Trang chủ

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU TỚI NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN VÀ NHỮNG TIẾN TRIỂN GẦN ĐÂY

Đăng ngày: 3-12-2013, 10:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » So 9

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ nước Mỹ kể từ cuối năm 2007 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, và EU. Mặc dù không phải là tâm chấn của khủng hoảng, song Nhật Bản lại là quốc gia gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng này. Đến nay, bằng những nỗ lực rất lớn của chính phủ cũng như các doanh nghiệp, nền kinh tế Nhật Bản đã có những tín hiệu khả quan cho thấy nó đã bắt đầu đi vào quỹ đạo của sự phục hồi. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một sự phục hồi hết sức mong manh bởi vì nền kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Bài viết này sẽ điểm lại một số tác động chủ yếu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế Nhật Bản và những tiến triển gần đây của nền kinh tế này.

1. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nền kinh tế Nhật Bản

Những tác động dễ thấy nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Nhật Bản (cũng như đối với các nền kinh tế khác) là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, tình trạng phá sản của các công ty và nạn thất nghiệp gia tăng, giá cả thị trường bất ổn định.

Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm mạnh kể từ quý IV năm 2008, và đặc biệt nghiêm trọng trong quý I/2009. Các số liệu được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 20/5/2009 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong quý I đã giảm 4% so với quý trước và giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do nhu cầu đối với các mặt hàng ôtô, điện tử và nhiều mặt hàng khác của Nhật Bản giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Tính chung trong năm tài chính 2008 tính đến hết tháng 3/2009, theo số liệu công bố chính thức, GDP của Nhật Bản đã lần đầu tiên sụt giảm trong 7 năm qua và ở mức giảm kỷ lục 3,5%.


Bảng 1: Báo cáo kinh tế hàng tháng (Văn phòng Nội các Nhật Bản)

 

Tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế  (hàng Quí)

Qúi IV/2008

-3,6%

Qúi I /2009

-3,8%

Tỷ lệ tăng trưởng GDP tính theo năm

-13,5%

-14,2%

Tỷ lệ thất nghiệp (hàng tháng, được điều chỉnh theo mùa)

Tháng 4/2009

5,0% / 3.460.000 người

Tháng 5/2009

5,2% / 3.470.000 người

Chỉ số giá tiêu dùng ( hàng tháng)

100.7

100.5

Tỷ giá ngoại tệ (hàng tháng)

Tháng 5/2009

1 USD = 96,45 JPY

1 EURO = 134,65  JPY

Tháng 6/2009

1 USD = 95,56 JPY

1 EURO = 135,53  JPY

 

Biểu đồ 1: Sự thay đổi GDP bình quân (%)  từ 2004 - 2009 (Điều chỉnh theo mùa)

 

 

 

 

Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, trong năm tài chính 2008 lần đầu tiên sau 28 năm (kể từ năm 1980 - ngay sau thời kỳ khủng hoảng dầu lửa lần 2), cán cân ngoại thương Nhật Bản đã bị thâm hụt, và mức thâm hụt đã lên tới 725,3 tỷ Yên. Trong suốt các năm từ 2002 đến 2007, thặng dư ngoại thương của Nhật Bản luôn đạt mức trên dưới 10 nghìn tỷ Yên. Như vậy, có thể nói ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho cán cân ngoại thương Nhật Bản từ chỗ có mức thặng dư khổng lồ trở thành thâm hụt chỉ trong vòng 1 năm. Trong đó, xuất khẩu trong năm tài chính 2008 đạt 71,1435 nghìn tỷ Yên, giảm 16,4% và là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu đạt 71,8688 nghìn tỷ Yên, giảm 4,1%. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 12,876 nghìn tỷ Yên, giảm tới 27,2% so với năm trước, và là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu sang các nước Châu Âu giảm 23%, và cũng là mức giảm lớn thứ 2 so với trong quá khứ. Xuất khẩu sang thị trường Châu Á cũng giảm tới 13,4%. Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 9,8%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc, Hồng Kông cũng giảm mạnh.

Ngành sản xuất ô tô là ngành chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng. Theo các số liệu mà Hiệp hội ô tô Nhật Bản công bố, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu và châu Á giảm mạnh nên ngành công nghiệp xuất khẩu ô tô của Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 4/2009, sản lượng ô tô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước là 485 nghìn chiếc, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng xe hơi là 416 nghìn chiếc giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng xe tải và các loại xe khác cũng giảm mạnh. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản còn phải đối mặt với tình trạng nhu cầu nhập khẩu ô tô tại các thị trường thế giới giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Mỹ. Tháng 4/2009, số lượng ô tô xuất khẩu của Nhật Bản chỉ đạt 206 nghìn chiếc, giảm 64,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2008 và cũng là mức giảm kỷ lục kể từ sau năm 1973 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại số lượng ô tô xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường Mỹ đã giảm gần 70%, sang thị trường EU giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2008. Do kim ngạch xuất khẩu ô tô, linh kiện điện tử giảm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản quý I/2009 đã giảm 26%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ sau đại chiến Thế giới II. Thêm vào đó, đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị của Nhật Bản cũng giảm mạnh. Từ quý I/2009, con số đầu tư vào các doanh nghiệp này của Nhật Bản giảm xuống 10,4%, cũng là mức giảm kỷ lục kể từ sau Đại chiến thế giới II đến nay.

Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đã thông báo lỗ nặng. Điển hình nhất là trường hợp Toyota, hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ hai trên thế giới, đã thua lỗ lần đầu tiên sau 71 năm. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2008, Toyota lỗ 437 tỷ Yên, tương đương xấp xỉ 4,4 tỷ USD, so với mức lãi 1.710 tỷ Yên của năm tài khóa trước. Hitachi lỗ 787 tỷ Yên. Toshiba cũng lỗ 343 tỷ Yên. Hãng tin tài chính Nikkei của Nhật cho biết có khoảng 30% trong số 3.820 công ty đại chúng của Nhật Bản báo lỗ trong năm tài khóa 2008. Tình hình đối với các doanh nghiệp Nhật Bản u ám đến nỗi, tháng 4/2009, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ cứu trợ những công ty gặp khó khăn.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nửa cuối năm tài khóa 2008 (tháng 10/2008 đến hết tháng 3 năm 2009), tại Nhật Bản có hơn 100 nhà máy lớn bị đóng cửa, nhiều gấp hơn 4 lần so với giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9/2008. Đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất máy móc thiết bị, sản phẩm điện gia dụng, thực phẩm có nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa do tình hình bán hàng kém. Trong đó có cả các hãng điện tử, thiết bị điện nổi tiếng của Nhật Bản và thế giới. Chẳng hạn như hãng Panasonic đã quyết định đóng cửa 13 nhà máy, chủ yếu là các nhà máy sản xuất màn hình ti vi sử dụng trong ô tô; Hãng Juki đóng cửa 4 nhà máy sản xuất phụ tùng máy khâu, Sony đóng cửa nhà máy sản xuất linh kiện ti vi... Trong số hơn 100 nhà máy bị đóng cửa trong giai đoạn nói trên, có tới có tới 94 nhà máy bị đóng cửa trong khoảng từ tháng 1 đến hết tháng 3/2009. Các hãng sản xuất đều cho rằng, trong thời gian trước mắt, không thể trông đợi kinh tế hồi phục và đồng Yên giảm giá. Vì vậy, họ buộc phi cắt giảm đầu tư và nhân công.

Trong quý IV/2008 và quý I/2009, 20 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã cắt giảm tổng cộng 87.000 nhân công cả ở trong nước và nước ngoài. Tính tới cuối tháng 3/09, các tập đoàn này có tổng cộng 2,858 triệu nhân viên, giảm 3% so với cuối tháng 9/2008. Việc cắt giảm nhân công diễn ra phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử, do nhu cầu của thế giới và giá cả của các mặt hàng điện tử giảm. Trong quý IV/2008 và quý I/2009, Panasonic đã cắt giảm khoảng 21.000 việc làm, mức cắt giảm lớn nhất trong số 20 tập đoàn nói trên. Tiếp theo là Sony, với số nhân viên bị sa thải là 14.000. NEC cũng đã cắt giảm 13.000 nhân công và có kế hoạch cắt giảm thêm ít nhất 7.000 nhân công nữa trong các tháng tiếp theo. Tình trạng cắt giảm nhân công ít nghiêm trọng hơn ở các hãng sản xuất ôtô. Cuối năm 2008, Nissan đã thông báo kế hoạch cắt giảm 20.000 lao động, song số nhân công bị mất việc trên thực tế đến nay không lớn như vậy. Các hãng sản xuất thép và hóa học cũng thực hiện việc sa thải nhân công một cách hạn chế.

Tình trạng cắt giảm nhân công của các công ty cộng với sản xuất đình trệ đã đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản lên tới mức kỷ lục. Tổng số người thất nghiệp toàn phần tại Nhật Bản tính đến tháng 4/2009 đã lên tới 3,35 triệu người, tăng 670 nghìn người so với tháng trước và là tháng thứ 5 tăng liên tục. Số người đang làm việc là 62,45 triệu người, giảm 910 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 14 giảm liên tục. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam giới là 4,9% và của nữ giới là 4,7%. Trong số những người thất nghiệp toàn phần, có 1,06 triệu người do công ty phá sản, giảm nhân viên, và 1,03 triệu người vì lý do cá nhân. Tính đến tháng 4/2009 tỷ lệ thất nghiệp toàn phần tại Nhật Bản đã lên đến mức 5,2%, là mức cao nhất tính từ năm 2006, song con số này vẫn tiếp tục tăng thêm. Theo một số dự báo, tỷ lệ này vào quí 2/2010 sẽ lên tới 5,66%, là mức cao nhất trong lịch sử Nhật Bản.


Biểu đồ 2: Tỷ lệ thất nghiệp (%) và số người thất nghiệp (Triệu người)

 

 

Về tình hình phá sản, theo số liệu của Công ty điều tra thương mại và công nghiệp Tokyo - Nhật Bản, trong vòng 6 tháng đầu năm 2009, có hơn 8.000 công ty Nhật Bản bị phá sản, tăng hơn 8% so với cùng kì năm 2008. Đây mới chỉ là con số thống kê cho các doanh nghiệp có số nợ trên 10 triệu Yên (tương đương với khoảng 100.000 USD). Đa số các doanh nghiệp bị phá sản đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số liệu thống kê còn cho thấy, tổng số nợ của hơn 8.000 doanh nghiệp phá sản này là hơn 4.685 tỉ Yên, tăng hơn 47% so với cùng kì năm 2008. Trong đó có 70 doanh nghiệp phá sản với khoản nợ 10 tỉ Yên. Các doanh nghiệp trong ngành chế tạo, sản xuất chiếm tỉ lệ phá sản cao nhất, tiếp sau đó là các doanh nghiệp bất động sản, vận tải.

Cùng với những khó khăn trên là tình trạng suy giảm của chỉ số giá hàng tiêu dùng trong nước. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, giá các mặt hàng tiêu dùng của nước này đã giảm xuống mức kỷ lục trong mấy tháng qua và Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ giảm phát nghiêm trọng. Theo công bố của Ngân hàng Nhật Bản ngày 10/7, chỉ số giá bán buôn (CGPI) tháng 6/2009 đã giảm tới 6,6% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là mức giả sút cao nhất trong lịch sử Nhật Bản. Chỉ số giá xuất khẩu (tính bằng Yên) giảm 12,8% và chỉ số giá nhập khẩu giảm 32,2%. Giá hàng hóa hạ cho thấy nhu cầu nội địa yếu trong bối cảnh các công ty hạn chế chi tiêu, sa thải nhân công đã làm cho bức tranh kinh tế Nhật Bản càng trở nên ảm đạm. Theo công bố của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tổng doanh số bán buôn và bán lẻ của thị trường Nhật Bản tháng 3/2009 chỉ đạt 45.650 tỷ Yên, giảm 24%, là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Trong đó, doanh số bán lẻ đạt 11.723 tỷ Yên, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 7 giảm liên tiếp. Doanh số bán buôn đạt 33.342 tỷ Yên, giảm 29,2%, là tháng thứ 5 giảm liên tiếp và là cũng mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Nhu cầu hàng hóa tại nội địa Nhật hiện đang ở mức thấp, giá hàng hóa nội địa từ đầu năm đến tháng 6/2009 đã giảm 2,6%, mức sụt giảm thấp nhất kể từ năm 2002.


Biểu đồ 3: Chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng

 

 

Trên thị trường tài chính, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Nhật Bản còn nghiêm trọng hơn cả so với nền kinh tế thực. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã trải qua những chuỗi ngày hết sức bi đát do cổ phiếu giảm giá trong khi đồng yên tăng giá lên mức kỷ lục so với USD và Euro kể từ năm 2005.


Biểu đồ 4: Tỷ giá ngoại hối (USD và EURO)

 

 

 

Việc đồng Yên tăng giá so với USD và Euro trên thị trường ngoại hối Tokyo, đã tạo thêm áp lực đối với thị trường chứng khoán làm cho thị trường chứng khoán Tokyo xuống giá mạnh. Các cổ phiếu ngành ôtô gồm Toyota, Nissan, Honda và điện tử như Panasonic, Sony, Sharp đều sụt giá, kéo chỉ số Nikkei xuống theo. Chỉ số Nikkei 225 - một chỉ số được coi là thước đo của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm điểm liên tiếp xuống dưới mức 10.000 điểm (thấp nhất trong vòng 5 năm qua). Chỉ số này vào tháng 6/2009 là 9.291 điểm, trong khi đã có lúc nó đạt mức kỷ lục hơn 17.000 điểm vào tháng 8/2007.

Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group ngày 19/5/2009 đã thông báo lỗ ròng 256,95 tỷ yên (khoảng 2,7 tỷ USD) trong năm tài chính 2008 do sự xuống dốc của thị trường chứng khoán. Các ngân hàng lớn hàng đầu Nhật Bản lúc đầu được xem như có thể "miễn dịch" với khủng hoảng tín dụng toàn cầu, đồng thời chớp được cơ hội tốt để nắm lấy cổ phần của những tập đoàn tài chính phương Tây gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, chính họ cũng thua lỗ nặng nề khi chứng khoán trượt giá. Theo ông Nobuo Kuroyanagi, Giám đốc điều hành Mitsubishi UFJ, sự sụp đổ của Tập đoàn tài chính khổng lồ Lehman Brothers (Mỹ) hồi tháng 9/2008 đã giáng một đòn nặng nề vào Mitsubishi UFJ. Trước vụ phá sản này, Mitsubishi UFJ đã gặp phải một số vấn đề như cho vay dưới tiêu chuẩn, nhưng mọi việc chỉ tê liệt sau khi Lehman Brothers sụp đổ và mọi việc diễn ra không còn theo dự kiến.

Để đối phó với những thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản đã 4 lần tung ra các gói kích thích kinh tế với giá trị hàng trăm tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ lãi suất cơ bản đồng yên xuống tới mức thấp kỷ lục 0,1%, đồng thời tiến hành mua thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp nguồn tiền với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại... Nhờ những nỗ lực đó, nền kinh tế Nhật Bản kể từ nửa sau của năm 2009 đã có những tín hiệu lạc quan.

2. Những tiến triển của nền kinh tế Nhật Bản gần đây

Theo các số liệu thống kê và đánh giá của Ngân hàng Nhật Bản, sự suy giảm của nền kinh tế Nhật Bản kể từ nửa sau của năm 2009 đã có dấu hiệu chững lại. Nhân tố chính giúp cho nền kinh tế Nhật Bản không tiếp tục đi xuống là sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành ô tô và điện máy:

- Sản xuất và xuất khẩu ô tô của Nhật Bản trong mấy tháng gần đây đã cho thấy một xu hướng phục hồi rất rõ nét nhờ những kết qủa đạt được trong việc giải toả hàng tồn kho, đặc biệt là hàng tồn kho ở nước ngoài. Nhiều công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản trong những tháng gần đây đã bắt đầu tăng sản xuất và thực hiện các biện pháp khuyến khích mua sắm ô tô mới kể từ tháng 4/2009.

- Các đơn đặt hàng của nước ngoài đối với linh kiện và phụ tùng điện máy Nhật Bản cũng tăng mạnh cùng với việc giải toả hàng tồn kho cả ở trong nước lẫn nước ngoài và sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc - một thị trường lớn đối với các mặt hàng điện máy của Nhật Bản, đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành điện máy, đặc biệt là đối với các linh kiện sử dụng cho tivi màn hình phẳng, điện thoại di động và máy vi tính. Sản xuất tăng không chỉ đối với các linh kiện điện tử mà còn đối với cả các sản phẩm hoàn chỉnh, đặc biệt là tivi màn hình phẳng.

- Đầu tư công cộng cũng tăng đáng kể do việc thực hiện các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là gói kích thích kinh tế được thông qua hồi cuối tháng 5/2009 với trị giá gần 144 tỷ USD. Đây là gói kích thích kinh tế thứ 4 kể từ tháng 8/2008. Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm cao nhất nhằm khắc phục suy thoái kinh tế. Gói kích thích kinh tế lần này được dùng vào việc cắt giảm thuế, tăng chi tiêu công, hỗ trợ thất nghiệp, và thúc đẩy tiêu thụ xe ôtô và hàng điện tử. Nhờ vậy, giá trị của các hợp đồng đầu tư công cộng đã tăng hơn 10% trong tháng 6/2009 so với cùng kỳ năm trước và sản lượng công nghiệp Nhật Bản tháng 6/2009 đã tăng 5,9% so với tháng 5/2009.

Theo thông báo ngày 17/8/2009 của Chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản đã ra khỏi suy thoái với mức tăng trưởng GDP trong Quý II/2009 đạt 0,9% sau 4 quý suy giảm liên tiếp. Trước đó, Đức và Pháp cũng đã công bố các số liệu cho biết nền kinh tế của các nước này đã ra khỏi suy thoái. Theo đó, Nhật Bản là nền kinh tế thứ 3 trong nhóm G7 đã ra khỏi suy thoái sau Đức và Pháp. Theo đánh giá của một số nhà phân tích kinh tế, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng tốt hơn các nền kinh tế đã phát triển khác trong quý II-2009, và đây được coi là dấu hiệu mở ra triển vọng tươi sáng về việc hồi phục nền kinh tế toàn cầu.

 

Biều đồ 5: Tăng trưởng GDP Nhật Bản theo quý

 

 

Các nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng này là các gói kích thích kinh tế của Chính phủ và sự phục hồi nhu cầu nhập khẩu của các nước bạn hàng của Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc:

- BBC dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích cho rằng các gói kích thích kinh tế của Chính phủ là nguyên nhân chính giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi. Trong giai đoạn từ tháng 12/08 đến tháng 6/09, Chính phủ Nhật Bản đã chi 3.830 tỷ yên (gần 40,8 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thông qua các khoản cho vay khẩn cấp cũng như các kế hoạch mua trái phiếu doanh nghiệp. Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn tập trung vào việc tăng chi tiêu công và khuyến khích tiêu dùng cá nhân, đặc biệt là khuyến khích mua ôtô tiết kiệm nhiên liệu và đồ dùng gia đình. Theo ông Mariko Oi, phái viên của kênh truyền hình BBC Asia Business Report: dân chúng trong nước bắt đầu mua xe hơi Nhật trở lại dù cho không được nhiều như trước đây, nhờ vào kế hoạch của Chính phủ khuyến khích họ thay đổi xe cũ chuyển sang sử dụng các loại xe tiết kiệm năng lượng. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, hiện chiếm tới 60% trong Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nhật Bản, đã tăng 0,9% trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 tháng qua, chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở Nhật tăng.

- Ông Junko Nishioka, chuyên gia cao cấp của Công ty chứng khoán RBS, Tokyo thì cho biết: “Tình hình hiện rất tốt. Chi tiêu công tiếp tục tăng và tôi không nghĩ như một số người rằng suy thoái sẽ trở lại”. Quý  II/2009, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đã tăng 8,3%, tổng khối lượng xuất khẩu tăng 6,3% so với quý I. Tháng 6/2009, thặng dư thương mại của Nhật Bản đã lần đầu tiên tăng trong vòng 20 tháng qua nhờ xuất khẩu tăng, trong khi sản lượng công nghiệp tăng 2,4% so với tháng 5. Ví dụ điển hình là Hãng Toyota - một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật Bản thông báo đã thu hẹp bớt mức lỗ trong năm và đối thủ của họ là Honda đã dự báo sẽ có lời trong năm tới.

- Gói cứu trợ xấp xỉ 2.000 tỷ USD đến từ chính phủ các nước giúp bình ổn nền kinh tế toàn cầu và hỗ trợ xuất khẩu phát triển được coi là một nguyên nhân chủ yếu khác giúp hồi phục kinh tế Nhật Bản. Riêng chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 585 tỷ USD. Số tiền này mặc dù là gói kích cầu của Trung Quốc, song chính nó đã cứu nguy cho ngành sản xuất ô tô, ngành vật liệu xây dựng và ngành thép của Nhật Bản trong thời kỳ khủng hoảng. Xuất khẩu của Nhật Bản tăng chủ yếu là xuất sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.

- Ông Seijiro Takeshita, giám đốc của Mizuho Financial, tổ hợp ngân hàng lớn thứ nhì của Nhật, nói với đài BBC rằng nền kinh tế Nhật Bản đang chứng kiến "một sự hồi phục thực sự". Ông nói: "Chúng tôi dứt khoát đã ra khỏi tình trạng bi quan quá đáng mà chúng ta từng chứng kiến, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn, nói rõ hơn là mức tiêu thụ của dân chúng." "Chúng tôi biết lần này là thực sự chủ yếu nhờ vào gói kích cầu của chính phủ."

Tuy nhiên, cho dù nền kinh tế Nhật Bản đã có những tín hiệu hết sức khả quan, các nhà hoạch định chính sách và nhiều nhà kinh tế học vẫn nhìn nhận vấn đề này một cách thận trọng. Họ cho rằng những nhân tố giúp cho nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong Quý II vừa qua đều là những nhân tố không bền vững. Đó là sự phục hồi của xuất khẩu và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Nhật Bản. Hơn nữa, bản thân sự phục hồi của xuất khẩu của Nhật Bản cũng là nhờ vào sự tăng nhu cầu tiêu dùng của nước ngoài, mà phần lớn sự tăng nhu cầu của nước ngoài này cũng lại là do tác động của các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước. Một khi các gói kích thích kinh tế này hết khả năng phát huy tác dụng thì động lực cho sự tăng trưởng nhất thời này sẽ không còn nữa. Trong khi đó, những nhân tố cơ bản của sự tăng trưởng bền vững là sự phục hồi của sản xuất trong nước và sự gia tăng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn chưa xuất hiện. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn thách thức. Đó là tình trạng thất nghiệp, giảm phát, và suy giảm nhu cầu trong nước:

- Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn rất thận trọng khi công bố trong một báo cáo gần đây cho rằng, mặc dù chỉ số tăng trưởng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan nhưng tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao cộng với sức mua còn yếu là trở lực không nhỏ với quá trình hồi phục của kinh tế Nhật Bản.

- AFP dẫn lời nhà kinh tế học Kyohei Morita cho hay, nền kinh tế nước này được kỳ vọng sẽ giữ mức tăng trưởng cho đến hết năm 2009 nhưng vẫn cần sự chống đỡ trong các chính sách của Chính phủ.

- Số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố gần đây cho thấy, số người không có việc làm ở nước này trong tháng 6 vừa qua đã tăng thêm 830 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 31,3%), đưa số người thất nghiệp tại Nhật Bản lên tới 3,48 triệu, chiếm 5,4% lực lượng lao động ở nước này so với mức 5,2% trong tháng 5. Đây là tháng thứ tám liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 4-2003. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tỷ lệ này lặp lại mức kỷ lục 5,5% sau Chiến tranh thế giới II chỉ còn là vấn đề thời gian. Một số người còn dự đoán số người thất nghiệp sẽ còn tiếp tục gia tăng, và có thể sẽ lên đến con số kỷ lục là 5,8% trong năm tới.

Trong khi đó, giá tiêu dùng cơ bản (bao gồm cả các chi phí nhà ở, thực phẩm, giao thông vận tải, và điện) trong tháng 6 giảm ở mức kỷ lục 1,7% so với cùng kỳ năm 2008 và giảm 0,2% so với tháng 5. Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, mức giảm này phản ánh những dự đoán quan ngại của thị trường về tình hình giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Các con số trên đã phủ bóng đen lên những dự báo lạc quan về triển vọng nền kinh tế Nhật Bản sớm phục hồi sau khi đã qua khỏi tình trạng sụt giảm xuất khẩu và sản lượng hàng hóa nghiêm trọng nhất trong tháng 7 vừa qua.

Những diễn biến về tình hình kinh tế cũng đốt nóng chính trường Nhật Bản. Vực dậy nền kinh tế để Nhật Bản sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay được đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Ta-rô A-xô cũng như các đảng đối lập xem là lá phiếu "nóng" để giành giật cử tri. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ta-rô A-xô, đồng thời là Chủ tịch LDP đưa ra cam kết đẩy mạnh phát triển kinh tế Nhật Bản trong cương lĩnh tranh cử của LDP. Trong cương lĩnh này, LDP đặt mục tiêu đưa nền kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2% trong nửa cuối của tài khóa 2010 và tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức cao nhất thế giới trong 10 năm, thông qua việc tăng thu nhập ròng bình quân của các hộ gia đình lên mức 1 triệu yên/hộ. Cùng với đó, LDP còn cam kết tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trong 3 năm tới và tiến hành cải cách thuế cơ bản, trong đó tăng thuế tiêu thụ 5% khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại.

Những gì đang diễn ra trên chính trường Nhật Bản cho thấy, phục hồi và tăng trưởng kinh tế được xem là con bài đắt giá nhất cho các cuộc cạnh tranh chính trị. Theo một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện, các nhà kinh tế học hy vọng GDP của Nhật Bản sẽ tăng thêm 0,4% trong Quý III và 0,5% trong Quý IV/2009. Nếu được như vậy, nền kinh tế hàng đầu châu Á này sẽ sớm khôi phục đà tăng trưởng và chính trường Nhật Bản có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Tóm lại, các chỉ số của nền kinh tế Nhật Bản cho đến giữa tháng 8/2009 đã cho thấy cả những tín hiệu tích cực lẫn không tích cực. Theo đánh giá của Chính phủ Nhật Bản, những tín hiệu tích cực là rất khả quan và có tác động lớn hơn các tín hiệu không tích cực. Vì thế, kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi và sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong những tháng cuối năm 2009. Trong số các ngành công nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản, tiềm năng của các ngành chế tạo ôtô, điện thoại di động và các thiết bị điện tử là khá lớn. Đây sẽ là những ngành dẫn dắt sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kinh tế lại cho rằng cũng không nên quá lạc quan với những tín hiệu tích cực hiện nay, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới vẫn đang có những dấu hiệu tiếp diễn.

 

TS TRẦN QUANG MINH (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TRẦN MINH NGUYỆT (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hirohide Yamaguchi, Recent Economic and Financial Developments and the Conduct of Monetary Policy, Bank of Japan, July 22, 2009

2. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments (các tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8/2009)

3. Japan Statistics (http://www.stat.go.jp/english/data/index.htm)

4. Ministry of Economy, Trade and Industry (http://www.meti.go.jp/english/index.html)

5. TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, nhiều số.

 

0thảo luận