Trang chủ

HIỆN TƯỢNG “CƯ DÂN TỊ NẠN CAFE INTERNET” Ở NHẬT BẢN HIỆN NAY

Đăng ngày: 3-03-2014, 12:23 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 12

Khi nghĩ tới Nhật Bản, người ta thường liên tưởng tới một siêu cường kinh tế, với mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người thuộc nhóm các nước hàng đầu trên thế giới và không có người nghèo tồn tại ở quốc gia này. Chính bản thân Nhật Bản cũng luôn tự hào là quốc gia có 90% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, các thành phố hầu như không tồn tại các khu ổ chuột như nhiều nơi trên thế giới. Điều đó đã được khẳng định. Song, những năm gần đây, ở Nhật Bản xuất hiện nhiều thanh niên đêm này qua đêm khác sống ở quán cafe internet (net cafe), biến phòng máy tính thành nơi ăn ngủ, sinh hoạt của mình. Đó là đặc điểm chung của những người vô gia cư mới mà báo chí Nhật gọi là “dân tị nạn net cafe”. Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này, tại sao họ lại trở thành “dân tị nạn net cafe”? Lý do gì họ sử dụng quán net cafe làm nhà của mình? Đó thực sự là câu hỏi đặt ra trong suốt thời gian tôi lưu học tại Tokyo- Nhật Bản và chính đó là động cơ để tôi đọc, tìm hiểu tài liệu có liên quan trên intenet, xem những phóng sự trên truyền hình, đi thực địa tới ga Kamata- nơi được mệnh danh là thủ đô của những quán net cafe dành cho những người vô gia cư mới xuất hiện ở Nhật, để tìm hiểu cuộc sống “dân tị nạn net cafe”.

1. Cuộc sống của “cư dân tị nạn net cafe”

“Cư dân tị nạn net cafe” là những người không có công việc làm ổn định, lao động và hưởng lương theo công nhật, thu nhập thấp, không có khả năng thanh toán tiền nhà hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, hầu như phải sống qua đêm ở những quán cafe intenet.

“Cư dân tị nạn net cafe” luôn phải tính toán làm thế nào tiêu ít tiền nhất trong một ngày. Mức tối đa họ chi cho bữa ăn hàng ngày không vượt mức 1000 yen (10USD). Họ thường mua loại cơm hộp giá rẻ trong các siêu thị có giá khoảng 380 yen (3,8USD). Chia hộp cơm đó thành hai phần dành cho bữa trưa và bữa tối. Những lúc chỉ còn số tiền ít ỏi, họ chỉ dám mua một cái bánh humburge chia làm bữa sáng và tối để sống qua ngày. Lang thang ở những nơi công cộng để giết thời gian cho đến tối muộn, họ lưu trú ở những quán cafe để tiết kiệm chi phí sử dụng. Tại đây, họ bắt đầu tìm kiếm công việc ngày mai bằng cách đăng ký vào hệ thống “Công ty môi giới và điều phối việc làm theo ngày” để tìm việc làm. Nếu ngày mai họ không tìm được công việc và không có thu nhập để trả tiền sử dụng quán net cafe thì họ đành phải qua đêm trên những nghế đá ở công viên hoặc vỉa hè.

Bởi quán cafe intenet chật hẹp nên họ không thể mang theo những túi to đựng hành lý vào quán nên hộp gửi đồ công cộng giá rẻ là thứ không thể thiếu đối với cuộc sống của “cư dân tị nạn net cafe”. Họ thường sử dụng dịch vụ gửi đồ 1ngày/2USD, hoặc 8 tiếng/1USD. Vì không có nhà nên hộp gửi đồ được họ coi như tủ quần áo. Họ cất vào đấy những thứ không được sử dụng thường xuyên như: thuốc, quần áo, album ảnh... hoặc những vật dụng quý và đồ thiết yếu trước khi đi làm.

Thêm một nơi luôn song hành với cuộc sống của “dân tị nạn net cafe” đó là các hiệu giặt quần áo tự động giá rẻ. Sau một ngày lao động vất vả, khoảng 20h-22h họ cầm túi xách bước ra từ những quán cafe internet đi tới các hiệu giặt tự động. Một tuần họ giặt quần áo tại hiệu giặt tự động khoảng 1- 2 lần. Các hiệu giặt tự động thường có hệ thống hộp gửi đồ giá rẻ được lắp đặt sẵn. Có cả trường hợp, hộp gửi đồ giá rẻ này được bố trí ngay trong quán net cafe. Quán cafe internet giá rẻ - hộp gửi đồ giá rẻ - quán ăn giá rẻ tạo thành một hệ thống liên hoàn phục vụ cho đối tượng khách hàng là “tầng lớp nghèo khó” trong xã hội Nhật. Hệ thống kinh doanh này trải rộng trên các lĩnh vực tài chính, bất động sản, giới thiệu việc làm, phúc lợi... Nhà cho thuê giá rẻ- hộp gửi đồ giá rẻ- hiệu giặt đồ giá rẻ dành cho “dân tị nạn net cafe” là minh chứng điển hình cho loại hình kinh doanh này. Họ thích ứng rất nhanh cung cấp những dịch vụ với giá thành phù hợp cho “tầng lớp nghèo khó” trong xã hội Nhật Bản. Chính những người kinh doanh trong lĩnh vực này chứ không phải những nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Nhật Bản thấu hiểu nhất về cuộc sống của những “cư dân tị nạn net cafe”

Đặc điểm chung và dễ nhận ra những “cư dân tị nạn net cafe” là họ luôn mang theo mình một túi to hoặc valy kéo cỡ nhỏ đựng những vật dụng thiết yếu của cuộc sống hàng ngày: bàn chải đánh răng, thuốc cảm, thuốc đau dạ dày, cắt móng tay, bông ngoáy tai, cơm hộp, tất, một vài bộ quần áo, khẩu trang, máy điện thoại di động, thẻ thành viên của “công ty điều phối và môi giới việc làm theo ngày”.... Vật dụng cá nhân của họ đầy đủ những thứ cần thiêt giống như một người chuẩn bị cho chuyến dã ngoại ngắn ngày.

Trong số “cư dân tị nạn net cafe” có một tỷ lệ nhỏ là nữ giới. Tuy tỷ lệ phụ nữ từ 40-50 tuổi chiếm đa số nhưng cũng có một số có độ tuổi từ 10-20 tuổi. Bên cạnh những người chịu sự bạo hành ngược đãi của chồng phải bỏ nhà ra đi thì có những phụ nữ ly hôn hoặc những người bị bệnh thần kinh. Những “nữ tị nạn net cafe” này thường chọn cho mình những quán cafe internet có phòng riêng tiện trang điểm tránh những ánh mắt soi mói của đàn ông. Kể cả khi ngủ đêm ở quán cafe internet thì họ luôn chú ý trang điểm cho bản thân mình để khi chỉ cần bước chân ra khỏi ngoài quán net cafe họ cũng là những người phụ nữ xinh đẹp, không ai có thể nhận ra họ là “dân tị nạn cafe internet.” Hơn nữa nếu không trang điểm kỹ càng, tạo cho mình một bề ngoài ưa nhìn thì rất khó tìm được việc làm. Cũng nhiều trường hợp không đủ tiền để mua mỹ phẩm riêng nên khi bước chân ra khỏi quán net cafe, họ lập tức bước vào những cửa hàng mỹ phẩm hoặc bách hóa để sử dụng những mỹ phẩm mẫu (phấn, son, kem đánh mắt) miễn phí dành cho khách hàng.

Bên cạnh đó, những nữ “cư dân tị nạn net cafe” cũng phải chú ý đến việc vệ sinh thân thể sạch sẽ hơn các nam cư dân tị nạn net cafe” để tránh ánh mắt soi mói của những người làm cùng. Họ cố gắng không sử dụng nhà vệ sinh dành cho cả nam nữ ở quán net cafe mà chủ yếu sử dụng nhà vệ sinh ở trong những siêu thị sang trọng. Nếu sử dụng nhà tắm công cộng thường xuyên sẽ tốn kém hơn, vì vậy họ mua những chiếc khăn tắm loại rẻ trong các cửa hàng một giá 100 yen (1USD) để vệ sinh cơ thể. Công việc chủ yếu của những “nữ tị nạn net cafe” là phát tờ rơi quảng cáo ở ga tầu điện ngầm, phân loại sản phẩm ở những kho hàng, phục vụ trong cửa hàng ăn nhỏ, quán karaoke...

Việc đầu tiên của cư dân tị nạn net cafe khi muốn tìm việc làm là phải đến chi nhánh của “Công ty môi giới và điều phối việc làm theo ngày”. Tại đó, họ sẽ được phát tờ khai đăng ký việc làm, điền vào đó những nội dung như: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại di động, địa chỉ email, công việc muốn làm... Sau đó họ sẽ được cung cấp thẻ thành viên có “mã số đăng ký”. Tuy không phải là cưỡng ép nhưng họ được đưa ra những lời tư vấn rất khó từ chối là mua quần áo đồng phục của “Công ty điều phối và môi giới việc làm theo ngày” để tiện cho công việc và để được sắp xếp công việc đều đặn hơn.

Họ bắt đầu một ngày làm việc bằng cách dùng điện thoại gọi điện hoặc nhắn tin đến “chi nhánh văn phòng công ty điều phối và môi giới việc làm theo ngày” và hỏi “Ngày mai có việc làm cho tôi không ạ?”. Nếu có, ngay lập tức, nhân viên văn phòng chi nhánh “Công ty điều phối và môi giới làm việc theo ngày” sẽ thông báo “Ngày mai có công việc chuyển văn phòng ở gần ga Omori, giờ làm việc từ 9 h đến 17 h, lương 750 yen/1h, anh có làm công việc này không?”. Sau khi phía người làm trả lời “Vâng, tôi có làm” thì từ phía “Công ty điều phối và môi giới việc làm theo ngày” sẽ gửi mội tin nhắn có nội dung chi tiết như sau tới điện thoại di động của người làm thuê với nội dung ví dụ như sau:([1])

 

Ngày làm việc

Mã số công việc

Thời gian làm việc

Tiền lương

Địa điểm làm việc

Số người tham gia công việc

Thời gian tập trung

Địa điểm tập trung

Nội dung công việc

Ngày ...... tháng......năm 2009

7890

9h- 17h

7,500 yen (7,5USD)/1 h

........................

09

8h 35

Cửa soát vé phía Đông ga Oomori

Vận chuyển đồ đạc văn phòng sang một điạ điểm mới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người làm thuê sẽ đến địa điểm tập trung theo đúng thời gian thông báo trong tin nhắn.

 

 

Khi bắt đầu xuất phát tới địa điểm tập trung, họ sẽ gửi tin nhắn tới văn phòng chi nhánh “Tôi bắt đầu xuất phát tới nơi tập trung”. Khi tới nơi, họ lại thông báo “Tôi đã tới địa điểm tập trung”. Địa điểm tập trung thường là những nơi dễ nhận biết như cửa soát vé của ga tầu điện ngầm, ngã tư nào đó hoặc trước cửa đồn cảnh sát. Tại đó, họ sẽ có xe bus của “Công ty điều phối” hoặc nhân viên của “chi nhánh văn phòng công ty  điều phối và môi giới việc làm theo ngày” đón tới địa điểm lao động trong ngày. Tới hiện trường lao động, họ được nhận mệnh lệnh làm những công việc khác nhau. Khi công việc kết thúc, họ sẽ nghi tên mình và ký vào một tờ giấy xác nhận thời gian và nội dung công việc đã làm, nhận một nửa biên lai của tờ giấy xác nhận đó và mang tới “chi nhánh văn phòng công ty điều phối và môi giới việc làm” để nhận tiền công đã làm trong ngày([2]).

Vì đặc thù công việc là làm thuê theo ngày nên nội dung công việc thay đổi liên tục theo như yêu cầu của Công ty môi giới việc làm. Cũng do chỉ một ngày làm việc nên phía thuê lao động cũng không cần thiết phải nhớ tên, thậm chí hạn chế tối đa nói chuyện với nhau. Trong lúc làm việc, phía thuê lao động thường gọi những người lao động “ơi, ơi”, “cậu kia”, “này, này”... Công việc của “cư dân net cafe” thường là lao động chân tay, nặng nhọc nhất là công việc chuyển nhà. Nhiều khi người lao động phải vận chuyển cái tủ lạnh lớn lên tầng 3 của một tòa nhà. Nội dung công việc không rõ ràng, thậm chí nhiều lúc nếu không đến tận hiện trường thì cũng chưa biết bản thân mình được thuê làm công việc gì trong ngày hôm đó.

 

 

Nguồn:http://www.kenkou-cafe.com/

 

 

Không phải những “cư dân tị nạn cafe internet” mong muốn được thuê và hưởng lương theo ngày. Nhưng trong thực tế, nếu làm một công việc gì đó nhận lương tháng thì anh ta lại không đủ tiền chi phí cho sinh hoạt trong tháng cho đến khi nhận được lương tháng đó. Chính vì vậy, “cư dân tị nạn net cafe” bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn của công việc làm thuê theo ngày để ngay lập tức nhận được thu nhập trong ngày nhằm trang trải cho cuộc sống ngày hôm sau. Công việc nặng nhọc và vất vả, làm liên tục 12 tiếng cũng không có chút giải lao. Trong lúc làm việc, chẳng may bị tai nạn lao động thì phía người lao động cũng không nhận được tiền bảo hiểm. Do đặc thù của công việc làm theo ngày nên cho dù ngày hôm nay có công việc chăng nữa thì ngày hôm sau cũng không biết có việc làm hay không. Nếu không có việc họ sẽ không có tiền để qua đêm ở quán cafe internet và đương nhiên không có gì để lót bụng qua ngày. Một ngày mai bất định luôn đồng hành với họ.

2. Số lượng và tỷ lệ độ tuổi của cư dân tị nạn net cafe

Theo số liệu điều tra thực tế vào tháng 7 năm 2008 của Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, trên toàn quốc có khoảng 5400 người tị nạn net cafe. Lứa tuổi 20 chiếm tỷ lệ cao nhất là 26,5%, đứng vị trí số 2 là lứa tuổi 50 chiếm 23,1%, đứng vị trí thứ ba là độ tuổi 30: 19%, những người ở lứa tuổi 10 chiếm 9,8%, số người tuổi 60 chiếm 8,7% (3). Điểm đáng chú ý trong bản điều tra, hơn 40% trong số 5400 người này đã và đang trải qua cuộc sống trên hè phố. Họ không chỉ tá túc ở trong những quán net cafe mà còn vạ vật qua đêm ở những quán bán đồ ăn nhanh giá rẻ. Thu nhập bình quân theo tháng của những người sống ở Tokyo (1.100USD), Osaka (900 USD) là rất thấp so với mặt bằng giá cả đắt đỏ ở Nhật Bản.

3. Lý do trở thành “cư dân tị nạn net cafe”(3)

Lý do trở thành dân tị nạn cafe intenet rất đa dạng. Bên cạnh những trường hợp bị bố mẹ ngược đãi phải bỏ nhà ra đi từ bé, trở thành người lang thang thì đa số là từ các vùng nông thôn Nhật Bản đổ về Tokyo và Osaka với hy vọng tìm kiếm được công việc có mức thu nhập cao. Song có những lý do khác nhau nữa, như bị đuổi việc hoặc công ty bị phá sản dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Trong hoàn cảnh khan hiếm công ăn việc làm tại Nhật trong những năm gần đây, họ không thể tìm được việc làm mới, do vậy họ

không đủ khả năng thanh toán tiền thuê nhà và nhiều chi phí hết sức phức tạp khi thuê nhà tại Nhật nên họ phải gia nhập đội quân này, (tiền thuê nhà hàng tháng (yachin), tiền đặt cọc (shikikin), tiền lễ (reikin), tiền môi giới (chyukaitesuuryokin)], hoặc họ không có người đứng ra bảo lãnh để thuê nhà. Theo như số liệu của Bộ Y tế - Lao động Nhật Bản, 49% số người được hỏi cho biết, họ không đủ khả năng thanh toán tiền đặt cọc và những chi phí ban đầu cho việc thuê nhà, 28% thừa nhận không có mức thu nhập ổn định để trả tiền thuê nhà hàng tháng, 23% số người không tìm được người đứng ra bảo lãnh khi thuê nhà(4)[3].

Sự suy thoái kinh tế đã buộc các công ty Nhật Bản phải cắt giảm chi phí lao động để trụ vững trong khó khăn. Ngoài biện pháp cho nhân viên nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng, còn xuất hiện khuynh hướng thay lao động nhân viên chính thức bằng hình thức lao động hợp đồng ngắn hạn, làm bán thời gian, lao động biệt phái... Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, các công ty, xí nghiệp tích cực lựa chọn cách tuyển dụng lao động không chính thức vừa đơn giản vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn(5). Hệ quả là giảm tuyển dụng lao động chính thức, gia tăng lao động tự do, lao động biệt phái. Đây cũng là một lý do dẫn đến sự xuất hiện của “cư dân tị nạn net cafe”.

4. Lý do sử dụng quán cafe intenet làm nơi cư ngụ?

Nhiều quán net cafe ở Nhật Bản bắt nguồn từ những quán cafe truyện tranh manga, nơi những người yêu thích truyện tranh có thể ngồi hàng giờ để đọc truyện, thư giãn trong khi thưởng thức món đồ uống nào đó. Trong 10 năm qua, ranh giới giữa quán cafe internet và cafe đã mờ dần, khiến số lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, lý do chính khiến quán cafe internet phát triển mạnh mẽ ở Nhật như vậy nằm ở những ý tưởng sáng tạo của các chủ quán. Nhận thức rõ ràng, hiện nay, hầu như chẳng có khách hàng nào tới cafe internet chỉ để làm những việc như kiểm tra email hay lướt web, các chủ quán đã không ngừng biến quán của mình thành địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn hấp dẫn. Khi bước vào những quán cafe internet, đối với những khách hàng muốn có sự riêng tư, họ có thể được sử dụng những phòng riêng được ngăn bằng tấm vách. Trong phòng được trang bị những máy tính được kết nối Internet băng thông rộng tốc độ cao, họ có thể ngủ trên chiếc ngế dựa thoải mái êm ái. Được sử dụng chương trình game, truyện tranh, đĩa DVD, được phục vụ đồ uống nhẹ và xem tivi miễn phí. Trong quán có trang bị cả nhà tắm, nhà vệ sinh. Hơn nữa, vào thời điểm từ 22h trở đi, khách hàng chỉ phải trả chi phí rất hợp lý 1- 1.3USD/h. Họ nghỉ qua đêm chỉ mất khoảng 10-12 USD. Như vậy là rẻ hơn hẳn các khách sạn “hộp” loại bình dân nhất, rẻ nhất ở Nhật nơi có những căn phòng được “ngăn” thành ô nhỏ cho khách. Đó quả thật là một “Thiên đường” cho những cư dân tị nạn net cafe Như vậy dịch vụ miễn chê cộng giá cả hợp lý là nguyên nhân quyết định lý do họ sử dụng quán net cafe.

6. Ảnh hưởng tới xã hội Nhật Bản

Trong bối cảnh phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc trong xã hội Nhật Bản, quỹ phúc lợi chi phí hỗ trợ cho cuộc sống người nghèo ngày càng nhiều lên ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia. Độ tuổi những cư dân tị nạn net cafe đa số là trẻ, thuộc độ tuổi lao động sung sức. Nếu được đào tạo và được tạo điều kiện việc làm thì đây là nguồn nhân lực mà Nhật Bản rất cần, nhất là trong bối cảnh lực lượng lao động ngày càng già hóa, và sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động trẻ. Ở một khía cạnh khác, số lượng cư dân này tăng lên khiến thị trường lao động Nhật Bản sẽ biến động theo hướng xấu, làm mất đi ý chí phấn đấu, khát vọng trong công việc của giới trẻ.

Do đặc thù quan hệ công việc là theo ngày, nên cư dân net cafe thường gặp những người không quen biết. Hơn nữa, nhiều người do quan hệ với gia đình bị tan vỡ, nhiều trường hợp không còn giữ liên lạc với gia đình nên hầu như dẫn đến tình trạng bị cô lập trong cuộc sống và giao tiếp, dễ gây ra sự trầm cảm và các bệnh liên quan tới thần kinh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội.

Cũng vì thường xuyên phải đối mặt với cuộc sống lang thang và sự thiếu thốn về kinh tế nên sẽ dẫn đến nhiều trường hợp có những hành vi xấu như trộm cắp. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm pháp trên mạng và những vi phạm phát luật khác như copy đĩa DVD bất hợp pháp, gây ra mất ổn định trật tự an ninh xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế - Lao động Nhật Bản sau khi tiến hành điều tra thực tế những đối tượng “dân tị nạn net cafe” đã quyết định thông qua gói hỗ trợ (chính sách hỗ trợ việc làm) có trị giá 170.000.000 yen trong tài khoá 2009. Cụ thể là liên kết với NPO - tổ chức đã có nhiều đóng góp trong công tác giúp đỡ những người vô gia cư, thiết lập văn phòng tư vấn giúp những “cư dân tị nạn net cafe” tìm kiếm công việc ổn định. Đồng thời, tư vấn cho họ biện pháp quản lý tài chính, tích lũy tiền bạc một cách có kế hoạch để họ có khả năng thuê nhà. Đăng tải những thông tin tư vấn hữu ích trên trang web dành cho người người tị nạn net cafe, thiết lập văn phòng tư vấn qua điện thoại và thư điện tử.... Tuy nhiên, các biện pháp này cũng chưa có điểm mới so với những biện pháp mà các tổ chức thuộc NPO đã tiến hành trong nhiều năm qua(6).

Bên cạnh đó, trong thực tế không ít người sở hữu nguồn thu nhập khoảng 16.00USD/ 1 tháng, và họ có khả năng thuê nhà. Song việc họ không thuê được nhà ở không phải chỉ do nguyên nhân năng lực quản lý tài chính mà còn do chi phí sinh hoạt theo ngày (tiền ăn, chi phí gửi đồ, tiền trả trọ tại quán net cafe, tiền giặt quần áo tại những cửa hàng giặt tự động) cũng tiêu tốn của họ khá nhiều tiền. Hoặc là do họ không có việc làm, nguồn thu nhập ổn định, nên không có người muốn đứng ra bảo lãnh để họ có thể thuê được nhà. Chính vì vậy một hệ thống bảo trợ cho “cư dân tị nạn net cafe” là vô cùng cần thiết.

Lực lượng lao động già hóa, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động trẻ là một trong những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển kinh tế xã hội Nhật Bản. Giải quyết được vấn đề “cư dân tị nạn net cafe” cũng chính là giải quyết được một phần trong chính sách lao động của Nhật Bản. Hy vọng với tính sáng tạo và nỗ lực không ngừng của nội các Chính phủ, những nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ khắc phục được vấn đề “cư dân tị nạn net cafe” trong một tương lai sớm nhất.

 

TRẦN HOÀNG LONG

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1水嶋宏明、ネットカフェ難民と貧困ニッポン、日本テレビ放送網株式会社、2007年12月30日。

2.川﨑昌平、ネットカフェ難民ドキュメント[最低辺生活]幼冬校新書055.

3. http://tori-s.at.webry.info/200712/ article 5.html

4. http://www.itmedia.co.jp/news/articles/ 0709/06/news049.html

5. http://sankei.jp.msn.com/li

6...http://book.asahi.com/review/TKY200712040261.htmlfe/trend/070922/trd0709222309009-n1.htm

7.http://news.livedoor.com/article/image_detail/3090994/?img_id=154614

8.http://www.youtube.com/watch?v=j386sxPIQR0

9. http://www.kenkou-cafe.com/

10.http://ameblo.jp/yymachida/entry-10046265464.html

11.http://swfblog.blog46.fc2.com/blog-entry-1385.html

12. http://www.laqoo.net/hinkon/netcafe. html

13. http://ja.wikipedia.org/wiki/



([1]).水嶋宏明、ネットカフェ難民と貧困ニッポン、日本テレビ放送網株式会社、2007年12月30日, 97 page。[1]

([2]).水嶋宏明、ネットカフェ難民と貧困ニッポン、日本テレビ放送網株式会社、2007年12月30日,99 page。

 

(3) http://www.kenkou-cafe.com/

(4)http://nhipsongso.tuoitre.com.vn/Index.aspx?ArticleID=238149&ChannelID=16

(5) Phan Cao Nhật Anh, Lao động kh«ng chÝnh thức ở Nhật Bản, Tạp chÝ Nghiªn cøu §«ng Bắc Á số 6, năm 2009.

(6) 水嶋宏明、ネットカフェ難民と貧困ニッポン、日本テレビ放送網株式会社、2007年12月30日,250 page。

0thảo luận