Trang chủ

G20 - PHẢI CHĂNG LÀ CƠ CHẾ KINH TẾ TOÀN CẦU?

Đăng ngày: 3-03-2014, 13:20 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 12

Chỉ trong thời gian hơn 5 tháng kể từ  tháng 04 đến  tháng 09 năm 2009, thế giới đã chứng kiến 2 hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) với nội dung bàn thảo chủ yếu xử lý những vấn đề do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra.  Hội nghị G-20 diễn ra tại Luân Đôn (Anh) ngày 02.04.2009, đã đưa ra hai quyết định quan trọng, trong đó có việc cải tổ hệ thống tài chính thế giới. Hội nghị G-20 diễn ra tại Pittsburgh (Mỹ) ngày 24.09.2009 còn đưa ra những quyết định quan trọng hơn, đó là cơ chế lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Pittsburgh có thể coi là Hội nghị cấp cao G-20 mở rộng, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 20 thành viên, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li, Nga, Ca-na-da, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ác-hen-ti-na, B-raxin, Mê-hi-cô, Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a, A-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp Châu Âu (EU), cùng đại diện cấp cao các tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Xin-ga-po được mời tham dự Hội nghị đại diện cho APEC; và Thái Lan đại diện ASEAN. Việc Thái Lan và Xin-ga-po tham gia là nhằm giúp G-20 thảo luận thực chất hơn các vấn đề liên quan đến các nước đang phát triển, như tiến trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển tại IMF và WB... Tại Hội nghị G-20 lần này, Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi hình thành một cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới.

Những quyết định quan trọng về cơ chế

- Hội nghị G-20 (4/2009) đã đưa ra quyết định cải tổ và hiện đại hoá các thể chế tài chính theo hướng tăng cường điều tiết và giám sát, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Với 7 giải pháp cụ thể bao gồm cơ cấu tổ chức và các thể chế tương ứng bảo đảm cho cơ chế vận hành hữu hiệu như: Thành lập Hội đồng ổn định tài chính (FSB); phối hợp giữa FSB với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra các cảnh báo sớm đối với các nguy cơ tài chính và kinh tế vĩ mô, đề xuất giải pháp đối phó; định hình hệ thống điều tiết để các nhà chức trách có thể xác định và kiểm soát các nguy cơ từ chính sách kinh tế vĩ mô; mở rộng điều tiết và giám sát đối với tất cả các thể chế, công cụ và thị trường tài chính quan trọng; nâng cao chất lượng và số lượng nguồn vốn tại các hệ thống ngân hàng sau khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục; bảo vệ các nguồn tài chính công và các hệ thống tài chính của các nước thành viên, trừng phạt những hành động thiếu hợp tác; mở rộng quy mô giám sát điều tiết và đăng ký của cơ quan đánh giá tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Tuyên bố chung của Hội nghị G-20 (9/2009) khẳng định cam kết sẽ dành cho các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ tiếng nói có trọng lượng hơn trong quá trình tái xây dựng và điều hành nền kinh tế toàn cầu. Biện pháp trên được đánh giá là bước chuyển biến lịch sử, bởi nó đã thừa nhận vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Châu Á và Bắc Mỹ. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy các nước phát triển đã chấp nhận sự cân bằng quyền lực mới trong cơ chế lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi sẽ có nhiều quyền bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

G-20 cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì các chương trình kích thích cho tới khi nền kinh tế phục hồi ổn định, bắt đầu thực hiện một khuôn khổ phối hợp hành động theo hướng tái cân bằng phát triển kinh tế.

Các quốc gia rơi vào tình trạng thâm hụt tài chính khổng lồ như Mỹ cam kết áp dụng các chính sách khuyến khích tiết kiệm cá nhân, còn các quốc gia có thặng dự thương mại lớn như Trung Quốc cam kết sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

G-20 ủng hộ kế hoạch chấm dứt trợ cấp về năng lượng (dầu mỏ, nhiên liêu hóa thạch) để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu và thể hiện nỗ lực của Nhóm nhằm sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha về thương mại.

Trên lĩnh vực tài chính, G-20 thống nhất tăng cường các quy định quản lý, thực hiện cải tổ và giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng tới năm 2012 như 7 giải pháp mà Hội nghị G-20 đã đưa ra hồi tháng 4/2009.

Cam kết chuyển G-8 thành G-20 cải tổ IMF là thay đổi mang tính "lịch sử" nhằm mở rộng vai trò của các nước mới nổi như Trung Quốc, giảm sự chi phối của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Việc tăng cường vai trò của các quốc gia đang phát triển, báo hiệu một kỷ nguyên mới mà ở đó, các quyết sách về tương lai của kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ là quyết định của một số cường quốc phương Tây.

Theo Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, hợp tác toàn cầu sẽ giúp nền kinh tế thế giới quay trở lại quỹ đạo và đặt cơ sở cho sự thịnh vượng trong tương lai, khẳng định vai trò ngày càng lớn của G-20 trong việc điều phối chính sách kinh tế toàn cầu, chức năng vốn do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đảm nhiệm trong hơn 30 năm qua.

Lợi ích các nước lớn vẫn là chủ đạo

- Qua 2 hội nghị G-20 cho thấy: Mỹ đã đạt được mục tiêu lôi kéo các nước bơm thêm tiền (1.100 tỷ USD) cho các định chế tài chính thế giới, nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính mà nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ những sai lầm trong chính sách quản lý và hoạt động kinh tế của Mỹ, đồng thời ngăn chặn đà suy thoái kinh tế của Mỹ và thế giới. Việc này sẽ giúp cho Mỹ tiếp tục sử dụng "bộ ba" định chế tài chính gồm WB, IMF và FED để chi phối nền tài chính thế giới thông qua đồng USD. Việc "cứu" các nước đang và chậm phát triển thực chất là vì chính nước Mỹ và các nước tư bản phương Tây.

Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn có những bất đồng về chiến lược khó có thể dung hoà, vì Trung Quốc ngày càng gia tăng và đang cạnh tranh vị thế siêu cường thế giới với Mỹ. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn trước mắt, Chính quyền của ông Ô-ba-ma chủ trương thoả hiệp với Trung Quốc vì Mỹ cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ là chiếc “chìa khoá vàng” để giải quyết những khó khăn của Mỹ hiện nay, đồng thời là động lực lớn để hai nước tiếp tục duy trì và phát huy vai trò đầu tàu phát triển kinh tế thế giới.

Đối với trục Mỹ - EU đã phần nào bị phân hoá thành hai trục Mỹ - Anh và Pháp - Đức, do bất đồng giữa Mỹ và các nước như Đức và Pháp trong biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới hiện nay. Mỹ chủ trương vực dậy nền kinh tế bằng những khoản kích thích khổng lồ, trong khi Pháp, Đức lại muốn tập trung vào điều tiết hệ thống tài chính thế giới. Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (4/2009) diễn ra, Pháp và Đức đã có các cuộc tiếp xúc riêng và đưa ra ý kiến phản đối giải pháp của Mỹ. Đức và Pháp muốn áp dụng các nguyên tắc của Châu Âu vào "mô hình kinh tế Anh - Mỹ" để điều tiết hệ thống tài chính được cho là "tự do quá cao" hiện nay. Cuối cùng, Mỹ và EU đã phải dung hoà các bất đồng này: Mỹ được đáp ứng yêu cầu bổ sung nguồn tài chính cho các gói kích thích kinh tế toàn cầu, trong khi Pháp - Đức có được các cam kết của G-20 thắt chặt các quy tắc điều tiết tài chính quốc tế, nâng cao thẩm quyền và vai trò cho IMF. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai các biện pháp của G-20, những bất đồng giữa hai tiểu trục quan hệ này sẽ tiếp tục nảy sinh, buộc hai bên phải có những thoả hiệp và nhượng bộ nhau trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

Quan hệ Mỹ - Nga đã có bước phát triển quan trọng sau khi Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Mét-vê-đép quyết định "khôi phục lại quan hệ Nga - NATO thành quan hệ tích cực hơn trong thời gian tới". Thời gian gần đây, Mỹ đã có những nhượng bộ, bước đi linh hoạt và mềm dẻo hơn nhằm đạt được những thoả thuận với Nga về nhiều vấn đề chiến lược như vấn đề hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên; vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược; vấn đề Áp-ga-ni-xtan; vấn đề U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO; vấn đề triển khai hệ thống NMD tại Châu Âu...

Nga tiếp tục ủng hộ các quan điểm của Châu Âu thiết lập một cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế thế giới, phản đối kế hoạch "đưa thế giới ra khỏi suy thoái bằng cách chi tiêu nhiều hơn của Mỹ". Chính vì vậy mà Nga không tham gia gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ USD của G-20 (4/2009), thay vào đó là tập trung phát triển quan hệ song phương và đa phương với các nước láng giềng, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin hướng hình thành một thế giới đa cực. Nga tiếp tục coi trọng quan hệ với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác mang tính chiến lược thông qua tiến hành "Cơ chế Tham vấn các vấn đề chiến lược"; thúc đẩy quan hệ trong nhóm BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) làm đối trọng với Mỹ.

- Trung Quốc đang nổi lên như là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 chỉ là Hội nghị G-2, tức là Mỹ và Trung Quốc bởi tầm quan trọng của Trung Quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu xuất phát từ Mỹ. Những gì diễn ra trong và sau G-20 cho thấy, Trung Quốc đã trở thành một thành viên then chốt trong nền chính trị thế giới và ngày càng đóng vai trò quốc tế quan trọng hơn. Trong khi Mỹ bị tụt dốc thì Trung Quốc đã tỏa sáng sau 30 năm cải cách, mở cửa; Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới”. Với việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, Trung Quốc đã trở thành một trong ba quốc gia (sau Nga và Mỹ) hàng đầu trên thế giới về khoa học vũ trụ. Với GDP quốc gia đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản) và đứng đầu thế giới về dự trữ ngoại tệ (hơn 2.000 tỷ USD), Trung Quốc được các quốc gia trên thế giới, kể cả một số đồng minh của Mỹ, tỏ ra khâm phục, nể trọng.

Vì vậy, Trung Quốc hiện đã vượt qua giới hạn "nói không" và đang chuyển dần từ vị thế là "thính giả" sang vị thế của nước "đưa ra ý kiến". Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình và của các nước đang phát triển khác trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong các tổ chức như IMF, WB, hướng hình thành một trật tự thế giới mới. Trung Quốc lên tiếng sẵn sàng đóng góp vào quỹ giúp các nước đang phát triển, song song với thúc đẩy tiến bộ thực sự trong cải cách hệ thống tài chính thế giới, đặc biệt là IMF, theo hướng tăng cường vai trò của các nước trong hệ thống này, trong đó có Trung Quốc tại IMF.

Tìm cơ chế kinh tế toàn cầu phù hợp đang còn là bài toán khó

Các giải pháp của G-20 (tháng 4 và 9/2009) đưa ra được coi là tích cực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, vì chủ yếu là tạo lợi ích cho các nước lớn, chưa giải quyết được nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy giảm kinh tế, các nước lớn vẫn có xu hướng tăng cường bảo hộ mậu dịch bằng các biện pháp tinh vi hơn, gây khó khăn cho các nước nghèo và đang phát triển trong tiếp cận thị trường, nhất là  những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật và phi quan thuế...

Việc đề xuất của nhóm BRIC về sự cần thiết lập một đồng tiền quốc tế khác thay thế đồng USD cho thấy vị thế của đồng USD đã suy giảm, nhưng chọn đồng tiền nào thay thế nó đang còn là câu hỏi khó. Nhiều nước cho rằng, cần sớm bãi bỏ quy chuẩn người Mỹ và Châu Âu thay nhau chi phối Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF... Những động thái này cho thấy, cho dù không muốn nhưng Mỹ buộc phải chấp nhận chia sẻ phần nào ảnh hưởng ở các thiết chế tài chính nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt, nhưng vẫn muốn bảo  đảm rằng Mỹ đóng vai trò quyết định trong tương lai gần.

Như vậy, cả 2 hội nghị G-20 đều bộc lộ những bất đồng về lợi ích quốc gia của các nước trong các định chế tài chính lớn của thế giới, và sẽ khó có thể giải quyết trong thời gian trước mắt; theo đó, quan hệ giữa các nước lớn sẽ tiếp tục là một chuỗi những thoả hiệp, nhượng bộ lẫn nhau sao cho đạt được lợi ích quốc gia cao nhất. Việc lắng nghe tiếng nói của các nước chậm phát triển và các nước nghèo tuy đã được đề cập đến tại các Hội nghị Liên Hợp Quốc và G-20 mở rộng, nhưng cũng vẫn chỉ là để tham khảo.

Vì vậy, từ G-8 thành G-20 tuy đã ghi nhận bước chuyển quan trọng trong cơ chế kinh tế toàn cầu nhằm giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính, ngăn chặn đà suy thoái kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi bền vữngcân bằng của nền kinh tế thế giới là đáng ghi nhận, nhưng vấn đề đặt ra là những cam kết này có trở thành hiện thực hay không? Trong khi tiếng nói của các nước đang và chậm phát triển vẫn  chỉ có ý nghĩa tham khảo. Thực chất của cơ chế kinh tế toàn cầu mới (G-20) vẫn chỉ phản ánh tham vọng của các nước lớn đang chi phối quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chừng nào nền kinh tế thế giới vẫn chịu sự thống trị của các tập tư bản tài chính siêu quốc gia, xuyên quốc gia thì cho dù G-20 có mở rộng bao nhiêu cũng vẫn khó có thể thoát khỏi các cuộc khủng hoảng chu kỳ trong tương lai, nhiều lắm thì người ta cũng chỉ có thể hạn chế phần nào sự thiệt hại do các cuộc khủng hoảng chu kỳ gây ra mà thôi. G-20 vẫn chưa thực sự trở thành cơ chế kinh tế khách quan phản ánh lợi ích kinh tế toàn cầu . /.

 

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Thế giới,  G-20 tìm khuôn khổ phát triển mới, Cập nhật 18/10/2009.

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Có hay không việc hình thành cơ chế G-2 TrungMỹ ?, Cập nhật 1/9/2009.

3. RUVR, Hội nghị Thượng đỉnh G-20: Những kết quả tiến bộ và các vấn đề chưa được giải quyết, Cập nhật 27/9/2009

4. Sài Gòn giải phóng Online, Hội nghị G-20 tại Mỹ: Thúc đẩy hợp tác thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Cập nhật 25/9/2009

5. Lan Phương, G-20 yêu cầu một nền kinh tế cân bằng, Theo BBC News, Bản tin ngày 22/9/2009

6. Nguyễn Chiến, Thế giới cần cơ chế và công cụ mới, Tài nguyên và Môi trường. Cập nhật 8/4/2009.

0thảo luận