợp lý.

Về thương mại song phương: có hai điểm nhấn gắn liền với sự gia tăng kim ngạch là thiếu hụt nghiêng về Việt Nam và xuất khẩu hàng hoá có giá trị gia tăng thấp từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Một số giải pháp để xử lý hai vấn đề này đã được đề cập ở trên. Ở đây cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Hàn Quốc chỉ cần thực hiện có hiệu quả FTA Hàn Quốc – Asean là đủ bởi với Hiệp định này hàng rào thuế quan coi như bị gỡ bỏ theo lộ trình. Ý kiến này là có lý song chúng ta có thể đặt một câu hỏi là Nhật Bản và Việt Nam vẫn ký Hiệp định đối tác Kinh tế (EPA) trong bối cảnh FTA Nhật Bản – Asean vẫn được thực thi? Nên chăng hai nước tiếp tục thảo luận về một FTA hoặc một RPA. Việc tiến tới một thoả thuận như vậy sẽ đẩy nhanh tiến trình tự do hoá mậu dịch song phương và tạo cơ hội nhanh hơn, tốt hơn để thúc đẩy mục dịch Việt Nam – Hàn Quốc, và những ưu tiên cho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là hàng nông thuỷ sản sẽ được lưu tâm. Đây cũng là một giải pháp để giảm nhập siêu từ Việt Nam. Tất nhiên, vẫn đề này không thể khắc phục ngay được bởi nó phụ thuộc vào cả những yếu tố khác.

Với trình độ phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam, việc gia tăng hàng hoá xuất khẩu có giá trị gia tăng cao sang Hàn Quốc chỉ được cải thiện từng bước bởi thế mạnh của Việt Nam trong thập niên tới vẫn là hàng hoá nông thuỷ sản, dệt may, dày da… Người ta kỳ vọng sau 2020 Việt Nam mới có thể xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu có giá trị gia tăng cao gắn với công nghệ IT và các ngành công nghiệp khác với khối lượng lớn và có giá trị cao. Thực tế phát triển của các nước đang phát triển có trình độ phát triển trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… đã chứng minh điều đó.

Đối với tài trợ ODA, không ít chuyên gia Việt Nam nghiên cứu Hàn Quốc phàn nàn về khối lượng ODA mà Hàn Quốc dành cho Việt Nam là không lớn so với một số nước khác. Đây là một thực tế bởi quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hàn Quốc gia tăng liên tục cả quy mô và giá trị song với ODA thì không như vậy. Trên thực tế, Hàn Quốc chưa phải là quốc gia có tỷ lệ ODA trong GDP lớn như Nhật Bản hay một số quốc gia khác, cho nên kỳ vọng theo kiểu so sánh đó có lẽ cần tranh luận thêm. Điều này, nhiều học giả Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam cũng đồng quan điểm. Số liệu thống kê trên cho thấy Việt Nam là nước được triển khai đặc biệt về cung cấp ODA (không hoàn lại và cho vay) từ Hàn Quốc. Chính vì tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ với Hàn Quốc - theo nhận thức của phía Hàn Quốc – là cơ sở quan trọng để họ ưu tiên và gia tăng cung cấp ODA cho Việt Nam. Không thấy phía Hàn Quốc phàn nàn về hiệu quả sử dụng ODA song những kinh nghiệm với Nhật Bản trong vấn đề này cho chúng ta một cảnh báo rằng sự minh bạch, phòng chống tham nhũng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA là những thiện chí cho đối tác làm căn cứ để tiếp tục cung cấp nguồn vốn này cho chúng ta.

Về hợp tác và phát triển nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy Hàn Quốc là một trong ba đối tác Đông Bắc Á mà chúng ta gửi nhiều lao động sang để học nghề mà thường gọi là tu nghiệp sinh. Điều lưu ý là dùng thuật ngữ này người chủ chỉ trả một phần tiền công mà không bị lên án là bóc lột sức lao động vì tiền công quá thấp so với công nhân bình thường. Trong khi đó, những người làm thuê lại yên tâm với những gì mình được hưởng. Như đã nói ở trên, số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cũng liên tục tăng. Điều này phản ánh đúng cường độ gia tăng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia trong những năm gần đây. Vấn đề đặt ra là khi chúng ta gửi tu nghiệp sinh đến Hàn Quốc, họ phải được trang bị một vốn kiến thức tối thiểu về văn hoá Hàn Quốc và có một trình độ tiếng Hàn nhất định. Phía Việt Nam đã làm, song trên thực tế, tu nghiệp sinh của chúng ta biết tiếng Hàn vào loại kém nhất so với tu nghiệp sinh các nước khác. Tại sao lại như vậy, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cần vào cuộc để tìm ra giải pháp bởi nếu chúng ta “khoán” cho các tổ chức đưa tu nghiệp sinh thì yếu tố “lợi ích” cục bộ sẽ làm sai lệch mục tiêu trang bị kiến thức và ngoại ngữ từ ban đầu.

Có thể kết luận rằng, những thành tựu trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay là thực sự to lớn và rất ngoạn mục. Tuy nhiên, tiềm năng còn rất lớn, việc gia tăng hợp tác kinh tế cả bề rộng, bề sâu sẽ có lợi cho cả hai cần phải được đẩy mạnh. Sau đây sẽ đề cập tới tiềm năng hợp tác và định hướng phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.

2. Tiềm năng hợp tác và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc

2.1. Tiềm năng hợp tác

Trước hết đề cập tới tiềm năng hợp tác từ phía Việt Nam. Theo cách tiếp cận của học giả Hàn Quốc, Việt Nam có 3 lợi thế lớn trong hợp tấc kinh tế quốc tế.

Thứ nhất là lợi thế về kinh tế. Với khoảng 87 triệu dân trong đó 60% là những người có độ tuổi dưới 30. Điều này cho thấy có hai khía cạnh mà giới kinh doanh có thể khai thác. Đó là khả năng cung ứng lao động rất lớn và quy mô thị trường rộng mở. Nếu so sánh trong khu vực thì Việt Nam là quốc gia có dân số xếp thứ 3 trong số các nước Asean. Cung lao động được thể hiện cả về số lượng và chất lượng. Việt Nam có khả năng cung ứng cả lao động phổ thông và lao động có kỹ năng cao. Cho dù hệ thống giáo dục còn nhiều vấn đề phải bàn song một đội ngũ khá đông đảo các lao động kỹ năng được đào tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có khả năng đáp ứng được nhu cầu lao động có kỹ năng của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây là điều được các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây lại diễn ra xu hướng chuyển dịch đầu tư của Hàn Quốc từ chế biến sang khai khoáng tại Việt Nam. Một số học giả Hàn Quốc tại Học viện KDI và Đại học Korean University cho rằng, Hàn Quốc nên gia tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Việt Nam, vì vừa có thể tiết kiệm chi phí vận tải vừa hỗ trợ Việt Nam giảm nhập siêu từ Hàn Quốc. Với trữ lượng 4,7 tỷ thùng, Việt Nam được xếp vào vị trí thứ 4 Châu Á về trữ lượng dầu mỏ, gây chú ý tới phía Hàn Quốc thực sự.

Thứ hai là lợi thế về chính trị. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự ổn định chính trị cao. Đây được coi là cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục đổi mới kinh tế. Quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc tiếp tục cải cách hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế được bạn bè quốc tế đánh giá cao, trong đó có các bạn Hàn Quốc. Có thể nói đó cũng là cơ sở để Việt Nam tiếp tục chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Không thể có hoạt động kinh doanh, buôn bán bình thường tại một quốc gia có bất ổn chính trị, bạo loạn, đảo chính… Đây là một thực tế hiển nhiên. Thái Lan là một thí dụ điển hình. Phe áo đỏ và phe áo vàng biểu tình ủng hộ các phe phái đảo chính khác nhau trong mấy năm vừa qua đã làm bất an các nhà đầu tư quốc tế tại đây và làm cho nước này bị mất nhiều tỷ đôla do… trì trệ và kinh tế suy giảm. Và quan trọng hơn, tình hình này làm cho uy tín của Thái Lan đối với các nhà đầu tư quốc tế giảm sút.

Và thứ ba là lợi thế về quan hệ quốc tế. Đây cũng là một yếu tố được phía Hàn Quốc đánh giá cao. Việc khai thác và thiết lập cơ chế quan hệ với các đối tác lớn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng vị thế trong các quan hệ quốc tế. Ký hiệp định mậu dịch song phương với Mỹ (BTA-2001), thành viên WTO (2006) và là thành viên tích cực của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế (Asean, APEC, UN và Diễn đàn hợp tác Đông Á – EAC…) là những minh chứng rõ ràng.

Và sau đây là tiềm năng hợp tác kinh tế của Hàn Quốc. Điều này được nhận diện qua ba khía cạnh.

Một là, Hàn Quốc được thừa nhận là một quốc gia có kinh nghiệm phát triển độc đáo. Như chúng ta biết, từ một đất vào loại nghèo nhất thế giới với GDP/ người năm 1960 là 90 đôla, đến 2008 đạt tới 19.505 đôla, Hàn Quốc đã trở thành nước có trình độ phát triển cao trên thế giới. Với chính sách công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu và tập trung phát triển các ngành công nghiệp nặng, chỉ sau 5 thập kỷ, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới. Có một đặc điểm mà người Hàn Quốc tự hào là từ một thuộc địa, trải qua chiến tranh và nghèo nàn những với quyết tâm chính trị cao của giới lãnh đạo và sự cần cù của nhân dân, Hàn Quốc đã hoá kiếp. Họ cho rằng đây là điểm tương tự như Việt Nam. Bởi vậy họ tin là Hàn Quốc và Việt Nam chia sẻ được nhiều giá trị và hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc sẽ tăng tốc.

Hai là các doanh nghiệp toàn cầu và quy mô thị trường rộng lớn. Theo thống kê của Tạp chí Fortune, có 13 công ty của Hàn Quốc có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới. Có tới 127 loại sản phẩm được xếp loại tốt nhất thế giới. Nhờ đó, thương hiệu Hàn Quốc – Made in Korea – thương hiệu quốc gia của nước này được thừa nhận rộng rãi. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 4 ở Châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Hàn Quốc đang tiếp tục chính sách mở cửa thị trường và tái cơ cấu kinh tế. Cho đến năm 2009, Hàn Quốc đã ký FTA với 44 quốc gia, nhờ đó hàng hoá của Hàn Quốc và của các đối tác có cơ hội thâm nhập thị trường của nhau mà không bị ngăn cản bởi hàng rào thuế quan. Người tiêu dùng Hàn Quốc không quá khắt khe khi chọn mua sản phẩm cho dù nhu cầu tiêu dùng hàng hoá chất lượng cao vẫn tiếp tục gia tăng.

Ba là ý chí hợp tác mạnh mẽ của giới lãnh đạo Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, bất kỳ người của đảng phái nào đứng đầu chính phủ, ý chí mở rộng hợp tác quốc tế luôn được họ quan tâm. Đây là điều kiện cần thiết mở đường cho tiến trình hợp tác sau đó. Các nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc thành công phát triển kinh tế một phần rất lớn là nhờ quyết tâm chính trị cao của giới lãnh đạo trong việc khai thác và mở rộng các quan hệ quốc tế. Suốt hơn 5 thập kỷ tồn tại, chưa có một chính thể cộng hoà nào ở nước này bị cô lập hoặc không thực thi chính sách hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh gia tăng hợp tác liên kết Đông Á hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện một chính sách liên kết tích cực và qua đó họ muốn nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc. Việc ký hiệp định FTA Hàn Quốc – Asean là một minh chứng. Trên một góc độ nào đó, có thể nói việc Hàn Quốc trở thành một người chơi chính trong liên kết khu vực và toàn cầu không chỉ giúp họ mong muốn quảng bá thương hiệu quốc gia mà còn là một phương thức cạnh tranh với các quốc gia lớn. Điều này là có căn cứ bởi không lẽ gì mà một nền kinh tế chiếm vị trí thứ 10 trên thế giới lại không hành động gì để chiếm lĩnh vị trí cao hơn.

Theo một số học giả Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, sự hội tụ của những tiềm năng của cả Việt Nam và Hàn Quốc như đã nêu trên là cơ sở để cả hai nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

2.2. Định hướng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc

Theo một số chuyên gia Bộ Tài chính và Chiến lược, định hướng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc cần triển khai theo 4 lĩnh vực trọng tâm.

Thứ nhất là coi trọng phát triển thương mại song phương. Như đã phân tích ở trên hợp tác thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu vượt bậc và vẫn còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên, trong tương lai cả hai nước cần nỗ lực theo hướng: (1) Xây dựng FTA Việt Nam – Hàn Quốc, trước mắt lấy FTA Hàn Quốc – Asean làm đòn bẩy; (2) Hàn Quốc công nhận đầy đủ “địa vị kinh tế thị trường của Việt Nam” và (3) loại bỏ các rào cản (quan thuế và phi quan thuế) thương mại còn tồn tại. Phía Hàn Quốc cần đơn giản hoá thủ tục nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam (nhất là hoa quả nhiệt đới) giống như họ đã làm đối với hàng tôm xuất khẩu từ Việt Nam. Phía Việt Nam, nghiên cứu cắt giảm thuế quan cao đối với ô tô nhập khẩu.

Thứ hai, có những giải pháp hợp lý nhằm thúc đẩy gia tăng đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam. Cải thiện môi trường đầu tư luôn là yêu cầu đặt ra cho cả chủ lẫn khách. Kể từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài đến nay, Việt Nam luôn tìm cách hoàn thiện các công cụ luật pháp trong lĩnh vực này theo hướng đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc. Định hướng khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, dịch vụ, IT và tăng trưởng xanh…

Thứ ba là thiết lập cơ sở cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía. Việt Nam tiếp tục cải cách, cải tổ cơ cấu kinh tế sau khủng hoảng, cải thiện hệ thống hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, tiền tệ và cải cách hệ thống giáo dục đào tạo. Hàn Quốc tiếp tục gia tăng ODA cho Việt Nam dưới các hình thức nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, đào tạo, môi trường và y tế.

Và thứ tư là đặt hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Hàn Quốc trong hợp tác vùng và toàn cầu. Ở đó tập trung vào các chương trình phòng và chống lũ ở Đông Nam Á, trao đổi  thông tin về biến đổi khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống kinh tế toàn cầu các thông qua định chế như WTO và vòng đàm phán Đoha…

Tất nhiên những định hướng và giải pháp này chỉ có thể được thực hiện nếu cả Việt Nam và Hàn Quốc có những giải pháp thích hợp ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

 

PGS.TS. NGÔ XUÂN BÌNH - ThS ĐẶNG KHÁNH TOÀN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Vietnmam – Korea Relationship, Special Information, Department of Information and Documentaion, Institute for Commercial Studies, Ministry of Plan and Investment, 10/2002.

2. Korea Focus, No 1-5, 2009, No.1-3, 2010

3. Asia Research Network, December, 2008.

4. http://www.molab.go.kr/

5. http://www.kotra.or.kr/ktc/TC010S.jsp?trade_cd=9132/

6. http://www.moj.go.kr/immi/index.php/

7. http://www.mofat.go.kr/vietnam/

8. http://kosis.nso.go.kr/

9. http://www.kf.or.kr/korean/index.html/

10. http://www.koica.go.kr/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0thảo luận