Trang chủ

VIỆT NAM HƯỚNG TỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CÓ TRÌNH ĐỘ TẠI NHẬT BẢN

Đăng ngày: 2-12-2013, 15:29 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 8

1. Vấn đề sử dụng lao động người nước ngoài ở Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản từ trước đến nay vẫn không chấp nhận nhập khẩu lao động người nước ngoài đặc biệt là đối với những công việc giản đơn. Giai đoạn từ nửa cuối những năm 60 khi có hiện tượng thiếu hụt nhân lực lao động, đã từng có ý kiến đề xuất việc nhập khẩu lao động người nước ngoài, song vấn đề này không được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia mà mới chỉ tồn tại ở dạng đề xuất ý kiến. Thời điểm này đã có một số người Đài Loan làm việc tại Nhật Bản dưới dạng hợp đồng lao động tại Okinawa, song đó đơn giản chỉ là trường hợp ngoại lệ chưa trở thành vấn đề xã hội đáng quan tâm. Trong khi đó, tại các nước tây Âu người nước ngoài làm công ăn lương đã trở thành một bộ phận không nhỏ trong lực lượng lao động của các nước này. Cho đến những năm 70, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sử dụng lao động người nước ngoài.

Bước vào giai đoạn những năm 80, lao động người nước ngoài bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản. Nửa đầu thập kỷ 80, số lượng phụ nữ nước ngoài làm việc nhằm học tập những kỹ năng lao động công nghiệp tăng nhanh và được gọi bằng cái tên “Zyapayukisan”. Nửa sau thập kỷ 80 khái niệm lao động người nước ngoài đã được hình thành trong xã hội Nhật Bản. Số lượng lao động nam giới tăng nhanh, chủ yếu làm việc trong các xưởng sản xuất và công trường xây dựng và đến năm 1986 số lượng lao động nam giới đã vượt nữ giới. Lao động người nước ngoài được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực không cần phải đào tạo, những công việc không cần bằng cấp, trong đó có cả những lưu học sinh làm thêm, người Braxin gốc Nhật. Cần lưu ý rằng lao động nước ngoài này bao gồm cả trường hợp cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Như vậy có thể nói rằng Nhật Bản sử dụng lao động người nước ngoài từ năm 1980. So với các nước tây Âu, Nhật Bản chậm hơn 20 năm trong việc sử dụng lao động nước ngoài([1]).

Có thể lý giải xu hướng người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc bởi những yếu tố sau.

- Sự thiếu hụt lao động của các công ty vừa và nhỏ ở Nhật Bản

- Phát triển kinh tế trên cơ sở phân bố lại một cách thích hợp nguồn lực lao động.

- Hình thức hỗ trợ các nước phái cử lao động thông qua qúa trình truyền đạt kỹ năng lao động.

- Nâng cao vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế.

- Qúa trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.

- Giá trị đồng Yên cao (đặc biệt đối với lao động từ Đông Nam Á và Mỹ La tinh).

Sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ vào đầu những năm 90, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu lao động của Nhật Bản giảm sút. Trong 5 năm từ 1987 đến 1992 số lượng lao động nước ngoài tăng khoảng 3 lần, song từ năm 1992 đến 1997 chỉ tăng khoảng 1,2 lần([2]).

Tuy nhiên, Nhật Bản lại phải đối mặt với vấn đề có ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động trong nước đó là sự già hóa dân số do tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Điều này dẫn đến số lượng người tham gia lao động có chiều hướng giảm mạnh cho dù dân số Nhật Bản tương đối lớn khoảng 128 triệu người. Để đảm bảo cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, hàng năm Nhật Bản cần một lượng lớn người tham gia lao động. Mặt khác, lao động bản xứ có xu hướng tránh những loại hình công việc mà môi trường làm việc không tốt, dễ gặp tai nạn, như ở các công trình xây dựng. Tại Nhật Bản có ba loại công việc mà tiếng Nhật gọi là 3K, phải nhập khẩu lao động nước ngoài vì không thuê mướn được lao động bản xứ: nguy hiểm (kiken), môi trường làm việc không sạch sẽ (kitanai) và điều kiện làm việc khắc nghiệt (kitsui). Báo cáo năm 2000 của Ban dân số thuộc Bộ Kinh tế và Xã hội Nhật Bản nhận xét: “Để có thể duy trì số dân trong độ tuổi lao động với mức của năm 1995 (87,2 triệu), trong giai đoạn từ 1995 – 2050 Nhật Bản cần có 33,5 triệu người nhập cư”([3]).

Như đã đề cập ở trên, chủ trương của chính phủ Nhật Bản là không tiếp nhận người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hàng năm Nhật Bản phải tiếp nhận khoảng 60.000 lao động nước ngoài vào làm việc dưới nhiều hình thức khác nhau. Hoạt động xuất nhập khẩu lao động được tăng cường dưới hình thức tu nghiệp sinh giữa hai nước với nhau là để chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhằm đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giúp các nước này đẩy nhanh sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng thực chất vấn đề này là thu nhận lao động nước ngoài nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước nhất là nhân lực giản đơn, chi phí thấp.

2. Lao động Việt Nam sang Nhật Bản

Từ năm 1980 đến năm 1990, Việt Nam đưa khoảng 25 vạn người sang làm việc ở bốn nước Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, CHDC Đức, Bungary, Tiệp Khắc và một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi. Từ năm 1990 – 1991 do khủng hoảng kinh tế chính trị xã hội ở Liên Xô, Đông Âu và chiến tranh vùng Vịnh nên hàng vạn lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực này phải về nước.

Thời kỳ từ năm 1991 trở đi là giai đoạn Việt Nam chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường và thực hiện đường lối chủ động hội nhập quốc tế. Vì vậy các chính sách xuất khẩu lao động được sửa đổi và không ngừng hoàn thiện cho phù hợp với vai trò là hướng lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Tại Chỉ thị số 41-CT ngày 22 tháng 9 năm 1998 của Bộ chính trị đã khẳng định “xuất khẩu lao động và chuyên gia là một hoạt động kinh tế xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước… cùng với việc giải quyết việc làm trong nước là chính, xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài góp phần xây dựng đội ngũ lao động trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”. Trong giai đoạn này thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản được mở rộng và liên tục phát triển. Thị trường Nhật Bản chủ yếu nhận lao động theo chương trình tu nghiệp sinh. Chương trình gửi tu nghiệp sinh của Việt Nam được bắt đầu từ năm 1992, đến năm 2003 Việt Nam đưa được khoảng 16.000 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản([4]).

Các nhà chuyên môn phân biệt chất lượng lao động xuất khẩu làm hai loại: Lao động có nghề nghiệp, chuyên môn và lao động không có nghề hoặc bán chuyên nghiệp. Lao động không lành nghề có xu hướng di chuyển từ những nước kém phát triển đến những nước phát triển, còn sự di chuyển của lao động lành nghề lại có hướng ngược lại.

Với Việt Nam, hoạt động xuất khẩu lao động chủ yếu tập trung ở lao động giản đơn (loại không có nghề hoặc bán chuyên nghiệp). Phần lớn lao động không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm khoảng 75% tổng số lao động xuất khẩu. Năm 2002, trong số lao động Việt Nam xuất khẩu có 7.984 người có trình độ từ sơ cấp trở lên và 32.710 lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 7.495 tốt nghiệp cấp III, 12.232 người tốt nghiệp cấp II và 2.953 tốt nghiệp cấp I. Số công nhân kỹ thuật chỉ có 5.058 người, chiếm khoảng 15% tổng số lao động xuất khẩu. Điều tra lao động việc làm năm 2004 cũng khẳng định chỉ có 22,5% tổng lực lượng lao động đã qua đào tạo([5]).  Báo cáo của Cục Việc làm Bộ lao động – thương binh – xã hội cho biết hiện có khoảng 50.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chỉ có 30% trong số này là lao động có nghề([6]).

Song song với việc phát triển xuất khẩu lao động, Việt Nam nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này. Từ Nghị quyết của Chính phủ rồi được nâng lên thành Luật lao động năm 2002 và cuối cùng là Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho quyền lợi người lao động và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Năm 2008, Việt Nam đã đưa 5.200 lao động sang Nhật Bản làm việc([7]). Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay kinh tế thế giới lâm vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong vòng gần nửa thế kỷ qua. Việc cắt giảm đầu tư và tiêu dùng dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản phá sản hoặc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh này, xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản suy giảm là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt lao động Việt Nam có hàm lượng kỹ thuật và chất xám thấp nên nguy cơ họ trở thành đối tượng trong qúa trình cắt giảm nhân lực, tiết giảm chi phí sản xuất là rất lớn.

3. Hướng tới thị trường lao động có trình độ

Có thể thấy rằng hiện nay và trong tương lai Nhật Bản rất cần lao động nước ngoài. Sử dụng lao động nước ngoài là một điều quan trọng nhằm duy trì sức mạnh của Nhật Bản trong bối cảnh tỉ lệ sinh ở quốc gia này giảm, xã hội lão hóa và lực lượng lao động bị thu hẹp. Số dân ở độ tuổi lao động (15- 64) ở Nhật Bản đang giảm nghiêm trọng sau khi tăng lên mức đỉnh điểm 87,2 triệu người năm 1995. Mặt khác, sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng kéo theo suy thoái kinh tế, một trong những phương hướng khắc phục của Nhật Bản là tăng số lượng người lao động nước ngoài([8]). Những động thái của Chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy điều này. Tháng 4 năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một bản báo cáo tạm thời về chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy việc tiếp nhận lao động nước ngoài tại nhiều lĩnh vực vốn không mở rộng với họ. Tháng 5 năm 2006, Hội đồng Chính sách Tài chính và Kinh tế (The Council on Fiscal and Economy Policy), đứng đầu là thủ tướng Koizumi, đã soạn thảo phần cuối của bản chiến lược. Theo như bản báo cáo tạm thời, chính phủ Nhật Bản nên xem xét lại những việc làm không hạn chế đối với người nước ngoài và nới lỏng hơn các qui định khi thuê lao động nước ngoài trong những lĩnh vực dịch vụ, ngành điều trị chăm sóc, cũng như yêu cầu về lao động trong các khu vực tương tự đang tăng do già hóa dân số. Cũng trong năm 2006, Chính phủ Nhật Bản quyết định kéo dài thời gian lưu trú tối đa ở Nhật Bản lên thành 5 năm thay vì 3 năm như trước đây cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư công nghệ thông tin là người nước ngoài([9]). Tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yasuo Fukuda đã chỉ thị thành lập Uỷ ban chuyên gia dưới sự kiểm soát của Chánh văn phòng Nội các nhằm xem xét các biện pháp tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ và tay nghề cao([10]). Hơn nữa, dư luận quốc tế cũng đồng tình với việc sử dụng lao động người nước ngoài tại các nước phát triển hiện nay. Ngày 29 tháng 10 năm 2008, phát biểu tại diễn đàn Di trú và Phát triển toàn cầu lần thứ 2 tại Manila, Philippin, với sự tham gia của đại diện 163 nước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun thúc giục các nước phát triển không nên kiểm soát chặt chẽ lao động nước ngoài, trong đó nhấn mạnh luồng lao động di cư có thể giúp đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khó khăn([11]). Điều này cho thấy Nhật Bản sẽ là một thị trường tốt, có tiềm năng trong tương lai. Cho đến nay, lao động Việt Nam vẫn được phía Nhật Bản đánh giá cao bởi sự cần cù, chịu khó sáng tạo, tiếp thu và hòa nhập nhanh. Bên cạnh đó, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nền văn hóa gần gũi nhất với Nhật Bản. Đây là lợi thế trong công cuộc phát triển xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Quan trọng là nguồn cung lao động Việt Nam phải thích hợp với nguồn cầu ở Nhật Bản.

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, tiếp tục duy trì và phát triển thị trường lao động giản đơn là cần thiết. Quan điểm này thể hiện rõ trong việc triển khai Quyết định 30/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ 61 huyện nghèo thoát nghèo qua kênh xuất khẩu lao động. Song có thể nhận thấy rằng vì là lao động giản đơn nên trình độ văn hóa, học vấn của người lao động thấp, dẫn đến khó thích nghi với điều kiện văn hóa xã hội Nhật Bản. Không ít người thất vọng với hoàn cảnh sống và làm việc nơi xứ người và có nhiều trường hợp phạm pháp xảy ra, gây ra hình ảnh xấu cho Việt Nam. Hơn nữa, lao động có trình độ văn hóa thấp thường dễ bị bóc lột tại xứ người. Ngoài ra, những nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo và do đó hình ảnh của những nước này không sáng sủa trên trường quốc tế. Bởi vậy, xét về lâu dài bên cạnh lao động giản đơn cần phải hướng tới mở rộng thị trường lao động đòi hỏi có trình độ và có thu nhập tốt. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Thanh Hoà đã khẳng định điều này “Cần quan tâm tất cả thị trường, từ bình dân đến chất lượng cao, phải đào tạo một cách bài bản để cung ứng cho các thị trường cao cấp”([12]).

Xét trên khía cạnh pháp lý, sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), xu hướng đưa lao động có trình độ sang Nhật Bản được mở rộng dựa trên khung khổ của luật quốc tế. Theo hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), di chuyển thể nhân là hình thức cung cấp dịch vụ của một nước thành viên thông qua sự hiện diện của thể nhân của nước đó tại lãnh thổ của một nước thành viên khác, là sự di chuyển trên thị trường dịch vụ, theo thoả thuận thương mại, nhằm mục đích thực hiện một hợp đồng cung cấp dịch vụ([13]). Trong đàm phán gia nhập WTO Việt Nam đã có những cam kết cụ thể về thể thức thương mại dịch vụ này.

Điều đáng chú ý là sự khác nhau cơ bản trong vị thế, quyền lợi giữa việc đưa người Việt Nam sang Nhật Bản theo dạng xuất khẩu lao động giản đơn và theo dạng di chuyển thể nhân. Trong xuất khẩu lao động giản đơn là quan hệ làm thuê, người lao động phải phụ thuộc khắt khe về thời gian, nội dung công việc từ phía Nhật Bản theo đúng hợp đồng lao động đã ký kết. Trong di chuyển thể nhân, quan hệ sẽ là giữa người bán và người mua dịch vụ, người lao động Việt Nam sẽ có “thế” hơn. Họ có thể có nhiều đối tác để cung cấp dịch vụ, được hưởng chế độ ưu đãi hơn, lương cao hơn bởi cái họ bán là dịch vụ chứ không đơn thuần là sức lao động. Đây là mô hình xuất khẩu lao động mới thu hút người lao động bởi chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Trên cơ sở này, Việt Nam có thể hướng tới xuất khẩu lao động có trình độ trong lĩnh vực mà Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực. Đơn cử như lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, năm 2006 Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tiếp nhận lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ từ Philippin và Indonexia. Phương hướng này còn thể hiện qua phát biểu của ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản “Hiện nay, hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước đã được ký sau khi hiệp định đối tác song phương giữa hai nước được ký kết, chúng ta có thể mở rộng hợp tác lao động với Nhật ở ngành y tá, hộ lý”([14]). Đây có thể coi là những bước ban đầu hướng tới lao động chất lượng cao, lao động chất xám mà hiện chủ yếu vẫn ở dạng “xuất khẩu tại chỗ” với một số không qúa lớn làm việc cho công ty Nhật Bản ở Việt Nam và số lao động không chính thức là các lưu học sinh đi học rồi ở lại làm việc tại Nhật Bản.

Tóm lại, có thể nói xuất khẩu lao động sang Nhật Bản là một thị trường tốt có thể mở rộng hơn nữa, nhưng Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ càng.  Để ra nước ngoài làm việc, lao động Việt Nam cần phải bảo đảm các yếu tố như trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, sức khoẻ,… Nếu chuẩn bị tốt Việt Nam có thể khai thác nhiều lĩnh vực lao động có trình độ tại Nhật Bản trong tương lai, phát huy tốt nhất lợi thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

PHAN CAO NHẬT ANH

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thương mại, Các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam, Hà Nội 2007.

2. Hồ sơ sự kiện, Chuyên san của Tạp chí Đảng cộng sản, số 60 ngày24 tháng 4 năm2009.

3. Mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2009: “Nếu quyết tâm thì vẫn hoàn thành”.

http://vneconomy.vn/20081217105831403P0C11/muc-tieu-xuat-khau-lao-dong-2009-neu-quyet-tam-thi-van-hoan-thanh.htm

4. Lao động sang Nhật Bản phải chuẩn bị kỹ,

http://vneconomy.vn/20081230113329657P0C11/lao-dong-sang-nhat-phai-chuan-bi-ky.htm

5.   Nhật Bản thu hút lao động nước ngoài có trình độ cao,

http://vietbao.vn/The-gioi/Nhat-Ban-thu-hut-lao-dong-nuoc-ngoai-co-trinh-do-cao/45210980/ 159/

6. Chiến lược sử dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản,

http://www.vntrades.com/tintuc/name-News-file-article-sid-27845.htm

7.    外国人労働者の導入とその社会的コスト.http://www.ier.hit-ac.jp/pie/ Japanese/

discussionpaper/dp2001/dp75/text.

8. 孝道梶田。外国人労働者と日本. 日本放送出版協会, 1994.

9. TS. Nguyễn Thị Hồng Bích, Xuất khẩu lao động của một số nước Đông Nam Á kinh nghiệm và bài học, Nxb KHXH, 2007.

10. An Hưng, Suy thoái kinh tế Nhật Bản những năm đầu 1990 – nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2009.

 

 



([1]) 孝道梶田, 外国人労働者と日本、trang 13 – 14.

 

([2])外国人労働者の導入とその社会的コスト.

http://www.ier.hit-ac.jp/pie/Japanese/discussionpaper/dp2001/dp75/text.pdf#search'.

([3] )http://www.vietnamnet.vn/kinhte/thegioi/2003/12/40001/.

([4]) Xuất khẩu lao động của một số nước Đông Nam Á kinh nghiệm và bài học. 2007, trang 226.

([5]) Xuất khẩu lao động của một số nước Đông Nam Á kinh nghiệm và bài học, 2007, trang 224.

([6]) Hồ sơ sự kiện. Chuyên san Tạp chí Đảng cộng sản số 60 ngày 24 tháng 4 năm 2009, trang 26.

([7]) Hồ sơ sự kiện. Chuyên san Tạp chí Đảng cộng sản số 60 ngày 24 tháng 4 năm 2009, trang 12.

([8]) An Hưng. Suy thoái kinh tế Nhật Bản những năm đầu 1990 – nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 – 2009, trang 20.

([9]) http://vietbao.vn/The-gioi/Nhat-Ban-thu-hut-lao-dong-nuoc-ngoai-co-trinh-do-cao/45210980/159/.

(10) http://www.vntrades.com/tintuc/name-News-file-article-sid-27845.htm.

([11]) Hồ sơ sự kiện. Chuyên san Tạp chí Đảng cộng sản số 60 ngày 24 tháng 4 năm 2009, trang 9.

([12]) http://vneconomy.vn/20081217105831403P0C11/muc-tieu-xuat-khau-lao-dong-2009-neu-quyet-tam-thi-van-hoan-thanh.htm.

([13]) Các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam. Hà Nội 2007, trang 25.

([14]) http://vneconomy.vn/20081230113329657P0C11/lao-dong-sang-nhat-phai-chuan-bi-ky.htm.

0thảo luận