Trang chủ

CHIẾN LƯỢC, SÁCH LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG CHƯA CÓ HỒI KẾT

Đăng ngày: 3-03-2014, 12:07 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 11

Chiến lược, sách lược của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên

Liên quan đến Bán đảo Triều Tiên nói chung và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng, có lẽ hơn bất kỳ nước nào khác, Trung Quốc là nước có vai trò và tác động lớn đối với vấn đề này. Thời gian qua, Trung Quốc đã cung cấp cho  Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) phần lớn nguyên liệu, nhiên liệu và lương thực. Trung Quốc lo ngại cuộc chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên sẽ làm mất ổn định khu vực này và dòng người tỵ nạn chắc chắn sẽ tới Trung Quốc, sự thống nhất hai miền Triều Tiên với sự có mặt của quân đội Mỹ ở ngay cửa ngõ của mình làm Trung Quốc bất an. Trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc chỉ ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và khi cần thiết gây áp lực với CHDCND Triều Tiên để tránh xảy ra những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã đẩy Trung Quốc vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, CHDCND Triều Tiên vẫn là “khu đệm” để đối phó với sự có mặt của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Mặt khác, nếu Bán đảo Triều Tiên tồn tại vũ khí hạt nhân thì không những là mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc mà còn là cớ để Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Đài Loan phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu điều này xảy ra thì đó là một tai hoạ lớn đối với Trung Quốc. Hơn nữa, một khi chiến sự nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên thì không loại trừ khả năng các bên tham chiến sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp này Trung Quốc rõ ràng cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc chiến.

Khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên được thể hiện qua sự bất đồng gay gắt giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ về một loạt vấn đề: Từ việc Mỹ không thực hiện Hiệp định khung năm 1994 và việc CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đến cuộc tranh cãi về hình thức và thành phần các nước tham gia đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc là nước có nhiều khả năng nhất giải quyết cuộc khủng hoảng và cũng còn đó những điều để tác động vào CHDCND Triều Tiên. Ngoài những điều cả thế giới biết rõ như việc Trung Quốc cung cấp dầu và lương thực cho CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc còn một cơ chế tác động bí mật rất hiệu quả là qua mối quan hệ giữa hai chính đảng với nhau.

Sẽ không đúng nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ ngay lập tức lật hết các con bài của mình cho Mỹ trong ván bài giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trong việc giải quyết vấn đề này Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tận dụng 3 khả năng:

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài tối đa sự hợp tác không chính thức với CHDCND Triều Tiên và vai trò trung gian giữa CHDCND Triều Tiên và phần thế giới còn lại, trước hết là với Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ không cho phép giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bằng sức mạnh quân sự theo kiểu Irắc, không chỉ vì những tính toán an ninh như đã đề cập ở trên, mà còn vì quan điểm chiến lược về Bán đảo Triều Tiên. Mong muốn của Kim Châng In duy trì chế độ của mình rõ ràng phù hợp với chính sách của Trung Quốc duy trì nguyên trạng ở Bán đảo Triều Tiên. Còn việc thành lập một nước Triều Tiên thống nhất sẽ dẫn đến một nước Triều Tiên thân Mỹ chống Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ không đưa ra hết các con át chủ bài của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chừng nào chưa làm rõ với Mỹ về vấn đề Đài Loan, sự có mặt của Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á.

Tuy Trung Quốc có chung mục đích với Mỹ và các nước trong khu vực muốn phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên. Vai trò của Trung Quốc thì lớn nhưng khi tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc lại cho rằng vấn đề hiện nay tùy thuộc vào “các bên liên quan”, cho rằng vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào hai bên Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng không cần thiết phải có sự tham gia của Liên Hợp Quốc vào tiến trình đàm phán, phản đối mọi ý định đưa Liên Hợp Quốc tham gia tiến trình này. Có thể hiểu ý đồ sâu xa của Trung Quốc muốn quân Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên. Nếu Liên Hợp Quốc tham gia tiến trình đàm phán thì Mỹ sẽ lảng tránh được trách nhiệm, nghĩa vụ, những đòi hỏi từ phía CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng đàm phán tay đôi giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thì trọng tâm của các cuộc đàm phán sẽ hoàn toàn xoay quanh đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ để đổi lấy việc CHDCND Triều Tiên huỷ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Hiện tại, CHDCND Triều Tiên đã có đầu đạn tầm xa, nó không chỉ đe doạ Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn đe doạ trực tiếp đến an ninh của Mỹ. Do vậy, tiến trình đàm phán song phương Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ tạo cơ hội để CHDCND Triều Tiên có thể gây sức ép đối với Mỹ đáp ứng các yêu cầu như: Ký Hiệp định không xâm lược lẫn nhau (thực chất Hiệp định Mỹ không xâm lược CHDCND Triều Tiên), quân Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Nếu như vấn đề này được thực hiện thì có nghĩa là Trung Quốc đạt được mục tiêu đặt ra mà bấy lâu nay Trung Quốc theo đuổi là xoá bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Trên ý nghĩa này chúng ta hiểu vì sao Mỹ kiên quyết không chấp nhận đàm phán song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên về việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua được Trung Quốc coi là nghiêm trọng, nhưng đình chỉ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không phải là mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được của Trung Quốc. Các tính toán của Trung Quốc, lợi ích và mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc phức tạp và lâu dài hơn nhiều.

Các tính toán chiến lược và sách lược của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên nói chung và vấn đề hạt nhân nói riêng liên quan đến nhiều nhân tố tương quan. Đó là:

Nhân tố thứ nhất: Sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc luôn tìm mọi cách để đảm bảo sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên. Bởi lẽ, nếu CHDCND Triều Tiên sụp đổ sẽ có tác động ghê gớm về kinh tế và nhân đạo đối với Trung Quốc cũng như tác động đối với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc muốn giữ nguyên trạng chế độ Bình Nhưỡng hiện nay. Để thực hiện chiến lược “duy trì sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng”, Trung Quốc phải tăng viện trợ lương thực và năng lượng để làm giảm bớt những khó khăn cho nhân dân Triều Tiên.

Nhân tố thứ hai: Cải cách, mở cửa ở CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cải cách sâu rộng kinh tế, xã hội ở CHDCND Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cải cách tốt sẽ tăng cường chế độ xã hội chủ nghĩa và làm cho nó thích nghi với thời cuộc. Theo Trung Quốc cải cách là sự lựa chọn tốt nhất để CHDCND Triều Tiên ngày càng phát triển về mọi mặt.

Nhân tố thứ ba: Tăng cường và duy trì các quan hệ liên tục và mạnh mẽ với Hàn Quốc. Trung Quốc tăng cường quan hệ với Hàn Quốc chủ yếu về kinh tế. Mối quan hệ này đã trở nên cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc do hiệu quả kinh tế của nó đưa lại. Trung Quốc luôn luôn là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, còn Hàn Quốc liên tục nằm trong số các nước đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc.

Nhân tố thứ tư: Tìm cách duy trì ảnh hưởng chi phối đối với Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng chi phối đối với Bán đảo Triều Tiên. Bởi lẽ, mặc dù chưa bao giờ công bố công khai, nhưng Trung Quốc luôn coi bán đảo này là khu vực ảnh hưởng tự nhiên của họ. Về lâu dài, yếu tố địa lý sẽ quyết định nhiều đến sự cân bằng sức mạnh ở Đông Bắc Á. Trung Quốc có thể lợi dụng sự ác cảm của nhân dân Triều Tiên đối với Nhật Bản để giành lợi thế cho họ.

Theo các nhà phân tích của Trung Quốc về Mỹ thì sau khi Bán đảo Triều Tiên thống nhất, liên minh Mỹ - Hàn Quốc sẽ tự tan rã và quân Mỹ sẽ phải rút khỏi Bán đảo Triều Tiên, vì lúc đó không còn mối thù địch giữa Nam-Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, lúc đó quan hệ giữa Trung Quốc – Triều Tiên thống nhất sẽ là quan hệ hợp tác và láng giềng tốt nên cũng không còn mối đe doạ từ Trung Quốc để liên minh Mỹ - Hàn Quốc tồn tại.

Nhân tố thứ năm: Ưu tiên thống nhất kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn để Bắc và Nam Triều Tiên dần tiến tới thống nhất về chính trị, là sự thống nhất từng bước Nam - Bắc Triều Tiên. Trung Quốc không ủng hộ việc thống nhất vội vã Bán đảo Triều Tiên, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng thống nhất như vậy sẽ không quản lý được và sẽ có tác động phá hoại. Chiến lược của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất Bán đảo Triều Tiên là dần từng bước như sau:

- Trao đổi các gia đình, văn hoá, xã hội, học thuật và thể thao.

- Nối các tuyến giao thông trực tiếp kể cả đường sắt qua khu phi quân sự.

- Trao đổi thương mại, đầu tư, viện trợ liên Triều.

- Tăng cường các chương trình trao đổi liên chính phủ hai miền.

- Tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự ở hai bên khu phi quân sự.

- Các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên được tăng cường đến mức thảo luận thống nhất hai miền.

Nhân tố thứ sáu: CHDCND Triều Tiên hành động có trách nhiệm và không khiêu khích đối với các vấn đề an ninh từ chương trình vũ khí hạt nhân, việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và các phương tiện sử dụng vũ khí đó đến việc triển khai các lực lượng thông thường của CHDCND Triều Tiên. Mục đích trước mắt của Trung Quốc là xây dựng một nước CHDCND Triều Tiên có trách nhiệm hơn. Mục đích cuối cùng là Trung Quốc thuyết phục CHDCND Triều Tiên ngừng phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và ngừng phát triển chương trình hạt nhân. Trung Quốc coi đây là vấn đề ưu tiên, nhưng tuyệt nhiên không có nghĩa là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Trung Quốc. Trung Quốc coi các vấn đề này là vấn đề cả gói trong các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn. Quan điểm dài hạn hơn của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên vượt xa hơn vấn đề vũ khí giết người hàng loạt.

Như vậy, tiêu điểm chính sách của chính quyền Mỹ về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên không trùng hợp với môi trường rộng lớn hơn của Trung Quốc, vấn đề hạt nhân này phải gắn liền với việc Mỹ bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Nhưng ranh giới cuối cùng trong chính sách của Bắc Kinh là phải gắn giao dịch cả gói với một loạt sáng kiến nhằm làm giảm bớt cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của CHDCND Triều Tiên và đưa nước này hoà nhập vào cộng đồng quốc tế. Đó là lý do giải thích tại sao Trung Quốc lại sốt sắng ủng hộ sáng kiến Perry năm 1997. Cần phải thừa nhận rằng “trật tự các toan tính” nói trên không bao gồm hiện trạng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thích giữ nguyên hiện trạng hơn là thay đổi chế độ. Tuy nhiên, trong trường hợp này không phải như vậy. Nếu giữ nguyên hiện trạng để dẫn đến sự sụp đổ của chế độ thì không phải là tương lai của Triều Tiên mà Trung Quốc mong muốn. Trung Quốc không tin rằng tình hình hiện nay trên Bán đảo hoặc ở CHDCNDD Triều Tiên sẽ ổn định hay sẽ dẫn đến sự ổn định khu vực hoặc có lợi cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc một chính sách cả gói đặt CHDCND Triều Tiên vào con đường cải cách thực sự để hoà hợp nước này với các nước láng giềng Đông Bắc Á và cả với Mỹ. Đối với Trung Quốc, vấn đề không chỉ là liệu CHDCNDD Triều Tiên có phát triển vũ khí hạt nhân hay không, hoặc CHDCND Triều Tiên có hạ cánh nhẹ nhàng từ tình trạng khó khăn hiện nay của nó hay không, mà là liệu CHDCND Triều Tiên có bước vào con đường cải cách toàn diện và bền vững theo mô hình Trung Quốc hay không. Đây chính là quan điểm tích cực của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Hiểu được quan điểm và mục tiêu dài hạn này của Trung Quốc là then chốt để hiểu các thành phần chiến lược cũng như chiến thuật của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích Mỹ về Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bán đảo Triều tiên hiện nay sẽ cho Trung Quốc một cơ hội thực sự để chứng tỏ vai trò của họ như là một cường quốc có trách nhiệm sát cánh với đường lối cứng rắn của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế lại hoàn toàn khác. Chính Trung Quốc dường như có lập trường hợp lý hơn dựa trên quan điểm dài hạn và lộ trình cho Bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng là lập trường này của Trung Quốc thống nhất với lập trường của nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Mỹ chỉ sẽ chỉ thấy cây mà không thấy rừng nếu cứ tiếp tục tin vào vấn đề hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt của CHDCND Triều Tiên là vấn đề hàng đầu và duy nhất cần phải giải quyết. Mỹ sẽ sai lầm nếu tin rằng việc ngầm đảm bảo an ninh cho Triều Tiên sẽ là sự trao đổi ngang giá. Nếu chính quyền Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế này thì nó không chỉ thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, mà còn gây chia rẽ sâu sắc đối với các đồng minh của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chưa có hồi kết

Dù CHDCND Triều Tiên có đáng bị cộng đồng quốc tế lên án khi họ phát triển vũ khí hạt nhân, thì những yêu cầu của họ cũng cần được xem xét nghiêm túc. Đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên muốn giảm bớt sự đe doạ hạt nhân cần phải được lưu ý từ lâu và lời yêu cầu của họ về việc “bình thường hoá” quan hệ như một cái giá cho việc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, thường được nhắc đến như là thủ đoạn “hăm doạ”, không phải là quá đáng. Trong mấy chục năm qua, thế giới tỏ ra thờ ơ trước sự đe doạ hạt nhân mà CHDCND Triều Tiên phải đối đầu từ phía Mỹ và chỉ khi CHDCND Triều Tiên bắt đầu phát triển cái theo cách nói của các nước lớn được gọi là cái để “răn đe” thì lúc đó thế giới mới thực sự quan tâm tới nỗi lo ngại này.

Việc CHDCND Triều Tiên rút khỏi NPT, tháo dỡ niêm phong kho chứa chất Plutonium và lại bắt đầu đưa các lò phản ứng Graphit của nước này đi vào hoạt động trong năm 2003 đã gây ra tình trạng bất ổn. Nước này cần phải quay trở lại với Hiệp ước trên và thực hiện các nghĩa vụ kèm theo. Tuy nhiên, Hiệp định năm 1994 đã bị phá vỡ do cả hai phía Mỹ và Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng Hiệp định này. Nếu CHDCND Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân mà nước này công bố tháng 2/2005, điều đó chắc chắn sẽ coi thường ý nguyện quốc tế được ghi rõ trong Hiệp ước NPT năm 1968 và Hiệp ước “phi hạt nhân trên Bán bảo Triều Tiên” được ký kết vào tháng 01/1992 giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhưng cần phải biết rằng nếu nước nào có quyền triển khai vũ khí hạt nhân như một cái để răn đe thì nước đó nhất định phải là CHDCND Triều Tiên chứ không phải nước nào khác. Bởi vì, CHDCNDD Triều Tiên đã phải đương đầu với mối đe dọa rất rõ ràng và lâu dài hơn bất kỳ một nước khác trên thế giới. Ngay cả Tòa án quốc tế (trong cuộc lấy ý kiến tư vấn năm 1996) cũng từ chối không ra phán quyết rằng nỗ lực xây dựng các hệ thống phòng thủ hạt nhân của một nhà nước luôn bị đe doạ tấn công hạt nhân là bất hợp pháp. CHDCND Triều Tiên hiện sử dụng phương tiện thương lượng duy nhất mà nước này có thể gây sức ép đòi huỷ bỏ sự đe doạ, trong đó có cả đe doạ hạt nhân, huỷ bỏ các lệnh trừng phạt và bình thường hoá quan hệ chính trị và kinh tế. Giải pháp cho các vấn đề này là chìa khoá dẫn đến hoà bình, hợp tác và phồn vinh ở khu vực Đông Bắc Á.

Sức ép liên tục thời gian qua buộc chế độ Bình Nhưỡng phải thay đổi hoặc dẫn đến sụp đổ là hết sức mạo hiểm. Bình Nhưỡng nhất định sẽ không chịu đầu hàng và nếu bị dồn vào chân tường thì nước này sẽ chống đối đến cùng. Trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên khó có thể phân định được bên nào không chịu tuân thủ nguyên tắc và luật pháp quốc tế hơn. Không giống như Mỹ, CHDCND Triều Tiên đã không hề dính líu vào một cuộc chiến tranh xâm lược nào, không hề đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ nước nào hoặc tìm cách liên hệ cho hành động tra tấn hoặc ám sát.

Ngày 26/6/2008, phóng viên truyền hình của 5 nước tham gia hội nghị 6 bên (gồm CNN của Mỹ, RTR của Nga, MCB của Hàn Quốc, TBS của Nhật Bản và CCTV của Trung Quốc) đã chứng kiến sự kiện CHDCND Triều Tiên cho nổ tung tháp làm lạnh hạt nhân trong khu phức hợp Yongbyon.

Với các hành động nêu trên, CHDCND Triều Tiên đã cho thấy họ quyết tâm thực thi các cam kết đã ký tại hội nghị 6 bên (CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) và những thoả thuận đạt được với Mỹ, mặc dầu các cam kết, thoả thuận đạt được đều không bắt buộc CHDCND Triều Tiên phải thực thi ngay các cam kết mà có thể đàm phán thực hiện từng phần việc một. Trong bản danh mục này, CHDCNDD Triều Tiên đã nêu rõ chỉ liệt kê việc sản xuất Plutonium và các hoạt động tại Yongbyon trong thời gian nó hoạt động từ tháng 3/2003 đến khi đóng cửa vào cuối năm 2007. Các yêu cầu khác của Mỹ sẽ được CHDCND Triều Tiên giải trình trong các bước đi tiếp theo, tất nhiên là sau các cuộc đàm phán và thoả thuận chặt chẽ.

Mỹ đang muốn CHDCND Triều Tiên giải đáp nhiều vấn đề nằm ngoài bản danh mục, như số lượng bom hạt nhân sản suất được từ Plutonium là bao nhiêu, các chương trình hạt nhân khác ngoài Yongbyon dùng nhiên liệu Uranium, CHDCNDD Triều Tiên có hỗ trợ Syria xây dựng chương trình hạt nhân bí mật nào không, và quan trọng nhất là liệu CHDCND Triều Tiên có thật sự từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay không? Giải đáp được toàn bộ vấn đề này quả là không đơn giản.

Nếu đánh giá thoả thuận đạt được tại hội nghị 6 bên ngày 13/02/2007 là một khởi đầu cho cả một tiến trình dài và thoả thuận song phương với Mỹ - Triều Tiên vào tháng 10/2007 là bước đệm quan trọng tiến tới việc triển khai thực hiện các cam kết đã ký, thì các việc làm trong 2 ngày 26 và 27/06/2008 chính là những bước đi tới thực tế đầu tiên của CHDCND Triều Tiên mở màn cho tiến trình giải giáp hạt nhân. Sau bước đi này, tiến trình sẽ diễn ra nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào thái độ và sự tin cậy lẫn nhau giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Trong quá trình đàm phán 6 năm qua, vấn đề “xây dựng lòng tin” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên luôn là yếu tố làm trì trệ bước tiến có thể dẫn đến giải quyết dứt điểm vấn đề. Cả 2 bên đã không ít lần phá vỡ cam kết, thoả thuận đạt được trong các cuộc đàm phán đa phương và song phương. Nguyên nhân có lẽ có nhiều nhưng trước hết là Mỹ không muốn thực thi yêu cầu của CHDCND Triều Tiên là rút tên khỏi danh sách nước tài trợ khủng bố và xoá bỏ lệnh cấm vận, từ bỏ thái độ thù địch. Lý do khiến Mỹ chần chừ, do dự trong việc đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên là còn có sự can thiệp của Nhật Bản. Nhật Bản cáo buộc CHDCND Triều Tiên là bắt cóc công dân mình (những năm 70 của thế kỷ XX), và chính phủ Nhật Bản xem xét việc giải quyết vấn đề con tin bị bắt cóc này là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia. Nhật Bản không muốn Mỹ nới tay với CHDCND Triều Tiên càng không chịu được khi 2 bên làm lành với nhau. Viện trợ nhân đạo thì Nhật Bản đồng ý, nhưng dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận hay rút tên khỏi danh sách tài trợ khủng bố để tạo điều kiện cho CHDCND Triều Tiên tái hoà nhập với thế giới và phát triển thì không được.

Quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thực sự không dễ dàng. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Mỹ, Hàn Quốc và các nước phương Tây đã gây áp lực đối với CHDCND Triều Tiên. Đến năm 1994 Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký “Hiệp định khung Giơnevơ”. Sau đó Mỹ đã lật ngược Hiệp định khung này, đến năm 2003 mới bắt đầu hình thành cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sau khi trải qua rất nhiều sóng gió. Trong thời gian này, CHDCND Triều Tiên từng phủ nhận có kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân, đến năm 2006 họ lại tuyên bố tiến hành thành công vụ thử hạt nhân, Mỹ cũng trải qua quá trình từ gây áp lực đến khôi phục đối thoại. Trong thời gian gần 20 năm qua, Mỹ đã gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này bằng đối đầu. Hiện nay dư luận quốc tế đã hình thành một nhận thức chung trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên: Chính phủ Mỹ đã có cân nhắc bình tĩnh hơn đối với việc xử lý các công việc quốc tế thông qua phương thức bá quyền, hy vọng thông qua đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Việc CHDCND Triều Tiên lựa chọn con đường từ bỏ hạt nhân để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn là một xu thế tích cực. Nếu Mỹ và CHDCND Triều Tiên cùng tuân thủ quy tắc cùng hành động, tiến về phía trước một cách ổn định thì vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sẽ có hy vọng giải quyết, hoà bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á có hy vọng được thực hiện.

CHDCND Triều Tiên đã trao bản báo cáo về các hạng mục hạt nhân, phá huỷ lò làm lạnh phản ứng hạt nhân; Mỹ chính thức khởi động tiến trình nhằm đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước ủng hộ khủng bố. Những điều đó là kết quả đầy ý nghĩa trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải đặt ra với 6 nước tham gia đàm phán. Trong báo cáo ngày 26/06/2008, CHDCND Triều Tiên chỉ thừa nhận trước đây họ mới sản xuất được từ 36 đến 37 kg Plutonium có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ lại dự đoán họ có khả năng đã sản xuất được từ 35 đến 60 kg. Số lượng Plutonium chênh lệch đó chắc chắn sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình kiểm nghiệm hạt nhân sau này. Vấn đề này sẽ trực tiếp gây ra sự nghi ngờ, khó có thể lý giải là CHDCND Triều Tiên có phải vẫn còn nắm giữ một số lượng lớn nguyên liệu hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân mà chưa trình báo hết? Nếu các bên đồng ý gác lại nghi vấn này thì việc xử lý tiếp theo số lượng nguyên liệu hạt nhân mà CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận bằng cách nào? Nếu giữ lại ở CHDCND Triều Tiên nên đảm bảo an toàn thế nào? Nếu CHDCND Triều Tiên đồng ý chuyển ra nước ngoài thì nên giao cho nước nào? CHDCND Triều Tiên sẽ đề xuất điều kiện bồi thường cho số lượng Plutonium này là gì? Nước nào sẽ chịu bồi thường cho CHDCNDD Triều Tiên và bồi thường như thế nào? Ngoài ra, dư luận thế giới còn nghi ngờ CHDCND Triều Tiên ngoài việc tiến hành luyện Plutonium còn có thể tiến hành hoạt động làm giàu Urani, đồng thời nghi ngờ CHDCND Triều Tiên đã từng chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước như Xyri… . Mặc dầu CHDCND Triều Tiên đã luôn kiên quyết phủ nhận cáo buộc này, nhưng các nước có liên quan đang cần một sự  giải thích có thể thuyết phục được từ phía CHDCND Triều Tiên.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc giải quyết bất cứ một vấn đề nào trong các vấn đề nêu trên đều gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi sự bền bỉ, cố gắng và nỗ lực của các bên liên quan. Có thể nói ngoài việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên chưa thiết lập được một sự tin cậy lẫn nhau thì còn có các nhân tố khác cản trở. Đối với Mỹ, chính quyền Obama mới lên nắm quyền nên việc đưa ra một biện pháp giải quyết mới là điều rất khó, đòi hỏi cần phải có thời gian, nhưng với những động thái gần đây của cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên thì nguy cơ về một cuộc chiến rất có thể sẽ nổ ra. Tuy nhiên, đưa ra bất kỳ một giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vốn rất nhạy cảm này cũng phải được các bên liên quan thông qua và được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đối với Hàn Quốc, sau khi Li Miêng Pắc lên nắm quyền thì quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên đã bị đẩy lùi một khoảng cách khá xa. Chính phủ Hàn Quốc đã làm mất đi động lực trước đây đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua chính sách “Ánh dương”. Còn Nhật Bản luôn chủ trương gắn việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên với vấn đề “bắt cóc con tin người Nhật Bản”, nên khó hy vọng họ có thái độ tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đối với CHDCND Triều Tiên, sau một thời gian thể hiện thiện chí hợp tác nhưng không đưa lại hiệu quả, thì thời gian gần đây họ đã có những hành động và phát ngôn gây chấn động thế giới với việc tiến hành thử hạt nhân, các vụ phóng thử tên lửa tầm xa, các tuyên bố gây hấn với Mỹ và Hàn Quốc, sắp tới có khả năng tiến hành các vụ phóng tên lửa tầm ngắn đã đẩy việc giải quyết vấn đề hạt nhân đi vào bế tắc.

Tóm lại, sau khi vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có được một bước đột phá đáng kể khi Washington đã có thỏa thuận quan trọng với Bình Nhưỡng về các điều kiện để chấm dứt chương trình hạt nhân tại Triều Tiên như: CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến trình dỡ bỏ hoạt động của lò phản ứng làm giàu Plutonium của mình, đồng thời đồng ý cho việc thanh tra một số cơ sở hạt nhân khác. Đổi lại, Mỹ chính thức gạch tên nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, hứa hẹn cung cấp và viện trợ lớn về lương thực và năng lượng cho CHDCND Triều Tiên. Nhưng với những diễn biến mới trong thời gian gần đây đã đẩy con đường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đi vào bế tắc, có lẽ vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài nữa. Việc giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thành công cần có sự hợp tác, chia sẻ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, nhất là các bên liên quan, trong đó quyền quyết định thuộc về CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Hy vọng trong tương lai gần, vấn đề này sẽ được giải quyết và một Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa là ước vọng của nhân dân hai miền Triều Tiên nói riêng và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung trở thành hiện thực.

 

ĐOÀN XUÂN KỲ - NGUYỄN VĂN TUẤN

(Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo số 4-2003, Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên

2/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo số 8-2003, Trung Quốc vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

3/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 119, ngày 27/05/2006

4/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo chủ nhật, số 27, ngày 23/07/2006

5/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 239/TTX-ĐN, ngày 16/10/2006

6/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 120/TTX-ĐN, ngày 12/10/2006

7/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 241/TTX-ĐN, ngày 18/10/2006

8/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 81/TTX-ĐN, ngày 11/04/2007

9/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 255/TTX-ĐN, ngày 12/03/2007

10/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 43/TTX-ĐN, ngày 26/02/2007

11/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 153/TTX-ĐN, ngày 7/7/2008

12/ Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 190/TTX-ĐN, ngày 19/08/2008

13/ Báo an ninh thế giới, số 769, ngày 2/7/2008, “Diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên,” Tr.18.

0thảo luận