Trang chủ

BIỂN ĐÔNG: QUẢN LÝ TRANH CHẤP VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP

Đăng ngày: 7-01-2014, 12:54 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Đình Quý, Nguyễn Minh Ngọc chủ biên

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2013, 265 trang

Kí hiệu: Vt 459

 

Giá trị địa chiến lược của Biển Đông và cuộc đua giành tài nguyên, ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương đã làm gia tăng cọ xát và va chạm giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các nước lớn. Những toan tính vị kỷ khiến tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn và khó giải quyết bởi sự nghi kỵ lẫn nhau và chuỗi hành động - phản ứng diễn ra liên tục. Việc thường xuyên đánh giá lại tình hình để tìm ra không gian hợp tác, giảm thiểu căng thẳng, đồng thời phân tích các khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông có thể đưa ra những gợi ý hữu ích cho việc giải quyết tranh chấp. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm của cuốn sách “Biển Đông: quản lý tranh chấp và định hướng giải pháp”. Cuốn sách được chia thành 3 chương:

Chương 1: Những đánh giá về diễn biến tình hình Biển Đông. Phần này tập hợp những bài viết của các tác giả liên quan đến vấn đề tính liên tục và sự thay đổi trong diễn biến tình hình ở Biển Đông; căng thẳng hay hòa dịu trong tranh chấp ở Biển Đông; sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trên Biển Đông. Nội dung của chương này đã cung cấp những nhận định đa chiều của các học giả về những phát triển mới trong tranh chấp Biển Đông.

Chương 2: Các vấn đề pháp lý quốc tế ở Biển Đông. Chương này tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay trên phương diện pháp lý, với các bài viết của các học giả về những vấn đề như Biển Đông trên khía cạnh pháp lý; phân định tranh chấp chủ quyền - các yêu sách quyền sở hữu đối với “cấu trúc đất” ở Biển Đông; vai trò của quy chế về các thực thể địa lý xa bờ đối với các yêu sách vùng biển ở Biển Đông; vì sao “quyền lịch sử” bị công ước Luật biển 1982 đưa vào lịch sử; “nghĩa vụ” hợp tác của các quốc gia trong vùng biển kín hoặc nửa kín.

Chương 3: Hợp tác, quản lý và giải quyết tranh chấp. Chương này tập trung đánh giá các điều kiện, thách thức, cơ hội cho việc hợp tác quản lý Biển Đông và thảo luận một số mô hình cụ thể, trong đó tập trung bài viết của một số học giả về sự phức tạp trên Biển Đông - nhìn từ quá khứ tới tương lai; Biển Đông - mười lầm tưởng và mười sự thật; quản lý hoặc giải quyết các tranh chấp biên giới biển ở Biển Đông - những thách thức và cơ hội; việc thực thi hiệp định hợp tác nghề các giữa Trung Quốc và Việt Nam - góc nhìn từ Trung Quốc; bảo tồn và quản lý chung nguồn tài nguyên hải sản ở Biển Đông - những thể chế hiện hành, các thông lệ quốc gia và các đề xuất hợp tác; hợp tác ở Biển Đông - từ quản lý tranh chấp đến quản trị đại dương.

Các bài viết của các học giả trong cuốn sách đều chỉ ra những nguồn gốc của căng thẳng Biển Đông thời gian gần đây, phân tích đa chiều các khía cạnh chính trị, pháp lý của vấn đề, đồng thời nỗ lực đề xuất những lĩnh vực mà các quốc gia liên quan cần nhanh chóng triển khai hợp tác để giảm thiểu khả năng mâu thuẫn lan ra thành xung đột, đối đầu. Phần lớn các tác giả đều thống nhất rằng vẫn tồn tại những lợi ích chung ở Biển Đông, vẫn còn không gian rộng mở cho hợp tác những điều quan trọng là các quốc gia phải thể hiện ý chí chính trị hướng đến việc dàn xếp hòa bình tranh chấp, đạt được một kết quả cùng có lợi cho tất cả các bên thay vì bị chi phối bởi tình cảm dân tộc và những toan tính vị kỷ. Chỉ khi đó, Biển Đông mới có thể tiếp tục là không gian phát triển hòa bình, thịnh vượng - không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn các thế hệ tương lai. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề Biển Đông.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận