Trang chủ

JAPANESE TRAITS AND FOREIGN INFLUENCES

Đăng ngày: 19-02-2014, 11:46 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tính cách Nhật Bản và những ảnh hưởng của nước ngoài

Tác giả: Inazo Nitobé

Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 216 trang

Kí hiệu: Lv 813

Ngôn ngữ: tiếng Anh

 

Người Nhật nổi tiếng là có kỷ luật, cho dù sự kỷ luật đó bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh sống khó khăn, từ việc nghĩ tới lợi ích chung hay từ văn hóa... đã trở thành thứ “tự giác”. Người Nhật Bản có tính hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài. Họ luôn tìm tòi và học hỏi làm sao tích lũy được nhiều  kinh nghiệm cho mình. Chính tinh thần hiếu kỳ, óc cầu tiến của người Nhật là động lực thúc đẩy họ trở thành quốc gia tiên tiến đứng thứ 2 thế giới. Có ý thức tập thể cao, trong công việc người Nhật thường gạt cái tôi ra và đề cao cái chung, họ có thể cạnh tranh với nhau, song cũng có lúc họ bắt tay với nhau để đạt được mục đích chung nhằm đánh bại đối thủ nước ngoài. Người Nhật Bản rất tôn trọng thứ bậc và địa vị, đây là tập tục có từ lâu đời của người Nhật. Người dân xư sở hoa Anh Đào còn có óc thẩm mỹ rất cao, họ biết sắp xếp công việc và cách trang trí nhà cửa, xếp đồ đạc hay cách bài trí bữa cơm. Những điều này không chỉ biểu hiện bên ngoài, mà còn ở cả lối sống, suy nghĩ và cung cách làm việc của họ, người Nhật có tính tiết kiệm và làm việc chăm chỉ, lòng trung thành của họ cũng được khẳng định. Họ tăng cường sức mạnh của mình bằng cách nuôi dưỡng tình cảm trung thành của các công nhân  thông qua việc đào tạo có chế độ đãi ngộ rất tốt nhằm thu hút nguồn nhân lực. Xã hội Nhật Bản là một xã hội có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng không tạo sự cạnh tranh giữa các cá nhân, mà các cá nhân phải làm việc quên mình cho sự cạnh tranh của nhóm. Người Nhật luôn làm theo mục tiêu đã định, tôn trọng thứ bậc trong xã hội, cần cù và có tính trách nhiệm cao, yêu thiên nhiên và có khiếu thẩm mỹ, tinh tế, khiêm nhường và luôn luôn giữ chữ tín.

Nói tới Nhật Bản, không ít nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng sự thành công trong phát triển kinh tế của Nhật Bản là kết quả của sự kết hợp khéo léo giữa “công nghệ phương Tây” và “tính cách Nhật Bản”. Trải qua những bước thăng trầm trong lịch sử, sự lớn mạnh của nền kinh tế đã làm cho Nhật Bản trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất thế giới. Nhiều báo chí nước ngoài ca ngợi “Nhật Bản đã trở thành siêu cường về kinh tế”. Tại sao một nước đi sau trên con đường tư bản chủ nghĩa - chìm đắm trong chế độ phong kiến khi nhiều quốc gia phương Tây đã bắt đầu tiến nhanh trên con đường TBCN, lại vươn lên và phát triển mạnh mẽ như vậy?

Điều kiện tự nhiên của Nhật Bản rất khắc nghiệt - thiên tai, bão lũ, động đất xảy ra thường xuyên. Hơn 2/3 diện tích Nhật Bản là đồi núi trong đó có hơn 30 ngọn núi lửa, đất đai trồng trọt ít, tài nguyên khoáng sản hầu như không có. Đặc biệt sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nền kinh tế bị lâm vào khủng hoảng ngiêm trọng: năng lượng thiếu, lạm phát nặng nề, 13,1 triệu người không có việc làm, đất nước bị quân đội Mỹ chiếm đóng... Dù vậy, sau đó Nhật Bản vẫn vươn lên hàng các cường quốc thế giới, đứng thứ hai sau Mỹ và đạt được nhiều điều kỷ diệu về phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là giai đoạn 1952-1973. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Nhật Bản phát triển với nhịp độ rất nhanh, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc gia thực tế thường ở mức cao nhất trong các nước tư bản. Nhật Bản đã dẫn đầu các nước tư bản về tàu biển, xe máy, máy ảnh, tivi, vận tải đường biển... và nhanh chóng xây dựng nên các ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên kĩ thuật công nghệ hiện đại. Nhật Bản đã khẳng định vị trí của mình và duy trì hình ảnh một siêu cường kinh tế khi bước vào thế kỷ XXI.

Để góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tính cách Nhật Bản cũng như những đặc trưng của đất nước này và ảnh hưởng từ bên ngoài đến xứ sở hoa Anh Đào, tác giả Inazo Nitobé đã cho ra đời cuốn sách “Japanses traits and foreign influences” (Tính cách Nhật Bản và những ảnh hưởng của nước ngoài). Nội dung cuốn sách được chia thành 9 phần. Bề ngoài có vẻ như các phần không có sự kết nối với nhau, bởi cuốn sách này bao gồm các bài tiểu luận và các bài thuyết trình về các chủ đề được chuẩn bị công phu trong thời gian dài, nhưng khi nghiên cứu kỹ, nội dung của cuốn sách khá logic. Phần 1, 2, 5, 6 và 7 lần đầu tiên được đưa ra thuyết trình tại Geneva, nhưng thông thường thời gian dành cho một bài thuyết trình không cho phép trình bày đầy đủ như tác giả mong muốn. Phần 3 là sự phát triển của một bài tiểu luận báo cáo về đời sống sáng tạo của các nước (Intellectual Life of Various Countries), được Hội Quốc Liên (League og Nations) xuất bản. Phần 4 là một bài thuyết trình tại Stockholm dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Nhật Bản Thụy Điển (Swedish Japanese Society); nhưng so sánh giữa bản sao được in ra của bài thuyết trình này và phần 4 sẽ cho thấy một sự khác biệt đáng kể - không chỉ trong ý tưởng mà cả trong cách giải quyết. Phần 7 là sự mở rộng của một bài viết ngắn chủ yếu là chuẩn bị theo yêu cầu của Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế (Interational League of Red Cross Societies). Cuối cùng, phần 9 gồm một phần của những bài viết đóng góp cho tờ De Telegraaf của Amsterdam.

Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc những hiểu biết chung về phương Đông, mà đặc biệt là đặc điểm tâm lý, đạo đức, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học… của Nhật Bản. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về đất nước hoa Anh Đào này.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận