Trang chủ

SỰ HIỆN THỰC HOÁ TƯ TƯỞNG MÁC XÍT VỀ VAI TRÒ KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC Ở TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 12-08-2014, 15:37 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 4

Chế độ cơ bản của một xã hội gồm chế độ kinh tế và chế độ chính trị. Trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị thì chế độ kinh tế giữ vai trò quan trọng nhất đối với sự vận động và phát triển của mọi xã hội. Trong chế độ kinh tế bao gồm hai nội dung chủ yếu nhất, đó là chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất và thể chế vận hành nền kinh tế của xã hội ấy mà thực chất là vai trò kinh tế của nhà nước.

Trong lịch sử tư tưởng về kinh tế khi bàn về vai trò kinh tế của nhà nước từ xưa đến nay cũng được đề cập rất khác nhau về nội dung, hình thức, cơ chế điều tiết... Và trong quá trình phát triển của mình, mỗi quốc gia, dân tộc có những quan niệm và cách thức áp dụng khác nhau. Nhìn một cách tổng quan, mỗi lý thuyết được vận dụng trong thực tế đều xuất phát từ những lý do khách quan và chủ quan và có những thành công nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều bất cập cần điều chỉnh, bổ sung thêm.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã đặt nền tảng lý luận cơ bản cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề vai trò kinh tế của nhà nước mà đặc biệt là vai trò kinh tế của nhà nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Dưới đây, bài viết trình bày những khía cạnh cơ bản trong việc hiện thực hoá các tư tưởng Mácxít về vai trò kinh tế của nhà nước ở Trung Quốc.

1. Những tư tưởng Mácxít cơ bản về vai trò kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Những tư tưởng về vai trò kinh tế của nhà nước được đề cập trong nhiều tác phẩm của các nhà kinh điển Mácxít. C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho việc xem xét và giải quyết vấn đề này trên quan điểm vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Với những luận chứng khoa học đã khẳng định rằng mỗi chế độ xã hội trong lịch sử đều có những hệ thống quan hệ kinh tế nhất định tương ứng với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất. Phù hợp với mối quan hệ kinh tế đó là một hệ thống quan hệ về chính trị, nhà nước pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật... Sự liên hệ và tác động qua lại lẫn nhau giữa những quan hệ kinh tế của xã hội và các quan hệ chính trị được phản ảnh thông qua mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Và sự tác động trở lại quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, biểu hiện rõ nhất là vai trò kinh tế của nhà nước.

Những luận điểm về vai trò kinh tế của nhà nước của Mác và Ăngghen được Lênin kế thừa và tiếp tục phát triển thời kỳ sau Cách mạng tháng Mười Nga vào những năm đầu của chính quyền Xôviết trong các tác phẩm như: "Bàn về thuế"; "Bàn về chế độ hợp tác xã"; "Kinh tế chính trị trong thời kỳ đại  chuyên chính vô sản"... Trong đó, có thể khái quát rút ra những luận điểm cơ bản về vai trò kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa như sau:

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, coi đó là mối quan hệ cơ bản, quyết định nhất đối với sự vận động và phát triển của mọi xã hội.

- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

- Kết hợp kế hoạch hoá với quan hệ hàng hoá tiền tệ mà thực chất là kết hợp kế hoạch với thị trường.

- Thực hiện kiểm kê, kiểm soát trong toàn bộ nền kinh tế, đồng thời thường xuyên cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý v.v..

Những tư tưởng cơ bản trên đã được các nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vận dụng khác nhau, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của mình. Ở những mức độ nhất định trong thực tiễn, sự vận dụng có những thành công và chưa thành công. Dưới đây phân tích kỹ thêm sự vận dụng của Trung Quốc.

2. Mô hình nhà nước can thiệp vào kinh tế Trung Quốc trước cải cách

Thời kỳ từ 1949 khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời đến 1979 (30 năm), về cơ bản, Nhà nước Trung Quốc can thiệp vào kinh tế được thực hiện thông qua 4 giai đoạn phát triển kinh tế:

2.1. Thời kỳ 1949 – 1957: Đây là thời kỳ xây dựng những cơ sở kinh tế ban đầu theo hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế Trung Quốc. Để thực hiện, Nhà nước Trung Quốc tiến hành các biện pháp sau:

- Trong công nghiệp, Nhà nước tiến hành quốc hữu hoá tư liệu sản xuất chủ yếu; thủ tiêu quyền sở hữu những cơ sở kinh tế của tư bản nước ngoài, tư bản phản động. Hình thành những cơ sở kinh tế quốc doanh quan trọng.

- Trong nông nghiệp, Nhà nước tiến hành cải cách ruộng đất triệt để, thủ tiêu quan hệ sản xuất phong kiến ở nông thôn, bắt đầu xây dựng kinh tế hợp tác.

Sự can thiệp của Nhà nước vào kinh tế thời kỳ này đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng kèm theo đó bộc lộ nhiều khó khăn trong nền kinh tế. Để khắc phục những khó khăn, thời kỳ 1953 - 1957, Nhà nước Trung Quốc thực hiện chủ trương cải tạo và xây dựng kinh tế trên quy mô rộng hơn, cụ thể là: Cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế trên quy mô lớn từ thành thị đến nông thôn, cả trong lĩnh vực sản xuất và lưu thông phân phối. Đồng thời thực hiện một bước sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

2.2. Thời kỳ từ 1958 - 1965: "Thời kỳ đại nhảy vọt" mà thực chất là Nhà nước đề ra chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh nhằm đến số lượng công nghiệp tăng 6,5 lần; nông nghiệp tăng 2,5 lần (công nghiệp thép tăng 18 lần; điện tăng 13 lần; xi măng tăng 10 lần...). Trong nông nghiệp, phong trào xây dựng "Công xã nhân dân" ồ ạt. Nhà nước trưng thu tư liệu sản xuất của nông dân đưa vào Công xã, áp dụng hình thức phân phối bình quân... Có thể nói, tư tưởng nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn của Trung Quốc thời kỳ này đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị mất cân đối nghiêm trọng và bị phá hoại nặng nề; đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn. Tổn thất trong công nghiệp và nông nghiệp làm cho thương nghiệp quốc dân Trung Quốc bị giảm 3% một năm và giảm liên tục 5 năm liền.

Để khắc phục tình trạng đó, Nhà nước đã đề ra chính sách điều chỉnh kịp thời với quan điểm do ông Đặng Tiểu Bình nêu ra: "Hình thức quan hệ sản xuất nào có tác dụng giúp địa phương sản xuất phát triển thì làm theo mô hình đó; quần chúng muốn áp dụng hình thức quan hệ nào thì nên để họ làm theo hình thức đó". Nên ngay từ 1962, người Trung Quốc đã xem xét vấn đề khoán. Đó là tiền đề tư tưởng đổi mới Trung Quốc.

2.3. Thời kỳ 1965 – 1976: Thời kỳ "Đại cách mạng văn hoá vô sản"

Việc phát động cuộc "Đại cách mạng văn hoá vô sản" của Mao Trạch Đông 1966 đã gây ra những rối loạn cho xã hội Trung Quốc. Những chuyên gia kinh tế - kỹ thuật bị bắt bớ, đấu tố hàng loạt, gây ra ảnh hưởng lớn về kinh tế. Những tư tưởng tả khuynh trong thời "Đại nhảy vọt" trước lại được áp dụng với mức độ mạnh mẽ hơn. (Tăng cường xã hội hoá tư liệu sản xuất, sức lao động, cấm kinh tế phụ, đẩy nhanh thời kỳ từ nông nghiệp...) kết quả của tư tưởng sai lầm, chủ quan đã làm cho sản xuất Trung Quốc bị rối loạn, nền kinh tế bị rơi vào tình trạng vô chính phủ. Năng lực sản xuất bị giảm sút nghiêm trọng trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất - lưu thông. Từ đó, buộc Nhà nước Trung Quốc phải có những thay đổi.

2.4. Thời kỳ 1976 – 1978: "Bốn hiện đại hoá"

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, việc thực hiện đường lối 4 hiện đại hoá: công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, quốc phòng được nêu ra từ những năm 1964. Mục tiêu "Bốn hiện đại hoá" được nêu ra cụ thể nhằm đưa đất nước Trung Quốc với một số chỉ tiêu đuổi kịp và vượt các nước tư bản khác. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nhà nước Trung Quốc tăng nhanh quỹ tích luỹ, đẩy mạnh đầu tư cơ bản, tăng cường nhập khẩu thiết bị và vay vốn nước ngoài. Lại một sai lầm nữa khi nôn nóng, chủ quan thực hiện "Bốn hiện đại hoá" đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Những mất cân đối lớn trong nền kinh tế nghiêm trọng, đời sống khó khăn... Đó là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước Trung Quốc khi thực hiện cơ chế điều tiết kinh tế của nhà nước một cách nôn nóng, chủ quan, duy ý chí, xa rời quy luật khách quan. Tình trạng trên buộc Nhà nước Trung Quốc phải có chính sách điều chỉnh, đổi mới.

3. Mô hình thể chế kinh tế thị trường mang đặc sắc chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc từ khi cải cách (1978) đến nay

Đầu mối quan trọng nhất trong cải cách, mở cửa và hiện đại hoá đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá là Hội nghị Trung ương 3 khoá XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tháng 12-1978, nhìn nhận một cách tổng quát tiến trình và mục tiêu cải cách, đi theo đó là quá trình điều tiết kinh tế của Nhà nước Trung Quốc được thực hiện qua hai giai đoạn cơ bản sau đây:

3.1. Giai đoạn 1978 - 1993

Điều quan trọng trước tiên của giai đoạn này là Đảng và Nhà nước xác định được Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, giai đoạn này có thể kéo dài hàng trăm năm và Trung Quốc là một nước nông nghiệp, dân số đông, lao động thủ công là chính, kinh tế dựa vào nông nghiệp, tự nhiên, năng suất thấp là chủ yếu. Vì vậy phải xác định: Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Với các bước đi cụ thể, có thể khái quát các bước thay đổi cơ bản trong đường lối xây dựng kinh tế đất nước, thông qua đó xác định vai trò và cơ chế điều tiết kinh tế của nhà nước cụ thể như sau:

- Thời kỳ 1978 - 1979: Xây dựng nền kinh tế kế hoạch bước đầu theo "quy luật của giá trị trao đổi thị trường".

- Thời kỳ 1979 - 1984: Xây dựng nền kinh tế kế hoạch được hỗ trợ bằng điều tiết thị trường.

- Thời kỳ 1984 - 1987: Xây dựng nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch.

- Thời kỳ 1987 - 1989: Xây dựng nền kinh tế với Chính phủ điều tiết thị trường và thị trường điều tiết các doanh nghiệp.

- Thời kỳ 1989 - 1993: Xây dựng nền kinh tế có liên kết hữu cơ giữa kinh tế kế hoạch và điều tiết thị trường.

Có thể nói, từ 1978 - 1993 là thời kỳ cải cách cơ chế quản lý kinh tế diễn ra cơ bản nhất. Nhiều biện pháp thay đổi cơ chế quản lý của Nhà nước trong nông nghiệp và công nghiệp được thực hiện mang lại kết quả cao. Cụ thể: Trong nông nghiệp, Nhà nước thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, ngoài ra Nhà nước còn giành 15% đất chia cho nông dân làm kinh tế phụ gia đình, cho phép nông dân khai thác đất rừng, biển không quá 20 - 30% tổng diện tích. Trong công nghiệp, lần đầu tiên cho phép các xí nghiệp tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm lỗ, lãi. Để kinh doanh phải vay vốn ngân hàng và trích lợi nhuận hoặc nộp thuế cho Nhà nước. Bước đầu Nhà nước cho phép làm thí điểm, sau có kết quả tốt thì nhân rộng ra. Trong thương nghiệp, thương nghiệp quốc doanh có thể mua hoặc không mua hàng của các xí nghiệp quốc doanh. Hàng hoá do xí nghiệp quốc doanh sản xuất ra để thị trường điều tiết. Nhà nước cho phép quy định tạm thời về cạnh tranh xã hội chủ nghĩa, cho các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trong phạm vi luật pháp. Đồng thời, Nhà nước Trung ương không nắm độc quyền mà cho phép các tỉnh lập công ty ngoại thương để giao dịch với các nước tư bản. Cho phép xí nghiệp có quyền tuyển chọn và sa thải công nhân. Ngoài ra, đầu những năm 80 cho phép phát hành công trái, trái khoán tiền tệ, trái khoán xí nghiệp và cho phép phát hành trái khoán ở nước ngoài. Với đồng loạt những biện pháp, chính sách trên đã tạo ra động cơ khuyến khích và tăng cường phạm vi phân bổ nguồn lực theo hướng thị trường. Tuy nhiên, trong thời kỳ này khung thể chế điều hành về cơ bản vẫn còn theo kế hoạch tập trung, nên mặc dù có những đổi mới được ban hành nhưng vẫn chịu sự ràng buộc của hệ thống kế hoạch hoá, hoặc lợi dụng những kẽ hở của hệ thống ấy.

Tuy nhiên, nếu xét theo tiến trình thì Nhà nước Trung Quốc đã từng bước rút lui khỏi những can thiệp trực tiếp vào thị trường cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, chức năng điều tiết của thị trường đã từng bước được nâng lên. Đồng thời, để đẩy mạnh sự hoạt động của thị trường, Nhà nước đã từng bước ban hành các đạo luật hỗ trợ cho thị trường như: Bảo vệ quyền sở hữu, tăng cường năng lực để duy trì sự ổn định về tài chính, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo, đổi mới phân phối để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Biểu hiện rất rõ của thời kỳ này là đổi mới công tác kế hoạch hoá theo đó chức năng của kế hoạch là định hướng vĩ mô, thị trường có tác dụng cơ bản trong việc phân phối các nguồn lực. Kế hoạch đưa ra các mục tiêu điều tiết, nhiệm vụ và chính sách kinh tế đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực hiện kế hoạch, Nhà nước từng bước thu hẹp các mặt hàng sản xuất theo kế hoạch và do Nhà nước định giá, giảm kế hoạch pháp lệnh, xoá bỏ sự hạn chế kinh doanh của các doanh nghiệp, mở rộng quyền mua bán sản phẩm của các chủ thể thị trường...

Đối với các doanh nghiệp, trong giai đoạn này do các chủ thể thị trường và pháp lý còn chưa đồng bộ, thiếu sự nhất quán, Chính phủ lại có sự can thiệp càng sâu chứ không phải càng ít vào hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã trực tiếp điều hành doanh nghiệp thông qua chế độ sở hữu và sự kiểm soát. Về cải cách, doanh nghiệp nhà nước về cơ bản thời kỳ này qua các mốc quan trọng sau đây:

1978: Thực hiện chế độ quỹ, vốn đối với doanh nghiệp nhà nước.

1979: Bước đầu thực hiện một số quy định về quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

1981: Bước đầu thực hiện chế độ khoán lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước.

1983: Thí điểm chế độ đóng thuế thay nộp lợi nhuận.

1984: Thực hiện chế độ đóng thuế và thực hiện điều tiết lợi nhuận sau nộp thuế.

1986: Thực hiện trách nhiệm khoán doanh nghiệp dưới nhiều hình thức để người kinh doanh có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh.

1991: Thực hiện "biện pháp 20 điều tăng cường sức sống cho doanh nghiệp nhà nước vừa và lớn nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ chế doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước".

1992: Ban hành điều lệ tạm thời chuyển đổi cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, quy định doanh nghiệp nhà nước được hưởng 14 quyền kinh doanh.

1993: Xây dựng thể chế doanh nghiệp hiện đại hoá. Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chế độ pháp nhân, hoạt động như các công ty TNHH hay công ty cổ phần.

Mặc dù có sự đổi mới, hoàn thiện và bổ sung liên tục về cơ chế điều tiết kinh tế của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, tiến triển chậm. Chủ trương, biện pháp chưa thật sáng rõ, thi hành yếu kém và còn nhiều vướng mắc. Cách thức làm việc vẫn theo tư duy kế hoạch hoá tập trung vẫn còn tồn tại.

3.2. Giai đoạn 1993 đến nay: Thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc

Kể từ năm 1994, Trung Quốc bước vào giai đoạn cải cách thể chế lần thứ hai. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành quyết định về các vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tháng 11 năm 1993. Về cơ bản, quyết định này đã thừa nhận những hạn chế của giai đoạn cải cách trước và đặt ra mục tiêu thiết lập hệ thống thị trường hiện đại, mà suy cho cùng là: phối hợp các thể chế quốc tế được xem là "cách thực hành tốt nhất".

Vai trò kinh tế của nhà nước được thể hiện trong thời kỳ này là Chính phủ đã xây dựng các thể chế hỗ trợ thị trường, kể cả những thể chế pháp lý, coi đó là trọng tâm của cải cách. Đồng thời, Chính phủ bắt đầu rút lui bằng các biện pháp như tư nhân hoá, công ty hoá, chứng khoán khoá...

Đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước, từ những vấn đề đặt ra trong cải cách doanh nghiệp nhà nước thời kỳ trước, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể:

Năm 1996, chủ trương cải cách doanh nghiệp nhà nước là công tác trọng điểm của kế hoạch mà cụ thể thi hành chính sách tập trung vốn, thí điểm việc sáp nhập, phá sản đối với doanh nghiệp nhỏ, cho phép tuỳ tình hình cụ thể thực hiện hình thức cải tạo phù hợp.

Năm 1997, chủ trương làm tốt toàn bộ hệ thống kinh tế nhà nước, "nắm chắc cái lớn làm sống động cái nhỏ", thực hiện cải cách có tính chiến lược đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Năm 1999, thực hiện chủ trương đi sâu giải quyết những vấn đề quan trọng gồm:

- Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cụ thể: vai trò của kinh tế nhà nước không chỉ thực hiện thông qua doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà còn phát triển mạnh mẽ chế độ cổ phần.

- Kinh tế nhà nước trong các ngành quan trọng và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân (an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công cộng, các ngành sản xuất trụ cột và các doanh nghiệp nòng cốt trong các ngành công nghệ cao mới) chiếm vị trí chi phối, điều khiển, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển toàn bộ nền kinh tế. Phát huy tác dụng quan trọng trong việc thực hiện quản lý vĩ mô của Nhà nước.

- Kinh tế nhà nước cần duy trì số lượng cần thiết, cần phân bổ tối ưu và nâng cao chất lượng. Làm sống lại của doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ với phương châm: chuyển từ "nắm cái lớn, bỏ cái nhỏ" sang "nắm chắc cái lớn, làm sống động cái nhỏ", theo đó các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ phát triển theo hướng "chuyên trách, đặc biệt, mới" ngày càng xích gần hoặc phát triển theo hướng các doanh nghiệp lớn, xây dựng theo chế độ công ty hiện đại.

- Tìm tòi cách thức quản lý doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả. Từng bước xây dựng các thể chế quản lý theo nguyên tắc "sở hữu thuộc nhà nước, phân cấp quản lý, giao quyền kinh doanh, phân công giám sát".

- Tăng cường cải thiện quản lý doanh nghiệp, tìm tòi thể chế lãnh đạo doanh nghiệp và chế độ quản lý tổ chức, xây dựng hệ thống quyết sách, chấp hành và giám sát, hình thành cơ chế khuyến khích và ràng buộc có hiệu quả.

- Xây dựng đội  ngũ cán bộ quản lý thích ứng với đòi hỏi của cạnh tranh thị trường. Xoá bỏ việc xác định cấp bậc hành chính của doanh nghiệp và người quản lý kinh doanh. Thực hiện thu nhập của người quản lý kinh doanh gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và chế độ truy cứu trách nhiệm khi có những quyết định sai.

Ngoài ra, Nhà nước Trung Quốc còn đồng thời tiến hành một loạt cải cách về thể chế tài chính, về tiền tệ, thương mại, phân phối. Tất cả các lĩnh vực ấy với phương châm xoá bỏ tư tưởng nhà nước can thiệp quá sâu, chi tiết. Thay vào đó, Nhà nước điều khiển vĩ mô đảm bảo thị trường phát triển năng động, lành mạnh, nâng cao hiệu quả cá nhân, tập thể và toàn xã hội.

Tóm lại, giai đoạn sau của thời kỳ cải cách từ 1993 đến nay, những vấn đề tồn tại, phát sinh kém hiệu quả về vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước từng bước được khắc phục. Một mặt, vừa hoàn thiện, bổ sung những khiếm khuyết đang đặt ra. Mặt khác, quan trọng hơn những điều tiết, bổ sung được tiến hành theo quan điểm hội nhập với luật pháp quốc tế góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mang đặc sắc Trung Quốc.

4. Đánh giá những thành công và không thành công, rút ra bài học kinh nghiệm trong sự vận dụng tư tưởng Mácxít về vai trò kinh tế của Nhà nước

4.1. Thành công. Thực hiện cải cách, mở cửa chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường thì sự thay đổi chức năng của nhà nước là vấn đề mấu chốt quan trọng. Những thành công cơ bản về vai trò kinh tế của Nhà nước Trung Quốc thời kỳ đổi mới là:

Một là, thực hiện tách chính quyền khỏi xí nghiệp, doanh nghiệp mạnh dạn trao quyền cho cấp dưới nhằm phát huy đầy đủ tính chủ động, tích cực của nhà nước địa phương, doanh nghiệp cũng như cá nhân người lao động.

Hai là, Nhà nước thông qua điều khiển kinh tế vĩ mô đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả. Cụ thể là, chuyển biến chức năng của Chính phủ, tách rời chính quyền với doanh nghiệp, theo đó, Chính phủ điều tiết vĩ mô, quản lý xã hội và dịch vụ công công. Quyền quản lý sản xuất kinh doanh thực sự được giao cho các doanh nghiệp.

Ba là, là một nước xã hội chủ nghĩa, thì vấn đề có tính nguyên tắc là phải kiên trì chế độ công hữu. Đảm bảo tài sản công hữu phải chiếm ưu thế trong tổng tài sản xã hội, kinh tế quốc hữu khống chế mạch máu của nền kinh tế quốc dân; kinh tế quốc hữu phải đóng vai trò chủ đạo đối với phát triển kinh tế.

Bốn là, coi trọng kinh tế phi công hữu, coi đó là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, từ đó Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế  phi công hữu đem lại nhiều thành công.

Có thể kết luận sự phi tập trung hoá quan liêu và xoá bỏ sự can thiệp thái quá của các thể chế nhà nước, việc xây dựng đồng bộ các thể chế hỗ trợ thị trường và sự nổi lên của các thể chế xã hội đã hình thành một cấu trúc thể chế hỗ trợ mạnh cho kinh tế thị trường song vẫn đảm bảo những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong từng giai đoạn nhất định.

4.2. Một số vấn đề chưa thành công

- Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc thực hiện mạnh mẽ với nhiều biện pháp, chính sách nhưng vẫn tiến triển chậm chứng tỏ các chủ trương, chính sách, biện pháp chưa được sáng rõ thi hành yếu kém và còn nhiều vướng mắc.

- Cải cách thể chế và cơ chế điều tiết của Nhà nước còn chậm, còn ảnh hưởng nặng nề cơ chế kế hoạch hoá nên còn nhiều bất cập.

- Tác động  của Nhà nước vào kinh tế vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Các hệ thống dịch vụ chất lượng cao còn yếu kém, đặt biệt sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

- Tình trạng tham nhũng còn phổ biến. Phân hoá giàu nghèo, chênh lệch mức sống thành thị, nông thôn càng lớn là vấn đề nan giải. Thiếu việc làm, thất nghiệp, nghèo đói vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có biện pháp mạnh giải quyết kịp thời.

- Những biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đi kèm đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, năng lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng...

Tóm lại, hơn 60 năm từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời với bao thăng trầm, biến đổi có những lúc lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Những thị trường về vai trò kinh tế của nhà nước được vận dụng, biểu hiện rõ nhất trong hai thời kỳ từ 1949 - 1979 theo quan điểm kinh tế chỉ huy, tập trung quyền lực. Bước vào thời kỳ cải cách đổi mới, với những tìm tòi thử nghiệm và thực thi theo hướng phát triển kinh tế thị trường và hội nhập. Vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước đã có sự thay đổi theo hướng phi tập trung hoá quyền lực, điều tiết vĩ mô, định hướng, tạo điều kiện cho các chủ thể thị trường tự do, sáng tạo, năng động hoạt động sản xuất, kinh doanh theo khung khổ pháp luật đã đem lại những kết quả khả quan, đưa đất nước Trung Hoa trở thành cường quốc về kinh tế, được thế giới quan tâm, coi đó là nền kinh tế năng động nhất hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề gắn liền tăng trưởng cũng đặt ra như là "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là gì", giải quyết vấn đề phân hoá giàu nghèo ra sao và những mất cân đối lớn trong nền kinh tế mà trong tương lai có thể xảy ra... Những phân tích, đánh giá trên đây về những thành công và chưa thành công là bài học cần thiết cho Việt Nam trên con đường cải cách và hội nhập để xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tác giả bài viết xin nêu 3 bài học cơ bản:

Một là, phải đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa do đó kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, đồng thời phải coi trọng vào tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Hai là, Nhà nước chỉ nên điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh có hiệu quả, xác lập rõ lĩnh vực nhà nước cần điều tiết còn lại giao cho các loại hình doanh nghiệp khác.

Ba là, thể chế chính sách điều tiết của Nhà nước phải cụ thể, rõ ràng, nếu chưa xác định được cụ thể thì để tự thị trường lựa chọn, có định hướng thí điểm sau đó tổng kết nhân rộng.

 

NGUYỄN MINH QUANG

(TS, Viện Kinh tế - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
  2. VI.Lênin, Vấn đề nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960.
  3. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Lịch sử kinh tế quốc dân, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
  4. GS,TS,VS Trình Ân Phú, Kinh tế chính trị học hiện đại, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2007.
  5. PGS,TS Vũ Văn Phúc, Giáo trình lịch sử kinh tế quốc dân, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
  6. Cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc và nghiên cứu kinh tế học phương Tây, Nxb Kinh tế Trung Quốc, 1996 (bản dịch).

 

0thảo luận