Trang chủ

TRUNG QUỐC NĂM 2020

Đăng ngày: 12-08-2014, 16:38 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 5

Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc những năm gần đây, đặc biệt sau khi nước này nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính –kinh tế thế giới năm 2008-2009 đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước. Rất nhiều vấn đề về triển vọng phát triển của nước này được nêu lên. Mối quan tâm nổi bật hơn cả là đến năm 2020, diện mạo và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ như thế nào.

Dựa vào những cứ liệu khoa học, các nhà dự báo nhiều nước đã xây dựng nên một số kịch bản phát triển của Trung Quốc đến năm 2020. Từ những kịch bản này, các nhà khoa học và các nhà làm chính sách  sẽ đưa ra nhận định về tình huống nào sẽ có khả năng xảy ra nhất. Mặc dù, việc xây dựng kịch bản chỉ khả thi về lý thuyết, chúng ta vẫn có được những cơ sở nhất định để hiểu rõ Trung Quốc ở mức độ nào đấy vào năm 2020, từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp trong quan hệ đối với nước này.

Dưới đây là 4 bức tranh phát triển Trung Quốc đến năm 2020, trong đó bức thứ nhất do chính người Trung Quốc tự họa, bức thứ hai do các nhà khoa học Nga - nước láng giềng phương Bắc lớn của Trung Quốc hoàn thiện, bức thứ ba do các nhà chính trị và khoa học các nước phương Tây phối màu, còn lại là bức tranh tương phản với ba bức kể trên, mang tính trái chiều, dự báo không tích cực về Trung Quốc.

I. Trung Quốc năm 2020 theo dự báo của Trung Quốc

Nền tảng để vẽ nên bức tranh Trung Quốc năm 2020 chính là những định hướng căn bản cho phát triển Trung Quốc được nêu lên trong báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trình bày tại Đại hội XVII của Đảng năm 2008. Những hướng dẫn cụ thể tại một số hội nghị Trung ương sau đó cũng là màu nền cho bức tranh trên.

Dựa trên tinh thần “quan điểm phát triển khoa học” và 5 điểm mới lần đầu tiên được đề cập của Đại hội XVII gồm: văn minh sinh thái, GDP bình quân đầu người, tài sản có thu, phân phối công bằng, Đảng và tiêu cực quyết không dung hòa, các nhà khoa học Trung Quốc đã vẽ nên bức tranh sống động về phát triển Trung Quốc năm 2020 với những màu sắc tươi tắn thể hiện tính tích cực  của tình hình.

- Về mặt kinh tế: Trung Quốc sẽ thực hiện giai đoạn phát triển thứ 2 từ 2011 đến 2020, trải qua 2 “Kế hoạch 5 năm”, xây dựng cơ bản hệ thống kinh tế xã hội mang tính đặc trưng của chu kỳ kinh tế; xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý và hệ thông pháp luật pháp quy; cơ bản thực hiện cơ sở công nghiệp hóa, nhanh chóng thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế đi vào thực chất, GDP bình quân đầu người bước vào ngưỡng quốc gia thu nhập khá, trình độ đô thị hóa được nâng cao rõ rệt, tình trạng khá giả trình độ thấp, không toàn diện và phát triển không cân bằng có thay đổi rõ nét, thay đổi cơ cấu kinh tế nhị nguyên giành được bước tiến triển lớn, quốc lực tổng hợp bước lên tầm cao mới.

Triển vọng của kinh tế Trung Quốc đến măm 2020 gồm: 1)Tiềm lực tăng trưởng trung dài hạn vẫn rất lớn. Trong 5 - 15 năm tới, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hoàn toàn có thể duy trì mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7% - 8%; 2) Quan hệ giữa đầu tư và tiêu dùng từng bước điều chỉnh hợp lý, quần chúng nhân dân ngày càng được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế; 3) Cơ bản thực hiện chia giai đoạn công nghiệp hóa, trình độ đô thị hóa được nâng cao rõ rệt. Đến năm 2020, cơ bản thực hiện tiêu chuẩn công nghiệp hóa: tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn khoảng 40%, tỷ lệ cơ cấu ngành nghề tiếp cận mức bình quân của quốc gia phát triển khá hiện nay, trình độ cơ giới hóa nông nghiệp được nâng cao rõ rệt, ngành thông tin trở thành một trong những ngành trụ cột của quốc gia. Trong 15 năm tới, trình độ đô thị hóa có khả năng đạt 46% vào năm 2010 và đạt 55% vào năm 2020; 4) Thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế giành được bước tiến triển quan trọng; 5) Tài nguyên sức lao động ngày càng phát triển. Trong những năm tới tiếp tục duy trì tỷ lệ sinh đẻ thấp và khống chế quy mô dân số, đồng thời nâng cao tố chất dân số và tập trung phát triển tài nguyên sức lao động. Đến năm 2020, cơ bản phổ cập giáo dục phổ thông trung học, cư dân thành thị và nông thôn đều được hưởng phục vụ y tế tương đối cao và bình đẳng; 6) Trình độ xã hội hài hòa tương đối cao. Phân phối tài nguyên công cộng được cải thiện rõ rệt.

Những điểm sáng đáng chú ý là:

1) Về kinh tế: Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một thực thể kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 22% GDP thế giới - của Mỹ lúc đó chỉ là 20%(1), đạt GDP bình quân đầu người cao gấp 4 lần năm 2000 (GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2006 là 2.042 USD), dự kiến đạt trên 10.000 đôla Mĩ, tương đương với Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 20(2).

Vào năm 2020, 55% dân số Trung Quốc sẽ là tầng lớp trung lưu, trong đó có 78% người ở thành phố và 30% những người ở các vùng nông thôn. Tầng lớp trung lưu hiện nay đang có thu nhập hàng năm từ 60.000 nhân dân tệ (tương đương 8.700 đôla Mỹ ) đến 200.000 nhân dân tệ (tương đương 29.215 đôla Mỹ). Đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 98.956 nhân dân tệ (tương đương 14.900 đôla Mỹ)/ năm(3).

Năm 2020, số người dùng Internet tại Trung Quốc sẽ đạt gần 500 triệu người, so với 180 triệu người  năm 2008.

2) Về quân sự. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc  năm 2006, chỉ rõ những cương lĩnh quân sự trong tiến trình trở thành một siêu cường quốc quân sự với ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn thứ nhất (đến năm 2010): Hiện đại hóa lực lượng quân sự có khả năng đánh thắng một lực lượng quân sự bậc trung như Đài Loan, Ấn Độ hoặc một quốc gia nào đó trong khu vực; giai đoạn hai (đến năm 2020): Đuổi kịp quân đội các cường quốc hạng hai như Nga, Châu Âu và Nhật Bản; giai đoạn ba (đến năm 2050): Trở thành một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ.

Thực lực quân sự Trung Quốc năm 2020 tập trung vào:

- Hiện thực hóa dự án đóng tàu sân bay của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2009-2012 và hoàn thành vào khoảng 2013-2015

- Về tàu ngầm: Đến năm 2015 sẽ nâng lên 71 chiếc và đến năm 2020 hải quân nước này sẽ có khoảng 78 chiếc.

- Đến năm 2020, Trung quốc sẽ có khoảng 26 chiếc tàu khu trục; 47 khinh hạm; nâng tổng số tàu mang tên lửa điều khiển từ 84 chiếc hiện nay lên 94 chiếc, theo đó Trung quốc sẽ có khoảng 60 tàu loại 022, 30 tàu loại 037-IG và 04 tàu loại 037-II; tàu tuần tiễu: sẽ cắt giảm từ 231 chiếc hiện nay xuống còn 204 chiếc vào năm 2020; tàu tác chiến thủy lôi cũng cắt giảm từ 92 xuống còn 90 chiếc; tàu tác chiến đổ bộ nâng từ 39 chiếc hiện nay lên 50 chiếc; xuồng đổ bộ duy trì 305 chiếc; tàu tác chiến điện tử và do thám sẽ cắt giảm từ 45 xuống còn 43; tàu hậu cần cắt giảm từ 142 xuống 135; tàu phụ trợ khác cũng cắt giảm từ 32 xuống 30(4).

- Trung Quốc đang nỗ lực nghiên cứu triển khai máy bay loại mới, có thể đến năm 2018 hoặc 2020 sẽ lắp ráp máy bay chiến đấu đời thứ 5(5).

- Về vũ trụ: từ 2010 đến 2015 Trung Quốc sẽ đưa đưa một số phòng thí nghiệm, năm 2018, đưa người trở lại mặt trăng, đến năm 2020, đưa lên vũ trụ một module cơ bản(6).

3) Về môi trường: Đến năm 2020, Trung Quốc cơ bản khắc phục tình trạng làm ô nhiễm môi trường. Than sạch, năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều hơn. Trung Quốc nghiên cứu-phát triển công nghệ không carbon hoặc carbon thấp trong công nghiệp, xây dựng, gioa thông vận tải. Năm 2020, năng lượng phi hóa thạch Trung Quốc chiếm 15% năng lượng sử dụng, diện tích rừng so với năm 2005 tăng 40 triệu ha. Đến năm 2050, Trung Quốc cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính so với năm 2005(7).

II. Trung Quốc năm 2020, dự báo của các nhà khoa học Nga

Gần giống với bức tranh 2020 của chính người Trung Quốc, kịch bản phát triển của Trung Quốc đến năm 2020 được các nhà khoa học Nga hình dung cũng nghiêng về khía cạnh tích cực.

Đó là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc diễn ra liên tục, ổn định và ngày càng cao trong khi vẫn duy trì những khuynh hướng hội tụ cơ bản hiện nay trong phát triển nội tại của đất nước, ưu tiên những cấu phần phát triển cho dù không nhanh lắm nhưng cân đối hơn, hài hoà hơn mang khuynh hướng xã hội hơn.

Các nhà khoa học Nga đã áp dụng phương pháp dự báo dựa vào 9 chỉ báo quan trọng phát triển sức mạnh tổng hợp của một quốc gia và lượng hóa chúng thành những con số cụ thể. Dưới đây là tổng hợp của  những dự báo 9 chỉ báo biểu thị sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc năm 2020:

1. Quản lý: Quản lý chất lượng cao, đủ khả năng đảm bảo cho nhà nước phát triển ổn định, tiên tiến kết hợp hài hoà các yếu tố phát triển đất nước. Phụ thuộc một cách tối thiểu vào tác động bên ngoài.

2. Lãnh thổ: Nước quản lý một lãnh thổ chiếm một nửa hay hơn một nửa châu lục

3. Tài nguyên thiên nhiên: Nước đảm bảo được sự phát triển kinh tế quốc dân dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình từ 50-80%. (cường quốc)

4. Cư dân: Hơn 5% cư dân là những người nổi tiếng thế giới

5. Kinh tế: Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế thế giới.

6. Văn hoá và tôn giáo: Đạt mức độ là đất nước có một nền văn minh độc đáo, nền văn hoá của đất nước xác định khuynh hướng phát triển chung, thành tựu văn hoá đạt được được trên toàn thế giới công nhận, là trung tâm của một trong các tôn giáo thế giới.

7. Khoa học và giáo dục: Là nước đi đầu trong những nghiên cứu khoa học tiên tiến, nền văn hoá đất nước xác định khuynh hướng phát triển văn hoá toàn thế giới.

8. Quân sự: Quân đội Trung Quốc trở nên rất mạnh, có tác động quyết định tới việc hình thành cân bằng lực lượng thế giới.

9. Chính sách đối ngoại: Trung Quốc trở thành nước đóng vai trò then chốt trong phát triển một số vùng và đóng vai trò thống trị đối với một phần lớn lãnh thổ thế giới. Trong lịch sử có thể một số nước cạnh tranh vai trò này  như: Đế quốc La Mã,, Đế chế của Alechsandr Makedonskji, Nước Pháp thời kỳ 1807-1812, Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến khi sụp đổ và nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay

Mỗi một chỉ báo được đánh giá theo số điểm từ 1 đến 10. Bình quân số điểm của 9 chỉ báo là số điểm thể hiện sức mạnh tổng hợp quốc gia của một nước. Cho đến năm 2020, chỉ số sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc là 7,8, so với 4,3 năm 1949 (chỉ số của quốc gia khu vực) và 6,6 (chỉ số của một cường quốc)(8) .

Từ tổng hợp trên cho thấy, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một trong hai siêu cường thế giới, (cùng với nước Mỹ, nước Nga khi đó chỉ là một cường quốc). Theo tiêu chí của một siêu cường thì điểm đánh giá một nước là siêu cường phải là từ 8 đến 10 điểm. 8 điểm là siêu cường mức thấp, 9 điểm là siêu cường mức trung bình, 10 điểm là siêu cường mức cao. Tuy nhiên, dự báo trên về sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đến 2020 đã được đưa ra năm cách nay đã 4 năm, khi đó là 7,8 điểm đã sát với siêu cường mức thấp. Trên thực tế, tốc độ phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc những năm gần đây cho thấy, Trung Quốc đủ khả năng đuổi vượt những chỉ báo dự báo phát triển trên. Mặc dù, so với Mỹ vào thời điểm năm 2020, Trung Quốc chưa thể đạt mức độ ngang bằng, nhưng sự chênh lệch sẽ không còn là quá lớn.

III. Trung Quốc năm 2020, nhìn nhận tích cực từ các học giả phương Tây

Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ luôn chú ý tới tốc độ phát triển “kỳ diệu” của Trung Quốc. Các nhà khoa học, các chính khách thuộc các nước này cũng có những dự báo của mình về Trung Quốc đến năm 2020. Đặc biệt, khoa học dự báo của Mỹ có uy tín cao trên thế giới.

Để dự báo phát triển  kinh tế Trung Quốc đến năm 2020, các nhà khoa học Mỹ cho rằng, Trung Quốc có 5 lợi thế cơ bản để có thể có được kết quả phát triển kinh tế khả quan đến năm 2020. Đó là:

1. Trung Quốc còn nhiều lợi thế so sánh trong phát triển, tạo khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong thời gian tới: Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đứng thứ 3 thế giới; Nguồn tài nguyên con người dồi dào, mỗi năm Trung Quốc có 21 triệu người bước vào độ tuổi lao động, năm 2020 là 833-866 triệu người; Nguồn lao động phong phú và giá đất đai thấp là nhân tố quan trọng để hạ giá thành sản phẩm; Tiềm lực thị trường to lớn…

2. Khả năng huy động vốn cao. Vốn là một đảm bảo cực kỳ quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội, hiện đại hóa đất nước. Nhiều năm qua Trung Quốc luôn giữ mức tích lũy nội bộ cao, xấp xỉ 40%. Dự báo đến 2010 sẽ có quy mô xuất khẩu đạt khoảng 400 tỷ USD sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Trung Quốc qua khoản xuất siêu thường xuyên. Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã xấp xỉ 2400 nghìn  tỷ USD(9).

3. Hội nhập nhanh vào khu vực và thế giới. Chính sách mở cửa của Trung Quốc là một bộ phận quan trọng của cải cách kinh tế của nước này và là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự tăng trưởng. Dự tính đến 2020, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chiếm 10% xuất khẩu thế giới, vượt Nhật Bản, chỉ dưới Mỹ và EU.

4. Nền kinh tế tương lai của Trung Quốc được đặt trên một nền tảng đảm bảo, là những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đã giành được trong hơn 30  năm cải cách mở cửa. Những thành tựu đó là tổng hợp kết quả của 3 nhân tố nêu phía trên. Nhờ có nguồn lực phong phú, có chủ trương tích lũy và tiết kiệm cao, có sự hòa nhập với thị trường thế giới, mà Trung Quốc đã thu được những thành tựu phi thường: có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới kéo dài liên tục 3 thập kỷ, nâng thu nhập quốc dân tính theo đầu người lên gấp hơn 4 lần cũng trong thời gian trên, đồng thời hạ số người làm trong nông nghiệp  từ 71% xuống 50% lực lượng lao động cả nước.

5. Tầm nhìn và quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược hiện đại hóa đất nước là nhân tố quan trọng hơn cả. Từ lý luận Đặng Tiểu Bình đến Quan điểm phát triển khoa học hiện nay của Hồ Cẩm Đào là cả một quá trình hoàn thiện về mặt lý luận quan trọng và chúng đã biến thành sức mạnh thực tế trong việc thúc đẩy phát triển sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc.

Chiến lược phát triển trên của Trung Quốc sẽ phát huy mọi lợi thế so sánh hiện nay của Trung Quốc, tạo khả năng giúp Trung Quốc rút ngắn được thời gian trong quá trình vươn lên thành một cường quốc kinh tế - một cực “nặng ký” trong cục diện thế giới thế kỷ 21.

Từ những thành công của trên 20 năm cải cách và mở cửa, từ những tiềm năng chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng như chiến lược hiện đại hóa của nước này trong bối cảnh thế giới ngày nay, đã xuất hiện không ít những dự báo lạc quan về kinh tế Trung Quốc. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, nguyên Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, đã dự báo “Trung Quốc sẽ xuất hiện với tư thế một siêu cường non trẻ khi thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt mức Hàn Quốc cùng thời điểm, tổng sản phẩm quốc dân của nước này sẽ gấp 2 lần nước Mỹ…”(10).

Một dự báo khá khả quan về nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 được một tổ chức quốc tế uy tín là Trung tâm Tình báo kinh tế - EIU, thuộc Tập đoàn báo chí Anh The Economist đưa ra.  Dựa trên kết quả khảo sát 1.656 doanh nhân và chuyên gia tại hơn 100 quốc gia, EIU cho rằng, vào năm 2020, Nền kinh tế Trung Quốc tính theo tỉ giá sức mua tương đương sẽ vươn lên ngang hàng với Hoa Kỳ.

Theo EIU, vào năm 2020 Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ nhì trên thế giới và là khu vực công nghệ số một toàn cầu(11).

Hai tổ chức quốc tế có uy tín khác nhau  là Công ty Price Waterhouse Coopers (PWC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tuy có những dự báo khác nhau về 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2020 nhưng đều có chung dự báo về vị trí hàng đầu của Trung Quốc. Theo PWC, thứ tự của 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2020 là: Trung Quốc, sau đó là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Nga, Đức, Mexico, Pháp và Anh. John Hawksworth, trưởng nhóm các nhà kinh tế vĩ mô tại PWC dự báo “Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới về kinh tế vào năm 2020 và khả năng vượt xa Mỹ vào năm 2030”, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những nước chính đóng góp quan trọng vào GDP toàn cầu(12). Jim ONeill, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) hồi tháng 11/2009 dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2027, sớm hơn dự đoán ban đầu được thực hiện vào năm 2003, 14 năm (vào năm 2041)(13).

Dựa trên khảo sát 2.700 người và phép chiếu tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho rằng, đến năm 2020 tỷ trọng tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc sẽ chiếm 23,1% của toàn thế giới, trong khi tỷ trọng của Mỹ giảm xuống còn 22,9%. Cũng theo các chuyên gia của ngân hàng này, “nét chủ đạo của nền kinh tế kinh tế Trung Quốc  trong thập kỷ mới sẽ là tăng tiêu dùng cá nhân. Trung Quốc chắc chắn có thể bảo đảm nguồn nhu cầu cho thế giới ở mức độ mà sẽ tạo được điều kiện tái cân bằng toàn cầu về mậu dịch, tiêu thụ và tăng trưởng”. Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc tăng nhanh chóng sẽ bảo đảm tăng thu nhập cho dân chúng và giảm các tiêu chí tiết kiệm. chẳng hạn, thu nhập của các tầng  lớp giàu có nhất Trung quốc (10% trong tổng cơ cấu kinh tế-xã hội) trong 6 năm qua đã tăng tổng cộng 255%, trong khi đó các tiêu chí tiết kiệm giảm từ 26% năm 2004 xuống còn 12% năm 2009(14).

Rõ ràng, tiến bộ nhanh chóng và đầy tiềm năng của Trung Quốc đã đem lại những cơ sở cho những dự báo lạc quan về nền kinh tế của nước này đến năm 2020 từ những góc nhìn rất khác nhau của các nhà kinh tế và chính trị phương Tây.

IV. Trung Quốc năm 2020, tầm nhìn trái chiều từ các học giả, các chính trị gia Trung Quốc, Nga và phương Tây

Công cuộc cải cách và mở cửa ở Trung Quốc đã trải qua trên 30 năm. Những thành công được công nhận của công cuộc này là tiền đề cơ bản cho những kịch bản phát triển mang tính tích cực của nước này đến năm 2020 như chúng ta nhận thấy tại phần trên. Tuy nhiên những điểm yếu kém là hậu quả tất yếu của công cuộc này cũng mang trong mình sức mạnh tiềm ẩn là cơ sở để một số nhà khoa học và chính trị trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc đưa ra những dự báo mang tính trái chiều cho sự phát triển Trung Quốc đến năm 2020.

Một số học giả và chính trị gia Trung Quốc những năm gần đây đã có những ý kiến không đồng tình với những chủ trương, chính sách và các biện pháp cụ thể mà Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc thực hiện trong quá trình cải cách và mở cửa. Họ không hẳn đưa ra những dự báo tồi tệ cho phát triển kinh tế, chính trị và xã hội ở Trung Quốc đến năm 2020, nhưng những ý kiến và nhận định của họ về Trung Quốc trong tương lai gần vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI không mang tính lạc quan.

Những người thuộc phái Tân tả ở Trung Quốc gồm những đại diện nổi bật như nhà xã hội học Uông Huy và các nhà kinh tế Thôi Chi Nguyên, Vương Thiệu Quang, Hồ An Cương, và nhà sử học Tiễn Lí Quần. Nổi bật trong nhóm Tân Hữu gồm Trương Duy Nghênh và Chu Học Cần. Ngoài ra còn có những nhân vật không thuộc hai nhóm này những cũng có những quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống. Đó là Tần Cối - Giáo sư môn Sử Kinh tế ở Đại Học Thanh Hoa, có một vị thế đặc biệt trong sinh hoạt trí thức Trung Quốc.

Uông Huy ủng hộ cải cách kinh tế theo hướng thị trường, tuy nhiên, theo ông, phát triển của Trung Quốc phải bình đẳng hơn, cân đối hơn. Vương Thiệu Quang và Hồ An Cương  cho rằng sức mạnh quyền lực hiện nay ở Trung Quốc là thứ quyền lực chuyên chế (despotic) thay vì cai trị (governing).

Tần Cối đưa ra nhận định khá độc đáo.  Đó là, thể chế hiện nay của Trung Quốc đã giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng rẻ, và chính điều này làm lay chuyển cả những truyền thống xã hội dân chủ của phương Tây!

Những tư tưởng trên phản ánh một điều hoàn toàn trái ngược so với mong mỏi của nhiều người Trung Quốc. Dù sao, trước mắt Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải chỉ có con đường bằng phẳng, một mạch tiến tới xã hội khá giả vào năm 2020 như tư tưởng của Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời và không chú trọng đến những ý kiến mang tính phản biện xã hội này, Trung Quốc rất có thể đối mặt với những “vấp ngã” không cần thiết và những mục tiêu tốt đẹp dự định  cũng sẽ không trở thành hiện thực.

Cần lưu ý rằng, những ý kiến dự báo có tính trái chiều trên của các học giả Trung Quốc phần nào chịu ảnh hưởng của các học giả phương Tây, những người là thầy giáo và hướng dẫn khoa học cho các nhà khoa học Trung Quốc kể trên. Đó là: John Stuart Mill, Joseph Stiglitz, Amartya Sen và George Akerlof, Paul Romer, và những người khác hiện đã và đang giảng dạy tại Đại học Chicago, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Yale…

Trong giới khoa học xã hội Nga và dư luận Nga cũng có những kịch bản phát triển Trung Quốc đến năm 2020 không hẳn tích cực như đã đề cập ở phần trên. Đó là kịch bản Trung Quốc phát triển trì trệ, thậm chí là đổ vỡ do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, đặc biệt là những nguyên nhân nội bộ từ Trung Quốc: tham nhũng, vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa người lao động và tầng lớp thượng lưu, giữa các cùng khác nhau, sự thiếu hụt nguyên nhiên liệu, việc không sáng suốt của đội ngũ lãnh đạo tương lai, muốn giải quyết những mâu thuẫn nội tại bằng những biện pháp cực đoan, nhất là việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp quân sự…

Tại phương Tây, kịch bản mang tính trái chiều cho phát triển Trung Quốc đến năm 2020 rõ nét hơn so với các kịch bản trái chiều do các nhà khoa học Trung Quốc và Nga dự báo..

Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan chuyên đưa ra các phân tích dự báo về kinh tế toàn cầu, nhánh nghiên cứu của tạp chí The Economist (Nhà kinh tế) tiến hành khảo sát, phỏng vấn gần 2.000 chuyên gia kinh tế, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn tại hơn 100 quốc gia vào cuối năm 2005 đưa ra dự báo “Foresight 2020” (Dự báo năm 2020). Theo dự báo trên, mặc dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng 15 năm tới, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục là những nước nghèo. GDP trên đầu người của Trung Quốc năm 2020 mới chỉ bằng Ba Lan  năm 2005; Tăng trưởng chậm lại sau năm 2010 có thể do thay đổi về nhân khẩu học - Trung Quốc là nước già nua. Đồng thời, Trung Quốc phải trả giá cho sự thành công khi mà khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc và các nước đã được thu hẹp lại(16).

Stratfor Global Interlligentce (Tình báo toàn cầu Stratfor) đưa ra dự báo 10 năm của nền kinh tế Trung Quốc: "Decade Forcast 2010-2020". Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ có tỷ lệ tăng trưởng giảm đáng kể để hòa hợp tốc độ tăng trưởng với tỉ lệ hoàn vốn và để hệ thống tài chính của mình cân bằng. Để làm điều này, Trung Quốc sẽ phải đối phó với những hậu quả về căng thẳng xã hội và chính trị. Trong thực tế, Trung Quốc phải đối mặt với rắc rồi gồm 4 điểm:

Một là, mô hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay không bền vững. Đó là mô hình đặt việc làm trên tất cả các vấn đề khác, và chỉ có thể được duy trì trong một chừng mực mong manh. Sau này, lợi nhuận sản xuất sẽ chuyển sang âm như đã diễn ra tại Nhật Bản vào năm 1991 và Indonesia vào năm 1998.

Hai là, mô hình của Trung Quốc chỉ có thể tồn tại khi phương Tây tiếp tục tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc với khối lượng ngày càng tăng. Do điều kiện nhân khẩu học, Châu Âu tự nó sẽ chứng minh điều này là không thể trong thập kỷ tới.

Ba là, mô hình của Trung Quốc yêu cầu lao động rẻ cũng như vốn rẻ để sản xuất hàng hóa với giá rẻ. Bản chất của vấn đề đã vượt ra khỏi ngoài khả năng của tỉ lệ sinh ở Trung Quốc; năm 2020 tuổi trung bình của người dân Trung Quốc sẽ gần như là người Mỹ, nhưng sẽ họ sẽ không đạt được mức độ giáo dục để có thể tạo ra nhiều giá trị tương tự. Kết quả sẽ là một sự thiếu hụt lao động cả về định tính lẫn định lượng.

Bốn là, căng thẳng nội bộ sẽ phá vỡ hệ thống hiện nay. Hơn 1 tỷ người của Trung Quốc sống trong hộ gia đình có thu nhập dưới  2,000 USD/một năm (với 600 triệu dưới 1,000 USD/ một năm). Chính phủ biết điều này và đang cố gắng chuyển nguồn lực đến các vùng nội địa rộng lớn chiếm phần lớn dân Trung Quốc. Nhưng khu vực này quá đông dân và quá nghèo - và vì thế quá nhạy cảm trước những thay đổi nhỏ trong vận may của nền kinh tế Trung Quốc - đơn giản là Trung Quốc thiếu các nguồn lực để đối phó(17).

Trong cuốn “Trung quốc năm 2020: Thương mại phương Tây có thể và nên ảnh hưởng thế nào đến những thay đổi xã hội và chính trị trong thập niên tới” của mình, tác giả Michael A. Santoro đưa ra một trong hai kịch bản phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong thập niên đến năm 2020 là có thể  Trung Quốc  sẽ rơi vào lạc hậu về kinh tế và một chế độ độc đoán hơn bao giờ hết(18) và các doanh nghiệp phương Tây có thể và nên ảnh hưởng đến những thay đổi này trong xã hội và chính trị Trung Quốc.

Các tác giả của cuốn “Trung Quốc năm 2020” đưa ra những kịch bản khác nhau về sự thay đổi chính trị tại Trung Quốc đến năm 2020, trong đó có kịch bản “Nhà nước mạnh”. Theo kịch bản này, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vẫn là một đảng cầm quyền, sẽ sử dụng rộng rãi hơn công nghệ và kỹ thuật nhằm tăng cường sức mạnh của Đảng…, duy trì sự chính thống của mình và theo dõi chặt chẽ những phẫn nộ của công chúng(19).

The next decade will be one of the most important in the history of China, and, owing to China's global impact, the history of the modern world. China 2020 describes various tectonic social and political battles going on within China.Một vài nhận xét.

Không chỉ người Trung Quốc mà rất nhiều người tại nước ngoài luôn quan tâm tới triển vọng phát triển của Trung Quốc trong tương lai, ít nhất là cho đến năm 2020. Dựa trên những cơ sở phát triển Trung Quốc những năm gần đây và trên những cơ sở khoa học khác, các nhà khoa học cả ở Trung Quốc lẫn ở nước ngoài đã có những dự báo khác nhau về Trung Quốc cho đến năm 2020.

Từ 4 loại dự báo được đề cập ở trên, rõ ràng đa phần các nhà khoa học tại Trung Quốc, Nga và ở phương Tây đều nhất trí cho rằng, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ là một quốc gia mạnh về kinh tế, chính trị và xã hội. Rất có thể, Trung Quốc sẽ là một trong hai cực phát triển kinh tế mạnh trên thế giới, ít nhất là gần ngang bằng với Mỹ cùng thời điểm. Dự báo này được đánh giá là có khả năng diễn ra hơn cả, đáp ứng được mong mỏi của chính người dân Trung Quốc và của đa phần các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ  và Việt Nam...

Tuy nhiên, cũng có những dự báo trái chiều với những quan điểm mang tính tích cực nêu trên. Sự đi xuống của xã hội Trung Quốc nói chung, đặc biệt là về kinh tế, có thể diễn ra bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là những nguyên nhân do chính người Trung Quốc tạo ra mà hiện nay họ đang phải đối mặt, trầm trọng nhất trong số đó là nạn tham nhũng và những bất cập trong phân phối sản phẩm xã hội hiện hành...

Dự báo này không được hoan nghênh và ít có khả năng diễn ra so với 3 dự báo mang tính tích cực được đề cập trước đó. Tuy nhiên, xác xuất diễn ra của dự báo này vẫn không phải bằng không.

Trung Quốc đến năm 2020 sẽ như thế nào, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính người dân Trung Quốc. Hy vọng hơn cả là đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công xã hội khá giả và tiến hành một chính sách đối ngoại hòa bình, có những đóng góp nhất định vào trật tự thế giới mới, gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

 

ĐỖ MINH CAO

(TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kuzyk B.N., Titarenko M.L., Nga-Trung Quốc 2050: Chiến lược cùng phát triển, Viện chiến lược kinh tế, M., 2006, 656 tr.

2. Titarenko M.L., Ý nghĩa địa chính trị của vùng Viễn Đông: Nước Nga, Trung Quốc và các nước Châu Á, Viện Viễn Đông, M., 2008, 624 tr.

3. Đỗ Tiến Sâm, Titarenko M.L. (Đồng chủ biên), Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI, NXB. Từ điển Bách khoa, H., 2010,764 tr.

4. Trung Quốc: Tìm kiếm sự hài hòa, Viện Viễn Đông, M., 2009, 656 tr.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) Theo tính toán của Hồ An Cương - một nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc.

(3) Tài liệu đã dẫn

(7) http://www.tinkinhte.com/nd5/detail/trung%20quoc%

20cat%20giam%20khi%20thai%20nam%202020/trung-quoc-cat-giam-khi-thai-nam-2020/73072.102104.html

(8) Kuzyk B.N., Titarenko M.L. Nga-Trung Quốc 2050:Chiến lược cùng phát triển. Viện chiến lược kinh tế. M., 2006. 656 tr.

(9) http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/dddn.com. vn /Du-tru-ngoai-te-cua-Trung-Quoc-tang-24-nghin-ty-USD-nam-2009/3756420.epi

0thảo luận