Trang chủ

"LỜI HỨA" TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Đăng ngày: 12-08-2014, 11:50 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 4

Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, Nhật Bản và Việt Nam là hai dân tộc đều rất coi trọng lời hứa. Tuy nhiên, sắc thái biểu hiện của sự coi trọng giá trị cao quý đó, bên cạnh những điểm tương đồng cũng có không ít nét khác biệt mà nếu không được hiểu đúng sẽ rất dễ đi đến những phiền toái trong quan hệ giao tiếp. Chúng tôi hi vọng bài viết này phần nào có thể giúp bạn đọc Việt Nam và Nhật Bản hiểu hơn về những điểm khác biệt và mức độ tương đồng trong lối nghĩ của người Nhật và người Việt về lời hứa thông qua nghiên cứu truyện cổ tích Nhật Bản và Việt Nam.

1. Tỉ lệ những truyện cổ tích Việt Nam và Nhật Bản có đề cập đến lời hứa

Mỗi dân tộc khác nhau mang trong mình những tính cách khác nhau. Và những tính cách đó phần nào được thể hiện thông qua những câu chuyện cổ tích. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sử dụng các  tài liệu  trong hai cuốn: Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội - 1999) và Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam (phần truyện cổ tích người Việt) (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội - 2001). Thống kê tỉ lệ các truyện xuất hiện lời hứa trên tổng số các truyện tham khảo chúng tôi thu được kết quả như sau:

 

 

Nguồn tài liệu

Tổng số truyện

Số truyện đề cập đến lời hứa

Tỉ lệ

Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản

55

10

18,2%

Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam

75

5

6%

 

 

 

Từ những thống kê trên, ta cũng phần nào hiểu được về sự khác biệt giữa người Nhật và người Việt trong việc đề cập tới lời hứa. Với tỉ lệ cao như vậy, có thể đánh giá là lời hứa trong cuộc sống của người Nhật đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Người Nhật vốn được đánh giá là những người coi trọng nguyên tắc, danh dự. Do vậy, lời hứa thường được đề cập nhiều trong cuộc sống của người Nhật. Việc người Nhật coi trọng lời hứa đến vậy cũng phần nào là do ảnh hưởng của môi trường sống khắc nghiệt. Thuở xưa, Nhật Bản là một quốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, họ có giao lưu với Trung Quốc, Triều Tiên nhưng ở mức độ rất thấp. Khi gặp khó khăn họ chỉ có thể tự cố gắng, khi sự việc không thành họ cũng chỉ có thể tự trách mình và nhìn nhận lại mình. Ngoài điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với nhiều thiên tai như động đất, sóng thần v.v. Nhật Bản còn có một lịch sử thăng trầm với những giai đoạn mở cửa ồ ạt và đóng cửa triệt để trong lịch sử, những cuộc nội chiến liên miên giữa các dòng họ, những sắc lệnh quản lý chặt chẽ cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển họ chỉ còn cách thật nghiêm khắc với bản thân mình, với mọi người xung quanh. Điều này không có gì khó hiểu vì một chút sai lầm cũng có thể phải chịu một hậu quả nặng nề, cũng vì vậy họ không thể tha thứ cho một hành vi thiếu trách nhiệm như không giữ lời hứa. Trong khi đó, tỉ lệ có đề cập đến lời hứa trong các truyện cổ tích Việt Nam là 6 %, thấp hơn ba lần so với người Nhật (18,2 %). Sự khác biệt về tính cách được thể hiện rõ ở những con số này. Việt Nam chúng ta vốn thuần nông với một nền nông nghiệp lúa nước. Người dân sống thật thà, chân chất, bình dị. Nhìn chung có thể nói người Việt Nam dễ tính và điều kiện ở Việt Nam dễ sống hơn so với người Nhật. Chúng ta sống trên bán đảo Đông Dương thuận tiện giao thông, luôn giao hòa với các nền văn hóa văn minh, đặc biệt là từ Trung Quốc, vì vậy người Việt tính tình mềm mỏng, ôn hòa. Tuy nhiên, dân ta cũng thường phải đấu tranh chống lại quân xâm lược đến từ phương Bắc. Vì là một nước nhỏ bé nên luôn phải tìm kiếm đồng minh hơn là tạo ra những kẻ thù nên dân ta dễ tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Do đó lời hứa, tuy là điều không thể thiếu trong cuộc sống, song không phải là vấn đề gay cấn và đặt ra thường xuyên như với người Nhật. Bởi vậy, lời hứa trong truyện cổ tích của chúng ta có xuất hiện nhưng tỉ lệ không nhiều.

2. Hoàn cảnh và đối tượng của lời hứa

2.1. Hoàn cảnh của lời hứa

Khi nhắc đến lời hứa là nhắc đến một điều rất quan trọng và thiêng liêng, vì vậy hoàn cảnh xảy ra lời hứa cũng thường là những hoàn cảnh mang tính “khác thường”. Trong truyện cổ tích Nhật Bản thì sự “khác thường” đó, trong nhiều truyện, là những trường hợp hy hữu, đôi khi mang nhiều yếu tố thần kỳ. Do phạm vi của bài viết nên chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài ví dụ nhất định.

Hoàn cảnh xảy ra lời hứa nhiều khi vô cùng gay cấn và bắt buộc phía kia phải thực hiện. Giữa cái chết và lời hứa, bên nào sẽ nặng hơn? Giữa sự chia ly và lời hứa, con người sẽ chọn như thế nào? Sự đấu tranh về tâm lý như vậy thường hay xảy ra trong truyện cổ tích Nhật Bản. Từ điều này, chúng ta sẽ có thấy người Nhật đa phần đều rất coi trọng “lời hứa”.

Lấy thí dụ với các  truyện “Bà chúa tuyết”; “Chàng Hoichi không tai”; “Những con cua của đền Kanimanji”, sẽ thấy:  Ở đó, nhân vật chính dường như bị đặt vào tình thế giữa cái chết và lời hứa. Nếu không hứa thì sẽ phải chết? Vậy nên chọn bên nào? Dĩ nhiên là tất cả các nhân vật của chúng ta đều chọn lời hứa. Trong truyện “Bà chúa tuyết” lời hứa giữa Minokichi và bà chúa tuyết xảy ra khi bà đến lấy mạng cha chàng. Trong một chuyến đi đốn củi như thường lệ của hai cha con nhà Minokichi, đột nhiên cha chàng nói những điều thật kỳ lạ như thể báo trước điều gì khác thường sắp tới: “Con có biết không con trai, khi một người đàn ông nào ở tuổi cha, họ cũng bắt đầu muốn có cháu. Bây giờ không phải là đã đến lúc con cần kết hôn rồi ư?” (1). Thật lạ lùng khi người cha lại nói những lời như vậy giữa rừng già phủ đầy tuyết như thế, Minokichi cảm thấy đó như lời cuối cùng của người cha tội nghiệp. Và rồi trong màn đêm trắng, bà chúa tuyết xuất hiện cướp đi sinh mạng của cha chàng. Bà chúa tuyết có thể cũng đã lấy mạng chàng và mọi chuyện kết thúc ở đó nếu như bà không cảm thấy cảm mến chàng trai. Bà đã lấy mạng biết bao người không thương tiếc nhưng lần này bà lại không nỡ xuống tay. Trong biết bao lần ấy có một lần thật sự khác biệt, bà đã yêu và để cho chàng trai sống nhưng bắt chàng hứa sẽ giữ bí mật về cái đêm đó suốt đời.

Cũng có những truyện thể hiện sự phân vân giữa hạnh phúc (chủ yếu là tình yêu lứa đôi) và lời hứa như trong các truyện như : “Hikoboshi và Orihime”; “Xứ mộng của Jinnai”…

Trong truyện “Hikoboshi và Orihime”, chúng ta bắt gặp một mô típ quen thuộc: Một người trần yêu một nàng tiên. Để được ở bên nàng tiên suốt đời, để được hạnh phúc bên cạnh người mình yêu chàng đã phải vượt qua nhiều thử thách. Chàng phải hứa nhiều lời hứa với bố vợ mình, và trong đó, lời hứa thứ ba là khắc nghiệt và khó vượt qua nhất. Đó là lời hứa chàng phải đứng ba ngày trông dưa trong hoàn cảnh mệt lử vì kiệt sức, nắng như thiêu như đốt, cổ họng cháy khô, không được ăn, không được uống.

Ngoài ra cũng có những truyện khác mà hoàn cảnh của nó là do nhân vật chính đến với lời hứa gần như là một sự tự nguyện, không có yếu tố gay cấn nguy hiểm tới tính mạng. Loại lời hứa này không có sự phân vân giữa sự sống và cái chết nhưng lại đầy yếu tố bất ngờ vì kết cục thật khó đoán biết được như truyện “Con cáo và ông lão”; “Những con rồng của Kita-in”; “Nữ thần nhà trời”; “Sự đền ơn của con hạc”; “Giấc mơ”; “Urashima Taro”…

Ở truyện “Con cáo và ông lão”, con cáo bị ông lão bắt quả tang đang ăn trộm quả đậu nhà ông. Con cáo cất tiếng cầu xin ông lão tha cho nó, đổi lại, nó xin hứa sẽ làm cho ông trở nên giàu có. Câu chuyện chắc chắn không thể tiếp diễn và xảy ra lời hứa nếu con cáo không thể nói được tiếng người và có những phép biến hóa kỳ ảo để giúp đỡ ông lão. Lời hứa này con cáo hoàn toàn tự nguyện và mong muốn được làm để chuộc lại lỗi lầm.

Trong câu chuyện “Những con rồng của Kita-in” có hai lời hứa giữa vị sư trưởng và hai người phụ nữ, một người xin ông ngừng đánh chuông trong vòng 100 ngày còn một người lại xin ông hãy cho nghe tiếng chuông ngay lập tức vào ngày thứ 99 của lời hứa thứ nhất. Con đường dẫn tới lời hứa của vị sư trụ trì chỉ là sự cảm thương cho tâm trạng của cả hai người phụ nữ đó và ông làm điều đó là tự nguyện mà không hề có sự ép buộc.

Về phía truyện cổ tích Việt Nam, hoàn cảnh đưa đẩy đến lời hứa thường không mang những yếu tố phi thường nhưng cũng là những hoàn cảnh “khác thường” và đặc biệt. Nó không có liên quan gì đến sự nguy hiểm tính mạng hay phá hoại hạnh phúc. Phải chăng đó cũng là điểm thể hiện tính cách bình dị, lối suy nghĩ đơn giản của người Việt Nam. Ví như ở truyện “Giận mày tao ở với ai”, phú ông đã hứa gả con gái cho ai làm ông giận vì ông là người tính cách nhẫn nại ít ai bì kịp. Và quả thật ông đã làm nhiều chàng trai đến cầu hôn cay đắng chịu 100 roi sau khi thất bại. Truyện “Người dân nghèo và Ngọc Hoàng” cũng được xây dựng dựa trên một hoàn cảnh lý thú: “Ngày xưa, có một nhà kia đã trải mấy đời sống trong cảnh khố rách áo ôm. Đến đời người cháu nội là một anh học trò không tấc đất cắm dùi”(2). Người ta vẫn thường nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nên anh quyết chí ra biển Đông tìm Ngọc Hoàng để hỏi cho ra nhẽ. Trên đường đi đến biển Đông, chàng đã ghé vào các nhà để xin ăn, đi nhờ chú rùa ra biển. Và chính trên đường đi đó, chàng  đã hứa sẽ hỏi hộ những điều oan ức của từng người một với Ngọc Hoàng. Hay như trong truyện “Cây tre trăm đốt”; “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” cả hai lão phú ông đều “hứa” sau khi làm thuê cho lão một số năm lão sẽ gả con gái cho, mục đích là để lừa hai anh chàng làm thuê. Đây là một hoàn cảnh hết sức đặc sắc để dẫn đến lời hứa: ngay từ đầu lời hứa được đưa ra chỉ như một mánh lừa bịp của hai lão phú ông, khiến cho người đọc thấy hiếu kỳ, liệu “một lời hứa được đưa ra chỉ để người hứa hẹn phá vỡ” sẽ dẫn dắt tình tiết câu chuyện tiếp theo như thế nào?

Như vậy các lời hứa trong cả truyện cổ tích Nhật và Việt đều được đưa ra trong những hoàn cảnh rất đặc biệt và hấp dẫn như một môtíp thường thấy của truyện cổ tích, nhưng tình tiết mỗi chuyện mỗi khác, không chuyện nào giống chuyện nào khiến người đọc nóng lòng tiếp tục theo dõi cho đến cuối truyện. Và đặc biệt, chính những hoàn cảnh đó cũng góp phần khắc họa tính cách hai dân tộc. Người Việt nhẹ nhàng, bình dị, suy nghĩ đơn giản, chân phương với bố cục truyện không chút phức tạp trong vấn đề lời hứa. Ngược lại, người Nhật lại rất cẩn trọng trong vấn đề lời hứa. Lời hứa không được đặt ra một cách dễ dàng mà hầu

hết nó bị nằm trong tình huống bắt buộc hoặc đơn thuần nhất thì cũng là sự trả ơn.

2.2. Đối tượng của lời hứa

Hoàn cảnh của những lời hứa trong truyện cổ tích Nhật Bản thường là những hoàn cảnh “khác thường” có nhiều yếu tố thần kỳ nên những đối tượng của lời hứa đó phần lớn cũng sẽ là những nhân vật mang sắc màu huyền ảo. Ví dụ như Bà chúa tuyết trong truyện cổ tích cùng tên; con Hạc thành tinh trong “Sự đền ơn của con Hạc”; hai người phụ nữ đến cầu xin vị sư trưởng nhưng chính là tinh khí của hai con rồng trú ngụ gần chùa trong truyện “Những con rồng của đền Kita-in”; con cáo biết nói và có nhiều phép biến hóa trong “Con cáo và ông lão”… Điều này càng làm tăng thêm sự thiêng liêng và tầm quan trọng của những lời hứa trong truyện. Qua đó cho thấy đối với người Nhật, mỗi lời hứa không chỉ là một sự giao kèo mà dường như trong đó còn có cả sự chứng giám của các vị thần. Và các mô típ về các nhân vật trong truyện cổ tích Nhật Bản ít khi bị trùng lặp, cho thấy sự sáng tạo không ngừng và luôn yêu thích những cái mới mẻ cũng như tính đa dạng hóa của người Nhật. Dù cùng là lời hứa, nhưng đến đây chúng ta đã thấy được sự đa dạng trong hoàn cảnh cũng như đối tượng của các lời hứa.

Còn trong truyện cổ tích Việt Nam thì những nhân vật trong lời hứa thường là những con người bình thường như: phú ông và người đi ở như trong truyện “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”; “Cây tre trăm đốt”; hay như phú ông và chàng trai đến cầu hôn trong truyện “Giận mày tao ở với ai” v.v... Họ đều là những con người điển hình cho những kiểu người hết sức quen thuộc trong xã hội cũ của Việt Nam, khiến câu chuyện vì thế cũng tăng thêm sự gần gũi, thân quen với người đọc. Đặc biệt, những mô típ nhân vật như trên sẽ làm tăng tính thực tế cũng như thực tiễn cho câu chuyện.

3. Các dạng lời hứa

Trong phạm vi hai cuốn: Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội - 1999) và Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam phần truyện cổ tích người Việt (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội - 2001) chúng tôi tiếp tục liệt kê về các dạng lời hứa xuất hiện trong các câu chuyện như sau:



CÁC DẠNG LỜI HỨA TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH NHẬT BẢN

 

Truyện/ Vấn đề

Lời hứa thủy chung

Lời hứa sẽ làm hay không làm một việc gì đó

Lời hứa giữ bí mật

Giấc mơ

X

 

 

Sự đền ơn của con Hạc

Lời hứa 1

 

X

 

Lời hứa 2

 

X

 

Chàng Hoichi không tai

 

X

 

Xứ mộng của Jinnai

 

 

X

Bà chúa tuyết

 

 

X

Những con rồng của Kita-in

Lời hứa 1

 

X

 

Lời hứa 2

 

X

 

Con cáo và ông lão

 

X

 

Những con cua của đền Kanimanji

 

X

 

Chàng câu cá Ichiemon

 

X

 

Tổng cộng

9,1%

72,7%

18,2%

CÁC DẠNG LỜI HỨA TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM

 

Tên truyện/ Vấn đề

Lời hứa sẽ làm hay không làm một việc gì đó

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

X

Cây tre trăm đốt

X

Ba người bạn

X

Giận mày tao ở với ai

X

Người dân nghèo và Ngọc Hoàng

Lời hứa 1

X

Lời hứa 2

X

Lời hứa 3

X

Tổng cộng

100%

 

 

Như vậy, ở phạm vi nguồn tài liệu về truyện cổ tích Việt Nam và Nhật Bản mà chúng tôi sử dụng thì dạng “lời hứa sẽ làm hay không làm điều gì” chiếm tỉ lệ cao nhất: Nhật Bản 72,7% (8/11 lời hứa), Việt Nam là 100%. Tiếp đó trong truyện cổ tích Nhật Bản là “lời hứa phải giữ bí mật” với 18,2% (2/11 lời hứa) và cuối cùng là “lời hứa thủy chung”: 9,1% (1/11 lời hứa). “Lời hứa phải giữ bí mật” rất được coi trọng đối với người Nhật nhưng lại không phải là điểm nhấn đối với người Việt Nam. Bởi vì người Việt vốn quen với nếp sống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, con người phải sống thành cộng đồng, phối hợp với nhau để sản xuất trong một thời gian dài nên họ thường sống gần gũi, chan hòa, ít khi giấu diếm nhau điều gì. Ngoài ra sự khác biệt về sự xuất hiện của “lời hứa thủy chung” cho thấy sự khác biệt về khái niệm lời hứa của hai dân tộc. Người Việt Nam thường quan niệm chỉ những lời hứa hẹn với những người ngoài mới được cho là lời hứa còn trong quan hệ gia đình (vợ - chồng) thì lời hứa được đưa vào sẽ tạo cảm giác khách sáo, xa cách nên không mấy khi đề cập đến vấn đề lời hứa giữa vợ và chồng. Ngược lại người Nhật lại rất coi trọng lời hứa, kể cả trong quan hệ gần gũi vợ chồng thì lời hứa vẫn luôn là lời hứa và người hứa hẹn điều đó phải chịu trách nhiệm như đối với bất kỳ lời hứa nào khác.Vì người Nhật chú trọng lời hứa nên các dạng lời hứa của người Nhật cũng rất đa dạng với nhiều hình thức. Còn người Việt mềm mỏng hơn nên dạng lời hứa dường như rất thuần, chỉ có một dạng nổi bật nhất là “lời hứa làm hay không làm điều gì”.

4. Quá trình thực hiện lời hứa

4.1. Điểm chung về lời hứa trong truyện cổ tích Việt Nam và Nhật Bản

Hầu hết lời hứa trong truyện cổ tích đều được đưa ra như một thử thách. Khi tiến hành thực hiện lời hứa cũng chính là vượt qua thử thách và trong quá trình vượt qua thách thức cũng chính là quá trình nhân vật phấn đấu vượt qua chính mình để hoàn thiện bản thân. Trong những truyện đó thì đỉnh điểm của câu chuyện chính là quá trình thực hiện lời hứa.

Những câu truyện cổ tích đều mang tính răn đe, giáo dục rất cao, vì vậy phần nhiều các lời hứa trong chuyện đều không được thực hiện hay dù có thì cũng không thấu đáo, những nhân vật thất hứa sẽ bị trừng trị nghiêm khắc để nêu gương. Hơn nữa, trong các câu chuyện này, các yếu tố cám dỗ, đe dọa… khiến cho nhân vật không thực hiện được lời hứa của mình, lại thường xuất hiện vào những giây phút cuối cùng khi lời hứa gần như được trọn vẹn. Ví dụ tiêu biểu như trong truyện “Những con rồng của đền Kita-in”. Lời hứa sẽ ngừng đánh chuông trong 100 ngày của vị sư trưởng với người phụ nữ thứ nhất đã thực hiện được 99 ngày thì người phụ nữ thứ hai xuất hiện và thỉnh cầu ông hãy cho nghe tiếng chuông ngay lập tức. Giả sử người phụ nữ thứ hai xuất hiện ở ngay ngày thứ nhất, thứ hai sau khi lời hứa vừa bắt đầu, chắc chắn vị sư trưởng đó đã không ngần ngại mà từ chối ngay lập tức. Nhưng không, người phụ nữ đó lại đến vào ngày thứ 99 - một thời gian đủ lâu để vị sư trưởng cảm thấy mình đã làm gần tròn trách nhiệm với lời hứa và ông đã bị dao động. Ở truyện “Hikoboshi và Orihime”, Hikoboshi đã thực hiện những yêu cầu khắc nghiệt của cha nàng Orihime: gieo hạt lúa trên cánh đồng của thiên giới rồi lại nhặt từng hạt đã gieo trên cánh đồng đó để gieo lại ở cánh đồng bên cạnh. Hikoboshi đã nhẫn nại vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua ấy. Gần như kiệt sức sau sáu ngày vất vả, ngay lập tức chàng phải đến với nhiệm vụ thứ ba. Nhiệm vụ này tưởng chừng không khó khăn: Trông dưa mà không được ăn dưa trong lúc đói và khát. Nhưng xét với hoàn cảnh của Hikoboshi thì việc thực hiện lời hứa quả vô cùng khó khăn: kiệt sức vì sáu ngày làm việc mệt nhoài; trời nắng gay gắt; cổ họng cháy khô; không được ăn được uống đã gần 3 ngày. Và đặc biệt, cám dỗ là những trái dưa trên trời đang chín thật khó chống nổi. Vì tình yêu, để có thể được ở bên người vợ dấu yêu, chàng đã vượt qua hai thử thách trước, và dường như sắp vượt qua thử thách thứ ba. Vì chàng đã làm được 2/3 của thử thách thứ ba, tức là sắp thực hiện được lời hứa với bố vợ rồi. Nhưng đến đúng phút cuối, phút đỉnh điểm như vậy, chàng lại không thể vượt qua chính bản thân mình mà phá vỡ lời hứa.

Trong các truyện cổ tích Việt Nam, truyện “Giận mày tao ở với ai” cũng có một tình tiết tương tự. Phú ông đã nín nhịn chàng trai không biết bao lần nhưng gần đến ngày cuối cùng của kỳ hạn một tháng, ông không thể chịu đựng thêm được nữa mà phải buông lời trách móc nên đành phải gả cô con gái yêu cho chàng trai tinh quái nhưng thông minh đó. Hay như trong truyện “Ba người bạn”, ba người đã thề thốt sẽ giúp đỡ lẫn nhau khi một trong ba người hoạn nạn, nhưng rồi vì hoàn cảnh buộc họ phải xa nhau, mỗi người trôi dạt một nơi. Sau này, một trong ba người gặp khó khăn tìm đến các bạn mong giúp đỡ nhưng có người trong số họ đã thay lòng đổi dạ, coi bạn như gánh nặng, chỉ muốn đẩy đi cho nhanh. Lời hứa năm xưa không hề giả dối nhưng rồi thời gian và cuộc sống xô bồ đã làm cho con người không giữ nổi bản tính tốt đẹp xưa kia của mình.

4.2. Điểm khác biệt trong quá trình thực hiện lời hứa hứa trong truyện cổ tích Việt Nam và Nhật Bản

Nếu như ở phần hoàn cảnh xảy ra lời hứa, truyện Nhật Bản thường xuất hiện nhiều yếu tố thần kỳ, đối tượng của những lời hứa là những nhân vật mang sức mạnh siêu nhiên (bà chúa tuyết, người vợ hạc, hiện thân của những con rồng...) thì ở phần thực hiện lời hứa này hoàn toàn là một cuộc đấu tranh của nhân vật với chính bản thân mình để thực hiện lời hứa, hiếm khi xuất hiện sự can thiệp của các thế lực khác. Đặc biệt trong chuyện “Những con rồng của Kita-in”, tâm lý của vị sư trưởng được khắc họa rõ nét theo thời gian.

Khi vừa hứa với người phụ nữ thứ nhất: “Ngay khi vào chùa, ông lệnh ngừng rung chuông trong một trăm ngày. Ông rất sợ có một điều gì không hay có thể xảy ra nếu ông không giữ lời hứa danh dự đã hứa với cô gái” (3).

“Trong mười ngày đầu ông rất lo lắng. Rồi hai mươi ngày đã trôi qua yên ổn, không có gì xảy ra cả. Năm mươi ngày tiếp theo cũng bình yên như thế. Rồi ngày thứ chín mươi qua đi, nỗi lo lắng của sư trưởng vơi dần. Ông nghĩ chẳng có gì quan trọng trong lời đề nghị ngừng rung chuông ấy đâu, ta chỉ “thần hồn nát thần tính” mà thôi”.

Diễn biến tâm lý của vị sư trưởng rất đúng với lẽ thường, ông dần bớt coi trọng lời hứa và rồi người phụ nữ thứ hai xuất hiện. Cô ta có vẻ đẹp quyến rũ, giọng nói ngọt ngào cầu xin ông hãy cho nghe tiếng chuông chùa ngay lập tức. Cho đến lúc ấy, ông cũng không nhận lời ngay mà “sau một hồi cân hắc kĩ lưỡng”(4) ông đã đồng ý rung chuông chùa.

Như ta đã biết, hai người phụ nữ đến gặp sư trưởng đều là tinh khí của hai con rồng trú ở gần chùa. Nhưng trong quá trình vị sư trưởng thực hiện lời hứa của mình, chúng chưa một lần để lộ thân phận hay uy hiếp vị sư trưởng tội nghiệp. Nếu một trong hai con rồng hiện thân và yêu cầu ông thì vị sư trưởng chắc chắn sẽ vẫn bảo vệ lời hứa đến cùng. Nhưng không, chúng chỉ hiện thân dưới hình dạng hai người phụ nữ xinh đẹp và vô hại đến tìm vị sư trưởng và quyền quyết định có thực hiện lời hứa hay không hoàn toàn do ông quyết định. Vì vậy, khi vị sư trưởng đồng ý rung chuông thì đó là do ông đã không thắng được cám dỗ, không thắng được bản thân mà thôi.

Ngoài ra, trong truyện “Sự đền ơn của con Hạc”, người chồng đã hứa với vợ sẽ trông con và không được ngó vào phòng trong khi cô dệt vải. Lúc đầu anh rất nghiêm túc thực hiện lời hứa nhưng rồi sự tò mò và lo lắng dần nổi lên khi suốt mấy ngày cô không ra khỏi phòng. Cuối cùng, vì không nén được người chồng đã hé mắt nhìn vào. Và anh đã phải nhận lấy một kết cục không mong muốn.

Trong truyện Việt Nam, đôi khi trong quá trình thực hiện lời hứa lại xuất hiện những nhân vật mang phép màu giúp lời hứa được thực hiện. Ví dụ như truyện “Cây tre trăm đốt”, khi phú ông định lừa gạt anh Khoai, bắt chàng đi tìm cây tre trăm đốt để ở nhà tổ chức đám cưới cho con gái với con trai lão phú ông làng bên, thì Bụt đã xuất hiện. Bụt không những giúp anh Khoai có được cây tre trăm đốt mà còn dạy anh cách trừng trị những kẻ rắp tâm lừa bịp, chế giễu anh. Nhờ phép màu của bụt dạy, anh đã buộc lão phú ông phải giữ lời gả con gái cho anh.

Trong truyện “Người học trò nghèo và Ngọc Hoàng”, người học trò nghèo trên đường đi đã gặp gỡ nhiều người như gia đình phú ông có cô con gái bị câm và ông lão có cây cam không ra quả đã cho anh nghỉ qua đêm, con rùa đã cõng anh qua biển. Mỗi lần như thế anh đều được nhờ hỏi hộ Ngọc Hoàng một điều oan ức của họ. Và ngay khi gặp Ngọc Hoàng anh liền vội hỏi những điều oan khuất cho họ trước, đến nỗi đến lượt mình thì Ngọc Hoàng đã bực mình trở về trời. Tuy vậy anh cũng chẳng oán trách ai, chỉ buồn vì mình kém may mắn rồi lại vội vàng quay trở về đưa câu trả lời cho những người nhờ hỏi hộ.

Nói cách khác, trong truyện cổ tích Nhật Bản, quá trình thực hiện lời hứa là một quá trình tự đấu tranh bản thân của nhân vật để thực hiện lời hứa. Đó đều là những con người hiền lành thật thà, và họ thực lòng có ý muốn thực hiện trọn vẹn lời hứa nhưng rồi những thử thách và cám dỗ đã khiến họ không thể chiến thắng được bản thân mà trót làm sai lời hứa. Như vậy kết quả của việc thực hiện lời hứa hoàn toàn phụ thuộc vào nhân vật. Còn trong truyện cổ tích Việt Nam, ta có thể thấy rõ sự phân thành hai luồng nhân vật tốt - xấu rất rõ ràng. Họ cứ thế đóng trọn vai đã được giao sẵn mà không mấy khi có suy nghĩ đắn đo gì nhiều. Như chàng Khoai (trong truyện “Cây tre trăm đốt”) hiền lành thì cứ hiền lành mãi, còn lão phú ông tham lam sẽ vẫn tìm cách lừa chàng trai, nếu không có phép màu của Bụt ban xuống.

Với người Nhật, họ tự mình nhận lời hứa, tự mình thực hiện và nhận hậu quả vì đã không thực hiện được lời hứa, không hề có bất kì một sự giúp sức nào từ bên ngoài. Còn những người Việt Nam hiền lành, thật thà, chân chất kia dường như quá yếu đuối để tự mình có thể giải quyết được vấn đề. Câu chuyện thường có sư giúp sức từ các thế lực bên ngoài. Đó là Bụt như trong truyện “Cây tre trăm đốt”, là sự giúp đỡ đến từ những người hàm ơn chàng trai như trong truyện “Người dân nghèo và Ngọc Hoàng”. Điều này thể hiện mong ước “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của dân ta. Phải chăng vì thế mà nhiều khi chúng ta hay trông chờ vào một điều kỳ diệu xảy ra để đáp lại lòng tốt của chúng ta. Còn người Nhật, ngược lại thường “tự lực cánh sinh”, “tự làm tự chịu”.

5. Kết quả của quá trình thực hiện lời hứa

5.1. Với lời hứa được thực hiện

Khi lời hứa được thực hiện đầy đủ thì nhân vật chính trong truyện cổ tích Việt Nam thường sẽ được hưởng thành quả và sống hạnh phúc. Như trong truyện “Người học trò nghèo và Ngọc Hoàng”, sau khi thực hiện lời hứa với những người gặp dọc đường, người học trò nghèo đã được viên ngọc làm đầu óc thông minh, thi đỗ trạng nguyên, trở nên giàu có và lấy được vợ. Thật sự là một kết quả viên mãn không gì sánh bằng!

Thế nhưng ở những câu chuyện cổ tích Nhật Bản, không phải lúc nào khi thực hiện xong lời hứa thì nhân vật đó cũng sẽ có được kết quả hạnh phúc. Như trong truyện “Con cáo và ông lão”, con cáo thực sự đã giúp ông lão trở nên giàu có. Nhưng trong lần biến hóa cuối cùng thành chiếc ấm trà, nó đã bị người chủ mới đun lên và chết cháy. Hay trong truyện “Chàng Hoichi không tai”. Tuy chàng đã giữ lời hứa của mình với vị sư trưởng là không kêu lên bất kỳ lời nào rồi, nhưng chàng vẫn bị mất đôi tai cho dù giữ được tính mạng.

Đến đây ta có thể thấy rõ sự khác biệt trong quan niệm của người Nhật và người Việt. Đối với người Nhật, việc phải thực hiện điều mình đã hứa là điều đương nhiên. Vì vậy, ngay cả khi đã thực hiện lời hứa thì họ cũng chưa chắc nhận được phần thưởng, thậm chí nếu như cách họ thực hiện lời hứa là một cách không chính đáng thì họ còn gặp quả báo. Ví dụ, trong truyện “Con cáo và ông lão”: Con cáo đã biến thành các vật khác nhau để ông lão đem bán cho người khác lấy tiền sau đó nó sẽ biến hình trở về với ông lão. Con cáo đã giúp ông lão trở nên giàu có nhưng cách làm của nó và ông lão là lừa  những con người lương thiện khác nên nó phải chịu kết cục đáng buồn đó. Ở truyện “Chàng Hoichi không tai”, chàng Hoichi tuy đã thực hiện được lời hứa của mình nhưng do bất cẩn của vị sư trưởng: Không ghi Kinh Phật vào hai tai của chàng nên đã làm Hoichi mất đi đôi tai của mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có biết bao lời hứa. Trong truyện cổ tích của người Việt Nam thường chỉ có một lời hứa được xuất hiện: “Cây tre trăm đốt”; “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”; “Giận mày tao ở với ai”, v.v. hoặc có những lời hứa giống hệt nhau như truyện “Người học trò nghèo và Ngọc Hoàng”. Trong truyện cổ tích của người Nhật, có những truyện lời hứa xuất hiện nhiều hơn một lần với các loại lời hứa khác nhau. Và người Nhật không tha thứ cho một lời hứa không được thực hiện dù bên cạnh đó có bao nhiêu lời hứa được thực hiện đi nữa. Ví dụ như truyện “Sự đền ơn của con Hạc”. Có hai lời hứa với hai đối tượng khác nhau. Một lời hứa giữa người thương gia và người chồng về việc giao tấm vải. Một lời hứa giữa người chồng và người vợ về việc không được tò mò xem vợ đang làm gì trong phòng. Anh chồng đã thực hiện được lời hứa thứ nhất và nhận được rất nhiều tiền, nhưng vì không giữ được lời hứa thứ hai dẫn tới kết cục anh đã mất đi người vợ yêu dấu, mãi mãi mất đi hạnh phúc gia đình!

5.2. Với lời hứa không được thực hiện

Mạnh Tử từng nói: “Xe không thể chuyển động nếu không có bánh, con người không thể sống nếu không có chữ Tín”, vì vậy những kẻ không làm tròn lời hứa sẽ phải gánh chịu một kết cục không mong muốn là điều dễ hiểu. Trong rất nhiều các câu chuyện cổ tích, các lời hứa đều không thực hiện được và kết cục đối với nhân vật chính sẽ là lời răn dạy đối với các thế hệ sau. Quan niệm này là điểm chung giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên do thái độ đối với lời hứa của hai bên khác nhau nên “kết cục” đối với các nhân vật không thực hiện lời hứa cũng có sự khác biệt.

Đối với người Nhật rất coi trọng lời hứa thì việc không thực hiện lời hứa là một điều không thể tha thứ. Những người đó chắc chắn phải chịu những hình phạt nặng nề và hậu quả thường sẽ để lại vĩnh viễn. Ví dụ như người chồng trong truyện “Giấc mơ” đã phản bội lại lời hứa thủy chung với vợ mình nên phải chịu cái chết đau đớn trong giấc ngủ. Vị sư trụ trì chùa Kita-in (Những con rồng của Kita-in) đã bị một phen sợ hãi vô cùng khi phá vỡ lời hứa danh dự của mình. Ông đã nhận một bài học thấm thía cả đời không thể quên được, và “thậm chí cho đến ngày nay, bao nhiêu thời gian đã trôi qua và vị sư trưởng khác đã thay ông trụ trì Kita-in, nhưng luật chùa vẫn rất nghiêm khắc với việc sờ tay vào chuông chùa”(5).  Trong “Xứ mộng của Jinnai”, Jinnai đã bị một mũi tên xuyên qua khi anh trót kể câu chuyện bí mật và trở thành tàn tật suốt đời, Hikoboshi và Orihime mãi mãi phải chia cách qua giải ngân hà vì Hikoboshi đã không thực hiện lời hứa... Tới đây, những người không am hiểu về văn hóa Nhật Bản có thể hiểu lầm về Nhật Bản như một đất nước khắt khe, người dân Nhật Bản là những người cứng nhắc đến tàn nhẫn. Ruth Benedict - nhà dân tộc học người Mỹ đã phân tích về tính tương phản trong nền văn hóa Nhật bản bằng hai hình ảnh tượng trưng: hoa cúc và thanh kiếm trong tác phẩm cùng tên. Người Nhât sẵn sàng tha thứ cho các tội lỗi khác ngoại trừ việc không giữ đúng lời hứa.

Đối với người Việt vốn “dĩ hòa vi quý”, những lời hứa chỉ trừng phạt những kẻ trái lời một cách răn đe, nhắc nhở. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn có cơ hội làm lại để chuộc lỗi. Như trong “Cây tre trăm đốt”, lão phú ông tham lam chỉ bị một phen hú vía và mất mặt với dân làng. Sau khi lão xin lỗi và gả con gái cho anh Khoai thì đã được tha thứ. Trong truyện “Ba người bạn”, anh nhà giàu không giữ lời hứa hắt hủi bạn bè cuối cùng bị người bạn còn lại mỉa mai đành hổ thẹn mang khăn gói ra về.

*

*   *

Qua các truyện cổ tích chúng ta biết được nhiều điều về cuộc sống. So sánh, đối chiếu truyện cổ tích giữa hai dân tộc giúp chúng ta hiểu biết được nhiều hơn về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, để từ đó hiểu nhau hơn. Bài viết của chúng tôi tập trung nghiên cứu về lời hứa trong truyện cổ tích từ đó suy rộng ra quan niệm về lời hứa của mỗi dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Bằng việc phân tích một số về vấn đề lời hứa trong truyện cổ tích, chúng tôi nhận thấy: Lời hứa trong truyện cổ tích Nhật Bản có tần số xuất hiện nhiều với hình thức đa dạng, phong phú, còn trong truyện cổ tích Việt Nam nó xuất hiện với tần số khiêm tốn hơn. Kết cục đối với việc không thực hiện lời hứa trong truyện Nhật là rất nghiêm khắc, đôi khi hơi nhẫn tâm, nhưng ở truyện cổ tích Việt Nam, điều này chỉ như một bài học nhẹ nhàng và có cơ hội sửa chữa làm lại.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy người Nhật vô cùng coi trọng lời hứa, họ nghiêm khắc với chính bản thân mình cũng như những người xung quanh. Điều này cũng là do nhiều nguyên nhân như đã trình bày ở trên. Người Việt lại có quan điểm về lời hứa khác với người Nhật. Người Việt Nam không quá coi trọng lời hứa. Có thể do lối sống bình dị, ôn hòa của người Việt Nam đã tạo cho họ tính dễ tha thứ và không quá khắt khe với lời hứa. Phân tích để thấy được điểm khác biệt này, chúng tôi mong rằng có thể giúp người Nhật và người Việt hiểu nhau hơn và thấy được những điểm đáng học hỏi của nhau.

Tuy nhiên, trong sự hòa nhập với thế giới hiện đại, vào một thế giới chung, các dân tộc cũng đang ngày càng biến đổi thu nhận về mình những điều tốt đẹp nhất phù hợp nhất với phong cách sống hiện đại và xã hội văn minh. Nhờ có tinh thần kỉ luật, thể hiện qua các việc coi trọng lời hứa như vậy, Nhật Bản đã sớm tự xây dựng cho mình một xã hội hiện đại, văn minh. Việt Nam chúng ta  cũng đang ngày càng đổi mới,  ý thức kỉ luật, kỉ cương cũng ngày càng được coi trọng hơn trong việc xây dựng một xã hội công nghiệp. Các thế hệ trẻ của Việt Nam, một mặt thấy được những nét đẹp của dân tộc, những truyền thống của cha ông đã xây dựng và để lại, một mặt đang vươn mình tự đổi khác để hòa   nhập vào xã hội hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Nếu xây dựng những chuyện cổ tích thời hiện đại, chắc rằng chúng ta sẽ thấy ở đó tỉ lệ của những chuyện có đề cập đến lời hứa và việc thực hiện lời hứa sẽ xuất hiện lớn hơn nhiều và những điều xung quanh đó cũng sẽ ngày một gần hơn với các dân tộc vốn đã gần gũi với mình như Nhật Bản và các nước láng giềng.

 

TS HOÀNG LIÊN - HOÀNG THỊ LUẬN - ĐINH THỊ THU HƯƠNG

(Đại học Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huy Cận (1994) Suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia.

2. Nhật Chiêu (2003) Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục.

3. Chu Xuân Diễn - Lê Chí Quế (2001), Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam phần truyện cổ tích người Việt, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

4. Nguyễn Bích Hà (1999), Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Đào Thị Thu Hằng (2009), Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, NXB Giáo Dục.

6. Hữu Ngọc (1993) Chân dung văn hóa đất nước Mặt trời mọc, NXB Thế Giới.

7. Thu Tứ (2005) Người Việt trung dung, htt:///vvv.gocnhin.net/cgi-bin/vietwitem.pl?65

8. Félicien Challaye - Tạ Chí Hải dịch (2004), Chuyện cổ Nhật Bản, NXB Trẻ

9. Helen Byers (2007), Japan, Foreign language teaching and research press.

10. Ruth Benedict (1940) Hoa cúc và thanh kiếm, .http://www.tamajin.jp/degiorigi/rinjin/img/rinjin_read2.gif

12. "Thủ tướng Nhật đặc biệt coi trọng quan hệ với VN" http://vietnamnet.vn/service/printver sion.vnn?article_id=865918

 

 

 

 



(1) Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1999, tr.235

 

(2) Chu Xuân Diễn - Lê Chí Quế (2001), Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam phần truyện cổ tích người Việt, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, tr.152.

(3) Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1999, tr.87

(4) Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1999, tr.88

(5) Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1999, tr.89

0thảo luận