Trang chủ

TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CUỘC CẢI CÁCH DÂN CHỦ 1945 – 1951 ĐỐI VỚI TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN GIAI ĐOẠN SAU ĐÓ

Đăng ngày: 19-02-2014, 13:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 10

Từ năm 1945 - 1951, Nhật Bản đã tiến hành cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là cơ sở cho sự cất cánh kỳ diệu lần thứ II của Nhật Bản. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng tạo những biến đổi cơ bản về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, có những tác động to lớn thúc đẩy phát triển lịch sử Nhật Bản giai đoạn sau đó. Bài viết nêu rõ, sau chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản là nước bại trận và bị Đồng minh chiếm đóng, buộc phải thực hiện những cải cách toàn diện về mọi mặt nhằm thúc đẩy dân chủ, hòa bình, diệt trừ tận gốc chủ nghĩa quân phiệt. Cùng với sự nỗ lực, chủ động của chính phủ và nhân dân Nhật Bản, cuộc cải cách đã thành công, cứu nguy cho dân tộc Nhật Bản. Dưới tác động của cuộc cải cách kinh tế, xã hội giai đoạn 1945-1951, Nhật Bản đã có những biến chuyển thực sự về mọi mặt như: cơ sở kinh tế, xã hội, nhân tố con người, quan hệ kinh tế ... Đây được xem là những nhân tố mới hết sức quan trọng tạo sự tăng trưởng thần kỳ cho kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, được coi là giá trị mới trong phát triển kinh tế Nhật Bản mà nhiều quốc gia khác đang nghiên cứu và học tập.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, ngày 15/9/1945, Nhật Bản chấp  nhận “Tuyên cáo Posdam” đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Đất nước bị quân đội Đồng minh mà thực tế là quân Mỹ chiếm đóng. Người chỉ huy tối cao của Bộ tư lệnh Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản là tướng Douglas Mac Arthur. Chính phủ Nhật Bản vẫn được công nhận và tiếp tục cai trị đất nước. Quân đội chiếm đóng tuy chỉ điều khiển bộ máy một cách gián tiếp nhưng lại thảo ra các chính sách cải cách cơ bản ảnh hưởng lớn đến chiều hướng phát triển kinh tế đất nước.

Chính sách lúc đầu của quân chiếm đóng đối với Nhật Bản do tướng Douglas Mac Arthur- chỉ huy tối cao  Bộ tư lệnh Đồng minh (SCAP) công bố ngay từ ngày 10/9/1945 là : “phi quân sự hóa nền kinh tế”, “khuyến khích các lực lượng dân chủ ”, thủ tiêu sự tập trung trong sản xuất và sở hữu tài sản, trong đó có cả việc thanh trừng những tên đầu sỏ tài phiệt nhằm “thủ tiêu sức mạnh quân sự của Nhật Bản cả về mặt tâm lý lẫn thể chế”. Còn trách nhiệm khôi phục kinh tế được quy cho Chính phủ Nhật Bản. Tháng 11/1945, Tư lệnh tối cao các lực lượng  Đồng minh cũng đã nhận được chỉ thị : “Ngài cần làm cho người Nhật hiểu rằng, ngài không có nghĩa vụ duy trì bất kỳ một mức sống đặc biệt nào ở Nhật Bản”(1). Không những thế, họ còn bắt Nhật Bản thực hiện nghĩa vụ cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ cho quân chiếm đóng, đòi Nhật Bản bồi thường chiến tranh rất lớn. Con số đầu tiên của phái đoàn đòi bồi thường chiến tranh do Pauley đưa ra là: 1466 tỷ Yên (giá năm 1939)(2). Nhằm đạt mục đích “thủ tiêu sức mạnh quân sự của Nhật Bản cả về mặt tâm lý lẫn thể chế ”, lực lượng chiếm đóng thực hiện đồng thời 3 cuộc cải cách lớn: thủ tiêu tập trung kinh tế mà trọng tâm là giải thể các Zaibatsu; cải cách ruộng đất và dân chủ hóa lao động. Cuộc cải cách được thực hiện một cách khá cương quyết về mọi mặt và đã đạt kết quả hết sức khả quan. Từ cuối 1947-1948 dưới tác động của cuộc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản lại nằm trong ý đồ chiến lược của Mỹ nên nhanh chóng được vực trở lại với một số chính sách ưu tiên đặc biệt của Mỹ. Cùng với những tác động có hiệu quả của các cuộc cải cách trong các lĩnh vực khác nhau, ý đồ của Mỹ cùng với những bối cảnh quốc tế thuận lợi sau chiến tranh, mặc dù vẫn còn những hạn chế  nhưng những cuộc cải cách này thực tế có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội to lớn(3) . Nhờ các cuộc cải cách này mà nền chính trị dân chủ, hòa bình ở Nhật Bản được thiết lập, nền kinh tế thị trường đầy đủ được hình thành, dân chủ hóa kinh tế được đảm bảo, cạnh tranh thực sự trở thành động lực phát triển, chúng không chỉ góp phần khôi phục kinh tế mà còn tạo điều kiện quan trọng cho thời kỳ tăng trưởng tiếp theo, tạo nên  sự thần kỳ lần  thứ II của Nhật Bản.(4)

Về cải cách kinh tế

Trước hết là cải cách ruộng đất được coi là cải cách quan trọng nhất và có hiệu quả nhất trong các cuộc cải cách kinh tế với mục tiêu: “... xóa bỏ những trở ngại kinh tế nhằm khắc phục và củng cố các thiên hướng dân chủ để phá bỏ sự kìm hãm kinh tế vốn đọa đày người nông dân Nhật Bản trong nhiều thế kỷ áp bức phong kiến”. Đạo luật cải cách ruộng đất ban bố ngày 11/10/1946 với nội dung là nghiêm khắc với đối tượng mua đất, lập các Ủy ban ruộng đất, đề ra các phương thức mua đất, cách thanh toán và quy định về địa chủ vắng mặt. Cuộc cải cách này được thực hiện khá cương quyết từ 1946-1950 dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các lực lượng chiếm đóng. Tính đến năm 1948, số lượng  ruộng đất chính phủ mua lên đến 163.000 ha được thực hiện liên tiếp trong 10 lần. Diện tích phát canh tính đến tháng 8/1950 chỉ còn 10%. Địa chủ vắng mặt** đã bị xóa bỏ ; 80%-90% đất đai của họ đã bị chuyển nhượng cho tá điền; 70%-80% số ruộng đất cho thuê hoặc canh tác của địa chủ làng xã đã bị chuyển nhượng cho nông dân. Nhiều nhà chính trị, chính khách và các nhà nghiên cứu Nhật Bản trong và ngoài nước đánh giá cao những thành tựu của cải cách ruộng đất. Toshino Kawagoe cho rằng cải cách ruộng đất ở Nhật Bản sau chiến tranh được coi là :“một ví dụ về thành tựu cải cách ruộng đất trong nông nghiệp” sau chiến tranh. Tác động của cuộc cải cách ruộng đất rất to lớn đối với ý nghĩa phát triển kinh tế Nhật Bản. Vì ruộng đất ở nông thôn Nhật Bản đã thực sự chuyển vào tay người canh tác. Chế độ địa chủ ở nông thôn Nhật Bản đã bị xóa bỏ, xóa bỏ luôn tàn dư phong kiến của nền nông nghiệp Nhật Bản và từ đó làm tan rã chế độ đẳng cấp nông thôn vốn kìm hãm sự phát triển xã hội Nhật Bản(5) làm  thay đổi hẳn trật tự xã hội nông thôn. Điều này tạo ra sự phân phối tài sản và thu nhập bình đẳng hơn. Sau khi quyền sở hữu ruộng đất đã được chuyển nhượng, hầu hết nông dân được nhận ruộng. Họ tiến hành cải tạo ruộng đất, gieo trồng, tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác mới, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp. Rõ ràng cải cách ruộng đất đã thực sự lôi kéo những chủ đất trực tiếp tham gia vào sản xuất. Những tiến bộ do áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng lúa làm cho thu nhập của người nông dân tăng lên, góp phần mở rộng đáng kể thị trường trong nước. Tính chất kinh tế hàng hóa ở nông thôn Nhật Bản do đó ngày càng được nâng cao, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp(6). Ngoài cải cách ruộng đất còn có hàng loạt các chương trình cải cách nông thôn Nhật Bản: cải cách văn hóa, xã hội, nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt của các cộng đồng thôn xã. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu dân cư nông thôn, tạo ra hàng triệu những người nông dân mới, thực sự là những người chủ, là thành viên bình đẳng trong cộng đồng. Như vậy, cùng với hàng loạt chương trình cải cách nông thôn, cải cách ruộng đất không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp làm thay đổi toàn bộ chiều hướng phát triển của làng xã Nhật Bản(7) làm  xuất hiện nhiều nhân tố mới, giá trị mới trong kinh tế, xã hội và sinh hoạt cộng đồng làng xã – cơ sở quan trọng cho sự tăng trưởng của Nhật Bản giai đoạn sau này .

Giải thể Zaibatsu cũng có tác động lớn đến kinh tế, xã hội Nhật Bản. Việc giải thể này nhằm giải tán các tập đoàn tài phiệt theo quan hệ gia tộc, mang tính chất phong kiến trước đây, là mầm mống gây ra các cuộc chiến tranh. Điều này làm biến đổi tình hình kinh tế, xã hội Nhật Bản tạo điều kiện phá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, quân phiệt, thổi vào tư tưởng hòa bình, dân chủ, tạo ra lực lượng quản lý kinh tế trẻ tuổi, tài ba, tạo giá trị mới về môi trường kinh tế và con người Nhật Bản. Đây là những yếu tố có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Trước đây sự tập trung công nghiệp vào tay một số Zaibatsu “gây ra quan hệ nửa phong kiến giữa chủ và thợ, kìm hãm tiền lương, cản trở sự phát triển công đoàn ...” Nhằm thực hiện giải thể Zaibatsu, lực lượng Đồng minh đã lập ra Ủy ban giải quyết vấn đề công ty cổ phần. Do đó có 57 gia đình  Zaibatsu phải giao nộp tài sản tổng cộng lên đến 233 triệu cổ phần và bán cổ phần cho nhiều công ty, hiệp hội. Những tập đoàn tài phiệt lớn trước đây đã được độc lập và bị loại trừ sự chi phối cũng như sức mạnh của các cá nhân và các gia tộc Zaibatsu. Việc giải phóng phần lớn các công ty khổng lồ trong các ngành công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản như thép, đóng tàu ... đã làm thay đổi hoàn toàn bản đồ công nghiệp của Nhật Bản, tạo giá trị mới cho Nhật Bản trong việc tạo cơ chế môi trường phát triển kinh tế; là cơ hội mới chưa từng có của các công ty, doanh nghiệp mới và độc lập của Nhật Bản trong hoạt động kinh tế. Nhiều nhà kinh tế đánh giá việc giải thể Zaibatsu đã góp phần vào việc xóa bỏ tình trạng tập trung kinh tế, thiết lập khuôn khổ cạnh tranh(8) và giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh. Việc thanh lọc kinh tế đã loại bỏ trong thực tế 1.535 người ở 295 công ty có tư tưởng quân phiệt hiếu chiến(9). tạo cơ hội cho các  nhà quản lý trẻ tuổi, năng động, táo bạo, phát huy tốt chức năng “thuyền trưởng mới” của các ngành công nghiệp. Do đó, nền kinh tế Nhật Bản có điều kiện lấy lại sức sống của mình .

Việc xuất hiện nhân tố mới - nhân tố con người sau chiến tranh như đã trình bày ở trên đã góp phần chủ yếu tạo nên “sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản”. Đó là những nhà kinh doanh tích cực, năng động được hình thành thông qua các cuộc cải cách : thanh trừng chính trị, giải thể Zaibatsu, thanh lọc kinh tế.Hiệu quả do các cuộc cải cách mang lại đã tạo ra lực lượng các nhà kinh doanh có tư tưởng mới, sáng tạo và tích cực trong kinh doanh, là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Sau khi lấy lại tinh thần, do tình trạng sau chiến tranh mang lại, dưới tác động của các cuộc cải cách kinh tế, các tổ chức kinh tế tư nhân Nhật Bản được thiết lập khắp nơi với quyết tâm phát triển kinh tế, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, làm cho cỗ máy kinh tế vận hành. Tháng 4 năm 1946, Hội Đồng hữu kinh tế - Keizai Doyukai- tổ chức của các nhà kinh doanh đã được thành lập với quyết tâm của các nhà kinh doanh 50 tuổi: Kanichi, Otsuka...phê phán những nhà kinh doanh lỗi thời không chịu tuân thủ những nguyên tắc dân chủ hóa sau chiến tranh và phong trào công nhân quá khích, tuyên bố xác lập vị trí riêng của tổ chức mình, phân chia ranh giới giữa tư bản và kinh doanh ... trong đó dựa vào sự thỏa hiệp giữa chủ và thợ. Sau đó liên tục có nhiều tổ chức của những nhà kinh tế trẻ. Ví dụ, tháng 4/1946, Keidanren (Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Nhật Bản) nhằm đối phó lại với phong trào công đoàn đang lên, kêu gọi xác lập và giữ vững quyền kinh doanh của mình. Những nhà kinh doanh tích cực của Nhật Bản được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ II, có thể chia làm 3 loại:

+ Những nhà kinh doanh trẻ được đề bạt thay thế các nhà lãnh đạo xí nghiệp hàng đầu đã bị loại bỏ chức vụ thông qua các cuộc giải thể Zaibatsu và thanh lọc kinh tế. Ví dụ như Chikara Karuta (Hãng chế tạo Hitachi), Ishisaka (xí nghiệp đồ điện Toshiba), Nishiyama (Hãng sắt thép Kawasaki ).

+ Những nhà doanh nghiệp trẻ, các tổng giám đốc, giám đốc các lãnh đạo cao cấp trong các công ty, xí nghiệp trung, tiểu trước chiến tranh, đã chớp thời cơ, tận dụng cơ chế cạnh tranh mạnh mẽ sau chiến tranh do việc giải thể Zaibatsu mang lại. Các công ty mới này đã vượt lên kinh doanh, tạo ưu thế trở thành những công ty lớn với những nhà lãnh đạo tài ba như: Kosuke Matsu (công ty điện Matsushita), Sazo Idemitsu (công ty  Idemitsu Hun San)(10)

+ Các nhà doanh nghiệp mới nổi lên sau chiến tranh, do làm ăn kinh tế có hiệu quả, trở thành một lực lượng mới trong sản xuất kinh tế của Nhật Bản. Ví dụ: Oh Ibuka  (Sony), Tsuyoshi Mitarai (Canon ).

Dưới tác động của các cuộc cải cách trên mọi lĩnh vực (thanh lọc chính trị, kinh tế, ban hành hiến pháp mới) đã tạo điều kiện cho hàng loạt các nhà doanh nghiệp do các tập đoàn tài phiệt bị giải thể về mặt tổ chức, tư tưởng hiếu chiến của nó bị triệt tiêu, tạo nên bầu không khí tự do sau chiến tranh, là mảnh đất tốt cho sự ra đời các nhà doanh nghiệp mới. Họ có tinh thần tiên phong đổi mới kỹ thuật chủ yếu từ Mỹ và phương Tây, đồng thời cải biến nó biến thành kỹ thuật của Nhật Bản để tạo ra những sản phẩm mới tốt hơn, đẹp hơn, giá rẻ hơn. Những nhân tố lãnh đạo mới này tích cực cải cách, đầu tư thiết bị - đó là nguồn gốc sức mạnh chủ yếu để kinh tế Nhật Bản có thể thích ứng được với môi trường kinh tế thay đổi sau chiến tranh. Đó là các phương pháp kinh doanh mới, cải cách và đổi mới kỹ thuật, sáng tạo và thích ứng trong kinh doanh mà rất ít khi nhìn thấy trong các nhà lãnh đạo sản xuất trước đây ở Nhật Bản. Ví dụ, năm 1951, công ty Toyo Rayon nhân việc có sự tranh chấp về vấn đề xâm phạm bí quyết kỹ thuật với công ty Ruybon của Mỹ, đã quyết định du nhập kỹ thuật sản xuất  Nilon 66 có trả một khoản tiền lớn về sử dụng bí quyết kỹ thuật này. Quyết định táo bạo đó trở thành nguồn gốc cho sự phát triển tơ sợi tổng hợp ở Nhật Bản thời kỳ sau đó. Năm 1953, hãng Sony đã quyết định mua kỹ thuật bán dẫn (transistor ) của hãng Western electronic và đã thành công trong việc sản xuất  đài bán dẫn (transistor radio). Cùng với lực lượng các nhà kinh doanh tích cực, họ có nhiệm vụ hướng dẫn hành chính, hoạch định kế hoạch, hình thành mục tiêu đạt tới trong tương lai. Với bản tính năng động, sáng tạo, tài ba và liêm khiết, bộ máy quan chức Nhật Bản cũng đã chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của các cuộc cải cách dân chủ sau chiến tranh làm biến đổi về tư tưởng, tư duy kinh doanh. Đặc biệt các cuộc cải cách kinh tế đã tạo ra thể chế, cơ chế kinh tế mới để chuyển từ cơ cấu độc quyền trước chiến tranh sang cơ cấu dân chủ cạnh tranh, từ nền kinh tế thị trường bị nhiều hạn chế sang cơ chế thị trường đầy đủ.

Những cải cách kinh tế sau chiến tranh là do SCAP khởi xướng rất quan trọng đối với việc tạo ra thế cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Thực chất của 3 cuộc cải cách lớn: cải cách ruộng đất, giải thể doanh nghiệp lớn độc quyền, cắt đứt quan hệ nhân sự cũ mang tính huyết thống bằng sự thanh lọc kinh tế và việc đưa ra phong trào lao động dân chủ là quá trình thủ tiêu các yếu tố hạn chế thị trường, hình thành những lĩnh vực cạnh tranh, những chủ thể cạnh tranh và những quan hệ hợp tác trong nội bộ từng doanh nghiệp đã tạo nên động lực lành mạnh cho phát triển kinh tế(11).

Về cải cách chính trị

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ II, một trong những tác động lớn làm biến đổi xã hội Nhật Bản, tạo nên một nước Nhật ổn định chính trị và xã hội là cơ sở cho Nhật Bản bước vào giai đoạn thần kỳ kinh tế vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Đưa đến một xã hội Nhật Bản được coi là xã hội ổn định, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng “thần kỳ kinh tế Nhật Bản”. Đó là những hiệu quả biến đổi trực tiếp do các cuộc cải cách mang lại, trong đó đặc biệt là cải cách chính trị. Hàng loạt các biện pháp giải quyết cấp bách sau chiến tranh như: khuyến khích phát triển các tổ chức dân chủ, cho phép thành lập các công đoàn hiệp hội và thực hiện một loạt biện pháp giảm lạm phát, cứu đói, khuyến khích sản xuất để tạo thêm sức mạnh và tinh thần dân tộc Nhật Bản. Các cuộc cải cách chính trị: thanh trừng tội phạm phát xít, phong trào đòi tự do hoạt động của các đảng phái chính trị đã đi trước một bước tạo tiền đề cho cải cách, làm trong sạch bộ máy chính trị, chuyển toàn bộ bộ máy chính trị phục vụ chiến tranh sang phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế và đã thổi một làn gió tự do, dân chủ trong nền kinh tế, tạo điều kiện, cơ sở thuận lợi cho Nhật Bản bước vào kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế .

Cải cách chính trị Nhật Bản quan trọng nhất sau chiến tranh là cải cách Hiến pháp. Hiến pháp mới đã được ban bố vào ngày 7/10/1946 dưới hình thức chế độ Thiên Hoàng là tượng trưng, chủ quyền thuộc về nhân dân, hòa bình và tôn trọng quyền cơ bản của con người. Hiến pháp trên thực tế đã tuyên bố xóa bỏ những hình thức phong kiến ràng buộc quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 1946 thực tế công khai xóa bỏ những ràng buộc phong kiến và là điểm khởi đầu cho những tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng của xã hội Nhật Bản ngay sau Chiến tranh thế giới thứ II, đã tạo cơ sở xã hội mới cho mọi người dân trong cuộc sống và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển đất nước(12). Hiến pháp Nhật Bản 1946 được coi là Hiens pháp hòa bình đã thực sự có hiệu quả trong thực tế cùng với áp lực của sức mạnh Đồng minh, cùng nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, môi trường hòa bình do Hiến pháp mang lại đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản ổn định, an tâm phát triển kinh tế. Các cuộc cải cách chính trị như thanh trừng những người có tư tưởng quân phiệt, hiếu chiến ra khơi các công ty, xí nghiệp hay trong các cơ quan chính phủ đã tạo điều kiện thổi vào đây những tư tưởng mới, hòa bình, dân chủ, tự do. Cùng với những biến đổi trong nền chính trị, xã hội Nhật Bản do cải cách chính trị tạo ra, những thành quả của nó đã tạo ra mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa chủ-thợ trong quá trình lao động.

Về cải cách giáo dục

Cải cách giáo dục sau Chiến tranh Thế giới thứ II đã thanh trừng những người có tư tưởng phát xít ra khỏi ngành giáo dục, cải cách thể chế giáo dục tiến bộ, đưa tư tưởng giáo dục mới, thể chế giáo dục mới vào các trường học.... đã tạo nên một thế hệ con người mới sau chiến tranh có trình độ học vấn cao, có tư tưởng hòa bình và phát triển kinh tế. Các cuộc cải cách dân chủ sau chiến tranh đã góp phần chuyển biến nước Nhật từ “quân phiệt”, “hiếu chiến”, sang “hòa bình”, “dân chủ”, góp phần vào việc xây dựng và củng cố một nền chính trị và xã hội ổn định suốt một thời gian dài sau đó. Một xã hội mà trong đó 87% người Nhật tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu. (Theo điều tra của Văn phòng Thủ tướng về đời sống quốc gia tháng 10/1989 ). Tuy là một nước hiện đại bậc nhất của thế giới nhưng vẫn giữ được cốt cách truyền thống tốt đẹp của dân tộc Nhật Bản. Các tệ nạn xã hội ở Nhật Bản ít hơn so với ở Mỹ. Trên chính trường (trong vòng khoảng 50 năm sau chiến tranh) trừ thời gian nội các Katayama của Đảng Xã hội chỉ tồn tại được 7 tháng còn hầu hết thời gian sau chiến tranh liên tiếp do Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản nắm và đảng này đã có chính sách đúng đắn, nhất là đối với nông dân sau cải cách ruộng đất. Tình hình trên đã mang lại sự ổn định xã hội, duy trì được tính thống nhất của chính sách mới sau chiến tranh. Chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã có không ít những chủ trương tiến bộ tạo nên những ổn định chính trị, xã hội mang lại sự thay đổi cho Nhật Bản trong phát triển đất nước mọi mặt sau chiến tranh(13) .

Về cải cách lao động, xã hội

Theo nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam thì ở Nhật Bản khác các nước công nghiệp tiêu biểu Tây Âu  trong quan hệ chủ - thợ. Điều khác biệt này được tạo ra bởi những chuyển biến chính trị, xã hội, kinh tế và quan hệ lao động sau chiến tranh, đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản giai đoạn sau đó. Ngoài những lý do về yếu tố truyền thống, cơ sở xã hội, tư tưởng đạo đức phong kiến đạo Khổng còn rơi rớt lại thì rõ ràng tính chất tập thể, đặc thù hợp tác chủ - thợ chủ yếu được xuất hiện dưới tác động của các cuộc cải cách sau chiến tranh, tạo nên tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế giai đoạn sau đó. Trong thời gian trước Chiến tranh Thế giới thứ II, quan hệ công nhân và giới chủ ở Nhật Bản phổ biến không phải là quan hệ hợp đồng mà là quan hệ phụ thuộc gần như quan hệ của nông dân và chủ phong kiến, hình thành chế độ “làm thuê”,“bán mình”. Công nhân không có quyền hành, thiếu ý tổ chức và  chỉ chịu theo mệnh lệnh của chủ. Họ thường làm việc, ăn, ở ngay trong xí nghiệp và không được ra ngoài. Chế độ này làm cho công nhân mất quyền tự do về sinh hoạt, cũng như các hoạt động khác(14).

Ngược lại, sau Chiến tranh Thế giới thứ II nhờ tác động của phong trào lao động và đặc biệt là do các cuộc cải cách lao động: cải cách về hợp tác chủ - thợ, ban bố các đạo luật công đoàn, mối quan hệ chủ - thợ đã thay đổi tạo nên hình thức lao động mới là công đoàn xí nghiệp. Trong xí nghiệp, họ khuyến khích công nhân cổ trắng và công nhân cổ xanh cùng hoạt động, đồng thời cấp nhà ở và những điều kiện thuận lợi khác cho các hoạt động của công đoàn(15). Giới chủ đã thỏa thuận ký kết với công đoàn về chế độ trả lương theo thâm niên, việc làm ổn định trong xí nghiệp. Xí nghiệp như một gia đình lớn trong đó chủ có “trách nhiệm và quan tâm” đến công nhân và ngược lại công nhân cũng phải “tận tâm”, “trung thành” với chủ. Vì vậy, trong các phong trào công đoàn, hầu hết công nhân đều có chung một ý nghĩ “những cuộc đấu tranh sẽ không gây nguy hại cho tương lai của công ty mình ..”. Việc thực hiện trả lương  theo thâm niên và đảm bảo ổn định việc làm buộc giới chủ  phải thường xuyên chuyển hoặc đào tạo lại công nhân của xí nghiệp nếu họ muốn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất lao động. Như vậy, việc cải cách công đoàn từ công đoàn ngành trước chiến tranh thành công đoàn xí nghiệp (công đoàn được tổ chức theo công ty chứ không phải ở cấp toàn ngành) trong các công ty và việc thay đổi quan hệ giữa những người chủ  với các nhân viên nhằm đảm bảo việc làm ổn định đã giúp cho các công ty Nhật Bản tích cực phát huy sáng kiến và áp dụng nhanh chóng những thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động và gắn bó với công nhân. Bên cạnh đó, sự đối xử công bằng với cả công nhân lẫn nhân viên trong công đoàn, xí nghiệp cũng đã tạo điều kiện hợp tác trong quá trình sản xuất. Công đoàn công ty và cải cách quan hệ lao động giữa giới chủ và công nhân đã tạo ra những biến đổi trong cơ cấu quan hệ lao động, góp phần tạo ra năng suất lao động cao và khát vọng cạnh tranh, chuẩn bị tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh vào cuối tập kỷ 50 và 60 của thế kỷ XX.  Việc làm ổn định, lương theo thâm niên và công đoàn công ty cùng quan hệ hợp tác chủ-thợ ở Nhật Bản có sự kết hợp với chủ nghĩa truyền thống lao động có tính chất gia đình. Nhưng đó không phải là những điều kiện có sẵn sau chiến tranh mà chúng là sản phẩm của cuộc đấu tranh lâu dài của phong trào công nhân sau chiến tranh, đặc biệt nhất là trong giai đoạn cải cách sau chiến tranh. Đây có thể coi là những giá trị mới của Nhật Bản sau chiến tranh  tạo điều kiện cho Nhật Bản bước sang một giai đoạn mới - thần kỳ lần thứ II của lịch sử.

Kết luận

Các cuộc cải cách dân chủ Nhật Bản giai đoạn 1945-1951 đã tạo ra những biến đổi to lớn trong nền kinh tế, chính trị, đời sống xã hội của Nhật bản. Tạo cơ sở quan trọng cho Nhật Bản phục hồi nhanh chóng nền kinh tế sau chiến tranh. Đến năm 1951, Nhật Bản đã thực sự kết thúc giai đoạn phục hồi kinh tế, mức sản xuất đã ngang mức trước chiến tranh. Cuộc cải cách dân chủ trong những năm 1945-1951 đã xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt và những tàn dư phong kiến, xây dựng nền tảng mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tạo đà cho Nhật Bản phát triển. Các cuộc cải cách kinh tế đã tạo cơ chế  cạnh tranh trong sản xuất, đưa sản xuất vào tay những người có trình độ quản lý và  trực tiếp sản xuất, có tư tưởng hòa bình và phát triển; các cuộc cải cách chính trị đã đi trước một bước tạo tiền đề cho cải cách, làm trong sạch bộ máy chính trị, chuyển toàn bộ bộ máy chính trị phục vụ chiến tranh sang phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nó đã tạo ra giá trị mới trong nền chính trị Nhật Bản - thổi một làn gió mới tự do dân chủ trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho Nhật Bản bước vào kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế. Những thành quả và tác động của cuộc cải cách đã góp phần vào việc tạo những nhân tố mới góp phần vào việc xây dựng và củng cố một nền chính trị xã hội ổn định trong một thời gian dài sau đó. Những tác động trực tiếp, gián tiếp của cải cách dân chủ đặc biệt là cải cách giáo dục góp phần đào tạo một thế hệ con người mới sau chiến tranh - thế hệ mới này vừa có trình độ học vấn cao, năng động sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị đạo đức và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Nhật Bản. Thấm nhuần những bài học quá khứ lịch sử của ông cha, thế hệ con người mới này mang tư tưởng hòa bình, dân chủ và phát triển kinh tế. Đây là tài sản quý giá nhất của Nhật Bản, cung cấp cho nước này một lực lượng lao động tốt phục vụ cho sự phát triển đất nước. Công đoàn công ty và cải cách quan hệ lao động giữa giới chủ và công nhân đã góp phần tạo ra năng suất lao động cao cũng như khả năng cạnh tranh chuẩn bị tiền đề cho sự tăng trưởng kinhtế nhanh vào cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60. Việc làm ổn định, lương theo thâm niên và công đoàn công ty cũng như quan hệ chủ thợ ở Nhật Bản có sự kết hợp với chủ nghĩa truyền thống lao động có tính chất gia đình. Nhưng không phải là những điều kiện có sẵn sau chiến tranh mà chính là sản phẩm của cuộc đấu tranh lâu dài giữa công nhân và giới chủ sau Chiến tranh Thế giới thứ II tạo ra.

Bên cạnh những mặt tích cực do tác động các cuộc cải cách Nhật Bản sau chiến tranh mang lại như đã trình bày ở trên, vẫn có thể nhận thấy một số hạn chế cơ bản của nó,  nhất là trong thời kỳ hiện nay khi mà  cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang chuyển sang giai đoạn mới cao hơn đó là khoa học công nghệ, và tác động của xu hướng toàn cầu hóa thì những điều kiện thuận lợi do các cuộc cải cách mang lại trước đây lại bộc lộ những hạn chế: ruộng đất chia quá nhỏ rất khó khăn cho việc áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại; việc làm suốt đời, lương theo thâm niên, và công đoàn công ty phát huy được mặt tích cực nhất của nó vào những năm 50, 60, 70 nhưng đến nay trước bối cảnh kinh tế quốc tế mới thì lại bộc lộ những hạn chế: các công ty không thể tuyển chọn được những công nhân giỏi, năng động; không kích thích được sự sáng tạo của công nhân trong phát huy sáng kiến, áp dụng những sáng kiến mới trong sản xuất ... Những điều này sẽ làm yếu khả năng cạnh tranh và  cản trở sự phát triển kinh tế Nhật Bản.

 

HOÀNG THỊ MINH HOA

(PGS.TS, Đại học Sư phạm Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1- Andray. Grat, Ruộng đất và nông dân Nhật Bản, Nxb.Bắc Kinh ,1957.

2- EZA .F. Vongel, Nhật Bản số 1- những bài học cho Hoa kỳ, Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, Hà Nội, 1989.

3- Hoàng Thị Minh Hoa, Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, trang 52 .

4- Hoàng Thị Minh Hoa, Thông báo KH & GD, Đại học Sư phạm Huế, Số 10/1995.

5- Hoàng Thị Minh Hoa, Lại bàn về nguyên nhân tạo sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, Số 1/2003.

6-  Hisao Nakamori, Thành công của Nhật Bản - những bài học về sự phát triển kinh tế Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

7- Hayashi Yuiro, Tạp chí Economic, 15/5/1955.

8- Lê Văn Sang, (1988), Kinh tế Nhật Bản giai đọan thần kỳ, Viện Kinh tế thế giới, Hà Nội.

9- Yoshihara Kunio, Sogo shosha Đội tiền phong của nền kinh tế Nhật Bản, Uỷ ban Khoa học xã hội,Hà Nội, 1993.

10- Yoshihara Kunio, Sự phát triển kinh tế Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

11- Takafusa Nakamura, Kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, sự phát triển và cơ cấu, Uỷ ban Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tập I.

12- J. Cohen, The Japan Economy in the war reconstruction. University of the Minnescots prees ,1945.

13- Juro Teranishi và Yutaka Kosai (chủ biên), Kinh nghiệm cải cách kinh tế Nhật Bản,  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.



(1)J. Cohen, The Japan Economy in the war reconstruction. University of the Minnescots prees ,1945, trang  417.

(2) Hayashi Yuiro, Tạp chí Economic, 15/5/1955.

(3) Hoàng Thị Minh Hoa, Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, trang 52 .

(4) Yoshihara Kunio, Sự phát triển kinh tế Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 154,164.

** Địa chủ vắng mặt là những người sở hữu ruộng đất mà không định cư trong làng hoặc các làng xã nơi có ruộng đất của họ.

 

(5) Andray. Grat, Ruộng đất và nông dân Nhật Bản, Nxb.Bắc Kinh ,1957, tr 32.

(6) Takafusa Nakamura, Kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, sự phát triển và cơ cấu, Uỷ ban Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tập I,  trang  58.

(7) Hoàng Thị Minh Hoa, Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội , 1999, trang 52 .

 

(8) Hisao Nakamori,Thành công của Nhật Bản - những bài học về sự phát triển kinh tế , Nxb KHXH, HN, 1994.

(9) Yoshihara Kunio, Sogo shosha Đội tiền phong của nền kinh tế Nhật Bản, Uỷ ban Khoa học xã hội, Hà Nội , 1993, trang 160.

 

(10) Hisao Nakamori,Thành công của Nhật Bản - những bài học về sự phát triển kinh tế , Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội ,  1994, tr. 71

 

(11) Hoàng Thị Minh Hoa, Thông báo Khoa hoc & Giáo dục, ĐHSP Huế, Số 10/1995, tr. 25.

 

(12) Hoàng Thị Minh Hoa, Lại bàn về nguyên nhân tạo sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, Số 1/2003.

 

(13) Juro Teranishi và Yutaka Kosai (chủ biên ), Kinh nghiệm cải cách kinh tế Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 52

 

(14) Lê Văn Sang, (1988), Kinh tế Nhật Bản giai đọan thần kỳ, Viện Kinh tế thế giới, Hà Nội, trang  55.

(15) EZA .F. Vongel, Nhật Bản số 1- những bài học cho Hoa kỳ, Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, Hà Nội, 1989, trang 185.

0thảo luận