Trang chủ

ĐÔNG Á KHỞI ĐẦU HỒI PHỤC SAU KHỦNG HOẢNG

Đăng ngày: 11-08-2014, 10:48 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 2

 

Đông Á từng là khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới.  Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Đông Á cũng được đánh giá là khu vực đang  phục hồi sớm nhất. Đông Á hồi phục kinh tế nhanh hơn bởi họ đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Trong thập kỷ qua, các nước Đông Á đã nỗ lực xây dựng nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, củng cố khả năng tài chính, cố gắng giảm nợ chính phủ và thắt chặt điều tiết ngân hàng. Bài viết đề cập một số tín hiệu lạc quan cũng như những thách thức tiềm ẩn trong phát triển kinh tế Đông Á.

I. Những tín hiệu lạc quan

Những cải tiến trong chính sách cơ cấu kinh tế vĩ mô, sự chặt chẽ hơn trong cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng, sự điều hành doanh nghiệp tốt hơn và quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong khu vực tư nhân đã giúp Đông Á khắc phục và dần vượt lên từ khủng hoảng.

1. Kinh tế đang dần hồi phục, xuất khẩu tăng

Cả ba nước Đông Bắc Á đều có mức tăng trưởng dương trong quí II/2009, mức tăng GDP của Trung Quốc đạt 7,9%, GDP của Nhật Bản đạt 1,3% - đây là lần đầu tiên GDP của Nhật Bản tăng sau 5 quí liên tiếp sụt giảm của nền kinh tế Nhật Bản. Sản lượng kinh doanh của các nhà máy  tăng 8,3% - mức tăng mạnh nhất sau lần sụt kỷ lục 22,1% trong quý I/2009 và là mức tăng mạnh nhất trong 56 năm qua của Nhật. Chỉ số chứng khoán Kospi tăng 34% tính từ đầu năm 2009. GDP của Hàn Quốc tăng 2,3% trong quí II/2009. Sản lượng công nghiệp ở Hàn Quốc cũng liên tục tăng.

Trong nửa đầu năm 2009, thương mại của các nước Đông Bắc Á liên tục tăng. Thương mại của Nhật Bản đạt 508 tỉ yên, tương đương 5,4 tỉ USD, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2008.  Xuất khẩu của Nhật Bản tăng trung bình 6,9%. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng tăng 14,7%.  Xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như tàu thuyền và sản phẩm LCD có xu hướng tăng mạnh, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 7,4 tỉ USD - mức cao nhất cho đến nay do xuất khẩu đạt 33 tỉ USD, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 25,6 tỉ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc đạt 521,7 tỉ USD - lần đầu tiên Trung Quốc vượt Đức (521,6 tỉ USD) trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất trong 10 nền kinh tế lớn thế giới đang tăng trưởng.  Dự báo, năm 2009, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 8% nhờ các biện pháp kích thích kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu nội địa. Các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu điều chỉnh cơ cấu kinh tế dài hạn và bền vững.

Trong khối các nước Đông Nam Á, Singapore có mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục, GDP tăng 20% trong quý II/2009. Sự phục hồi an toàn của Singapore nhờ một số ưu thế nổi bật như: 1) Tỉ lệ thất nghiệp thấp; 2) Singapore có nền kinh tế đa dạng, năng động. Một số lĩnh vực sản xuất (cơ khí hàng hải, xây dựng…) vẫn tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; 3) Vị thế tài chính của chính phủ vững mạnh. Các hoạt động tài chính, ngân hàng và quản lý tài sản của các ngân hàng tư nhân vẫn hoạt động tốt. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia phục hồi nhanh với mức tăng trưởng 4,5% GDP quí II/2009. Sản xuất công nghiệp đạt 10,6% (tháng 8/2009) gấp đôi so với mức tăng trưởng đầu năm 2009. Doanh thu bán lẻ của tư nhân và doanh nghiệp vượt hơn 20%. Các thị trường vốn của Việt Nam tăng tới 60%.

Tại Singapore, Thái Lan, Inđônêsia, Malaysia và Việt Nam, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo ADB, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực Đông Á sẽ là 3%  năm 2009 (thấp hơn so với  6,1% năm 2008) nhưng vẫn là tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Tăng trưởng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore bỏ xa tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc quý II/2009 tăng gần 10%, của Singapore tăng 20%, của Trung Quốc tăng 15-17%, trong khi tại Châu Âu và Mỹ, kinh tế quý II/2009 vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Đông Á có sự hồi phục nhanh là do: Thứ nhất, Đông Á vốn sẵn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn các nước phương tây; Thứ hai, nền kinh tế Đông Á phụ thuộc vào sản xuất hàng hóa. Khi tiêu dùng nội địa được khôi phục thì nền kinh tế sẽ có được sự tăng trưởng.

2. Lạm phát có xu hướng giảm nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ

Thành quả nhiều năm tăng trưởng kinh tế cho phép Đông Á mạnh tay sử dụng chính sách tiền tệ để kiểm soát cuộc khủng hoảng. Tất cả các nước trong khu vực Đông Á đều đã nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nước như  Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc và  Singapore đã công bố kế hoạch giải cứu lớn, tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Singapore và Malaysia công bố gói kich thích tài chính lớn hơn 4% GDP (gấp 2 lần gói kích thích kinh tế của Mỹ ). Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã liên tục cắt giảm lãi suất nhằm trợ giúp các doanh nghiệp. Tháng 10/2008, lãi suất ngân hàng của Hàn Quốc đã giảm tới 3,25%. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Philippin đã giảm thuế cho người dân thay vì chi tiêu công. Kế hoạch tài chính với mức chi tiêu tương đương 12% GDP (của Trung Quốc) đã và đang phát huy tác dụng. Giá cả trung bình ở Trung Quốc giảm trung bình 1,5% trong 6 tháng đầu năm 2009. Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam giảm từ mức đỉnh 27,9% (tháng 9/2008) xuống 3,9% (tháng 6/2009) và 2% (tháng 8/2009). Lạm phát giảm, các ngân hàng trung ương đã áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và áp dụng các biện pháp tài chính khác để làm tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng,  khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay.

3. Kích cầu nội địa đã có dấu hiệu khả quan

Đông Á thoát khỏi suy thoái kinh tế là nhờ chính phủ các nước này đã thực hiện nhiều biện pháp chống suy giảm kinh tế kiên quyết. Hàn Quốc đã thông qua gói ngân sách bổ sung chưa từng có trong lịch sử trị giá 21 ti USD nhằm tạo việc làm mói và kích thích kinh tế, gói kích cầu nội địa của Hàn Quốc tương đương 5,4% GDP – mức chi ngân sách bổ sung cao nhất khu vực. Nhờ vậy, chi tiêu cho tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng 3,3% (quí II/2009) so với quí I – đây là mức cao nhất trong 7 năm qua của Hàn Quốc. Chi tiêu cho các công trình công cộng ở Nhật Bản tăng 10,7%. Chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản) tăng 0,9% -  lần đầu tiên chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản tăng kể từ sau khủng hoảng. Những dấu hiệu này chứng tỏ, nhu cầu đối với hàng hoá Nhật Bản đang lên nhờ tác động của những gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, thay vì tập trung cho xuất khẩu như trước, chính phủ đã tập trung vào thị trường nội địa. Các giải pháp mà Chính phủ Trung Quốc tập trung cho nội địa bao gồm tăng lương, tăng phúc lợi xã hội. Chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc chiếm hơn 7% GDP năm 2009 và dự báo 8% vào năm 2010. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế khác ở Đông Á phục hồi nhờ tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thị trường Mỹ và Châu Âu hiện đang ảm đạm.

Chi tiêu nội địa ở Đông Nam Á (Singapore và Indonesia) đang phục hồi nhờ các gói kich cầu giá trị lớn và tỏ ra hiệu quả hơn ở các nước phương Tây. Nhờ các khoản kích thích tài chính lớn và tình trạng tài chính của khu vực tư nhân tốt nên tiêu dùng nội địa Đông Nam Á đã tăng lên, dự đoán khoảng 4 -5% năm 2009 và đạt 7% năm 2010. Hài hòa thị trường nội địa đã giúp các nền kinh tế Đông Á tiếp tục đà tăng trưởng.

4. Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Mặc dù FDI suy giảm trong cuộc khủng hoảng, song, các nước  ASEAN và Trung Quốc vẫn thể hiện được sức mạnh và khả năng  thu hút đầu tư nước ngoài. Với 3 tỷ dân và sở hữu phần lớn dự trữ ngoại hối trên thế giới, các nền kinh tế Đông Á sẽ trở thành nơi được giới đầu tư lựa chọn vì có đủ điều kiện phát triển và khá ổn định về chính trị.  Đông Nam Á và Trung Quốc có tỷ lệ lao động trẻ cao sẽ hỗ trợ tăng trưởng lâu dài nên càng thu hút vốn lớn đầu tư quốc tế.  Dự đoán, FDI vào Trung Quốc mỗi năm đạt khoảng 87 tỷ USD  trong giai đoạn 2007 -2011 và chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu. Trong cuộc khảo sát về triển vọng đầu tư do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố ngày 7/2009, có 240 công ty đa quốc gia TNCs khẳng định Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho FDI đứng trên cả Mỹ, Brazil và Nga.

Trung Quốc không chỉ thu hút FDI, mà đang trở thành những nước đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều. Tính đến cuối năm 2008, Trung Quốc đã có 12.000 dự án đầu tư chính thức ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kỷ nguyên “Trung Quốc sản xuất” đang chuyển dần sang thời đại “Trung Quốc sở hữu”. Hàng loạt dự án với tổng trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc sẽ được triển khai trước năm 2015 và tập trung chủ yếu tại Brazil, Argentina, Chile, Columbia và Venezuela.  Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và các châu lục khác đã tăng 70%  năm 2007. Vốn đầu tư của Trung Quốc tại Châu Phi tăng lên 2 tỉ USD tính đến cuối năm 2008. Lý do Trung Quốc đầu tư mạnh ra nước ngoài bởi lẽ: Thứ nhất, để tăng lợi ích của FDI và tăng những lợi thế cạnh tranh về vốn. Chiến lược đầu tư của Trung Quốc dựa vào sự thay đổi cơ cấu công nghiệp toàn cầu, đồng thời làm giảm bớt những nguy cơ liên quan đến tỉ giá hối đoái cũng như sự phụ thuộc vào trái phiếu Mỹ; Thứ hai, do tình trạng suy thoái xuất khẩu. Đây là cơ hội để Trung Quốc hướng vào cơ cấu công nghiệp tích cực dài hạn; Thứ ba, do cơ chế ngày càng mở cửa của Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho lượng vốn của Trung Quốc chảy ra nước ngoài; Thứ tư, do khả năng tài chính của Trung Quốc ngày càng mạnh. Với nguồn ngoại tệ dồi dào (dự báo lên tới 2,7 nghìn tỉ USD năm 2009), Trung Quốc đang triển khai hàng loạt  chính sách và giải pháp để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài; Thứ năm, đầu tư ra nước ngoài còn có ý nghĩa giúp Trung Quốc cân bằng thặng dư mậu dịch (đạt mức kỷ lục 64 tỉ USD trong qui II/2009). Trong những năm tới, Trung Quốc vừa là nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn, vừa là nước đầu tư lớn của thế giới.

II. Vẫn còn tiềm ẩn những thách thức

Mặc dù đã có một vài dấu hiệu hồi phục, song nền tảng của sự phục hồi này vẫn còn yếu, động cơ tăng trưởng chưa ổn định, cách thức hồi phục chưa cân bằng. Sụ phục hồi chủ yếu dựa vào chính sách tài chính chứ không phải dựa vào sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế, nên cơ sở của sự phục hồi chưa vững chắc. Để tiếp tục duy trì vững chắc sự phục hồi, Đông Á cần tiếp tục các biện pháp tổng quát để giải quyết những vấn đề khó khăn hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục những chính sách kích thích kinh tế để đối phó với những rủi ro suy giảm.

Kinh nghiệm từ những cuộc suy thoái trước đây cho thấy, các gói cứu trợ và kích cầu của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế.  Nếu các chính phủ vội vàng kết thúc các chương trình kích thích kinh tế quá sớm thì tình trạng phục hồi sẽ không bền vững. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Với gói kich thích kinh tế trị giá 586 tỉ USD, Trung Quốc đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc giảm tác động của cuộc khủng hoảng. Kinh nghiệm của Nhật Bản đối với chính sách tiền tệ trong cuộc khủng hoảng những năm 1990 cho thấy, các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ tín dụng  cho khu vực tư nhân nhằm kịp thời  giải quyết mọi căng thẳng cơ bản của hệ thống tài chính cũng như của các tập đoàn. Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng và phục hồi nhanh nhờ thặng dư cán cân vãng lai và  những yếu tố cơ bản sau: Thứ nhất, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy thực hiện các chính sách ổn định tài chính và tài chính mở rộng từ cuối năm 2008; Thứ hai, Hàn Quốc có lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào, lên đến 240 tỉ đô-la Mỹ, tỉ lệ lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh; Thứ ba, công nghiệp ô-tô đóng tàu và công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc có tính cạnh tranh cao, giữ cho xuất khẩu ổn định.  Với nền tảng chính trị vững chắc, Hàn Quốc không gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp can thiệp tài chính mạnh mẽ. Sự hồi phục nhanh chóng của các nền kinh tế Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia) cũng là nhờ đưa ra những gói kich thích kinh tế lớn và hiệu quả.

Vì vậy, biện pháp áp dụng vẫn là tiếp tục tung ra những gói kích cầu trong năm 2010 để bảo hiểm trước những rủi ro còn đang tiềm ẩn. Các gói kích cầu sẽ vẫn kéo dài cho đến khi sự hồi phục được thiết lập một cách vững chắc.

Thứ hai, cân bằng lại tăng trưởng giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng tới cầu nội địa

Muốn thúc đẩy kinh tế nhanh chóng phục hồi, cần phải tăng thêm sức mua của người dân. Nhân tố then chốt cho sự phục hồi kinh tế bền vững lâu dài ở Đông Á chính là tăng nhu cầu trong nước và khu vực. Khi mà kinh tế thế giới phải cần tới 5 năm nữa mới hy vọng lấy lại tốc độ phát triển như trước khủng hoảng thì Đông Á không thể trông cậy vào xuất khẩu để vươn lên mà cần dựa vào nội lực là chính. Trung Quốc đã và đang khuyến khích tiêu dùng tư nhân thông qua việc thiết lập những hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả hơn nhằm làm giảm nhu cầu tiết kiệm dự phòng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục và hưu trí. Sự lên giá của đồng tiền cũng có ích trong việc tạo ra động lực về giá giúp chuyển dịch sản xuất từ xuất khẩu sang phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và tăng thu nhập thực tế của các hộ gia đình, từ đó kích thích tiêu dùng. Theo đó, tiêu dùng trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế. Chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ chú trọng chuyển hướng tăng trưởng từ tập trung vào đầu tư về vốn sang phát triển bền vững.

Đông Nam Á cũng đang tăng cường hội nhập kinh tế nội khối, coi tiêu thụ nội địa là trụ cột của sự phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng nội địa,  chính phủ Malaysia đã cho phép tự do hóa một số ngành dịch vụ, bao gồm dịch vụ xã hội và y tế, du lịch, vận tải, kinh doanh và dịch vụ liên quan đến máy tính, được phép thành lập một số ngân hàng và công ty bảo hiểm mới.  Chính phủ Thái Lan áp dụng mức trợ cấp cho người dân nhằm kích thích tiêu dùng. Một khi thị trường tiêu thụ nội địa vững chắc thì nền kinh tế Đông Á sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ở tất cả các lĩnh vực.

Thứ ba, duy trì mục tiêu phát triển bền vững

Trên thực tế, sản lượng hàng hóa của khu vực Đông Á phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng ở Mỹ và Châu Âu. Song với một mức thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ và  tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 10%  năm 2009, thì sự đóng góp của Mỹ là không đáng kể. Khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới. Trung Quốc, tuy có mức tăng trưởng đáng nể nhưng là nhờ sự đầu tư của chính phủ và kế hoạch kích thích tài chính - kinh tế. Trong đó, 15%  tổng gói kích cầu của Trung Quốc (khoảng 145 tỉ USD) bị sử dụng sai mục đích, đưa vào chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, với khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc lên tới 224 tỉ USD tháng 8/2009 (gấp đôi mức vay của tháng 5), nhưng 30% lượng cho vay mới trong năm nay được rót vào thị trường cổ phiếu (chứ không phải vào trong hoạt động kinh doanh) và được dùng trả lương công nhân nhằm tránh rơi vào nguy cơ phải ngừng sản xuất. Những khoản đầu tư không sinh lời này của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự hồi phục không bền vững, bùng lên rất nhạnh rồi cũng nhanh chóng tàn lụi. Bên cạnh những khoản đầu tư không sinh lời, các khoản nợ xấu có thể đảo ngược sự phục hồi của Trung Quốc. Nợ chính phủ của Hàn Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. Việc giảm thuế cùng với gói thúc đẩy kinh tế lớn và 16 tỉ USD đầu tư vào các dự án cải tạo sông góp phần làm cho nợ của chính phủ Hàn Quốc tăng lên tới 326 tỉ USD vào năm 2010. Theo IMF, nợ chính phủ của Hàn Quốc sẽ lên tới 39,4% GDP vào năm 2014.

Khi khoản nợ phình lên sẽ là lúc những cơ hội cho kế hoạch tài chính bị hạn chế, ngăn cản những kế hoạch kích thích kinh tế trước đó. Trung Quốc đang duy trì sự tăng trưởng vĩ mô không sinh lời và có nguy cơ phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính trong nước khi chương trình kích thích kinh tế không còn hiệu quả.

Tóm lại, khi vẫn còn phụ thuộc vào hai động lực đó là Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới  thì Đông Á chưa thể có sự hồi phục bền vững. Và như vậy, sự “phục hồi” của khu vực này vẫn còn mong manh. Bên cạnh đó, giá dầu đang có xu hướng tăng như hiện nay sẽ gây sức ép lên lạm phát. Giá dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng, tác động đến xuất khẩu và sẽ trở thành nguy cơ đối với tăng trưởng và lạm phát. Sự phục hồi kinh tế càng khó khăn hơn khi đối mặt với đại dịch cúm A/H1N1. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế Anh Oxford Economics, dịch cúm A/H1N1 sẽ ảnh hưởng đến 30% dân số thế giới khiến GDP thế giới giảm 3,5%, tương đương với mức thiệt hại khoảng 2.500 tỷ USD.

 

NGUYỄN NGỌC THANH (TS, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

PHẠM THỊ THANH BÌNH (TS, Viện Kinh tế và chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Haruhiko Kuroda (2009), Asia’s Recovery from the Global Financial Crisis – What it takes and What could ADB do? Institute of Southeas Asian Studies (ISEAS).

2. East Asia needs collective Approach to tackle Global Crisis, Secure Long Term Growth. Report by Asian Development Bank (ADB), on 19th March 2009.

3. Alejandro Foxley (2009), Recovery: The Global Financial Crisis and Middle – Income Countries, Carnegie Endowment Report, July 2009.

4. R. Taggart Murply (2009), Post – Crisis riches ahead for East Asia, Asia Pacific Journal on 19 July 2009 (http://www.atimes.com).

5. Jong Wha Lee (2009), Will Asia’s Recovery lead the way? The Jakarta Post, July 2009.

6. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, Báo Sài gòn Giải phóng, ngày 31/8/2009..

7. Nhật Bản bước ra khỏi suy thoái, Báo Thanh Niên ngày 18/8/2009.

8. Kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi suy thoái, Việt Nam Economic Times, N 142/2009.

9. Kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phục hồi. Việt Nam Economic Times, N 169/2009.

 

0thảo luận