Trang chủ

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH MỚI: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Đăng ngày: 12-08-2014, 10:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 3

Các nước Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ)  chủ yếu của Việt Nam. Bài viết này cố gắng phân tích thực trạng XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản và nêu lên một số gợi ý về giải pháp đẩy mạnh phát triển  thị trường quan trọng này  hiện nay và trong thời gian tới.

1. Thực trạng xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản

1.1. Chủ trương nhập khẩu lao động của Nhật Bản

Nghiên cứu thị trường lao động của Nhật Bản hiện nay cho thấy nước này đang phải đối mặt với thực tế khó giải quyết, đó là trong khi tìm việc ở trong nước không dễ dàng thì nhiều lĩnh vực lại đang thiếu lao động mà không tuyển dụng được. Về mặt chủ trương Nhật Bản thực hiện bảo hộ thị trường trong nước và chỉ khuyến khích nhập khẩu lao động có trình độ cao. Luật nhập cư và người di dân năm 1990 quy định rõ: Không sử dụng lao động nước ngoài chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều ngành nghề, nhất là các ngành khu vực 3D rất cần lao động. Do vậy, Nhật Bản đã phải tiếp nhận lao động từ các nước đang phát triển sang tu nghiệp nâng cao tay nghề tại Nhật Bản (gọi tắt là Tu nghiệp sinh TNS). Mục đích được công bố về TNS là cách thức để chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, giảm số lượng lao động bất hợp pháp, đáp ứng lao động cho các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, với quy chế TNS người lao động (trainee) được hưởng trợ cấp tu nghiệp (Trainee allowance) và thực tế mức hưởng cao hơn tiền lương LĐXK ở một số nước. Hàng năm Nhật Bản tiếp nhận khoảng 45.000 TNS từ các nước và làm việc 2-3 năm.

Theo quy định của Nhật Bản, mục đích của TNS là sang học tập trau dồi nghề nghiệp nên không được tham gia lao động trả lương và không được nhận lương. Sau thời hạn kết thúc khóa tu nghiệp nếu được đánh giá tốt về kỹ năng và đạo đức sẽ được ký hợp đồng đào tạo kỹ thuật với doanh nghiệp tiếp nhận TNS. Ở giai đoạn này TNS mới được nhận lương theo thỏa thuận hợp đồng và được làm thêm ngoài giờ.

Các hình thức tiếp nhận TNS bao gồm:

- Chương trình do công ty trực tiếp tuyển sinh:

+ Thông qua công ty mẹ ở nước ngoài hoặc đang hoạt động ở đó.

+ Do các công ty thực hiện qua khâu trung gian: các công ty, văn phòng thương mại, các tổ chức của Nhật Bản...

- Do Cơ quan Hợp tác Tu nghiệp Nhật Bản (JITCO) là tổ chức phi chính phủ của Nhật hoạt động trong lĩnh vực lao động.

Ngoài ra, còn có nhiều  trường hợp khác sang Nhật TNS theo các con đường khác nhau.

Với những quy định về TNS không chỉ giúp một số lượng lớn lao động của các nước sang Nhật Bản đào tạo tu nghiệp và đưa lại nhiều lợi ích cho đất nước và cá nhân người lao động: nâng cao tay nghề, kỹ năng kỹ thuật và quản lý, thu nhập...mà về phía Nhật Bản với sự tham gia của TNS đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động, nhất là ở các xí nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với những quy định khá nghiêm ngặt về TNS đã không phù hợp với sự thay đổi nói chung, thị trường lao động của Nhật Bản nói riêng. Vì vậy, ngày 19/6 Hạ viện và ngày 8/7 năm 2009 Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật xuất nhập cảnh và các vấn đề liên quan đến TNS. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2010. Nội dung quan trọng sửa đổi lần này là “ Bỏ tư cách lưu trú tu nghiệp, xác lập tư cách lưu trú kỹ năng”. Quy định này đã tạo lập căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi TNS, theo đó người lao động sẽ được cấp Thẻ cư trú và được đối xử như lao động Nhật Bản với sự đảm bảo đầy đủ bởi các luật lệ của Nhật Bản có liên quan. Các nội dung cơ bản sửa đổi lần này bao gồm:

- Người lao động tham gia chương trình này có tư cách “Thực tập kỹ năng” thời gian không quá 3 năm được gọi là “Thực tập sinh” (TTS). TTS sẽ phải tham gia khóa học về tay nghề, giáo dục định hướng và hiểu biết về Nhật Bản. Sau đó, sẽ được ký kết hợp đồng lao động và được hưởng quyền lợi như lao động Nhật Bản.

- Nhật Bản sẽ áp dụng biện pháp xử lý trục xuất nếu TTS vi phạm các quy định của Nhật: làm giấy tờ giả, giấy chứng nhận giả...

- Nâng cao hoạt động quản lý, giám sát cả TTS và người giới thiệu, tuyển dụng, tiếp nhận...

Bổ sung thêm ngành nghề và loại hình TTS sẽ thực hiện: 64 ngành nghề và 120 loại hình công việc (so với trước đây tương ứng là 63 và 116).

Hiện nay, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên số lượng lao động tiếp nhận vào Nhật Bản giảm đi khoảng 15-20%, hơn 40% phải chuyển đổi địa điểm làm việc và 20% phải về nước... Song, với Luật sửa đổi bổ sung mới sẽ là cơ hội mở rộng cánh cửa vào Nhật cho lao động nước ngoài nói chung, Việt Nam nói riêng. Vì vậy, chuẩn bị đội ngũ lao động có chất lượng để mở rộng thị trường quan trọng này là công việc hết sức cấp thiết hiện nay và trong thời gian tới đối với chúng ta.

1.2. Thực trạng XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản

Xác định Nhật Bản là một trong những thị trường XKLĐ trọng điểm nên Việt Nam đã tích cực khai thác thị trường này. Bắt đầu từ năm 1992 chúng ta đã gửi TNS sang Nhật Bản và từ đó đến nay đã có hơn 40.000 TNS sang học tập và làm việc tại các công ty của Nhật Bản. Hiện nay số TNS tại Nhật là 10.000 người, TTS là 6.740 người. Năm 2008 số lượng lao động Việt Nam sang Nhật chỉ tăng 5%, và 6 tháng đầu năm 2009 giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

TNS Việt Nam sang Nhật làm việc trong 53 ngành nghề,  trong đó số làm trong ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là giao thông, thủy sản...TNS Việt Nam có mặt hầu hết các vùng miền của Nhật Bản, song tập trung là các vùng kinh tế chủ yếu như: Gifu, Kansai, Aichi, Hiroshima...

Nét mới đáng chú ý là gần đây Việt Nam đã đưa sang Nhật Bản khoảng 1000 kỹ sư, kỹ thuật viên tin học... Số lao động này đi theo các công ty xuất khẩu lao động hoặc đi theo con đường cá nhân. Hiện nay Việt Nam có 99 doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Nhật Bản làm việc và tu nghiệp. Ngoài ra, còn có khá nhiều công ty là các công ty con hoặc liên doanh đã trực tiếp tuyển lao động sang Nhật Bản. Mặc dù gần đây số lượng lao động sang Nhật tăng chậm, song Việt Nam hiện là nước đứng thứ 2 sau Trung Quốc và vượt cả Philipin và Indonêsia về số lượng TNS ở thị trường này. Nhìn chung, phía Nhật Bản đánh giá cao tay nghề và sự cần cù chịu khó của người lao động Việt Nam. Hầu hết lao động có thu nhập khá, cuộc sống ổn định và đóng góp tốt cho doanh nghiệp, gia đình. Trong số TNS có nhiều người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề và tiếng Nhật. Năm 2008 đã có 6 TNS đạt giải tiếng Nhật trong cuộc thi dành cho TNS nước ngoài.

Với quy định mới của Nhật, thu nhập của TTS có thể lên tới 1800 USD/ tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để cải thiện đời sống và giảm thiểu những tiêu cực trong cộng đồng lao động Việt Nam ở Nhật Bản.

Mặc dù đạt được những kết quả tốt trong XKLĐ sang Nhật, song thực tế việc khai thác thị trường này còn hạn chế. Có thể nêu lên một số tiêu cực và nguyên nhân chủ yếu sau:

- Các doanh nghiệp tổ chức LĐXK chưa chú trọng chất lượng lao động và chưa chuẩn bị tốt về kỹ năng cũng như hiểu biết và đạo đức lao động. Do chỉ chú trọng về số lượng, vì thế đã xảy ra không ít trường hợp lao động kém, lười biếng...và phát sinh nhiều tệ nạn xấu gây ảnh hưởng cho cả cộng đồng.

- Tỷ lệ lao động bỏ trốn khá cao, hiện chiếm khoảng 2% số lao động Việt Nam  khiến phía Nhật Bản rất bất bình. Số lao động bỏ trốn không chỉ đã làm tổn hại đến hình ảnh người Việt Nam mà thậm chí có một số lao động đã bị lôi kéo chống phá và tham gia cả các phong trào phản đối ở nước bạn.

- Có rất nhiều lý do về phát sinh tiêu cực trong XKLĐ nói chung, sang Nhật Bản nói riêng, trong đó có việc lệ phí mà người lao động phải trả quá cao để có thể đi LĐXK. Việc thu phí vô tội vạ, qua nhiều khâu trung gian, trục lợi, thậm chí lừa đảo... đã tạo ra gánh nặng cho người lao động và gia đình của họ. Vì thế, để bù đắp chi phí đã bỏ ra không ít người lao động đã bất chấp luật lệ của phía bạn và dẫn đến phạm pháp. Trên thực tế, chi phí  thực tế  người lao động phải bỏ ra để sang Đài Loan vào khoảng 6000-7000 USD, đi Nhật Bản khoảng 90 triệu đồng, chưa kể khoản thế chấp... có khi lên tới 150-200 triệu đồng. Người ta tính rằng nếu làm đúng quy định chi phí đi Đài Loan chỉ khoảng 3000-4000 USD, Nhật Bản khoảng 4000-5000 USD. Với việc XKLĐ chui, bất hợp pháp người lao động phải trả đến 180 triệu để đổi lấy chuyến đi không biết tương lai rõ ràng.

Dĩ nhiên, không ít các doanh nghiệp và những người môi giới ở Nhật Bản đã trở thành những kẻ tòng phạm với việc chứa chấp sử dụng lao động bất hợp pháp và trục lợi trong hoạt động nhập khẩu lao động. Do vậy, việc chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, lộn xộn trong XKLĐ sang Nhật Bản là hết sức cần thiết nhằm lành mạnh hóa và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia XKLĐ và cho chính 2 nhà nước Việt Nam và Nhật Bản.

2. Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Có lẽ chưa có giai đoạn nào quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang diễn ra khá tốt đẹp như hiện nay. Vì thế, tận dụng cơ hội này trong việc mở rộng quan hệ với Nhật nói chung, XKLĐ nói riêng là hết sức quan trọng. Để đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

2.1.  Về mặt chủ trương, chính sách và tổ chức XKLĐ

Tiếp tục xác định đây là thị trường chủ yếu của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Để thực hiện chủ trương này cần phải được quán triệt đầy đủ rõ ràng đối với các Bộ ngành, các tỉnh và doanh nghiệp của Việt Nam. Theo đó cần rà soát lại các quy định về đưa người lao động đi làm việc ở Nhật; Công bố công khai những công ty, trung tâm nào được tuyển dụng, thành lập các quỹ đảm bảo (thế chấp) đối với cả doanh nghiệp và cả người lao động. Cần học tập kinh nghiệm của Philipin, Inđonesia về thành lập văn phòng lao động với các chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức cụ thể. Điều quan trọng là nhà nước phải giám sát và quản lý được các hoạt động của các cơ quan này. Dựa trên các thảo thuận EPA đã ký kết sớm thành lập Tiểu ban về di chuyển thế nhân. Trong đó, liên quan đến việc tiếp nhận nhân viên y tế và các loại lao động khác. Hàng năm hai phía Việt Nam và Nhật Bản nên có các cuộc trao đổi về vấn đề TNS và TTS ở cấp nhà nước để đánh giá đúng thực tế và tìm kiếm cách thức giải quyết cụ thể các vướng mắc, trở ngại. Việc hợp tác với các cơ quan chuyên ngành là hết sức quan trọng cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

2.2. Nâng cao chất lượng lao động và trách nhiệm của các doanh nghiệp XKLĐ.

Với quy định mới về TTS đã mở ra cơ hội lớn, song cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới. Trong đó, nâng cao chất lượng lao động là điều kiện tiên quyết. Theo đó, tất cả lao động tùy mức độ và yêu cầu khác nhau cần phải được đào tạo bài bản cả về chuyên môn, đạo đức và nghiệp vụ. Cần thiết phải tổ chức các kỳ sát hạch nghiêm túc để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn XKLĐ. Nhà nước cùng với doanh nghiệp có các chương trình đạo tạo cụ thể phù hợp với yêu cầu của phía bạn. Bản thân các doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài và có cách thức tổ chức XKLĐ khoa học, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của thị trường lao động Nhật Bản. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động là yêu cầu sống còn của chính họ. Điều này cần được chú trọng từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sang Nhật làm việc cho đến kết thúc và  sau khi về nước. Phấn đấu để tỷ lệ lao động tái tuyển dụng cao- thước đo uy tín, chất lượng lao động và của doanh nghiệp. Quan tâm đến “hậu lao động” phải được coi là trách nhiệm chung của nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và chính người lao động.

2.3. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu thị trường lao động Nhật Bản và học tập kinh nghiệm XKLĐ của các nước.

Nhật Bản là quốc gia phát triển cao, do đó mọi hoạt động đều tuân thủ theo pháp luật. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động vào Nhật Bản chỉ có thể đạt kết quả tốt khi chúng ta hiểu rõ về thị trường này và đáp ứng tốt yêu cầu của bạn. Vì thế, việc nghiên cứu đầy đủ để cung cấp thông tin nói chung, thị trường lao động Nhật Bản nói riêng là hết sức cần thiết. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước, các công ty và bản thân người lao động. Ngoài ra, cần phải học tập kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực XKLĐ nói chung, mở rộng thị trường LĐ Nhật Bản nói riêng. Sớm hoàn thiện các chế tài về thưởng phạt hoạt động XKLĐ, trong đó có XKLĐ sang Nhật Bản.

Tóm lại: Hiện nay và trong những năm tới Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường XKLĐ chủ yếu của Việt Nam. Vì thế, cả chủ trương và biện pháp thực tế phải hướng tới khai thác tốt hơn thị trường này. Nâng cao trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của các bên là yêu cầu cấp thiết của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và chính người lao động hiện nay và trong thời gian tới.

 

NGUYỄN MẠNH TUẤN

(TS, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Chiến lược XKLĐ và chuyên gia thời kỳ 2001-2010. Cục quản lý lao động ngoài nước.

2. Triển vọng hợp tác  giữa Việt nam và Nhật Bản, trang thông tin điện tử của Bộ Lao động thương binh xã hội 28/9/2006.

3. Những thay đổi tại thị trường lao động Nhật Bản và di cư lao động quốc tế, Tạp chí Việc làm ngoài nước, số 3/2001.

4. Nghị định 81/2000/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài 17/7/2003.

5. Lê Văn Thanh (Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản): Đẩy mạnh việc đưa lao động Việt nam sang Nhật Bản, Htt:/nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub =131&article=159169.

6. Monthly Report of Prospects for Japan’s Economy September 2009. The Japan Resarch Institute.

0thảo luận