Trang chủ

ĐẦU TƯ CỦA NHẬT BẢN VÀO ASEAN THỜI KỲ NHỮNG NĂM 1990

Đăng ngày: 19-02-2014, 12:53 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 10

Quan hệ đầu tư phát triển là một trong ba trụ cột quan trọng của quan hệ kinh tế Nhật Bản - ASEAN. Sự thành công to lớn trong phát triển kinh tế của ASEAN, kể từ khi các nước này chuyển sang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu, có vai trò đặc biệt quan trọng của hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản.

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, các nhân tố thúc đẩy hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN chủ yếu là do sự tăng giá của đồng yên; quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế Nhật Bản; che dấu nguồn gốc sản phẩm nhằm giảm xung đột thương mại với bạn hàng; khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường; khan hiếm lực lượng lao động... và các nhân tố thu hút đầu tư từ phía các nước ASEAN.

Sau Chiến tranh Lạnh hoạt động đầu tư trực tiếp được bổ sung thêm một số nhân tố mới. Đó là, quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, quốc tế hóa nền sản xuất toàn cầu đã phát huy tác dụng mạnh mẽ kéo theo sự phân công lao động mới giữa trung tâm và vùng ngoại vi, tạo nên sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Đồng thời, quá trình quốc tế hóa đã phân chia quá trình sản xuất thành những dây chuyền, công đoạn tách rời nhau ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới miễn sao khai thác được nhiều lợi thế nhất. Điều này làm cho các nước đang phát triển trở thành những cơ sở chế tạo sản phẩm với quy mô ngày càng lớn chứ không còn là những quốc gia cung cấp nguyên liệu thô. Các nước phát triển di chuyển vốn sang các nước đang phát triển nhằm cạnh tranh lợi thế, còn các nước đang phát triển thì tích cực lôi kéo, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Với chiến lược “Quay về Châu Á” và mục tiêu tăng cường vai trò toàn diện đối với khu vực, Nhật Bản đã không ngừng đẩy mạnh viện trợ cho các nước ASEAN. Thông qua chương trình ODA, Nhật Bản đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước này tạo ra những tiền đề cần thiết cho việc thu hút FDI. Người Nhật đầu tư ra nước ngoài không chỉ nhằm vào mục đích lợi ích kinh tế mà còn muốn tăng cường vị trí và vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế. Trong khi đó, Đông Nam Á là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nhật Bản. Triển khai mục tiêu trên, Nhật Bản gia tăng đầu tư vào khu vực này một mặt củng cố, mở rộng thị trường truyền thống nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác mở rộng vai trò an ninh chính trị trong khu vực. Hơn nữa, khi đồng tiền của các NIEs tiếp tục tăng giá thì ASEAN nổi lên như là một địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với Nhật Bản. Với nhiều lý do khác nhau, Đông Nam Á chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong thương mại và đầu tư của Nhật: nhập khẩu từ ASEAN vào Nhật chiếm 7% toàn bộ nhập khẩu của Nhật năm 1993, tăng lên 10,3% năm 1994 và 24,2% năm 1995. Xuất khẩu từ Nhật vào ASEAN cũng tăng từ 18% tổng giá trị xuất khẩu của Nhật đến 24,1% và 37,6% liên tiếp trong 3 năm 1993, 1994 và 1995. Trong lĩnh vực đầu tư, ASEAN thu hút gần 50% vốn đầu tư của Nhật ở châu Á. 80% hơi đốt, nguồn nhiên liệu để sản xuất điện và 10% dầu mỏ của Nhật Bản là nhập từ Đông Nam Á. Nguồn nhân lực trẻ và dồi dào của các nước Đông Nam Á cũng hấp dẫn Nhật Bản, đặc biệt nếu tính đến thực tế là xã hội Nhật Bản "lão hoá" nhanh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới do mức tăng dân số rất thấp, tuổi thọ ngày càng cao và nhập cư vào Nhật Bản cũng gần như không có. Đến năm 2020, một phần tư dân số Nhật Bản sẽ trên 65 tuổi([1]). Với những yếu tố bổ sung như vậy, Nhật Bản luôn coi ASEAN là một đối tác quan trọng trong các hoạt động kinh tế nói chung và trong quan hệ đầu tư nói riêng của mình.

Về phía các nước ASEAN, trong thập niên 80 của thế kỉ XX họ đã có được thành tựu lớn trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng cũng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại. Cuộc khủng hoảng nợ trong thời gian này đã bộc lộ sự yếu kém trong khu vực kinh tế quốc dân. Đây là lĩnh vực kinh tế mà nhà nước hết sức o bế, vì thế nó đã dung dưỡng những ngành kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời tạo thêm gánh nặng nợ nước ngoài cho đất nước. Để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ, tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển, các nước ASEAN cần đến một nguồn vốn nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy các chính phủ ASEAN thay đổi một cách mạnh mẽ chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, trước sự vận động nhanh chóng của nền kinh tế thế giới và thực lực hiện có của mình, các nước ASEAN hiểu rằng “đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố sống còn đối với sự phát triển và tăng trưởng của mỗi nước trong khu vực vì thông qua đó, sẽ có thêm vốn, công nghệ và tạo công ăn việc làm”([2]).

Các nước ASEAN tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi một cách căn bản hệ thống pháp luật đầu tư nước ngoài ngày càng thông thoáng, hấp dẫn có những ưu đãi thỏa đáng đối với các nhà đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư trước kia thuộc khu vực hạn chế thì nay được mở rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, các hình thức liên doanh, sở hữu cũng được cải tiến một bước quan trọng như mở rộng hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; có nhiều ưu đãi trong việc đánh thuế và cho thuê đất; quy trình cấp phép đầu tư được cải tiến theo hướng ngày càng thuận tiện cho các nhà đầu tư… Trong số các quốc gia ASEAN, Singapore có lẽ là một trường hợp cá biệt. Ngay ở quá trình xuất phát họ đã thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu, mở rộng cửa nền kinh tế kêu gọi mọi nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển đất nước. Do đó, đến thập niên 90 của thế kỉ XX, Singapore đã xây dựng gần như hoàn chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi rộng mở và các biện pháp táo bạo nhằm thu hút các nguồn vốn nước ngoài cao hơn.

Đặc biệt, khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á 1997 nổ ra đã tác động mạnh đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại ASEAN. Môi trường đầu tư ở đây không còn hấp dẫn như trước nữa; các luồng vốn FDI rút chạy ào ạt ra khỏi khu vực làm cho bức tranh kinh tế thêm ảm đạm. Để khắc phục tình trạng đó, các nước ASEAN tiếp tục ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với đầu tư nước ngoài. Mỗi nước thành viên cụ thể có chính sách riêng. Ở Thái Lan, nhà nước tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mà năng lực sản xuất trong nước còn yếu kém; khuyến khích các dự án đầu tư dài hạn. Tại Malaysia, Chính phủ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu; khuyến khích các dự án đầu tư dài hạn; nới lỏng những hạn chế về đầu tư nước ngoài trong ngành chế tạo, viễn thông và sở hữu bất động sản; khuyến khích FDI đầu tư vào các ngành dịch vụ. Còn ở Philippines, Nhà nước tiến hành thu hẹp những lĩnh vực cấm FDI; xoá bỏ các biện pháp kiểm soát ngoại tệ, mở rộng sở hữu 100% vốn nước ngoài trong các lĩnh vực không khuyến khích đầu tư. Tương tự như những nước trên, Indonesia cũng tiến hành những điều chỉnh lớn theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm thuế, mở rộng danh mục các lĩnh vực ưu tiên, đơn giản hoá các thủ tục cấp phép... Nhờ các biện pháp tích cực đó, nên chỉ một thời gian ngắn sau cuộc khủng hoảng các luồng vốn FDI và nhất là FDI từ Nhật Bản bắt đầu quay mạnh lại các nước ASEAN.

Bên cạnh những thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của từng quốc gia riêng biệt với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN cũng không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư trong cả khu vực để tăng sức hấp dẫn thu hút FDI từ các nước phát triển. Điển hình là ASEAN đang từng bước thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế khu vực thông qua thực hiện có hiệu quả chương trình AFTA. Việc phát triển khu vực đầu tư ASEAN sẽ giúp họ xúc tiến nhanh quá trình hội nhập khu vực. Ngược lại, chính quá trình hội nhập, phát triển năng động của khu vực sẽ tăng thêm các lợi thế của ASEAN để thu hút luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á năm 1997, để khắc phục sự trì trệ trong việc đẩy nhanh quá trình thu hút các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực, kỳ họp Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 31 (1998) đã thông qua Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (gọi tắt là AIA) nhằm tăng cường tính cạnh tranh của khu vực để thu hút cao hơn và lâu dài hơn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và giữa các nước thành viên của ASEAN. AIA ra đời hướng đến các mục tiêu cụ thể sau:

- Đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN từ các nguồn trong và ngoài ASEAN;

- Cùng thúc đẩy ASEAN thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất;

- Củng cố và tăng cường tính cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế của ASEAN;

- Giảm dần hoặc loại bỏ những qui định và điều kiện đầu tư có thể cản trở các dòng đầu tư và sự hoạt động của các dự án đầu tư trong ASEAN([3]).

Quyết tâm xây dựng ASEAN thành một khu vực có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, tiếp tục được các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định trong Chương trình “Hành động Hà Nội” rằng “ASEAN sẽ tiếp tục mở cửa thị trường vì nhận thức được rằng mấu chốt cho việc củng cố và ổn định tiền tệ các nền kinh tế khu vực là thu hút đầu tư dài hạn. ASEAN cũng khẳng định sự cam kết tự do hóa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư ở cấp độ khu vực và cấp độ đa phương và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu này”([4])

Như vậy, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn trước cùng với những tác động của sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Nhật Bản và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của ASEAN thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản và ASEAN có những bước phát triển mới cả về số lượng lẫn chất lượng.

Sau Hiệp ước Plaza năm 1985, FDI của Nhật Bản tăng lên một cách nhanh chóng và đạt mức cao nhất vào năm 1989 là 67,5 tỷ USD. Nhưng sang thập niên 90 của thế kỉ XX, sự sụp đổ nền kinh tế “bong bóng” đã đẩy Nhật Bản vào một thời kỳ cực kỳ khó khăn, kéo theo lượng FDI của Nhật cũng giảm đi đáng kể. Năm 1990 so với năm 1989 giảm 15,6% còn 56,9 tỷ USD; năm 1991 giảm mạnh 26,9% còn 41,6 tỷ USD; năm 1992 giảm tiếp 17,9% còn 34,1 tỷ USD. Song xu hướng suy giảm này đã chấm dứt vào năm 1993 khi FDI của Nhật Bản tăng lên 5,5% đạt mức 36,025 tỷ USD. Tuy giảm mạnh như vậy, song số lượng tuyệt đối FDI của Nhật Bản vẫn là con số rất lớn và điều đáng lưu ý là FDI của Nhật Bản chỉ giảm mạnh ở thị trường các nước tư bản phát triển. Chẳng hạn, năm 1989, Mỹ chiếm tới 48,2% trong tổng FDI của Nhật, thì năm 1990 chỉ còn 45,9%, năm 1991 còn 43,3%; năm 1992 còn 40,5%. Còn FDI của Nhật vào Châu Á vẫn tăng.

Trong nội bộ Châu Á, thì “các công ty Nhật chuyển hướng đầu tư từ NIEs sang các nước ASEAN do chi phí sản xuất ở các NIEs tăng vọt và lúc này họ cũng đủ mạnh để xuất khẩu tư bản”([5]). Do đó, số FDI của Nhật Bản vào ASEAN không giảm mạnh như xu hướng chung mà vẫn giữ mức tương đối ổn định, đồng thời tăng lên vào các năm nửa sau thập niên 90 của thế kỉ XX cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ  Châu Á năm 1997 nổ ra.


Bảng 1: Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các nước ASEAN

giai đoạn 1990 - 1998

Đơn vị tính: 100 triệu yên

Năm tài chính

Nước

1990

1991

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

Indonesia

1.615

1.628

2.142

952

1.808

1.548

2.720

3.085

1.378

Malaysia

1.067

1.202

919

892

772

555

644

971

658

Thái Lan

1.696

1.107

849

680

749

1.196

1.581

2.291

1.755

Philippines

383

277

210

236

683

692

630

642

485

Singapore

1.132

837

875

735

1.101

1.143

1.256

2.238

815

ASEAN5

6.093

5.051

4.195

3.501

5.113

5.134

6.831

9.227

5.091

Nguồn: ASEAN Secretariat (1999), Statisties of Foreign Direct Investment in Asean P.9, P.132.

­­­

 

Theo bảng số liệu 1, Indonesia là nước nhận nhiều FDI từ Nhật Bản nhất trong số các nước ASEAN, tiếp theo là Thái Lan, thứ ba là Singapore, thứ tư là Malaysia và cuối cùng là Philippines. Trước đây, khi chưa có sự “bùng nổ đầu tư” vào ASEAN của Nhật Bản thì các quốc gia Âu - Mỹ là những nhà đầu tư lớn nhất tại khu vực này. Cụ thể, nước Anh chiếm lĩnh thị trường Malaysia và Singapore; Hà Lan tại Indonesia; Mỹ tại Philippines. Tuy nhiên, sau năm 1985 tình hình đầu tư quốc tế tại khu vực đã có sự đổi khác. “Đến năm 1987, Nhật Bản đã trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan và chịu đứng thứ hai sau Mỹ tại Philippines”[6]. Như vậy, vai trò của Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ. Một điểm đáng lưu ý đó là vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, các NIEs đã trở thành một lực lượng cung cấp vốn khá hùng mạnh cho các nước ASEAN và Trung Quốc. Năm 1993 “đầu tư trực tiếp của các NIEs ra nước ngoài đã vượt xa con số của Nhật, Mỹ và Châu Âu: Ở Trung Quốc - 47 tỷ đô la, Indonesia - 2,4 tỷ đô la và Malaysia - 248 triệu đô la”([7]) . Sự tham gia của các NIEs đã đưa đến sự phong phú và bổ sung một nguồn vốn lớn vào khu vực này. Song tỉ lệ của Nhật Bản trong tổng FDI của các nước ASEAN vẫn chiếm vị trí dẫn đầu.

Cũng theo số liệu bảng 1, số lượng FDI của Nhật Bản vào ASEAN tăng trong 2 năm 1990 và 1991, sau đó có xu hướng giảm dần và năm 1993 số lượng FDI của Nhật vào ASEAN là thấp nhất. Nước nhận đầu tư nhiều nhất là Indonesia cũng chỉ có được 952 triệu yên và cả ASEAN5 là: 3501 triệu yên. Lí do cơ bản của sự giảm sút này là do khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, kinh tế Nhật gặp rất nhiều khó khăn. Điều này kéo theo “triển vọng kinh doanh không sáng sủa và lợi nhuận giảm, nên các công ty Nhật Bản, từ năm 1990 đã hạn chế đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Năm tài chính 1990, FDI của Nhật giảm 16,1% còn 56,9 tỷ đô la so với năm tài chính 1989, năm tài chính 1991 giảm  2,7% còn 41,5 tỷ đô la so với văn tài chính 1990”([8])

Tuy nhiên, từ năm 1994 dòng vốn FDI của Nhật Bản đổ vào ASEAN bắt đầu tăng trở lại năm 1995 là 5124 triệu yên, năm 1996 là 6831 triệu yên và đạt mức cao nhất vào năm 1997 là 9228 triệu yên. Sự gia tăng đó được thúc đẩy bởi các yếu tố sau: các công ty Nhật Bản tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn khi sản xuất trong nước so với đầu tư ra nước ngoài; khoản lợi nhuận lớn mà các công ty Nhật Bản thu được thông qua hoạt động kinh doanh tại các nước ASEAN trở thành nguồn tái đầu tư quan trọng; môi trường đầu tư của ASEAN không ngừng được cải thiện và ASEAN trong khoảng thời gian này đã trở thành nơi cạnh tranh của các nước đầu tư Mỹ - Nhật Bản - EU và NIEs.

Hơn nữa, Nhật Bản sẽ không muốn để mất vị trí dẫn đầu trong quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực. Điều này được thấy rõ mặc dù đang ở vào một thời kỳ hết sức khó khăn nhưng Nhật Bản vẫn dành rất nhiều ưu tiên trong viện trợ ODA cho ASEAN và cố gắng tiếp tục duy trì vai trò chủ đầu tư lớn nhất tại ASEAN trong nhiều năm. Cũng theo bảng số liệu 1, năm 1998 cho thấy sự giảm sút một cách đột ngột và đáng kể dòng vốn FDI của Nhật vào ASEAN, xuống còn 5091 triệu yên. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á nổ ra năm 1997, để lại hậu quả một cách nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị, làm cho các nhà đầu tư rút vốn, tháo chạy hàng loạt ra khỏi khu vực. Nhưng điều may mắn là các nước ASEAN đã nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng. Năm 1999, các nguồn FDI đã quay trở lại các nước ASEAN. Trong đó phần FDI của Nhật Bản khá lớn.

Tuy có sự tăng giảm không đều, nhưng trong vòng 5 năm từ 1995 đến 1999, Nhật Bản tiến hành đầu tư vào 5 nước ASEAN tới 2.266 dự án với số tiền lên đến 3056,3 tỷ yên và ASEAN5 vẫn là địa bàn đầu tư quan trọng của Nhật Bản. Bước vào những năm cuối thập niên 90 thế kỉ XX, nền kinh tế Nhật Bản đã dần vượt qua cơn suy thoái kéo dài (năm 2000, GDP thực tế Nhật Bản tăng 1,5%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1996) lấy lại sức mạnh kinh tế của nó. Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy FDI của Nhật Bản chảy vào ASEAN với số lượng ngày càng lớn hơn và chất lượng ngày càng cao hơn trong thời gian tiếp theo.


Bảng 2: FDI của Nhật Bản vào ASEAN giai đoạn 1995 - 1999

Đơn vị tính: tỉ yên, trường hợp

Năm

 

Indonesia

Thái Lan

Malaysia

Philippines

Singapore

ASEAN

Thế giới

1995

Trường Hợp

168

147

57

100

94

566

2.863

Giá trị

154,8

119,6

55.5

69,2

114,3

512,4

4956,8

1996

Trường Hợp

160

196

69

75

102

602

2.501

Giá trị

274,0

158,1

64,4

63

125,6

683,1

5409,4

1997

Trường Hợp

170

154

82

64

96

576

2.489

Giá trị

308,5

229,1

97,1

64,2

223,8

922,8

6.622,9

1998

Trường Hợp

62

72

32

45

58

269

1.597

Giá trị

137,8

175,5

65,8

48,5

81,5

509,1

5.216,9

1999

Trường Hợp

57

72

44

31

49

253

1.713

Giá trị

102,4

91

58,6

68,8

107,3

428,1

7.439

Tổng

Trường Hợp

617

641

284

315

399

2.266

11.163

Giá trị

975,5

773,3

339,6

313,7

652,5

3056,3

29645

Nguồn: JBIB Review (2000), Japan banhk of international Cooperation, No.1 May. P. 206

 

Trong cơ cấu đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN cũng có nhiều điểm khác trước. Nếu như trong các thập kỉ 70, 80 Nhật đầu tư vào khu vực này chủ yếu khai thác nguyên liệu thô nhất là dầu mỏ và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng nhiều lao động. Nhưng sang những năm cuối thập niên 80 và 90 của thế kỉ XX, Nhật Bản bắt đầu chú ý phát triển các ngành công nghiệp mới như thiết bị, linh kiện tự động, hàng điện tử, đồ điện gia dụng, chế biến thực phẩm, xây dựng…Ngoài lĩnh vực sản xuất, trong thời gian này các nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất và thị trường tài chính tại các nước Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư của Nhật vào lĩnh vực tài chính có xu hướng ngày càng gia tăng “các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng tỷ lệ cổ phiếu Châu Á trong tài khoản của mình. Hình thức hấp dẫn nhất của họ là đầu tư trọn gói thông qua ủy nhiệm. Từ tháng 9 năm 1992 nhiều công ty như vậy đã được thành lập để đầu tư cổ phần vào các xí nghiệp Châu Á. Cuối năm 1989, phần dư trong tài khoản phản ánh các cổ phần Châu Á của các hãng ủy nhiệm là 36,6 tỷ yên (chiếm 5% toàn bộ cổ phần nước ngoài). Đến tháng 3 năm 1994 phần đó là 786,2 tỷ yên (chiếm 79,8%)([9]).

Từ những vấn đề phân tích trên, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào ở ASEAN thời kì sau Chiến tranh Lạnh nổi lên một số điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, quy mô các dự án đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN trung bình và nhỏ. Qua số liệu bảng 2 cho thấy lượng vốn FDI của Nhật Bản bình quân cho mỗi dự án đầu tư vào ASEAN đạt khoảng 1,35 tỷ yên. Trong khi đó, mỗi dự án FDI của Nhật Bản trên thế giới bình quân lên tới 2,65 tỷ yên. Cụ thể, trong thời gian từ năm 1995 đến năm 1999, bình quân cho một dự án Nhật Bản đầu tư vào Singapore có quy mô lớn nhất trong số các dự án đầu tư ở ASEAN cũng chỉ ở vào là khoảng 1,64 tỷ yên, tiếp theo sau Indonesia, Philippines là 1 tỷ yên/dự án. Như vậy, xét về quy mô các dự án FDI của Nhật Bản vào ASEAN chỉ ở mức trung bình và nhỏ. Điều này diễn ra đúng với chủ trương mà các nhà hoạch định chiến lược của Nhật Bản đã nêu ra khi thực hiện các dự án đầu tư của họ ở ASEAN trong giai đoạn trước.

Thứ hai, FDI giảm trong các ngành khai thác nguyên - nhiên liệu đồng thời tăng mạnh vào các ngành công nghiệp chế tạo, nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp có trình độ tiên tiến về mặt kỹ thuật. Việc di chuyển các cơ sở sản xuất của ngành công nghiệp chế tạo ra nước ngoài nói chung và đến ASEAN nói riêng đã được các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện ngay sau khi đồng yên tăng giá, thông qua cái gọi là “chiến lược hợp lý hoá quá trình sản xuất vì thương mại xuyên biên giới".

 


Bảng 3: Cơ cấu FDI của Nhật Bản trong ngành chế tạo của ASEAN

giai đoạn 1995 - 1999

Năm

 

FDI(%)

Ngành chế tạo (%)

Chế tạo/tổng FDI (%)

1995

ASEAN

10.3

16.0

75.0

Thế giới

89.7

84.0

36.7

1997

ASEAN

14

22.0

67.5

Thế giới

86

88.0

35.8

1998

ASEAN

9.7

17.7

54.0

Thế giới

943

92.3

30.0

1999

ASEAN

5.8

5.70

60.9

Thế giới

94.2

94.3

63.4

 


Nguồn: JBIB Review (2000), Japan banhk of international Cooperation, No.1 May. P.212.

Jetro (1999), “Jetro white paper on foreign investment 1999”, p. 25.

 

 

Các thông số ở bảng 3 cho thấy FDI của Nhật Bản vào ngành chế tạo của ASEAN cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực phi chế tạo. Năm 1995, tỉ lệ đầu tư vào ngành chế tạo là 75%, năm 1997 là 67,5%. Năm 1998 là năm đầu tư giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ mà tỷ lệ vẫn ở mức cao là 54%, năm 1999 là 60,9%. Tính chung con số này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ FDI của Nhật Bản vào ngành chế tạo ở các khu vực khác trên thế giới.

Trong các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo thì bốn ngành: điện tử, thiết bị giao thông vận tải, hoá chất và luyện kim là các ngành mà Nhật Bản tập trung đầu tư nhiều hơn cả. Điều này xuất phát từ hai phía. Đối với Nhật Bản các dự án đầu tư vào công nghiệp điện tử chủ yếu giải quyết vấn đề xung đột thương mại với bạn hàng khi nền kinh tế thế giới càng mở rộng trong xu thế toàn cầu hoá thì sức ép của các bạn hàng mậu dịch về khoản thặng dự thương mại của Nhật càng lớn. Còn những dự án đầu tư vào sản xuất thiết bị giao thông vận tải nhằm việc tạo ra mối liên kết với các đối tác mới, hình thành hệ thống nhiều tầng theo mô hình “đàn sếu bay” của Akamatsu trong một phạm vi hẹp của ngành sản xuất. Đồng thời, đầu tư vào ngành này Nhật Bản còn nhằm tới mục đích chiếm lĩnh thị trường đang phát triển đầy tiềm năng của ASEAN.

Đối với các nước ASEAN, các ngành công nghiệp chế tạo sẽ giúp cho họ xây dựng năng lực cho các ngành công nghiệp hiện đại, sản xuất các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có tính cạnh tranh cao. FDI góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước mà lợi ích trước mắt là giải quyết được một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động. Hơn nữa, các quốc gia đang phát triển như ASEAN rất cần một lượng FDI để bổ khuyết cho những điểm yếu của nền kinh tế trong nước. FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những ngành mới ở các nước ASEAN. Tuy nhiên, vì sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, ASEAN cũng phải chấp nhận mặt trái của FDI đưa lại.

Thứ ba, có sự phát triển nhanh chóng FDI của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Nhật Bản (SME) vào ASEAN. Sự tăng giá của đồng yên đã mang lại nhiều áp lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Các doanh nghiệp loại này không thể tiếp tục sản xuất và kinh doanh trong nước thuận lợi như trước nữa. Do đó, họ phải dịch chuyển các nhà máy sản xuất sang những nước có chi phí thấp. Ở Châu Á, ASEAN nổi lên như là một khu vực đầy tiềm năng và đáp ứng tốt những yêu cầu của các SME của Nhật Bản. Vì thế, các SME của Nhật Bản đã đẩy nhanh mức độ đầu tư vào ASEAN từ “318 dự án lên tới mức cao nhất 1625 dự án năm 1988, tức tăng với tốc độ hàng năm trên 70% và sau đó đã giảm xuống. Tuy vậy, sự giảm sút này đã chấm dứt vào năm 1993 khi số dự án FDI của các SME đạt tổng cộng 698”[10] Các SME Nhật Bản còn di chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp của họ từ NIEs sang ASEAN. Việc các SME của Nhật Bản di chuyển mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp của họ vào ASEAN đã làm cho đầu tư của Nhật Bản ở khu vực này thêm yếu tố mới. Đó là các SME trong ngành chế tạo cũng chỉ dựa trên những dự án đầu tư quy mô vừa và nhỏ ở ASEAN nhưng lại có vai trò lớn trong việc tạo ra việc làm, chuyển giao trọn gói vốn, công nghệ và tri thức quản lí. Ngoài ra mạng lưới sản xuất liên công ty của các SME hết sức có hiệu quả trong hệ thống thầu khoán độc đáo của Nhật Bản đã phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy hình thành các mạng lưới liên công ty của các ngành công nghiệp hỗ trợ ở các nước ASEAN và kết quả cuối cùng sẽ làm tăng được sức cạnh tranh quốc tế của các ngành công nghiệp đó.

Thứ tư, FDI của Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư các dự án của các ngành công nghiệp có thể gây ô nhiễm môi trường vào ASEAN. Nguyên nhân, là do khi thực hiện công nghiệp hoá sau chiến tranh, Nhật Bản đã ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất để tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản, góp phần tạo nên điều “thần kỳ” trong phát triển kinh tế của  nước Nhật. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các ngành này đã bộc lộ những mặt trái của nó, đó là làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng và phá vỡ cân bằng của hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Chính người dân là nạn nhân trực tiếp hứng chịu hậu quả của việc phát triển quá mức các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Nên họ đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh ngày một quyết liệt buộc các công ty phải xử lí hậu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, cũng như buộc chính phủ phải ban hành những đạo luật nhằm ngăn ngừa nạn ô nhiễm và điều chỉnh lại cơ cấu phát triển những ngành này.

Hơn nữa, trong thời gian này các ngành chế tạo và hóa chất mất dần lợi thế so sánh do lương công nhân tăng cao. Đây cũng là thời điểm mà Nhật Bản điều chỉnh chính sách công nghiệp ưu tiên phát triển những công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, cần ít nguyên liệu, ít ô nhiễm môi trường, có tiềm năng phát triển trong tương lai. Vì thế, Nhật Bản đã đẩy mạnh quá trình di chuyển những ngành công nghiệp chế tạo có thể gây ô nhiễm ra bên ngoài Nhật Bản thông qua FDI.

Địa bàn các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn là các nước ASEAN, sở dĩ như vậy là do các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ rất khó thâm nhập vào môi trường Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, ASEAN là những nước đang phát triển, rất thiết tha với nguồn vốn FDI để bổ khuyết cho những khó khăn của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa đặt ra yêu cầu phải xây dựng được những ngành công nghiệp cơ bản của địa phương. Công nghiệp chế tạo, công nghiệp hóa chất không còn hiện đại và có ít lợi thế so sánh ở Nhật Bản nhưng nó trở thành hiện đại và có nhiều lợi thế khi nó được đặt ở các nước ASEAN. Vì mục tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế nên ASEAN đã thực chính sách thu hút đầu tư mở rộng nên chưa thể có những quy định chặt chẽ đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Cho nên, trong thập niên 90 luồng vốn FDI của Nhật Bản chảy vào ASEAN bằng các dự án của các ngành công nghiệp gây ôn nhiễm rất lớn.

Sau  cùng là những tác động tích cực FDI của Nhật Bản vào ASEAN trong thời kì này: Về phía Nhật Bản: đẩy mạnh dòng vốn FDI vào ASEAN các công ty Nhật Bản đã khai thác sự chênh lệch về chi phí so sánh trong sản xuất để tăng tối đa lợi nhuận, FDI là một kênh quan trọng giúp cho Nhật Bản di chuyển những công nghệ cũ đã lạc hậu hay gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển, nhường chỗ cho các công nghệ mới tiên tiến phát huy tính năng của nó tại Nhật Bản. Như vậy, FDI của Nhật Bản vào ASEAN đã giúp cho các công ty Nhật Bản đảm bảo được tính kế thừa và lợi nhuận kinh tế trong quá trình đổi mới công nghệ, đồng thời còn giúp cho Nhật Bản “hợp lí hóa quá trình sản xuất và thương mại xuyên biên giới”. Giảm xung đột thương mại với bạn hàng, làm cho Nhật Bản giảm được sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường nguyên liệu bên ngoài và làm tăng sự phụ thuộc của ASEAN vào công nghệ của Nhật Bản.

Về phía các nước ASEAN: cùng với FDI thì FDI của Nhật Bản đã có những tác động quan trọng đến nền kinh tế ASEAN trên nhiều phương diện. Sự tăng mạnh luồng vốn FDI của Nhật Bản vào ASEAN trong thập niên 90 thế kỉ XX (khoảng 54 tỷ USD) đã bổ sung nguồn tài chính quan trọng cho nền kinh tế các nước này. Đặc biệt, vào thời điểm khủng hoảng nợ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX và cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 thì nguồn vốn này hết sức có ý nghĩa. FDI của Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang ASEAN. Những thành tựu trong nền sản xuất công nghiệp mà ASEAN có được một phần rất lớn nhờ vào sự chuyển giao những dây chuyền sản xuất hiện đại từ Nhật Bản. Thông qua các cơ sở sản xuất của mình ở ASEAN, các công ty Nhật Bản nhất là các công ty trong lĩnh vực chế tạo đã góp phần đáng kể vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại các nước ASEAN. Với cơ cấu đầu tư hướng vào các ngành công nghiệp xuất khẩu, FDI đã có vai trò lớn góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại nội khối cũng như quốc tế của ASEAN phát triển.

 

TS NGÔ HỒNG ĐIỆP (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum)

ThS NGUYỄN HUY PHƯƠNG (Đại học Phú Yên)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ASEAN Secretariat (1999), Statisties of Foreign Direct Investment in Asean.

2. Bộ Ngoại Giao (1998), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Kim Ngọc (chủ biên) (1993), Kinh tế thế giới , Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. JBIB Review (2000), Japan bank of international Cooperation, No.1 May.

5. Jetro (1999), “Jetro white paper on foreign investment 1999”.

6. Nguyễn Duy Quý (2001), Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Lê Văn Sang - Đào Lê Minh ( chủ biên) (1998), Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Tokugana. S (1996), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản và sự phụ thuộc .

9. Lưu Ngọc Trịnh (1997), “Vị trí các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong đầu tư trực tiếp và nước ngoài (FDI) của Nhật Bản trong những năm gần đây”, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 1 (14), tr  34 - 41.



([1]) Megatrends in Asia, by John Naisbitt, 1995

([2]) Lê Văn Sang - Đào Lê Minh (chủ biên) (1998), Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr 114.

([3]) Bộ Ngoại Giao (1998), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 312

([4]) Nguyễn Duy Quý (2001), Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.412

([5]) Lê Văn Sang - Đào Lê Minh ( chủ biên) (1998), Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 116.

([6]) Tokugana. S (1996), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản và sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ở Châu Á”, Nxb Khoa học xã hội,  Hà Nội. tr. 159

([7]) Lê Văn Sang - Đào Lê Minh ( chủ biên) (1998), Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr.117.

([8]) Kim Ngọc (chủ biên) (1993), Kinh tế thế giới , Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. tr. 144.

([9]) Lê Văn Sang - Đào Lê Minh (chủ biên) (1998), Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr.118.

 

([10]) Lưu Ngọc Trịnh (1997), “Vị trí các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong đầu tư trực tiếp và nước ngoài (FDI) của Nhật Bản trong những năm gần đây”, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 1 (14), tr  34 - 35.

0thảo luận