Trang chủ

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

Đăng ngày: 1-12-2013, 11:52 | Danh mục: Hoạt động khoa học » Hội nghị - Hội thảo

Ngày mùng 3 - 4/9/2013, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Senshu và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”. Đây là cuộc hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ các hoạt động chính thức kỷ niệm năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản diễn ra trong tháng 9 năm 2013

 

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

 

Tham dự hội thảo, về phía Nhật Bản có ngài Yasuaki Tanizaki - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, GS.TS.Kenichi Matsuki - Ủy viên thường vụ Hội đồng trường Đại học Senshu, GS.TS.Shunsuke Murakami - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội cùng 18 giáo sư, tiến sĩ thành viên đoàn Đại học Senshu. Bên cạnh đó, hội thảo còn được sự tham gia thuyết trình của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về nghiên cứu Việt Nam học và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản như: GS.TS.Yoshiharu Tsuboi, GS.TS.Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, GS.TS.Satoshi Mizobata, Đại học Kyoto, GS.Kumao Kaneko, Đại học Tokai, GS.TS.Tetsuji Ito, Đại học Ibaraki...

 

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

 

Về phía Việt Nam có GS.TS.Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS.Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện kinh tế Việt Nam, Viện Xã hội học... trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan như: Ban đối ngoại trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư...

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” với rất nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Cách đây hơn 10 thế kỷ Việt Nam và Nhật Bản đã từng có giao lưu về Nho giáo, Phật giáo. Từ thế kỷ thứ 16 đã có rất nhiều thương gia Nhật Bản đến kinh doanh ở Việt Nam. Họ đã quần tụ lại, xây dựng nên “Khu phố Nhật Bản” ở Hội An, nay thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Từ đó đến nay, các mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không những vẫn được duy trì mà còn được củng cố và phát triển liên tục lên các nấc thang mới với rất nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Đặc biệt là kể từ ngày 21 tháng 9 năm 1973, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc, đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển vì lợi ích của hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, sau 40 năm xây dựng và phát triển, trải qua những biến cố thăng trầm gắn liền với những sự kiện ở mỗi nước cũng như khu vực và thế giới, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành những đối tác chiến lược của nhau. Các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện, không chỉ về kinh tế mà đã và đang được mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới với những tiềm năng to lớn. Đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Ngài Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, từ ngày 16-17 tháng 1/2013, chính phủ hai nước đã nhất trí đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lên một tầm cao mới và lấy năm 2013 - “Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” là năm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Phát biểu tại hội thảo, ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản như cây xanh cần được vun trồng, chăm sóc. Quan hệ hai nước xuất phát từ sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước để cùng hợp tác, phát triển. Trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 10 năm tiếp theo, Nhật Bản sẽ thực hiện chính sách mở cửa thị trường lao động tạo cơ hội cho người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực y tế...”.

Về nội dung, hội thảo được chia làm 4 phiên với 16 bài tham luận, gồm một phiên mở đầu và ba phiên chuyên sâu, xoay quanh các vấn đề kinh tế, chính trị - an ninh, xã hội ở mỗi nước và trong khu vực, đồng thời bàn đến khả năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này.

 

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

 

Phiên mở đầu “Những vấn đề chung” với 4 bài tham luận: Báo cáo đề dẫn “40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Đặc trưng nổi bật và triển vọng” của TS.Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổng quan chặng đường 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và gợi mở về các xu hướng hợp tác trong những năm tới. Các báo cáo của GS.Tsuboi, Đại học Waseda về khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phòng vệ, TS.Trần Thị Nhung về hợp tác trong lĩnh vực xã hội, GS.Murakami, Đại học Senshu về vốn xã hội ở Việt Nam và Nhật Bản... đã cho thấy tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước trong các lĩnh vực cụ thể.

Ở các phiên tiếp theo về kinh tế, chính trị - an ninh, xã hội, các bài tham luận của các học giả Việt Nam và Nhật Bản đã đề cập đến vấn đề cụ thể của từng nước trong mối tương quan so sánh với các nước trong khu vực, đồng thời một cơ chế hợp tác toàn khu vực cũng được kiến nghị trong các báo cáo. Mỗi phiên đều dành thời gian cho phần bình luận và hỏi đáp hết sức sôi nổi.

 

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

 

Có thể nói, đây là cuộc Hội thảo quốc tế lần đầu tiên quy tụ được gần 30 nhà khoa học đến từ các trường đại học, các Viện nghiên cứu trên toàn Nhật Bản và hơn 100 nhà khoa học Việt Nam từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy tại Hà Nội. Hội thảo không những góp phần thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013) mà còn là diễn đàn khoa học để các học giả hai nước thảo luận và đề xuất những giải pháp, bước đi thích hợp để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản trong một bối cảnh mới đầy biến động của khu vực Đông Á với rất nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức.

 

Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”

 

Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia trong bối cảnh mới năng động của khu vực Đông Á, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai./.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

0thảo luận