Trang chủ

HỢP TÁC KINH TẾ VỊNH BẮC BỘ MỞ RỘNG VÀ TÁC ĐỘNG

Đăng ngày: 3-03-2014, 11:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 11

Trong khoảng 15 năm qua, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của đông đảo dư luận quốc tế. Đầu những năm 2000, khi Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) ra đời, các nước trong khu vực lại tạo ra mối quan tâm lớn trong giới khoa học, giới chính trị gia ở các trung tâm kinh tế như Mỹ, EU và Nhật Bản. Hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng là chủ đề mới giữa Trung Quốc và ASEAN. Điều này có ý nghĩa như thế nào? Có làm thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận cũng như chủ trương, định hướng trao đổi kinh tế, hợp tác chính trị giữa Mỹ với các nước trong khu vực hay không? Vẫn biết đây là chủ đề mới, lại bàn đến một số khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ kinh tế chính trị quốc tế, chính vì vậy bài viết cố gắng phân tích, đưa ra những định hướng, dự báo dẫn chứng gần xa, ít nhiều liên quan đến vấn đề này.

1. Tóm lược về khu hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng

Theo Trung Quốc “Vành đai Vịnh Bắc Bộ” theo nghĩa hẹp bao gồm bán đảo Lôi Châu (thuộc Quảng Đông), vùng biển phía Tây tỉnh Hải Nam, vùng ven biển phía nam Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và khu vực ven biển phía Bắc của Việt Nam. Về phía Trung Quốc, Vành đai Vịnh Bắc Bộ có 3 tỉnh là Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam. Về phía Việt Nam, Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ gồm 10 Tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, với diện tích gần 60 ngàn Km2, dân số gần 20 triệu người, khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế như:  nằm dọc theo tuyến đường Bắc - Nam, có thể giao lưu, đi lại thuận tiện cả bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ; có tài nguyên đất đai phì nhiêu, màu mỡ, có nhiều cửa sông, cảng biển thuận lợi cho phát triển các nghề đóng tàu, đánh cá, nuôi trồng thuỷ hải sản, phát triển du lịch, vận tải biển.

Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Thâm Quyến(1), Trung Quốc sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam, muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế vành đai Vịnh Bắc Bộ theo hướng hợp tác tiểu khu vực. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các địa phương, các Bộ ngành hữu quan của Trugn Quốc thúc đẩy mở rộng phạm vi và nội dung hợp tác khai thác kinh tế Vành đai Vịnh Bắc Bộ vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới  cùng các nước khác trước hết là Singapore, Malaisia và Thái lan xây dựng các tuyến đường trên biển và quần thể cảng khẩu dọc theo bờ biển, xây dựng hệ thống cảng công nghiệp và ngành công nghiệp biển, xây dựng các cơ sở khai thác tài nguyên biển tại biển Đông. Chính phủ Trung Quốc cũng chỉ rõ, khái niệm kinh tế vành đai Vịnh Bắc Bộ không chỉ liên quan đến Việt Nam, Quảng Tây và Vân Nam Trung Quốc mà cần phải bao gồm cả Quảng Đông, Hải Nam và các nước ASEAN khác như Singapore, Malaisia và Thái lan(2). Đây chính là khái niệm hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Như vậy, Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng bao gồm hợp tác giữa 7 nước: Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á qua Biển Đông khác như: Malaysia, Singapore, Indonnesia, Philipine, Bruney. Trung Quốc cho rằng triển khai Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng là một trong những “kênh” quan trọng để Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á.

Ý tưởng chiến lược về hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng lần đầu tiên được bí thư khu uỷ Quảng Tây Lưu Kỳ Bảo đưa ra tại diễn đàn  Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ tổ chức Tại Nam Ninh tháng 7/2006.

Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đồng nghĩa với việc thiết lập một hạng mục hợp tác khác trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc - ASEAN: đó là hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN. Điều này làm phong phú thêm các hình thức hợp tác Trung Quốc - ASEAN, có lợi cho việc mở rộng không gian phát triển kinh tế và thị trường trong khu vực, tạo ra những điểm kinh tế mới, có lợi cho phát huy sức mạnh, sức cạnh tranh tổng thể của toàn khu vực. Từ đó tạo khả  năng hình thành một vành đai kinh tế tăng trưởng mới ở phía bờ Tây Thái Bình Dương.

Sau 20 tháng chuẩn bị làm quy hoạch, ngày 1.6.2008, Quốc vụ Viện Trung Quốc chính thức phê chuẩn thành lập khu Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây. Đây là khu vực  được xem như cực tăng trưởng mới thứ 6 của Trung Quốc (sau các khu phố Đông Thượng Hải, phê chuẩn tháng 2/2005; Khu Thiên Tân - 5/ 2006; Khu vực đồng bằng Chu Giang (Trùng Khánh - Thành Đô - phê chuẩn 2007; Khu đồng bằng Trường Giang (Vũ Hán, Tư đàm - Hồ Nam) cuối năm 2007 và Khu Bột Hải)(3). Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây là khu duy nhất trong 6 khu kể trên có nội dung hợp tác quốc tế.

Theo Báo cáo về Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây của một số cán bộ lãnh đạo Quảng Tây tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam 3/4/2008, Khu Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây có 2 tầng lớp. Thứ nhất là về hành chính, chia làm 5 khu vực: Nam Ninh, Bắc Hải, Khâm Châu, Sùng Tả, Phòng Thành. Phía đông giáp Quảng Đông, phía Tây là TP. Sùng Tả, giáp Việt Nam. Thứ hai, về bố cục, bốn bên xoay quanh Vịnh Bắc Bộ chia 3 khu vực: gồm khu vực Thành thị, chiếm 9% tổng diện tích, khu vực nông thôn, chiếm 56% tổng diện tích và khu vực bảo tồn sinh thái, chiếm 35% tổng diện tích. Tuyến ven biển  sẽ chia thành các cụm cảng, cụm công nghiệp, khu du lịch - khu nghỉ ngơi, khu nuôi trồng, khu bảo vệ sinh thái và một khu gồm các nhóm ngành nghề khác.

Về định vị công năng, đây là khu kinh tế mang tính quốc tế lớn, có tính kết nối vùng, sẽ phát triển “3 cơ sở, một trung tâm” gồm các cơ sở: kho vận, thương mại, gia công và một trung tâm là trung tâm thông tin giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Mục tiêu đưa ra là sẽ hình thành một cực tăng trưởng mới, đi trước Miền Tây với kinh tế phồn vinh, xã hội hài hoà, khá giả toàn diện trong vòng 10 đến 15 năm.

Về chính sách, Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ Quảng Tây trên 5 mặt: 1/ Cải cách tổng hợp. Bao gồm cải cách quản lý hành chính, cải cách chế độ quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thị trường. Cho phép Quảng Tây mạnh dạn tiến hành thí điểm trong quá trình cải cách. 2/ Các hạng mục lớn như xây dựng, phê chuẩn dự án. 3/ Miễn thuế và kho vận. Có thể cho phép xây dựng khu miễn thuế và khu kho vận (ở khu vực nối Sùng Tả với Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam). 4/ Trong chính sách tiền tệ, nhà nước cho phép thành lập ngân hàng địa phương, thành lập quỹ ngành nghề. 5/ Trong hợp tác mở cửa, khuyến khích vai trò đi đầu của Quảng Tây trong hợp tác với khu vực trên các phương diện năng lượng, du lịch xuyên quốc gia, bảo vệ sinh thái.

Về quy hoạch giao thông: có đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ. Về hàng không, Quảng Tây có 7 sân bay, trong đó các sân bay dân dụng là sân bay Nam Ninh (đứng thứ 31 ở Trung Quốc), sân bay Quế Lâm (đủ tiêu chuẩn sân bay quốc tế, đứng thứ 17 ở Trung Quốc), sân bay Bắc Hải (đứng thứ 47 ở Trung Quốc). Các sân bay quân sự như sân bay Liễu Châu, sân bay Ngô Châu. Về đường sắt, trong 5 năm (2008- 2013), Quốc vụ Viện Trung Quốc sẽ đầu tư 15 tỷ USD cho xây dựng hệ thống đường sắt ở Quảng Tây (tương đương tổng đầu tư của nhà nước cho đến nay vào Quảng Tây). Một trong các mục tiêu của khoản đầu tư này là để giải quyết 3 nút thắt: thứ nhất, Quế Châu - Nam Ninh. Thứ hai, Đường sắt cao tốc nối Nam Ninh với Quảng Đông, và thứ ba, Tuyến nối Hồ Nam (ở phía Bắc) với Nam Ninh và Việt Nam (ở phía nam Quảng Tây). Về đường cao tốc, hiện Quảng Tây đã có  1300 km đường cao tốc. Kết thúc kế hoạch  5 năm lần thứ 11 (2006-2010) con số sẽ tăng lên 2000 km. Trong khu kinh tế vịnh Bắc Bộ sẽ xây dựng các tuyến cao tốc: 1/ Sùng Tả - Khâm Châu; 2/ Ngọc Lâm - Thiết Sơn. Sẽ xây dựng để nâng công suất bốc xếp các cảng ven biển lên 100 triệu tấn so với mức 70 triệu tấn năm 2007.

Về bố cục ngành nghề: trong khu kinh tế vịnh Bắc Bộ sẽ có 5 nhóm ngành nghề là:

1/ Khu vực xung quanh Nam Ninh: tập trung đảm nhận gia công nhôm và các ngành sử dụng kỹ thuật cao, triển lãm, kho vận.

2/ Ở các cảng Khâm Châu và Phòng Thành, tập trung vào các ngành: thép, điện hạt nhân, gia công. Trong đó Khâm Châu tập trung sản xuất giấy và nguyên liệu giấy;

3/ Ở Bột Hải sẽ phát triển các ngành hải dương và kỹ thuật cao.

4/ Ở Thiết Sơn, Ngọc Lâm sẽ tập trung phát triển ngành giấy, hoá học.

5/ Ở Cụm kinh tế Đông Hưng - Bằng Tường sẽ tập trung phát triển hệ thống kho vận.

Về nội dung Hợp tác với các khu vực xung quanh, hướng tổng thể sẽ bao gồm 5 mặt cần thúc đẩy, đó là: 1/ Giao thông quốc tế. 2/ Xây dựng thị trường chung thuận lợi hoá đầu tư. 3/ Hợp tác ngành nghề. 4/ Hợp tác về sinh thái, bảo vệ môi trường và khoa học kỹ thuật. 5/ Phối hợp chính sách của Chính Phủ.

Về hợp tác quốc tế (cần nhắc lại đây là khu duy nhất có hợp tác quốc tế), có bốn đặc trưng như sau:

1/ Có sự tham gia của các tổ chức quốc tế (ADB, Ban thư ký ASEAN). Trong đó ADB có thái độ ủng hộ rất tích cực.

2/ Chính quyền địa phương phải phát huy vai trò quan trọng (Theo Trung Quốc, với Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây; với Việt Nam là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng).

3/ Về ngành nghề, các ngành nông nghiệp, dịch vụ có không gian hợp tác rộng. Trong 500 mặt hàng giảm thuế, chủ yếu là nông lâm sản. Trong mậu dịch Trung Quốc - Việt Nam, chủ yếu là hoa quả, hàng điện, kim khí (liên quan đến kho vận), đây là vấn đề phải tính đến trong gia công giáp biên.

4/ Có tính bao dung trong hợp tác quốc tế: hoan nghênh bên thứ 3 tham gia vào hợp tác.

Vậy làm thế nào để có bước đột phá? Theo GS. Cổ Tiểu Tùng - Phó Viện trưởng, Viện KHXH Quảng Tây, cần thực hiện các nguyên tắc như sau: 1/ Chọn các hạng mục dễ làm trước. 2/ Chọn các hạng mục có hiệu quả sớm (như du lịch) làm trước. 3/ Chọn các hạng mục có giá thành đầu tư thấp làm trước. 4/ Trong hợp tác Trung Quốc  - ASEAN, nên chọn hợp tác Trung Quốc và Việt Nam làm trước, thông qua một số hiệp định giữa hai nước. Từ tình hình của Quảng Tây mà thấy thì nên bắt đầu làm từ xây dựng cơ sở hạ tầng và du lịch. Chẳng hạn, về giao thông, nên nâng cấp một số tuyến đường sắt như Nam Ninh - Hà Nội (dung lượng lưu chuyển người và hàng hoá rất nhiều nhưng thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp rườm rà), đặc biệt là tuyến Hữu Nghị Quan - Hà Nội. Hà Nội và Nam Ninh được coi là các thành phố hạt nhân trong hợp tác khu vực Trung Quốc - ASEAN. Điều này cho thấy Trung Quốc rất coi trọng Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - ASEAN nói chung và trong hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng nói riêng.

Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc hưởng ứng mạnh mẽ việc triển khai hợp tác này? Các nhà lãnh đạo đảng và Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm và coi trọng sự phát triển của khu vực ven biển Tỉnh quảng Tây. Từ đầu năm 2002, trong chuyến khảo sát khu tự trị Quảng Tây của mình, Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chỉ rõ, so với các tỉnh khác của Trung Quốc, Quảng Tây phát triển tương đối chậm hơn, cần tận dụng ưu thế, xác định vị trí của mình, đưa ra ý tưởng phát triển phù hợp, nắm bắt cơ hội, mở rộng hơn nữa mở cửa đối ngoại, dốc sức tạo môi trường phát triển lành mạnh, tìm mọi cách thu hút nguồn vốn, công nghệ và nhân tài từ bên ngoài, phát huy ưu thế về địa lý ven biển và ưu thế tài nguyên để vươn lên. Theo ông, Quảng Tây có tiền đồ khả quan, cần đẩy mạnh hợp tác bắt đầu từ phát triển cơ sở hạ tầng đến phát triển ngành nghề. Trong phát triển cơ sở hạ tầng lại bắt đầu từ giao thông.

Về phía các nước ASEAN. Đây là một chủ trương mới, hiện chưa rõ các nước ASEAN trong khuôn khổ hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng tán thành hưởng ứng chủ trương này của Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên theo chúng tôi, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào hợp tác này do vị trí thuận lợi như cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc của mình. Theo chúng tôi, tham gia vào Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, một mặt Việt Nam được lợi nhờ gia tăng các quan hệ thương mại - đầu tư với các nước cũng như thu được lợi nhà phát triển các dịch vụ (vận tải, du lịch....) vì Việt Nam là cầu nối Trung Quốc - ASEAN. Mặt khác, vì Trung Quốc là nước lớn, do vậy cần tính đến những ảnh hưởng từ Trung Quốc và sự gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam có vị trí cầu nối Trung Quốc với ASEAN. Việt Nam nằm trên Bán đảo Đông Dương, có biên giới bộ tiếp giáp cả Trung Quốc với Lào và Campuchia thuộc ASEAN. Tuyến Hành lang Đông - Tây nối Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanma đang được xây dựng. Phần Hành lang trên đất Việt Nam - tới cửa biển Đà Nẵng, đã được bắt tay xây dựng từ lâu, một số khâu đã hoàn thành. Bên cạnh tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Việt có sẵn - nằm dọc ven biển theo chiều dài đất nước, Việt Nam đang xây dựng tuyến đường xuyên Việt mới - Đường Hồ Chí Minh - hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời là phương tiện để các quốc gia ASEAN và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam và Trung Quốc rất gần nhau về địa lý, tiện trong giao thông, có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Đây là những nét quan trọng khiến Việt Nam nói chung và các tỉnh ven biển của Việt Nam nói riêng trở thành cầu nối trong phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN. Các thành phố là trung tâm kinh tế của Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Nha Trang có thể có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển. Sau khi khai thông tuyến đường bộ và đường sắt xuyên Á, từ Nam Ninh có thể đi đến 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore bằng đường bộ và đường sắt. Vận tải hàng hoá Hà Nội - Nam Ninh sẽ rất tiện lợi, sự cùng bù ưu thế cho nhau giữa các nước ASEAN và các vùng Tây Nam, Hoa Nam, Hoa Đông Trung Quốc sẽ được tăng cường. Trung Quốc cần nhiều nguyên vật liệu của ASEAN cho phát triển công nghiệp, ngược lại ASEAN, nhất là các thành viên ASEAN mới cần nhiều loại máy móc, thiết bị của Trung Quốc cho phát triển kinh tế. Chính với những ưu thế và sẽ được lợi nhiều nhờ khai thác các ưu thế sẵn có cho nên, theo chúng tôi, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

2. Tác động của khu hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng

Như đã trình bày ở trên, khu hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng hiện mới đang trong quá trình hình thành. Do vậy đánh giá tác động của khu hợp tác này cho đến nay vẫn dựa trên cơ sở dự báo.

2.1 Tác động đối với sự phát triển của Trung Quốc

Hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ giúp tăng cường tiềm lực của Trung Quốc, điều này được thể hiện bởi những khía cạnh sau đây:

a) Triển khai hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng không chỉ là sự hỗ trợ quan trọng cho phát triển khu vực Tây Nam Trung Quốc mà còn quan trọng đối với thực thi chiến lược phát triển miền Tây - một trong những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc.

Khu vực phía Tây Nam Trung Quốc là một vùng rộng lớn chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ, 1/5 dân số cả nước. Thông qua hợp tác phát triển kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, hình thành một cửa ngõ riêng của khu vực Tây Nam thông sang các nước phát triển hơn của khu vực là Singapore, Thái Lan và Malaysia. Điều này giúp rút ngắn các tuyến đường vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng Tây Nam Trung Quốc sang các thị trường chính ở Đông nam Á. Thúc đẩy hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng vì vậy không chỉ là nhu cầu để chấn hưng và phát triển khu vực Tây Nam mà còn là nhu cầu của chiến lược quốc gia khai thác phát triển miền Tây. Nói cách khác, thông qua hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ tạo điều kiện cho miền Tây của Trung Quốc phát triển như mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa, tạo ra nhiều kênh, nhiều nguồn cung cấp nguyên vật liệu và vốn đầu tư cho nhu cầu phát triển của khu vực Tây Nam Trung Quốc. Triển khai hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng giúp Trung Quốc thu hút nhiều hơn, dễ dàng hơn (đầu tư nước ngoài) vào phía Tây và Tây Nam rộng lớn, nhiều tiềm năng cho phát triển. Muốn vậy Vịnh Bắc Bộ phải là cánh cửa rộng lớn cho Miền Tây Nam Trung Quốc hướng ra biển.

b) Triển khai hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng là sự hỗ trợ quan trong cho việc thực hiện chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Bản thân khu vực Đông Nam Á là nơi tập trung nguồn tài nguyên và năng lượng rất phong phú. Hơn nữa, Đông Nam Á còn là cửa ngõ để Trung Quốc mở ra đối với các khu cung cấp nguyên liệu và năng lượng chiến lược như: Nam Á và Úc. Thông qua hợp tác này, Trung Quốc sẽ hướng các bên hữu quan (đặc biệt là Việt Nam) để thiết lập kênh nhập khẩu năng lượng và tài nguyên chiến lược mới cho Trung Quốc. Chính vì vậy, thúc đẩy qua hợp tác phát triển kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng có ý nghĩa quan trọng cả hiện tại và lâu dài đối với Trung Quốc, giúp Trung Quốc tích lũy năng lượng và tài nguyên chiến lược. Những năm qua, việc Trung Quốc đạt được thoả thuận cùng thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực Biển Đông - một khu vực nóng còn nhiều tranh chấp, 5 nước 6 bên, nhưng lại giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu khí - với Việt Nam và Philipine là một minh chứng về điều này.

Như vậy, triển khai hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng tạo điều kiện để, một mặt, ổn định hơn khu vực Biển Đông - tuyến vận tải quan trọng đối với nhiều nước: Mỹ, Nhật... Mặt khác, làm cho quan hệ Trung Quốc - ASEAN thêm gắn bó khăng khít hơn trên tinh thần “cùng bù ưu thế, cùng hưởng lợi ích, cùng nhau phát triển” trên cả lục địa và trên biển. Điều này tạo ra bầu không khí thuận lợi hơn cho phát triển và hợp tác quốc tế của cả Trung Quốc lẫn các thành viên ASEAN, góp phần tăng thêm sức mạnh của Trung Quốc, tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

2.2. Tác động đến quan hệ Mỹ với các nước trong khu vực

Về kinh tế, dư luận cho rằng quan hệ Trung Quốc - ASEAN ngày càng chặt chẽ hơn khiến cho những ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này đang gia tăng, lấp dần vào những chỗ trống do ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố cũng như hạn chế, ngăn chặn việc sản xuất vũ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên và ở Iran.

Sau ACFTA, Hợp tác vịnh Bắc Bộ mở rộng và những hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á có thể nói như một chiến dịch ngoại giao mới của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang gia tăng mạnh đầu tư vào Lào. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có khoảng 30.000 người Trung Quốc đang sống và làm việc ở Lào. Nhưng con số thực tế theo ước tính gấp 10 lần, tức khoảng 0,3 triệu người. Năm 1996, Trung Quốc mới chỉ có 3 triệu USD đầu tư vào Lào. Cho đến tháng 8/ 2007, Trung Quốc đã có tổng cộng 236 dự án đầu tư ở Lào, với tổng giá trị được cấp phép lên đến 1,1 tỷ USD. Ở Thái Lan, tính đến cuối năm 2007 Trung Quốc có tổng các dự án đầu tư được cấp phép là 1,3 tỷ USD. Ở Campuchia, năm 2007, tại thủ đô Phnôm Pênh, Trung Quốc và Campuchia đã ký kết 4 dự án hợp tác bao gồm: dự án khai thác phát triển “thành phố mới Đông Phương”, dự án phát triển khu du lịch sinh thái Xihanúc, thoả thuận thăm dò khai thác mỏ đá quý hơn 200 km2 ở tỉnh Cô Kông và dự án thăm dò khai thác đá quý với diện tích gần 190 km2 ở tỉnh Pu Sát. Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia cũng tăng nhanh. Đáng chú ý là gần gần đây Trung Quốc gia tăng viện trợ cho Campuchia và một phần khoản tiền này được dùng xây dựng Toà nhà Văn phòng chính phủ trị giá 250 triệu NDT. Theo Tân Hoa xã, tính đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã có 3016 doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư và đăng ký đầu tư ở Campuchia với tổng số vốn lên đến 1,58 tỷ USD. Với mức này, Trung Quốc là nước có vốn đầu tư nhiều nhất ở Campuchia. Ở Việt Nam, tính đến đầu năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư  vào Việt Nam gần 500 dự án, với tổng số vốn đạt hơn 1500 triệu USD. Đáng chú ý là các dự án đầu tư của Trung Quốc đang chuyển sang tập trung nhiều vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng và công nghiệp nặng. Hiện nay, Trung Quốc là một trong 15 nước có mức đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Những nỗ lực của hai bên trong thực hiện chương trình hợp tác xây dựng “hai hành lang, một vành đai kinh tế” nói riêng và những tiến triển của Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc nói chung chắc chắn sẽ giúp tăng nhanh mức đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm tới.

Rõ ràng chiến dịch ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Nam Á diễn ra đồng thời với kêu gọi thúc đẩy hợp tác Vịnh bắc Bộ mở rộng đã và đang làm dấy lên ở Hoa Kỳ cũng như ở nhiều nước Châu Á về ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Ở Mỹ dư luận cho rằng Trung Quốc đang hành động vì mong muốn bá chủ khu vực, điều này đẩy quan hệ Trung - Mỹ vào một trò chơi thắng - thua. Chính vì vậy mà  ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bush đã đề ra chiến lược Châu Á, ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, duy trì mối quan hệ hoà bình giữa Trung Quốc Đại lục với Đài Loan và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại truyền thống cũng như những đồng minh chiến lược của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ bằng mọi cách luôn cố gắng giữ vai trò nổi trội của mình ở Châu Á - chứ không chịu nhường nó cho người khác - vì điều này cho phép Mỹ định hướng đường lối chính trị của khu vực theo cách phục vụ trực tiếp cho những lợi ích của Mỹ. Trong điều kiện (tình huống xấu nhất), nếu Trung Quốc đảm nhận vai trò chi phối nhiều hơn về kinh tế, chính trị và an ninh ở Đông và Đông Nam Á, Mỹ sẽ phải đối mặt với một Châu Á ít hưởng ứng có lợi hơn cho những sáng kiến an ninh của Mỹ, ít phụ thuộc hơn về mặt kinh tế của Mỹ cũng như những thiết chế tài chính do Mỹ điều hành.

Về chính trị, Mỹ không có lý do gì để can thiệp vào hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Tuy nhiên Mỹ có thể can thiệp về các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Trong số các lực lượng bên  ngoài có ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông thì Mỹ là đối tác quan trọng nhất trong số các đối tác mà ASEAN tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài. Cho đến nay đảm bảo an ninh hàng hải và tự do đi lại trên tuyến đường ở Biển Đông quanh eo biển Malaca luôn được Mỹ đặc biệt quan tâm, vì đây là tuyến đường vận chuyển trang bị, điều động quân sự giữa các căn cứ của Mỹ ở Châu Á với Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư. Chính vì vậy, bất cứ xung đột quân sự nào ở khu vực này đều đe doạ đến lợi ích chiến lược của Mỹ.

Năm 2007, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch liên kết với 11 nước khu vực châu Á Thái Bình Dương (gồm Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singaporre, Philipin, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Bruney và Xrilanca) tiến hành các hoạt động giám sát và trinh sát bằng máy bay không người lái..

Ngày 26/5/2008, quân đội Mỹ và quân đội Philipine đã tiến hành diễn tập trung trên vùng biển đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa với nhiều tàu chiến và hàng ngàn binh sỹ, trong đó có cả tàu chỉ huy của Hạm đội 7 Mỹ. Đồng thời Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc về những tranh chấp ở Biển Đông. Ngày 2/6/2008, tờ “Thời báo tài chính tiền tệ” của Anh đã trích dẫn  lời tư lệnh quân đội Mỹ (Timothy Keating) đóng ở Thái Bình Dương: “Sự tranh giành nguồn tài nguyên năng lượng của các nước Châu Á ở vùng biển Nam Trung Hoa là một việc khiến nhiều người chú ý, chúng tôi muốn bảo đảm chắc chắn rằng các nước ở vùng biển Nam Trung Hoa hiểu rõ có các loại quy tắc công khai và quy tắc ngầm cùng tồn tại. Không ai có thể đến đó mà vỗ ngực nói rằng: “Đó là của tôi”. Điều này hàm ý nói, vấn đề biển Đông không chỉ là vấn đề của các nước trong khu vực mà còn là vấn đề của Mỹ. Sau khi Trung Quốc đưa ra chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” thì không khí lấy hợp tác thay cho đối đầu xuất hiện, đặc biệt khi hợp tác vịnh Bắc Bộ mở rộng bắt đầu triển khai, tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn can thiệp, muốn kiềm chế Trung Quốc. Lý do can thiệp của Mỹ là: bảo vệ tự do hàng hải.

Phải nói rằng, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có vị trí đặc biệt trong nhiều kế hoạch, nhất là trong các kế hoạch quân sự của Mỹ. Đây là khu vực rất lớn, với tổng dân số chiếm gần 60% dân số toàn cầu. Đây cũng là khu vực có nhiều cường quốc quân sự (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ). Đây cũng là khu vực chiếm 40% doanh thu ngoại thương của Mỹ. Chính vì vậy, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ(4). Không phải ngẫu nhiên và Ban chỉ huy quân sự lớn nhất của Mỹ lại đặt ở Thái Bình Dương, rộng hơn 169 triệu Km2, với phạm vi quản lý trải dài từ bờ Tây nước Mỹ đến tận bờ đông của Châu Phi (năm 2003, Ban chỉ Huy Thái Bình Dương Mỹ quản lý gần 300 ngàn quân, 4 đơn vị không quân, 2 hạm đội chiến đấu hơn 800 máy bay chiến đấu, gần 150 xe tăng, hơn 100 tàu chiến trong đó có 6 tàu sân bay). Ở khu vực này, Mỹ có liên minh quân sự chặt chẽ với 5 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philipine và Thái Lan. Theo cựu bộ trưởng quốc Phòng Mỹ W. Perri - hệ thống liên minh này là trụ cột của chiến lược an ninh khu vực của Mỹ và là yếu tố chính tạo nên sự ổn định ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương(5).

Từ sau khi rút khỏi căn cứ quân sự Xu bíc ở Philipine (1992), ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á dường như giảm dần. Khi kinh tế Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ dường như không ngồi yên để nhường ảnh hưởng và quyền lợi ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Đông Á nói chung cho người khác.

Về kinh tế, Mỹ đang gia tăng đàm phán về thương mại với Thái Lan, với Singapore, với Malaysia và với Hàn Quốc. Kết quả là Mỹ đã ký FTA với Hàn Quốc vào tháng 6.2006; với Sinpapore tháng 1.2004. Trong khi Mỹ đang có đàm phán chính thức với Malaysia từ tháng 3.2006 để hướng đến ký kết FTA. Và hiện nay, Mỹ đang xem xét cân nhắc, bàn bạc với Indonesia và với Philipine và Brunei về vấn đề FTA.

Trong bài bàn về “Chasing the East Asian Sun”, Ngài Stephen W. Bosworth,    trường School of law and Diplomacy của Đại học Tufis  (Mỹ), viết: “Chúng ta không thể giành lấy Trung Quốc, chúng ta cũng không thể kiểm soát Trung Quốc, nhưng chúng ta có thể gây ảnh hưởng đối với Trung Quốc”(6). Theo Stephen W. Bosworth, Mỹ không nên chỉ đứng nhìn Trung Quốc lôi kéo người khác mà Mỹ cần kéo Trung Quốc, tiếp tục kéo Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu để bảo đảm rằng cách nhìn nhận với thế giới và vai trò của Trung Quốc không khác biệt so với cách nhìn nhận của người Mỹ về thế giới cũng như về vai trò của Trung Quốc trong thế giới. Người Mỹ muốn Trung Quốc nằm trong trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây đã sắp đặt từ một nửa thế kỷ trước. Nói điều này bởi chính ông cũng cho rằng: Trung QuốcTrung Quốc, một  quốc gia đang muốn có vai trò trong định đoạt các luật chơi toàn cầu chứ không đơn giản chấp nhận các luật lệ đã định ra từ trước”. Như vậy, Người Mỹ hiểu rằng, sau ACFTA được ký kết, việc triển khai Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng lại là một bước nữa Trung Quốc muốn lôi kéo ASEAN về phía mình. Rõ ràng Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng đang làm quan hệ Trung Quốc - ASEAN thay đổi về chất. Đương nhiên, người Mỹ không chịu ngồi yên.

Mỹ đã đưa ra “Sáng kiến an ninh biển trong khu vực (RMSI) và “Sáng kiến an ninh chống phổ biến” (PSI). RMSI kêu gọi các nước ASEAN cho phép hải quân Mỹ tuần tra trong khu vực eo biển Malắcca để chống lại cướp biển và đề phòng khủng bố. PSI đề nghị cho phép nhân viên Mỹ lên các tàu nước ngoài có nghi vấn để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Và Mỹ đã tổ chức  cuộc tập trận cho sáng kiến PSI năm 2006 ở gần khu vực Biển Đông. Năm 2007, Mỹ và Nhật tổ chức diễn tập trung ở ngoài khơi Biển Nhật Bản nhằm ngăn chặn những tàu chở hàng có dấu hiệu nghi vấn chuyên chở vũ khí huỷ diệt hàng loạt (7).

Theo tờ “Thời báo quốc phòng” (Trung Quốc) ra ngày 3/10/2008, quan hệ kinh tế mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN gia tăng nhanh khiến cho phái bảo thủ ở Mỹ rất lo lắng. Chính vì vậy gần đây Mỹ tuyên bố sẽ quay trở lại căn cứ quân sự Mindanao của Philipine, tăng cường sức mạnh quân sự ở Đông Nam Á, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và khống chế chiến lược Nam Hải của Trung Quốc. Theo tinh thần như vậy, quân đội nhiều nước Đông Nam Á sẽ mang dấu ấn của quân đội Mỹ. Bởi vì, năm 2005, Mỹ đã khôi phục quan hệ quân sự toàn diện với Indonesia, hiện nay quân đội Mỹ đã trở lại Philipine. Trong tương lai, theo ông Maxel - Phó trợ lý ngoại trưởng kiêm đại sứ Mỹ ở ASEAN, Mỹ sẽ phát triển các quan hệ tương tự với Lào và với Campuchia - các quan hệ này hiện còn đang trong quá trình đàm phán - nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Theo dự kiến, cuối năm 2008, Mỹ và Lào sẽ cùng thành lập văn phòng có chuyên viên phòng thủ và cử tuỳ viên quân sự đến thủ đô của nhau. Quân đội Mỹ cũng tuyên bố sẽ giúp các nước Đông Nam Á hiện đại hoá quân đội để chống lại  cái gọi là “Mối đe doạ khu vực”.

Hiện Mỹ đã đưa ra kế hoạch tập huấn diễn tập “Vai kề vai”, giúp đỡ quân đội các nước Đông Nam Á tiến hành huấn luyện. Nội dung của kế hoạch bao gồm: tổ chức hội thảo, diễn tập dã chiến và huấn luyện đan xen, trong đó có cả hoạt động Mỹ chi viện hậu cần cho quân đội các nước Đông Nam Á. Hiện nay CIA và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đều có trạm thu tin công suất lớn đặt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để theo dõi hoạt động và các động thái quân sự của các Hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ còn thường xuyên đưa các máy bay trinh sát điện tử FP-3 và KC-135 đóng ở Nhật bản theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc ở khu vực. Để giúp đưa ra các dự đoán chính xác hơn, Mỹ đã khôi phục lại trạm thu tin ở căn cứ Clác - Philipine. Theo tờ “Tuần báo thương hiệp” của Mỹ, bên cạnh can thiệp quân sự, Mỹ còn chủ trương đẩy nhanh hợp tác kinh tế thương mại với các nước Đông Nam Á, bài xích làm giảm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Những phân tích trên đây cho thấy trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển nhanh và gia tăng tiềm lực của Trung Quốc, bên cạnh tăng mạnh buôn bán với với Trung Quốc, Mỹ cũng đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Việc gia tăng các mối quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với Trung Quốc phản ánh xu thế hợp tác trên phạm vi toàn cầu, xu thế cùng chia sẻ những lợi ích do toàn cầu hóa đem lại hơn là phản ánh những nguy cơ mà một Trung Quốc lớn mạnh sẽ ảnh hưởng đến các nước lớn khác như thế nào. Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của chúng tôi, Mỹ và nhiều nước lớn đều cho rằng, sau ACFTA, Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng là một bước nữa kéo ASEAN về phía Trung Quốc, làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thành viên ASEAN, từ đó tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á. Mỹ hiện nay chưa có phản ứng lớn, rõ rệt về chủ trương Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, dù vậy, họ cũng đã và đang thực hiện nhiều nỗ lực liên kết, hợp tác với ASEAN, làm xu hướng hợp tác ASEAN + ở khu vực trở nên mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn. Điều này làm cho ASEAN thực sự trở thành trung tâm của các mối quan hệ trong khu vực, và với những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng rất có thể sẽ làm thay đổi không khí, môi trường hợp tác trong phạm vi khu vực và trên bình diện quốc tế, điều này trực tiếp và gián tiếp tác động đến môi trường phát triển chung của ASEAN trong đó có Việt Nam./.

 

PHẠM THÁI QUỐC

(TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo của các ông. Trung Khởi Quyền, Vi Khắc Nghĩa, Cổ Tiểu Tùng về Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây tại Viện KHXH

2. Aaron L. Friedberg, “Chín muồi cho sự ganh đua: triển vọng hoà bình trong một châu Á đa cực”, An ninh quốc tế, số 3; Elizabet C. Economy, China’s Rise in Southeast Asia: Implications for Japan and the United States, Japan Focus, 10/2005; www.cfr.org/publication/9177/china_rise_insoutheast_asia.html

3. D. VOLODIN, Mỹ, TQ và sự cân bằng quân sự chiến lược mới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, MEMO No 2, 2006; TL phục vụ nghiên cứu TN 2006.

4. Stephen W. Bosworth, Chasing the East Asian Sun, The Fletcher Forum of World Affairs Vol 31:1 Winter 2007.

5. Hành lang năng lượng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Kinh tế quốc tế số 8/2008.



(1) Ly Na Lực - Xinhua net 29/11/2006

 

(2) Tài liệu Tham khảo đặc biệt 12.12.2006

 

(3) Báo cáo của các ông. Trung Khởi Quyền, Vi Khắc Nghĩa, Cổ Tiểu Tùng về Khu Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây tại Viện Khoa học xã hội.

(4) Tài liệu Tham khảo đặc biệt 17/7/2008

(5) TL TKĐB 17/7/2008

(6) D. VOLODIN, Mỹ, TQ và sự cân bằng quân sự chiến lược mới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, MEMO No 2, 2006; TL phục vụ nghiên cứu TN 2006 - 104& 105

 

(7) Stephen W. Bosworth, “Chasing the East Asian Sun”, The Fletcher Forum of World Affairs Vol 31:1 Winter 2007, P 75-84

 

0thảo luận