Trang chủ

MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày: 3-03-2014, 12:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 11

Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn với 85% dân số sống bằng nghề nông và đánh bắt cá, thu nhập bình quân đầu người dưới 200 USD vào đầu những năm 1960, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp với 85% dân số sống ở đô thị vào thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Hàn Quốc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 1998 và là nền kinh tế có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ 10 trên thế giới cho dù Hàn Quốc là một nước nhỏ nếu tính theo diện tích lãnh thổ và dân số (chỉ bằng 1/3 diện tích và 1/2 dân số của Việt Nam). Kỳ tích phát triển kinh tế thập kỷ 70, 80, 90 thế kỷ trước của Hàn Quốc đã được cả thế giới biết đến và Hàn Quốc đã trở thành một trong bốn con rồng Châu Á.

Tuy nhiên cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh thì  phá hủy môi trường cũng diễn ra với tốc độ nhanh. Bài viết này nhằm tập trung phân tích thực trạng môi trường và những biện pháp chính sách mà Hàn Quốc đã thực thi để giải quyết các vấn đề về môi trường.

1. Thực trạng môi trường của Hàn Quốc

Sau 30 năm tập trung cho phát triển kinh tế, môi trường của Hàn Quốc đã xấu đi nghiêm trọng cuối những năm 1980 và 1990. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, rác thải và mưa a xít đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Tuy tình hình đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, môi trường của Hàn Quốc vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề.

a. Ô nhiễm không khí

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ồ ạt đã làm cho lượng khói, bụi trong không khí lên nhanh chóng. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Hàn Quốc đã tăng nhanh trong những năm qua. Năm 1990 lượng khí CO2 thải ra của Hàn Quốc là 310 triệu tấn, đến năm 2004 đã tăng lên 590 triệu tấn, tương đương với 1,8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các ngành công nghiệp nặng và chế biến tiêu thụ 30% năng lượng của Hàn Quốc, nhiều hơn so với tỉ lệ 20% của Nhật Bản, 14% của Mỹ. Theo dự tính của các nhà khoa học Hàn Quốc lượng khí thải CO2 dự đoán sẽ tăng lên 790 triệu tấn vào năm 2030.

Trong báo cáo của ông Angel Gurria- Tổng thư ký của OECD thì ô nhiễm không khí ở các thành phố của Hàn Quốc gần như tồi tệ nhất trong các nước OECD khi mà lượng khí CO2 thải ra đã tăng 98% trong thời kỳ 1990-2003 (OECD 2006), lượng khí thải trên đầu người tăng 77% và Hàn Quốc đứng thứ 9 trên thế giới về khối lượng khí thải CO2. Trong lần đánh giá đầu tiên của OECD vào năm 1997, mức độ thải khí CO2 của Hàn Quốc chỉ nhỉnh hơn mức trung bình của các nước OECD lúc đó là 0,64 tấn cho 1.000 USD giá trị GDP hàng năm, nhưng giờ đây sự chênh lệch về mức khí thải đã tăng lên nhiều khi mà con số của Hàn Quốc là 0,51 tấn so với 0,45 tấn của các nước OECD.

Hàn Quốc đang là nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự biến đổi khí hậu. Nhiệt độ của 6 thành phố lớn của Hàn Quốc đã tăng lên 1,5 oC trong 100 năm qua, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,74oC. Trong vòng 40 năm mực nước biển ở đảo Jeju đã tăng 22 cm trong khi mức trung bình của thế giới là 1,8mm. Lượng mưa trong thời kỳ 1996-2005 được đo ở 15 điểm đã tăng 10% so với thời kỳ 1971-2000. Thiệt hại do mưa lũ gây ra đã tăng 3,2% trong vòng 10 năm. Ước tính thiệt hại lên tới 17,7 nghìn tỷ won (tương đương với 18 tỷ USD trong 10 năm qua (Park Hojeong, 2009). Chính vì thế mà gần đây Hàn Quốc đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế đi liền với việc giảm khí thải các-bon.

b. Ô nhiễm nước

Chất lượng nước là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Mặc dù lượng mưa ở Hàn Quốc nhiều gấp 1,3 lần so với mức trung bình của thế giới, nhưng mưa thường tập trung vào mùa hè. Hàn Quốc có 7 con đập được sử dụng với nhiều mục đích và 4 con đập ở các cửa sông để kiểm soát nước. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã làm tăng lượng nước thải công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt. Nhiều dòng sông, vùng biển bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm nhiều nơi cũng bị nhiễm kim loại nặng.

Theo báo cáo của Bộ Môi trường năm 1996, chỉ có 33% nước thải đô thị đổ vào sông Nakdong là được xử lý, tỉ lệ này ở sông Kum là 31%, sông Yongsam là 48%, và cao nhất là sông Hàn 69%. Nhưng theo Norman Eder thì tỷ lệ nước thải được xử lý trong thực tế còn thấp hơn nhiều so với con số thống kê của Bộ Môi trường. Năm 1989 khi việc phát hiện nước máy ở Xơ-un  bị nhiễm kim loại nặng như chì và thủy ngân đã làm cho công chúng bị xốc. Vì đây là lần đầu tiên người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự ô nhiễm, sự việc này đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ trong phong trào bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc, từ đó trở đi người dân quan tâm theo dõi nhiều hơn đến chất lượng nước họ dùng hàng ngày. Một năm sau đó, năm 1990 lại có một vụ nhiễm độc khác nguồn nước máy của Xơ-un, lần này là chất hóa học gây ung thư có ký hiệu là THM. Mùa xuân năm 1991 một vụ ô nhiễm nước nghiêm trọng khác đã xảy ra ở thượng nguồn sông Nakdong. Công ty điện tử Doosan, có nhà máy chuyên sản xuất chip bán dẫn đặt ở gần thượng nguồn sông Nakdong đã thải một lượng lớn phenol vào sông. Sông Nakdong là nơi dự trữ nguồn nước sạch cho vùng Đông Nam Hàn Quốc. Đến tháng 1 năm 1994 một vụ tràn hóa chất công nghiệp khác lại xảy ra. Gần 10 triệu cư dân sống ở phía Nam Hàn Quốc, bao gồm cả thành phố cảng Pusan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc phải dùng nước máy nhiễm benzen và toluen. Nồng độ benzen có trong nước ở vùng này cao hơn 1,8 lần so với mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vụ ô nhiễm này đã làm dân chúng nổi giận, mặc dù chủ tịch tập đoàn Doosan tuyên bố sẽ chi 50 tỷ won (khoảng 60 triệu USD) để bồi thường thiệt hại, nhưng cuối cùng thì ông ta cũng phải từ chức sau sự cố trên. Sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng đã buộc chính phủ phải xem xét lại vấn đề chất lượng nước và đưa ra một kế hoạch to lớn nhằm giải quyết vấn đề này.

Chính phủ đã phải chi một khoản tiền lớn 3,5 nghìn tỷ won (khoảng 4,5 tỷ USD) để cải thiện chất lượng nước. Tuy nhiên đến năm 1993, Bộ Môi trường đã thừa nhận rằng không những kế hoạch cải thiện chất lượng nước thất bại mà tình hình còn xấu đi. Ngoài ra việc sử dụng quá mức phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên 1 héc ta (ha) canh tác đã tăng 30% trong vòng 10 năm, từ 69  kg 1980 đã tăng lên 91 kg năm 1990.

 

 

Bảng 1. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng

 

1980

1985

1990

1992

Tổng lượng sử dụng (tấn)

151.000

167.000

191.000

188.000

Lượng dùng trên 1 ha (kg)

69

78

91

 

 

Nguồn: Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Hàn Quốc.

 

Theo nghiên cứu của OECD thì đất trồng ở Hàn Quốc là nơi có độ Nitơ cao thứ hai trong các nước OECD. Bảng 2 dưới đây cho thấy lượng phân hóa học sử dụng trên 1 ha đã tăng nhanh, từ 867 kg/ha năm 1975 đã tăng lên 1.121 kg năm 1990.


Bảng 2. Lượng phân hóa học sử dụng

 

1975

1985

1990

1993

Tổng lượng sử dụng (tấn)

1.941.000

1.618.000

2.364.000

2.074.000

Lượng dùng trên 1 ha (kg)

867

755

1.121

 

 

Nguồn: Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Hàn Quốc 1996.

 

Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và các chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã làm cho nhiều vùng biển của Hàn Quốc bị ô nhiễm. Tuy nhiên sự ô nhiễm này không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc. Theo Chương trình môi trường của Liên hợp quốc thì 80% chất ô nhiễm trong đại dương là do những hoạt động của con người trong đất liền đưa ra. Hiện nay sự ô nhiễm đã ảnh hưởng tới 80% các vùng bờ biển của thế giới và đe dọa tới cuộc sống của 4,5 tỷ người, những người sống trong vòng bán kính 60 km của bờ biển và có khoảng 2 tỷ người sống tại các trung tâm đô thị ven biển.

Ở Hàn Quốc cũng đã xuất hiện căn bệnh giống như bệnh “Itai Itai” của Nhật Bản. Bệnh này gọi là “bệnh Onsan”, vì nó xuất hiện ở vùng có Tổ hợp công nghiệp Onsan, nằm ở bờ biển phía Đông Nam Hàn Quốc, gần Ulsan. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này về sau được các nhà khoa học xác định là do nước bị nhiễm kim loại nặng (chì). Sau những sự cố trên chính phủ đã có kế hoạch cải thiện chất lượng nước từ sông ngòi, ao hồ đến nước ở các vùng ven biển. Theo số liệu của Bộ Môi trường Hàn Quốc năm 2008 (bảng 3 và 4) thì đã có sự cải thiện đáng kể chất lượng nước trong những năm gần đây.


Bảng 3. Tỷ lệ nước mặt đạt tiêu chuẩn (%)

N¨m

s«ng

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Cả nước

21,0

31,8

29,9

27,8

29,4

37,6

49,0

36,6

42,3

35,6

71,9

Han

28,8

38,5

38,5

38,5

42,3

53,8

57,7

53,8

53,8

42,3

82,1

Nakdong

10,0

25,0

30,0

20,0

22,5

32,5

55,0

32,5

45,0

32,5

78,8

Geum

31,6

55,3

36,8

34,2

26,3

31,6

44,7

34,2

44,7

36,8

59,1

Yongsan

8,3

16,7

8,3

8,3

25,0

25,0

41,7

16,7

16,7

25,0

37,5

Seomjin

-

-

-

16,7

16,7

33,3

33,3

16,7

16,7

50,0

88,9

 

Nguồn: Bộ Môi trường Hàn Quốc, 2008.

 

 

Từ bảng 3 có thể thấy năm 1997 mới chỉ có 21% các vùng nước mặt trong cả nước đạt tiêu chuẩn thì 10 năm sau, năm 2007 đã đạt mức 71,9%. Đặc biệt nước sông Hàn và sông Seomjin có tới 82% và 89% các vùng nước đạt tiêu chuẩn.

 

Nước ở các hồ chứa lớn cũng được cải thiện rõ rệt khi hàm lượng BOD (Biological oxygen demand: một chỉ số để đo mức độ ô nhiễm) đã giảm (xem bảng 4). Đồng thời hàm lượng Ni tơ và Phốt pho cũng đã giảm ở một số hồ.


Bảng 4. Chất lượng nước ở 4 hồ chứa nước ăn lớn giai đoạn 1998-2007 (mg/L)

Sông              Bể chứa

1998

2007

 

BOD

Lượng

Ni tơ

Lượng

Phốt pho

BOD

Lượng

Ni tơ

Lượng

Phốt pho

 

Han

Paldang

1,8

2,52

0,04

1,6

2,63

0,07

 

Nakdong

Mulgeum

3,0

3,66

0,12

2,6

3,00

0,14

 

Geum

Daecheong

1,2

1,65

0,03

1,1

1,66

0,02

Yongsan

Juam

1,2

0,98

0,02

1,1

0,99

0,02


Nguồn: Bộ Môi trường Hàn Quốc, 2008.

c.  Chất thải rắn

Việc tìm chỗ để đổ chất thải rắn bao gồm cả rác thải xây dựng và rác sinh hoạt hàng ngày vẫn là vấn đề nan giải ở Hàn Quốc. Diện tích lãnh thổ hẹp, dân cư đông đúc, đã làm cho Hàn  Quốc được xếp vào hàng các nước có mức độ thải rác cao nhất thế giới. Nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Xơ-un đã lâm vào tình trạng khủng hoảng rác. Để giải quyết vấn đề này chính quyền đã khuyến khích phân loại rác sinh hoạt và phát triển các cơ sở tái chế. Từ tháng 1 năm 1995, chính phủ thực hiện một chính sách mới, đó là thu phí đổ rác theo khối lượng. Theo qui định mới các hộ gia đình phải mua túi đựng rác từ chính quyền thành phố, phải phân loại rác theo kích thước và tập trung những rác có thể tái chế như giấy, plastic, đồ gỗ..vào một nơi nhất định. Tiền bán túi đựng rác chính quyền sẽ dùng để hỗ trợ cho kinh phí cho việc thu gom, chuyên chở rác. Để mọi người quen với qui định mới, chính phủ đưa ra mức phạt 100.000 won (khoảng 125 USD) với những hộ nào vi phạm qui định. Ngoài việc bị phạt tiền những người vi phạm còn bị nêu tên trên báo địa phương và bị coi như người vi phạm luật. Cách làm này đã góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Báo cáo nhanh của chính phủ cho biết lượng rác thải đã giảm 31% trong 5 ngày đầu thực hiện qui định mới. Theo nhận xét của một quan chức OECD thì chưa có một nước công nghiệp nào lại có sự thay đổi về chính sách nhanh và quyết liệt như thế. Biện pháp mới này đã góp phần làm giảm khối lượng rác thải, giảm bớt sự căng thăng về nơi đổ rác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghệp tái chế.

Chất thải công nghiệp và hóa chất được giám sát bằng Luật kiểm soát hóa chất độc hại, dưới sự quản lý của Bộ Môi trường. Công ty quản lý Môi trường (EMC) thuộc Bộ môi trường Hàn Quốc đã xây 3 bãi chôn rác thải độc hại vào cuối năm 1994, nhưng do công suất quá nhỏ, chỉ có thể xử lý 1-3% rác thải độc hại được xử lý.

Ngoài rác thải thông thường Hàn Quốc cũng luôn phải đau đầu về bãi chôn chất thải hạt nhân. Hàn Quốc là một trong những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn điện hạt nhân. Tính đến năm 1986, Hàn Quốc đã có 11 nhà máy điện hạt nhân hoạt động, chưa kể 5 nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng. Theo kế hoạch của chính phủ lúc đó thì đến năm 2031 sẽ có tất cả 55 nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên do vấp phải vấn đề chất thải hạt nhân cũng như các sự cố hạt nhân mà kế hoạch xây dựng các nhà máy mới gặp nhiều khó khăn. Với 193 sự cố hạt nhân, thì 7 trong số 11 nhà máy đã phải đóng cửa. Nếu như trước đây điện hạt nhân chiếm tới trên 50% lượng điện cung cấp thì ngày nay tỷ lệ đó chỉ còn trên 30%. Dân chúng phản đối mạnh mẽ việc xây thêm nhà máy điện hạt nhân vì không địa phương nào muốn chôn chất thải hạt nhân ở địa phương mình trong khi đó chỗ chứa chất thải của các nhà máy điện hạt nhân hiện có đều đã tới ngưỡng.

d. Bảo tồn môi trường tự nhiên

Hàn Quốc đã có 788.000 ha (tương đương với 1,8% diện tích cả nước) trong vùng bảo tồn tự nhiên. Có 20 khu vực bảo tồn cấp quốc gia, 23 khu ở cấp tỉnh và 33 khu cấp huyện. Chính phủ đặt mục tiêu tăng vùng bảo tồn lên bằng 3% diện tích cả nước vào năm 2017. Bên cạnh đó 188.000 ha vùng sinh thái biển cũng được bảo tồn. Một số vườn quốc gia nổi tiếng như vườn quốc gia Bukhansan (8.000 ha) ở phía bắc Xơ Un. Vườn này hàng năm thu hút khoảng hơn 10 triệu lượt khách du lịch. Vườn quốc gia Jirisan và Seoraksan cũng tương đối lớn. Hàn Quốc có 5 khu vực được công nhận là Di sản thế giới. Đó là Bulguksa, Changdeokgung, Haeinsa, Hwaseong và Seokguram Grotto.

Tuy nhiên do không chú ý tới vấn đề bảo tồn trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh mà nhiều loài động, thực vật quí của Hàn Quốc đã bị tuyệt chủng. Theo báo cáo năm 2006 của Bộ Môi trường (MOE) thì  Hàn Quốc hiện có 221 loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trong đó có những loài quí hiếm như gấu đen Manchuria, Hươu Musk, và cáo đỏ. Những loài như hổ Siberi, chó sói xám, hươu Sika và báo Amua được xem như đã bị tuyệt chủng ở Hàn Quốc.

Có thể thấy rằng môi trường của Hàn Quốc đã trở nên tồi tệ sau 30 năm chú trọng phát triển kinh tế. Hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra đã khiến cho chính phủ Hàn Quốc phải xem xét lại chính sách phát triển vào cuối những năm 1990.

2. Quản lý môi trường của Hàn Quốc

2.1. Cơ quan quản lý môi trường

Bộ Môi trường Hàn Quốc (MOE) là cơ quan hàng đầu có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm. Nhiệm vụ của MOE là “ Bảo vệ lãnh thổ khỏi sự ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân chúng để họ có thể hưởng thụ môi trường thiên nhiên rộng lớn, với cả nguồn nước cũng như bầu trời trong sạch.” MOE có trách nhiệm về các vấn đề như:

-  Chính sách môi trường

-  Qui định về chất lượng nước, không khí

-  Qui định thuế và phí môi trường

-  Phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng, cung cấp và tiêu thoát nước

-  Đánh giá tác động môi trường

-  Bảo tồn tự nhiên bao gồm cả việc xây dựng các khu vực cần bảo vệ và bảo vệ đời sống hoang dã.

Dưới bộ là các cơ quan quản lý môi trường ở các địa phương cũng tương tự như ở Việt Nam. Quản lý về môi trường của Hàn Quốc được điều hành thông qua 42 điều luật. Tuy nhiên tùy theo các vấn đề môi trường cụ thể mà mỗi địa phương có thêm những qui định khác nhau.

2.2. Một số chính sách lớn về môi trường

a) Các chính sách nhằm giảm ô nhiễm không khí

-  Các chính sách giảm khí thải các bon

Hàn Quốc xanh 2006 là chính sách phát triển tổng thể nhằm xây dựng một quốc gia bền vững và phát triển hơn. Trong đó Hàn Quốc đã đề cập nhiều về khả năng tăng trưởng xanh với việc cải thiện tình hình phát thải khí các bon, xây dựng xã hội giảm khí thải các bon. Tăng trưởng xanh vừa để cải thiện chất lượng môi trường không khí trong nước vừa góp phần ngăn cản sự ấm lên của trái đất. Hiện Hàn Quốc đã thành lập “Quĩ đối phó với thay đổi khí hậu” với 31 nghìn tỷ won, trong đó chính phủ đóng góp là 16 nghìn tỷ, tư nhân đóng góp 15 nghìn tỷ. Công tác đầu tư nghiên cứu phát triển về vấn đề thay đổi khí hậu cũng được chú trọng, kinh phí cho công việc này sẽ tăng từ 6,4% năm 2008 lên 8,5% tổng đầu tư nghiên cứu phát triển vào năm 2012. Một biện pháp khác để giảm khí thải các bon là đánh thuế và thu phí đối với các cơ sở phát thải nhiều. Ngoài ra để giảm bớt sự gia tăng việc sử dụng ô tô nhà nước sẽ tăng đầu tư vào hệ thống tàu điện, tàu điện ngầm, khuyến khích dùng xe đạp, xây dựng những khu nhà không thải khí các bon.  Qui định nhãn hàng hóa phải có ghi chứng chỉ về khí thải các bon đã được thực hiện vào tháng 1 năm 2009. Ngoài ra nhà nước cũng có những ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào công nghệ sạch, tính đến tháng 7 năm 2008, đã có 54 cơ sở  đăng ký dự án công nghệ sạch, trong đó 19 trường hợp đã được phê duyệt và đi vào thực hiện.

- Chương trình khuyến khích xe cơ giới chạy bằng khí ga ở các vùng đô thị

Với số lượng xe cơ giới vận hành trên đường ngày càng tăng, giao thông đã trở thành nguồn gây ô nhiễm đáng kể ở Hàn Quốc. Đặc biệt là xe chạy bằng dầu Diesel đã thải một lượng lớn bụi ô nhiễm và ô xit ni tơ. Để giảm lượng ô nhiễm do xe chạy dầu diesel gây ra, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện Chương trình xe cơ giới sử dụng khí ga ở các vùng đô thị. Dự án thí điểm bắt đầu vào năm 1998, đến tháng 12 năm 2007 đã có 15.097 xe buýt và 289 xe chở rác sử dụng khí ga. Bộ Môi trường đặt kế hoạch thay thế 23.000 xe chạy bằng dầu diesel sang sử dụng khí ga và xây dựng 400 trạm tiếp ga vào năm 2010. Để làm tăng nhu cầu về xe buýt sử dụng khí ga, nhà nước đã có những khuyến khích về mặt tài chính và thuế cho những người mua xe sử dụng khí ga hoặc những người kinh doanh bơm khí ga. Lợi ích của dự án này có thể lên đến 1.570 tỷ won trong cải thiện môi trường và 1.220 tỷ won trong lợi ích kinh tế.

-  Thực hiện chế độ mua bán trao đổi định mức phát thải khí gây ô nhiễm

Chế độ trao đổi tiêu chuẩn khí thải là chế độ mà tiêu chuẩn (hay mức) khí thải có thể được trao đổi, đi kèm với chế độ định mức khí thải. Mỗi công ty hay nhà máy lớn sẽ được cấp tiêu chuẩn phát thải một khối lượng khí gây ô nhiễm nhất định, tùy theo năng lực sản xuất và ngành sản xuất. Nếu nhà máy sản xuất nhiều hơn, khối lượng khí gây ô nhiễm nhiều hơn thì có thể đàm phán với công ty hay nhà máy nào đó chưa dùng hết tiêu chuẩn khí thải để mua lại phần tiêu chuẩn còn thừa đó. Đây là một biện pháp kinh tế để giải quyết các vấn đề về môi trường, góp phần giảm lượng ô nhiễm trong kinh doanh, giảm chi phí xã hội do giảm ô nhiễm và góp phần thúc đẩy việc phát triển công nghệ mới giảm ô nhiễm.

- Cải cách thuế năng lượng

Trước đây do giá dầu diesel rẻ hơn xăng nhiều, chỉ bằng 47% giá xăng năm 2000 và bằng 63% năm 2004, nên nhiều người vẫn thích sử dụng xe chạy dầu diesel. Nếu cứ để giá dầu diesel thấp như vậy thì các thành phố sẽ ngày càng ô nhiễm. Cải cách chính sách thuế năng lượng đã nhằm vào việc tăng giá tiêu dùng diesel. Đến tháng 7 năm 2007, giá dầu Diesel đã bằng 87% giá xăng. Bên cạnh đó vẫn duy trì giá ga hóa lỏng (LPG) thấp, bằng 50% giá xăng vào năm 2007.

Kế hoạch hành động quốc gia 2005-2007 đã chú trọng tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp ô tô. Đồng thời tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng khác như năng lượng thủy triều, mặt trời, gió và hạt nhân, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

b) Các chính sách giảm ô nhiễm nước

-  Thực hiện các biện pháp toàn diện quản lý lưu vực của 4 dòng sông lớn

Bốn dòng sông lớn là sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yongsan (còn gọi là sông Sumjin), đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hơn 40 triệu người dân Hàn Quốc. Trong vòng 5 năm (1998-2003) chính phủ đã chi 11,1 nghìn tỷ won (9,65 tỷ USD) cho các dự án xây dựng các vùng đệm ở các bờ sông, hệ thống cống để có thể kiểm soát nước thải. Tính đến năm 2006 đã có 85,5% dân số được kết nối với hệ thống cống. Vùng đệm trên thượng nguồn của 4 con sông cũng được xây dựng. Vùng đệm ven sông cách mép nước từ 300 đến 1000 mét. Việc khai thác gỗ, xây dựng khu công nghiệp, khách sạn nhà hàng, chăn nuôi trong khu vực này bị hạn chế nghiêm ngặt. Hiện nay đã xây dựng được 1.130 km2 vùng đệm ven sông. Ngoài ra chính phủ còn mua 3.300 km2 để ngăn chặn ô nhiễm nước từ các điểm tự do (không qua hệ thống cống).

- Kế hoạch tổng thể về quản lý môi trường nước

Kế hoạch này được Bộ Môi trường Hàn Quốc trình lên chính phủ vào tháng 9 năm 2006. Kế hoạch nhằm thúc đẩy một môi trường nước lành mạnh, đảm bảo chất lượng nước .

Hiện nay có 1.476 trạm kiểm soát chất lượng nước hoạt động trên cả nước, trong đó 697 trạm cho các sông, 185 trạm cho các hồ, 474 trạm cho các vùng nông nghiệp và 120 trạm cho các khu vực khác. Có 34 hạng mục cần kiểm soát đối với nước sông, 35 hạng mục với nước hồ và đầm lầy. Đặc biệt có 49 trạm kiểm soát tự động. Chất lượng nước được kiểm soát bằng những hạng mục chung như DO, TOC, pH, VOC…

Có 2.499 trạm kiểm soát nước ngầm dùng để đánh giá chất lượng nước qua 20 hạng mục và việc kiểm tra mẫu được làm 2 lần trong một năm. Theo kết quả nghiên cứu về chất lượng nước năm 2007 thì có 299 điểm (6,3%) là không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước. Tình hình có cải thiện đôi chút vào năm 2008 khi tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn giảm xuống còn 5,4%. Tuy nhiên nếu tính trong 5 năm qua thì tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn có xu hướng tăng vì từ mức 3,6% năm 2003 tăng lên 5,4% năm 2004, 4,8% năm 2005, 6,3% năm 2006.

Chất lượng nước vùng ven biển cũng phân làm 3 loại. Có 35 vùng biển đạt tiêu chuẩn cao nhất, nằm trong loại I, 55% đạt loại II và 10% còn lại thuộc loại III. Nạn thủy triều đỏ xảy ra ở một số vùng, gây thiệt hại lớn cho ngành cá ở các vùng này. 5 vùng biển bị ảnh hưởng lớn gồm Vịnh Masan- Chinhae, ở vùng biển phía nam và vùng Incheon-Sihwa gần Xơ un đã đưa vào danh sách “Những vùng biển cần quản lý đặc biệt” trong Luật ngăn chặn ô nhiễm biển năm 2000. 4 vùng khác cũng được đưa vào danh sách “Vùng biển cần bảo tồn” trong năm 2000.

- Áp dụng hệ thống phí nhằm cải thiện chất lượng nước

Năm 1995 Hàn Quốc đã áp dụng một hệ thống phí đối với dịch vụ liên quan tới môi trường. Theo đó người tiêu dùng phải trả phí khi mua nước khoáng. Tỷ lệ phí là 7,5% giá bán lẻ nước khoáng. Số tiền thu được sẽ dùng cho các dự án cải thiện chất lượng nước và quản lý nước ngầm.

c) Chính sách quản lý rác thải

Năm 1999 Bộ Môi trường Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống xác minh rác thải để ngăn chặn sự đổ rác trái phép. Khi hệ thống này mới được áp dụng họ đã phát cho các hộ gia đình hay cơ sở kinh doanh một giấy chứng nhận cho phép đổ rác. Hệ thống này bước đầu đã xây dựng hành lang pháp lý để chống lại sự đổ rác trái phép.

Bộ Môi trường cũng đưa ra chính sách giảm thiểu rác thải trong kinh doanh. Chế độ này được áp dụng cho những doanh nghiệp mỗi năm thải hơn 200 tấn rác đã ghi trong danh mục và 1000 tấn rác thông thường. Các doanh nghiệp này năm trong 14 lĩnh vực công nghiệp như công nghiệp xây dựng, công nghiệp lọc dầu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo ô tô…Theo kết quả nghiên cứu năm 2007 của Bộ Môi trường thì sự giảm bớt chất thải năm 2006 đã tạo ra lợi ích kinh tế trị giá 400 tỷ won, bao gồm giảm chi phí sản xuất và giảm chi phí môi trường so với năm 2004. Kết quả này đã góp phần vào công cuộc ngăn chặn ô nhiễm môi trường ở cấp quốc gia.

d)  Chính sách bảo tồn tự nhiên

Hàn Quốc đã tham gia Công ước bảo vệ  đa dạng sinh học vào năm 1994. Đây là công ước nhằm bảo vệ đa dạng sinh học trước tình hình số lượng các loài sinh vật trên trái đất bị suy giảm và hệ thống sinh thái ở nhiều nơi bị phá vỡ. Sau khi tham gia công ước này Hàn Quốc đã thực hiện một loạt chính sách để bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học được giới thiệu năm 1997, tiếp đó là Luật bảo vệ hệ thống núi đồi ở Baekdu Daegan năm 2003, Luật bảo vệ đời sống hoang dã năm 2004, và Luật quản lý và bảo tồn hệ sinh thái biển năm 2006. Ngoài ra còn có những kế hoạch toàn diện ở cấp quốc gia đề cập tới nhiều lĩnh vực cũng đã được xây dựng và thực hiện. Chẳng hạn như Luật bảo tồn vùng đầm lầy năm 2002, Kế hoạch bảo vệ đời sống hoang dã 2005, và Kế hoạch toàn diện bảo tồn môi trường biển năm 2006.

Ngoài ra Bộ Môi trường còn thành lập Viện Nghiên cứu Quốc gia về tài nguyên sinh học để hỗ trợ cho việc quản lý và bảo tồn tốt hơn nguồn tài nguyên sinh học. Viện này hiện đang sở hữu 1,3 triệu bộ sưu tập và khả năng có thể chứa tới 11 triệu bộ sưu tập. 60 nhà phân loại của Viện đang tiến hành các dự án, bao gồm cả việc lập danh sách các loài cả động vật và thực vật có ở Hàn Quốc cũng như phân tích nguồn gốc phát sinh. Ngoài ra Viện còn làm cho công chúng biết đến tầm quan trọng của bảo tồn sinh học thông qua những cuộc triển lãm và chương trình giáo dục cho những khách tới thăm. Viện sẽ phấn đấu trở thành viện nghiên cứu hàng đầu của Đông Bắc Á về nghiên cứu đa dạng sinh học và hợp tác quốc tế.

Để khuyến khích nhân dân tham gia vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, Hàn Quốc còn phát động phong trào xây dựng “làng sinh thái” và “làng khôi phục sinh thái tốt”. Một làng được gọi là làng sinh thái khi môi trường tự nhiên và cảnh vật ở đó được bảo tồn tốt, còn một làng mà cư dân ở đó đang nỗ lực để khôi phục lại môi trường sinh thái đã một lần bị phá vỡ thì gọi là “làng khôi phục sinh thái tốt”. Hình thức này nhằm nâng cao nhận thức của cư dân địa phương đối với việc bảo tồn tự nhiên, đồng thời quản lý, bảo tồn môi trường tự nhiên hiệu quả hơn. Số “làng sinh thái” và “làng khôi phục sinh thái tốt” đã tăng nhanh từ sau năm 2005. Nếu như năm 2005 mới chỉ có 12 “làng sinh thái” và 7 “làng khôi phục sinh thái tốt” thì đến năm 2007 con số lần lượt là 38 và 9.

Tóm lại, môi trường của Hàn Quốc đã xấu đi nghiêm trọng sau 30 năm công nghiệp hóa và đô thị hóa. Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Bắt đầu từ cuối những năm 1980, hàng loạt các vụ ô nhiễm lớn xảy ra đã khiến cho quần chúng bất bình, phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường ngày càng phát triển. Trước áp lực của nhân dân trong nước cũng như ngoài nước, Hàn Quốc buộc phải   chú trọng đến vấn đề môi trường nhiều hơn trong chính sách phát triển của mình. Bộ Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm chính về các vấn đề môi trường của Hàn Quốc. Trong những năm 1990 hàng loạt chính sách, biện pháp bao gồm cả những biện pháp quản lý truyền thống cũng như những biện pháp dựa trên nguyên tắc thị trường đã được thực hiện. Hàn Quốc đã chi những khoản tiền khổng lồ để cải thiện chất lượng nước, chất lượng không khí, rác thải… Nhờ thực hiện các chính sách và biện pháp mạnh mà môi trường của Hàn Quốc đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Hàn Quốc xanh 2006 là một minh chứng cho sự phát triển cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Nội dung cơ bản của kế hoạch này là xây dựng một môi trường đẹp, một tương lai khỏe mạnh, và đưa ra kế hoạch quản lý môi trường trong 10 năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Chương trình môi trường Liên hợp quốc thì Hàn Quốc là một nước có sự cải thiện về môi trường tương đối nhanh so với các nước công nghiệp khác. Chỉ trong vòng 10 năm sau khi Hàn Quốc gia nhập tổ chức OECD (1998), môi trường sống, đặc biệt là chất lượng nước đã được cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, có nhiều sáng tạo trong quản lý môi trường. Đây sẽ là những kinh nghiệm tốt để Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác có thể học tập.

 

PHẠM THỊ XUÂN MAI

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Joon Keum Jung. 2002, The Korean Experience with Market-based Environmental PolicyInstruments.Fromhttp://ieeexplore.ieeeo rg/stamp/stamp.jsp?arnumber=0102797.

2. Ministry of Environment, Republic of Korea.From http://eng.me.go.kr/docs/news/ press _view

3. Nakpyeong. 2004, Environmental Problems and Movements in South Korea. Gwangju  Human Rights Folk School. From http://www.scribd.com/doc/7797965/The-Envir onmental-Problems-and-Movements-in-South-Korea

4. Norman Eder, 1996, Poisened Prosperity: Development, Modernization and the Environment in South Korea. Armonk, N.Y and London: M.E Sharpe, Inc.

5. Park, Hojeong, 2009, Low Carbon Policy and Emission Permit Program in Korea for Sustainable Development. Department of Food and Resource Economics, Korea University.  http://www.iges.or.jp/en/ea/pdf/activity090226/03HojeongPark.pdf

6. Yok-Shiu F Lee and Alvin Y. So, 2000, Asia’s Envireonment Movements: Comparative Perspective. Armonk, N.Y and London: M.E Sharpe, Inc.

0thảo luận