Trang chủ

Tọa đàm khoa học: Các giải pháp phát triển kinh tế gần đây của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên

Đăng ngày: 6-07-2014, 17:09 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 24 tháng 6 năm 2014, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức tọa đàm khoa học: Các giải pháp pháp triển kinh tế gần đây của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâmKhoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho biết: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) được biết đến như một quốc gia hết sức đặc thù ở khu vực Đông Bắc Á, là một đất nước gần như khép kín, có thể chế chính trị “cha truyền con nối” và các mối quan hệ quốc tế cũng hết sức phức tạp. Trong khi hầu hết các quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây tiến hành cải cách, chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường, thì CHDCND Triều Tiên vẫn kiên trì chính sách “tiên quân”, lấy ưu tiên phát triển quân sự là trọng yếu. Nền kinh tế của quốc gia này có lúc đã ở bên bờ vực thẳm của sự sụp đổ. Kể từ giữa năm 2002, trước tình thế khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế, CHDCNDTriều Tiên bắt đầu Chương trình cải cách (hay điều chỉnh chính sách kinh tế - theo cách gọi của nước này) nhằm đưa đất nước ra khỏi cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng các cuộc cải cách trong thời gian gần một thập kỷ không đem lại kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, từ tháng 12/ năm 2011 đến nay, với sự kế nhiệm của Kim Jong-un, kinh tế CHDCND Triều Tiên đã có những khởi sắc nhờ những cải cách mới của nhà lãnh đạo trẻ này.

Tọa đàm được chia thành 2 phiên với 4 tham luận. Phiên 1 - Đánh giá thực trạng về cải cách kinh tế của CHDCNDTriều Tiên; phiên 2 - Các nhân tố tác động đến triển vọng cải cách kinh tế của CHDCND Triều Tiên.

Tham luận 1: “Về tiến trình cải cách kinh tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên” do PGS.TS. Phạm Quý Long, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày, đề cập tới bối cảnh thúc đẩy cải cách, khủng hoảng kinh tế - hậu quả tất yếu từ mô hình phát triển; cải cách kinh tế từ sau năm 2001 dưới thời Kim Jong Ill; vấn đề mở cửa và tiến trình cải cách tiếp theo dưới thời Kim Jong-un. Các nội dung và cải cách thực hiện cải cách mang nặng tính duy lý hơn là từ yêu cầu khách quan của thực tiễn phát triển ở CHDCNDTriều Tiên. Lựa chon cải cách và tiếp tục thúc đẩy mở rộng cải cách toàn diện sẽ là cách thức duy nhất tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu chỉ có cải cách kinh tế ở một mức độ giới hạn thì không đủ để làm sống nền kinh tế của một đất nước. Vai trò hỗ trợ của Hàn Quốc là rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy cải cách kinh tế của CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là duy trì và phát triển mở rộng các khu công nghiệp như Gaesong.

Tham luận 2: “Tình hình phát triển kinh tế gần đây của Bắc Hàn và quan hệ giữa hai miền” của Ngài Kim Ki Joo, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.Tham luận đề cập tới 3 vấn đề: Tình hình chính trị của CHDCND Triều Tiên; Tình hình kinh tế CHDCND Triều Tiên; Quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tham luận thứ 3 của TS. Võ Hải Thanh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) có chủ đề về Những cải cách kinh tế chủ yếu của CHDCNDTriều Tiên trong những năm gần đây, tập trung vào một số vấn đề như: Cơ cấu nền kinh tế CHDCND Triều Tiên; tình hình kinh tế CHDCND Triều Tiên kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008; những cải cách kinh tế chủ yếu của CHDCND Triều Tiên trong thời gian gần đây.

Tham luận 4: “Các nhân tố tác động đến triển vọng cái cách kinh tế của CHDCND Triều Tiên và một vài gợi ý từ kinh nghiệm Việt Nam” của TS. Trần Quang Minh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) phân tích các nhân tố tích cực gồm: tư tưởng kinh tế tiến bộ của người đứng đầu mới, Kim Jong-un, so với những người  tiền nhiệm; một số chủ trương cải cách đang đi đúng hướng; các yếu tố cơ bản của một nền kinh tế thị trường đã được thiết lập; tiềm năng to lớn chưa được khai thác; sức ép của sự phát triển tự phát trong nước; bối cảnh quốc tế và khu vực. Về nhân tố cản trở: Tư tưởng chính trị và ý thức hệ của những người lãnh đạo vẫn còn mang nặng tính bảo thủ, chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ; quan hệ quốc tế còn bị nhiều ràng buộc, trở ngại; chi phí quân sự quá lớn; nhận thức của đông đảo người dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế của đất nước vẫn còn rất hạn chế. Một vài gợi ý từ kinh nghiệm của Việt Nam.

Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự; các câu hỏi đã được diễn giả giải đáp một cách thỏa đáng./.

 

Nguyễn Thu Hà

0thảo luận