Trang chủ

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, AN NINH THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC QUÝ II NĂM 2009 – QUA NHỮNG CON SỐ VÀ SỰ KIỆN

Đăng ngày: 3-03-2014, 12:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 11

Quý II năm 2009 tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tích cực hơn quý I, nhất là quan hệ giữa các nước lớn trên những vấn đề chiến lược. Bài viết xin nêu một số nội dung chủ yếu để bạn đọc tham khảo.

1. Mỹ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài khoá 2010, hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ với các nước châu Âu và theo đuổi mục tiêu “hoà bình toàn diện” ở Trung Đông

Ngày 06.04.2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết công bố đã đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khoá 2010, với tổng ngân sách là 533,7 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2009. Các định hướng lớn thực hiện ngân sách năm 2010 gồm: (1) Đầu tư cho nhân lực; (2) Tăng cường tiềm lực và hiện đại hóa các lực lượng chiến lược và chiến thuật; (3) Cải thiện hệ thống nhà thầu mua sắm vũ khí, trang bị mới; (4) Cắt giảm, điều chỉnh các chương trình không hiệu quả.

Từ 31.03 đến 07.04.2009, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma thăm các nước Châu Âu, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (tại Luân Đôn/Anh), Hội nghị Cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, tại Pháp) và Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ (tại Pra-ha, Cộng hòa Séc). Về cơ bản, những mục tiêu như giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến lược mới của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và khôi phục mối quan hệ Mỹ - Nga đều đạt được.

Bên lề Hội nghị G-20 (01.04.2009), Ô-ba-ma đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ Trung - Mỹ theo hướng hợp tác tích cực và toàn diện, tôn trọng lợi ích của nhau, xử lý thỏa đáng những bất đồng. Theo đó, hai nước sẽ: (1) Thúc đẩy cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế; (2) Tiếp tục thông qua cơ chế Ủy ban liên hợp thương mại Trung - Mỹ để thúc đẩy hợp tác kinh tế mậu dịch; (3) Làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực: năng lượng, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí; (4) Phát triển quan hệ quân sự song phương; (5) Hợp tác với các nước, nỗ lực thúc đẩy kinh tế thế giới khôi phục tăng trưởng, ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế, tránh tái diễn khủng hoảng.

Từ 03-06.06.2009, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma thăm các nước Trung Đông. Chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông thời gian tới sẽ là “can dự toàn diện, linh hoạt và thực dụng”, theo đuổi mục tiêu “hoà bình toàn diện”. Mỹ coi đây là chìa khóa để cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo. Trong bài phát biểu tại trường Đại học Cai-rô, ông Ô-ba-ma đưa ra một “thông điệp” muốn “hòa giải để cải thiện và tăng cường quan hệ với thế giới Hồi giáo dựa trên lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau” cùng các biện pháp nhằm tập hợp sự ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, giải quyết vấn đề hạt nhân ở I-ran, chấm dứt cuộc chiến tại I-rắc và bình ổn tình hình ở Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 13.06.2009, Quân đội Mỹ đã chuyển giao hơn 100 căn cứ quân sự cho lực lượng an ninh I-rắc. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng I-rắc A-xka-ri cho biết, nước này đã thành lập ủy ban Điều phối hoạt động quân sự chung với Quân đội Mỹ nhằm điều phối các hoạt động sau khi lính Mỹ rút khỏi các thành phố của I-rắc vào cuối tháng 6.2009. Sau khi binh sỹ Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát các thành phố cho lực lượng an ninh I-rắc, ngày 30.06.2009, tại một khu chợ của người Cuốc thuộc thành phố Kirkuk, miền Bắc I-rắc đã xảy ra vụ đánh bom làm 27 người chết và 80 người bị thương.

2. Nga phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia tới năm 2020, sẵn sàng thảo luận với Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới, tăng cường quan hệ và thúc đẩy các lợi ích kinh tế tại khu vực Sa-ha-ra

Ngày 13.05.2009, Tổng thống Nga Mét-vê-đép đã phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia tới năm 2020. Nội dung gồm: (1) Nga có thể dùng sức mạnh quân sự để giải quyết những vấn đề trong cạnh tranh nguồn năng lượng và triển khai các thiết bị đa mục tiêu, công nghệ cao ở biên giới với các nước láng giềng, tăng cường bảo vệ khu vực Bắc Cực, Viễn Đông và vùng Ca-xpi nhằm ngăn chặn khả năng xung đột vũ trang; (2) Coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là nhân tố quan trọng trong quan hệ hai bên; (3) Tiếp tục xây dựng quan hệ chiến lược với Mỹ dựa trên những lợi ích tương đồng; (4) Khẳng định lại cam kết vì một thế giới phi vũ khí hạt nhân và sẵn sàng thảo luận việc cắt giảm vũ khí thông thường.

Ngày 16.04.2009, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga A.Nê-xtê-ren-kô cho biết, Nga và Mỹ sẽ thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga S.La-vrốp cho rằng, những đề xuất của Mỹ nhằm xoa dịu các mối lo ngại của Mát-xcơ-va về kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại châu Âu của Oa-sinh-tơn chủ yếu mang tính “tượng trưng”.

Từ 23-26.06.2009, Tổng thống Nga thăm Ai Cập, Ni-giê-ri-a, Na-mi-bi-a và Ăng-gô-la nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nga với các nước khu vực Sa mạc Sa-ha-ra. Nga và Ai Cập cam kết “xây dựng một trật tự thế giới đa cực, đảm bảo dân chủ, công bằng và an toàn hơn cho mọi quốc gia”; nhất trí phối hợp “các quan điểm và bước đi trong chính sách đối ngoại”; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được nền hoà bình công bằng ở Trung Đông.

3. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Anh- Một nỗ lực tập thể trong cuộc chiến chống khủng hoảng

Hội nghị Thượng đỉnh G20 (diễn ra ngày 02.04.2009 tại Luôn Đôn/Anh, gồm 7 nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi, đã đạt được những kết quả quan trọng. Hội nghị đưa ra các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gồm: (1) Khôi phục niềm tin, tăng trưởng và việc làm. (2) Tăng cường điều tiết và giám sát tài chính. (3) Tăng cường nguồn lực và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế. (4) Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy đầu tư, thương mại toàn cầu. (5) Bảo đảm sự hồi phục ổn định và công bằng cho tất cả các nước. Bơm thêm 1.100 tỷ USD cho IMF, cung cấp 50 tỷ USD để hỗ trợ bảo vệ xã hội, thúc đẩy thương mại và bảo đảm sự phát triển tại các quốc gia có thu nhập thấp. Cam kết, tuân thủ theo mô hình thu nhập mới, IMF bán vàng dự trữ để có thể cung cấp 6 tỷ USD cho các nước nghèo trong 2-3 năm tới.

4. Trung Quốc thành lập Vụ Biên giới và Hải dương

Ngày 05.05.2009, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức phê chuẩn Quyết định thành lập Vụ Biên giới và Hải dương. Vụ này có chức năng, nhiệm vụ là giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp. Theo các nhà phân tích, việc thành lập thêm cơ quan chuyên trách, xử lý vấn đề biên giới và trên biển của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thời điểm này là sự tính toán kỹ lưỡng, nhằm “nhấn mạnh” với các nước có tranh chấp biên giới lãnh thổ, nhất là trên hướng Biển Đông.

Ngày 11.05.2009, Trung Quốc đệ trình Ban thư ký LHQ “Báo cáo sơ bộ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về xác định đường ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý” (chỉ đề cập đến ranh giới ngoài thềm lục địa 200 hải lý ở khu vực biển Đông Hải, chưa đề cập đến Biển Đông). Văn kiện dày 17 trang, gồm 12 điều, 04 bản đồ và 08 bảng biểu. Điều 7 và điều 8 của văn kiện nêu rõ: Trung Quốc đang triển khai thu thập, xử lý các số liệu cần thiết, đánh giá những tư liệu liên quan để nộp “Phương án hoạch định ranh giới thềm lục địa chính thức” cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của LHQ vào thời điểm thích hợp.

5. Tình hình hạt nhân ở CHDND Triều Tiên

Ngày 05.04.2009, CHDND Triều Tiên đã phóng thử vệ tinh viễn thông theo đúng kế hoạch. Tiếp đó, ngày 25.05.2009, CHDND Triều Tiên tiếp tục thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai, với cường độ chấn động khoảng 4,7 độ rích-te và tâm chấn ở độ sâu 10 km dưới lòng đất, cách thủ đô Bình Nhưỡng 375 km về phía Đông Bắc. Không dừng lại ở đó, đến nay (07.07.2009) CHDND Triều Tiên liên tiếp phóng 19 tên lửa tầm ngắn khác. Sau sự việc trên, nhiều nước đã có những phản ứng gay gắt: (1) Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma coi đó là hành động đe doạ tới hoà bình thế giới và nói rằng, CHDND Triều Tiên sẽ phải gánh chịu hậu quả. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc nước này tuyên bố đã tiến hành vụ thử hạt nhân mới dưới lòng đất. (2) Chính phủ Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối việc CHDND Triều Tiên bất chấp sự phản đối của đông đảo cộng đồng quốc tế và yêu cầu CHDND Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân, chấm dứt mọi hành động tương quan có thể làm cho tình hình xấu đi, trở lại đàm phán sáu bên. (3) Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này đã thành lập nhóm “xử lý khủng hoảng” gồm các sĩ quan cấp tướng, các quan chức quân sự hàng đầu, do Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo. Nhóm này đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp sau khi thành lập. Hàn Quốc đã ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng báo động cao và đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân đội CHDND Triều Tiên. (4) Nhật Bản tuyên bố, vụ thử hạt nhân của CHDND Triều Tiên đã vi phạm Nghị quyết của HĐBA LHQ, không thể tha thứ. Nhật Bản sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn đối với vấn đề trên. (5) EU coi việc CHDND Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công là vấn đề đáng lo ngại, cần phải lên án. (6) Thứ trưởng Ngoại giao Anh Ra-meo coi vụ thử hạt nhân của CHDND Triều Tiên là một “hành động vi phạm trắng trợn” Nghị quyết của HĐBA LHQ và hối thúc CHDND Triều Tiên cần nối lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân.

Ngày 12.06.2009, các nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) cùng Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận cuối cùng và thông qua Nghị quyết 1874, tăng cường trừng phạt CHDND Triều Tiên. Ngày 15.06.2009, khoảng 100.000 người dân CHDND Triều Tiên đã mít tinh phản đối Nghị quyết của LHQ. Phát biểu tại cuộc mít tinh, ông Kim Ki Nam nói rằng: “Chúng ta mạnh mẽ lên án và bác bỏ toàn bộ Nghị quyết của HĐBA LHQ về các lệnh trừng phạt. Đây là sản phẩm từ âm mưu của đế quốc Mỹ hòng bóp nghẹt CHDCND Triều Tiên”.

6. Tình hình chính trị tại Thái Lan

Từ 08-14.04.2009, lực lượng UDD đã bao vây nhà riêng Chủ tịch Hội đồng cơ mật Prêm, đòi Prêm từ chức; ngăn cản Hội nghị cấp cao ASEAN; sử dụng gạch đá, gậy gộc, chai xăng... tấn công xe chở Thủ tướng và quan chức Chính phủ, gây xô xát với lực lượng quân đội và cảnh sát. Thủ tướng Áp-hi-xít phải tuyên bố hoãn Hội nghị, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Băng Cốc, yêu cầu quân đội trấn áp biểu tình khiến 02 người chết và 112 người bị thương. Đến nay, Thủ tướng Áp-hi-xít đã dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp tại Băng Cốc và vùng phụ cận nhưng gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp đối với khu vực 3 tỉnh phía Nam thêm 03 tháng và có hiệu lực từ 20.04.2009.

Ngày 18.05.2009, khoảng 3.000 người áo đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD) đã tổ chức biểu tình trước Trụ sở Quốc hội ở Thủ đô Băng Cốc, đòi Quốc hội thảo luận các nội dung dự thảo hiến pháp mà họ đề nghị. Cảnh sát Băng Cốc đã điều 8 đại đội chống bạo động tới dựng các rào chắn bằng sắt, chuẩn bị xe phun nước để sẵn sàng ứng phó.

Ngày 02.06.2009, Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) ra nghị quyết thành lập đảng mới lấy tên là “Đảng chính trị mới” (NPSP). Ban lãnh đạo lâm thời gồm 21 người. Chủ trương của đảng này là nhằm xây dựng nền chính trị mới, giám sát tham nhũng theo thể chế dân chủ. Tiêu chuẩn Nghị sỹ của đảng là người có phẩm chất đạo đức, chưa từng bị tố cáo tham nhũng, độc tài bất chính.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước nhưng Chính phủ của Thủ tướng Áp-hi-xít vẫn tiếp tục duy trì được quyền lực. Bằng các chính sách linh hoạt, đảng Dân chủ và Chính phủ của Thủ tướng Áp-hi-xít đã từng bước cải thiện được tình hình. Thời gian tới, tình hình chính trị Thái Lan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do lực lượng ủng hộ Thặc-xỉn tăng cường các hoạt động chống đối nhằm gây sức ép với Chính phủ, nhưng chưa đủ khả năng để tạo áp lực, buộc Thủ tướng Áp-hi-xít giải tán Quốc hội.

7. Tình hình Cam-pu-chia (CPC)

- CPC tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 2 cấp, tiến hành kiện toàn tổ chức và mở phiên toà sơ thẩm lần 2 xét xử Khơ-me Đỏ:

Ngày 17.05.2009, Chính phủ CPC đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp theo đúng kế hoạch bảo đảm an toàn. Kết quả: (1) Bầu cử - Hội đồng cấp tỉnh - thành có 374 ghế/24 tỉnh - thành, CPP giành 302 ghế; Xam Rên-xy (SRP) 61 ghế; FUNCINPEC (FUN) 6 ghế; Đảng Ra-na-rít (NRP) 5 ghế. (2) Bầu cử Hội đồng cấp quận - huyện có 2.861 ghế, CPP giành 2.249 ghế, SRP 518 ghế, FUN 55 ghế, NRP 39 ghế.

Ngày 27.05.2009, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 4 thông qua một số nội dung: (1) Các Dự luật bảo hộ tài chính, sửa đổi quản lý tài chính, bảo vệ người tàn tật, bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ CPC và Lào; (2) Quyết định bổ nhiệm 2 Nghị sỹ Quốc hội của CPP (Nuông Xưm-an thay Úc Ma-li và Xa Lê-xên thay Khưm Xa-mon; (3) Tước quyền miễn trừ của Mua Xô Hua và Hô Văn (nghị sỹ SRP) về tội vu cáo Thủ tướng Hun Xen và bôi nhọ thanh danh các tướng lĩnh quân đội CPC. Ngoài ra, Chính phủ CPC đã thông qua một số dự luật, sắc lệnh, nghị định như Quy chế công nhận quyền cho người tị nạn và quyền cư trú cho người nước ngoài ở CPC; Chương trình cải cách hành chính công giai đoạn 2010-2012; Chính sách phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào bản địa.

Từ 30.03-01.04.2009, toà án xét xử Khơ-me Đỏ mở phiên toà sơ thẩm lần 2 xét xử cựu giám ngục nhà tù Tuôn Xleng, Đúch về các tội: giết người, ngược đãi tù nhân, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Tại phiên toà, Đúch đã thừa nhận trách nhiệm về các vụ thảm sát gần 16.000 người dân tại nhà tù Tuôn Xleng.

- Mỹ tăng cường hợp tác văn hoá, quân sự với CPC:

Ngày 26.03.2009, tại Phnôm Pênh, Đại sứ Mỹ tại CPC Ca-rôn Rốt-ly cùng đại diện Tổ chức phát tiển Quốc tế Mỹ tại CPC (USAID) tổ chức “Lễ triển khai chương trình hoạt động sức khoẻ của Mỹ ở CPC”. Mỹ sẽ chi 77 triệu USD để triển khai chương trình này trong thời gian 5 năm (2009 - 2013).

Từ 31.03-04.04.09, tàu Hải quân Mỹ USS SAFEGUARD ARS-50 thăm cảng Xi-ha-núc Vin, giúp Hải quân CPC huấn luyện về kỹ, chiến thuật chống khủng bố và trục vớt cứu nạn, cứu hộ trên biển. Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại CPC Giôn Giôn Sơn đánh giá, chuyến thăm CPC của tàu thể hiện mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa lực lượng Hải quân CPC và Mỹ.

- Tình hình biên giới CPC - Thái Lan tiếp tục diễn biến phức tạp:

Từ 28-29.04.2009, tại tỉnh Xiêm Riệp, Uỷ ban Biên giới chung CPC - Thái Lan họp lần thứ 6, thảo luận và thống nhất 12 điểm về thúc đẩy quan hệ hai nước. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp biên giới ở khu vực đền Prếch Vi-hia vẫn phức tạp, phía Thái Lan không chấp thuận rút quân khỏi khu vực chùa Keo; cho rằng, khu vực đền Prếch Vi-hia không thuộc chủ quyền của CPC. Ngày 11.05.2009, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế CPC đề nghị Chính phủ Thái Lan bồi thường 2,15 triệu USD trong vụ xung đột tại khu vực đền Prếch Vi-hia (03.04.2009). Ngày 14.05.2009, Ngoại trưởng Thái Lan Cạ-sịt tuyên bố, không chấp nhận bồi thường khoản tiền trên; cho rằng, khu vực xảy ra đụng độ giữa quân đội hai nước là ở trên lãnh thổ Thái Lan.

Ngày 21.05.09, Sư trưởng Sư đoàn 3 CPC, Trung tướng Xrây Đức gặp Tư lệnh Lục quân Thái Lan Đại tướng A-nu-phông. Hai bên nhất trí không đưa lực lượng quân đội vào các khu vực đang tranh chấp; duy trì binh lính trong các doanh trại không được manh động, khi chưa có lệnh của trên. Tuy nhiên, ngày 06.06.2009, tại chốt kiểm soát Chaim Sra Ngam, huyện An-long Veng, tỉnh Ốt-đô-miên-chây, Thái Lan đã cho 30 lính trang bị vũ khí xâm nhập và chiếm giữ khu đất gần Chaim Sra Ngam thuộc lãnh thổ CPC.

Ngày 17.06.2009, Thủ tướng Thái Lan Áp-hi-xít tuyên bố: Thái Lan sẽ đề nghị UNESCO rút đền Prếch Vi-hia ra khỏi danh sách các di sản văn hoá thế giới. Ngày 20.06.2009, Hô-Nam-Hông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế CPC tuyên bố: “Vấn đề đưa đền Prếch Vi-hia vào danh sách di sản văn hoá thế giới là việc làm của Chính phủ CPC và Uỷ ban Di sản thế giới, không liên quan đến Chính phủ Thái Lan. Ngoài ra, “Chính phủ CPC sẵn sàng đáp trả nếu Thái Lan tiếp tục đưa quân đội đến gây chiến tại khu vực tranh chấp trên tuyến biên giới”.

8. Tình hình Lào

- Mỹ thực hiện chính sách hai mặt trong quan hệ với Lào:

Ngày 11.05.2009, Tòa án Liên bang quận Sa-cra-men-to, Tiểu bang Ca-li-pho-ni-a, Mỹ tiếp tục đưa Vàng-pao và đồng bọn ra xét xử nhằm tỏ thiện chí trong quan hệ với Lào. Tuy nhiên, Tòa đã bác bỏ ý kiến của các luật sư, cho rằng Vàng-pao và đồng bọn không phạm tội chống lại Chính phủ Lào và tuyên bố, phiên toà xét xử Vàng-pao sẽ được tiếp tục vào ngày 05.10.2009. Ngày 12.06.2009, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã ký văn bản đưa Lào ra khỏi “danh sách đen thương mại” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại Lào - Mỹ.

Ngày 20.04.2009, Đại sứ Mỹ tại Lào Ra-vích Hu-sô gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Lào đề nghị Chính phủ Lào nghiên cứu thành lập Tiểu ban hợp tác với Mỹ để kiểm tra xác minh và lập danh sách tiếp nhận những người Lào cư trú, lao động bất hợp pháp tại Mỹ, để trả về Lào trong thời gian tới… Dự kiến trao trả đợt đầu tiên vào tháng 12.2009, đúng dịp Lào tổ chức SEA Games-25. Ngoài ra, Mỹ đã cử hai đoàn sang thăm Lào, như: Đoàn đại biểu cơ quan Dân chủ và quyền lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (từ 05-11.05.2009) và đoàn Bảo vệ Tôn giáo thuộc Bộ An ninh Mỹ (từ 12.05-12.06.2009), để nắm tình hình thực tế tôn giáo ở Lào. Ngày 06.05.2009, đoàn nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Lào do bà Ha-đi Ê-len, phụ trách tôn giáo đến làm việc với Hội thánh Tin Lành tỉnh Luông-pha-băng, đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đạo trên địa bàn tỉnh (đến năm 2010 lôi kéo được khoảng 15.000 tín đồ); tiếp tục đào tạo mục sư để bổ sung cho các bản có người theo đạo và phát triển ở khu vực Bắc Lào.

- Bọn chống đối Lào chuyển tiền, đưa lực lượng về Thái Lan chỉ đạo hoạt động chống phá Lào:

Chúng chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, kích động, đấu tranh đòi thành lập “Nhà nước Mông độc lập” ở Bắc Lào; âm mưu gây nổ tại một số địa bàn trọng điểm để tạo ra mất ổn định an ninh ở Lào, nhằm làm giảm uy tín của Lào trước cộng đồng quốc tế. Ngày 04.06.2009, lực lượng an ninh Lào đã phát hiện và bắt giữ tên Xải-phết có âm mưu phá hoại công trình Phủ Thủ tướng Lào ở huyện Chăn-thạ-bu-ly, Thành phố Viêng-chăn. Qua khai thác, tên Xải-phết khai được một người Lào thuê phá hoại công trình. Kết quả: thu giữ 1 quả mìn, 1 súng ngắn, 6 viên đạn, 1 đôi găng tay bằng sắt có gắn các đầu nhọn và 3 điện thoại di động.

Trong quý II lào tổ chức truy quét địch ở địa bàn các tỉnh Viêng-chăn, Luông-pha-băng, Bò-kẹo và Xay-nha-bu-ly. Kết quả: Tiêu diệt: 20 tên và bắt một số tên; thu 13 súng các loại (AK, M16, và súng Cạc-bin)./.

 

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tình hình thế giới sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại. Số 6/2009, tr3

2. Vũ trang châu, Thế giới và Việt Nam. Số 137 (807), 27/6 - 3/7/2009, tr 16, 17, 18.

0thảo luận