Trang chủ

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ Ở NHẬT BẢN, TRUNG QUỐC VÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 19-02-2014, 12:57 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 10

1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Giống như ở Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác, khu vực dịch vụ ở Nhật Bản trong những thập kỷ vừa qua đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và đang trở thành động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế. Dịch vụ là khu vực quan trọng nhất trong nền kinh tế đóng góp vào GDP và tạo việc làm của nền kinh tế Nhật Bản. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khu vực dịch vụ đã tạo ra khoảng 4 triệu việc làm mới, trong khi đó khu vực công nghiệp chế tác chỉ tạo ra 1,85 triệu việc làm mới. Khu vực dịch vụ là nơi hấp thụ phần lớn số lao động dôi dư từ khu vực công nghiệp do quá trình tái cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP đã liên tục gia tăng, từ 59,2 % năm 1990 lên 67,2 năm 2000; 69,5 năm 2006 và lên 70,1% năm 2008. Tương tự như vậy, tỷ trọng lực lượng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ cũng tăng từ 58% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế năm 1990 lên 63,7% năm 2000 và 68,6% năm 2008.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phát triển mạnh của khu vực dịch vụ ở Nhật Bản có thể được quy cho những tác động tích cực từ phía cầu và sự phát triển công nghệ. Mức thu nhập của người dân Nhật Bản liên tục gia tăng trong nhiều thập kỷ đã kích thích cầu về nhiều loại dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ liên quan đến giáo dục, du lịch và vui chơi giải trí. Người tiêu dùng có những nhu cầu và thị hiếu đặc thù hơn khi thu nhập tăng lên. Trong khi đó, sự phát triển công nghệ có tác động quan trọng đến sự phát triển của khu vực dịch vụ, nhất là đối với những ngành dịch vụ dựa trên tri thức như viễn thông, tài chính, kinh doanh... Những dịch vụ này đã và đang tiếp tục tăng trưởng nhanh, phản ánh những nhu cầu kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp; đặc biệt, các dịch vụ dựa trên tri thức đã trở thành một thành tố tối quan trọng của lợi thế cạnh tranh, sự khu biệt sản phẩm và sự gia tăng năng suất đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền giá trị. Hơn nữa, các công nghệ thông tin và liên lạc đã làm tăng khả năng có thể trao đổi của các hoạt động dịch vụ dựa trên tri thức. Dự báo đến năm 2020, dịch vụ sẽ là khu vực có tỷ trọng lớn nhất trong ba khu vực của nền kinh tế - chiếm khoảng 80% tổng GDP của Nhật Bản; tỷ trọng của khu vực chế tạo giảm đi do Nhật Bản đang trong quá trình chuyển từ một nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế phát minh và thiết kế, đồng thời do các ngành sản xuất cần nhiều vốn, nhiều lao động và công nghệ trung bình được chuyển ra nước ngoài.

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng tốc độ tăng năng suất của khu vực dịch vụ Nhật Bản lại thấp hơn tốc độ tăng năng suất của khu vực công nghiệp chế tác. Nguyên nhân chủ yếu là phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ Nhật Bản có quy mô nhỏ, năng lực marketing thấp, trình độ tiêu chuẩn hoá lạc hậu và hệ thống quản lý yếu kém. Ngoài ra còn có các nhân tố bên ngoài khác như sự điều tiết quá mức đối với các ngành dịch vụ. So với Mỹ, nhiều ngành dịch vụ của Nhật Bản có năng suất lao động thấp hơn hẳn, cá biệt ngành dịch vụ phân phối năng suất lao động chỉ bằng 43% của Mỹ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành dịch vụ của Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng năng suất thấp. Một số ngành dịch vụ kinh doanh và dịch vụ có hàm lượng tri thức cao đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh cũng như tốc độ tăng năng suất nhanh trong những năm qua và đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sức cạnh tranh công nghiệp. Đây cũng chính là những ngành dịch vụ có số việc làm và năng suất lao động cùng đồng thời tăng lên. Cũng giống như ở Mỹ, động lực phát triển quan trọng của các ngành dịch vụ kinh doanh ở Nhật Bản là các hoạt động tạo nguồn dịch vụ trong nước của các công ty Nhật Bản. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai trên một diện rộng hơn các ngành dịch vụ.

2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc mới chuyển sang kinh tế thị trường từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Vào thời gian mới chuyển đổi, khu vực dịch vụ Trung Quốc có xuất phát điểm rất thấp nhưng trong vòng gần 30 năm qua khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng khá nhanh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Tính trung bình trong thời kỳ 1978-2004, khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 10%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 9,4% của GDP Trung Quốc. Trong thời kỳ 2005-2008, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao với mức trung bình đạt gần 14,4%/năm, trong khi mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 10,73%/năm).

Nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, từ 21,4% năm 1980 lên 31,8% năm 1990; 39,3% năm 2000 và 40,1% năm 2008. Khu vực dịch vụ cũng là nơi tạo việc làm chính của nền kinh tế Trung Quốc. Số lao động làm việc trong khu vực này đã tăng từ 55,32 triệu người năm 1980 lên 119,79 triệu người năm 1990; 198,23 triệu người năm 2000; 237,7 triệu người năm 2005 và 257,2 triệu người năm 2008. Tốc độ tăng lao động trong khu vực dịch vụ cao gấp đôi tốc độ tăng lao động trong khu vực công nghiệp. Nhờ vậy, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ của Trung Quốc đã không ngừng tăng lên từ 13,1% tổng số lao động năm 1980 lên 18,5% năm 1990; 27,5% năm 2000; 31,4% năm 2005 và 33,2% năm 2008.

Mặc dù khu vực dịch vụ đã có những bước tăng trưởng và phát triển quan trọng trong vài thập kỷ qua, nhưng sự tăng trưởng và phát triển này vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt trong những năm gần đây, khu vực dịch vụ có xu hướng tăng trưởng chậm lại, kể cả các ngành dịch vụ truyền thống và các ngành dịch vụ hiện đại. Hai ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khu vực dịch vụ đều sụt giảm tăng trưởng trong những năm vừa qua, dẫn đến sự sụt giảm tỷ trọng đóng góp của hai ngành này cho toàn khu vực dịch vụ nói chung; đó là ngành tài chính-bảo hiểm và bán buôn-bán lẻ.

Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực dịch vụ của Trung Quốc thường gặp phải những ràng buộc cả ở phía cung và phía cầu. Về phía cung, trong nhiều năm khu vực dịch vụ là nơi rất khó gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài do những hạn chế của Chính phủ. Kể từ đầu những năm 1980, FDI chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế tác và xây dựng. Tỷ trọng FDI trong các ngành dịch vụ chỉ dưới 20%, trong những năm gần đây tăng lên hơn 20% (thí dụ, 25% năm 2003) nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng hơn 40% đóng góp của dịch vụ cho GDP.

Về phía cầu, cầu sử dụng dịch vụ trong xã hội Trung Quốc bị hạn chế lớn do cơ cấu dân số bất hợp lý. Mặc dù là một thị trường lớn với số dân đông nhất thế giới, nhưng có tới hơn 60% dân số tập trung ở các vùng nông thôn có thu nhập thấp và chậm được cải thiện, cho nên phần lớn chi tiêu được tập trung cho hàng hoá nông nghiệp và công nghiệp, ít cho dịch vụ. Kể từ đầu những năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy rõ những vấn đề phát sinh từ sự bất cân bằng giữa phát triển công nghiệp và dịch vụ và đã có chủ trương tập trung phát triển dịch vụ hướng tới thay đổi phương thức tăng trưởng của nền kinh tế. Dựa vào chủ trương này, trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát triển các ngành dịch vụ, đáng chú ý là:

- Xoá bỏ các luật và quy định gây hạn chế đối với sự phát triển dịch vụ, nhất là những quy định liên quan đến sự gia nhập các thị trường dịch vụ. Đồng thời, Trung Quốc cũng ban hành hàng loạt các luật và quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển dịch vụ(1).

- Ban hành và thực thi các chính sách cụ thể nhằm phát triển dịch vụ. Tháng 1/2002, Nhà nước ban hành văn kiện “Một số gợi ý nhằm đẩy mạnh tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ kế hoạch 5 năm”, và sau đó là hàng loạt các chính sách liên quan đến các khía cạnh khác nhau của khu vực dịch vụ được ban hành như: kích thích tiêu dùng dịch vụ đối với người dân thành thị và nông thôn; tối ưu hoá cơ cấu của khu vực dịch vụ; đẩy mạnh cải cách các DNNN trong lĩnh vực dịch vụ; quản lý các thị trường dịch vụ; mở rộng diện tích đất cho các ngành dịch vụ ở các thành phố lớn; điều chỉnh chính sách thuế đối với các ngành dịch vụ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành dịch vụ...

- Tự do hoá mạnh hơn thị trường dịch vụ để đón nhận FDI. Trong những năm vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã từng bước xoá bỏ những rào cản các doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường dịch vụ, đặc biệt trong các ngành dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, viễn thông, thương mại([1])... Trong những năm tới, FDI được phép vào hầu hết các ngành dịch vụ của Trung Quốc, và các doanh nghiệp FDI sẽ dần dần được hưởng đãi ngộ quốc gia (NT). Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia vào quá trình sắp xếp và đổi mới DNNN ở Trung Quốc, từng bước xoá bỏ độc quyền trong một số ngành dịch vụ. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đề ra một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu vực dịch vụ như hỗ trợ về thuế, mặt bằng kinh doanh, tín dụng và các dịch vụ tiện ích như điện, nước,...

Trong những năm tới, các nhà kinh tế dự báo rằng khu vực dịch vụ của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành động cơ mới dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của nước này. Cầu tiêu dùng dịch vụ gia tăng, các cơ hội đầu tư và cơ hội việc làm gia tăng trong các ngành dịch vụ là cơ sở quan trọng để đưa ra dự báo nêu trên. Dự báo trong thời gian từ nay đến năm 2020, khu vực dịch vụ vẫn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 11-12%/năm, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng GDP, nâng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cho GDP từ 40,1% năm 2008 lên 42,5% vào năm 2010 và 52,9% vào năm 2020.

3. Một số vấn đề rút ra đối với Việt Nam

Từ nghiên cứu về những kinh nghiệm phát triển dịch vụ của Nhật Bản, Trung Quốc cho thấy có thể rút ra một số vấn đề đối với nước ta như sau:

- Tăng mạnh hơn tỷ trọng của dịch vụ trong GDP. Giữa GDP và lĩnh vực dịch vụ có mối quan hệ khá khăng khít. Có thể thấy rõ quy luật chung, nền kinh tế càng tăng trưởng thì tỷ trọng của dịch vụ trong GDP càng cao khi xét về tỷ trọng của dịch vụ trong GDP. Xét về tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ thì quy luật chung là tăng trưởng của dịch vụ nhanh hơn tăng trưởng chung của GDP. Ðiều đó thể hiện rằng, phát triển dịch vụ có vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Dịch vụ không chỉ tạo ra môi trường cho phát triển kinh tế mà bản thân dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP. Từ kinh nghiệm phát triển dịch vụ của Nhật Bản cho thấy, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giảm thất nghiệp cần có chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ. Đưa dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, trở thành khu vực quan trọng nhất trong nền kinh tế đóng góp vào GDP và tạo việc làm.

- Kinh nghiệm cho chuyển dịch cơ cấu dịch vụ của Việt Nam. Cần nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân cho toàn thể cộng đồng, gồm các nhà hoạch định chính sách, ban hành chính sách và thực thi chính sách. Có thể nói, sự thay đổi vai trò của khu vực dịch vụ từ “quan trọng” sang “chủ đạo” đối với nền kinh tế các nước Châu Âu là một trong những nét căn bản nhất trong phát triển kinh tế hon 25 năm trở lại đây. Tầm quan trọng của dịch vụ được quyết định bởi các lý do sau: Thứ nhất, các nước phát triển có tỷ trọng dịch vụ trong GDP thường vào khoảng 65-75% vào những năm 1990. Đến thời điểm 2006-2007, hầu hết các nước phát triển đều đã có tỷ trọng khu vực trong GDP trên 70%. Một số nước như Mỹ có tỷ trọng khu vực dịch vụ lên đến 79,8%, Anh: 77,1%, Pháp: 70,9%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ cao cho thấy khu vực dịch vụ ở các nước này đã đạt đến một trình độ rất cao, đa dạng, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nền kinh tế trở nên rất linh hoạt. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, tỷ trọng dịch vụ trong GDP chưa được cao như các nước phát triển nhưng phần đông cũng đã đạt tới trên dưới 45% vào năm 1990 và trên 50% vào năm 2007. Mặc dù các nước phát triển đã có tỷ trọng dịch vụ trong GDP rất cao nhưng tỷ trọng trên vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng và tăng khá nhanh. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển tỷ trọng dịch vụ trong GDP mặc dù chưa cao nhưng xu hướng tăng lại không nhanh hơn so với các nước phát triển. Điều này được giải thích là do các quốc gia đang phát triển vẫn đang tập trung một nguồn lực lớn cho phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành dịch vụ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối cùng không tạo ra nhiều giá trị gia tăng.Thứ hai, mức độ đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng GDP được đo lường bằng chỉ tiêu tỷ lệ (%) giữa mức tăng thêm của GDP khu vực dịch vụ (? DV) với tổng mức tăng thêm của GDP toàn nền kinh tế (? GDP) trong một thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2006, đối với hầu hết các nước trên thế giới, khu vực dịch vụ luôn đóng vai trò quan trọng nhất, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của GDP. Khu vực dịch vụ đóng góp khoảng 50-60% cho tăng trưởng GDP tại các nước đang phát triển trong khu vực và khoảng 75-85% cho tăng trưởng GDP tại các nước phát triển. Mức đóng góp của một số nước quan sát được là: Mỹ 84,5%; Anh 83,2%; Malaysia 61,3%; Thái Lan 56,6%...Thứ ba, nền kinh tế càng phát triển, tỷ trọng lao động trong khu vực dịch vụ càng lớn. Tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, khu vực dịch vụ luôn tạo ra việc làm cho khoảng 70-80%, còn tại các nước đang phát triển là 35-40% lực lượng lao động toàn xã hội và các tỷ lệ trên vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng rất nhanh. Tốc độ tăng lao động trong lĩnh vực dịch vụ của các nước đang phát triển khoảng 8-9%/năm, cao hơn mức 4-5% của các nước phát triển.Cuối cùng, ngày nay dịch vụ không còn đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối cùng và do đó phụ thuộc vào ngành sản xuất.  Các ngành dịch vụ ngày nay phát triển theo hướng ngày càng liên kết rộng và chặt chẽ với các ngành sản xuất vật chất, hỗ trợ và tạo điều kiện để các ngành sản xuất phát triển. Các dịch vụ hỗ trợ các ngành sản xuất bằng cách cung cấp các dịch vụ đầu vào “thượng nguồn” (nghiên cứu phát triển, nghiên cứu khả thi, thiết kế quá trình...) và các dịch vụ đầu vào “trung nguồn” (kế toán, luật pháp, kỹ thuật, kiểm nghiệm, tài chính, viễn thông...) và các dịch vụ đầu vào “hạ nguồn” (quảng cáo, phân phối, vận tải, kho hàng...). Sẽ không thể có một nền sản xuất công nông nghiệp cạnh tranh nếu thiếu/yếu các dịch vụ đầu vào. Người ta đã thống kê rằng để sản xuất ra một thành phẩm có giá trị 100 đồng, 10 đồng phải chi cho dịch vụ vận tải, 10 đồng cho dịch vụ viễn thông, 10 đồng cho dịch vụ quảng cáo, 30 đồng cho các dịch vụ liên quan tới sản xuất, chỉ có 20 đồng cho nguyên vật liệu và còn lại là các chi phí khác như tiền lương, quản lý([2])... v.v. Rõ ràng, các ngành sản xuất ngày càng cần nhiều dịch vụ hơn.Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của dịch vụ trong hoạt động sản xuất cũng như đời sống xã hội. sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ, như vậy sẽ nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng dịch vụ. Đổi mới nhận thức được thể hiện thông qua việc xây dựng một hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật thích hợp, kích thích sự phát triển tổng thể các ngành dịch vụ.

- Đẩy mạnh tự do hoá giao dịch dịch vụ quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ. Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn phát triển dịch vụ của Trung Quốc đã cho thấy, tự do hoá giao dịch dịch vụ quốc tế có ý nghĩa lớn đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ. Đối với nước ta, một mặt, cần thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết song phương về mở cửa thị trường dịch vụ (như các cam kết trong BTA). Mặt khác, rà soát để có thể tiếp tục mở cửa thị trường hơn nữa những ngành hay phân ngành dịch vụ có thể tồn tại và phát triển ổn định khi “độ mở” lớn hơn nữa trong khuôn khổ cam kết khi gia nhập WTO, tăng cường thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ. Thực tế tự do hoá khá nhanh các dịch vụ du lịch, xây dựng, bảo hiểm, pháp lý... trong những năm qua cho thấy mặc dù có sự tham gia kinh doanh và chia sẻ đáng kể thị phần với các nhà cung cấp dịch vụ ngoài nước nhưng các nhà cung cấp dịch vụ trong nước vẫn tồn tại và phát triển mạnh. Năng lực cạnh tranh trong từng ngành, phân ngành dịch vụ này tăng lên mạnh mẽ chứ không hề giảm sút([3]); do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tự do hoá giao dịch dịch vụ quốc tế hơn nữa.

Thực tiễn tự do hoá nhanh về dịch vụ của Trung Quốc trong khuôn khổ WTO đã cho thấy tự do hoá tạo ra động lực thực sự thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Trong bốn hình thức giao dịch dịch vụ quốc tế, các chuyên gia cho rằng, hình thức hiện diện thương mại có vai trò rất quan trọng cần có sự quan tâm đáng kể. Thứ nhất là, hiện diện thương mại gắn liền với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ðây là hình thức nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thành lập pháp nhân tại Việt Nam để trực tiếp cung cấp dịch vụ. Luật pháp thừa nhận đây là các pháp nhân Việt Nam và về dài hạn cần dành cho các pháp nhân này đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước. Khi nói đến năng lực cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ cũng như của từng ngành hay phân ngành dịch vụ cần phải kể tới các pháp nhân có yếu tố nước ngoài. Thứ hai, giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài với hiện diện thương mại của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có mối quan hệ khăng khít. Ðó là do tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ cao hơn hẳn vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài ra để thực hiện trọn vẹn một hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cần sử dụng nhiều dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ tư vấn pháp lý, nghiên cứu thị trường, viễn thông, xây dựng... Một tiêu chí để coi lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao nếu nhu cầu dịch vụ trong nước được cung cấp chủ yếu bởi các nhà cung cấp trong nước, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ có vốn nước ngoài hiện diện tại Việt Nam.

- Nâng cao vai trò của Chính phủ trong quản lý, điều tiết, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để dịch vụ phát triển. Cũng như những ngành khác, để dịch vụ phát triển cần có môi trường cạnh tranh bình đẳng. Thực tế kinh doanh vài năm gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm...đã khẳng định điều này. Rõ ràng chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ đã tăng nhanh và giá cả đã tuân theo quy luật thị trường. Chất lượng dịch vụ viễn thông cũng ngày một nâng cao và cước phí cũng giảm đáng kể song song với sự tham gia của một số doanh nghiệp mới thay vì một số ít doanh nghiệp độc quyền như vài năm trước đây. Tuy nhiên cần có biện pháp cụ thể và quyết liệt để tạo ra môi trường cạnh tranh thật sự và Chính phủ cần thể hiện rõ hơn vai trò điều tiết của mình như kinh nghiệm của Trung Quốc và Nhật Bản.

- Xây dựng, hoàn thiện một chiến lược cụ thể về phát triển dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ. Khu vực dịch vụ của Trung Quốc đã phát triển khá hiệu quả, hạn chế được phần nào những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO trong lĩnh vực dịch vụ sau khi ban hành và thực thi các chính sách cụ thể nhằm phát triển dịch vụ dựa trên định hướng theo văn kiện của Nhà nước về “Một số gợi ý nhằm đẩy mạnh tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ kế hoạch 5 năm”. Việt Nam cũng đã có chiến lược phát triển dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ nhưng còn chung chung, thiếu chiều sâu, không định hướng rõ ràng, chưa có các chương trình cụ thể cho từng ngành dịch vụ, dẫn tới việc khai thác những cơ hội mà nó đem lại còn ít hiệu quả. Nhiều ngành dịch vụ còn yếu về năng lực nội tại, uy tín trên thị trường chưa cao, khả năng xuất khẩu còn hạn chế. Đó là chưa kể tới phần lớn dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam đang làm có giá trị gia tăng thấp. Tính liên kết trong từng ngành dịch vụ, giữa các ngành dịch vụ liên quan với nhau, giữa dịch vụ với công nghiệp, nông nghiệp, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu. Trong khi đó, cam kết của Việt Nam về nhiều lĩnh vực quan trọng như viễn thông, tài chính, ngân hàng, phân phối… không còn nhiều thời gian để thực hiện như lộ trình đã cam kết. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính cũng như khả năng cạnh tranh yếu nên không dễ có thể nhanh chóng vượt qua được những tồn tại, hạn chế của mình./.

 

HOÀNG XUÂN HÒA

(TS, Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Đào (2009), Vai trò, thực trạng và quan điểm phát triển nhóm ngành dịch vụ, Kinh tế và Dự báo, số tháng 9/2009.

2. Đặng Thị Hiếu Lá (2009), Kinh tế dịch vụ trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế ở Việt Nam, Nghiên cứu Kinh tế, số 9/2009.

3. Đề tài khoa học cấp ban Đảng KHBĐ (2007)-39, Quan điểm, định hướng chính sách phát triển lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tháng 9/2009.

4. Huy động và sử dụng vốn, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2009, Ngân hàng Thế giới, tháng 12/2008.

5. Nguyễn Chiến Thắng (2008), Khu vực dịch vụ trong điều kiện tự do hoá thương mại dịch vụ: kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Nghiên cứu Kinh tế, số 1/2008

6. Phát triển khu vực dịch vụ, có tại http://www.vnep.org.vn.

7.WTO Statistics Database, có tại: http://www.wto.org

8. http://www.stats.gov.cn

9. OECD statistics 2009



(1) Ngày càng có nhiều hãng bán lẻ vào thị trường Trung Quốc khi các quy định hạn chế hệ thống phân phối nước ngoài được dỡ bỏ. Hiện nay có hơn 1.000 hãng bán lẻ nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc so với chỉ có 314 hãng hai năm trước đây.

([1]) Wal-Mart lần đầu tiên bước chân vào thị trường Trung Quốc vào năm 1996. Đến nay, tập đoàn này đã có 56 siêu thị và tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 người. Tuy nhiên, Wal-Mart vẫn đứng sau tập đoàn bán lẻ Carrefour của Pháp - có tới 78 siêu thị ở Trung Quốc. Tập đoàn Tesco của Anh cũng đã mở được 31 siêu thị ở Trung Quốc và có kế hoạch mở thêm 15 siêu thị nữa ngay trong năm 2007.

([2]) Theo sè liÖu cña ®Ò ¸n quèc gia “N©ng cao n¨ng lùc c¹nh tranh cña hµng ho¸ vµ dÞch vô ViÖt Nam” cña Uû Ban Quèc gia hîp t¸c Kinh tÕ Quèc tÕ, n¨m 2002.

([3]) Sau hơn một năm gia nhập WTO, ngành bán lẻ trong nước tuy phải “chia” thị phần cho các nhà bán lẻ nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững thị phần và doanh số bán hàng liên tục tăng. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng thường xuyên đạt trên 20% và trong năm 2007 đạt tới 25%. Năm 2006, doanh thu từ bán lẻ đạt 37,5 tỷ USD thì đến năm 2007 đạt 42,5 tỷ USD và ước tính đến năm 2010 sẽ là 53 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước đang nổi lên.

0thảo luận