Trang chủ

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VIỆT NAM - HÀN QUỐC VÀ VẤN ĐỀ NHẬP SIÊU CỦA VIỆT NAM

Đăng ngày: 10-08-2014, 22:34 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 1

1. Trao đổi hàng hoá Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 1992-2008

1.1. Kim ngạch trao đổi

Quan hệ thương mại Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ  năm 1983 và được phát triển rất mạnh sau năm 1992, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua các số liệu thống kê có thể dễ dàng nhận thấy một đặc điểm đặc trưng nhất trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước này là kim ngạch trao đổi được gia tăng liên tục và Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu. Tuy nhiên, có thể chia quá trình phát triển của mối quan hệ này ra làm hai giai đoạn: từ năm 1983-1992 và từ 1993 đến nay.

a) Giai đoạn 1983-1992. Trong giai đoạn này, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc chủ yếu là buôn bán dân gian, chưa có hành lang pháp lý đảm bảo, do hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Căn cứ vào các số liệu có trong bảng 1, có thể thấy rõ hai đặc trưng cơ bản trong quan hệ thương mại giữa hai nước là: tốc độ phát triển khá caotỷ lệ nhập siêu của Việt Nam trên tổng kim ngạch hai chiều tương đối lớn. Trong giai đoạn này, kim ngạch trao đổi hai chiều đã tăng 21 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm là 43,4%, trong đó tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu trung bình của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng nhanh hơn xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc (57,9% so với 34,4%). Do đó, Việt Nam luôn bị nhập siêu và mức nhập siêu luôn gia tăng từ 2,3 triệu USD năm 1983 lên 48 triệu USD năm 1988 và 378,8 triệu USD năm 1992. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình năm của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc giai đoạn 1983-1992 không phải là nhỏ. Dựa trên số liệu thống kê trong Niên giám Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài trong giai đoạn nói trên chỉ đạt 17,7% ([1]). Như vậy, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gấp đôi mức trung bình, xuất khẩu sang Hàn Quốc tuy kim ngạch không lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng là rất ngoạn mục. Nó tạo đà cho sự phát triển quan hệ song phương trong giai đoạn sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào cuối năm 1992.


Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc

giai đoạn 1983-1992

Đơn vị: 1.000 USD, %

Năm

Cán cân thương mại

Nhập khẩu

Xuất khẩu

Kim ngạch

Tăng/giảm

Kim ngạch

Tăng/giảm

Kim ngạch

Tăng/giảm

1983

22.809

-

12.544

-

10.265

-

1984

31.809

39,5

24.039

91,6

7.770

-24,3

1985

26.688

- 16,1

15.055

-37,4

11.633

49,7

1986

61.217

129,4

34.850

131,5

26.367

126,7

1987

54.629

- 10,8

38.545

10,6

16.084

-39

1988

75.732

38,6

61.881

60,5

13.851

-13,9

1989

86.770

14,6

44.891

-27,5

41.879

202,4

1990

150.205

73.1

116.825

160,2

33.380

-20,3

1991

240.102

59,8

198.948

70,3

41.154

23,3

1992

493.515

105,5

436.182

119,2

57.333

39,3

Trung bình năm

 

 

43,4

 

 

 

34,4

 

Chú thích: Tốc độ tăng / giảm được tính dựa trên các số liệu về xuất khẩu và nhập khẩu trong bảng.

Nguồn: Korea International Trade Associations (www.kita.org)


b) Giai đoạn 1993-2008, Kể từ tháng 12-1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Do có sự tăng trưởng rất ngoạn mục sau năm 2003, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc trong giai đoạn 1993-2008 đã tăng gấp 15,2 lần (từ 0,58 tỷ USD lên trên 8,85 tỷ USD,) với tốc độ tăng trưởng trung bình năm là 21,3%. Thực tế đó đã đưa Hàn Quốc đứng thứ 6 trong số các bạn hàng có kim ngạch buôn bán lớn nhất với Việt Nam sau Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Mỹ ([2]).

 

Bảng 2: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc

giai đoạn 1993-2008

Đơn vị: Triệu USD, %

Năm

Tổng trao đổi

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Cán cân thương mại

Kim ngạch

Tăng/

giảm

Kim ngạch

Tăng/

giảm

Kim ngạch

Tăng/

giảm

Giá trị

% so tổng kim ngạch

1993

581,7

17,8

99,8

74,2

481,9

10,5

-382,0

65,67

1994

816,2

40,3

88,8

- 11,1

727,4

50,9

-638,6

78,25

1995

1.503,0

84,1

152,0

71,2

1.351,0

85,7

-1.199,0

79,77

1996

1.666,0

10,8

216,0

42,1

1.450,0

7,3

-1.234,0

74,07

1997

1.908,3

14,5

352,0

62,9

1.556,3

7,3

-1.204,3

63,11

1998

1.653,0

- 13,4

230,2

- 34,6

1.422,8

- 8,6

-1.192,7

72,15

1999

1.760,2

6,5

319,9

38,9

1.440,3

1,2

-1.120,4

63,65

2000

2.082,1

18,3

351,9

10,0

1.730,2

20,1

-1.378,3

66,20

2001

2.299,6

10,4

406,1

15,4

1.893,5

9,4

-1.487,4

64,68

2002

2.751,5

19,6

466,0

14,7

2.285,5

20,7

-1.819,5

66,13

2003

3.116,6

13,3

492,2

5,6

2.624,4

14,8

-2.132,2

68,41

2004

3967,5

27,3

608,1

23,5

3359,4

28,0

-2.751,3

69,34

2005

4257,7

7,3

663,6

9,1

3594,1

7,0

-2.930,5

68,83

2006

4751,3

11,6

842,9

27,1

3908,4

8,7

-3.065,5

64,52

2007

6583,8

38,5

1243,4

47,5

5340,4

36,6

-4.097,0

62,23

2008

8850,7

34,4

1874,4

50,4

7066,3

32,3

-5.281,9

59,67

Trung bình năm

 

 

21,3

 

 

27,9

 

20,7

 

 

Nguồn: Thống kê Hải quan của Tổng cục Hải quan cho số liệu các năm 1993-2003 và từ www.moit.gov.vn cho các năm 2004-08

 

 

Tuy vậy, từ các số liệu trong bảng 2 có thể thấy rằng mức gia tăng kim ngạch trao đổi, bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu, trong giai đoạn trên là không đồng đều. Trừ một năm có mức tăng trưởng âm và vài năm có mức tăng với một con số, đa số các năm còn lại ở mức 10-20%, riêng các năm 1994-1995 và 2007-2008, tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn, tương ứng ở mức 40,3%, 84,1% và 38,5% và 34,4%. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự gia tăng này là dòng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm 1993-1996 và 2002-2006, kéo theo sự gia tăng nhập khẩu máy móc và thiết bị, cũng như các đầu vào khác phục vụ cho các cơ sở được đầu tư.

Dựa trên các số liệu trong bảng 2, có thể nhận thấy một đặc điểm nữa trong buôn bán hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc. Đó là tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tương đối đồng nhịp (tức cùng tăng hoặc cùng giảm) trong giai đoạn 1993-2008, Một điểm khác quan trọng so với giai đoạn 1983-1992 là mức độ chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu không những được giảm dần, mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu còn đạt cao hơn so với nhập khẩu trong nhiều năm và liên tục từ năm 2004 trở lại đây. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn luôn bị nhập siêu trong quan hệ buôn bán với Hàn Quốc và mức nhập siêu vẫn luôn gia tăng từ 382,4 triệu USD năm 1993 lên gần 1,2 tỷ USD năm 1998 và 2,13 tỷ USD năm 2003 và lên tới 5,28 tỷ USD năm 2008, tương ứng chiếm 40,7%, 56,1%, 42% và 29,3% tổng thâm hụt của cả nước. Những số liệu này cho thấy thâm hụt thương mại của Việt nam với Hàn Quốc tuy gia tăng đáng kể về giá trị song tỷ trọng của nó trong tổng thâm hụt thương mại của Việt nam với tất cả các bạn hàng lại giảm đáng kể.

1.2. Cơ cấu hàng hoá trao đổi

a) Cơ cấu hàng xuất khẩu

Trong giai đoạn 1992-2008, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có những chuyển biến tích cực(3) theo hướng giảm dần tỷ trọng hàng nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng hàng hóa chế tạo. Tuy nhiên, phần lớn trong số hàng chế tạo xuất khẩu sang Hàn Quốc đều là hàng hóa có giá trị gia tăng thấp và thuộc nhóm hàng được phân loại dựa trên nguyên liệu.

Năm 1993, nhóm hàng nguyên liệu thô và nhiên liệu chiếm 35,26% kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu bao gồm than, cao su, một số loại gỗ, cát thạch anh, sợi dệt và các nguyên liệu thực vật khác. Hai nhóm hàng có tỷ trọng lớn khác là nhóm hàng chế tạo được phân loại dựa trên nguyên liệu (chiếm 24,59%) và nhóm các mặt hàng chế tạo khác (chiếm 16,68%).  Trong những nhóm mặt hàng này, có kim ngạch đáng kể là hàng dệt may, thiếc, sản phẩm gỗ và một số hàng đan lát như rổ rá, chiếu… Trong năm này, mặt hàng thuỷ sản mới chỉ chiếm 9,39% kim ngạch xuất khẩu. Qua cơ cấu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 1993, có thể thấy nước ta mới chỉ xuất chủ yếu là nguyên liệu thô và sơ chế, các mặt hàng chế tạo có hàm lượng lao động cao, hàm lượng công nghệ và hàm lượng vốn thấp.

Năm 1997, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có thay đổi đáng kể. Nhóm hàng nguyên liệu và nhiên liệu vẫn có kim ngạch ổn định (khoảng hơn 30 triệu USD) nhưng chỉ còn chiếm tỷ trọng 13,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong nhóm này, cơ cấu mặt hàng cũng có thay đổi, với mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất là dầu thô (15 triệu USD), ngoài ra còn có than (4 triệu USD), nguyên liệu thực vật để làm thuốc, lông và da động vật. Thuỷ sản vẫn tiếp tục ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ trọng 7,58%. Tỷ trọng các mặt hàng nông sản tăng lên, đạt 7,15% so với 2,49% năm 1993. Trong nhóm hàng nông sản, Việt Nam xuất chủ yếu là cà phê và sắn lát. Thay đổi rõ nhất là nhóm hàng chế tạo, tăng tỷ trọng từ 42,37% năm 1993 lên 64,3% năm 1997. Trong nhóm hàng này, những mặt hàng có kim ngạch đáng kể là hàng dệt may, thiết bị và dụng cụ điện, linh kiện điện tử viễn thông (loa, điện thoại, máy ghi hình,…), tụ điện, túi xách, đồ nội thất, giầy dép, đồ chơi, đồ thể thao, chiếu. Như vậy là đến năm 1997, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã chuyển dịch theo hướng tăng dần những mặt hàng có hàm lượng công nghệ, xuất hiện thêm nhiều mặt hàng mới có kim ngạch cao như thiết bị và dụng cụ điện, tụ điện, linh kiện điện tử viễn thông, giầy dép,… Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng công nghệ cao trong giai đoạn này chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, đó cũng là một bước phát triển trong xuất khẩu của nước ta, khi so sánh với năm 1993 chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế hoặc sử dụng lao động giản đơn.

Năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc  tiếp tục được thay đổi với việc thuỷ sản vươn lên trở thành một trong những nhóm mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Kể từ năm 1999, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được với thị trường hàng thuỷ sản Hàn Quốc, một thị trường có nhu cầu lớn, trong khi sản lượng đánh bắt trong nước liên tục suy giảm. Sản lượng đánh bắt nội địa của Hàn Quốc năm 1999 đạt 2,9 triệu tấn, sang năm 2000 chỉ còn 2,5 triệu tấn trong khi nhu cầu trong nước tương đối cao. Theo điều tra, mỗi năm một người Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 33 kg hàng thuỷ sản và con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Vì vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Hàn Quốc tăng từ 1,11 tỷ USD năm 1999 lên 1,34 tỷ USD năm 2000(4). Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Hàn Quốc từ Việt Nam năm 2000 đạt 72 triệu USD, gấp 4 lần năm 1997, chiếm tỷ trọng 22,32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc từ Việt Nam.

Năm 2000, hàng nông sản tiếp tục tăng ổn định với hai mặt hàng chính là sắn lát (21 triệu USD) và cà phê (17 triệu USD). Kết quả xuất khẩu sắn lát là một ví dụ rất đáng ghi nhận trong bối cảnh Hàn Quốc áp dụng chế độ bảo hộ chặt chẽ đối với hàng nông sản. Các mặt hàng rau quả khác thuộc chương 7 và chương 8, Hàn Quốc rất hạn chế nhập khẩu và đặc biệt còn áp dụng chế độ đấu thầu hạn ngạch đối với mặt hàng gạo thuộc chương 10. Xuất khẩu sắn lát không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn giải quyết vấn đề xã hội đối với những người nông dân thuộc các tỉnh miền Trung là khu vực canh tác sắn để chế biến và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên liệu thô giảm xuống chỉ còn 6,85% do Việt Nam không xuất khẩu dầu thô sang Hàn Quốc và kim ngạch xuất khẩu than tiếp tục giảm chỉ còn khoảng gần 3 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch các mặt hàng nguyên liệu đã có từ những năm trước vẫn ổn định. Tỷ trọng nhóm hàng nguyên nhiên liệu còn giữ được mức gần 7% là do có thêm mặt hàng cao su của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc. Tỷ trọng nhóm hàng chế tạo sau khi đạt mức cao nhất trong năm 1997 đã giảm dần, còn khoảng 55% trong năm 2000 nhưng kim ngạch vẫn tăng. Trong số các mặt hàng chế tạo xuất hiện thêm nhiều mặt hàng mới như đồ gốm sứ, máy phát điện, dây điện và dây cáp điện, bóng đèn hình, mạch tích hợp. Hàng giày dép tăng vững. Hàng dệt may chứng kiến hai xu thế trái chiều nhau. Trong khi hàng dệt (vải, sợi) có dấu hiệu giảm xuống do sản phẩm làm ra chuyển sang phục vụ nhu cầu trong nước thì hàng may mặc lại tăng mạnh, đạt 38,2 triệu USD, gần gấp đôi năm 1999.

Không có nhiều biến động trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc kể từ năm 2000 cho tới nay. Năm 2003, thuỷ sản trở thành mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu với 25,42%. Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, chỉ sau ba thị trường có dung lượng lớn là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Đạt được kết quả như vậy là do trong các năm 2000 và 2001, Việt Nam đã ký kết được thoả thuận về kiểm dịch hàng thuỷ sản với Hàn Quốc, theo đó Hàn Quốc công nhận giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng và Vệ sinh Thú y Thuỷ sản Việt Nam (NAFIQAVED) cấp. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách được phía Hàn Quốc công nhận(5) chỉ cần có được giấy chứng nhận của NAFIQAVED là có thể xuất hàng vào Hàn Quốc mà không phải qua kiểm định của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm của Hàn Quốc. Đây là một điểm tương đối đặc thù của thị trường Hàn Quốc khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, vì mức độ đạt được thoả thuận về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường đó đối với hàng thuỷ sản, kể cả của Nhật, đều thấp hơn so với của Hàn Quốc.

Năm 2003, tỷ trọng nhóm hàng chế tạo giảm nhẹ, trong khi tỷ trọng nhóm hàng nông sản và máy móc và thiết bị vận tải tăng nhẹ, so với năm 2000. Tuy nhiên, nếu xem xét chi tiết hơn cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2003 sẽ thấy có một số khác biệt so với những năm trước. Xuất khẩu cao su tăng mạnh tới 43,1%, đạt kim ngạch kỷ lục là 22,3 triệu USD, giúp tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên liệu. Nhóm hàng nhiên liệu cũng tăng tỷ trọng do xuất khẩu than tìm lại được thị trường. Hàng quần áo may sẵn giảm mạnh do các doanh nghiệp Việt Nam tập trung xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Đây cũng là tình trạng chung không chỉ đối với thị trường Hàn Quốc mà còn đối với nhiều thị trường khác trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,… Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ may lại tăng mạnh, lên đến 30,6 triệu USD. Xuất khẩu giầy dép vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ các năm trước, đạt 30,1 triệu USD.

Trong các mặt hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu sắn lát giảm, chỉ còn 18 triệu USD do phía Hàn Quốc giảm hạn ngạch nhập khẩu. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng, mặc dù giá cà phê ở mức thấp so với các năm trước. Năm 2003, Việt Nam xuất khẩu được 34.800 tấn cà phê sang thị trường Hàn Quốc, đạt kim ngạch 24 triệu USD. Cà phê của Việt Nam chiếm tỷ trọng đến 30% trong tổng lượng cà phê nhập khẩu của Hàn Quốc, vượt trên các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn như Honduras, Colombia, Brazil hay Indonesia. Trong số các thị trường thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình dương, Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam.

Năm 2008, những nhóm hàng xuất khẩu chính sang thị trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục là nhóm hàng thực phẩm và động vật tươi sống, nhóm hàng chế tạo được phân lợi trên nguyên liệu và nhóm hàng đồ dụng gia đình  chiếm khoảng 63% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm khoáng chất và nguyên liệu năng lượng (15,9%) và nhóm hàng máy móc và thiết bị vận tải (10,9%). Nhóm hàng nguyên liệu không phải năng lượng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2008 chỉ đạt 7,5%.

b) Cơ cấu hàng hoá nhập khẩu

Trái với cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hàn Quốc biến động không nhiều trong giai đoạn 1993-2008. Nhóm hàng nông sản chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu (khoảng 0,2% đến 0,5%), trong khi nhóm hàng chế tạo chiếm từ 70% đến 80% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu, khoảng từ 10-15%. Thay đổi lớn nhất trong cơ cấu là nhóm hàng nhiên liệu khoáng và dầu nhờn. Năm 1993 khi hai nước bắt đầu có quan hệ ngoại giao, nhóm hàng này có kim ngạch 104 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc. Con số này giảm dần cả về kim ngạch và tỷ trọng qua các năm, để đến năm 2003 chỉ còn là 12 triệu USD và chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tuy nhóm hàng chế tạo chiếm tỷ trọng 70-80% trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc, cao hơn một chút so với tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, nhưng tính chất của chúng lại khác nhau. Hàng chế tạo Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc tập trung chủ yếu là nguyên liệu dệt may, da, máy móc, trang thiết bị vận tải, sắt thép, thiết bị viễn thông (năm 2003 chiếm tỷ trọng đến 73,6%) trong khi hàng chế tạo Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc tập trung vào hàng dệt, giầy dép, bóng đèn hình ti vi, các loại đồ gỗ nội thất là những mặt hàng có hàm lượng chế biến ở mức độ trung bình.

1.3. Một số nhận xét

Dựa trên những trình bày ở trên về động thái và cơ cấu xuất nhập khẩu trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và thực tiễn những thay đổi trong cải cách chính sách kinh tế nói chung và chính sách ngoại thương nói riêng của hai nước, có thể đưa ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc được phát triển với tốc độ khá cao với tốc độ tăng trưởng trung bình kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc giai đoạn 1993-2008 là 27,9% và của nhập khẩu từ Hàn Quốc là 20,7%. Qua số liệu này có thể thấy dường như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc dường như đáng lấn át hoạt động nhập khẩu từ thị trường này trong suốt thời gian dài gần hai thập kỷ. Song trên thực tế, cán cân thương mại của Việt Nam với thị trường truyền thống này vẫn bị thâm hụt khá mạnh  trên 5,2 tỷ USD năm 2008. Vấn đề này tuy đã được chính phủ Việt Nam rất quan tâm giải quyết, song cho đến nay kết quả chỉ dừng ở chỗ giảm tỷ trọng của Hàn Quốc trong tổng thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam mà thôi từ mức cao nhất chiếm 56,1% tổng thâm hụt cả nước năm 1998 xuống còn 29,3% năm 2008.

Thứ hai, vị trí của Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc cũng như của Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam đều được cải thiện đáng kể. Dựa trên các số liệu trong Niên giám Thống kê của Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, Hàn Quốc luôn là một trong 10 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam(6). Về nhập khẩu, từ giữa thập kỷ 1990 đến nay, Hàn Quốc luôn là một trong 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 1995, nó đứng vị trí thứ 2, chỉ sau Singapo. Từ năm 2000 đến nay, Hàn Quốc luôn đứng vị trí thứ 4 trong tổng kim ngạch nhập khẩu chia theo thị trường của Việt Nam, sau Singapo, Nhật Bản và Đài Loan (riêng năm 2003 sau Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan).

Vị trí của Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc đã được cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), năm 2003, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 510 triệu USD hàng hóa, đứng thứ 35 trong số các thị trường có hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 0,31% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc. Sang năm 2008, Việt Nam đã trong khoảng từ thứ 27-30 trong số trên 200 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Hàn Quốc. Xuất khẩu sang Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngoại thương của Hàn Quốc nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế của đất nước này nói chung. Theo thống kê của Hải quan Hàn Quốc được Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc công bố, năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam là 2,56 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và đứng thứ 15 trong tổng số các thị xuất khẩu của Hàn Quốc. Sang năm 2008, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đã đạt trên 7 tỷ USD và đứng trong khoảng thứ 11-13 trong tổng số các thị trường nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Thứ ba, từ những trình bày về cơ cấu xuất nhập khẩu ở phần trên, thể hiện rõ sự chênh lệch trong trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt là trình độ công nghệ giữa hai nước. Tuy tỷ trọng hàng chế tạo trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc là khá lớn, song chủ yếu lại là hàng hóa có giá trị gia tăng thấp, và hàm lượng công nghệ không cao. Bên cạnh đó, nhóm hàng chế tạo được phân loại dựa trên nguyên liệu cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ (khoảng 20% năm 2008).

Thứ ba, môi trường chính sách đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong năm năm trở lại đây. Sau rất nhiều nỗ lực, Hiệp định khung về Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Hàn Quốc đã được kí kết. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong quan điểm tăng cường hợp tác kinh tế khu vực của Hàn Quốc. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi các bên tham gia phải có những cải cách chính sách thích hợp. Trong thời gian qua, Hàn Quốc tiếp tục áp dụng khuyến khích các biện pháp thu hút đầu tư và đầu tư ra nước ngoài, nhằm nâng cao khả năng cải thiện trình độ công nghệ và tìm kiếm thị trường đầu tư có hiệu quả hơn ở bên ngoài. Chính sách thương mại tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng cường thuận lợi hóa nâng cấp hệ thống hải quan tăng cường áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, một số cải cách chính sách trong nước khác, như chính sách cạnh tranh, chính sách thị trường lao động cũng đã được thực hiện theo hướng gia tăng tính minh bạch và đề cao vai trò của thương mại công bằng trong thương mại và gia tăng tính linh hoạt của thị trường lao động, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ tốt hơn đối với nhóm người lao động dễ bị tổn thương khi tăng cường mở cửa thị trường hoặc khi xảy ra rủi ro.

2. Quan hệ đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc

Với lợi thế về vốn và công nghệ so với Việt Nam, dòng FDI chảy từ Hàn Quốc sang Việt Nam giữ vai trò chủ đạo, so với dòng FDI từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Trong giai đoạn 1988-2008, tổng đầu tư trực tiếp của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ có 7 dự án trị giá 2,1 triệu USD vốn đăng kí. Trong khi đó, tính đến 19/6/2009, Hàn Quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 2183 dự án với tổng vốn đăng kí là 20,05 tỷ USD. Như vậy, là một trong một số ít nước đầu tư vào Việt Nam ngay từ khi ban hành Luật Đầu tư Nước ngoài năm 1987, ngày nay Hàn Quốc đã trở thành một trong 5 nước đầu tư lớn nhất vào nước ta (cùng với Nhật Bản, Singapo, Đài Loan, Malaysia). Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước nhận FDI của Hàn Quốc các năm 2006 và 2007, đứng sau Trung Quốc và Mỹ, với tỷ trọng 9,2% trong tổng số FDI của nước này.

FDI Hàn Quốc vào Việt Nam được phân bổ ở cả ba khu vực, song không đồng đều  khu vực công nghiệp chiếm tới khoảng 70% tổng vốn đăng kí, khu vực dịch vụ khoảng 28%, số còn lại vào khu vực nông nghiệp. Cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam theo ngành nghề là khá đa dạng - chủ yếu vào các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giầy dép, lắp ráp ô tô, thép, cơ khí, điện tử, thiết bị điện chiếu sáng, đồ dùng nhà bếp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị mới, văn phòng, khách sạn, bất động sản, sân golf và dịch vụ giải trí, tiếp đến là các ngành bưu điện, công nghệ thông tin, chế biến hải sản, nông nghiệp và dược phẩm. Hầu hết các tập đoàn, các công ty lớn của Hàn Quốc đều có đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty nhỏ và vừa cũng đua nhau đầu tư vào thị trường hứa hẹn này.

Những tác động tích cực của FDI nói chung và của Hàn Quốc nói riêng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam là khá rõ ràng góp phần làm tăng tổng vốn đầu tư xã hội, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo ra của cải xã hội, góp phần làm gia tăng xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách chính phủ. Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận rằng tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì những lợi ích đó, mà FDI luôn hấp dẫn đối với cả nước đầu tư và nước nhận đầu tư.

3. Mối liên hệ thương mại – đầu tư trong quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc và vấn đề nhập siêu của Việt Nam

Có thể tìm được mối liên hệ thông qua việc so sánh số liệu thống kê về kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc và FDI Hàn Quốc vào Việt Nam ở bảng 3.


Bảng 3: Nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc và FDI Hàn Quốc vào Việt Nam

Năm

Kim ngạch nhập khẩu

(triệu USD)

FDI dăng kí

(triệu USD)

1991

198,9

45,4

1992

436,2

140,6

1993

481,9

508,5

1994

727,4

345,2

1995

1.351,0

656,8

1996

1.450,0

844,5

1997

1.556,3

345,9

1998

1.422,8

27,8

1999

1.440,3

169,5

2000

1.730,2

197,9

2001

1.893,5

209,2

2002

2.285,5

289,5

2003

2.624,4

255,9

2004

3359,4

274,3

2005

3594,1

592,3

2006

3908,4

2780,0

2007

5340,4

4200,0

2008

7066,3

2020,0

Nguồn: Số liệu về FDI từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số liệu về kim ngạch nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan và trang web của Bộ Công thương.

 

 

Thực tiễn cho thấy Việt Nam hiện đang nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, dòng FDI vào Việt Nam luôn kéo theo nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu vào nước ta để phục vụ cho các cơ sở sản xuất của họ. Như vậy, việc thu hút FDI luôn kéo theo nguy cơ gia tăng nhập khẩu. Vì thế, việc Việt Nam gia tăng nhập siêu trong trao đổi thương mại với Hàn Quốc là điều dễ hiểu và có thể lí giải được. Có điều, việc tìm kiếm giải pháp giảm mức nhập siêu này là không dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có sự nỗ lực cả từ phía chính phủ lẫn doanh nghiệp và phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định.

 

NGUYỄN HỒNG NHUNG

(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hồng Nhung và tập thể, Triển vọng và giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt nam – Hàn Quốc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu cấp bộ của Bộ Thương mại năm 2003.

2. Các trang web của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

3. www.kita.org của Hàn Quốc



([1]) Tính theo số liệu trích dẫn của Võ Hùng Dũng trong bài “Ngoại thương Việt Nam từ 1991-2000: những thành tựu và suy nghĩ”, đăng trên “Nghiên cứu kinh tế”, số 293, tháng 10/2002, tr.3.

([2]) Theo Thống kê Hải quan  của Tổng cục Hải quan.

(3) Cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu được phân tích dựa trên phân loại hàng hóa theo mã SITC và mã HS.

(4) Republic of Korea-Fishery Products Annual 2001, U.S. Embassy in Seoul.

(5) Tính đến 26/5/2004 có 222/283 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã được công nhận chứng nhận (theo số liệu trang Web của Bộ Thương mại).

(6) Sử  dụng số liệu trích dẫn của Võ Hùng Dũng trong bài “Ngoại thương Việt Nam từ 1991-2000 – Những thành tựu và suy nghĩ”, đăng trên “Nghiên cứu kinh tế” số 293, tháng 10/2002, tr. 6.

0thảo luận