Trang chủ

CHỮ HIẾU TRONG TRUYỆN THẨM THANH

Đăng ngày: 10-08-2014, 22:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 1

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

1. Vài nét về chữ hiếu

Chữ “hiếu孝” hay phạm trù “hiếu”, lâu nay được nhắc đến như là một hiện tượng để chỉ về những hành động của con người đối với con người. Cụ thể hơn là thường chỉ về quan hệ gia đình con cái đối với cha mẹ.

Trong chữ Hán thấy rõ: Chữ "Hiếu" là chữ viết tắt của hai chữ "Lão 老 " ở trên (lượt bớt phần dưới) và chữ "Tử 子 " ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Chữ “hiếu” theo giải thích của Khang Hy tự điển:  (sách Thuyết văn giải tự: thiện sự phụ mẫu giả, tòng lão tỉnh, tòng tử, tử thừa lão dã善 事 父 母 者, 从 老 省 , 从 子 , 子 承 老 也 hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, thuận lòng với những mong muôn của cha mẹ).  (Kinh Thi: phù hiếu thiên địa chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hạnh dã詩  經 : 夫 孝 天 地 之 經 也 , 地 之 義 也 , 民 之 行 也Kinh thi nói:ôi hiếu! là kinh thiên địa nghĩa, là phẩm hạnh của dân vậy).  (Kinh Thư: thiên Nghiêu điển: khắc hài dĩ hiếu書 經 : 堯 典 : 克 諧 以 孝 Kinh Thư thiên Nghiêu điển nói: hòa hợp với gia đình cũng là hiếu ) .  (Kinh Lễ thiên Tế Thống: hiếu giả, súc dã. Thuận ư đạo bất nghịch ư luân chi vị súc).禮 經 . 祭 統 : 孝 者 , 畜 也 . 順 於 道 不 逆 於 倫 之 謂 畜 Kinh Lễ thiên Tế Thống nói: hiếu, là thuận vậy. thuận theo đạo không trái luân thường gọi là thuận).  (Tăng tử viết: cư xử bất trang, phi hiếu, sự quân bất trung, phi hiếu, lỵ quan bất kính, phi hiếu, bằng hữu bất tín, phi hiếu, chiến trận bất dũng, phi hiếu, ngũ giả bất toại, tai cập ư thân, cảm bất kính hồ曾 子 曰 : 居 處 不 莊 , 非 孝 , 事 君 不 忠 , 非 孝 , 涖 官 不 敬 , 非 孝 , 朋 友 不 信 , 非 孝 , 戰 陣 不 勇 , 非 孝 , 五 者 不 遂 , 災 及 於 親 , 敢 不 敬 乎 Tăng tử nói: cư xử không trang nghiêm không phải là hiếu, thờ vua không trung , không phải hiếu, làm quan không kính, không phải hiếu, bạn bè không tin nhau, không phải hiếu, đánh trận mà không dũng cảm, không phải hiếu, trong năm thứ đó nếu như không đạt, bản thân sẽ gặp nạn, dám không kính chăng) .

Sách Từ Nguyên giải thích chữ : “hiếu” (thiện sự phụ mẫu viết hiếu, đối ư tổ tiên diệc xưng hiếu. Kinh thi: hiếu tôn hữu khánh. Cư tang viết hiếu. 善 事 父 母 者曰 孝 , 對 於 祖 先 亦 稱 孝 . 詩 經 : 孝 孫 有 慶 . 居 喪 曰 孝 phụng dưỡng cha mẹ hết lòng là hiếu, đối với tổ tiên cũng xưng là hiếu, Kinh thi nói: con cháu hiếu thảo thì nhà có niềm vui lớn. Để tang cũng viết là hiếu) .

Theo từ điển quốc ngữ của Hàn Quốc: (효 [孝] [명사] 어버이를 잘 섬기는 일, Hiếu là việc hết lòng phụng dưỡng cha mẹ).

Cả ba bộ tự điển nổi tiếng của Trung Quốc và Hàn Quốc đã giải thích rất rõ về chữ hiếu. Điều đầu tiên trong hai bộ tự điển này nhắc đến một điểm chung về chữ hiếu đó là, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ thì là hiếu. Sách Tự điển Hán ngữ hiện đại cũng giải thích tương tự như vậy.

2. Về truyện Thẩm Thanh

Truyện Thẩm Thanh là một tác phẩm cổ điển của Triều Tiên, dựa trên tiểu thuyết dân gian lưu hành rộng rãi dưới hình thức ca vũ kịch. Truyện Thẩm Thanh cho đến nay vẫn chưa xác định được tác giả. Hiện ở Korea có rất nhiều những dị bản viết về truyện này. Trong đó có những bản kinh (bản khắc gỗ) in ở Seoul  và bản hoàn (bản viết tay) in ở jeonju, ngoài ra còn có bản viết tay và bản  bằng chữ Hán ra đời muộn hơn.

Truyện Thẩm Thanh là một trong ba tác phẩm văn học cổ điển  ra đời khoảng thế kỷ 16 – 17, nổi tiếng ở Korea như Xuân Hương truyện, Hồng Cát Đồng truyện.

Câu truyện xoay quanh cuộc đời của gia đình ông Thẩm Hạc Khuê, từ khi còn bần hàn cơ cực khi ông Thẩm bị mù lòa, bốn mươi tuổi mà không có con để nối dõi tông đường, đến khi cầu trời khấn phật để cuối cùng bà Thẩm cũng sinh hạ được một cô gái đặt tên là Thẩm Thanh. Nhưng bất hạnh thay, khi sinh Thẩm Thanh mới được một tuần lễ, thì bà Thẩm qua đời, để lại trần gian ông Thẩm gà trống nuôi con với đôi mắt mù lòa và gia sản khánh kiệt. Thẩm Thanh lớn lên trong tình đùm bọc của xóm giềng và tình phụ tử. Trải qua năm tháng Thẩm Thanh đã đến tuổi 5-6, lúc này cô đã ý thức được nỗi vất vả của cha khi ngày ngày đi xin ăn về để nuôi mình. Cô đã từ chối làm con nuôi của Phu nhân Trương thừa tướng để ở nhà nuôi cha. Vì chữ hiếu mà cô chấp nhận bán mình làm vật tế lễ cho những người buôn ở Nam Kinh để lấy 300 thạch gạo cúng chùa để cầu mong cho mắt cha sáng lại. Cô cũng vì cha mà tổ chức thiết đãi những người mù để có cơ hội tìm cha. Đến khi gia đình đoàn tụ Thẩm Thanh làm hoàng hậu và sinh được Thái tử thì Thẩm Hạc Khuê cũng được phong quan phong tước, gia đình khá giả và kết hôn cùng với bà An cũng và bà An cũng sinh được một cậu con trai.

Truyện Thẩm Thanh là một câu truyện đầy tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Nó đạt đến một giá trị to lớn về nội dung và hình thức nghệ thuật. Tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người con gái hiếu thảo, không vì hạnh phúc của bản thân mà rời bỏ người thân, rời bỏ kiếp nghèo để đi tìm một cuộc sống sung sướng.

Câu truyện cũng đã nói lên tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của hàng xóm láng giềng, tình cha con, vợ chồng đằm thắm nồng ấm. Quan hệ xóm giềng càng bền chặt hơn khi những người khổ biết quan tâm đùm bọc nhau trong cảnh hoạn nạn. Đó cũng là những nét độc đáo trong phẩm cách của người Hàn. Đọc truyện Thẩm Thanh, chúng ta thấy rõ nhất ở đây chính là giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Nó được miêu tả qua những chi tiết sáng giá như: Hàng xóm láng giềng chung nhau tiền, gạo giúp Thẩm Hạc Khuê làm đám tang cho vợ. Hay những người phụ nữ đang nuôi con mọn đã luân phiên nhau cho Thẩm Thanh bú sữa. Mọi người lại cũng giúp Thẩm Thanh và Thẩm Hạc Khuê những bữa cơm qua ngày trong suốt mười mấy năm. Đọc Thẩm Thanh truyện, ta cũng nhận ra những phẩm chất cao đẹp của người Hàn qua việc góp tiền cho Thẩm Hạc Khuê làm ma chay cho vợ, vì khi còn sống bà Thẩm đã ăn ở nết na đều được lòng làng xóm, nên khi bà yếm thế, dân làng Đào Hoa đều không thể tin được, một người hiền lành ăn ở có trước có sau mà ông trời nỡ bắt tội.

3. Chữ hiếu trong truyện Thẩm Thanh

Chữ hiếu được nói đến ở đây chính là nói đến lòng hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng cha của cô gái Thẩm Thanh. Mồ côi mẹ từ khi mới được một tuần tuổi, ở với cha trong cảnh gia đình nghèo túng. Người cha lại mù lòa, hai cha con rau cháo nuôi nhau nhờ tình đùm bọc của xóm giềng. Như hiếu được nỗi vất vả của cha, Thẩm Thanh khi lên 6 lên 7 đã biết cơm nước sớm tối cho cha, ngày giỗ mẹ cũng tổ chức hương khói thật chu đáo đúng nghi lễ khiến mọi người trong làng không ai không hết lời khen ngợi.

Thẩm Thanh càng lớn càng có những suy nghĩ thấu tình đạt lý: cô nói “cha ơi, đến loài quạ tầm thường cũng còn biết cứ tối đến là chúng tha mồi về tổ  cho quạ mẹ già ăn, là người há chẳng thể làm được như vậy sao?”.

Cô thấy cha già sống trong cảnh mù lòa mà vẫn phải chân thấp chân cao đi xin từng bữa, cảnh gà trống nuôi con như vậy, nên Thẩm Thanh thương cha lắm, “con rất lo lắng chẳng biết mắt cha bị mù lòa thế này lại phải lần mò đi xin, chẳng phân biệt được chỗ nào là đường cao, chỗ nào đường thấp, chỗ nào đường rộng, chỗ nào đường hẹp chẳng may vấp ngã thì sẽ dễ bị thương…”.

Sớm mất đi tình mẫu tử, khi cô mới chỉ lên 6 lên 7 tuổi mà cô đã nói được những lời như vậy thật là hiếm có, khiến cho ông Thẩm trong lòng rất vui. Khi nghe con nói từ hôm nay cha ở nhà để con đi xin ăn thay cha vì cô thương đôi mắt mù lòa đôi chân mệt mỏi, chống gậy từng bước dòng bảy năm trời đi xin để nuôi con “ con rất lo những ngày mưa gió, sương mù cha đi ăn xin rồi lỡ lâm bệnh thì sẽ ra sao. Con cũng lên sáu lên bảy rồi, cái ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha bây giờ con không báo đáp ngộ may có chuyện gì xảy ra thử hỏi con biết làm thế nào? Từ hôm nay cha ở nhà con sẽ thay cha đi xin, mong cha đừng lo lắng nữa.”.

Lòng hiếu thảo của con gái đã làm ông Thẩm đã phải tấm tắc khen con, ông biết rằng trong những năm qua, chỉ có nhờ con gái ông mới đủ nghị lực để sống đến ngày hôm nay “những lời con nói thật đáng khen”, song ông đâu nỡ để con thơ làm như vậy, nên ông đã từ chối “ nhưng cha để con đi xin, cha ngồi đó mà nhận lấy ăn thì liệu cha có an lòng không? Lần sau con đừng nói thế nữa nhé”. Song Thẩm Thanh vẫn rất mực khuyên cha, cô bèn dẫn những câu chuyện điển tích về những gương hiếu nghĩa của Trung Quốc nói với cha rằng “Tử Lộ là một người cao quí, ông đã đi bộ hàng ngàn dặm đường để tìm gạo về phụng dưỡng cha mẹ. Đề Vinh tuy là một co bé nhỏ tuổi nhưng cô đã dám bán mình để cứu cha cô bị giam trong ngục Lạc Dương. Ngẫm chuyện đó con muốn hỏi cha đạo lí ở đời chẳng lẽ ngày xưa và ngày nay khác nhau hay sao? Xin cha đừng từ chối nữa”.

Với những lời lẽ hết sức thuyết phục của con gái Thẩm Thanh, làm cho ông Thẩm vô cùng vui mừng, ông khen con bằng cả tấm lòng “đúng là một đứa con gái có hiếu”. Cũng từ lời khen này, ta càng thấy nhân vật Thẩm Thanh hiện lên là một cô gái hết lòng hiếu thuận. Không những chỉ biết những việc trước mắt, mà cô còn biết cả những tích xưa để thuyết phục cha mình.

Cũng từ hôm đó trở đi, Thẩm Thanh thay cha đi xin từ sáng sớm, khi thấy mặt trời chiếu sáng từ dãy núi phía xa. Cô đi không kể ngày nắng hay mưa, dù cho ngày đông giá lạnh. Với một đôi dày cũ, không có dây buộc, lại rách gót, chân không tất, …mặc cái áo không cổ cuốn tạm vào thân. Hàng xóm láng giềng đều đã nghe tiếng Thẩm Thanh ngoan hiền hiếu thảo, nay lại được nghe những lời nói khẩn thiết của cô, ai cũng khen cô hết lòng “cô bác ơi, mẹ cháu thì đã lìa trần, cha cháu mù lòa. Cứ mười miếng cơm là có thể được một bát rồi, mong cô bác bớt cho cháu xin một miếng thì đã là giúp cho người cha mù lòa của cháu khỏi một bữa đói”.

Vì thương cha già ở nhà ngóng con, thương con đi xin lạnh lẽo nên khi cô được hàng xóm mời ăn cô cũng đặt tình hiếu thuận lên trên hết, không quản cái đói cái rét mà cô đang phải dãi dầu. Thẩm Thanh nói “ cha già của cháu đang ngồi chờ cháu ở nhà lạnh lẽo sao cháu có thể ăn một mình được? cháu sẽ về nhà ngay và ăn cùng cha cháu”.

Cứ như vậy, năm tháng thoi đưa, có những hôm đi xin về muộn, người cha già lo lắng hết đứng rồi ngồi. Người cha chỉ biết than thân mình hẩm hiu không giúp gì được cho con gái, lúc đó Thẩm Thanh an ủi cha “cha ơi, cha đừng nói như vậy. Con cái phụng dưỡng cha mẹ, còn cha mẹ nhận lấy sự phụng dưỡng đó là đạo lí ở đời mà cha, thôi cha đừng suy nghĩ nhiều mà mau ăn cơm đi nào”. Những lời nói đó được phát ra từ đứa trẻ lên sáu lên bảy tuổi, cái tuổi mà đáng ra Thẩm Thanh đang còn được cưng chiều, còn được trong vòng tay cha mẹ giỗ dành nuôi nấng. Nhưng số phận bất hạnh đã khiến cho người ta mau trưởng thành. Những suy nghĩ, việc làm của cô liệu trong số rất nhiều người con mấy ai làm được như vậy.

Trải bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, dấu chân cô đã in hằn khắp cái làng Đào Hoa nghèo, cũng tự lúc nào cô cũng đã là người ăn xin của làng. Cũng từng ấy thời gian Thẩm Thanh đã lớn lên thành cô gái 16 tuổi, đẹp đẽ, xinh xắn, phẩm hạnh nết na, làm việc thảo thì không ai bằng.

Lời đồn về tấm lòng hiếu thảo của cô còn vang rộng khắp vùng, cũng vì danh tiếng ấy mà cô đã được Phu nhân của Thừa tướng ở thôn Vũ Lăng. Thẩm Thanh được mời đến nhà Phu nhân, thế nhưng trước khi đi, cô cũng kịp chuẩn bị thức ăn, sắp sẵn lên bàn cho cha.

Khi được diện kiến Phu nhân, được Phu nhân ngỏ ý nhận làm con nuôi, được ăn sung mặc sướng, được học hành tử tế. Nhưng nghĩ đến công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, Thẩm Thanh đã khéo từ chối, bằng những lời lẽ làm cho Phu nhân Thừa tướng không thể không hết lòng khen ngợi. “ Tiểu nữ thật bất hạnh, mới sinh ra được một tuần thì mẹ đã lìa trần để lại tiểu nữ cho người cha bị mù lòa, cha ngày đêm bế đi xin sữa nuôi tiểu nữ lớn khôn. Đến cả khuôn mặt mẹ tiểu nữ cũng không biết nỗi buồn ấy chưa khi nào tiểu nữ quên được. Cứ nghĩ đến cha mẹ mình mà tiểu nữ cũng cung kính cha mẹ người khác như vậy. Hôm nay, Phu nhân không chê tấm thân hèn mọn mà nhận tiểu nữ làm con nuôi, tiểu nữ thật vui mừng như thấy được mẹ quá cố của mình, thật không để đâu vui hết. Nghe theo lời Phu nhân thì tấm thân này sẽ được sung sướng và trở nên cao quí, nhưng sớm chiều ai lo cơm nước cho cha mù lòa ở nhà. Công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục ai cũng có cả nhưng đối với tiểu nữ thì nặng hơn những người khác. Tiểu nữ phải thay mẹ để phụng dưỡng cha…tình nghĩa cha con sâu nặng như vậy tiểu nữ sẽ phụng dưỡng cha đến khi nào mình không còn trên cõi đời này nữa ”.

Những lời lẽ mà Thẩm Thanh nói với Thừa tướng phu nhân đã cho ta thấy hết chữ hiếu mà cô đã mang trên mình. Đó là tấm lòng hiếu kính người trên, (hiếu với Phu nhân với hàng xóm láng giềng), đó là lòng hiếu kính cha mẹ, hết lòng phụng dưỡng cha và chăm lo hương khói cho mẹ. Chữ hiếu ấy đã ăn sâu, bám rễ vào con người cô như một phép màu để cô vượt qua mọi khó khăn trên đường đời.

Khi từ nhà Phu nhân ra về thấy cha bị ngã lấm lem bùn đất, cô đã lo lắng cuống cuồng hỏi cha bị làm sao…khi biết chuyện cha bị ngã vì lo lắng cho cô và nghe được chuyện cúng chùa 300 thạch gạo  thì mắt cha cô sẽ sáng lại, cô đã an ủi cha  mình “cha ơi, cha đừng lo, cha mau ăn cơm đi. Nếu hối hận thì chẳng phải không thành tâm hay sao. Để cha sáng mắt lại nhìn trời đất vạn vật, bằng mọi cách con sẽ kiếm ra ba trăm thạch gạo cúng cho nhà chùa ”.

Kể từ hôm đó Thẩm Thanh hết lòng an ủi cha, rồi trai tịnh sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa tươm tất. Khi đêm đến bốn bề lặng lẽ cô thành tâm cầu khấn các vị thần tối cao, các chư vị tiên thánh…cốt để cầu mong cho đôi mắt cha cô mau chóng sáng trở lại.

Cô ngày nào cũng cầu khấn như vậy cho đến khi bán mình cho những nhà buôn Nam Kinh làm vật tế lễ để lấy 300 thạch gạo cúng chùa. Thẩm Thanh nói “ Tôi là người làng này, cha tôi bị mù mắt không nhìn thấy gì cả, nghe nói nếu thành tâm cúng cho nhà chùa 300 thạch gạo thì mắt có thể sáng lại. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không lấy gì mà chuẩn bị được, nên tôi định bán mình”.

Khi đã quyết định bán mình cô cũng không cho cha biết, và cái ngày phải lìa xa cha đã sắp đến tâm trạng cô dày xé, cô chán nản chẳng thiết ăn uống nữa. Nhưng rồi nghĩ lại “cứ thế này thì không được. Khi ta còn sống thì phải chuẩn bị quần áo, giặt giũ cho cha, cô đem may vá lại những quần áo thu đông, là lại quần áo mùa hè, nhồi bông vào áo mùa đông, bọc lại để vào hòm, lấy cây thanh mộc bện lại thành quai mũ, xỏ vào rồi treo lên tường.”… “thôi ta đan cho cha đôi tất cuối cùng vậy”.

Rồi cô khóc nhưng không dám khóc to, cô sợ cha tỉnh giấc, sự giằng xé trong cô càng ngày càng tăng lên khi cái ngày cô phải bỏ làng nơi cô đã từng ăn xin và lớn lên, cô phải bỏ lại người cha già mù lòa buồn ngóng mong con. Cô sờ chân tay cha mình “ ngày cha có thể thấy con còn lại mấy nữa đâu? Con mà chết đi rồi cha sẽ trông cậy vào ai mà sống? Thật là đau đớn, cha ơi….”.

Khi những nhà buôn Nam Kinh đến đưa cô đi, mặt cô biến sắc, chân tay rụng rời, cổ họng nghẹn ứ, tinh thần chao đảo nói với những nhà buôn “ Các ông ơi, tôi cũng biết hôm nay là ngày tàu rời bến. Nhưng cha tôi vẫn chưa biết là tôi đã bán mình cho các ông……Mong các ông chờ tôi một chút, tôi nấu cho cha tôi bữa cơm cuối cùng, thưa chuyện với cha rồi sẽ đi ”.

Khi người cha biết chuyện con gái đã bán mình lấy 300 thạch gạo cúng chùa những mong đôi mắt cha sáng lại. Và giờ đây chẳng còn bao lâu nữa ông Thẩm sẽ mất đi người thân cuối cùng thì ông đau đớn vật vã biết bao nhiêu. Nhưng Thẩm Thanh dù có thương cha, buồn tủi về thân phận của mình đến đâu thì cũng không thể cưỡng lại được mệnh trời. Và lòng hiếu thảo của cô lại được hiện lên “cha ơi, không khác được đâu. Dù con có chết đi nhưng cha sáng mắt lại có thể nhìn thấy được thế gian này, rồi tìm lấy một người hiền lành sinh con trai, con gái để lo hậu sự của gia đình”.

Sự hiếu thảo của Thẩm Thanh đã khiến cho các vị thần xúc động và Ngọc Hoàng đã sai các vị thần dưới Long cung phải đón tiếp Thẩm Thanh chu đáo, không được để một giọt nước nào đọng trên người cô. “ngày mai người con gái hiếu thảo Thẩm Thanh sẽ đến đó, các ngươi không được để cho người cô ấy dính một giọt nước, nếu có gì sai sót ta sẽ trị tội Tứ Hải Long Vương và Địa Phủ Vương. Sau khi đón được rồi hãy đưa về thủy cung ba năm, rồi sau đó quay trở lại trần gian”.

Dưới Long cung Thẩm Thanh đã được gặp mẹ, hai mẹ con mừng vui khôn xiết nhưng rồi cô lại thương cha đang ở trên trần sống một mình cô quạnh “ mẹ con ta gặp nhau thì vui rồi nhưng còn cha đang rất đau buồn, ai là người sẽ an ủi chăm sóc cha đây? Gặp mẹ làm con lại nhớ đến cha”. Sau ba năm ở Long cung Thẩm Thanh được đưa về trần và được làm Hoàng hậu. Sống trong cảnh lụa là sung sướng. Cô lại nghĩ đến cha, không biết mắt cha đã sáng chưa còn sống hay đã mất. Cô nhờ người đi tìm kiếm cha nhưng ông Thẩm đã bỏ làng Đào Hoa đi đâu không biết. Cô lại mở cuộc chiêu đãi tất cả những người mù trên đất nước để mong tìm được cha. Và rồi lòng hiếu thuận của cô đã được đền đáp. Hai cha con gặp nhau vui mừng khôn xiết và điều kì diệu đã đến khi đối mắt của ông Thẩm sáng trở lại, những người mù  trong buổi tiệc hôm đó cũng được thượng đế trao trả ánh sáng cho đối mắt.

Câu truyện kết thúc làm cho người đọc ai cũng cảm thấy thật mĩ mãn, khi ông Thẩm và Thẩm Thanh gặp lại nhau, và vui hơn nữa khi ông cùng kết duyên cùng bà An, họ sinh được con trai để nối dõi tông đường. Ngoài ra, ông Thẩm còn được phong quan tước, gia đình khấm khá. Còn Thẩm Thanh cũng sinh được Hoàng tử. Đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân ấm no hạnh phúc đó là nhờ ơn Thẩm Hoàng hậu có lòng nhân từ, hiếu thuận.

*  *

*

Thẩm Thanh truyện xứng đáng là một trong ba tác phẩm nổi tiếng của nhân dân Triều Tiên, bởi nó đã lột tả được tính cách của con người Triều Tiên cũng như giữ gìn được những yếu tố đạo đức truyền thống vốn có của con người nơi đây. Câu chuyện mãi mãi là bài học lớn lao mà các thế hệ với tư cách là người làm con phải lấy gương Thẩm Thanh để học tập, câu chuyện không bao giờ là cũ với tất cả những người làm con đối với cha mẹ.

 

NGUYỄN HUY KHUYẾN

(Khoa Đông phương - Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Quế (dịch) (2008), Truyện Thẩm Thanh, Nxb Hội Nhà văn.

2. Khang Hy tự điển (bản điện tử), (2002),  Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã.

3. Từ Nguyên tự điển, Giả Hiệu, Nxb, Thương vụ ấn thư quán.

4. Cho Jae hyun, Hàn – Việt từ điển,

5. Trình Mạnh Huy, (2004), Hiện đại Hán ngữ tự điển, Thương vụ ấn thư quán.

0thảo luận