Trang chủ

TÌM HIỂU MỘT SỐ MÔ-TÍP PHỔ BIẾN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH NHẬT BẢN

Đăng ngày: 12-08-2014, 10:36 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 3

Truyện cổ tích là một trong những thể loại văn học dân gian quan trọng, được phổ biến rộng rãi ở tất cả các dân tộc trên thế giới.Trong truyện cổ tích Nhật Bản, người việc thể hiện một cảnh rõ nét những con người trên xứ sở anh đào phổ biến mang đậm sắc thái dân tộc Nhật Bản.

1. Mô-típ dì ghẻ - con chồng: Quan hệ giữa mẹ ghẻ - con chồng là một trong những quan hệ gia đình được phản ánh, đề cập khá nhiều trong truyện cổ tích Nhật Bản. Đây là mô-típ truyện cổ tích về nhân vật bất hạnh, của người con riêng. Dì ghẻ - con chồng là một mối quan hệ không hòa thuận và đầy mâu thuẫn. Dì ghẻ thường không thương yêu  con riêng của chồng và gây ra nhiều chuyện bất lợi cho con chồng. Mâu thuẫn này được nâng lên thành mâu thuẫn có tính xã hội, mâu thuẫn giữa thiện và ác. Cuối cùng giải quyết mâu thuẫn theo quan niệm dân gian: cái ác bị trừng trị, cái thiện được che chở, có một cuộc sống hạnh phúc. Nội dung của các truyện xoay quanh số phận của, những đứa con tội nghiệp bị mẹ ghẻ hành hạ, đối xử tàn ác không biết trông cậy vào đâu. Trong truyện Cô gái và chậu hoa, người mẹ kế với trái tim lạnh lùng, tàn nhẫn đã đuổi cô gái Chậu Hoa tội nghiệp ra khỏi nhà, đẩy cô vào cuộc sống lang thang, khốn khổ, cuối cùng sau những đớn đau, tủi cực, Chậu Hoa đã tìm được hạnh phúc bên người chồng giàu có và hết mực thương yêu cô. Trong truyện Tình nghĩa chị em thì người mẹ kế hết lần này đến lần khác tìm cách hãm hại con chồng, tội ác của dì ngày càng lớn, đến mức âm mưu giết chết Ôxuki, nhưng nhờ có đứa em tốt bụng (con riêng của người mẹ kế) mà Ôxuki đã ba lần được cứu sống, thoát khỏi bàn tay độc ác của mụ ta và may mắn được một lãnh chúa cảm thông hoàn cảnh cưu mang và sống một cuộc đời hạnh phúc. Hầu hết các truyện đều nói lên sự cay nghiệt của người mẹ ghẻ đối với con riêng của chồng.

Trong mỗi xã hội, quan hệ giữa người với người là rất phức tạp, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, cái thiện, cái ác luôn luôn tồn tại song song với nhau. Trong các truyện thuộc mô-típ dì ghẻ - con chồng, cho dù các truyện có dài ngắn khác nhau, dù cho một số tình tiết, chi tiết khác nhau, các truyện đều thể hiện chủ đề mâu thuẫn giữa dì ghẻ - con chồng, bao gồm sự chèn ép, bóc lột, sát hại của người dì ghẻ đối với đứa con riêng của chồng và sự đấu tranh của người này chống lại dì ghẻ để sống và giành lấy hạnh phúc. Tác giả dân gian đã phản ánh khá chân thực hiện thực cuộc sống, mối quan hệ giữa dì ghẻ-con chồng trong các truyện cổ tích.

2. Mô-típ sự kết hôn:

Đến tuổi trưởng thành, ước mơ lấy vợ lấy chồng, có được hạnh phúc lứa đôi êm ấm là khát khao muôn đời của con người và điều này được gửi gắm qua truyện cổ tích. Trong truyện cổ tích Nhật Bản mô-típ kết hôn xuất hiện khá nhiều, đó là những cuộc hôn nhân giữa những người khác nhau về thân phận và địa vị. Một chàng trai nghèo làm nghề đốt than nhem nhuốc cưới nàng công chúa Tamatsu xinh đẹp, con gái của Thiên Hoàng (truyện Nàng công chúa Tamatsu). Chàng ăn mày trẻ tuổi Sankuke kết hôn với con gái lãnh chúa Choja (Cuộc đời một người hành khất). Một chàng trai tí hon nhưng có những hoài bão ước mơ thật lớn lao, chàng đã dũng cảm bảo vệ tiểu thư Naru khỏi nanh vuốt của con quỷ đỏ khổng lồ, kết thúc câu chuyện là lễ cưới của chàng với tiểu thư Naru - con của lãnh chúa Samurai Sanjo hùng mạnh (Isum Boshi, anh chàng Samurai tý hon). Sau bao nhiêu đớn đau, khổ cực khi bị người mẹ kế đuổi ra khỏi nhà, cô gái Chậu Hoa được cứu thoát chết bởi con trai lãnh chúa, sự chăm chỉ, dịu dàng của cô đã làm lay động trái tim chàng trai, hai người kết hôn và sống hạnh phúc mãi mãi (Cô gái và chậu hoa)…Đặc biệt trong truyện cổ tích Nhật Bản mô-típ người lấy thần tiên rất phổ biến, đó là những cuộc hôn nhân giữa người trần gian và thần tiên (truyện Bức hình của người đẹp, Bà chúa tuyết, Urashima Taro, Hiko Boshi và Ôri Himê, Nữ thần nhà trời…). Truyện Bà chúa tuyết kể về cuộc hôn nhân giữa một chàng trai người trần với bà chúa tuyết, bà chúa tuyết băng giá, lạnh lùng đã bị sự trẻ trung của Minokichi thu hút đến mức từ bỏ tất cả để trở thành người vợ hiền của chàng. Hiko Boshi và Ôri Himê là một truyện kể về cuộc hôn nhân của người trần gian với thần tiên. Một chàng trai nghèo tên Hiko Boshi một lần đi qua hồ nước và thấy một cô gái đẹp đang tắm, chàng đã lén giấu chiếc áo thiên đình của nàng và lấy nàng làm vợ. Cuộc sống trôi đi êm ả cho đến khi Ôri Himê tìm thấy chiếc áo thiên đình của mình thì nàng bay về trời. Trong truyện cổ tích Nhật Bản chúng ta còn bắt gặp cuộc hôn nhân của chàng trai người trần với công chúa thủy cung, đó là Urasima Taro truyện cổ tích cùng tên Urasima Taro, là một chàng trai hiền lành, tốt bụng, một lần do sự tình cờ chàng đã cứu sống một con rùa thoát khỏi sự hành hạ của lũ trẻ nghịch ngợm, phần thưởng cho sự cứu mạng ấy là một cuộc sống tuyệt vời bên công chúa thủy cung. Tuy vậy, dù được sống một cuộc sống lý tưởng, vượt xa những ước mơ huyền hoặc nhất của chàng trước kia, nhưng chỉ ít lâu sau chàng bắt đầu nhớ quê hương, nhớ mẹ già và nhớ ngôi nhà nhỏ của chàng, nỗi nhớ nhung tăng theo năm tháng, và khi đứng trước hai sự lựa chọn, chàng đẽ quyết định rời bỏ cuộc sống trong mơ ấy và trở về với cuộc sống vốn có của mình.

Sở dĩ có những cuộc hôn nhân giữa những con người khác nhau về thân phận, địa vị, giữa những người trần gian và thần tiên là bởi tác giả dân gian muốn khẳng định quyền được yêu, quyền được hạnh phúc của mỗi con người. Trong tình yêu mọi đối tượng đều bình đẳng. Mô-típ  người lấy tiên còn nổi lên tình yêu đam mê đối với cuộc sống trần gian, cuộc sống của con người trần tục. Đó là mô-típ truyện đề cao cuộc sống bình dị, tuy vất vả nhưng có thực và hấp dẫn con người. Có thể nói rằng đó cũng là sự kết tinh lòng yêu đời tha thiết của con người mà tạo thành.

3. Mô-típ sự trừng phạt:

Là một mô-típ phổ biến trong truyện cổ tích Nhật Bản. Truyện cổ tích thường có kết thúc với sự trừng phạt những nhân vật gian lam, độc ác, chuyên làm những điều hại nhân trái với lương tâm, đạo đức: người anh đối xử tệ bạc với người em, dì ghẻ đối xử độc ác với con riêng của chồng, lãnh chúa tham lam, háo sắc, cậy quyền thế chiếm đoạt vợ người, những người chồng, người vợ không chung thủy, những người hứa lời mà không giữ lấy lời…tất cả đều sẽ bị trừng phạt. Trả giá cho những việc làm sai trái của mình, kết thúc truyện, các nhân vật hoặc trở thành tàn tật, mất hết tài sản, mất hạnh phúc, hoặc cũng có khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Lực lượng trừng phạt có thể là lực lượng siêu nhiên nhưng thường do trực tiếp những nhân vật bị hại ra tay trừng trị. Truyện Cây anh đào của đền Ankokuji, người làm vườn trong truyện vì tham lam đã lường gạt, bất kính với nhà sư và ngay lập tức đã phải trả giá cho sự tham lam, bất kính đó của mình. Truyện Sự tích chùa Ishiteji: Sự độc ác và kiêu ngạo của viên quan Kono Emonsaburo đã làm cho Đức Phật phẫn nộ, trừng trị bằng một hình phạt khủng khiếp: 8 đứa con cả trai lẫn gái của ông ta lần lượt bị ốm rồi chết. Trong truyện cổ tích Nhật Bản sự trừng phạt còn dành cho những người chồng phản bội, hứa lời mà không giữ lời, sự phản bội của người chồng trong truyện Giấc mơ đã khiến cho anh ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tương tự vậy, truyện Xứ mộng của Jinnai cũng kết thúc bằng sự trừng phạt, nhân vật chính bị tàn tật suốt đời vì hé lộ bí mật ở chốn thần tiên. Trong truyện Ba chàng trai ngựa, sau khi tìm cách trở lại thành người, ba chàng trai đã lừa biến kẻ thù thành ngựa. Đúng thật là “gậy ông đập lưng ông”. Sự trừng phạt trong truyện cổ tích Nhật Bản còn dành cho những kẻ tham lam, ỷ quyền thế ức hiếp người khác. Truyện Bức hình của người đẹp là một kiểu truyện như vậy, một lãnh chúa tham lam, háo sắc, cậy quyền thế cướp đoạt vợ người, cuối cùng phải trả giá cho hành động của mình: bị trừng phạt trở thành một kẻ nghèo khó, không quyền chức, phải sống cuộc đời của một người bán đào tầm thường. Đây là nhân vật đại diện cho những kẻ mũ áo xênh xang mà nhân cách hèn hạ, giả dối, dốt nát, tham lam, háo sắc, vì đồng tiền và quyền lực, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng chà đạp lên lương tâm, đạo đức và nhân phẩm con người. Còn truyện Vì sao nước biển lại mặn, kể về một người anh tham lam, độc ác, đối xử hết sức tệ bạc với người em của mình, kết thúc truyện với bản tính tham lam, ích kỷ không thay đổi tự gã đã khiến gã chết chìm dưới biển. Thật đúng với câu “tham thì thâm”… Mmô-típ sự trừng phạt còn thể hiện trong truyện Núi Clíc Clác, trong truyện con gấu núi Tanuki độc ác, xảo trá, xấu tính, phá phách nhà cửa, giết chết bà lão cuối cùng bị thỏ Banny dùng mưu giết chết để trả thù. Đó là một bài học cho những kẻ xảo trá, độc ác. Lòng dạ tham lam, độc ác còn thể hiện ở truyện Con chim sẻ bị cắt lưỡi, Chim sẻ đền ơn trả oán… Một bà lão tham lam, độc ác, đối xử tàn nhẫn cả với con chim sẽ gãy cánh đáng thương mà chồng bà mang về chăm sóc, bà độc ác đến mức có một lần vì bị bà bỏ đói, con chim sẻ đã lỡ ăn mất bát bột, bà đã giận dữ cắt lưỡi nó. Đáp lại sự độc ác ấy, trước sự đòi hỏi phải trả ơn đáng xấu hổ của bà lão, chim sẻ đã tặng một món quà mà trong đó chứa đầy những đầu thú vật, những con yêu tinh, quỷ sứ, ma và những sinh vật hung ác… Đó chính là cách để bà ta hiểu về món quà tặng cho sự tham lam, độc ác của mình (Con chim sẻ bị cắt lưỡi). Trong truyện cổ tích Nhật Bản, mỗi lần nhân vật vi phạm lời hứa thì lập tức bị trừng phạt. Trong truyện Bà chúa tuyết, Minokichi đã thất hứa và thay vì được sống êm ấm, hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp Yuki (vốn là bà chúa tuyết) chàng đã phải xa nàng mãi mãi, vì không giữ được lời hứa mà chàng đã đánh mất tình yêu của mình.

Mô-típ trừng phạt là mô-típ phổ biến trong truyện cổ tích bởi qua đó dân gian thể hiện quan niệm về thiệc - ác, thể hiện khát khao được sống trong một xã hội công bằng, văn minh. Các truyện thuộc mô-típ này mang tính giáo dục cao, đem đến cho người đọc những bài học quý giá, khuyên răn con người sống ở đời phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không nên tham lam, gian ác vì “ở hiền gặp lành”,  “hại nhân nhân hại” và “gieo gió gặp bão” …

4. Mô-típ sự tha thứ:

Nhằm làm nổi bật phẩm chất cao đẹp, lý tưởng của nhân vật chính diện, tác giả dân gian đã để cho nhân vật chính diện tha thứ cho nhân vật phản diện. Chàng câu cá Ichiemon mặc dù rất bực bội vì quỷ nước Kappa đã lén uống hết rượu của mình mà không xin phép, nhưng với tấm lòng nhân hậu và độ lượng, anh quyết định bỏ qua tội lỗi của nó (Chàng câu cá Ichiemon). Tương tự, với tấm lòng khoan dung, trước những lời cầu xin tha thứ chân thành của quỷ nước Kappa, Jutaro sau khi bắt nó hứa không hãm hại con người nữa, đã tha thứ cho nó (Thuốc mỡ của quỷ nước). Mặc dù người làm vườn tỏ ra tham lam và bất kính với mình, nhưng sư trưởng của ngôi đền vẫn tỏ ra khoan dung, độ lượng, đọc bài kinh để giải thoát cho người làm vườn khỏi sự trừng phạt (Cây anh đào của đền Ankokuji). Sau 20 năm ròng bỏ sức lực ra tìm kiếm Đức Phật sống để cầu xin sự tha thứ vì những tội lỗi mình đã gây ra trong quá khứ, khi đã già yếu và kiệt sức, Emonsaburo đã gặp được Đức Phật trong một giọng nói ấm áp, đầy tình thương. Nhà sư - Phật sống đã mang đến cho Emonsaburo đang hấp hối sự tha thứ của Đức Phật, để ông có thể nhẹ nhàng, thanh thản đi sang thế giới bên kia. Câu chuyện như muốn nói rằng: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” - mọi sự hối hận đều không bao giờ bị coi là muộn (Sự tích chùa Ishiteji). Truyện Con cáo và ông lão, cũng là một motif về sự tha thứ. Ông lão lương thiện đã khoan dung, tha chết cho tội lỗi của một con cáo, sự rộng lòng ấy đã khiến ông trở nên giàu có nhờ sự giúp đỡ của con cáo. Còn truyện Giấc mơ thì kể về sự khoan dung, độ lượng của một người vợ khi biết được chồng mình chết như thế nào từ người tình của anh, người vợ tha thứ để mong rằng người chồng của mình ở thế giới bên kia có được sự thanh thản…

Mô-típ tha thứ được người Nhật Bản sử dụng nhằm mục đích đề cao sự khoan dung, nhân ái của con người. Hướng con người tới chân-thiện-mĩ.

5. Mô-típ sự đền ơn:

Là một dân tộc có tinh thần đề cao ân nghĩa nên đây cũng là một mô-típ phổ biến trong truyện cổ tích Nhật Bản. Để chuộc lại lỗi lầm của mình và để cảm tạ lòng tốt của chàng câu cá Ichiemon (đã lén uống rượu của Ichiemon và được chàng tha thứ), con quỷ nước Kappa đã giúp anh bất cứ khi nào đi câu cũng được nhiều cá như mong muốn, điều ấy giúp cuộc sống của Ichiemon ngày càng sung túc hơn (truyện Chàng câu cá Ichiemon). Để đền ơn cho sự đối xử tử tế với mình của Jinbei (điều mà trước đây chưa ai từng làm), con yêu tinh đã nhiều lần giúp chàng khỏi túng thiếu, hoạn nạn, thậm chí giúp chàng trở nên giàu có nhất, hạnh phúc nhất (Con yêu tinh mũi dài thích rượu)…Trong truyện cổ tích Nhật Bản, nhân vật mang ơn đã phải cố gắng rất nhiều và trải qua những thử thách cam go, có khi hy sinh cả mạng sống của mình để trả ơn (VD: Truyện Những con cua của đền Kanimanji, Con cáo và ông lão, Con chim sẻ bị cắt lưỡi, Chiếc nón lá tặng cho Jizo …). Để trả ơn cho sự tốt bụng của cô gái đã cứu sống mình thoát khỏi lũ trẻ nghịch ngợm, khi cô gái lâm vào tình cảnh bị nguy hiểm bởi sự đe dọa của một con rắn, những con cua đã hy sinh cả mạng sống của mình để giết chết con rắn, bảo vệ an toàn cho ân nhân của mình (Những con cua của đền Kanimanji). Một con cáo ăn trộm đậu của một ông lão, sau khi cầu xin và nhận được sự tha thứ của ông lão, con cáo đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình để giúp đỡ ông lão (Con cáo và ông lão). Một con chim sẻ bị một cành cây đè gãy cánh, có một ông lão nhân từ bắt gặp đưa chim về nhà chữa vết thương và chăm sóc cho nó bình phục. Nhớ ơn ông lão chim đã tặng cho ông nhiều của cải quý giá (Con chim sẻ bị cắt lưỡi). Để đền ơn cho đôi vợ chồng già nghèo khổ nhưng tốt bụng, luôn giúp đỡ, xẻ chia với người khác, 6 pho tượng Jizo đã đem đến cho họ những quà tặng trong năm mới, kể từ đó họ sống hạnh phúc, no đủ mãi mãi (Chiếc nón lá tặng cho Jizo)…

Có thể thấy rằng trong truyện cổ tích Nhật Bản mô-típ đền ơn rất đậm nét, sở dĩ như vậy là do nhân vật trong truyện cổ tích Nhật Bản rất trọng tín nghĩa, đã mang ơn ai thì thế nào cũng phải tìm cách trả ơn, kể cả phải đổi bằng chính tính mạng của mình.

6. Mô-típ  sự hối hận:

Vì những lỗi lầm đã gây ra cho người khác, nhân vật trong truyện cổ tích Nhật Bản cũng có lúc thức tỉnh, hối hận. Họ thường dùng mọi cách để chuộc lại lỗi lầm của mình. Vì lòng tham, người làm vườn đã lừa gạt, bất kính với nhà sư, sự trừng phạt đã xảy ra tức thời và người làm vườn đã hối hận, chuộc lỗi bằng cách tặng không cây anh đào cho đền Ankokuji (Cây anh đào của đền Ankokuji). Phải gánh chịu tai họa bởi những hành động sai trái, sau khi 8 đứa con lần lượt ốm bệnh rồi chết, viên quan kiêu ngạo Kono Emonsaburo đã hồi tưởng lại tất cả những việc xấu xa, độc ác mà mình đã gây ra trong quá khứ, tỏ ra ân hận, chuộc lỗi bằng cách đem tất cả tiền bạc, của cải của mình chia cho mọi người, quyết tâm làm một cuộc hành hương đi tìm vị Phật sống kỳ lạ (người mà trước đây ông đã nhiều lần đối xử tàn tệ), để cầu xin sự khoan dung, tha thứ (Sự tích chùa Ishiteji). Hối hận vì hành vi quyến rũ chồng người khác, khi người chồng chết đi, người phụ nữ thứ hai đã quyết định đưa nắm tro xương của người chồng về cho người vợ như là bổn phận cuối cùng và xin được nhận sự trừng phạt của người vợ. Trước sự ân hận ấy, với tấm lòng bao dung, người vợ đã tha thứ cho người phụ nữ đã phá hoại hạnh phúc gia đình mình (Giấc mơ). Sự bội tín, không giữ trọn lời hứa đã khiến cho vị sư trưởng của chùa Kita-in phải nhận một bài học thấm thía, điều này làm ông ân hận và ra một điều luật rất nghiêm khắc về sau (Những con rồng của Kita-in). Trong truyện cổ tích Nhật Bản, sự hối hận không chỉ dành riêng cho con người, quỷ cũng có lúc biết hối hận. Ân hận vì tội lỗi trong quá khứ mà nó đã gây ra cho trẻ em và phụ nữ, sau khi cầu xin và được Jutaro tha thứ, con quỷ nước Kappa đã hứa sẽ không hãm hại con người và còn tặng cho anh một thứ thuốc mỡ thần kỳ có thể chữa lành mọi vết thương. Còn trong truyện Sự đền ơn của con Hạc, mặc dù người chồng đã hứa với vợ sẽ không nhìn vào phòng trong lúc vợ đang dệt vải, nhưng đã không giữ lời và thấy người vợ đang trong hình hài một con Hạc, phạm điều cấm kị khiến vợ chàng (vốn là một con Hạc) không thể ở bên chàng được nữa, người chồng đã rất ân hận vì việc không giữ lời của mình, hành động bội tín của chàng đã khiến chàng mất đi người vợ hiền và hạnh phúc của mình mãi mãi.

7. Mô-típ sự thông thái:

Người Nhật Bản rất coi trọng sự, thông thái, vì thế mô-típ ca ngợi sự thông thái xuất hiện nhiều trong truyện cổ tích Nhật Bản (VD: Hai anh em, Một cuộc thi tài, Núi của những người già, Những con Tanuki ở chùa Shojoji, Chữa bệnh tắt mắt…). Truyện Hai anh em là một truyện cổ tích điển hình đề cao giá trị của sự thông thái. Gia tài kếch xù của người cha cuối cùng không thuộc về người em mải mê buôn bán kiếm lời, mà thuộc về người anh, vì người anh sau khi lang thang tới nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, tiêu hết số tiền mà người cha đã đưa, anh đã tiếp xúc với nhiều người và học được nhiều điều hay trong thế giới này. Anh trở thành một người khác trước với nhiều hiểu biết phong phú, nhất là sự từng trải đã khiến cho anh có khả năng làm điều tốt và tránh khỏi những điều xấu. Anh đã chứng minh được cho người cha thấy kiến thức của anh là vô giá. Và người cha đã tin tưởng, ký thác toàn bộ sản nghiệp cho anh. Sự thông thái còn được ca ngợi trong truyện Núi của những người già, một bà lão với sự thông minh, dày dạn kinh nghiệm sống đã giúp đất nước 3 lần thoát khỏi chiến tranh, đã khẳng định cho lãnh chúa biết thế nào là sự cần thiết trong học hỏi kinh nghiệm của người già, và không phải người già là vô dụng và không gánh vác được công việc. Lãnh chúa đã thức tỉnh, hiểu được giá trị của những người già, quyết định hủy bỏ điều luật tàn ác đối với người già áp dụng trước đó. Tương tự vậy, Một cuộc thi tài cũng là câu chuyện đề cao trí tuệ. Truyện khẳng định một nhà nghệ sĩ tài năng thường dùng nhiều thời gian để ngẫm nghĩ hơn là làm những công việc chân tay tầm thường. Sau cuộc thách đố để so tài cao thấp, anh thợ Seishichi sau khi đã tiêu tốn hết thời gian vào rượu chè say sưa đã dùng một mẹo nhỏ để chiến thắng anh thợ Heishiro - người mà ngày đêm dành hết thời gian và công sức của mình để hy vọng tạo ra được một kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất hòng chiến thắng trong cuộc thi. Truyện Những con Tanuki ở chùa Shojoji là truyện ca ngợi sự thông minh trong xử sự của nhà sư đã quy phục được những con Tanuki chuyên bày trò phá phách chùa, đây là điều mà các nhà sư trước đó không làm được, sự ngoan cố và phá phách của chúng đã khiến họ không chịu đựng được và phải bỏ đi. Cũng xu hướng đề cao tri thức, người thầy lang thông minh trong truyện Chữa bệnh tắt mắt đã tỏ ra xuất sắc hơn người khi chỉ bằng một mẹo nhỏ chế biến thành công thuốc chữa thói hay ăn trộm của đứa con trai một bà lão - một căn bệnh lạ lùng nhất mà ông từng chứng kiến trong cuộc đời làm thấy thuốc của mình. Câu chuyện như muốn khẳng định có tri thức thì làm được tất cả, người có trí tuệ sẽ thành công trong cuộc sống, sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề cho dù vấn đề đó có khó đến đâu đi chăng nữa.

8. Mô-típ sự dũng cảm:

Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng kiểu nhân vật tiêu biểu, phổ biến trong truyện cổ tích Nhật là những nhân vật bình dị mà dũng cảm, mạnh mẽ và dám đương đầu. Trong truyện Kintaro, một lần vào rừng sâu gặp gấu dữ tợn - trong khi tất cả các con vật đều run lên sợ hãi - thì Kintaro đã bình tĩnh một mình giao chiến với gấu, bằng sức mạnh kỳ lạ, Kintaro đã nâng con gấu khổng lồ lên quá đầu, gấu vô vọng đầu hàng và trở thành một người bạn tốt của Kintaro; Mặc dù chỉ lớn hơn một ngón tay út, nhưng anh chàng tí hon Issum Boshi là một chàng trai có nhiều hoài bão và dũng cảm, trái tim chàng luôn hướng về mục đích trở thành một samurai vĩ đại. Tuy đã nghe nhiều tin đồn về một lũ quỷ ghê gớm thường đến vào ban đêm và bắt cóc những cô gái trẻ nhưng Issum Boshi cũng tình nguyện cùng bảy người khỏe nhất đi theo bảo vệ tiểu thư Naru khi nàng đi thăm đền Kiyomizu. Và khi đối diện trước con quỷ đỏ khổng lồ, gớm giếc với cái sừng gồ ghề, những cái vuốt dài và những cái răng nanh nhọn hoắt, trong lúc tất cả mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy thừa sống thiếu chết, thì Issum Boshi đã ở lại và bảo vệ an toàn mạng sống cho tiểu thư Naru đang sợ chết khiếp. Sự dũng cảm ấy được đền đáp bằng một lễ cưới linh đình và một cuộc sống hạnh phúc với tiểu thư Naru (Issum Boshi – anh chàng Samurai tí hon); Với lòng can đảm hơn người, chú bé Momotaro đã quyết tâm lên đường diệt bọn yêu tinh độc ác ở đảo “Yêu tinh”, chúng đã quấy phá hoành hành bấy lâu nay, gây hại và làm đảo lộn cuộc sống của con người nhưng con người không làm gì được chúng. Trên đường đi, bằng sự dũng cảm, mạnh mẽ, tự tin của mình, chú bé đã thu phục được một con chó hoang, một con khỉ và một con đại bàng cùng nhập cuộc. Họ đã hợp sức đánh bại lũ quỷ, khiến cho lũ quỷ hoàn toàn đầu hàng và hết sức cảm phục sức mạnh vĩ đại của họ (Chú bé trái đào Momotaro).

9. Mô-típ sự khỏe mạnh:

Nhân vật được mô tả như những con người có sức khỏe phi thường cũng là mô-típ dễ bắt gặp trong truyện cổ tích Nhật Bản. Trong truyện Kintaro, Kintaro được mô tả như sau: “Ngay khi còn ẵm ngửa, nó đã khỏe không thể tưởng tượng được. Khi đứa bé biết bò, nó đã thật sự có sức khỏe của một người đàn ông trưởng thành”. Cậu bé Kintaro thường chơi và đua tài với các bạn bè thú rừng, “thỉnh thoảng chúng đấu vật, nhưng tất nhiên là Kitaro luôn luôn chiến thắng”. “Khi mùa đông đến, tất cả các con vật đều chui vào hang và run cầm cập. Nhưng thời tiết băng giá dường như không ảnh hưởng tới thân thể Kintaro. Chú có thể chạy băng qua rừng hoặc té nước thỏa thích và vui vẻ ở sông. Trong những cơn bão tuyết mùa đông, chú có thể đứng ngoài trời cả đêm để giữ cho cái nhà của mẹ chú khỏi bay đi”. Và chỉ bằng sức mình, cậu bé Kintaro đã nhổ một cây cổ thụ bắc ngang qua hẻm núi tạo thành một cái cầu hoàn hảo. Gặp gấu khổng lồ, hung dữ, Kintaro đã dũng cảm giao chiến và “với sức mạnh kỳ lạ, nó nâng con vật khổng lồ lên quá đầu. Con gấu cào chân một cách vô vọng ở trên không”. Hành động của Kintaro khiến cho các bác thợ săn và những người hái củi từ mấy dặm xung quanh trầm trồ, thán phục, trở về làng với câu chuyện không thể tin được mà họ vừa chứng kiến: “Một thằng nhóc mặc một chiếc áo đỏ thêu vàng, với chiếc rìu trên vai, đã giơ cao một con gấu khổng lồ lên khỏi mặt đất và bắt nó phải hàng phục”. Kintaro đã lớn lên “cao lớn và khỏe mạnh không ai sánh nổi. Khi chú trở thành một chàng trai thật sự, chú đã nổi danh vĩnh viễn, trở thành một Samurai dũng cảm và vô địch”.

10. Mô-típ về trời:

Các nhân vật về trời là những nhân vật vốn là người trời xuống trần gian thực hiện một sứ mệnh nào đó hoặc vì một lý do khách quan (mất áo, mất cánh) không thể quay về trời được, sau khi hoàn thành sứ mệnh hoặc tìm thấy bộ áo, bộ cánh, nhân vật bay về trời. Motif về trời xuất hiện trong các truyện: Nữ thần nhà trời, Công chúa Kaguya, Hiko Boshi và Ôri Himê… Vốn là một nữ thần nhà trời xuống trần gian tắm, bị mất chiếc áo khoác thần tiên, sau khi tìm thấy áo, nàng bay về trời (Nữ thần nhà trời). Sống hạnh phúc với cha mẹ nuôi nơi trần thế, dù thâm tâm không muốn nhưng đến hạn cô cũng phải quay về trời trong niềm tiếc thương vô hạn của cha mẹ nuôi (Công chúa Kaguya). Hoàn cảnh thần kỳ cũng là yếu tố tạo nên sự gặp gỡ lạ thường với người phàm trần với tiên nữ như sự gặp gỡ của chàng trai và nàng tiên trong truyện Hiko Boshi và Ôri Himê, Ôri Himê vốn là một công chúa trên thiên đình, một hôm xuống trần gian tắm và bị Hiro Boshi lấy trộm mất áo thiên đình, ở lại kết hôn cùng Hiro Boshi, khi tìm thấy áo, cô bay về trời.  Có thể nói, bộ áo cánh của nàng tiên bị chàng trai giấu đi đã trở thành cầu nối cho hạnh phúc, đồng thời nó cũng là nguyên nhân tạo nên sự xa cách, chia ly giữa hai người. Dù là người trên trời hay trần gian, dù tự nguyện kết hôn hay do hoàn cảnh đưa đẩy thì giữa chàng trai và nàng tiên khi sống với nhau đều rất yêu nhau và có khoảng thời gian sống rất hạnh phúc.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng cuộc hôn nhân giữa những người trần tục và thần tiên thường không lâu bền, bởi sau một thời gian quên lãng tất cả để sống trong hạnh phúc thì nhân vật bắt đầu buồn nhớ quê hương, làng xóm, người thân… nếu là tiên trên trời thì khi tìm thấy bộ cánh (bộ áo) họ sẽ bay về trời, còn nếu là người trần gian thì họ nhất định từ bỏ cuộc sống thần tiên để quay về. Có thể thấy rằng, đi đến một thế giới khác, khám phá nó và chinh phục nó, đó chính là khát vọng chung của con người ở mọi dân tộc. Nhưng không ai có thể quên hẳn cuộc sống nơi mình đã sinh ra để trú ngụ ở một thế giới khác dù nó có hấp dẫn đến đâu. Đó chính là lòng yêu đời, yêu mảnh đất quê hương và sự gắn bó đã trở thành máu thịt với cuộc sống thực trong tầm tay họ. Đó là một tinh thần thực tế rất bình dân ở người Nhật, đồng thời đó cũng là tình cảm chung của những nghệ sĩ dân gian sáng tạo truyện cổ tích.

11. Mô-típ diệt yêu quái:

Yêu quái được miêu tả trong các truyện cổ tích Nhật Bản chủ yếu là những con quỷ, chúng thường xuyên quấy nhiễu cuộc sống con người, gây bất lợi cho cuộc sống của họ. Để thu phục và tiêu diệt bọn quỷ không phải bất cứ nhân vật nào cũng đảm nhiệm được, gánh vác trọng trách lớn lao ấy phải là những nhân vật gan dạ, khỏe mạnh, dũng cảm. Những nhân vật ra tay tiêu diệt bọn quỷ độc ác trong truyện cổ tích Nhật Bản rất đặc biệt, đó là chú bé tí hon trong truyện Chú bé trái đào Momotaro, đó là Isum Boshi, anh chàng samurai tí hon… Với vóc hình nhỏ bé nhưng khát vọng, ước mơ của họ thật lớn lao. Hành động tiêu diệt quỷ của Isum Boshi trong truyện Isum Boshi, anh chàng samurai tí hon gắn liền với việc nghĩa cao cả đó là cứu người - cứu tiểu thư Naru xinh đẹp (câu chuyện thuộc mô-típ diệt yêu quái - cứu người đẹp). Còn hành động tiêu diệt lũ quỷ của Momotaro là hành động xả thân vì cộng đồng, Momotaro đã tiêu diệt bọn quỷ, cứu mọi người thoát khỏi cảnh bị bọn quỷ độc ác cướp của và ăn thịt (Chú bé trái đào Momotaro)…

Cả hai truyện đều xuất hiện mô-típ diệt yêu quái nhưng cả hai đều nhấn mạnh vào sự thông minh, ca ngợi trí tuệ, nhân vật đã dùng mẹo để đưa lũ quỷ vào bẫy, khiến cho bọn chúng phải quy hàng. Điều này một lần nữa cho thấy người Nhật Bản rất coi trọng sự thông minh, thông thái.

12. Mô-típ người câm:

Mô-típ người câm tuy không phổ biến nhưng cũng thấy xuất hiện trong truyện cổ tích Nhật Bản. Truyện Nữ thần nhà trời kể về một nữ thần trên trời xuống trần gian tắm, để áo tiên trên bờ thì bị một chàng trai lấy trộm áo, khi biết chiếc áo đã vào tay một lãnh chúa, để lấy lại áo nàng đã phải giả câm, tìm cách đột nhập vào nhà lãnh chúa, chờ cơ hội và khi lấy lại được áo, nàng bay về trời. Đây là mô-típ nhân vật giả câm để tìm cách đoạt lại những thứ mà mình bị mất (chiếc áo tiên). Còn truyện Bức hình người đẹp là mô-típ nhân vật do bị tước đoạt hạnh phúc nên giả câm, và chỉ hết câm khi tìm lại được hạnh phúc của mình: từ khi người vợ xinh đẹp của Hyuroku bị bắt về hoàng cung của lãnh chúa, nàng chẳng nói chằng cười, khiến lãnh chúa rất buồn… cho đến một hôm khi nghe tiếng rao của chồng, người phụ nữ xinh đẹp đã cười nói vui vẻ như chưa từng bị câm trước đó… cái nút được tháo gỡ, nhân vật hết câm khi được đoàn tụ với chồng của mình và kẻ gian ác phải trả giá cho hành động sai trái.

14. Mô-típ người tí hon:

Motif người tí hon được thấy qua các truyện: Chú bé trái đào Momotaro, Isum Boshi, anh chàng samurai tí hon, Công chúa Kaguya, Cái áo tàng hình của quỷ Tengu, Vì sao nước biển lại mặn. Đó là một chú bé nhỏ đúng bằng một quả đào, từ trong quả đào nhảy ra trong truyện Chú bé trái đào Momotaro. Đó là một chú bé không lớn hơn một ngón tay út trong truyện Isum Boshi, anh chàng samurai tí hon. Đó là một cô bé tí hon chỉ cao độ 3 centimet chui ra từ ống tre trong truyện Công chúa Kaguya. Đó là cậu bé tí teo nhưng hết sức thông minh và tinh nghịch đã dùng mẹo chiếm được chiếc áo tàng hình của quỷ Tengu và bày ra nhiều trò nghịch phá mọi người xung quanh trong truyện Cái áo tàng hình của quỷ Tengu. Đó là đám người tí hon sống trong hang núi mà đối với họ một người vóc dáng bình thường trở thành một người khổng lồ (Vì sao nước biển lại mặn). Với vóc hình nhỏ bé nhưng ở họ đều chứa đựng những khát khao lớn lao và có những đóng góp to lớn cho cộng đồng. Đó cũng là ước mơ chinh phục những điều lớn lao được tác giả dân gian gửi gắm qua truyện cổ tích.

Trên đây là một số mô-típ phổ biến trong truyện cổ tích Nhật Bản, tuy chưa đủ, chỉ là những mô-típ được thể hiện đậm nét qua những truyện cổ tích mà chúng tôi khảo sát nhưng hy vọng với những mô-típ chúng tôi tìm hiểu sẽ phần nào giúp chúng ta có những hiểu biết nhất định về truyện cổ tích Nhật Bản nói riêng, văn học dân gian Nhật Bản nói chung. Từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về con người, đất nước và nền văn học dân gian độc đáo của xứ sở Phù Tang.

 

LÊ THỊ QUỲNH HẢO

(Khoa Đông phương - Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Eiichi Aoki, Nhật Bản, đất nước và con người, Nxb văn học, Hà Nội, 2006.

2. Félician Challaye, Truyện cổ Nhật Bản, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2004.

3. Nhật Chiêu, Truyện cười Nhật Bản, Nxb Mũi cà Mau, 1987.

4. Nguyễn Văn Dân: Phương pháp nghiên cứu văn học, Nxb KHXH, Hà Nội, 2004.

5. Chu Xuân Diên, Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp, Tp. HCM, 1987.

6. Dương Ngọc Dũng, Chuyên luận Nhật Bản học, Nxb Tổng hợp, Tp HCM, 2008

7. Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.

8. Hà Văn Lưỡng, Sự tiếp nhận văn học Nhật Bản ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (96), 2009.

9. Bùi Văn Ngân, Ngược dòng lịch sử, tìm hiểu cội nguồn, bản lĩnh, bản sắc dân tộc Nhật qua thư tịch và truyện cổ dân gian, Tạp chí Văn học số 1, 1999, tr. 4-6.

10. Nguyễn Thị Nguyệt, Bảng mục lục tra cứu type và môtip truyện cổ dân gian Nhật Bản của Keikoseiki và Hiroko Ikeda, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3 (165), 1998, tr. 61 - 63.

11. Bùi Mạnh Nhị, Phân tích tác phẩm văn học dân gian, Sở Giáo dục An Giang, 1988.

12. Lê Hồng Phong, “Về sự vận động của văn học dân gian”, Văn học Việt Nam thế kỷ XX (nhiều tác giả), Nxb Văn hóa Dân tộc, 2002.

13. Lê Phong, “Truyện cổ Tây Nguyên và truyện cổ Đông Nam Á – một số motif chung”, Lang Bian, (36), 2002.

14. Lê Phong, “Về nhân vật tôn giáo trong truyện cổ tích”, Tạp chí Văn học, (1), 1993.

15. Đặng Đức Siêu, Tinh hoa văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục, 2007

16. Lại Văn Toàn (Chủ tịch Ban biên tập), Văn học Nhật Bản, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0thảo luận