Trang chủ

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DẠNG THỨC ĐIÊU KHẮC PHẬT ĐÁ TRUYỀN THỐNG TRÊN BÁN ĐẢO HÀN (NÉT ĐẶC THÙ VÀ CÁC TÁC PHẨM TIÊU BIỂU)

Đăng ngày: 3-03-2014, 12:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 11

Những mẫu cổ nhất của nền nghệ thuật điêu khắc trên Bán đảo Hàn là những tảng đá được chạm trổ trên bờ sông Pangudae thuộc tỉnh Gyeongsangbuk và những hình người, súc vật làm bắng đất sét, xương, đá, được tìm thấy ở một vài nơi thuộc thời đồ đá mới. Những hình mẫu tương tự như thế cũng được tạo ra rất nhiều từ đất nung, đất sét, đá, đồng .. trong thời đại đồ đồng. Điều này chứng tỏ điêu khắc đã phát triển cả về số và chất lượng tại ba vương quốc trước khi Phật giáo Đại Thừa du nhập vào Bán đảo Hàn qua sự truyền giáo của các nhà sư Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Quốc vào thế kỳ 4.

Điều kiện tự nhiên với nguồn đá hoa cương phong phú là sự kích thích công cuộc tạo dựng Phật đá phát triển mạnh mẽ ngay từ khi Phật giáo được truyền bá vào Bán đảo Hàn. Với cấu thành bền chắc của chất liệu, Phật đá đã lan truyền với tốc độ phi thường và sau đó có ảnh hưởng không nhỏ tới nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản. Sự biến triển của các dạng thức Phật đá Hàn Quốc về đại thể cũng giống như sự biến triển của Phật đá Trung Quốc. Vì văn hóa Trung Quốc luôn là một nền văn hóa phát triển và có ảnh hưởng sâu sắc tới các nước trong khu vực đồng văn nên Bán đảo Hàn đã thu nhận những tinh hoa, đồng thời cũng luôn có những phản ánh nhạy cảm và tích cực trong sự biến đổi các dạng thức của Trung Quốc. Tức là, nhờ sự tiếp thụ một cách có chọn lọc, có kế thừa và sáng tạo, Phật đá trên Bán đảo Hàn vẫn mang đậm bản  sắc dân tộc thể hiện ở cốt cách và cái thần của tác phẩm. Ở mỗi thời đại, dạng thức Phật đá ở đây có những biểu hiện khác nhau tùy theo sự phát triển tự thân của chính nó, của bản thân Phật giáo, của đời sống xã hội, cộng với ảnh hưởng của dạng thức của các triều đại Trung Quốc đương thời.

1. Thời đại Tam Quốc

Trong chế tác tượng Phật, Tam quốc chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc thời Nam Bắc triều, Koguryo với Bắc Ngụy, Paekchae với Nam triều… Thời kì này, các tác phẩm Phật đá biểu hiện một cách rõ rệt dạng thức Phật đá Trung Quốc. Tượng Phật thời Tam quốc nói chung và tượng Phật đá nói riêng được biểu hiện với khuôn mặt thoáng nét cười – một nụ cười huyền bí, y văn đối xứng phải trái và biểu hiện tính mơ mộng – lan rộng như sóng nước lan tỏa, hay nhiều tầng lớp như vây cá, pháp y xòe rộng phía dưới, những nếp áo rủ mềm đối xứng phải trái tạo vẻ huyền ảo, vạt trước của pháp y Bồ tát có dải áo vắt chéo hình chữ ‘X’, tượng ở tư thế tĩnh, dáng thẳng…. Đặc biệt, thời kì này có tượng Panka ẩn chứa cảm giác thần bí hơn cả. Tượng ngồi theo phép ‘Kabu’ trên bệ cao - tức là tư thế chân trái tượng thả tự do, chân phải gác lên đầu gối chân trái, tay trái nắm nhẹ cổ chân phải, tay phải chống cằm.. Đây là tư thế Phật vị lai Bồ tát Di lặc đang ngồi suy nghĩ tìm cách cứu độ chúng sinh. Sự du nhập của Phật Giáo vào Tam quốc nhanh chậm ở mỗi nước là không giống nhau, ảnh hưởng của xã hội và văn hóa ngoại lai đối với mỗi nước cũng không hoàn toàn đồng nhất. Vì vậy, việc chế tác tượng Phật ở mỗi nước thời Tam quốc tất nhiên sẽ mang những nét khác biệt. Thông qua việc nghiên cứu các tượng Phật đá thời kì này có thể nhận rõ đặc trưng của mỗi vương quốc.

1.1. Koguryo (37 trước CN- 668)

Số tượng Phật thời kì này ở Koguryo còn lại không nhiều, có hai tác phẩm tiêu biểu. Một là Nhị Phật bình tọa tượng – hai Phật ngồi song song ở Manchu thành Panlap. Quang bối([1]) và pháp y của hai tương đối đồng nhất, nhục khảo (phần thịt nhỏ, hình tròn ở giữa hai đầu lông mày của tượng Phật) lớn, mặt biểu lộ nét cười. Một tượng là Đa bảo Như Lai đang ngồi thiền, tượng kia là Thích ca Như Lai ở tư thế thuyết pháp. Hai Phật đều có bên phải là tượng La hán, bên trái là tương Bồ tát, xiêm y của Bồ tát có hai dải áo vắt chéo hình chữ X. Quang bối ở phía sau được chia làm hai phần: phần thượng có hai pho, phần hạ có ba pho hóa Phật. Đây cũng là một dạng thức độc đáo, khi nghiên cứu nếu xét thấy có dạng thức này ta có thể phỏng đoán tác phẩm thuộc thời kỳ Tam quốc. Tác phẩm thứ hai phải kể tới là tượng Phật tìm thấy ở vùng phụ cận Pyeongyang (Bình nhưỡng), hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng nghệ thuật Pyeong yang (Bình nhưỡng). Đầu và một phần lớn quang bối đã mất nhưng pháp y rõ nét, bệ hình khối vuông. Nói chung, nét khắc chưa được chau chuốt tinh xảo và tượng bị tổn thương khá nhiều nên khó thấy hết được những nét đẹp nó vốn có.

1.2. Paekche (18 trước CN – 660)

Nếu so sánh thì những tác phẩm còn lại của Paekche vượt xa Koguryo cả về số lượng cũng như sự phong phú về thể loại và sự tinh tế trong nghệ thuật tạc tượng. Trước hết, phải kể tới Tứ diện Phật ở làng Hwachon thuộc Iesan. Phật tọa mặt nam cao 167cm. Phật đứng mặt đông cao 167cm. Phật đứng mặt tây cao 66cm. Phật đứng mặt bắc cao 190cm. Tiếp đó là pho tượng tròn lớn nhất của Paekche ở làng Iondong thuộc Iksan. Phật cao 169cm nhưng quang bối cao gần 5 m. Tuy tượng bị tổn thương nhiều nhưng hoa văn trên pháp y còn rất rõ, những nếp áo tỏa rộng như sóng nước lan tỏa, bệ hình khối vuông. Quang bối có họa tiết bổ trợ chia thành hai phần: Thủ quang (頭光) trang trí bằng những cánh sen, các họa tiết ở thân quang (身光) được khắc chìm, có bẩy pho hóa Phật. Kĩ thuật tạc tượng đạt tới trình độ cao đáng ngạc nhiên. Dạng thức vừa cổ vừa đơn giản mà rõ nét. Cũng ở Iksan, chùa Taepung có Tam tôn tượng – ba bức tượng Phật, Phật chủ cao một mét. Cả ba tượng chung một quang bối – đây chính là Tam tôn nhất quang từng phổ biến rộng rãi dưới thời Tam Quốc. Ngoài ra phải kể tới tượng Panka tìm thấy ở núi Buso, thuộc Buio cao 13,3 cm. Rất tiếc phần trên của tượng bị mất từ phần thắt lưng nhưng vẫn có thể thấy đây là một tượng tròn được khắc tỷ mỷ, rất hoàn mỹ, các ngón tay thon nhỏ được khắc rất tinh tế. Hai pho tượng lớn ở Shincheon (Tân xuyên) – Chongup, tượng Như lai ở làng Gunsu (Quân thủ) - Buio, tam tôn tượng ở chùa Chonglim – Buio và làng Bichung – Chungwon đều là những tác phẩm đặc sắc của Paekchae.

Nói chung, tượng Phật đá đã tiến một bước khá xa so với Koguryo, có những pho tượng đẹp mang đầy đủ những nét đặc trưng của thời Tam quốc, y văn đối xứng hoàn hảo, pháp y Bồ tát có dải áo vắt chéo hình chữ X, quang bối có thủ quang hình tròn và có khắc hóa Phật… Cũng có những tác phẩm mang những nét đặc biệt như thế ngồi của tượng Panka, bệ tượng có hai lớp cánh sen như tượng Tam tôn ở chùa Chonglim…

1.3. Shilla (57 trước CN- 668)

Thời kì này số tượng Phật còn lại không nhiều nhưng có những pho tượng rất quan trọng. Pho Di lặc Tam tôn ở Núi Shamhwa – Namsan - Kyeongju là tác phẩm nghệ thuật phải kể tới đầu tiên. Đây là tác phẩm duy nhất có Phật chủ cao 160cm được tạc ở tư thế đặc biệt, là ỷ tượng duy nhất hiện còn có liên quan tới dạng thức của thời Bắc Chu Bắc Tề, hai vị Bồ tát cao 100 cm và 90,8 cm.

Một tác phẩm lớn của Shilla cổ nữa là Tam thế Phật ở làng Bái thuộc Kyeong Ju. Tượng Bồ tát bên phải đội mũ tam diện khá lớn, mặt tròn đầy, mắt và miệng chứa nét cười, cổ không thể hiện ba ngấn, có đeo vòng ngắn và đeo một chuỗi hạt (Jonglak) to, dài rất đẹp buông xuống tận cổ chân, tay trái đưa lên cao ngang phần vai ở phía trước, tay phải cầm chuỗi hạt ở phần ngang bụng, pháp y xòe rộng, dài che gần kín bàn chân, thủ quang tròn có khắc 5 pho hóa Phật, bệ tượng có khác hai lớp cánh sen, tượng cao 2,36cm. Tượng Phật Như lai đứng giữa cao hơn một chút, tóc bụt ốc (tóc được búi thành từng búi nhỏ, tròn, thường thấy ở các bức tượng Phật Như lai), khuôn mặt đầy đặn, tươi cười, các nếp áo buông mềm chạy vòng, uốn mềm như sóng lan tỏa từ trên xuống dưới, ống tay rủ mềm mại. Họa tiết khắc trên thân tượng khá đơn giản, không có trang trí phụ thêm bên ngoài nhưng nếp áo cong, mềm mại, thanh thoát. Quang bối dính liền với thân tượng, tay bắt Thí nguyện ấn, tức bàn tay duỗi thẳng chỉ xuống, lòng bàn tay quay ra. Đây là bàn tay diễn tả sự nhân từ, bố thí của Phật, là biểu tượng thực hiện mọi ý nguyện và tượng trưng cho chân lý, giải thoát. Ở Ấn Độ, thế tay này thường được khắc phổ biến ở tượng Quán thế âm Bồ tát. Tượng Bồ tát bên trái hơi nhỏ hơn nhưng nét cười rõ hơn, tay phải đưa ngang ngực, tay trái cầm bình ngọc quí. Cả ba pho tượng được đặt ngoài trời nên bị tổn thương khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy rõ đây là một kiệt tác của Shilla thời Tam Quốc với những dạng thức cổ.

So với Koguryo và Paekchae thì văn hóa Shilla bị coi là chậm phát triển, tuy vậy nó vẫn có những tác phẩm không phải là thiếu sức hấp dẫn. Qua nghiên cứu, ta thấy: Tượng Phật đá của Koguryo không nhiều nhưng được phân bố rộng khắp, Shilla thì tập trung ở Kyeongju trong một phạm vi hẹp, ít được phổ biến, Paekchae chế tác nhiều nhưng chủ yếu là tượng nhỏ, thường lợi dụng am đá và khắc nhiều Phật tứ diện.

2. Thời đại Shilla thống nhất (668- 918)

Năm 668, Shilla thống nhất Bán đảo Hàn không chỉ về mặt lãnh thổ, dân cư, chính quyền mà còn cả về kinh tế, văn hóa, mỹ thuật…Nhờ vậy, văn hóa, mỹ thuật phát triển nhanh chóng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo đà cho những bước nhảy cả về chất và lượng. Phật giáo vẫn được coi là quốc giáo và rất được đề cao. Tích cực lĩnh hội và hấp thụ những yếu tố tích cực trong nền văn hóa tiên tiến của Ấn Độ, Trung Hoa, chấm dứt tình trạng lạc hậu của văn hóa thời Tam Quốc. Có thể nói, đây là thời kì hoàng kim của mỹ thuật trên Bán đảo Hàn. Tượng Phật thời kì này được chế tác rất nhiều và vô cùng phong phú, đa dạng, có nhiều biến đổi trong dạng thức: Phật mang tính nhập thế, quang bối và bệ tượng mang tính trang sức tập trung.. Nguyên nhân của hiện tượng này có nhiều, nhưng không thể không kể tới sự biến đổi trong bản thân Phật giáo – đó là sự lan truyền của phái Thiền tôn trong Phật giáo. Có thể chia thời đại Shilla làm 3 thời kì, kể từ khi Shilla thống nhất Bán đảo cho tới khi trao lại vương quyền cho Koryo.

Sơ kì (668-718): Điêu khắc Phật đá phát triển rất mạnh mẽ, loại bỏ hết những dạng thức mang xu hướng thần bí thời Tam quốc. Đây là thời kỳ quá độ chuyển lên một dạng thức cao, tự do, hào sảng hơn. Các tác phẩm tiêu biểu của thời kì này gồm có: Tam tôn thiên Phật khắc trên bia (năm 673), tượng A di đà (năm 673), A di đà Như lai chư Phật Bồ Tát (năm 689), Tứ diện Phật ở làng Thạch phố - Yong Ju, Tam tôn tượng trong thạch động ở Kuluy và hai  tượng Panka (một ở chùa Donghwa, một ở Kimsanje – Kyeong ju)…

Các tượng thời kì này có kèm theo dạng thức cổ (không thể hiện ba ngấn cổ, vạt trước pháp y Bồ tát có hai dải áo vắt chéo hình chữ X), khi lại biểu hiện những dạng thức mới (tư thế của tượng Bồ tát tự do, thoải mái hơn, pháp y không có hai dải áo vắt chéo...). Khuynh hướng hai dạng thức cộng tồn thể hiện rõ nhất ở Tam tôn tượng trong thạch động Kuluy: Phật chủ tọa có 3 ngấn cổ rõ ràng, hai Bồ tát hai bên ở tư thế ‘tam khuất’, tức tư thế thể trọng tập trung vào một bên chân. Như vậy, ở thời kì này, dạng thức mới bắt đầu xuất hiện nhưng được biểu hiện khá phong phú và có sự đan xen, hòa quyện giữa dạng thức cũ và dạng thức mới.

Trung kì (719 – 779): Đây là thời kì phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Hàn Quốc truyền thống nói chung và của Phật đá nói riêng. Kĩ thuật tạc tượng theo phong cách ngoại lai giảm nhiều. Các nghệ sĩ dân gian đã phát huy óc sáng tạo, bằng nhiệt tình và lòng say mê của người nghệ sĩ, lòng mộ đạo của Phật tử, với bàn tay khéo léo của nghệ nhân tài hoa, họ đã tạo nên những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử điêu khắc Hàn Quốc. Các tác phẩm tiêu biểu thời kì này gồm có: A di đà, Như lai, Di lặc Bồ tát trong chùa Kamsan, tượng Như Lai tọa ở động Ohpung – Kim chon, Phật tọa ở chùa Chungam – Suto, tượng Như Lai tọa ở Palgongsan – Gwanpung, hang Miluk – Lamsan… Đặc biệt, các pho tượng ở chùa Kamsan đã hoàn toàn giũ bỏ các dạng thức ngoại lai, biểu hiện một cách đầy đủ dạng thức mới mẻ trước đây chưa hề có. Dạng thức này càng trở nên điêu luyện, thể hiện rõ nhất ở các Tế tượng khắc ở vách động am Seokpul. Mỗi tượng một dáng vẻ, một tư thế, một tâm trạng, một nét biểu cảm… thể hiện một cách đậm nét tính nhập thế - là một bước nhảy vọt trong điêu khắc Phật đá.

Hậu kì (780-918): Từ cuối thế kỉ 8, kĩ thuật tạo hình tinh tế dần suy giảm. Trong nghệ thuật điêu khắc Phật đá nảy sinh nhiều mâu thuẫn (do ảnh hưởng của Phái Thiền tôn trong Phật giáo). Tuy nhiên, thời kì này vẫn để lại nhiều tác phẩm có giá trị và tượng Phật Như Lai chiếm số lượng lớn. Tượng Như lai tọa được tạc nhiều và kế thừa dạng thức của thời kì trước, tuy có sự giản lược về biểu đồ thân thể. Quang bối và bệ tượng đã mất đi kĩ lực tinh xảo và tính chất trang trí mang tính toàn diện. Khuynh hướng suy thoái này không chỉ giới hạn ở Shilla, ở Trung quốc thời kì này cũng có sự rối loạn. Xu hướng xóa bỏ dạng thức thời Thịnh Đường gia tăng, đây là cơ sở tạo xu hướng xuất hiện dạng thức mới ở thời kì sau.

3. Thời đại Koryo (918 – 1392)

Triều đại Koryo cũng tôn sùng đạo Phật và coi đạo Phật là quốc giáo, khuyến khích tạc tượng, dựng chùa chiền. Tượng Phật thời Koryo tinh xảo về họa tiết, đường nét rõ ràng nhưng không quan tâm nhiều tới tỷ lệ thân tượng.

Sơ kì (918 – 1083): Tượng Phật thời kì này kế thừa dạng thức của Shilla đồng thời cũng xuất hiện những dạng thức mới riêng biệt và có thêm nhiều tác phẩm lớn. Khuynh hướng phi hiện thực biểu hiện rõ nét, đặc biệt thể hiện rõ ở tượng Phật khắc trên vách đá và Phật thờ. Có các tác phẩm tiêu biểu sau: Như lai tọa ở chùa Unmun, chùa Cheongryong, chùa Gwanryong, Như Lai đứng ở chùa Chonsong, chùa Manbok… tượng Bồ tát có ở chùa Kwanchok và Haman… Ngoài ra còn có Tam tôn tượng ở Kethe và Chongjong cũng là những tác phẩm đặc sắc của thời kì này. Tượng Phật giai đoạn sơ kì có tư thế tĩnh, vẻ mặt ôn hòa, lưng thon… Xuất hiện bệ tượng hình lục giác, bát giác thay cho bệ khối vuông của thời kì trước. Kế thừa dạng thức của Shilla và kết hợp với dạng thức mới, các nghệ nhân thời kì này đã tạo ra những kiệt tác đồ sộ như: tượng Phật khắc trên vách đá cao 10 m ở Kwanghoa hay tượng Di lặc ở chùa Gwanchok…

Trung kì (1083 – 1259): Mặc dù có sự chèn ép từ phương Bắc của đế quốc Liêu, Kim, văn hóa Tống vẫn được truyền bá tới Koryo và để lại dấu ấn không nhỏ. Thời gian đầu nhiều tác phẩm lớn ra đời nhưng về sau thì các tác phẩm nhỏ xuất hiện nhiều hơn và mang nét đặc thù của địa phương. Tượng Bồ tát thời kì này được chế tác nhiều, có các tượng tiêu biểu ở chùa Daecho, ở Sapkio, chùa Hansong, chùa Sinpuk…. Tượng Như Lai có ở làng Miluk, chùa Daecho.. Tượng Phật đá thời kì này cũng là sự kết hợp cả dạng thức bản địa và ngoại lai – chịu ảnh hưởng của dạng thức đời Tống. Bồ tát mỉm cười thần bí đội khay đá là dạng thức đặc biệt của thời kì này.

Hậu kì (1259 – 1392): Văn hóa Nguyên thay thế văn hóa Tống và có ảnh hưởng không nhỏ tới Phật đá. Do sự xâm chiếm của nhà Nguyên kéo dài, dạng thức tượng Phật bắt đầu có sự thay đổi. Tác phẩm tiêu biểu cho thời kì này còn lại không nhiều. Có tượng Như Lai và tượng Phật khắc trên bề mặt tháp đá mười tầng ở chùa Kungchen. Do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và tôn giáo ngoại lai trong Phật giáo, tượng lễ bái được chú ý và chế tác ngày càng nhiều. Phật giáo suy thoái nên số lượng tượng Phật cũng theo đó mà giảm đi khá nhiều.

4. Thời đại Choson (1392 – 1919)

Vương triều Lý áp dụng chính sách áp bức đối với Phật giáo, điều này có ảnh hưởng xấu đối với việc tạo tượng Phật. Tuy trong dân gian vẫn tiếp tục tạc tượng nhưng điêu khắc tượng Phật nói chung và Phật đá nói riêng đã suy thoái một cách nhanh chóng, những tác phẩm tiêu biểu thời kì này còn lại rất ít. Đó là các pho tượng La hán ở chùa Shilsang, tượng Phật đá khắc trên tháp đá 10 tầng ở Walgak, tượng Bồ tát khắc trên vách đá …

Tóm lại, thông qua tìm hiểu về sự biến đổi của các dạng thức Phật đá qua các thời đại phong kiến Hàn Quốc, chúng ta thấy sự phát triển đó đi từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, từ thô sơ giản dị tới chi tiết tinh xảo… khi thì đậm bản sắc dân tộc, lúc lại nhuốm thẫm màu sắc ngoại lai, khi sáng tạo độc đáo, lúc kế thừa, khi suy lúc thịnh… nhưng tất cả các dạng thức đó đều gắn kết với nhau, đan chéo, hòa quyện nhau thể hiện một cách tự nhiên, hài hòa trên mỗi tác phẩm.

HOÀNG THỊ YẾN

(TS, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Văn Khang, Lịch sử mỹ học, Nxb Văn hóa, 1983.

2. Hòa thượng Thích Ân Thuận, Phật pháp khái luận, Trung tâm Tư liệu Phật học, Nxb ĐH & THCN, 1992

3. Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Thành hội Phật giáo TP HCM, 1989.

4. Jin Hong Seop, Ahn Jang Hon, Seokpul 1, Nxb Daewonsa, Hàn Quốc.

5. Trần Nho Thìn, Vào chùa thăm Phật, NXB Công an Nhân dân, 1991.



([1]) Quang bối  (光背) là vòng ánh sáng được khắc hay vẽ ở đầu (thủ quang-頭光), hay ở thân (thân quang-身光) của bức tượng hoặc tranh Phật.

0thảo luận