Trang chủ

HÔN NHÂN VIỆT - HÀN: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Đăng ngày: 11-08-2014, 10:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 2

Giống như tất cả các dân tộc khác trên thế giới, hôn nhân và gia đình luôn được người Việt Nam và người Hàn Quốc coi trọng và là đề tài cuốn hút sự quan tâm của giới học giả thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hôn nhân có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nòi giống và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Quá trình toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến vấn đề hôn nhân thông qua các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa. Ở Việt Nam, ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất trong những năm gần đây là các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, đặc biệt là với người Hàn Quốc. Các cuộc hôn nhân này, bên cạnh những tác động tích cực, đã thể hiện không ít những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển xã hội của cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Trong khung khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới thực trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc và đưa ra một số giải pháp mang tính chất gợi ý trong việc khắc phục những vấn đề tồn tại trong hôn nhân Việt – Hàn, góp phần nâng cao sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

1. Thực trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc

Hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc bắt đầu diễn ra vào khoảng năm 1995 cùng với việc một số công nhân nữ Việt Nam sang làm việc, sau đó kết hôn với người Hàn quốc([1]). Tiếp đó, sau khi các công ty của Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt nam, gia tăng tiếp xúc Việt - Hàn làm tăng thêm số người kết hôn với người Hàn Quốc và từ năm 2002-2003 trào lưu nam giới Hàn Quốc sang Việt nam tìm vợ bắt đầu phát triển mạnh mẽ([2]). Theo thống kê, tính đến cuối năm 2007 có khoảng 20.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc với nhiều lý do khác nhau. Chỉ tính riêng từ năm 2004 - 2006, đã có tới 15.367 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và con số này có xu hướng tăng lên hàng năm([3]).

Số người kết hôn với người Hàn Quốc ở các tỉnh phía nam nhiều hơn so với các tỉnh phía Bắc và do các nguyên nhân chủ yếu như: sự gia tăng quan hệ kinh tế, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm gần đây; sự tương đồng về lối sống, phong tục, tập quán (chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo); chi phí kết hôn với phụ nữ Việt Nam thấp so với chi phí kết hôn với phụ nữ Hàn Quốc; hoạt động môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ; v.v.

Sự mất cân bằng giới tính ở Hàn Quốc cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho số vụ kết hôn Việt - Hàn tăng nhanh.


Bảng 1: Tỉ lệ giới tính khi sinh ra ở Hàn Quốc

Đơn vị: Trên 100  nữ

 

1981

1985

1990

1995

2000

2005

2010

2020

2025

Tổng sinh

107,2

109,5

116,5

113,2

110,2

107,7

108,2

106,4

106,0

Sinh lần đầu

106,3

106,0

108,5

105,8

106,2

104,8

105,8

105,0

105,0

Sinh lần hai

106,7

107,8

117,0

111,7

107,4

106,4

106,7

105,4

105,2

Sinh lần ba

107,1

129,0

188,8

177,2

141,7

127,7

128,4

122,1

120,2

Sinh lần tư trở lên

113,5

148,2

209,2

203,9

167,5

132,6

136,1

127,0

124,1

Nguồn:  National Statichical office (NSO) (2008)

 

 

Như thể hiện trong bảng 1, tỉ lệ mất cân bằng giới tính lên tới đỉnh điểm vào năm 1990 do kỹ thuật lựa chọn giới tính bắt đầu được phổ biến. Nhìn chung, tỉ lệ mất cân bằng giới tính lúc sinh ra xảy ra ở Hàn Quốc từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 2000. Sau năm 2000, sự mất cân bằng giới tính bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, tỉ lệ giới tính khi sinh con thứ 3 và thứ 4 vẫn còn mất cân đối, thể hiện một thực trạng thích con trai của xã hội theo Khổng giáo ở Hàn Quốc.

Sự mất cân bằng giới tính dẫn tới việc thiếu cô dâu và tình trạng kết hôn với người nước ngoài ở Hàn Quốc. Việc kết hôn với người ngoại quốc tăng lên trên thế giới đã ảnh hưởng tới nam giới độc thân Hàn Quốc, dẫn đến việc tìm kiếm cô dâu tại các nước nghèo hơn như Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Á. Các tour du lịch tìm kiếm hôn thê đã làm số vụ kết hôn với người nước ngoài ở Hàn Quốc, một đất nước thuần chủng rất coi trọng bản sắc dân tộc, tăng lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều đàn ông ở Hàn Quốc, nơi dư thừa đàn ông, đi tìm vợ ở nước ngoài cùng với việc địa vị xã hội của phụ nữ Hàn Quốc được nâng lên làm cho số vụ kết hôn nội địa giảm xuống. Sự kết hợp giữa các yếu tố như địa vị xã hội của phụ nữ Hàn Quốc được nâng cao và sự dư thừa đàn ông do truyền thống thích con trai đã buộc đàn ông Hàn Quốc phải đi tìm vợ người nước ngoài, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á như Phillippin, Campuchia và Việt Nam cũng như người Trung Quốc gốc Triều Tiên tại các vùng nông thôn.

Từ năm 2000 đến năm 2006 có 134.523 cô dâu nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung quốc, chiếm 63,02%, tăng gấp đôi so với thập kỷ trước. Cô dâu Việt Nam chiếm 15,26% trong khi cô dâu Philippin chỉ chiếm 5,04%. Nhìn vào bảng 2 ta thấy chủ yếu các vụ kết hôn với người nước ngoài là giữa đàn ông Hàn Quốc với phụ nữ các nước Đông Nam Á, 74% số bạn tình là người Trung Quốc. Tiếp theo là Nhật Bản 4,8%, Việt Nam 3,8% và Philippin 2,0%.


Bảng 2: Cô dâu, chú rể người nước ngoài phân theo quốc gia

Đơn vị tính: người, %

 

Tổng

Nam

Nữ

Tổng

118.421

14.131

104.290

Trung Quốc (gốc Hàn Quốc)

37.126(31,4)

5.975

31.151

Trung Quốc

29.860(25,2)

2,859

26.947

Việt Nam

24.194(20,4)

128

24.066

Nhật Bản

5.564(4,7)

519

5.045

Philippines

5.442(4,6)

156

5.286

Cambodia

2.726(2,3)

7

2.719

Mông Cổ

2.274(1,9)

31

2.243

Thái lan

1.980(1,7)

984

514

Hoa Kỳ

1.498(1,3)

984

514

Các nước khác (hơn 110 quốc gia)

7.757(6,6)

3.438

4.373

Nguồn: Bộ Tư Pháp Hàn quốc, “Total Number of Foreign Brides by Country”, 30/6/2008

 

 

Phần lớn các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chủ yếu sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên khó tiếp cận với các nguồn thông tin từ bên ngoài, dễ gây ra những ngộ nhận về việc lấy chồng là người nước ngoài.

Mục đích của các cuộc hôn nhân của các cô gái Việt Nam là làm sao thoát khỏi cảnh nghèo khó, vất vả, không chỉ cho riêng mình mà còn giúp đỡ được cho cả những người thân trong gia đình. Một khi khả năng kinh tế của gia đình chồng không đủ để có thể giúp tiền gửi về Việt Nam họ phải bươn trải làm các nghề khác nhau để kiếm tiền gửi về cho cha mẹ ở quê hương. Những chú rể cũng chủ yếu xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy hoàn cảnh cũng không khác nhiều so với cô dâu.

Đặc điểm nổi bật của quan hệ hôn nhân Việt-Hàn là sự chênh lệch đáng kể về tuổi tác giữa các bên trong quan hệ. Trong khi phụ nữ hầu hết là những người còn khá trẻ (từ 18-25 tuổi) thì độ tuổi của nam giới lại có độ tuổi trên 30, nhiều trường hợp lên tới 60-70 tuổi, thậm chí cao hơn. Có thể nói, sự chênh lệch lớn về tuổi tác là điều khá đặc biệt so với các cuộc hôn nhân thông thường ở Việt Nam hiện nay và không ít người trong dư luận cho rằng, việc tham gia kết hôn như vậy chỉ thuần túy vì mục đích kinh tế và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Về trình độ văn hóa và ngoại ngữ của các bên tham gia kết hôn thấp. Hầu hết cả phụ nữ Việt Nam và đàn ông Hàn Quốc đều có trình độ học vấn quá thấp, chỉ ở mức trung học cơ sở, thậm chí là tiểu học hoặc mù chữ, thường sinh sống ở nông thôn và chỉ sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Một số cô dù có biết chút ít ngoại ngữ, nhưng khả năng giao tiếp lại rất hạn chế. Vì vậy, những khó khăn trong đời sống thường nhật của các cô dâu Việt Nam là khó tránh khỏi.

Tương xứng với trình độ văn hóa thấp thì cũng dễ hiểu vì sao nghề nghiệp của cả bên phụ nữ và nam giới kết hôn với nhau là những loại nghề không cao trong xã hội. Cụ thể phụ nữ Việt nam thường không có việc làm hoặc không có nghề nghiệp ổn định (chẳng hạn như làm nội trợ) hoặc chỉ làm những nghề có thu nhập không cao như làm nông, công nhân tại các nhà máy may, v.v. Về phía nam giới Hàn Quốc thì tình trạng nghề nghiệp cũng không có gì khả quan, chủ yếu là nông dân, số ít là công nhân hoặc buôn bán kinh doanh. Hầu như không có người làm công chức. Chính vì vậy hoàn cảnh kinh tế của cả hai bên nam và nữ đều không khá giả so với điều kiện sống tại xã hội sở tại.

Đa số phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc đều thuộc diện kết hôn lần đầu trong khi đó đàn ông Hàn Quốc thì phần lớn đã từng kết hôn và có con riêng. Thậm chí có người còn bị khuyết tật. Do vậy có sự thiệt thòi quá rõ nghiêng về phía phụ nữ Việt Nam.

Với những khác biệt về tuổi tác, ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội, có thể nói rằng những cuộc hôn nhân Việt-Hàn khó có thể có sự hòa hợp ngay từ đầu. Phần lớn phụ nữ Việt Nam quyết định kết hôn khi chưa hiểu rõ người chồng tương lai về tính cách, điều kiện kinh tế, gia đình nên hoàn toàn không thể dự liệu được những gì đang chờ đợi mình phía trước. Bên cạnh những cuộc hôn nhân hạnh phúc, người phụ nữ lấy được người chồng chăm chỉ, có trách nhiệm và tình cảm vợ chồng bền vững, vẫn có không ít những cuộc hôn nhân không đem lại sự hài lòng cho cả hai phía, không có tình yêu, thiếu hòa hợp, khó khăn về kinh tế, lười lao động, thậm chí còn tồn tại tình trạng bạo hành trong gia đình.

Nguyên nhân gây nên tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong các gia đình Việt – Hàn là do phần lớn các cuộc hôn nhân bị chi phối bởi yếu tố kinh tế, thông qua môi giới. Trước khi kết hôn, các cô dâu Việt Nam không lường trước được những “rào cản” về ngôn ngữ, văn hóa mà các cô phải vượt qua, kỳ vọng quá nhiều vào sự “đổi đời” khi kết hôn, hầu như chưa tiếp cận với văn hóa Hàn Quốc, nhất là những nguyên tắc quan hệ, ứng xử trong gia đình. Cả cô dâu và chú rể đều không thông thạo ngôn ngữ của nhau và cũng không thể sử dụng ngôn ngữ trung gian để giao tiếp nên khó có thể hiểu nhau, hòa nhập vào môi trường sống mới.

2. Một số giải pháp khắc phục

Kết hôn với người Hàn Quốc, cũng như với người nước ngoài nói chung, là một hiện tượng bình thường xảy ra ở tất cả các quốc gia, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Chính vì vậy, những giải pháp cần thực hiện không nhằm mục đích hạn chế, ngăn cản quan hệ kết hôn với người nước ngoài mà nhằm tránh những rủi ro không đáng có đối với phụ nữ Việt nam tham gia quan hệ hôn nhân. Giải pháp hữu hiệu lâu dài là nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là cho phụ nữ, thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao trình độ học vấn, cải thiện đời sống khu vực nông thôn... Một khi cuộc sống đỡ khó khăn, con người sẽ ít viễn tưởng đến cuộc sống khác, có nhiều lựa chọn hơn là chấp nhận cuộc sống xa quê hương, họ hàng và những người thân thiết khác.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ hôn nhân và gia đình, Bộ Tư pháp cần tổ chức nghiên cứu, biên soạn những tài liệu cung cấp thông tin cần thiết, tư vấn những kiến thức pháp lý căn bản phục vụ việc kết hôn và cuộc sống gia đình cho những người kết hôn với người Hàn Quốc để giúp họ có những hiểu biết, kiến thức pháp lý, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các tổ chức môi giới hôn nhân, nhà nước, cụ thể là ngành công an cần phối hợp với các cơ quan tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể quần chúng nhân dân có biện pháp đấu tranh quyết liệt, nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp để làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân với người Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập trung tâm hỗ trợ kết hôn đối với phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài tại các địa bàn cần thiết. Chức năng chính của Trung tâm là cơ quan cung cấp thông tin về những khó khăn, thuận lợi sẽ gặp phải của các cuộc hôn nhân, phong tục tập quán, tâm lý, những nét văn hóa khác biệt trong tổ chức gia đình, tư vấn luật pháp, cung cấp các khóa học ngoại ngữ, tập huấn cho phụ nữ Việt Nam chuẩn bị lấy chồng Hàn Quốc giúp họ có thêm thông tin và điều kiện để cân nhắc trước khi quyết định tương lai của mình, để nếu kết hôn họ không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu cuộc sống mới.

Để có thể hòa nhập vào môi trường sống mới, những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc cần phải vượt qua rào cản ngôn ngữ đó là tiếng Hàn và thích ứng văn hóa. Trong môi trường văn hóa mới, người ta phải thay đổi thói quen không những chỉ trong những chuẩn mực ứng xử trong phạm vi gia đình, mà còn phải thay đổi các hình thức lao động sản xuất, cách thức phục vụ cuộc sống thường ngày. Trong bối cảnh như vậy đòi hỏi một trình độ học vấn, tiếng Hàn nhất định. Thông qua ngôn ngữ và sự cảm thông chia sẻ của các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội, các cô dâu Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập văn hóa trong môi trường sống mới khác xa rất nhiều so với trước đây. Một trình độ học vấn thấp sẽ rất khó khăn cho quá trình hội nhập và thích ứng. Vì vậy, bên cạnh sự giúp đỡ của nước sở tại, các cô dâu Việt Nam nên tìm cách nâng cao trình độ học vấn, ngoại ngữ để tự mình vươn lên trong cuộc sống, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với gia đình và xã hội Hàn Quốc.

Nhìn chung, sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho việc giao lưu, tiếp xúc giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cuộc sống vất vả, khó khăn đã khiến các cô gái Việt Nam ở các vùng nông thôn mơ ước lấy chồng nước ngoài để “đổi đời” và giúp đỡ người thân về tài chính, làm cho tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Sự thiếu hiểu biết đầy đủ về nhau trước khi kết hôn do rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, giữa hai bên nam nữ dẫn đến những thiệt thòi cho phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Để tháo gỡ những khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm giúp đỡ của cả hai nước Việt – Hàn và sự cố gắng của chính bản thân những người trong cuộc trong việc vượt qua những khó khăn để xây dựng cuôc sống ấm no, hạnh phúc. Với sự nỗ lực của cả hai phía và tình hữu nghị sẵn có giữa hai nước, những rào cản trong quan hệ hôn nhân Việt Hàn chắc chắn sẽ sớm được khắc phục, sự gắn bó và tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ ngày càng phát triển bền vững, đem lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia.

 

TRẦN THỊ NHUNG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Thắng, Gia đình Hàn Quốc: Truyền thống và hiện đại, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2007.

2. Hyuk-rae Kim., “Demographic changes and Migration in East Asia: Issues and Changlenges”, Hội thảo Hàn Quốc học khu vực châu Á-Thái Bình Duong lần thứ IX: Hàn Quốc và Hàn Quốc học nhìn từ góc độ Châu Á, Hà Nội, 2008.

3. Chung, Woojin and Monica Das Gupta. “Why is Son Preference Declining in South Korea?: The Role of Develop and Public Policy, and the Implications for China and India.” Policy Research Working Paper, World Bank, 2007.

4. Lee, Suan. 2008. “Dynamics of Cutural Adjustment and Social Tolerance in the Process of Imigration,” presented at the International Conference on Globalization and Households in East Asia: Policy Implication for Korea” at Ewha University on May 23, 2008

5. Park, Y., The Turning Point in “International Migration and Economic Development in Korea, Asia Pacific Migration Journal, No 3, 1994.

6. Seol, Dong-Hoon., Global Dimensions in Mapping the foregeign labor Policies of Korea: A Comparative and Funtional Analysis, Development and Society Journal, No 34, 2005.

7. Yoo, Kil-sang, 2004. “Migrant Workers’ Labor Market in Korea”, paper presented at the 5th Asian Regional Congress of the International Industial Relations Association.

Website: http://www.korea.net

http://www.dantri.com.vn

http://www.bbc.com

http://vnexpress.net

 



([1]) Xem http://www.tuoitre.com.vn (ngày 2-11-2004)

([2]) Xem “chuyện lấy chồng xa, những phiên dịch ngoại hạng”. http://www.tuoitre.com.vn (ngày 24-2-2005)

([3]) Xemhttp://www.vsak.vn/vn/forum/ showthread .php?t=812

0thảo luận